Tết Nguyên Đán năm 1992 là một dịp đặc biệt với các du khách ngoại quốc đến Sài Gòn. Tháng 11 năm 1991, Việt Nam chính thức bỏ giới hạn đối với khách du lịch nước ngoài, rồi sau đó những đoàn khách đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhứt đúng vào thời điểm người dân thành phố đang rộn ràng chuẩn bị cho Tết cổ truyền năm Nhâm Thân.
Nhiếp ảnh gia du ký người Mỹ Mark Hodson là một trong những vị khách may mắn có được trải nghiệm đó. Cùng với các thành viên trong đoàn, ông đã dành một tuần để lang thang khắp đường phố và trò chuyện với người dân Sài Gòn, khám phá từng ngóc ngách thành phố và chụp lại những tấm ảnh khung cảnh mà lần đầu tiên trong đời ông được trải nghiệm.
“Sau biết bao năm tháng xê dịch, tuần lễ đó ở Sài Gòn có lẽ vẫn là trải nghiệm thú vị nhất mà tôi từng có” – Mark nói. Ông đã đăng tải một bài viết trên blog của mình về chuyến du hành đến Việt Nam, trong đó ông chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức được rằng chúng tôi may mắn và vinh dự như thế nào khi được có mặt tại Sài Gòn vào thời khắc đặc biệt này.”
Đó là một chuyến du lịch đến từ sự tình cờ không tính trước. Lúc đó Mark đang đi vòng quanh Thái Lan, một buổi sáng ông ngồi uống cafe và đọc tờ Bangkok Post, trong đó đưa tin rằng Việt Nam đã dỡ lệnh hạn chế khách du lịch quốc tế, khách phương Tây được cấp thị thực 28 ngày và có thể đi du lịch tùy thích, thay vì bị giới hạn trong các chuyến du lịch theo đoàn được cấp phép.
Mark tìm một công ty du lịch ở Thái Lan để làm thủ tục với chi phí $60 tiền thị thực, $150 tiền vé máy bay từ Bangkok tới Sài Gòn, một số tiến khá lớn vào thời điểm ấy cho chuyến đi ngắn. Trong chuyến bay, Mark thấy xung quanh đa số là người đàn ông mặc áo vest lịch sự mà ông đoán là các quan chức nhà nước. Mark ngồi cạnh một người Thụy Điển tên Ken, và quyết định thuê chung phòng khi tới Sài Gòn.
Họ chọn một khách sạn cũ kỹ ở trung tâm, để dễ dàng được chứng kiến khung cảnh lạ lẫm của một thành phố đang chuyển mình sau thời gian dài ngủ quên. Theo Mark, trên đường phố vẫn còn vương lại chút gì thanh lịch với vẻ đẹp quyến rũ của những tháng ngày vàng son cũ, ẩn mình trong một lớp sơn đã dần bị bong tróc, đang vươn dậy bước sang một trang mới của lịch sử.
Trong mắt của Mark, ông thấy mỗi mét vuông của đường phố Sài Gòn đều chật ních người, với hàng quán, cảnh mua bán, ồn ã, tấp nập trên đường là xe máy, xe đạp, xích lô, tiếng còi xe inh ỏi, pha lẫn trong đó là tiếng pháo bắt đầu rộn vang. Dễ hiểu, bởi vì Mark đến vào ngay những ngày cuối năm âm lịch, Sài Gòn chuẩn bị đón Tết cổ truyền năm 1992.
Khách du lịch phương Tây ở Sài Gòn lúc đó là cái gì đó rất lạ lẫm đối với người dân. Nhiều đứa trẻ chạy theo nhìn ông Tây mũi lõ da trắng, nhiều người mời họ vào nhà uống cà phê, nước trái cây. Mark vào uống cà phê ở khách sạn Majestic, ăn sáng ở tầng 9 của khách sạn Caravelle, buổi tối dùng bữa thịnh soạn ở nhà hàng kiểu Pháp Maxim’s, thanh toán bằng một xấp đầy những tờ 1000 đồng. Tất cả điều đó làm cho Mark như ở trong mơ, vì chỉ 1 tuần trước đó, ông chỉ là khách du lịch bụi ngủ trong nhà trọ bình dân ở Thái Lan, nhưng giờ ông là 1 trong những du khách VIP của Sài Gòn thời mở cửa. Đó là một thời khắc mang tính lịch sử.
Mark kể lại một kỷ niệm khó quên trong ngày đầu năm mới: “Vì bất đồng ngôn ngữ, chúng tôi vất vả thỏa thuận giá tiền đi Chợ Lớn với một nhóm xích lô trước một ngôi nhà bên đường. Từ trong nhà, một người đàn ông trung niên có gương mặt hiền lành bước ra làm thông dịch. Khi chúng tôi không đồng ý với giá mà bên xích lô yêu cầu, ông ấy mời cả 4 người chúng tôi vào nhà uống trà, mời dùng bữa trưa là bát mì thơm ngon, có dưa dấu tráng miệng. Ngồi quanh bàn còn có vợ con và vợ chồng em gái của anh ấy.
