Tìm hiểu tên đường xưa qua loạt ảnh đẹp đường phố Sài Gòn thập niên 1950

Mời các bạn cùng tìm hiểu về lịch sử những tên đường xưa ở Sài Gòn, qua những tấm hình tuyệt đẹp ghi lại cảnh đường phố Sài Gòn nửa sau thập niên 1950.


Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Đại lộ Nguyễn Huệ năm 1959, nhìn về phía Tòa Đô Chánh.

Đại lộ Nguyễn Huệ ban đầu vốn là một con kinh (kênh), mang tên là Kinh Lớn, có tên khác là kinh Chợ Vải, người Pháp gọi là Grand Canal, là con kinh có từ trước khi người Pháp tới, dẫn từ sông Sài Gòn vô tới thành Bát Quái.

Sau khi Pháp chiếm Gia Định và bắt đầu quy hoạch Sài Gòn, kinh Lớn được đổi tên thành kinh Charner (theo tên đô đốc Charner), rồi làm thêm 2 đường xe chạy ở hai bên bờ kinh mang tên đường là Rigault de Genouilly và Charner.

Kinh Charner lúc nào cũng tấp nập thuyền bè vì nằm ngay bên cạnh chợ Sài Gòn cũ (khu chợ nằm ở vị trí tòa Bitexco 68 tầng và Kho bạc nhà nước ngày nay). Dần dần kinh Charner bị ô nhiễm nên người Pháp phải cho lấp kinh năm 1887, đường lấp nhập chung với 2 con đường ở hai bên bờ kinh đã có trước đó để trở thành đại lộ rộng lớn mang tên Đại lộ Charner. Tuy nhiên, người Sài Gòn khi đó lại thường gọi bằng cái tên đường Kinh Lấp.

Đại lộ Charner được đặt theo tên của Léonard Victor Joseph Charner – Tổng tư lệnh và đặc mệnh toàn quyền Nam Kỳ, là người tổ chức và chỉ huy cuộc xâm lược Nam Kỳ và biến nơi này thành thuộc địa trước khi trở về Pháp vào cuối năm 1861.

Từ năm 1955 đến nay, đường mang tên là Nguyễn Huệ, đặt theo tên vị anh hùng dân tộc đã đánh thắng quân nhà Thanh hùng mạnh.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Đại lộ Charner/Nguyễn Huệ là con đường sầm uất suốt hơn 100 năm qua, có nhiều công trình đẹp và quen thuộc với người Sài Gòn, nổi tiếng nhất là Tòa Đô Chánh, thời Pháp gọi là Dinh Xã Tây.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Dinh Xã Tây được khởi công xây dựng năm 1899, nhưng việc xây dựng nó đã bắt đầu được đưa ra thảo luận từ năm 1871. Trong quá trình xây dựng, lại có nhiều sự cố xảy ra, nên phải mất 10 năm mới hoàn thành (1908)

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Mặt tiền tòa nhà ban đầu rộng 30m khá bề thế (sau này được mở rộng ra thêm), được xử lý theo phong cách kiến trúc thời Đệ tam Cộng hòa Pháp với những hình ảnh đặc trưng: tháp chuông, cột Hy Lạp, tràng hoa, huy hiệu… Tỷ lệ hình khối kiến trúc ổn định, sự phong phú về trang trí điêu khắc đã tạo cho công trình có nét đặc trưng riêng.


Ảnh: LIFE

Hình ảnh Nhà hát Sài Gòn năm 1955, những ngày tháng đầu tiên được chuyển công năng thành trụ sở Quốc Hội. Con đường trước Quốc Hội là mang tên là Tự Do, vừa được đổi từ tên đường cũ Catinat.

Ảnh: LIFE

Trụ sở Quốc Hội nằm ở khu vực nổi tiếng của Sài Gòn với hàng loạt công trình mang tính lịch sử: Opera House, Continental Palace, Eden, sau này còn có thêm Caravelle Hotel.

Ảnh: LIFE

Con đường phía trước trụ sở Quốc Hội là đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi), trước đó có thời gian lên tới hơn 80 năm liên tục mang tên là đường Catinat. Đây là tên của chiếc hộ tống hạm từng tham gia vào cuộc tấn công Đà Nẵng của liên quân Pháp – Tây Ban Nha năm 1858 và tấn công Sài Gòn năm 1859 (con tàu này vốn được đặt tên theo tên của thống soái Pháp thế kỷ 17 là Nicholas de Catinat).

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Continental Palace trên đường Tự Do (Catinat) năm 1957. Tòa nhà này được hoàn thành vào giữa năm 1880, là khách sạn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng nhất Sài Gòn, vẫn còn lại đến ngày nay sau hơn 140 năm.

Hình bên trên là đường Tự Do năm 1955 đoạn phía trước trụ sở Quộc Hội, chụp từ trên Continental Palace nhìn xuống Công trường Lam Sơn. Công trường này thời Pháp có tên là quảng trường Francis Garnier, nằm ở góc ngã 3 Lê Lợi – Tự Do, xung quanh công trường Lam Sơn có Tòa nhà Quốc Hội, Continental Palace, Eden, REX Hotel, Thương xá TAX, phòng thông tin Đô Thành, Caravelle Hotel.

Khách sạn Caravelle năm 1959 trên đường Tự Do, nằm bên cạnh trụ sở Quốc Hội. Khách sạn này được khởi công xây năm 1957, khai trương vào dịp Noel năm 1959. Có nghĩa là lúc chụp hình này, khách sạn đang được xây gấp rút để kịp ngày khai trương.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Người Sài Gòn tản bộ trên vỉa hè đường Tự Do năm 1959, đoạn công viên Chi Lăng. Công viên này được người Pháp xây dựng từ năm 1924, lúc đó nó mang tên “vườn P.Pages”, nằm trên đường Catinat, giữa 2 con đường D’Espagne và La Grandière (này là Lê Thánh Tôn và Gia Long). Sau năm 1955, công viên này được chính quyền VNCH đổi tên thành Chi Lăng, là tên của một hiểm địa đối với giặc ngoại xâm năm xưa. Ngày nay công viên Chi Lăng chỉ còn là một khoảng vườn nhỏ nằm khiêm tốn trước một trung tâm thương mại lớn.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Khách sạn Sài Gòn Đại Lữ Quán nằm ở góc đường Tự Dᴏ – Nɡô Đứᴄ Kế (tên thời Pháρ là Catinat – Vanniеɾ).

Tòa nhà này được ông Hеnɾy Edᴏᴜaɾd Chaɾiɡny dе Laᴄhеνɾᴏtièɾе cho xây dựng νàᴏ năm 1929, ban đầu tên là Gɾand Hᴏtеl Saiɡᴏn, địa chỉ số 8 Catinat, khai tɾươnɡ νàᴏ năm 1930. Đến năm 1932, Gɾand Hᴏtеl đổi ᴄhủ νà đổi tên thành Saiɡᴏn Palaᴄе. Đến năm 1958, ᴄhính qᴜyền ᴄó ᴄhính sáᴄh là ᴄáᴄ ᴄửa hiệᴜ ρhải ᴄó tên tiếnɡ Việt, nên nơi này đượᴄ manɡ tên Saiɡᴏn Đại Lữ Qᴜán, tồn tại đến năm 1975. Saᴜ năm 1975, đườnɡ Tự Dᴏ đổi tên thành đườnɡ Đồnɡ Khởi, νà nơi này ᴄũnɡ đổi tên thành kháᴄh sạn Đồnɡ Khởi. Từ năm 1995 đến nay, kháᴄh sạn lấy lại tên nɡᴜyên thủy hồi thậρ niên 1930 là Gɾand Hᴏtеl Saiɡᴏn.

