Nhạc sĩ Trần Quang Lộc và hoàn cảnh sáng tác “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội”

Vào thập niên 1990, thời cực thịnh của chương trình Làn Sóng Xanh, có một bài hát của nhạc sĩ Trần Quang Lộc rất được khán giả yêu mến qua giọng hát của nhiều nữ ca sĩ nổi tiếng trong nước: Hồng Nhung, Thu Phương, Mỹ Linh, đó là bài Có Phải Em Mùa Thu Nội.

Có lẽ là hầu hết khán giả yêu nhạc đều tưởng rằng ca khúc này được sáng tác vào thập niên 1990, vì bởi chất nhạc, lời ca, giai điệu rất tương đồng với những bài hát khác viết về Hà Nội trong cùng thời điểm. Tuy nhiên, thực tế là Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội đã được ra đời vào khoảng năm 1972, và người hát đầu tiên trên đài phát thanh chính là danh ca Thái Thanh.


Click để nghe Khánh Ly hát Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội

Vào mùa hè năm 1971, nhạc sĩ Trần Quang Lộc từ Sài Gòn về Đà Nẵng nghỉ hè và có dịp giao lưu với nhóm thơ “Hàn Giang” tại Đà Nẵng. Tại đây, nhà thơ Tô Như Châu đưa cho Trần Quang Lộc xem bài thơ viết về Hà Nội mà ông vừa sáng tác. Dù chưa một lần bước chân đến Hà Nội, nhưng Tô Như Châu đã viết một bài thơ dài đến 5 trang giấy, Trần Quang Lộc xem xong vừa ngỡ ngàng vừa xúc động bởi bản thân ông cũng chưa từng đặt chân đến Hà Nội nhưng đã trót yêu “người Hà Nội” qua những câu chuyện kể, những tác phẩm văn thơ, nhạc họa.

Trong niềm cảm hứng dạt dào, Trần Quang Lộc quyết định mở lời với Tô Như Châu: “Bài thơ hay quá. Anh để em phổ nhạc cho”. Đem thơ về nhà, chỉ trong một đêm, nhạc sĩ đã hoàn thành xong bài nhạc. Từ bài thơ dài đến 5 trang giấy của Tô Như Châu, Trần Quang Lộc chắt lọc lại những ý thơ mà ông tâm đắc nhất, thả vào âm nhạc làm thành một nhạc phẩm nồng nàn, quyến rũ, say đắm lòng người.

Hết kỳ nghỉ, nhạc sĩ Trần Quang Lộc trở lại Sài Gòn và đưa ca khúc cho nữ danh ca Thái Thanh trình diễn đầu tiên. Năm 1972, ca khúc sau vài lần được Thái Thanh hát ở phòng trà và một lần hát trên đài phát thanh Sài Gòn thì bị cấm hát vì nội dung bài hát nói về một chủ đề “nhạy cảm chính trị” thời đó, viết về một Hà Nội ở bên kia chiến tuyến.

Sau đó một thời gian dài Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội đã bị rơi vào quên lãng, chính tác giả cũng không còn nhớ đến, cho đến mãi hơn 20 năm sau đó, vào năm 1994 thì được nhạc sĩ Đức Trí phát hiện ra. Năm đó, nhạc sĩ Đức Trí là người phụ trách thực hiện, hoà âm cho album “Chợt Nghe Em Hát” của Hồng Nhung. Album này có 10 ca khúc hay nhất của hai nhạc sĩ Trần Quang Lộc và Lã Văn Cường. Trong tập nhạc gồm 60 ca khúc của Trần Quang Lộc, nhạc sĩ Đức Trí đã tỉ mẩn xem xét từng ca khúc một và phát hiện ra ca khúc “bị lãng quên” này, dù đã được sáng tác đã rất lâu rồi nhưng có lời ca và giai điệu tươi mới, nên đề nghị nhạc sĩ Trần Quang Lộc để Hồng Nhung trình diễn lại và đưa vào album nhạc.


Click để nghe Hồng Nhung hát Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội

Cùng với thành công tột đỉnh của album “Chợt Nghe Em Hát” với 30 ngàn bản được bán ra chỉ trong một tuần, Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội cũng nhanh chóng trở thành ca khúc hit, được nhiều nghệ sĩ trong nước lựa chọn biểu diễn như Thu Phương, Mỹ Linh, Thanh Lam,.. và Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Ý Lan,… ở hải ngoại. Tuy nhiên, thành công nhất trong số này phải kể đến giọng ca của nữ ca sĩ Thu Phương với hàng loạt giải thưởng danh giá.


