36 phố phường Hà Nội là tên thường gọi khu vực đô thị cổ nằm bên trong và bên ngoài khu phố cổ Hà Nội. Nơi đây là khu dân cư sinh hoạt và buôn bán sầm uất hình thành từ thời Lý – Trần. Đặc trưng nhất của khu phố cổ là các phố làng nghề và những ngôi nhà cổ, mang đậm nét kiến trúc Việt Nam truyền thống. Ngày xưa, những người thợ thợ thủ công từ khắp các làng nghề quanh kinh thành Thăng Long đều tụ tập về đây buôn bán, họ chia theo từng khu vực và tập trung chuyên bán các mặt hàng chính của làng nghề mình.
Tên của các dãy phố phường nơi đây được đặt theo tên của sản phẩm buôn bán chính tại đó, cộng thêm chữ “Hàng” phía trước. Ví dụ như phố Hàng Bông vốn có nhiều nhà làm nghề bật bông, bán mền bông, chăn đệm; phố Hàng Gà là nơi tập trung các cửa hàng bán các loại gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, gà tây…. Thuở ấy, các thương nhân từ nhiều nước có thể vào thẳng khu vực này để buôn bán, tạo ra một không khí rất đông vui, náo nhiệt. Nếu ai đã có dịp xem qua bộ phim Long thành cầm giả ca thì hẳn có thể mường tượng ra không khí cổ kính của kinh thành Thăng Long ngày trước.
Thực ra, số lượng phố phường của Hà Nội được biết đến nhiều hơn con số 36. Thời nhà Lê, Hà Nội có 36 phường, nhưng sau đó đã mở rộng ra nhiều, và những con phố mang tên “Hàng” lên đến con số hơn 50, tuy nhiên người ta vẫn thường gọi là Hà Nội 36 Phố Phường, cái tên khắc sâu vào tâm thức người dân nhiều thế hệ thông qua tác phẩm cùng tên của nhà văn Thạch Lam.
Ngoài ra, có một trong số các bài ca về 36 phố phường được ghi trong sách “Việt Nam thi văn hợp tuyển” của Dương Quảng Hàm có nội dung như sau:
“Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng
Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà
Quanh đi đến phố hàng Da
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.”
Sau đây là những hình ảnh về các phố mang tên “Hàng” ở khu vực phố cổ Hà Nội được chụp cách đây khoảng 100 năm:
Đặc trưng nổi tiếng nhất của khu phố cổ là các phố nghề. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình. Các thuyền buôn có thể vào giữa phố để buôn bán trao đổi, khiến các phố nghề càng phát triển. Và chính sản phẩm được buôn bán trở thành tên phố, với chữ “Hàng” đằng trước, mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng.
Hiện nay, một số phố vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc… Ngoài ra một số phố tuy không giữ nghề truyền thống, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch…
Phố HÀNG BẠC – Rue des Changeurs
Phố Hàng Bạc nằm trong khu vực phố cổ Hà Nội. Vào thời thuộc Pháp cuối thế kỷ XIX phố có tên tiếng Pháp là Rue des changeurs (phố của những người đổi tiền).
Nguồn gốc của cái tên gọi này được kể lại rằng có một người tên Lưu Xuân Tín được nhà vua cho phép mở lò đúc bạc thành nén cho triều đình, kéo người trong họ hàng và người làng Trâu Khê (hay Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang – Hải Dương) ra đây mở phường đúc bạc, thành lập trường đúc ở số nhà 58 Hàng Bạc. Căn cứ theo nội dung ghi tạc trên tấm bia đặt tại đình Dũng Hãn (ở số nhà 42) thì phố Hàng Bạc được thành lập vào thời nhà Lê hoặc sớm hơn một chút. Thời kỳ này, Hàng Bạc thuộc về phường Đông Các, huyện Thọ Xương. Vào thời Nguyễn, đất Hàng Bạc thuộc thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội
Nghề kim hoàn truyền thống trên phố Hàng Bạc ngày nay có lịch sử phát triển từ một làng nghề khác ở Bắc Bộ, đó là làng Làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Dưới triều vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), vị quan thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín, ông vốn là người làng Châu Khê, được triều đình giao việc thành lập một xưởng đúc bạc nén (đơn vị tiền tệ dùng để trao đổi lấy hàng hoá) ở kinh thành Thăng Long (là Hà Nội ngày nay).
Đầu thế kỷ 19, khi triều Nguyễn chuyển vào Huế có mang theo theo cả xưởng đúc bạc nén vào trong đó. Bấy giờ, phần lớn thợ Châu Khê còn ở Thăng Long vẫn tiếp tục với nghề kim hoàn truyền thống của mình, họ thành lập phường thợ ở tại phố Hàng Bạc ngày nay.
Ngoài ra, Hàng Bạc còn tập trung cả thợ vàng bạc ở Ðịnh Công và Ðồng Tâm tới lập nghiệp
Qua những thời kỳ thăng trầm phát triển nghề, không chỉ người thợ làng gốc, ngay cả người Châu Khê đang làm ăn sinh sống ở phố Hàng Bạc vẫn rất gắn bó, hỗ trợ nhau từ nghề nghiệp, buôn bán, đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng.
Sống ở “phố” nhưng họ vẫn giữ tình “làng”, cứ đến ngày 19 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhiều gia đình lại trở về để cùng dự hội làng, làm lễ dâng hương báo công với Đức Thành Hoàng và giỗ Tổ nghề kim hoàn.
Từ năm 1945 phố được đổi tên thành Hàng Bạc. Không còn cái tên Pháp trước đó nữa.
Phố HÀNG BÔNG – Rue du Coton
Phố Hàng Bông hiện nay (tiếng Pháp: Rue du Coton). Hàng Bông trước kia gồm nhiều đoạn phố, có tên riêng:
– HÀNG HÀI, còn có tên gọi trong dân gian là Hàng Bông Hài, ở trên đất thôn Cổ Vũ, đoạn từ phố Hàng Gai đến phố Hàng Mành: có những cửa hàng bán giày hài, nón, đồ thờ điện bằng giấy.
Hài thật có đế bằng gỗ vông, mũi bằng lụa thêu kim tuyến. Hài giả bằng giấy ngũ sắc trang kim dùng cho việc thờ cúng. Đoạn phố này có đền Phúc Hậu thờ ông tổ nghề tráng gương nên còn được gọi là Hàng Gương.
– HÀNG BÔNG ĐỆM trên đất thôn cũ Kim Bát Hạ, đoạn từ đầu Hàng Mành đến phố Hàng Da: có nhiều nhà làm nghề bật bông, bán mền bông, chăn đệm.
– HÀNG BÔNG CÂY ĐA CỬA QUYỀN, trên đất mấy thôn cũ Đông Mỹ – Thương Môn Đông Hạ, đoạn từ góc Hàng Da – Quán Sứ đến ngõ Hội Vũ, có ngôi miếu nhỏ thờ Cô Quyền, cạnh miếu có cây đa cũng gọi cây đa Cô Quyền hoặc cây đa Cửa Quyền, hiện ngôi miếu đã bị sét đánh đổ và cây đa bị đốn.
– HÀNG BÔNG LỜ, từ ngõ Hội Vũ đến Cửa Nam, đất thôn cũ Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm (sau là Vĩnh Xương): bán các loại đó, đơm, lờ đánh cá. Xưa hơn nữa thì nơi đây chuyên nhuộm màu xanh nên có tên là phố Hàng Lam.
– HÀNG BÔNG NHUỘM, đoạn phố ngắn cuối phố Hàng Bông trông ra cạnh phía đông của vườn hoa Cửa Nam trên đất thôn cũ Đông Mỹ. Hồi đầu thế kỷ 20, người phố này gốc làng Huê Cầu và Liêu Xá (huyện Yên Mỹ, Hải Hưng) có nghề nhuộm thâm các loại vải lụa.
Lần ngược lịch sử xa hơn nữa về thời chúa Trịnh, phố Hàng Bông nằm trong quần thể vương phủ của chúa Trịnh Tùng, khởi dựng vào năm 1595. Thời đó vương phủ gồm 52 cung, phủ, điện, đài, vườn ngự uyển, hồ, trại lính, trải từ Cửa Nam, Hàng Bông, vòng Bà Triệu tới hồ Hale, có 3 cửa chính: cửa chính nam là phố Bà Triệu, Tuyên Vũ Môn (có Ngũ Long Lầu, cao 70m, là Bưu điện Hà Nội ngày nay) và Diệu Đức (thông ra phố Cửa Nam).
Khoảng năm 1781, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác lên kinh chữa bịnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán đã đi qua phố Hàng Bông. Trong Thượng kinh ký sự, ông chép vào thành qua cửa Vũ Quan:
“từ cửa cung Khánh Thụy qua đình Quảng Minh, rồi qua cửa Đại Hưng, theo đường phía hữu (bên phải) đi hơn nửa dặm nữa thì đến dinh quan Chính Đường”.
Đoạn đường rẽ tay phải này nhiều khả năng chính là phố Hàng Bông ngày nay.
Phố HÀNG NÓN – Rue des Chapeaux
Sở dĩ phố này gọi là Hàng Nón là bởi vì thời xưa, phố có bán các loại nón thời cổ rộng vành. Ngày nay mặt hàng chủ yếu của phố này là bán chăn ga gối đệm.
Phố Hàng Nón đã có từ thời Lê Trung hưng. Thời Pháp thuộc phố có tên là Rue des Chapeaux, dịch từ chữ Hàng Nón. Từ năm 1945, phố này chính thức được gọi là phố Hàng Nón. Phố Hàng Nón trước đây nằm trên đất thôn Yên Nội – Đông Thành, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.
Phố Hàng Nón dài 216m, chạy từ phố Hàng Quạt đến phố Đường Thành. Xưa kia, đoạn đầu chính là phố Mã Vĩ (vì ở đây có làm phục trang, mũ mãng, cờ quạt cho quan lại và đạo cụ biểu diễn nghệ thuật… những thứ dùng đến đuôi ngựa) cũng gọi là Hàng Nón trên.
Đoạn cuối mới là nơi làm và bán các loại nón và gọi là phố Hàng Nón.
Phố HÀNG BÈ – Rues des Radeaux
Ban đầu phố Hàng Bè vốn là một khúc của con đê cũ, khi dòng chảy còn ở sát chân đê, các bè gỗ và những vật liệu làm nhà từ miền ngược trở về đây bán. Do đó khúc đê này có tên là Hàng Bè, chợ trên đê là chợ Hàng Bè.
Thời Pháp thuộc phố đã có tên là phố Hàng Bè (Rues des Radeaux). Phố được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Nam Hoa, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương.
Ngày nay, phố Hàng Bè là một trong những con phố cổ của Hà Nội, đi từ ngã ba Hàng Mắm – Hàng Bạc đến ngã tư Cầu Gỗ – Hàng Thùng, nối tiếp phố Hàng Dầu. Phố Hàng Bè thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm – thành phố Hà Nội.
Phố HÀNG CÓT – Rue de Takou
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, phần lớn cư dân sinh sống ở con phố này làm nghề đan cót và buôn bán cót (một loại phên mành được đan ghép bằng nguyên liệu bóc tách từ cây tre và cây nứa). Vì vậy tên gọi Hàng Cót được hình thành từ năm 1945 cho đến nay.
Thời Pháp thuộc phố được đặt tên theo tiếng Pháp là Rue Takou.
Hàng Cót được xây dựng trên nền vị trí đất xưa thuộc thôn Tân Lập – Tân Khai, tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Theo di chỉ trên một tấm bia đặt tại chùa Thái Cam (16 phố Hàng Gà) thì thôn Tân Lập – Tân Khai được lập từ năm 1822. Thời bấy giờ cư dân ở đây chủ yếu làm nghề đan và bán cót. Người đan cót làm việc ở ngoài vỉa hè ngay trước cửa nhà mình. Tuy không phải là phố lớn ở Hà Nội, nhưng Hàng Cót có sự tập trung dân cư sinh sống khá đông do nằm ở vị trí giao thương buôn bán thuận tiện, là trung tâm gần cầu Long Biên và chợ Đồng Xuân.
Tuy nhiên, thời kỳ đó Hàng Cót chưa thực sự là một phố buôn bán lớn. Chỉ bao gồm những cửa hàng lơ thơ trên phố buôn bán mang tính chất manh mún, phục vụ nhu cầu cấp thiết của cuộc sống người dân khu vực xung quanh. Để mua sắm đầy đủ hơn người ta thường đến chợ Đồng Xuân, cách Hàng Cót chưa đầy 0,1 km.
Phố ĐỒNG XUÂN – Rue du Grand Marché – Rue du Riz
Phố Đồng Xuân từng mang tên là Hàng Gạo, vì vậy tên thời Pháp thuộc là Rue du Riz (Riz là gạo). Trên con phố này có ngôi chợ nổi tiếng nhất Hà Nội là chợ Đồng Xuân, tên thời Pháp là Grand Marché (Chợ Lớn), vì vậy phố này cũng có tên là Rue du Grand Marché.
Tiền thân của chợ Đồng Xuân là hai ngôi chợ cổ của Thăng Long xưa là chợ Bạch Mã và chợ Cầu Đông. Chợ trên ở cạnh đền Bạch Mã (nay là số 76 phố Hàng Buồm). Chợ dưới ở cạnh chùa Cầu Đông (nay là số 38B phố Hàng Đường). Cả hai đều ở trên bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền tấp nập. Pháp sau khi chiếm Hà Nội, năm 1889 đã lấp sông Tô, mở phố xá mới, đã dồn 2 chợ mới trên bãi đất trống ở cạnh đình Đồng Xuân.
Ngôi chợ mới có năm vòm cửa và năm nhà dài 52m, cao 19m, mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.
Phố HÀNG MÃ – Rue du Cuivre
Thời Pháp thuộc, phố Hàng Mã được đặt tên chung là Rue du Cuivre với phố Hàng Đồng ngày nay.
Dân ở đây gồm một số gia đình người làng Tân Khai đến định cư mở cửa hàng bán giấy và đồ mã dùng cho công việc cúng lễ theo tập tục phương Đông, và đồ hàng giấy dùng trong trang trí.
Phố Hàng Mã thời Pháp vẫn có nhiều nhà bán đồ đồng, về sau này các hộ dân sống ở đây mới chuyển hẳn sang bán đồ cúng lễ và đồ trang trí bằng giấy.
Công việc buôn bán trên phố Hàng Mã thực sự đông đúc bắt đầu trước ngày Rằm tháng 7 Âm lịch khoảng một tháng, và từ ngày 24 tháng Chạp ngay sau lễ Tết Ông Công ông Táo đến tận trưa ngày 30 Tết Âm lịch
Khi người Pháp đặt chân lên Bắc Kỳ (1872), phố có tên tiếng Pháp là Rue du Cuivre. Nơi đây có nghề thủ công truyền thống làm đồ mã dùng cho công việc cúng lễ và đồ trang trí bằng giấy.
Phố HÀNG MẮM – Rue de la Saumure
Phố được gọi tên là Hàng Mắm vì nơi đây xưa kia chuyên bán các loại mắm cá và thủy sản khác. Nhiều cửa hàng trên phố bày bán mắm tôm đặc để trong chậu sành; mắm tôm loãng đựng trong vại; nước mắm đựng trong những kiệu lớn cao bằng đầu người, chôn xuống đất, đậy nắp, đong bằng thùng gỗ bán dần và cả cua rang muối… Hàng ở đây chủ yếu là bán buôn đi các tỉnh.
Thời Pháp thuộc, phố được gọi là Hàng Mắm – Rue de la Saumure. Sau 1945, phố được đặt chính thức là phố Hàng Mắm cho tới nay.
Phố HÀNG TRỐNG – Rue Jules Ferry
Phố Hàng Trống được xây dựng từ phần đất của nhiều thôn xóm cũ: đoạn giáp phố Hàng Gai là đất thôn Cổ Vũ; đoạn giữa là thôn Khánh Thụy Hữu và đoạn cuối là thôn Tự Tháp. Tất cả các thôn này đều thuộc tổng Tiền Trúc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ.
Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán: trống cái, trống con, trống bàn, trống cơm, trống bồng… Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp.
Các cửa hàng làm trống, làm lọng, in tranh đều nằm ở đoạn đầu và đoạn giữa phố. Còn đoạn cuối phố là các cửa hiệu thêu của những người vùng đất Quất Động, Hướng Dương (huyện Thường Tín, Hà Sơn Bình).
Phố Hàng Trống ngày này còn hai ngôi đền cổ. Ở giữa phố, số nhà 82, là đền Đông Hương còn gọi là đền Hàng Trống. Đền này thờ một đào nương. Còn ở cuối phố, số nhà 75 là đình Nam Hương, chủ yếu thờ thần Bạch Mã và Linh Lang.
Trong hình là Trụ sở của tờ Đông Dương Tạp chí (Hôtel de l’Avenir du Tonkin), trên đường Jules Ferry, nay là tòa soạn báo Hà Nội Mới trên phố Lê Thái Tổ.
Đông Dương Tạp chí là tờ báo tiếng Việt đầu tiên xuất bản tại Hà nội. Chủ nhiệm tờ báo này là ông François Henri Schneider người Pháp gốc Đức.
Chủ bút là học giả Nguyễn Văn Vĩnh (hiệu Tân Nam Tử), ông quê gốc ở xã Phượng Dực , phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.
Phố HÀNG NGANG – Rue des Cantonnais
Nguồn gốc tên gọi của phố Hàng Ngang vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Thời nhà Lê, người Hoa Kiều tập trung bán hàng chè, thuốc, nhà giàu có thì bán vải vóc, gấm đoạn, nhiễu, sa tanh. Về sau có thêm cửa hàng bán vải của người Ấn Độ.
Phố Hàng Ngang xưa thuộc phường Diên Hưng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương thành Thăng Long. Thế kỷ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam.
Đến thế kỷ 19 có tên là phố Việt Đông, phố những người Hoa Kiều Quảng Đông. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.
Thời Pháp thuộc tên phố là Rue des Cantonnais (phố người Quảng Đông), có đường tàu điện bánh sắt chạy qua giữa phố.
Phố HÀNG LƯỢC – Rue Sông Tô Lịch
Phố Hàng Lược xưa chạy dọc sông Tô Lịch cũ nên có tên là phố Sông Tô Lịch. Khi không còn bến sông, người dân sống phụ thuộc vào chợ Đồng Xuân.
Đầu thế kỷ 19, các thương gia từ Ấn Độ và các nước Trung Đông đã đến miền Bắc Việt Nam để mua bán vải vóc và trao đổi tiền tệ. Theo thống kê, những năm 1830, có khoảng 1.000 người Ấn ở khu vực Đông Dương. Họ là nhóm thương gia giàu có và nắm giữ thị phần lụa, vải vóc lớn.
Tại Hà Nội, nhóm người này sống tập trung ở khu Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, năm 1885, nhóm cộng đồng người Ấn từ Bombay (nay là Mumbai, Ấn Độ) đã quyên tiền để dựng Thánh đường Hồi giáo Al Noor.
Công trình chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1890. Nhà thờ khá nhỏ, với diện tích khoảng 700 m2, nhưng những nơi thờ phượng được xây dựng theo phong cách Hồi giáo điển hình, với một mái vòm, cửa cong và tháp nhọn.
Phố HÀNG ĐÀO – La rue de la Soie
Phố Hàng Đào từng được xem là con đường tơ lụa. Từ thế kỷ 15, 16 người dân ở nhiều nơi, đặc biệt từ Đan Loan Hải Dương, tới Hà Nội đã lập nên phường Đại Lợi chuyên nghề nhuộm tơ lụa. Hàng Đào lúc bấy giờ trở thành một trung tâm tơ lụa sầm uất của kinh thành Thăng Long.
Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Khi đó dọc phố có lắp đặt đường ray tàu điện bánh sắt chạy từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vườn hoa Hàng Đậu. Ngày nay đường ray tàu điện không còn nữa. Khoảng năm 1925, vải tây thắng thế, quá nửa phố cho thuê bán vải tây, hàng truyền thống vắng hẳn. Rồi dần dần phố không còn bán vải nhuộm màu nữa, các chủ hàng có nhiều vốn chuyển sang các loại hàng cao cấp, xa xỉ.
Trong khoảng 100 năm, hình ảnh quen thuộc của phố Hàng Đào là tuyến đường sắt đi chính giữa lòng đường.
Phố Hàng Đào có 2 dãy nhà cổ rất đẹp, cũng là nơi có nhiều hình ảnh nhất của Hà Nội được chụp đầu thế kỷ 20:
Phố HÀNG GAI – Rue de Chanvre
Phố Hàng Gai nguyên là đất phường Đông Hà (nửa phố phía Đông) và phố Cổ Vũ (nửa phố phía Tây), đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ.
Ở phố này có hai ngôi đình cổ: đình Đông Hà ở số nhà 46, thờ Quý Minh là một người con của Sơn Tinh, có công chống Thủy Tinh; đình Cổ Vũ ở số nhà 85 thờ Bạch Mã cùng Linh Lang. Tuy vậy hai ngôi đình này cho tới nay đã bị biến thành nhà tư và trường mẫu giáo.
Phố Hàng Gai đời xưa chuyên bán các thứ dây gai, dây đay, võng, thừng…Nhưng từ thế kỷ XIX, nghề in sách đã du nhập vào con phố này. Nhiều cửa hàng khắc ván, in sách và bán sách mở ra, đã đẩy các hàng bán dây gai lên phường Đông Thành, phố Bát Đàn.
Tên phố thời Pháp thuộc là rue de Chanvre nơi đặt hai dinh sở lớn là Dinh Kinh lược sứ Bắc Kỳ và Dinh công sứ Pháp
Phố Hàng Gai nguyên là đất phường Đông Hà (nửa phố phía Đông) và phố Cổ Vũ (nửa phố phía Tây), đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ. Phố ngày nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.
Phố HÀNG QUẠT – rue des Eventails
Phố Hàng Quạt nguyên thuộc đất thôn Tố Tịch và thôn Thuận Mỹ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay là phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Phố gồm ba phố cũ rất nhỏ gộp lại: nửa phía đông là phố Hàng Quạt (cũ) và Hàng Đàn, nửa phía tây là phố Mã Vĩ. Sau 1945 đã chính thức hóa tên phố Hàng Quạt. Phố ngày nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.
Đoạn đầu phố cũng gọi là Hàng Quạt, xưa có những cửa hàng vừa bán quạt do mình sản xuất và của cả những nơi khác chở đến nữa. Nghề làm quạt do một số người dân gốc làng Đào Xá, tên nôm là Đầu Quạt (tỉnh Hưng Yên) đem tới. Họ cư trú ở đây, làm quạt, lập đình thờ vị tổ nghề họ Đào.
Đoạn giữa phố Hàng Quạt vốn có tên Hàng Đàn vì xưa kia nhiều nhà làm và bán các loại đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, nhị, hồ… Hồi đó gần như không có cửa hàng lớn, mà chỉ có những gia đình thợ thủ công sống về nghề mộc.