Nói về con đường Ngô Đức Kế, ban đầu nó chỉ là một con hẻm trong xóm. Khi người Pháp quy hoạch Sài Gòn thì mở rộng thành đường từ thập niên 1870 và đặt tên đường là Vannier. Đây là tên của quan người Pháp từng theo phò giúp vua Gia Long là Philippe Vannier, người có tên Việt là Nguyễn Văn Chấn, lấy vợ là Nguyễn Thị Sen.

Năm 1955, chính quyền VNCH đổi tên đường thành Ngô Đức Kế, một chí sĩ yêu nước từng bị Pháp bắt đày ở Côn Đảo từ năm 1908 tới 1921.


Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Đại lộ Lê Lợi năm 1959, đoạn từ gần bùng binh Bồn Kèn nhìn về phía chợ Sài Gòn (nay là chợ Bến Thành).

Ban đầu, khi người Pháp mới chiếm được Gia Định và xây dựng thành phố Sài Gòn, họ cho đào một số con kinh, trong đó vị trí đường Lê Lợi hiện nay vốn là con kinh mang tên Coffyn (theo tên đại tá công binh cho đào kinh), nối liền kinh Chợ Vải (kinh Lớn – nay là đường Nguyễn Huệ) với rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi) và rạch Bến Nghé. Hai bên bờ kinh Coffyn là con đường nhỏ được đặt tên là Bonard.

Thời gian sau đó, do nhu cầu giao thông đường bộ tăng cao ở trung tâm Sài Gòn nên chính quyền lần lượt cho lấp các kinh rạch. Rạch Cầu Sấu bị lấp năm 1870 để thành đường Canton (sau này đổi tên thành đại lộ Somme, nay là đường Hàm Nghi). Năm 1887, kinh Chợ Vải bị lấp thành đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Đến năm 1892 thì kinh Coffyn thành đại lộ Bonard, đến năm 1955 đổi tên thành đại lộ Lê Lợi, theo tên vị anh hùng chống giặc Minh xâm lược, và cái tên này được giữ nguyên cho tới ngày nay.

Đại lộ Bonard (nhiều tài liệu nhầm tên thành Bonnard) được đặt theo tên của đề đốc hải quân Pháp tên là Louis Adolphe Bonard. Khi giữ chức thống đốc Nam Kỳ (nhiệm kỳ 1861-1863), Bonard là người đã ra lệnh cho viên sĩ quan công binh tên là Coffyn quy hoạch thành phố Sài Gòn.

Trước năm 1900, đại lộ Bonard kéo dài từ vị trí Đồn Đất (nay là đường Thái Văn Lung) cho đến vị trí đường Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Thời điểm đó chưa xây Nhà hát Lớn (ở đường Catinat, nay là Đồng Khởi) và Sở Điện Lực (ở đường Nationale, nay là Hai Bà Trưng). Khi Sở điện lực và Nhà hát lần lượt được xây xong vào năm 1897 và 1900 thì giới hạn đại lộ Bonard được tính từ quảng trường Francis Garnier (nay là công trường Lam Sơn).

