Vào năm 1913, “trường dạy vẽ” (Ecole de Dessin) được thành lập, thường gọi là “Trường Vẽ Gia Định”, là tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật ngày nay.
Trường Vẽ Gia Định có trụ sở ở ngã 3 Chi Lăng – Nguyễn Văn Học của tỉnh Gia Định (tên đường thời Pháp là Avenue de l’Inspection – route Coloniale no.1, nay là đường Phan Đăng Lưu – Nơ Trang Long), là tòa nhà tồn tại trong hơn 100 năm, từ 1913 cho đến khi bị đập bỏ năm 2015. Ngã 3 ở chỗ này cũng quen gọi là ngã 3 Trường Vẽ.
Trước đó, sau khi chiếm được Gia Định, Pháp bắt đầu quy hoạch Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và khi xây dựng các công trình kiến trúc, đồ trang trí trong các tòa nhà, dinh thự thường là phải chuyển từ Pháp sang, từ cái lớn cho tới cái nhỏ là cái bàn, ghế, tủ… rất mất thời gian, giá thành cao. Trong khi đó, khi tiếp xúc với người Việt, vào các gia đình quyền quý thì người Pháp thấy đồ trang trí nội thất rất đẹp, có tính mỹ thuật cao, chứng tỏ nghệ nhân người bản xứ cũng khéo tay, có thể chế tác được những đồ vật tinh xảo. Từ đó, người Pháp cho thành lập các trường mỹ nghệ để đào tạo nghệ nhân phục vụ cho việc xây dựng thành phố.
Năm 1901, trường Mỹ nghệ đồ mộc được thành lập ở Thủ Dầu Một, đào tạo thơ đóng bàn, ghế, tủ… Năm 1907, trường Mỹ nghệ đồ gốm và đúc đồng được thành lập ở Biên Hòa, đào tạo nghệ nhân làm loại gốm theo kiểu cũ của Trung Hoa. Hai trường này chủ yếu là thực hành, học lý thuyết chiếm thời gian rất ít.
Để bổ túc chương trình giáo khoa cho hai trường đó, và để đào tạo học viên cho các ngành tiểu thủ công nghiệp, năm 1913 người Pháp cho thành lập trường dạy nghề vẽ tại trung tâm của tỉnh Gia Định, gần Tòa Bố. Trường được ra đời từ ý tưởng và sáng kiến của hai người kà L’Helgovach và Garnier, nhưng người có công lao nhiều nhất đối với trường từ những ngày đầu vận động thành lập trường tới thời gian điều hành trường trong buổi đầu và làm cho trường ngày càng phát triển, chính là kiến trúc sư ngành Công chánh tên là André Joyeux, giữu chức hiệu trưởng suốt 13 năm (1913-1926). Ông có bằng Artiste Peintre, được giải thưởng La Mã (Prix de Rôme, sau này KTS Ngô Việt Thụ cũng được giải này).
Ban đầu, tên của trường này là Trường Mỹ thuật bản xứ Gia Định (Ecole d’Art Indigènes de Gia Dinh), sau đổi tên thành trường Dạy Vẽ và Điêu khắc Gia Định (Ecole de Dessins et de Gravures de Gia Dinh), người Việt thường gọi chung thành trường Vẽ Gia Định.
Trường được khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 14/10/1913 với 15 học viên, ban đầu nội dung giảng dạy chuyên về nghề in và ấn loát thạch bản.
Trường Vẽ Gia Định tuyển sinh khắp các tỉnh Nam kỳ, học sinh trúng tuyển được cấp học bổng học không tốn tiền, mỗi khóa học 4 năm. Trong năm đầu học viên chỉ học hội họa tổng quát, cuối năm sát hạch đánh giá kết quả học tập để chọn ra một phần ba số học viên giỏi ở lại trường tiếp tục học các ngành chuyên môn như trang trí, khắc đồng, li tô… Số hai phần ba còn lại kia chia về hai trường ở Thủ Dầu Một và Biên Hòa nhắc đến bên trên để tiếp tục học nốt 3 năm cuối.
Cuối khóa học viên đủ điều kiện sẽ được dự thi tốt nghiệp, nếu thi đậu sẽ được cấp bằng tốt nghiệp có ghi ngành chuyên môn đã học và được công nhận là họa viên (Dessinateur), có đủ khả năng và điều kiện đến làm việc tại các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, hoặc làm công chức họa viên ngành Địa chánh và Công chánh.
Trường vẽ Gia Định ngày càng phát triển nhờ đội ngũ giảng viên có tâm huyết với nghệ thuật, đến năm 1917, trường vẽ Gia Định đổi tên thành trường Mỹ thuật Trang trí Gia Định (Ecole d’Arts Décoratifs de Gia Dinh), trở thành trường Mỹ Thuật duy nhất ở Đông Dương được xếp vào loại “trường Trung học đệ nhất cấp”, đặc biệt là được nhận vào là hội viên của “Hiệp hội Trung ương trang trí Mỹ thuật Paris”. Đây là cột mốc quan trọng vì là lần đầu tiên học sinh của trường được tiếp xúc với hội hoạ phương Tây.
Trường bắt đầu đào tạo có hệ thống, có phương pháp khoa học, thay cho cách đào tạo truyền nghề, và những giáo sư tâm huyết làm việc này, bên cạnh người Pháp thì cũng có người Việt góp công là ông Huỳnh Đinh Tựu, Lưu Đình Khải, Đỗ Đình Hiệp…
Từ năm 1937, dưới sự lãnh đạo của họa sĩ Claude Lemaire, hiệu trưởng của trường, cùng với lực lượng ban giảng huấn được tăng cường, chương trình học được cải tổ phong phú hơn với các môn: Vẽ khỏa thân, trang trí tổng quát, kiến trúc cơ bản, phối cảnh. Đặc biệt môn học ký họa được cải tiến, tổ chức cho học viên hàng tuần thực hiện những bài thực tập ký họa tự do, không có giảng viên hướng dẫn. Từ năm học thứ 2, trường tuyển chọn những học viên giỏi được thực tập sáng tác ở các xưởng chuyên ngành sơn mài, tranh lụa, tranh sơn dầu.
Nghị định ngày 25/1/1940 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên trường thành trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định (Ecole des Arts appliqués de Gia Dinh). Trường có ba ban chuyên môn: Ban hội họa mỹ thuật, ban hội họa kiến trúc, ban hội họa ấn loát.
Thời gian này trường mở một phòng triển lãm thường trực để giới thiệu những tác phẩm của học viên và bắt đầu nhận đơn đặt hàng vẽ các loại sản phẩm như trang trí, tranh sơn mài, tranh lụa, tranh sơn dầu cùng các loại ấn phẩm như bích chương, danh thiếp…
Năm 1940, trường vẽ Gia Định được đổi tên thành “Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định” (Ecole des Arts appliqués de Gia Định). Từ đây chương trình đào tạo của nhà trường dần dần được cải thiện, thêm môn trang trí tổng quát, luật viễn cận… Đặc biệt thêm môn học ký hoạ, nhờ thế mà trường đã đưa học sinh thâm nhập thực tế cuộc sống, phản ánh cuộc sống của nhân dân lao động trong những tác phẩm nghệ thuật.
Năm 1945, Nhật đảo chánh, trường ngưng hoạt động, đến 1946 thì hoạt động trở lại, nhưng chỉ cầm chừng vì tình hình chính trị phức tạp. Từ năm 1948, trường mới được chấn chỉnh lại tổ chức, củng cố lại ban giáo sư, mời các giáo sư cũ trở lại giảng dạy và tăng cường thêm một số giáo sư mới như Bùi Văn Kỉnh, là cựu học viên tốt nghiệp của trường, công Nguyễn Văn Vi là chuyên gia ấn loát. Từ thời gian này, ngoài việc chú trọng rèn luyện chuyên môn cho học sinh, nhà trường còn mở mang thêm kiến thức phổ thông qua các môn văn, toán, sinh ngữ, thẩm mỹ học, lịch sử mỹ thuật.
Ngày 31/12/1954, bên cạnh trường Vẽ Gia Định, chính quyền miền Nam thành lập thêm Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, nằm sát bên trường Vẽ Gia Định, với 2 ban đào tạo chính là Hội họa và Điêu khắc.
Bảy họa sĩ có tên tuổi, xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (thuộc Viện Đại học Đông Dương ở Hà Nội), gồm các ông Lê Văn Đệ, Nguyễn Văn Long, Lưu Đình Khải, Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Quế, Lê Yên và Bùi Văn Kinh đã lần lượt đảm đương trọng trách hiệu trưởng của trường. Riêng ông Lưu Đình Khải từng làm hiệu trưởng ở cả hai trường.
Ngôi trường mới này chuyên đào tạo về nghệ thuật tạo hình với chương trình học 3 năm, qua các chuyên khoa: Sơn dầu, Sơn mài, Lụa, Điêu khắc. Đây là nơi để tiếp tục nâng cao trình độ cho các học sinh, những người đã từng học ở ba trường Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Gia Định.
Hai trường: Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định (tức trường Vẽ Gia Định – trường cũ) và trường mới là Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn cùng hoạt động song song theo cấp đào tạo, nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau vì nằm sát bên nhau, đa số sinh viên Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn được xuất thân từ Trường Vẽ Gia Định.
Từ năm 1971, trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định nâng thêm một cấp học nữa, trở thành hai cấp học: Cấp một học 4 năm, cấp hai học 3 năm. Tổng thời gian đào tạo là 7 năm. Và chính thức đổi tên trở thành Quốc gia Trang trí Mỹ thuật.
Riêng trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn cũng nâng thêm một cấp học thành hai cấp: Cấp một và cấp hai, biến tổng số năm học từ 3 năm trở thành 7 năm.
Từ ngày thành lập cho đến năm 1975, trường Vẽ Gia Định có những hiệu trưởng là: André Joyeux (1913-1926), Gaston Huỳnh Đinh Tựu (1926-1927), Georges Besson (1927-1937), Claude Lemaire (1837-1942), Sthéphane Brecq (1942-1944), Robert Bâte (1944-1948), Lưu Đình Khải (1948-1965), Trương Văn Ý (1972-1975).
Một số hình ảnh của trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và Trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định trong thời gian 1954-1975:
Năm 1975, hai trường nói trên được nhập làm một. Ngày 12 tháng 11 năm 1976, Bộ Văn hoá quyết định đổi tên trường (gồm hai trường) thành trường “Cao đẳng Mỹ Thuật TP.HCM”.
Ngày 29 tháng 9 năm 1981, Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng quyết định đổi tên trường thành “trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM”.
Trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM có hai hệ: hệ đại học và hệ trung học. Đại học có đại học chính qui và đại học tại chức. Hiện nay hệ trung học đang chuyển về các địa phương để đào tạo, và được đào tạo theo chương trình thống nhất do Bộ Văn hoá ban hành.
Tác phẩm của Trường Vẽ Gia Định:
Năm 1933, trường Vẽ Gia Định thành lập HTX Mỹ Nghệ Gia Định, có tên đầy đủ là “Hợp tác xã trang trí, chạm trổ và in li tô Gia Định”. Các xã viên HTX Gia Định thực hiện tất cả các công việc về nghệ thuật vẽ như: tranh vẽ, chạm khắc đồng và in li tô, minh họa sách khoa học và văn chương, họa tiết đường viền và đế đèn, danh thiếp, áp phích. Họ nhật thực hiện theo hợp đồng trang trí tường các ngôi nhà, trang trí vải dùng trong nhà và hàng dệt các loại như thảm treo tường và đăng ten, màn, chao đèn, váy Tây, váy Việt Nam và Trung Quốc, băng chéo (đai), caravat, khăn tay, quạt…. Ccasc tác phẩm nổi bậc của HTX là tranh trang trí, tranh lụa, tranh sơn dầu, tranh ảnh khắc bằng acid, đồ in thạch bản… thể hiện các kiểu mẫu, phong cảnh, cảnh vật, nhân vật địa phương cùng các loại ấn phẩm như bích chương, danh thiếp… được bày bán rất nhiều ở phòng trưng bày của nhà trường và có thể thực hiện theo hợp đồng.
Sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, HTX Mỹ nghệ Gia Định tham dự nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước, ký được nhiều hợp đồng đáng kể ở Pháp. Cho đến năm 1935, hợp đồng về một bộ sách ký họa (là các hình ảnh được đăng bên dưới) được giao cho HTX. Tác phẩm gồm 17 album, mỗi album 40 trang tranh vẽ, im thành 500 bản. Các tranh vẽ về phong cảnh, nhân vật, công trình, đời sống sinh hoạt của các vùng miền xứ Đông Dương.
chuyenxua.net biên soạn
Tư liệu: Gia Định – Sài Gòn Dặm dài lịch sử (Nguyễn Đình Tư)
Sài Gòn Chuyện đời của phố (Phạm Công Luận)