Click để nghe Thu Phương hát Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội

Trước thành công bất ngờ của ca khúc cũ tưởng như mãi mãi không được biết đến, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã tâm sự:

“Tôi chỉ là người chắp cánh cho những vần thơ của nhà thơ Tô Như Châu bay lên. Và nếu không có con mắt tinh đời của nhạc sĩ Đức Trí thì có lẽ mãi ca khúc này vẫn nằm trong ngăn kéo. Tôi xin cảm ơn mọi người.”

Tuy nhiên, ai cũng biết rằng đó chỉ là sự khiêm nhường của người nghệ sĩ. Bởi Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội không chỉ cuốn hút bởi những ca từ lãng mạn, thấm đẫm hồn cốt Hà Nội mà còn ngọt ngào, nồng nàn với những giai điệu bay bổng, da diết:

Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm 

Câu hát đầu tiên: “Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?”, rất nhiều ca sĩ đã hát nhầm từ “khởi” thành từ “rơi” mà không hề để ý rằng “khởi” là một từ rất đắt giá. Bởi “tháng tám” là thời điểm chớm thu, “lá khởi vàng chưa nhỉ?” tức là lá đã bắt đầu vàng chưa nhỉ, chứ đầu thu làm gì đã có lá “rơi” vàng để mà hỏi. Nếu câu hát đầu tiên bật ra như một câu hỏi vu vơ thì câu hát thứ hai hé lộ lý do sâu xa đằng sau đó: “Từ độ người đi thương nhớ âm thầm”. Ở đây ta thấy xuất hiện bóng dáng nhân vật trữ tình là một “người đi” đang “thương nhớ âm thầm” về mùa thu Hà Nội.

Nhắc đến Hà Nội, nhất định phải nhắc đến mùa thu. Những mùa thu vàng lãng mạn của Hà Nội đã đi vào thơ, vào nhạc, vào tâm tưởng của những đứa con xa xứ bao thế hệ. Nhân vật trữ tình trong ca khúc cũng đang ngơ ngác nhớ, âm thầm nhớ về một mùa thu xa xăm nhưng vẫn lẩn quất đâu đó trong tâm tưởng. Chỉ một câu hỏi nhỏ cất lên mà nghe như chất chứa bao nỗi lòng hoài vọng, nhớ mong.

Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa?

Việc đặt hai chủ thể hoàn toàn khác biệt nhau là “em” và “mùa thu Hà Nội” cạnh nhau để so sánh đã là một điều kỳ lạ, hiếm thấy. Vậy mà, nhạc sĩ còn táo bạo đem “đồng quy” hai chủ thể này thành một, phải chăng vì ở “em”, ta cũng bắt gặp cái hồn cốt dịu dàng mà quyến rũ của mùa thu Hà Nội, bắt gặp nỗi nhớ, nỗi xuyến xao tương tự như nỗi nhớ về mùa thu Hà Nội. Thứ nỗi nhớ đi vào máu thịt, tâm tưởng, ám ảnh tâm trí, không dễ gì phai nhoà khiến ta dù ở “tuổi phong sương” vẫn “gắng đi tìm” hay vẫn vô thức đi tìm mà không thể lý giải được tại sao.

Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay 

Đoạn hát này có thể được xem là đoạn phiêu bồng nhất, đẹp nhất trong ca khúc. Mùa thu và tình yêu cùng thăng hoa, cùng tình tự, cũng níu giữ nhau trong những khoảnh khắc vừa tự nhiên vừa hư ảo. Đôi tình nhân như được thả vào không gian riêng tư, lãng mạn tuyệt đối không chút vướng bận. Hai câu hát: “Ngày sang thu anh lót lá em nằm” và “Bên trời xa sương tóc bay” thật dịu dàng, đằm thắm và lóng lánh hơn bao giờ hết. Một giấc mơ quá đỗi ngọt ngào và toàn vẹn cho bất kỳ ai yêu tha thiết những mùa thu Hà Nội và mong được một lần cùng người yêu sải bước trên những cung đường mộng mơ ngập lá vàng.

Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá úa và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát 

Giữa những giấc mơ hư ảo, mông lung vẫn là những giây phút suy tư rất “đời” và rất “thực”. Dù mùa thu Hà Nội có xa xăm trong mộng tưởng, ta vẫn chắc chắn rằng em là có thực và ta có em. Em đưa ta tới những rung cảm sâu xa nơi nguồn cội, đưa ta tới gần hơn với những Hà Nội xưa rất xưa, tới tận hồn Trưng Vương và dòng sông Hát. Bởi vì có em, những rung cảm, yêu thương xưa cũ với Hà Nội, về Hà Nội được sống lại và cuộn trào mạnh mẽ trong ta.

Đến đây, hẳn nhiều người sẽ tự hỏi, em là ai? Sao lại có sự liên tưởng và khơi gợi lạ kỳ giữa tình yêu trai gái và tình yêu với một vùng đất như vậy. Xin hãy quay trở lại với lời bộc bạch của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, rằng thời điểm đó ông có phải lòng một cô gái Hà Nội. Dù sau này, trong một cuộc phỏng vấn cùng với vợ, ông bảo đó chỉ là một cô gái Hà Nội trong tưởng tượng. Nhưng dù là trong tưởng tượng hay có thật đi chăng nữa thì “em” ở đây chắc chắn phải là một cô gái Hà Nội, mang bóng dáng Hà Nội xưa trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ, điệu bộ, phong thái, trong hồn cốt con người.

Bài hát cũng nhắc tới hình ảnh rất lạ: Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát.

“Sông Hát” gợi nhớ đến tích xưa, khi Hai Bà Trưng thất trận, thua Mã Viện hồi giữa thế kỷ thứ I và cùng nhau trầm mình xuống dòng Hát giang. Ngày nay sông Hát nằm ở đoạn Sông Đáy tiếp giáp với Sông Hồng, là dòng thượng lưu sẽ chảy về đến Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây. Như vậy hồn thiêng của Hai Bà Trưng sẽ được xuôi dòng về Hà Nội, đó là ý nghĩa của câu hát: “nghìn năm sau ta níu bóng quay về”:

Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về
Ơi mùa thu của ước mơ…

Cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1949 tại Gio Linh, Quảng Trị, đã bắt đầu sáng tác khi mới 17 tuổi. Tuyển tập nhạc đầu tiên của ông được phát hành vào năm 1970 tại Sài Gòn mang tên Hát Trong Dòng Sông Xưa.

Ngoài ca khúc Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội sáng tác trước 1975, nhạc sĩ Trần Quang Lộc còn là tác giả của Về Đây Nghe Em (thơ A Khuê), ra đời cũng từ năm 1972 và đã được Elvis Phương hát trong băng Shotguns, nhưng cũng như Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội thì Về Đây Nghe Em thực sự nổi tiếng và được đông đảo công chúng biết đến vào thập niên 1990. Có thể thấy âm nhạc của Trần Quang Lộc có giá trị vượt thời gian, qua 20 năm nhưng vẫn làm cho khán giả tưởng như là mới sáng tác.

Nhạc sĩ đã tự nói về cuộc đời của mình như sau:

“Tôi được sinh trưởng tại một vùng quê nghèo ở Quảng Trị, nơi được mệnh danh là đất cày lên sỏi đá, là nơi hứng chịu biết bao nhiêu đau thương. Từ nhỏ tôi đã mê âm nhạc, thường hay theo mẹ đến nhà thờ để nghe nhạc thánh ca. Tuổi thơ của tôi đã được sống trọn vẹn trong những tiếng ru, giọng hò của miền Trung và những bài thánh ca thấm dần.

Khi lớn lên, tôi may mắn được tốt nghiệp trường nhạc ở Huế, sau đó thì vào Sài Gòn để học. Những năm tháng bắt đầu đi học đó, tôi tập sáng tác. ban đầu tôi chỉ nghĩ viết chơi để thỏa mãn giấc mơ của mình. Duyên may, vài nhạc phẩm của tôi được nhiều người biết đến. Từ đó, như là 1 nghiệp dĩ, tôi trở thành người mang nợ đem âm thanh viết thành ca khúc dâng tặng cho đời. Đến nay tôi có khoảng hơn 600 ca khúc với nhiều thể loại khác nhau”.

Sau năm 1975, cũng như nhiều đồng nghiệp thời đó, nhạc sĩ Trần Quang Lộc tạm gác lại niềm đam mê để lao vào cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền. Lúc này nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn còn ở trong nước và thường xuyên gặp gỡ Trần Quang Lộc. Hai người đã hợp tác chung trong một ca khúc mà sau này được danh ca Duy Trác hát vào đầu thập niên 1990 là Còn Tiếng Hát Gửi Người.


Click để nghe Duy Trác hát Còn Tiếng Hát Gửi Người

Trong cuốn Bông Hồng Tạ Ơn, nhà văn – nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn viết về Trần Quang Lộc như sau:

“Trước 1975, có một nhóm văn nghệ sĩ tạm gọi là nhóm Ban Mê thuột, mà Trần Quang Lộc là 1 thành viên, đã quy tụ được một số người trẻ có tài như Vũ Hữu Định, Kim Tuấn, A Khuê, Phan Ni Tấn, Nguyễn Đình Hiếu, Hoàng Quân Hoàng Khởi Phong. Họ không họp thành nhóm, chỉ thỉnh thoảng tụ họp đọc hay hát cho nhau nghe những bài thơ mới, những ca khúc vừa viết xong.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc (trái) bên mộ thi sĩ Vũ Hữu Định

Sau biến cố 1975, họ hầu hết còn rất trẻ, tản mác mỗi người một phương. Người đi được, kẻ lưu lạc về Sài Gòn, tiếp tục đi học tại các trường đại học, một số đi cải tạo, làm lao động, làm ruộng, làm rẫy, một số khác không có công ăn việc làm gì cả, lang thang, lếch thếch, sống theo cái kiểu ghé đâu là nhà, ngã đâu là giường. Chính trong thời gian này Trần Quang Lộc viết được rất nhiều nhạc. Gần như mỗi dịp gặp lại nhau, bạn bè đều được Trần Quang lộc hát cho nghe những sáng tác mới.

Phải nói thêm Trần Quang Lộc là một “nhân vật kỳ lạ”. Có những bài ai nghe cũng thích. Anh có giọng hát rất hay, dù chơi Tây ban cầm không có gì xuất sắc, nhưng tự đệm cho mình hát thì phải nói là tuyệt vời. Trong giọng hát của Lộc có cái buồn dằng dặc của những ngày tháng người ta không biết đi đâu, về đâu. Cái buồn chia tay, cái buồn gặp lại. Hình như người ta không sống với nhau được nữa, vậy mà người ta vẫn phải tồn tại, vẫn phải ăn, cười, nói, và phải giễu cợt tất cả các điều ấy, coi nhẹ hết thảy những điều ấy”.

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Quang Lộc

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sống cả đời với người vợ từ thuở hàn vi là Nguyễn Thị Thuận. Thời trẻ bà là hoa khôi ở Huế, sau này cùng học trung học ở Đà Nẵng, họ từng đàn hát cho nhau nghe trên bãi biển Mỹ Khê, đôi khi xưng “mày – tao” vì cùng tuổi. Sau này, cả 2 cùng vào Sài Gòn học đại học và gặp lại nhau. Ra trường, họ nên duyên dù cha mẹ bà Thuận phản đối vì không thích con gái yêu một nhạc sĩ.

Ảnh: báo Tiền Phong

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc cùng vợ sống phần lớn thời gian ở Bà Rịa. Cuối thập niên 1990, ông gom góp tiền xây một căn nhà cấp 4 ở địa chỉ 179 Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, Bà Rịa.

Ngày đó vì không đủ tiền nên căn nhà phải được xây đến mấy lần cách quãng mới xong. Ban đầu chỉ có phòng khách, sau đó mới xây thêm bếp và sân. Vì vậy gạch nền trong nhà có đến mấy loại khác nhau.

Cũng tại căn nhà nhỏ này, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã từng mưu sinh bằng việc mở một lớp nhạc nhỏ để dạy piano, guitar, organ, bass, cũng như hướng dẫn sáng tác, hòa âm, thu âm.

Góc làm việc của nhạc sĩ. Ảnh: báo Tiền Phong

Lớp học chỉ là những bộ bàn ghế được lắp ghép nhiều loại. Khi nhạc sĩ lâm bệnh hồi 6 năm trước, ông không dạy được nữa, bàn ghế lớp học cũng phải dọn đi để chừa chỗ cho ông nghỉ ngơi.

Tháng 5 năm 2020, trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi nghe bác sĩ nói rằng bệnh của ông khó có khả năng cứu chữa được nữa, nhạc sĩ Trần Quang Lộc có nguyện vọng trở về căn nhà nhỏ của mình, rồi qua đời bình yên tại đây trong vòng tay của gia đình.

Bài: Đông Kha – Niệm Quân
(chuyenxua.net)

Viết một bình luận