Xem lại phim “Xa Lộ Không Đèn” vào 50 năm trước với diễn xuất của Thanh Nga

Vào năm 1972, hãng Rạng Đông Films đã công chiếu ở Sài Gòn cuốn phim Xa Lộ Không Đèn của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn mang đề tài xã hội, mô tả một Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề vì binh lửa, xã hội bị băng hoại, những đạo lý bị đổ vỡ…

Diễn viên chính trong phim là nghệ sĩ Thanh Nga, cùng sự góp mặt của những tên tuổi nổi tiếng trong làng nghệ thuật Sài Gòn là Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Năm Châu, Túy Hoa, Trần Văn Trạch, Trang Thanh Lan, Dũng Thanh Lâm…

Phim khai thác những khía cạnh đen tối của xã hội Sài Gòn thời bấy giờ, bên cạnh những phồn hoa rực rỡ còn có một thế giới đầy u ám song song tồn tại.

Nhân vật chính là Liễu (Thanh Nga đóng), là chị cả trong gia đình nhà giáo sinh sống trong một xóm nghèo nhập cư. Người cha là một ông giáo nghèo (Hoài Trung đóng), xem trọng danh dự hơn cả mạng sống. Tiền lương không đủ nuôi gia đình có 6 đứa con đang tuổi ăn học, thương vợ vất vả gánh cháo bán rong nhưng thường là bán ế, ông phải vay mượn mua xe máy để chạy xe ôm kiếm thêm tiền trang trải, làm việc nhiều đến nỗi bị lao lực.

Gia đình của Liễu là một tiêu biểu của những di dân ở Sài Gòn thập niên 1970, khi vùng quê đã không còn thanh bình vì lửa binh tràn tới, người dân quê lũ lượt để kéo nhau lên Sài Gòn, như là đi tìm một miền đất hứa. Nhưng cuộc sống ngày càng khó khăn, không phải gia đình nào cũng trụ lại được ở chốn phồn hoa đô hội. Cuốn phim đã phản ánh những mặt đen tối nhất của thời cuộc đó.


Click để xem trọn vẹn cuốn phim Xa Lộ Không Đèn năm 1972

Xa Lộ Không Đèn ví cuộc đời như là một xa lộ, nơi đó mọi người lướt qua nhau một cách vô tình, những cái lướt quá nhanh nên dù người ta có muốn dừng lại nói chuyện với nhau cũng không thể. Xa Lộ đó không có viễn cảnh tươi sáng, vì đó là xa lộ không đèn, đầy bóng tối, nhiều cạm bẫy. Cuốn phim nói về bước trượt dài đầu đời của một thiếu nữ vốn hiền lành, con nhà gia giáo, vì hoàn cảnh cuộc sống khó khăn nên bị cô gái bị đưa đẩy đến những khía cạnh đen tối nhất của đời người: Làm vũ nữ, mất đi đời con gái, ngoài ra Liễu đã bị cha từ mặt vì không thể chấp nhận như vậy trong một gia đình nhà giáo. Dù vậy Liễu vẫn thương cha mẹ và các em, tìm cách trả nợ cho cha mẹ.

Một bước ngoặt xảy đến với cô vũ nữ Liễu, đó vì ăn chia không đều nên cô chấm dứt hợp tác với tên vũ sư, người đã đào tạo và dắt mối để cô kiếm tiền. Để trả thù, người vũ sư này đã lừa đưa Liễu vào một băng đảng để nhóm này cưỡng bức. Sau khi chạy thoát được, Liễu tập hợp những người bạn hippie, trở thành nữ quái đứng đầu, quay lại làm phi vụ đánh cắp số hàng buôn lậu của băng đảng này rồi lấy tiền chia nhau, dự định là sẽ giải tán nhóm để về sống cuộc đời bình thường.

Nhưng rồi băng nhóm kia đã bắt được một thành viên trong nhóm Liễu rồi truy tìm được những người còn lại và đều bị thanh trừng đẫm máu.

Liễu là người may mắn duy nhất không bị mất mạng, nhưng bị thương nặng. Cô cố gắng tìm đường về nhà, gia đình đã đưa Liễu đi nhà thương để cứu sống…

Bộ phim kết thúc ở đó. Nhân vật chính còn một con đường để trở về với thiện lương, trong bàn tay lúc nào cũng giang rộng bao dung của gia đình.

Ngoài vai chính của Thanh Nga, phim Xa Lộ Không Đèn còn quy tụ những tên tuổi gạo cội của làng sân khấu, kịch trường, đó là Hoài Trung (ban Thăng Long, anh ruột của Thái Thanh, Thái Hằng), nghệ sĩ Năm Châu, Túy Hoa, quái kiệt Trần Văn Trạch, danh hề Phi Thoàn, tài tử Dũng Thanh Lâm, và ca sĩ Trang Thanh Lan, lúc này chỉ 19 tuổi, đóng vai Diễm em gái của Liễu.

Trong phim có một cảnh cô vũ nữ Liễu trong trang phục “thiếu vải”. Nghệ sĩ Thanh Nga xưa nay nổi tiếng là người kín đáo, không thể nào đồng ý tự quay cảnh đó, nên đạo diễn đã mời một vũ nữ thứ thiệt đến đóng thế, quay cảnh phía sau lưng. Thành ra có sự việc là nếu quay thấy mặt Thanh Nga thì chỉ thấy phần đầu, còn quay cảnh múa thấy toàn thân thì chỉ thấy phía sau lưng. Đây là một kỹ xảo đơn giản nhưng thời đó người xem phim không nhiều người biết được. Cô vũ nữ đóng thể này tên là Lệ Tuyền, làm việc ở Đệ Nhất khách sạn.

Nhạc sĩ Y Vân là người phụ trách chính phần âm nhạc cho phim Xa Lộ Không Đèn, với ca khúc mang cùng tên với phim, từ đó cho đến nay đã trở thành ca khúc nhạc vàng nổi tiếng:

Trên xa lộ mênh mang trên xa lộ cô đơn
Ôi xa lộ bóng tối im lìm
Tìm có người tìm tình yêu mất đi không còn đến.

Trên xa lộ đêm đen trên xa lộ đua chen
Ôi xa lộ sống ᴄhêt vô tình
Tình hỡi cuộc tình người đi vết xe đang lăn tròn.

Cuộc đời sao tăm tối như xa lộ không đèn
Cuộc đời sao u ám như xa lộ tối đen
Một người trong cõi sống
Một người sang cõi ᴄhêt
Chỉ là giọt nắng sớm, cánh sương đêm.

Trong rất nhiều phân cảnh trong phim, giai điệu bài hát Xa Lộ Không Đèn được cất lên, thể hiện những phận đời giống như một xa lộ tối đen. Cách dựng phim này làm cho người xem nhớ đến những cuốn phim điện ảnh nổi tiếng của Holywood được công chiếu ở Sài Gòn thời đó, như The God Father, hoặc là Love Story, đều có giai điệu bài nhạc phim được rải đều trong phim, tạo thêm dấu ấn cho chuyện phim.


Click để nghe Phương Dung hát Xa Lộ Không Đèn trước 1975

Ca sĩ đầu tiên hát ca khúc Xa Lộ Trong Đèn là Carol Kim ở trong đoạn đầu của phim, và người thành công nhất với Xa Lộ Không Đèn có lẽ là Phương Dung trong cuốn băng Hương Quê. Nửa thế kỷ đã trôi qua, người ta có thể đã quên đi phim Xa Lộ Không Đèn, nhưng ca khúc này đã trở thành bất tử và được nhiều người nhớ đến.

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận