Ai đã phá hủy Chùa Một Cột năm 1954?

Suốt từ năm 1954 đến nay, trong hầu hết các tài liệu bài viết chính thống và phi chính thống đều ghi rằng trước khi rút khỏi Đông Dương sau hiệp định Geneve thực dân Pháp đặt mìn để phá hủy hoàn toàn Chùa Một Cột vào ngày 10/9/1954.

Chùa Một Cột bị phá hủy năm 1954

Sự thật là như thế nào, lực lượng nào đã phá hủy ngôi chùa độc đáo này, và vì mục đích gì?

Trước tiên, xin xác nhận lại rằng Chùa Một Cột mà chúng ta thấy hiện nay không phải là kiến trúc nguyên bản được xây vào thời vua Lý, mà đã được dựng lại trên đống đổ nát vào năm 1955 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lãng đảm nhiệm.

Chùa Một Cột cuối thế kỷ 19

Thủ phạm làm cho chùa Một Cột nguyên bản bị đổ sụp gần như hoàn toàn vào năm 1954, cho tới nay không có kết luận chính thức, nhưng có nhiều nơi ghi rằng đó là do quân đội Pháp, tuy nhiên điều này được chứng minh là vô lý trong bài viết bên dưới.

Bài viết này không nhằm mục đích bào chữa cho lực lượng thực dân đã đô hộ Việt Nam suốt gần 100 năm, nhưng sự thật lịch sử cần được tôn trọng. Tầng lớp cai trị người Pháp đã gây nên nhiều tội ác ở Đông Dương, đàn áp đẫm máu nhiều phong trào yêu nước bản xứ, tuy nhiên giới khoa học Pháp – tầng lớp tinh hoa ở phương Tây – cũng đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu, bảo vệ và tôn tạo nhiều công trình cổ ở Việt Nam. Điều này được nói rõ trong bài viết này của TS. Đào Thị Diến – Trung tâm Lưu Trữ Quốc Gia 1.

Chùa Một Cột năm 1918

Cố GS Hà Văn Tấn – nguyên viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam từng nói: “Các nhà khảo cổ học chúng tôi không những biết ơn các học giả Pháp trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ trên đất nước Việt Nam mà còn biết ơn họ trong việc bảo tồn và lưu giữ nhiều di tích của các nền văn hóa đó. Bảo tàng lịch sử Việt Nam hiện nay đã được tiếp quản gần như toàn bộ các sưu tập của Bảo tàng Louis Finot”.

Chùa Một Cột năm 1973

Bài viết sau đây được đăng trên Tạp chí Tia Sáng thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ của tác giả Nguyễn Bá Dũng:

Thủ phạm nổ phá Chùa Một Cột năm 1954?

Đa số trong chúng ta đều biết về Chùa Một Cột, một biểu tượng của văn hóa, kiến trúc Việt Nam, nhưng hầu như còn chưa biết tới một nghi án: Sát ngày chính phủ ta tiếp quản Hà Nội (10/10/1954), lực lượng nào đã nổ phá Chùa Một Cột?

Trước khi đi vào sự kiện Chùa Một Cột bị phá nổ ngày 11/9, chúng ta điểm qua một số sự kiện liên quan đến các bên xung quanh khoảng thời gian tiếp quản Hà Nội năm 1954.

21/7– Ký Hiệp định đình chiến tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Genève.

27/7 – Ngừng bắn tại miền Bắc.

4/8 – Cầu hàng không bắt đầu chở dân di cư từ Hà Nội vô Nam.

11/9 – Vụ nổ phá chùa Một Cột.

10/10 – Quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức tiếp quản Thủ đô.

3-4/11 – “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ tại Thủ đô Hà Nội… nghe báo cáo về kế hoạch sửa chữa chùa Một Cột…”.

1/1/1955 – Khởi công phục hồi Chùa Một Cột.

