Trong văn chương Việt Nam, tục nhuộm răng và răng đen của người phụ nữ ngày xưa được ca ngợi tôn vinh như một nét đẹp không thể thiếu được.
Răng đen ai nhuộm cho mình
Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say? (Ca dao)
Răng đen là nét đáng yêu được xếp vào hàng thứ tư trong cái duyên của người con gái. Trong bài “Mười thương” của ca dao Việt Nam có đoạn:
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Và để hấp dẫn, để sửa soạn, để trang điểm người con gái bao giờ cũng rất chú trọng đến hàm răng đen gợi cảm của mình:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen. (Ca dao)
Và:
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, miệng người răng đen. (Ca dao)
Còn trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm thì:
…Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng…
Trong thành ngữ Việt Nam cũng có nhắc đến phong tục này
Con gà tốt mã về lông,
Răng đen về thuốc, rượu nồng về men
Trong một bài báo của A. Lomon đăng trên báo l’Illustrtion ở Paris, tác giả mô tả phụ nữ người Việt thời đó như sau:
Phụ nữ An Nam rất đẹp, vóc người nhỏ nhắc gọn gàng và đẹp đẽ, nét mặt rất dịu dàng. bàn tay nhỏ, tóc đen rất đẹp. mắt không xếch như phụ nữ Trung Hoa. Khuôn mặt của họ gần với người Châu Âu hơn là giống dân Mông Cổ. Đáng tiếc là hay ăn trầu nên miệng họ rộng ra và đen xì. Tuy nhiên răng của họ vẫn bóng láng nếu họ bỏ tục ăn trầu thì răng họ sẽ trắng trở lại.
Có lẽ ông Lomon có nhầm một chút, vì răng của phụ nữ An Nam bị đen không chỉ do ăn trầu, mà còn là vì phong tục nhuộm răng ở xứ này.
Theo truyền thuyết Việt Nam tục này đi cùng với tục xăm mình và ăn trầu.
Ngoài người Kinh, các dân tộc thiểu số khác như Nùng, Si La, Tày, Dao đều có tục này; nhưng mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có cách nhuộm răng khác nhau về ý nghĩa, thẩm mỹ, sức khỏe và chất liệu sử dụng trong lúc nhuộm.
Tục lệ này vẫn tồn tại ở một số nhóm dân tộc biệt lập ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương nhưng hầu như đã biến mất sau khi các tiêu chuẩn vẻ đẹp phương Tây du nhập vào thời kỳ thuộc địa, nhất là đầu những năm của thế kỷ 20, phong tục này mới bị mai một đi mất.
Theo các truyện cổ tích Việt Nam thì từ hàng nghìn năm trước người Việt đã có tục nhuộm răng. Theo truyền thuyết Việt Nam tục này đi cùng với tục xăm mình và ăn trầu. Sứ thần của nước Văn Lang đã trả lời vua nhà Chu (Trung Quốc) về tục ăn trầu rằng: “Người Việt có tục ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm cho răng đen…”.
Theo Lịch sử Việt Nam (tập 1, Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, 1971, trang 48) có đoạn: “Về thời Hùng Vương, ai cũng xăm mình. Ai cũng búi tóc hoặc cắt tóc ngắn. Ai cũng thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay. Người ta nhuộm răng, ăn trầu”.
Trong bài hịch của vua Quang Trung khi kéo quân ra Bắc đánh giặc nhà Thanh vào năm 1789 có câu liên quan đến tục nhuộm răng vì đây là một tập tục quan trọng trong văn hóa người Việt.
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn…
Tục ngữ Việt có câu “cái răng cái tóc là góc con người”, nên hàm răng đen ngày trước là tối quan trọng, không kém gì mái tóc. Thời xưa, tục nhuộm răng cũng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào cuộc đời trưởng thành của mỗi người. Người nào không nhuộm răng thì dư luận cho là người không đứng đắn. Trong một xã hội cổ truyền vốn coi trọng sự suy xét của cộng đồng nói chung thì câu “răng trắng như răng chó” là có ý chê trách. Răng đen cũng là một đặc điểm khác biệt giữa người Việt và người Tàu nên còn có câu: “răng trắng như răng Ngô”.
Tục nhuộm răng đối với người Việt thường gắn liền với tục ăn trầu tuy hai tập tục này là hai khía cạnh khác nhau về xã giao và đoàn kết. Nhuộm răng được coi một nét văn hóa để phân biệt với các tộc người khác. Hầu như tất cả người dân Việt Nam từ kẻ nghèo cho đến người giàu, từ giai cấp nông dân cho đến giới quan lại, điền chủ, hoàng thân quốc thích, vua chúa ai ai cũng nhuộm răng.
Khoảng vào năm 1862, khi nền văn minh Tây phương xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, và nhất là đầu những năm của thế kỷ 20, nhiều phụ nữ đã để răng trắng hay cạo hàm răng đen được nhuộm từ thuở mới thay răng để trở thành người phụ nữ mới nhằm tham gia vào công cuộc cải cách xã hội, phong trào nữ quyền, giải phóng,…; những phong trào này phát triển rầm rộ trong thời đại canh tân. Thuở ấy trong xã hội có hai phái kình chống nhau kịch liệt, một nhóm cho rằng để răng trắng, hớt tóc là bè lũ theo Tây, làm me Tây…; còn nhóm kia thì cho rằng tóc củ hành, răng đen, áo the quần vải là hủ lậu, kém văn minh… Thời đó, người ta chỉ đánh giá bề ngoài mà không chú trọng nhân cách, tư tưởng ở bên trong. Đấy là giai đoạn đánh dấu sự suy tàn của tục nhuộm răng ở Việt Nam.
Răng đã nhuộm đen sau đem cạo trắng thường không trắng hẳn mà có màu xám/đen lờ lợ không đều. Tiếng Việt cũng dùng từ ngữ “răng cải mả” giống như loại răng đen mà để phai để gọi hàm răng không mấy đẹp này.
Sau đây là trích dịch bài viết của Huard, đăng trên Tuần san Indochine số 134, ngày 25/3/1943:
Trong khi tục cà răng có thể thấy trên khắp thế giới thì tục nhuộm răng đen chỉ tồn tại trong một vùng tam giác ở bờ biển khu vực Đông Á. Đỉnh tam giác, về phía bắc chạm đến miền Bắc Nhật Bản. Cạnh đông là quần đảo Mariannes và góc phía đông là quần đảo Salomon. Cạnh đáy chạy qua Timor và Java; góc phía tây là đảo Sumatra, còn cạnh tây chính là Đông Dương.
Tại khu vực này, cư dân bản địa nhuộm răng đen với các kỹ thuật đa dạng nhất và phong phú nhất. Khi thì người ta chỉ nhuộm riêng, khi thì kết hợp với cà răng (dũa, đục) – một phong tục rất được ưa chuộng đối với những dân tộc theo văn hóa Indonesia, dù ở đất liền hay ở ngoài đảo.
Tại xứ Đông Pháp, tục này khá phổ biến nhưng không vượt quá vĩ tuyến 28o35 Bắc. Hơn nữa, đường phân chia này trùng với ranh giới phía Bắc của người Thái và ranh giới khu vực sinh sống của người Khạ, nơi người dân dùng nanh heo dưới để cài tóc (theo Guibaut).
Thật khó có thể thiết lập chính xác bản đồ nhuộm răng đen ở Đông Dương. Tuy nhiên, nếu để ý, ta sẽ thấy người An Nam, Thái, Mường, Mán, Khmer, Thượng và một số người Khạ đều nhuộm răng đen.
Tộc người Sinoïde ở vùng cao, người Hoa, người Chăm và một số người Thượng đã bị Chăm hóa lại không theo tục lệ này.
Ngay ở người An Nam, tục này cũng mai một dần. Xu hướng này thể hiện khá rõ ở Nam Kỳ bởi hai tác động: thứ nhất là số Hoa kiều tại đây khá đông, thứ hai là sự phát triển nhanh chóng của nền văn minh phương Tây. Tại Bắc Kỳ, tục nhuộm răng đen đang dần biến mất ở các đô thị lớn song vẫn rất phổ biến ở nông thôn.
Qua các cuộc khảo sát, trong số 1.430 lính bản xứ tuyển mộ từ nông thôn, có tới 1.037 người răng đen. Vì vậy, có thể tạm kết luận là 80% dân quê Bắc Kỳ nhuộm răng đen, trong đó 60% ở độ tuổi từ 22 đến 26.
Điều đó cũng có nghĩa là tại những khu vực quanh Hà Nội, người ta vẫn nhuộm răng đen. Ở các chợ vùng quê, chúng tôi còn thấy những em bé có hàm răng đen nhánh, điều này đòi hỏi phải có phương pháp nhuộm riêng.
Về phương pháp nhuộm răng đen, đã có những mô tả sai lầm. Trầu làm cho môi đỏ thắm và làm cho răng ngả màu như răng cải mả theo cách nói của người An Nam. Từ đó suy ra rằng răng của người An Nam bị đen là do ăn trầu, đây là kết luận rất hồ đồ của một số tác giả mà tôi không tiện nêu tên.
Tiếp nối suy nghĩ của Pierre Loti trong tác phẩm Chuyện lưu đày, một số người khác cho rằng răng nhuộm đen được là nhờ trát lên một lớp sơn.
Thực tế cũng như những gì mà Mondière chứng minh từ năm 1873, tiếp đến là Girard, Crévost, Bonifacy, Holbé và Sallet, cho thấy vấn đề không phải như vậy.
Răng không phải là sơn đen mà là nhuộm đen. Không cần bàn kỹ về vấn đề kỹ thuật, chúng tôi chỉ thấy đầu tiên người ta bôi lên răng một thứ thuốc màu đỏ gọi là thuốc nhuộm răng đỏ. Thứ thuốc này chẳng có gì liên quan tới loại sơn đen, không phải đỏ, chiết từ một số cây trầu. Như vậy nói sơn răng là không đúng. Cần phải thay thuật ngữ này bằng thuật ngữ mà người An Nam thường sử dụng là răng nhuộm đen. Sau khi răng được nhuộm đỏ, người ta đắp lên răng một hỗn hợp gồm sắt và ta-nanh gọi là thuốc nhuộm răng đen để răng có màu đen vĩnh viễn.
Trên đây là kỹ thuật của người An Nam. Tuy nhiên, còn có nhiều cách khác cũng cho kết quả tương tự như vậy.
Tại sao người An Nam nhuộm răng đen? Tục đó mang ý nghĩa gì về mặt nhân chủng học?
Giống như nhiều tục lệ khác của người An Nam. Tục nhuộm răng đen bắt nguồn từ truyền thuyết về một ông vua – chồng của một nữ thần biển. Vị nữ thần này sinh được 100 trứng nở ra 100 người con trai. Ít lâu sau đó, hai người chia tay vì bất hòa. Nữ thần muốn mang 100 người con trai theo mình về biển. Nhà vua đã tìm cách giấu 50 người con và để đánh lạc hướng người mẹ khi đi tìm con, nhà vua đã xăm da và nhuộm đen răng lũ trẻ để nữ thần không nhận ra được.
Tuy nhiên, thật khó xác định tục này bắt đầu từ khi nào.
Ở Đông Dương, người ta chưa bao giờ tìm thấy răng đen ở các sọ cổ cho phép xác minh được niên đại của tục lệ này. Tuy nhiên, các biên niên đời Chu của Trung Hoa và các văn bản được cho là của Tư Mã Thiên cho rằng tục nhuộm răng đen có từ thế kỷ III TCN.
Có vẻ như vào hậu kỳ đồ đồng, Đông Dương nằm trong nền văn minh biển gồm Đông Nam Á và Indonesia. Nền văn minh này được những thủy thủ dũng cảm truyền bá lên phía Bắc là Nhật Bản và về phía Nam là Madagasca (theo Przyluski). Hơn nữa, hai khu vực này chắc chắn có sự lai tạo giữa các cư dân bản địa bằng dòng máu Mã Lai. Như vậy việc chỉ nhuộm răng đen hoặc kết hợp với cà răng có thể coi là dấu tích của văn hóa đại dương này. Sau khi phát triển rực rỡ ở Nhật, Phillipines, Insuline và Hindoustan, nền văn minh đó dần dần kết thúc chu trình của nó và nhanh chóng chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây sau nhiều thế kỷ chống lại văn hóa Trung Hoa ở Đông Dương.