Đến năm 1914, khi chợ mới (nay là chợ Bến Thành) được xây dựng xong thì đại lộ Bonard kéo dài từ quảng trường Francis Garnier (nay là công trường Lam Sơn) đến quảng trường Cuniac (nay là quảng trường Quách Thị Trang). Đây cũng là chiều dài đại lộ này khi nó được đặt tên là Lê Lợi từ năm 1955 cho tới nay.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Hình ảnh khác của đại lộ Lê Lợi năm 1959. Người chụp hình đứng ở ngã tư với đường Pasteur nhìn về trụ sở Quốc Hội (nguyên thủy là Nhà Hát Lớn). Bên trái hình là thương xá Eden và REX Hotel, ở giữa 2 tòa nhà này là đại lộ Nguyễn Huệ về bên phía Tòa Đô Chánh.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Đại lộ Lê Lợi năm 1959, bên trái là Opera House – lúc này là trụ sở của Quốc Hội, đằng trước Quốc Hội là công trường Lam Sơn.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Đại lộ Lê Lợi được tính từ phía trụ sở Quốc Hội kéo dài tới trước cửa chợ Sài Gòn (nay là chợ Bến Thành.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Chợ Bến Thành (tên chính thức trước 1975 là chợ Sài Gòn) được khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất, với sự góp vốn của công ty Hui Bon Hoa (công ty này do những người con của ông Huỳnh Văn Hoa (Chú Hỏa) điều hành). Ngôi chợ này được xây để thay thế cho chợ Cũ ở phía Hàm Nghi – Nguyễn Huệ. Sau khi chợ Sài Gòn được xây thì trung tâm Sài Gòn được mở rộng thêm về phía Chợ Lớn.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Hình ảnh Bến xe bus công quản, chéo góc với Chợ Bến Thành và Công trường Diên Hồng. Đây cũng là phía đầu đại lộ Trần Hưng Đạo.


Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Đại lộ Trần Hưng Đạo năm 1959. Tòa nhà trong hình có tên là Tháp Ngà (Tour d’Ivoire) nằm ở góc đường Tràn Hưng Đạo – Bùi Viện, đến nay tòa nhà vẫn còn. Nơi đây từng là một phòng trà, vũ trường nổi tiếng ngày xưa.

Đại lộ Trần Hưng Đạo được xây dựng năm 1912, đồng thời với chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành), trên một vùng đồng lúa rộng mênh mông nằm khoảng giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Năm 1914, đường được khánh thành gần như cùng lúc với chợ Sài Gòn, nối liền 2 thành phố, được đặt tên là Galliéni, đến năm 1955 đổi thành Trần Hưng Đạo cho tới nay, theo tên của vị anh hùng dân tộc chống quân Nguyên, được người Việt phòng thành Đức Thánh.

Còn Galliéni có tên dầy đủ là Joseph Simon Galliéni, được phong là Thống chế năm 1921 (ông qua đời năm 1916). Lúc ở Đông Dương, Galliéni mang hàm đại tá và chỉ huy quân đội đối đấu trực tiếp với Hoàng Hoa Thám.

Đại lộ Trần Hưng Đạo năm 1955, trong ngày xảy ra đụng độ của quân đội chính phủ với lực lượng Bình Xuyên

Từ những năm 1950 về sau, đại lộ Galliéni/Trần Hưng Đạo chứng kiến những biến động to lớn của Sài Gòn, điển hình là vụ quân đội của chính phủ thủ tướng Ngô Đình Diệm đụng độ với lực lượng Bình Xuyên đầu năm 1955.


Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Đường Đồng Khánh năm 1959 ở Chợ Lớn. Đây là con đường thẳng với Trần Hưng Đạo để nối liền với Sài Gòn – Chợ Lớn. Thời Pháp thuộc, đường Đồng Khánh tên là Des Marins. Ngày 28/11/1952, chính quyền của quốc trưởng Bảo Đại đổi tên đường này thành Đồng Khánh (niên hiệu của vua Đồng Khánh), và tên này được giữ nguyên cho đến năm 1975. Ngày 14/8/1975, chính quyền mới nhập đường Đồng Khánh vô đường Trần Hưng Đạo, người dân quen gọi thành đường Trần Hưng Đạo B.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Hình ảnh năm 1959 ở góc đường Đồng Khánh – Ngô Quyền ở Chợ Lớn. Đường Ngô Quyền thời Pháp vốn là 2 con đường nối nhau, tên là Général Beylié và đường Ducos. Ngày 22/3/1955, chính quyền VNCH đổi tên 2 con đường này thành Ngô Quyền và Triệu Đà. Ngày 14/8/1975, chính quyền mới nhập 2 con đường này chung thành đường Ngô Quyền như ngày nay.


Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Nhà thờ Đứᴄ Bà Sài Gòn ᴄó tên ᴄhính thứᴄ là Vương ᴄung thánh đường Chính toà Đứᴄ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đượᴄ hoàn thành năm 1880 ᴄhỉ sau 2 năm rưỡi xây dựng, tất ᴄả kinh phí xây dựng đều do nhà nướᴄ Pháp ᴄung ᴄấp với số tiền 2,5 triệu franᴄs Pháp thеo thời giá lúᴄ bấy giờ.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Phía trước Nhà Thờ là khu đất ban dầu gọi là Place de la Cathédrale (Quảng trường Nhà thờ). Năm 1959, tượng Đức Bà Hòa Bình được dựng ở Quảng trường Nhà thờ, từ đó nơi này được gọi là Công trường Hòa Bình. Thời điểm chụp hình này, tượng Đức Bà Hòa Bình chưa có, chỉ còn mỗi chân đế cũ của tượng Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh, tồn tại từ 1903 đến 1945 thì bị phá bỏ.

Đến năm 1964, để tưởng nhớ tổng thống Mỹ John F. Kenedy, quảng trường đổi tên thành Công trường Tổng thống John F. Kenedy. Sau năm 1975, nơi này đổi tên thành Công trường Công xã Paris.

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Đường Công Lý năm 1959, đi ngang qua Dinh Độc Lập, lúc này Dinh của tổng thống vẫn còn là kiến trúc cũ của dinh Norodom được xây từ năm 1868, hoàn thành năm 1871.

Dinh Độc Lập có mặt tiền ở đường Công Lý. Đây có lẽ mang nhiều tên nhất. Ban đầu khi người Pháp bắt đầu quy hoạch Sài Gòn năm 1862, họ đánh số con đường này là 26, đến nay 1865 đặt tên là Impératrice, năm 1870 đổi thành Mac Mahon (dân Việt gọi thành Mặt Má Hồng). Ngày 28/12/1945, tên đường đổi thành Général De Gaulle (tướng De Gaulle, người sau đó là tổng thống Pháp từ 1959-1969).

Năm 1952, ngay sau khi tướng De Lattre de Tassigny qua đời, chính quyền Quốc Gia Việt Nam cắt đường thành 2, đoạn từ rạch Bến Nghé đến đường Gia Long thành đường tiêng mang tên Maréchal De Lattre de Tassigny, đoạn còn lại vẫn mang tên Général De Gaulle.

Ngày 22/3/1955, chính quyền VNCH nhập 2 đường De Lattre de Tassigny và Général De Gaulle thành đường Công Lý. Sở dĩ con đường mang tên này là vì nó đi ngang qua Tòa Pháp Đình Sài Gòn (là nơi gìn giữ công lý).

Đường Công Lý kéo dài từ Bến Chương Dương đến cầu Công Lý (cây cầu bắt qua rạch Nhiêu Lộc). Qua bên kia cầu sẽ là đường Ngô Đình Khôi kéo dài tới đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ).

Sau năm 1963, đường Ngô Đình Khôi đổi tên thành Đại Lộ Cách Mạng 1-11 (kỷ niệm ngày đảo chính Ngô Đình Diệm).

Sau năm 1975, đường Công Lý nhập với đường Cách Mạng 1-11 đổi tên thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đến năm 1985, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lại tách ra làm đôi, đoạn từ cầu Công Lý tới công viên Hoàng Văn Thụ đặt tên là Nguyễn Văn Trỗi.


Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Đường Hai Bà Trưng năm 1957, đoạn đi ngang qua Nhà thờ Tân Định. Nhà thờ này có kiến trúc Roman, khởi công xây năm 1874 và khánh thành vào ngày 16-12-1876. Đến năm 1929, nhà thờ được mở rộng và xây tháp chuông cao 52,6m.