Người đàn ông này thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, đã ngồi tù 10 năm cải tạo sau 1975. Em rễ của anh ấy cũng nói tiếng Anh rất giỏi, là chủ một công ty xây dựng có 50 nhân công. Trong năm mới, anh ấy đang dự tính mua một chiếc xe Toyota giá $9000.
Chúng tôi trò chuyện tới 4 giờ chiều mới cáo từ bằng những cái bắt tay thật lâu, những nụ cười trìu mến chúc tụng năm mới theo phong tục của người Việt”.
Sau đây là những mô tả về Sài Gòn năm 1992 của Mark, đăng trên tờ Financial Times năm 1992:
Từ sân thượng của khách sạn REX có thể nhìn thấy được ngọn tháp đôi của Nhà thờ Đức Bà màu đỏ gạch. Trên đường có hàng trăm chiếc xe đạp, xe mát và xích lô lưu thông vòng quanh Nhà thờ, xuôi theo đường Đồng Khởi về phía Tòa thị chính, tòa nhà được xây từ thời thuộc địa với mặt tiền màu vàng nhạt được trang trí cầu kỳ, có chớp cửa màu xanh lá cây.
Sài Gòn dường như đã thay đổi rất ít trong 40 năm qua. Những gì được mô tả trong tiểu thuyết Người Mỹ Trầm Lặng của Graham Greene những năm 1950 vẫn còn nguyên đó. Cuộc chiến khốc liệt, lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ và chính sách thất bại của thời bao cấp đã gần như đóng băng lại sự phát triển của thành phố này.
Hình ảnh quen thuộc trên đường phố là những phụ nữ đạp xe đi làm với đôi găng tay ren dài tới khuỷu tay, những người đàn ông lớn tuổi với mái tóc bóng mượt, bộ com lê ba cúc và đội mũ nồi uống cà phê ở những quán cà phê vỉa hè. Những cô gái trẻ rửa chén trong chậu trong khi mẹ của họ bán rượu vodka Nga và thuốc lá Mỹ dưới những chiếc dù cũ ven đường.
Những chiếc xe buýt lúc nào cũng quá tải, đa số là xe được chế tạo từ những năm 1940 đã được cải tạo chạy bằng lò đốt than, chạy lách cách trên những đại lộ rộng lớn, đi qua những khoảng sân cũ kiểu Pháp đã bạc màu. Một sự thật trớ trêu là chính sự lạc hậu của thành phố này lại trở thành niềm vui sướng của những du khách đã chán ngấy sự ô nhiễm và dơ bẩn của nhiều thành phố châu Á khác.
Mặc dù có 4 triệu người, Sài Gòn không có khói bụi của Bangkok hay tội phạm đường phố như Manila. Nó cũng không chồng chất cao ốc văn phòng xấu xí như Jakarta hay Kuala Lumpur. Khi đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud tìm kiếm địa điểm để làm phim “Người Tình”, ông muốn tái hiện Sài Gòn của những năm 1920. Và Sài Gòn năm 1992 dường như vẫn giữ được y nguyên không khí của thời đại đó.
Giờ đây, Sài Gòn bước sang một trang mới khi các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào, khi nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang mở cửa đón làn sóng khách du lịch mới. Trong nhiều năm, người phương Tây chỉ được phép đến thăm Việt Nam rất hạn chế. Cho tới tháng 11 năm 1991, có chính sách mới với thị thực 28 ngày, du khách nước ngoài có thể tùy ý khám phá Việt Nam.
Mặc dù Hà Nội mới là thủ đô, nhưng Sài Gòn là trung tâm thương mại và du lịch. Miền Bắc lạnh giá, còn Sài Gòn năng động đầy màu sắc, nơi có nhiều doanh nghiệp mang đầy sức sống.
Lúc này, Sài Gòn hầu như không có ô tô ngoại trừ một dãy taxi Renault 4CV thời trước 1975 đậu cố định trước khách sạn REX. Người Sài Gòn duyên dáng và phóng khoáng, năng động trên đường phố, lúc nào cũng nghe thấy tiếng cười nói hối hả. Người người sẵn sàng mời du khách vào nhà của họ để dùng bữa, dù là sáng, trưa hay tối.
Người ta nói rằng Việt Nam có hàng trăm món khác nhau, trong đó có nhiều món có tên gọi tiếng Pháp. Trên đường phố, bạn có thể dùng bữa với những chiếc bánh mì baguette tươi đầy pa-tê gà và rau trong vòng chưa đầy 20 phút.
Giá cả ở Việt Nam rất rẻ, một đô la Mỹ đổi được 10.000 tới 12.000 đồng, đổi 100 đô là đã được một ba lô đựng tiền Việt để tiêu xài.
chuyenxua.net biên soạn