Rất dễ nhận thấy, kể từ Hội nghị Genève, Chính quyền Bảo Đại (Quốc gia Việt Nam) ở vào thế “bên thua cuộc”; đã tăng tốc kiện toàn bộ máy để thích ứng với điều kiện mới: Rút vào nửa phía Nam của đất nước. Ngày 7/7 – Chính phủ Ngô Đình Diệm thành lập, ngày 9/7 – Thủ hiến Bắc-Việt Nguyễn Hữu Trí thôi chức. Tiếp đó, cơ cấu bên trên của chính quyền ở miền Bắc thay đổi liên tục về hình thức – nhưng cũng chỉ đến đó – để đủ phục vụ việc di chuyển bộ máy và di cư.2 Đảng Đại Việt Quốc Dân đảng đang cầm quyền ở miền Bắc (vùng tạm chiếm) bỗng thất thế với tân thủ tướng họ Ngô nên ngay lập tức xuất hiện mâu thuẫn sâu sắc.

Những thông tin về tình hình chính trị-xã hội kể trên cần thiết cho việc tìm kiếm thủ phạm thực sự của vụ phá hoại.

Vụ phá nổ và quá trình phục hồi Chùa

Trước khi đi tìm thủ phạm ta hãy đọc nhanh hậu quả vụ phá hoại và quá trình phục hồi:

“Ðến cuối năm 1954 khi thi hành hiệp định Genève, quân Pháp sửa soạn rút lui khỏi Hà Nội và miền Bắc Việt Nam thì có kẻ lạ mặt đặt thuốc nổ phá hủy Chùa Một Cột ngày 11/9/1954 (rằm tháng tám ta). Liên Hoa Ðài bị phá hủy từ mặt sàn trở lên vì chất nổ được dấu ở dưới bát hương. Tuy nhiên, pho tượng Quan Âm nơi đây, vẫn ngồi y nguyên ở gần ngay đấy, chỉ bị rời mấy cánh tay gỗ chắp.

Sau khi tiếp quản Hà Nội, được mấy tháng thì chính quyền tiếp quản quyết định phục hồi lại chùa và ủy nhiệm cho chuyên viên Sở Bảo tồn Cổ tích Nguyễn Bá Lăng, nghiên cứu họa đồ và điều khiển công trường. Họa đồ đã được nghiên cứu căn cứ theo một ảnh chụp cũ khoảng cuối thế kỷ XIX của trường Viễn Ðông Bác cổ. Vì là ảnh chụp lập diện (géométral) nên những kích thước cũ, chiều rộng, chiều cao, độ dốc mái kể cả chi tiết tầu đao, lan can được phục nguyên một cách chính xác. Cột đá đường kính 1m20 và bộ con sơn sóc nách bên dưới vẫn được giữ nguyên, còn bên trên bình đồ vuông nay được phục nguyên mỗi mặt rộng 4m20, chiều cao từ sàn đến diềm mái là 2m20. Chi tiết trang trí trên nóc mái là đôi rồng ngoảnh cổ lại chầu mặt nguyệt, là đặc điểm trang trí từ thời cuối Lê sang Nguyễn được đắp lại như cũ. Bốn góc mái đao được làm cong hớt lên hơn trước một ít. Những hình đắp trang trí trên bốn góc đao trong hình chụp không rõ vì đã hư mòn thì được đắp lại theo hình đầu rồng lá lật như kiểu cuối thời Lê, còn thấy khá phổ thông ở các kiểu kiến trúc cổ tại miền Bắc. Vách gỗ bao quanh cung thờ được làm theo kỹ thuật cổ truyền là vách nong đố gỗ. Lan can được làm con tiện và cái “vỉ ruồi” trang trí ở hai đầu hồi thì được chạm theo kiểu chép ở nhà thủy tạ chùa Tam Sơn, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Bên trong, phía sau bên trên bàn thờ Ðức Quan Thế Âm, được trang trí bằng một giải ván thượng diệp chạm lưỡng long chầu nguyệt dập theo một kiểu chạm gỗ ở đình làng Ðình Bảng (Bắc Ninh).” (Nguyễn Nam Kinh, Chùa Một Cột.)

Đoạn trích bài viết có lẽ là mô tả chuẩn xác nhất sự việc; bởi tác giả Nguyễn Nam Kinh chính là Nguyễn Bá Lăng (1920-2005), người đã “lập họa đồ và trùng tu” Chùa và sau này nổi tiếng là một kiến trúc sư tài năng trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Báo Nhân dân 1955 đưa tin: “Ngày 1-1-1955 bắt đầu khởi công xây dựng lại chùa. Sau 62 ngày, chùa đã được làm lại hoàn toàn…”. Như vậy, với hậu quả vụ nổ như Nguyễn Bá Lăng cho biết, việc “xây dựng lại” và “làm lại hoàn toàn” chỉ ở quy mô nhỏ.

Thủ phạm là ai?

Bách khoa Toàn thư mở wikipedia viết: “Năm 1954, quân đội Viễn chinh Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá Chùa Một Cột …”. Mẩu tin trên dẫn nguồn từ sách Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân liên khu III 1945-1955 (nxb CTQG, 2005).

Tuy wiki bị coi là không đáng tin cậy nhưng thực tế, thông tin wiki tràn ngập truyền thông vì hình như nó rất tiện dùng cho các nhà báo. Thậm chí, có báo lớn, năm 1955 trước đã viết khá gần thực tế như sau: “… bọn Ngô-Đình-Diệm được quân đội liên hiệp Pháp dung túng, đã phá hủy Chùa Một Cột…”; thì đến năm 2013 lại viết… giống wiki.

Bài báo năm 1955

Nhiều người Pháp cũng nghi là quân đội Pháp (France Mangin, Hanoi, Edition Recherches, Ipraus, 2001, tr. 149) như Nguyễn Dư dẫn Duyên Anh.

Cần khẳng định ngay rằng vụ phá hoại diễn ra khi Chính quyền Pháp vẫn còn trách nhiệm pháp lý, vì năm ngày sau vụ nổ (16/9) Pháp mới ký kết giao trả quyền tư pháp và công an cho [Quốc gia] Việt Nam. (Đoàn Thêm, sđd).

Còn thủ phạm? Như ngôn ngữ thời đó, các lực lượng có thể liên quan về logic gồm: Thực dân Pháp (Quân đội Viễn chinh), Can thiệp Mỹ (CIA) và tay sai (Quốc gia Việt Nam và các lực lượng người Việt chống Cộng khác). Với Việt Minh (VNDCCH), xét mọi khía cạnh đều khó có thể liên quan khi việc thực hiện Hiệp định đang thuận buồm xuôi gió, sắp được nhận lại Thủ đô.

Một vụ án không ai bị truy nã, bị bắt; một vụ án mà hồ sơ (nếu có) chưa bạch hóa (66 năm rồi), thì giả thiết về thủ phạm chỉ có thể căn cứ vào động cơ, mục đích, dư luận… về vụ án.

Quy mô vụ nổ cho thấy thiếu tính chuyên nghiệp. Lý do đó có thể làm giảm nghi ngờ cho Pháp và Mỹ trước khi xét chi tiết. Vậy thủ phạm là ai trong số:

1. Quân đội Viễn chinh Pháp?

– Hiệp định đình chiến quy định Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân Pháp và Pháp đã thực hiện đúng.

– Hiệp định có điều khoản “cấm phá hủy trước khi rút lui” (điều 6) và trong quá trình đàm phán tiếp quản Hà Nội tại Phủ Lỗ (15-20/9) giữa quân Pháp và QĐNDVN, không có sự tố cáo lẫn nhau về vụ Chùa Một Cột.

– Có thể do hậu quả của vụ nổ không lớn (đối với người Pháp), thời gian rút quân lại tới gần (chỉ còn 29 ngày) nên người Pháp bỏ qua việc điều tra tư pháp.

– Tiểu kết: Khả năng Pháp là thủ phạm rất thấp, chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

2. CIA (Mỹ)?

– Có bài viết (không dẫn nguồn) cho rằng, Landsdale (chỉ huy CIA) “đã nhìn nhận là họ cố tình phá chùa trong âm mưu gây hoang mang dư luận nhân dân Hà Nội”. Trên thực tế, việc lớn nhất của CIA trong thời điểm đó là tổ chức di cư, đặc biệt trong giáo dân Thiên Chúa giáo và vụ nổ chùa ít có khả năng gây xáo trộn gì lớn.

– Còn dư luận đương thời, kể cả phía VNDCCH không hề tố cáo CIA gây ra vụ này.

– Tiểu kết: Khả năng CIA là thủ phạm rất thấp.

3. Quốc gia Việt Nam và các lực lượng người Việt chống Cộng khác?

– Một đầu mối: “Ngôi chùa lịch sử này kể từ ngày dựng chùa cho đến ngày 10/9/1954 mới bị phá hủy do toán lính công giáo của Linh-mục Lê Hữu Từ và Hoàng Quỳnh đặt mìn giật sập…” (Lê Trọng Văn, Lột mặt nạ những con Thò lò Chính trị, CA, 1991, tr. 51). Tuy nhiên, Lê Trọng Văn thuộc nhóm tác giả chống Thiên Chúa giáo không giới hạn, nên khi nói thiếu bằng chứng thì độ tin cậy càng thấp.

– Đầu mối khác: “… Cuối năm 1954, đảng Đại Việt (không phải nước Đại Việt) gài mìn cho nổ sập Chùa Một Cột. Nói rằng, Chùa Một Cột phải tan nát, “quân ta” mới có ngày về “giải phóng”! Báo chí quốc gia [trong vùng tạm chiếm] chửi đảng Đại Việt thậm tệ, gọi Đại Việt là bọn phá hoại ngu dốt. Phật giáo phẫn nộ. Chúa đảng Đại Việt, Nguyễn Hữu Trí, bị bắn chết ở Tân Sơn Nhất, hôm di cư vào Nam…”. (Duyên Anh, Ca dao quyện lấy miếng ngon dân tộc, Vũ Trung Hiền xuất bản, 1995, tr. 186, dẫn theo Nguyễn Dư, bđd).

– Khi Quốc gia Việt Nam được thành lập (1949), Nguyễn Hữu Trí đã làm Thủ hiến Bắc phần (người đứng đầu miền Bắc). Khi đó, hầu hết các tỉnh trưởng, quận trưởng và các chức vụ cao trong chính quyền đều được giao cho đảng viên đảng Đại Việt. Pháp còn cấp tiền cho Trí thành lập “Đoàn Quân Thứ” (GAMO) – như là một đạo quân võ trang tuyên truyền tại miền Bắc. Vì vậy, nếu tới tận ngày 9/7 Nguyễn Hữu Trí mới bị thôi chức – do mâu thuẫn giữa Ngô Đình Diệm và đảng Đại Việt – thì bộ máy vẫn thuộc Nguyễn Hữu Trí. Vậy, thật dễ dàng tổ chức một vụ khủng bố để gây khó cho thủ tướng họ Ngô. Việc Trí – một chính khách hàng đầu của chính quyền miền Bắc – bị ám sát ngay khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất và vụ giết người cũng bị bỏ qua hệt như vụ nổ Chùa Một Cột, là một bí ẩn đầy ám chỉ.

– Tiểu kết: Khả năng đảng Đại Việt là thủ phạm cao hơn Công giáo Bùi Chu; và dù là lực lượng nào, khả năng họ là thủ phạm cũng cao hơn người Pháp và người Mỹ. Đương nhiên, Quốc trưởng Bảo Đại và thủ tướng họ Ngô chỉ có thể phải chịu trách nhiệm về danh nghĩa mà thôi.

Các phân tích cụ thể đã chỉ ra thủ phạm gây ra vụ nổ phá Chùa Một Cột, chúng tôi cho rằng thủ phạm nhiều khả năng là lực lượng người Việt chống Cộng. Mô tả sự kiện như của wiki “quân đội Viễn chinh Pháp … đã cho đặt mìn để phá chùa…” khiến người ta hiểu đó là một hành động công khai của một bên ký Hiệp định đình chiến, là không hợp lý và không có căn cứ.

Nguồn: https://tiasang.com.vn/van-hoa/thu-pham-no-pha-chua-mot-cot-nam-1954-28538/

2 bình luận về “Ai đã phá hủy Chùa Một Cột năm 1954?”

  1. Thật là dại dột tột trời / Phá Chùa Một Cột để đời tiếng ngu / Đến nay chưa rõ là ai / Nhưng đều tội ác có đâu hơn gì / Động cơ chính trị lạ chi / Kiểu toàn mù quáng chỉ thì thế thôi / Hiểu chi lịch sử thảy nào / Triệt tiêu di tích của hầu quốc gia / Nhưng rồi tháng lại ngày qua / Tương lai lịch sử chắc là phanh phui / Dẫu sao chuyện vẫn bùi ngùi / Kiểu nhằm lếu láo đổ thừa lẫn nhau / Thành nên tệ hại trước sau / Giọng nhiều bài báo phơi bày cả ra / Nói chung cái dốt ta bà / Cái tâm gian xảo mới là thế thôi / Còn đều hiểu biết trên đời / Chẳng ai ngu dại làm điều bá vơ .

    Trả lời

Viết một bình luận