Sau khi Pháp sang Hà Nội, phố có tên là “rue des Eventails”. Từ đầu thế kỷ 20 chủ yếu các cửa hàng ở đây làm và bán những đồ gỗ chạm như long đình, kiệu bát cống, song loan… Sau nữa chuyển sang làm đồ gỗ thông thường như bàn, ghế, tủ, chạn…
Phố HÀNG HÒM – rue des Caissea
Nghe đến tên Hàng Hòm, nhiều người liên tưởng đến hòm đám ma. Nhưng thực chất, hòm ở đây là rương đựng đồ.
Phố Hàng Hòm nguyên là đất thôn Cổ Vũ Thượng, tổng Tiến Túc (sau là tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ. Phố ngày nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.
Khoảng giữa thế kỷ 19, một số người dân làng Hà Vĩ là một làng có nghề làm đồ gỗ sơn thuộc huyện Thường Tín ra đây mở cửa hiệu làm hòm, rương. Ban đầu làm những hòm sơn đen đựng quần áo, những tráp sơn đen đựng giấy tờ… Về sau mới làm những hòm gỗ kiểu mới như vẫn còn thấy hiện nay.
Người dân làng Hà Vĩ ra đây đã lập ra một ngôi đình, gọi là đình Hà Vĩ, ở số nhà 11, thờ ông tổ nghề sơn. Đó là ông Trần Lư, người làng Bình Vọng (Thường Tín), sinh năm 1470, đỗ tiến sĩ năm 1502 (theo sách “Toàn Việt thi lục” thì ông mất năm 1540). Trần Lư đã dạy nghề sơn cho dân làng Bình Vọng, và từ đây nghề này đã lan tỏa ra các làng quanh vùng
Tên phố này thời Pháp thuộc là rue des Caissea.
Phố HÀNG THIẾC – rue des Ferblanties
Từ xưa, phố Hàng Thiếc nổi tiếng với nghề đúc thiếc làm đồ gia dụng, những sản phẩm nổi tiếng khi đó là lư hương, ấm pha trà, khay đựng… Đến những năm giữa thế kỷ 20, do nhu cầu về đồ thiếc không còn nhiều, người thợ chuyển sang làm đồ sắt tây. Những thùng đựng dầu hỏa do người Pháp mang sang là nguyên liệu chính để gò chậu giặt, gáo múc, thùng gánh nước… Bởi vậy người Pháp đặt tên phố là Rue des Ferblanties (Phố thợ làm hàng sắt tây). Nhưng người dân Hà Nội vẫn quen gọi tên cũ là Hàng Thiếc.
Sau này, thợ trên phố còn làm cả hàng từ tôn, kẽm tạo ra những sản phẩm gia dụng bền đẹp. Trong những năm gần đây, nhiều cửa hàng bán sản phẩm làm từ vật liệu mới là inox, phục vụ đời sống gia đình.
Những năm 1930-1940 là thời hoàng kim của phố Hàng Thiếc. Bên cạnh nghề gia công kim loại còn có những cửa hàng làm gương, kính. Con phố nhỏ nhưng hoạt động buôn bán sản xuất luôn tấp nập. Hiện tại, do sự cạnh tranh của nhiều mặt hàng nhựa, người thợ ở đây cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, song phố vẫn bền bỉ sống với nghề.
Ngày nay, phố Hàng Thiếc không như không còn căn nhà cũ nào.
Phố HÀNG TRE – rue des Bambous
Phố Hàng Tre nằm trên dải đất cát bồi ven sông Hồng khi chưa có con đê bao quanh. Nhà cửa thưa thớt, chủ yếu mặt phố được dùng làm bãi chứa gỗ, tre và xây xưởng cưa xe, dựng chuồng nhốt bò, ngựa kéo xe chở vật liệu xây dựng. Người Pháp sang đây thấy vậy nên cũng đặt tên là Rue des Bambous, nghĩa đen giống nghĩa tiếng Việt.
Phố nằm gần sông Hồng nên chuyên bán tre nứa, gỗ nên có tên Hàng Tre. Cuối thế kỉ 19, phố này từng có tên là Hàng Cau, vì đoạn đầu phố chuyên bán cau tươi, cau khô chở bằng thuyền bè từ các tỉnh về cho đến thời Pháp thuộc có những công trình lớn xây dựng trên phố Bờ Sông nên người buôn bán cau phải chuyển hoạt động về Hàng Bè.
Phố HÀNG ĐIẾU – rue des Pipes
Hàng Điếu thời trước có bán các loại điếu hút thuốc lào như điếu ống bịt bạc, bịt vàng, điếu bát, điếu cày… Đến đầu thế kỷ XX chỉ còn lại vài ba nhà bán điếu, lúc này các cửa hàng chủ yếu làm và bán đồ da. Cũng là đồ da nhưng Hàng Điếu khác với phố Hà Trung. Bên phố Hà Trung làm yên ngựa, cặp sách, túi đựng súng… bằng da Tây cứng, còn Hàng Điếu thì làm giày dép bằng da Ta, ban đầu là dép quai ngang, giầy da lộn… sau mới làm giày dép kiểu Âu bằng da Tây.
Thời Pháp thuộc, phố này có tên gọi rue des Pipes, năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Điếu.
Phố HÀNG ĐỒNG – rue des Cuivre
Thời xưa, phố Hàng đồng là một nơi duy nhất cung cấp mâm, soong, nồi, chảo được gia công bằng vật liệu đồng cho cả kinh thành Thăng Long. Từ những vật dụng thông thường đó, sau này những người thợ gò đã cải tiến, làm ra cả những mâm giả cổ, quả cầu, đĩa mỹ nghệ bằng đồng để dùng trang trí… Ngoài ra người dân ở đây còn kinh doanh những mặt hàng là đồng đúc như hạc, đỉnh, lư hương, bát hương, lọ hoa được thu mua lại từ các làng nghề Hè Nôm (Hưng Yên), Ngũ Xá (Hà Nội).
Phố HÀNG ĐẬU – rue des Graines
Phố có tên là Hàng Đậu bởi xưa có bán nhiều loại đậu hạt. Đầu phố là cửa Ô Phúc Lâm, còn gọi là Ô Tiền Trung hay Ô Hàng Đậu. Xưa, phố này thuộc đất của thôn Phúc Lâm, tổng Tả Túc và thôn Nghĩa Lập, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Ngày nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc, phố này vẫn gọi là phố Hàng Đậu (rue des Graines).
Ngay đầu phố Hàng Đậu là tháp nước Hàng Đậu, nằm ở ngã sáu các phố Hàng Đậu – Hàng Than – Quán Thánh – Phan Đình Phùng – Hàng Cót – Hàng Giấy. Năm 1894, tháp nước được xây dựng bằng đá từ phế liệu phá thành Hà Nội. Tháp trông như một pháo đài gồm ba tầng, hình trụ tròn đường kính 19m, cao 25m, mái tôn hình chóp nón, xung quanh có những cửa sổ nhỏ gôtích như lỗ châu mai. Trong tháp, những bức tường đá được xây cách đều như nan hoa của chiếc bánh xe, có cửa thông để đi vòng quanh. Trên những bức tường này là những bể chứa nước bằng tôn, gọi là chòi nước. Mỗi chòi có thể chứa được 1.250m3 nước. Nước từ đây đi thẳng vào thành, nơi quân đội thực dân Pháp đóng và phân phối nước về các khu phố khác. Tháp nước này bị bỏ không từ năm 1954.
Phố HÀNG BỒ – rue des Paniers
Phố Hàng Bồ là nơi tập trung các cửa hàng bán dụng cụ đan bằng tre nứa như bồ, sọt, thúng mủng. Vào những dịp Tết Nguyên Đán hàng hoá truyền thống được chất đầy trên phố, kẻ mua người bán tấp nập.
Thời Pháp thuộc, phố Hàng Bồ có tên gọi “Rue des Paniers”, Việt hóa từ chữ bồ, sọt.
Phố HÀNG BUỒM – rue des Voiles
Cư dân ở con phố này sống bên cạnh bờ sông Hồng và sông Tô Lịch nên làm nhiều nghề liên quan đến sông nước. Sản phẩm chủ yếu là bị, giỏ, chiếu, buồm, mành…
Vào thế kỷ 19, người Hoa Quảng Đông từ khu vực phố Hàng Ngang mở rộng đến tận đây, và dần dần thao túng cả phố. Hội quán Quảng Đông lập tại phố này.
Phố HÀNG ĐƯỜNG – rue du Sucre
Phố Hàng Đường vốn là một con đê có từ trước thế kỉ 15, nằm trên địa bàn thôn Đông Hoa Nội và Hậu Đông Hoa Môn (sau nhập lại thành Đức Môn) và Vĩnh Thái (sau đổi là Vĩnh Hanh), tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long. Phố ngày nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.
Xưa kia hàng hóa đặc trưng của phố là các loại bánh kẹo, hàng làm từ mật, đường mía, đường phèn. Đường phèn từ Quảng Ngãi, đường mật mía từ các vùng qua tay lái buôn rồi đem đến phố bán lẻ hoặc chế biến thành các loại bánh kẹo. Những tháng tấp nập nhất là trước Tết và Rằm trung thu.
Ngày nay tại phố Hàng Đường vẫn còn nhiều cửa hàng bán mứt kẹo, đặc biệt là ô mai ngon có tiếng.
Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue du Sucre, đường xe điện bánh sắt Bờ hồ – Đồng Xuân chạy qua phố.
Hiện nay phố là đường một chiều theo chiều từ Hàng Ngang đến Đồng Xuân. Phố nằm trong tuyến phố đi bộ vào các buổi tối cuối tuần.
Phố HÀNG CHIẾU – rue Jean Dupuis
Phố Hàng Chiếu được xây trên thôn Thanh Hà cũ của huyện Thọ Xương. Ngày xưa, nơi đây bán nhiều chiếu cói và còn có bán cả bát (nên còn có tên là phố Hàng Bát). Đình thôn Thanh Hà trước ở gần kề cửa Ô Quan Chưởng, năm 1817 sửa chữa cửa ô, mở rộng thêm đường nên được di dời vào số nhà 77 Hàng Chiếu nhưng mặt chính lại quay ra số 10 ngõ Gạch; thờ ông Trần Lựu, tướng đời nhà Trần.
Thời Pháp, phố có trên là (Rue Jean Dupuis), là nơi chuyên buôn súng ống đạn dược cho quân đội Pháp (phía đầu phố). Tại phố này, Francis Garnier đã tiến vào hạ thành Hà Nội của tướng Hoàng Diệu.
Đây là con phố đầu tiên mà Pháp cho xây dựng theo kiểu Tây sau khi chiếm được Hà Nội, có vỉa hè, cây xanh, cột đèn như bên Pháp. Đây là phố đầu tiên ở Hà Nội có kiến trúc kiểu tây nên người dân quen gọi là phố Mới.
Ở đầu phố Hàng Chiếu là Ô Quan Chưởng, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long xưa, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ.
Phố HÀNG DA – rue des Cuirs
Thời xưa, phố này có bán các loại da trâu, bò thuộc. Đây là nơi bày bán, còn nơi sản xuất (tức thuộc da) thì ở trong khu vực giữa ngõ Tạm Thương và phố Yên Thái vì nơi đó có nhiều bãi rộng thuận tiện cho việc phơi phóng.
Đầu phố Hàng Da có chợ cùng tên. Chợ Hàng Da là chợ nhỏ, kiểu chợ làng, bán rau cỏ và chủ yếu bán da trâu bò sống được phơi khô. Trong chợ thì chỉ có vài cái lều tạm cho nên các gánh hát hay gánh xiếc thường thuê chợ để diễn vào buổi tối. Mãi tới khoảng năm 1937-1938 mới xây cầu chợ, chợ từ đó mới định hình.
Giữa phố Hàng Da có một ngôi đình, gọi là đình Vũ Du, nay là số nhà 42, là nơi thờ ông Lê Công Hành, ông tổ nghề thêu. Thời Pháp thuộc, tên con phố là rue des Cuirs.
Bên trên là sơ lược nguồn gốc tên gọi của một số con phố trong phố cổ Hà Nội. Trong nhiều thế kỷ, các con phố mang tên Hàng trở thành nơi buôn bán sầm uất. Nó đã được hình thành từ thời Lý – Trần, nằm ở phía đông của hoàng thành Thăng Long ra đến sát sông Hồng. Đầu đời Lê, trong sách Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi cũng đã đề cập đến tên một số phường nghề tại đây. Dưới thời Lê, đặt phủ Phụng Thiên gồm hai huyện là Vĩnh Thuận và Thọ Xương, thì khu này nằm gọn trong bốn tổng Túc của huyện Thọ Xương là Tiền Túc, Hậu Túc, Tả Túc, Hữu Túc. Bên ngoài khu vực là vòng thành Đại La có trổ các cửa ô.
Thời Lê, giữa khu này có một số đầm hồ, lớn nhất là hồ Thái Cực. Sông Tô Lịch nối với hào thành, các đầm hồ, thông với hồ Hoàn Kiếm và sông Hồng cũng ở khu vực này. Đến cuối thế kỉ 19 thì các sông hồ đó hoàn toàn bị lấp, nhưng vẫn còn để lại dấu tích qua các địa danh: Hà Khẩu, Giang Khẩu, Cầu Gỗ, Cầu Đông.
Thời Lý – Trần, dân cư từ các làng quanh đồng bằng Bắc Bộ tụ tập về khu vực này sinh sống, tạo thành khu phố đông đúc nhất kinh thành. Đến đời Lê, dần dần đã có một số Hoa kiều buôn bán ở đây, hình thành nên các khu phố Tàu.
Thời Pháp thuộc, sau khi lấp toàn bộ các đầm hồ, khu phố được chỉnh trang, người Ấn, người Pháp cũng đến đây buôn bán. Hai chợ nhỏ được giải tỏa để lập chợ Đồng Xuân, Đường ray xe điện Bờ hồ – Thụy Khuê cũng chạy xuyên qua đây.
chuyenxua.net biên soạn