Đường Hai Bà Trưng là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn, đã có từ trước khi người Pháp bắt đầu quy hoạch Sài Gòn vào năm 1862. Đây là một trong những con đường quen thuộc nhất đối với Sài Gòn cả xưa và nay, hầu như tất cả các hướng đi trong nội thành đều đi ngang qua hoặc đi trên con đường này.

Ban đầu, đây là con đường nối từ sông Sài Gòn đến rạch Nhiêu Lộc, khi người Pháp quy hoạch Sài Gòn thì đánh số tên đường là 14, rồi sau đó mới đặt tên là Impériale (Hoàng Đế). Đến năm 1870, đường đổi tên thành Nationale (Quốc Gia).

Từ ngày 4 tháng 4 năm 1902, đường được đổi tên lại thành Paul Blanchy. Đây là tên của chủ tịch của Hội đồng thuộc địa của Nam Kỳ năm 1873. Ông cũng là thị trưởng đầu tiên của Sài Gòn, bắt đầu từ 1895 cho đến khi qua đời năm 1901.

Ngày 28 tháng 11 năm 1952, dưới quyền của quốc trưởng Bảo Đại (Chính quyền Quốc gia Việt Nam), con đường này được cắt đoạn từ đại lộ Norodom (tức đại lộ Thống Nhứt, nay là Lê Duẩn) đến cầu Kiệu và đặt tên là đường Trưng Nữ Vương, đoạn còn lại từ Norodom đến công trường Rigault de Genouilly (là công trường Mê Linh sau này) vẫn giữ tên cũ Paul Blanchy.

Ngày 22 tháng 3 năm 1955, hai đường Paul Blanchy và Trưng Nữ Vương nhập thành một và đặt tên là đường Hai Bà Trưng cho đến ngày nay.


Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Đường Bến Bạch Đằng dọc sông Sài Gòn năm 1959, có lẽ được chụp từ trên Cột cờ Thủ Ngữ.

Thời Pháp thuộc, đoạn đường này đã được đổi tên rất nhiều lần. Ban đầu có tên là Quai de Donnai, sau đó đổi tên thành Quai Napoléon, đến năm 1870 đổi tên là Quai du Commerce, đến 1896 thì lại đổi thành Quai Francis Garnier, rồi đến năm 1920 mang tên Quai le Myre de Vilers.

Đến năm 1955, chính quyền VNCH nhập đường Quai le Myre de Vilers này với đường mang tên Argonne (là đoạn từ công trường Mê Linh tới cảng Ba Son) thành một, mang tên Bến Bạch Đằng, gợi nhớ trận đánh trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền đánh quân Nam Hán.

Đến năm 1980, chính quyền nhập đường Bến Bạch Đằng với đường Cường Để (là đoạn từ Lê Duẩn ngày nay cho đến cảng Ba Son) để trở thành đường Tôn Đức Thắng như ngày nay. Tuy nhiên cho tới nay, người ta vẫn quen gọi đoạn này là Bến Bạch Đằng.

Bến Bạch Đằng năm 1959, bên trái là đại lộ Hàm Nghi. Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Ảnh: Nguyễn Bá Mậu – artcorner.vn

Chợ Bình Tây năm 1957. Ngôi chợ lớn nhất ở Chợ Lớn này được thương gia Quách Đàm xây dựng, khánh thành măm 1928. Con đường trước chợ Bình Tây tên là đường Tháp Mười, tên đường này tồn tại suốt từ thời Pháp thuộc cho tới nay và chưa từng bị đổi tên.

Tháp Mười vốn là tên tòa tháp thứ mười thuộc nền văn hóa Óc Eo của người Phù Nam, trên khu gò cao giữa cánh đồng ruộng bao la thuộc ba tình Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An của ngày nay. Qua thời gian, tòa tháp đã đổ nát không còn nữa, nhưng người dân vẫn quen gọi cánh đồng bao quanh khu tháp này Đồng Tháp Mười.

Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận