Câu chuyện về công chúa Châu Phi làm công nhân bốc vác ở Sài Gòn trước 1975

Câu chuyện về “cô bé Lọ Lem” nghèo khổ bỗng một ngày nọ “bước một lên mây” tưởng như chẳng thể có thực trong đời thật ra lại không quá hiếm hoi. Ngay tại Việt Nam, từ hơn 50 năm trước đã có một câu chuyện như vậy với hai cô con gái lai Việt – Phi, từ những cô gái nghèo khổ, phải bươn chải kiếm sống trên đường phố Sài Gòn, chỉ sau một chuyến bay, đã trở thành các nàng công chúa được tung hô, được bao bọc trong nhung lụa, có hàng trăm chàng trai tranh nhau ứng tuyển để được làm chồng, khiến bao người ao ước.

Mối tình đứt đoạn của cô gái mới lớn và chàng lính Phi Châu

Đầu năm 1950, trong đoàn lính lê dương Pháp gửi tới Việt Nam có trung sĩ Bokassa, 29 tuổi, người Bắc Phi. Tham gia vào quân đội Pháp từ năm 18 tuổi, Bokassa từng tham gia viễn chinh tại nhiều quốc gia khác trước khi đến Việt Nam.

Theo lời kể của bà Huệ sau này, năm đó cô Nguyễn Thị Huệ chỉ mới tròn 17 tuổi, sống cùng mẹ ở khu chợ Tân Thuận Đông (Nhà Bè), thường phụ mẹ may thêu khăn tay và drap giường đem đi bán. Tình cờ anh lính Bokassa đóng đồn ngay trước cửa nhà cô, hàng ngày thấy cô đi tới đi lui thì đem lòng thương nhớ, bèn nhờ người tới hỏi cô.

Nguyễn Thị Huệ

 

Bokassa lúc còn tại ngũ

 

Bokassa rất chiều người yêu, thường đưa cô lên Sài Gòn chơi khi có thời gian. Rồi chuyện gì đến cũng đến, cô Huệ mang thai và dọn ra ở riêng cùng Bokassa trong một căn nhà thuê gần doanh trại. Khi cô Huệ mang thai được 3 tháng, Bokassa trong lần lái xe đã bị té và phải nằm nhà thương.  Ông dự định về Pháp để chữa trị ngón tay áp út sau tai nạn thì không nắm lại được. Nhưng đứa con trong bụng đang lớn dần nên cô Huệ không muốn cho chồng đi.

Cô Huệ chưa kịp sanh con thì Bokassa nhận được lệnh trở về Pháp theo đoàn quân viễn chinh vì Pháp đã thất trận ở Điện Biên Phủ. Phần vì không có hôn thú phần vì nhiều lý do khác, Bokassa không đưa vợ theo, ông bèn gom góp hết mọi đồng bạc có trong người đưa cho vợ rồi dặn nếu sinh con trai thì đặt Martin, sinh con gái thì đặt Martine, khi nào có cơ hội, anh ta nhất định sẽ quay lại tìm vợ con.

Cuối năm 1954, cô Huệ sinh con gái, theo lời dặn của chồng cô đặt tên con là Nguyễn Thị Martine theo họ mẹ. Vì hai người ở với nhau không có hôn thú nên con gái sinh ra không thể làm giấy khai sinh theo họ cha. Martine được sinh ra với làn da đen nhạt, tóc xoăn,… và nhiều nét giống cha hơn giống mẹ. Không chịu nổi chi phí thuê nhà và một mình nuôi nấng con nhỏ, cô Huệ đưa con quay về nương nhờ mẹ đẻ.

Nguyễn Thị Martine

Để nuôi con, cô Huệ phải bươn chải rất nhiều nghề để kiếm sống, lưu lạc khắp nơi có lúc xuống tận Sa Đéc ở nhờ nhà người bà con và làm ruộng.

Năm 1966, cô Huệ tái hôn, cả gia đình sống ở chợ Nhỏ (Thủ Đức). Cô bé Martine ngoài phụ giúp mẹ buôn bán rau cỏ lặt vặt ngoài chợ còn làm đủ thứ việc khác từ bán báo, bán đậu phộng, bánh mì, trà đá,… đến năm 18 tuổi thì xin vào làm công nhân bốc vác trong nhà máy xi – măng Hà Tiên ở Thủ Đức.

Phi vụ “công chúa giả” 

Năm 1970, Jean Bedel Bokassa, lúc này đã là vị Tổng thống nước Cộng Hoà Trung Phi, đã lên tiếng nhờ Bộ Ngoại Giao Pháp giúp tìm lại đứa con gái thất lạc, kết quả của mối tình thời trẻ ở Việt Nam. Do thời gian đã qua rất lâu, Bokassa với vốn tiếng Việt ít ỏi, lại không nhớ nhà vợ ở đâu nên việc tìm kiếm rơi vào đường cụt.

Bộ ngoại giao VNCH trong lúc thời gian quá cấp bách đã bàn nhau tìm đại một cô gái con lai da đen, tóc xoăn, làm nghề bán dạo trên đường phố Sài Gòn để đóng thế rồi giao cho Bộ Ngoại Giao Pháp đưa đến Trung Phi. Cô gái được mang qua Phi Châu khi đó tên là Baxi, con bà Nguyễn Thị Thân, thường gọi là bà Ba Thân, nhà ở Xóm Gà (Gia Định). Để tránh bị phát hiện, bà Ba Thân tránh mặt, không đi theo con gái đến gặp Bokassa.

Về phía Tổng thống Bokassa, khi nghe tin báo đã tìm được con gái, ông ngay lập tức mua vé máy bay đưa con đến Bangui (thủ đô cộng hoà Trung Phi) để hội ngộ. Sáng ngày 26 tháng 11 năm 1970, Martine giả (tức Baxi) tới Bangui, Bokassa cùng các quan chức cao cấp chờ đón cô con gái thất lạc trong tiếng kèn chào mừng của dàn quân nhạc. Một buổi tiệc mừng long trọng và sa hoa đã diễn ra, Bokassa ôm chặt con gái, vui mừng giới thiệu cô với mọi người.

Bokassa đứng cạnh Martine giả

Câu chuyện cổ tích về cô con gái thất lạc, nghèo khổ của vị tổng thống Trung Phi bỗng một bước lên mây đã trở thành đề tài hút khách khắp các mặt báo chí, nhà nhà người người xôn xao bàn tán.

Câu chuyện tìm con và hình ảnh tổng thống Bokassa phủ khắp các mặt báo. Nghe được tin tức với những cái tên quen thuộc của chồng cũ và con gái, bà Huệ bán tin bán nghi liền tìm mua đến 3 tờ báo có đăng tin về sự việc để tìm hiểu. Khi thấy hình ông Bokassa đăng trên báo, bà mới chắc chắn đó là người đã từng sống cùng mình thời trẻ. Bà bèn nhờ một người hàng xóm là ông Tư Chiều giúp đỡ. Ông này tức tốc xuống Sài Gòn, tới cơ quan chính quyền để trình báo sự việc nhưng người ta cho rằng đây chỉ là trò lừa bịp nên không quan tâm. Không bỏ cuộc, ông Tư Chiều đi thẳng tới tòa soạn báo Trắng Đen xin gặp ông chủ nhiệm Việt Định Phương để nhờ báo chí vào cuộc. Sau khi nghe câu chuyện, những hình ảnh và giấy tờ mà ông Tư Chiều mang tới, ông chủ nhiệm Việt Định Phương ngay lập tức nhận ra đây là một tin tức quý giá, bèn phái ngay hai phóng viên tức tốc xuống nhà Bà Huệ để xem xét sự tình.

Ngay khi báo Trắng Đen ra bài báo đầu tiên về sự việc của cô Martine, tờ báo ngay lập tức bị tịch thu. Trước những luồng dư luận trái chiều và những áp lực đổ ập xuống từ nhiều phía, ngay trong đêm sau khi tờ báo bị tịch thu, ông Việt Đinh Phương quyết định đưa hai mẹ con bà Huệ và cô Martin đi giấu. Theo lời kể của ông Việt Đinh Phương sau này, đó là một tình huống mà ông không thể làm khác, điều ông lo lắng nhất khi đó là mẹ con bà Huệ có thể bị các thế lực khác nhau bắt giữ, bị thủ tiêu hoặc bị tấn công bất lợi. Việc bảo đảm an toàn cho những nhân chứng sống này cũng chính là bảo đảm an toàn cho ông và tòa báo của ông khi sự việc đã được khơi ra.

Bà Huệ và con gái được đưa đến và bí mật ở trong nhà ông Việt Định Phương, khi ông này xoay sở đưa tờ báo trở lại phát hành bình thường, đồng thời tiếp tục phanh phui vụ việc của hai cô Martin giả và thật. Loạt phóng sự điều tra nhiều kỳ này đã đưa báo Trắng Đên trở thành tờ báo in không kịp bán, có số lượng phát hành đứng đầu Sài Gòn, từ 100.000 tờ/ngày lên 160.000 tờ/ngày, rồi 200.000 tờ/ngày.

Nhiều tờ báo khác cũng nhảy vào nhập cuộc nhưng những tin tức độc quyền, “hot” nhất đã nằm trọn trong tay báo Trắng Đen. Phóng viên báo Time (Mỹ) cũng tìm đến báo Trắng Đen xin mua bản quyền hình chụp bà Huệ và Bokassa thời trẻ. Tấm hình chụp lần Bokassa gặp tai nạn xe máy, bị thương ở tay phải băng bó, còn bà Huệ ngồi bên mép giường. Dù giấy khai sinh của Martine để tên cha là vô danh nhưng phóng viên đã tìm thấy giấy chứng sinh của bà Huệ trong cuốn sổ hộ tịch giai đoạn 1955-1956 ghi rõ tên cha của Martine là G. Bokassa.

Khi bắt tay vào phanh phui sự việc Martine giả, báo Trắng Đen phải chịu một sức ép rất lớn từ chính quyền, thậm chí đứng trước nguy cơ bị đóng cửa và bị truy tố nếu tin tức đưa ra không chính xác và Tổng thống Trung Phi không kịp thời xác nhận sự thật. Chính vì vậy, không chỉ cố gắng tìm ra sự thật mà đội ngũ toà soạn báo Trắng Đen còn cố gắng bằng mọi giá, nhanh nhất xác nhận sự thật vì sự tồn vong của tờ báo.

Với sự trợ giúp đắc lực của các mối quan hệ, những hình ảnh và tài liệu chứng minh Martine thật vẫn còn ở Sài Gòn trong tay báo Trắng Đen qua nhiều kênh khác nhau cuối cùng đã đến được tay tổng thống Bokassa. Sau khi có sự xác nhận chắc chắn từ Tổng thống Bokassa, chính phủ VNCH và báo Trắng Đen nhận được công điện của chính phủ nước Cộng Hoà Trung Phi, đồng thời đại diện của tổng thống Trung Phi cũng tới Sài Gòn để xúc tiến việc đưa Martine thật tới gặp cha cô.

Khác với lần rình rang đón rước Martine giả, Martine thật được âm thầm đưa đến Trung Phi. Đoàn đi gồm có 5 người: vợ chồng ông chủ nhiệm báo Trắng Đen Việt Định Phương, hai mẹ con bà Nguyễn Thị Huệ và cô Martine, và một tuỳ viên sứ quán Pháp đi cùng đại diện cho Bộ Ngoại Giao Pháp đồng thời làm thông dịch viên cho đoàn.

Ngày 8 tháng 1 năm 1971, Tổng thống Bokassa đã có buổi tái ngộ đầy xúc động với con gái và vợ cũ trước mặt nội các của ông, quan chức tòa đại sứ VNCH tại Trung Phi và ông chủ nhiệm tòa báo Trắng Đen – Đinh Việt Phương. Sau khi được xác nhận thân phận, cô gái bốc vác Martine ở lại Trung Phi cùng người cha Tổng thống và trở thành công chúa Martine. Bà Nguyễn Thị Huệ trở về Việt Nam với người chồng sau. Theo tin tức khi đó, Tổng Thống Bokassa hứa hẹn sẽ mua nhà và trợ cấp tiền hàng tháng cho bà.

Martine thật (trái) đón mẹ mình là bà Nguyễn Thị Huệ

Về phần Ba-xi (Martine giả), khi mới phát hiện sự giả mạo, Bokassa giận dữ đem cô ra tra hỏi, giám sát. Ông nghi ngờ cô được phe đối lập huấn luyện quân sự với mục đích nhằm vào ông. Tuy nhiên, sau khi nhận lại con gái thật, điềm tĩnh lại, ông quyết định tha bổng Martine giả, đồng thời nhận cô làm con nuôi nhân dịp sinh nhật lần thứ 50 của mình vào ngày 22 tháng 2 năm 1971. Gia đình hoàng gia của Bokassa từ đó có 2 cô công chúa gốc Việt là Martine lớn (con ruột) và Martine nhỏ (con nuôi). Sở dĩ có tên gọi này là vì cô con gái ruột cao hơn còn cô con gái nuôi thấp hơn.

Sau đó không lâu, Bokassa gả chồng cùng lúc cho 2 cô công chúa:

Vinh hoa phú quý, độc tài và tàn bạo

Với xuất thân của mình, cho đến trước năm 1966, hẳn Bokassa cũng không thể ngờ có một ngày ông ta trở thành Tổng thống nước Cộng Trung Phi, sau đó tự xưng là Hoàng Đế Trung Phi, sống trong nhung lụa và quyền lực, vung tiền không tiếc tay.

Bokassa tên đầy đủ là Jean Bedel Bokassa. Ông sinh ngày 22-02-1921 tại làng Bobangui, cách thủ đô Bangui khoảng 80km về phía Tây Nam. Đây là một ngôi làng lớn nằm trong lưu vực Lobaye, là nơi sinh sống của bộ tộc người M’Baka. Bokassa là một trong 12 người con của trưởng làng Mindogon Bokassa và vợ là Marie Yokowo. Dưới áp lực của chính quyền thực dân, trưởng làng Mindogon bắt buộc phải để dân trong làng làm việc cho công ty lâm nghiệp Forestière của Pháp. Không chấp nhận sự o ép, Mindogon quyết định phản kháng bằng cách giải thoát cho một số người đang bị Forestière bắt làm con tin. Mindogon ngay lập tức bị bắt giữ và hành quyết ngay bên ngoài văn phòng quận vào ngày 13 tháng 11 năm 1927.

Một tuần sau, người mẹ trong cơn uất ức và tuyệt vọng cũng đi theo chồng. Thời điểm cha mẹ qua đời, Bokassa đang theo học tại trường tiểu học Sainte Jeane d’Arc ở M’Baiki. Cái tên Jean Bedel cũng bắt đầu xuất hiện trong khoảng thời gian này, nguyên nhân là Bokassa đặc biệt yêu thích một cuốn sách ngữ pháp tiếng Pháp của tác giả Jean Bedel nên các giáo viên bắt đầu dùng tên gọi này để gọi Bokassa.

Nhờ sự tài trợ của các tu viện, Bokassa tiếp tục học lên trung học tại Trường École Saint Louis ở Bangui. WW2 nổ ra, Pháp bị Đức chiếm đóng. Ngày 19 tháng 5 năm 1939, Bokassa hoàn thành việc học, gia nhập Lực Lượng Nước Pháp Tự Do do tướng De Gaulle lãnh đạo. Năm 1944, Bokassa tham gia trận giải phóng vùng Provence (miền nam nước Pháp) nên được thăng cấp từ hạ sĩ lên hạ sĩ nhất và được tham gia các khoá huấn luyện trong quân đội. Khi Bokassa đến Việt Nam vào khoảng năm 1950, cấp bậc của ông là trung sĩ nhất.

Như đã kể ở trên, năm 1954, Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ, Bokassa buộc phải theo quân Pháp rút khỏi Việt Nam. Bokassa tiếp tục phục vụ trong quân đội Pháp tới năm 1960 thì Trung Phi giành được độc lập. David Dacko, một người anh họ xa của Bokassa, vị tổng thống đầu tiên của Trung Phi đã quyết định gọi Bokassa từ Pháp trở về giúp ông nắm giữ quân đội.

Tuy nhiên, ngược với kỳ vọng của Dacko, sau khi nắm giữ được quân đội, Bokassa đã âm thầm gầy dựng mạng lưới thân tín, cùng sự trợ giúp của Pháp đã đảo chính thành công, lật đổ chính quyền Dacko, tự phong là “Thống chế tổng tư lệnh quân đội” và lên làm tổng thống vào tháng 1 năm 1966.

Dù đã hoàn toàn nắm giữ chính quyền Trung Phi, thoải mái tận hưởng lối sống xa hoa mà không bị bất kỳ ai cản trở. Bokassa vẫn chưa thoả lòng tham. Ông liên tục khuếch trương “danh tiếng” của mình bằng nhiều cách khác nhau.

Năm 1972, ông tuyên bố mình là Tổng thống trọn đời của Trung Phi, kiêm nhiệm nhiều chức vị khác nhau của chính quyền như Bộ trưởng Tư Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ,…

Năm 1974, ông tự phong mình là “nguyên soái 7 sao”.

Năm 1976, Bokassa đã quyết định đổi tên nước Cộng Hoà Trung Phi thành Vương Quốc Trung Phi và tự xưng là hoàng đế Trung Phi Bokassa I.

Bokassa tự xưng hoàng đế

Dù kỳ công tổ chức một buổi lễ vô cùng xa hoa và tốn kém với chiếc ngai vàng to lớn nạm vàng ròng, chiếc mũ hoàng đế nạm đầy những viên kim to chói sáng, những chiếc xe đưa rước xa xỉ, đồ trang trí, rượu, thức ăn và lễ phục được thiết kế cầu kỳ đắt đỏ nhập khẩu từ Châu Âu, “hoàng đế” Bokassa vẫn không thể thu phục được lòng người. Ngoại trừ nước Pháp đang nắm giữ việc khai thác các mỏ kim cương tại Trung Phi nhiệt tình tài trợ đến 22 triệu francs để tổ chức lễ đăng quang, hầu hết các vị nguyên thủ, vua chúa các nước láng giềng và đồng minh lân cận đều ngó lơ lễ đăng quang của Bokassa. Toà thánh Vatican cũng từ chối không cho Bokassa làm lễ đăng quang trong nhà thờ chánh toà Bangui.

Dù đã được độc lập, cuộc sống người dân Trung Phi vẫn khó khăn. Trung Phi sở hữu rất nhiều mỏ kim cương, nhưng toàn bộ việc khai khoáng nằm trong tay người Pháp, và thuế thì nộp cho “hoàng đế Bokassa”. Cũng chính vì những mỏ kim cương này mà người Pháp không tiếc tiền cung cấp cho Bokassa, hậu thuẫn cho ông lên “ngôi”. Tuy nhiên tính cách của Bokassa ngày càng lập dị, độc tài, xa hoa khiến dân chúng và cả những người thân thích xung quanh ông tỏ ra bất mãn. Đến lúc này thì người Pháp cũng không còn muốn dung túng Bokassa nữa.

Ngày 20/09/1979, dưới sự hậu thuẫn của người Pháp, David Dacko thành công lật đổ Bokassa và lên làm Tổng thống. Bokassa phải bỏ chạy ra nước ngoài xin tị nạn, nhưng không nước nào chấp nhận ông. Dưới áp lực của Pháp, nước Bờ Biển Ngà đành cho ông ở lại một thời gian trước khi ông đến Pháp, nơi ông vẫn còn một số tài sản.
Trong thời gian sống lưu vong, Bokassa đã viết một cuốn nhật ký phàn nàn việc chính phủ Pháp không trả đầy đủ tiền lương hưu hơn 20 năm phục vụ trong quân đội Pháp của ông. Đồng thời, tiết lộ nhiều vụ bê bối liên quan tới Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing. Vụ scandal này đã khiến cho Valéry Giscard d’Estaing và nhiều người đã từng ủng hộ trước đó mất mặt và khó chịu. Chính quyền Pháp đã hạ lệnh tịch thu và tiêu huỷ 8,000 cuốn hồi ký của Bokassa.

Tại Pháp, Bokassa vốn đã quen với lối sống xa hoa nay túng thiếu tiền bạc, ông bèn làm đơn xin chính phủ Pháp trả ông tiền trợ cấp 6 tháng ông nằm trị thương tại quân y viện Sài Gòn thập niên 1950. Sau khi đơn gửi đi, toà án Pháp bất ngờ quyết định trả lại ông chiếc xe hơi Corvette và chiếc máy bay trị giá 6 triệu France. Bokassa sau khi được nhận lại tài sản thì tiếp tục ôm mộng “bá vương”. Ông bán xe và máy bay để trang trải chi phí và chuẩn bị trốn về Trung Phi.

Năm 1985, tại phía Tây thủ đô Paris, Bokassa tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm cầm quyền trong lâu đài Handricourt với sự tham dự của bầy con đông đúc.

Năm 1986, khi vừa bước chân xuống sân bay Bangui, Bokassa dự định đọc diễn văn xác nhận bản thân vẫn là “Hoàng Đế Bokassa” thì bị chính quyền Dacko bắt giữ. Sau 8 tháng bị giam giữ, Bokassa bị toà án kết án tử hình. Dưới sự can thiệp của chính phủ Pháp, Bokassa được giảm án còn chung thân. Nhưng chỉ 6 năm sau đó, chính phủ Pháp lại một lần nữa can thiệp giúp Bokassa được thả.

Sau khi ra tù, Bokassa sống lay lắt ở thủ đô Bangui trong cảnh nghèo khó. Mỗi khi ra đường, ông đều mặc bộ quân phục “Thống chế Cộng Hoà” với 7 hàng huy chương và mang theo cây gậy mà ông gọi là “cây gậy công lý”.

Ngày 3-11-1996, Bokassa qua đời, thọ 75 tuổi.

Số phận thăng trầm của hai cô công chúa gốc Việt

Trong các bức hình chụp có thể thấy hai cô công chúa Martine thường mặc quần áo giống nhau và được cha yêu thương đồng đều. Khác với Martine nhỏ, Martine lớn tỏ ra có năng khiếu kinh doanh, ngay từ năm 1972, sau khi đến Trung Phi không bao lâu, cô đã mở cửa hàng đồ ăn Việt ở Trung Phi và kinh doanh rất phát đạt.

Năm 1973, Tổng thống Bokassa đã tổ chức kén rể cho 2 cô công chúa gốc Việt khá rình rang tại dinh thự quốc gia với sự tham gia của nhiều quan chức chính phủ và hàng trăm thanh niên Trung Phi tới tuổi cưới vợ. Đám cưới của cả hai cô công chúa cũng được tổ chức chung với nhau cùng trong năm này. Martine lớn kết hôn với vị bác sĩ quân y nổi tiếng Jean Bruno Dévéavode, còn Martine nhỏ thì cưới đại uý Fidel Obrou, là đội trưởng và vệ sĩ riêng của Bokassa.

Không ai có thể ngờ được, số phận của cô công chúa Martine nhỏ (tức Baxi) lại có thể thăng trầm và khốc liệt đến như vậy chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, như một trò đùa quái ác của số phận. Từ một cô gái bán hàng rong trên phố Sài Gòn, cô được đưa đến Trung Phi giả làm công chúa, tận hưởng mọi cuộc đón tiếp đưa rước xa hoa, hào nhoáng nhất thay cô Martine thật. Chưa đầy 1 tháng sau, cô bị tống vào trong tù, rồi lại chỉ 1 tháng sau đó cô được lôi ra khỏi nhà tù, được đưa rước, trọng vọng, sống trong nhung lụa không khác gì một cô công chúa thực sự. Bi kịch thực sự chỉ đến với cô 5 năm sau đó.

Đầu năm 1976, khi “Martine nhỏ” chuẩn bị đón con đầu lòng thì âm mưu lật đổ Bokassa của chồng cô là đại uý Fidel Obrou bị phát giác và bị Bokassa xử tử. Martine nhỏ bị cha sai người đưa đến quân y viện nơi bác sĩ quân y Jean Bruno Dévéavode (chồng Martine lớn) phụ trách để sinh nở. Ngày con trai chào đời cũng là ngày chồng bị hành quyết. Hai tuần sau, đứa trẻ sơ sinh cũng bị thủ tiêu bằng một mũi tiêm độc từ người anh rể là bác sĩ Dévéavode theo lệnh của Bokassa.

Một năm sau từ ngày mất cả chồng con, Bokassa cho “Martine nhỏ” một số tài sản và cho phép cô rời khỏi Trung Phi, trở về Việt Nam sinh sống. Nhưng số phận đã chẳng còn mỉm cười với Martine nhỏ, hai tên cận vệ đưa cô ra sân bay thấy cô mang theo nhiều tài sản quý đã ra tay tàn độc, cướp của, rồi vứt xáᴄ dọc đường.

Năm 1979, sau khi Bokassa bị lật đổ phải trốn ra nước ngoài, bác sĩ quân y Jean Bruno Dévéavode bị chính quyền Dacko xử tử vì tội hại con của “người anh hùng” chống Bokassa là đại uý Fidel Obrou và là đồng phạm “phản quốc” của Bokassa. Martine lớn đưa 3 con cùng một số người trong gia đình Bokassa trốn sang Pháp. Cả gia đình đông đúc sống trong lâu đài Hardricourt, một trong những tài sản của Bokassa tại Pháp.

Sau khi sang Pháp Martine Dévéavode đổi tên thành Martine Kota. Cô sinh được 3 người con: 1 người con trai tên Jean-Barthélémy Bokassa Dévéavode và hai cô con gái lần lượt tên là Marie-Catherine Bokassa Dévéavode và Marie-Jeanne Bokassa Dévéavode. Không chỉ sống tốt và phát triển ổn định tại Pháp, Martine Kota còn đón mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ sang Pháp sống cùng mình.

Hiện Martine Kota đang làm chủ hai nhà hàng lớn ở Pháp, các con cô đều đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định ở Pháp. Cậu con trai Jean-Barthélémy Bokassa Dévéavode (sinh năm 1974) dù đang sống tại Pháp nhưng khá rành tiếng Việt. Anh từng viết một cuốn sách tiếng Anh có tựa đề The Diamonds of Treasons (Những viên kim cương của sự phản bội) để bênh vực cho ông ngoại Bokassa của mình kể về những đức tính tốt của ông nhưng bị chính quyền Pháp phản bội.

Jean-Barthélémy Bokassa, con trai của Martine lớn, sống ở Paris.

Anh từng tâm sự: “Tôi cảm thấy gần gũi với Việt Nam hơn quê nhà nơi Châu Phi. Trong suốt nhiều năm, tôi chỉ nói tiếng Pháp và tiếng Việt với mẹ. Chưa bao giờ tôi nói tiếng địa phương của cộng hoà Trung Phi.”

Jean-Barthélémy Bokassa và hình của ông bà ngoại

Niệm Quân – chuyenxua.net

1 bình luận về “Câu chuyện về công chúa Châu Phi làm công nhân bốc vác ở Sài Gòn trước 1975”

Viết một bình luận