Về việc bảo tồn các công trình lịch sử ở Kinh thành Huế (bài viết năm 1943)

Trᴏnɡ hànɡ nɡàn năm dưới ᴄhế độ quân chủ, ᴄó nhữnɡ νùnɡ đất của Việt Nam đượᴄ ɡọi là ᴄố đô, là nơi đónɡ đô ᴄủa ᴄáᴄ triều đại νua ᴄhúa, như là Thănɡ Lᴏnɡ, Hᴏa Lư, νà Huế. Ngày nay, những cố đô này hầu hết đều đã thành phế tích, ngoại trừ Kinh thành Huế ᴄủa triều đại phᴏnɡ kiến ᴄuối ᴄùnɡ là triều Nɡuyễn đến nay vẫn còn lại phần nào những di tích rêu phong cùng thời gian. Từ cuối năm 1946, đa số công trình lớn nhất bên trong Kinh thành Huế đã bị tiêu hủy vì “tiêu thổ kháng chiến”. Trước đó không lâu, việc bảo tồn, tôn tạo các công trình trong Kinh thành đã được triều đình Huế và chính quyền thuộc địa thực hiện. Bài viết dưới đây về việc bảo tồn kinh thành Huế được đăng trên tuần san Indochine năm 1943, cách đây tròn 80 năm.

Tin O.F.I, Huế, 23/10/1943 – Ông Clayes, giám đốc Sở khảo cổ Đông Dương, đã đưa đô đốc Decoux đi thăm các công trình tiện nghi ở điện Cần Chánh vừa được chính phủ An Nam hoàn thành bằng ngân sách liên bang.

Các quan chuẩn bị buổi lễ trước điện Cần Chánh, lễ đăng quang vua Bảo Đại ngày 8/1/1926

“Thành Huế” là tên gọi quen thuộc mà mọi người thường dùng để chỉ khu kinh thành cũ có tường lũy bao quanh. Khu vực này có hình vuông, rất rộng lớn, có tường thành bao quanh dài hơn 10km. Bức tường thành phòng thủ vững chắc này cao gần 7m này còn được gia cố thêm bằng một con hào rộng chạy vòng quanh phía ngoài với bờ kè bằng đá và một con đường nhỏ ở giữa liên kết với tường thành.

Kinh thành Huế ngày nay. Ảnh: Lê Văn Anh Tài

Phía trên các cổng ra vào thành, người ta dựng các vọng lâu, trên mái gắn tượng các loài vật mang tính biểu tượng. Ngay trục chính của thành, mặt phía Đông Nam nhìn ra sông Hương là Ngự Lâu (Phu Văn Lâu?!) là một nơi có tầm nhìn tuyệt đẹp. Ngự Lâu có hai tầng, chóp đỉnh trên cùng có một cột cờ bằng sắt với hoàng kỳ của Hoàng Gia bay phấp phới giữa nền trời.

Không ảnh toàn cảnh Hoàng Thành Huế, tấm ảnh rõ nhất còn lưu lại toàn bộ công trình bên trong Hoàng thành. Từ sau thập niên 1940, đa số công trình đã thành phế tích vì bị phá hủy

Ngay phía trong khu vực này là Hoàng Thành (đại nội) cũng có dạng hình vuông khép kín với các điện, miếu thờ, ngai vàng, kho tàng, các điện của Hoàng Thái Hậu và của nhà vua. Đi sâu vào phía trong là sông Kim Long, một nhánh cũ của sông Hương (chảy từ chợ Kim Long), từng được triều đình cải tạo, nắn lại dòng và đào thêm để tạo thành kênh hoàng thành (sông Ngự Hà, hay sông vua), cắt đôi thành nội theo những đường thẳng tắp. Con sông thứ hai, sông Tiên – Biang [Tiểu Giang, một nhánh của sông Bạch Yến] cũng được nắn lại dòng chảy để làm chỗ thoát nước cho khu vực Tây Bắc. Đi xa hơn một chút nữa là chợ Bao Vinh, một giang cảng của Huế.

Cũng nằm trên hệ thống sông Hương, được bao quanh bởi các nhánh sông kể trên là đồn Mang Cá. Khu đồn có mặt bằng hình chỏm cầu (hình mang cá). Trước khi được xây dựng thành khu đồn quân sự nơi này được gọi là “gò cầu An Bình”. Hiện nay, có một đơn vị lính đồn trú tại đây.

Khu vực Mang Cá trong Kinh thành

Sau khi sơ phác tổng quan về kinh thành Huế, chúng tôi sẽ điểm nhanh một vài nét về lịch sử. Gần 150 năm trước, vua Gia Long, người sáng lập ra vương triều này, đã quyết định biến tòa thành cũ (Phú Xuân) trở thành kinh đô mới. Khu vực nhà vua chọn được bao bọc bởi sông Hương và các phụ lưu của nó, nên trước đây còn được gọi là “đảo vua”. Phía tây là vùng Kim Long, nơi có nhiều dinh thự cũ của các chúa Nguyễn khi trước. Tháng 3 năm Gia Long thứ 3, tức năm 1804, việc xây dựng kinh thành bắt đầu được tiến hành.

Người Pháp có giúp vua Gia Long trong công cuộc xây dựng hay không? Trong một thời gian dài, người ta đã nghĩ là có vì khi đó nhiều người Pháp trên các chiến thuyền vẫn làm việc cho đức vua như Chaigneau, de Forcant, Vannier. De Puymanel và đặc biệt là giám mục Bá Đa Lộc là những trợ thủ đắc lực của nhà vua trong việc xây dựng. Họ lần lượt qua đời khi các công trình còn đang được thực hiện. Tuy nhiên, khi lục tìm kỹ những ghi chép trong kho văn khố do cố thân vương Võ Liêm thực hiện, thì có thể thấy nhà vua đã tự mình xây dựng tất cả mà không nhờ đến bất kỳ sự giúp đỡ nào từ người nước ngoài. Nhưng chắc chắn là nhà vua đã học hỏi và áp dụng rất nhiều kỹ thuật quân sự của phương tây khi xây thành, bởi người bạn Bá Đa Lộc chính là người đã dịch cho đức vua những cuốn sách đó. Vua Gia Long và đội ngũ kỹ sư của ông đều nắm vững những kỹ thuật xây dựng đó. Điều này cũng lý giải đầy đủ việc những “dấu ấn kiến trúc Vauban” lần đầu xuất hiện trên các thành trì An Nam vào thời kỳ này.

Không ảnh kỳ đài phía trước Kinh thành Huế, tháng 2/1969

Kinh Thành Huế được xây dựng ở vị trí có điều kiện phong thủy tự nhiên tuyệt vời. Vị trí này như đã được định sẵn từ trước trong “thiên thư”. Giữa dòng sông Hương, nhô lên hai hòn đảo Thanh Long (cồn hến) và Bạch Hổ (cồn dã viên), tựa như hai chiếc tay ngai của ngai vàng. Việc còn lại của các thầy pháp, các nhà chiêm tinh và thiên văn của nhà vua là sử dụng một chiếc la bàn phong thủy, xác định hướng tốt nhất để đặt các công trình xây dựng nhằm củng cố cho vương vị.

Năm 1809, các cổng thành và tường thành được xây dựng hoàn thành, sau đó khoảng 15 – 20 năm (từ 1824), các vọng lâu mới tiếp tục được xây dựng và hoàn thành. Đây cũng là khoảng thời gian khu tượng thị vệ được xây dựng. Tất cả được hoàn thành vào khoảng năm 1831. Ngay sau khu tượng thị vệ là Ngọ Môn, là cửa phía nam hay cửa chính của Hoàng Thành, được vua Minh Mạng xây dựng năm 1833.

Ngọ Môn

Trên đây chúng tôi mới kể tới phần xây dựng “cứng” của tòa thành (đá phiến, gạch khổ lớn), ngoại trừ vọng lâu, các công trình này rõ ràng bị ảnh hưởng bởi các kỹ thuật của Châu âu (kiến trúc Vauban). Ngược lại, các phần công trình được xây bằng loại vật liệu nhẹ và nhanh xuống cấp hơn như các loại gỗ, ngói men, các họa tiết khảm màu, sơn mài,… lại mang truyền thống Á Đông và nghệ thuật đặc trưng của An Nam. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ không liệt kê hết các công trình xây dựng trong thành, kể cả những công trình đã bị phá hủy hay vẫn còn nằm rải rác trong thành nội, mà chỉ sơ lược những đặc điểm chung nhất của các công trình còn tồn tại hay đã được khôi phục.

Điểm đặc trưng nhất trong cấu trúc điện đài, đình chùa An Nam là nhờ những tính toán kỹ thuật đặc biệt về rui mè, các công trình này đều có thể tháo rời, di dời và dựng lại nguyên trạng ở chỗ khác. Nhiều người hẳn đã vô cùng ngạc nhiên khi tìm kiếm các công trình ở vị trí ban đầu mà nó được xây dựng, lại bất ngờ phát hiện chúng đã được di chuyển tới chỗ khác hoặc đã bị thay đổi kết cấu. Điện Thái Hòa, nơi đặt Ngai vàng của nhà vua, cũng từng được di chuyển như vậy. Điện được dựng lên lần đầu tiên vào năm 1805 tại một vị trí khác, đến năm 1833 mới được chuyển tới vị trí hiện tại với đầy đủ tám mươi chiếc cột cao to được sơn son thếp vàng như trước.

Các quan văn, võ bái lạy trên sân đại triều nghi phía trước Điện Thái Hòa (Salle du Trône) trong lễ đăng quang của vua Bảo Đại năm 1926

Trường hợp tương tự xảy ra với cung Bảo Định. Cung Bảo Định là một hành cung của vua Triệu Trị với nhiều kiến trúc điện đài, hồ nước, vườn dạo cảnh,… Cung điện được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng năm 1845, ở phía tây kênh Hoàng Thành, gần ruộng tịch điền, nơi mà mỗi năm, các vị “thiên tử” sẽ làm lễ bái thiên rồi tự mình bước xuống ruộng để cày những đường cày đầu tiên. Chính vậy, vào mỗi dịp đầu xuân, sau khi làm lễ tịch điền, nhà vua thường lui về cung Bảo Định để nghỉ ngơi. Đây cũng là nơi nhà vua thường lui tới để nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ,… Bài vị vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị cũng được đặt thờ ở đây từ năm 1848 đến năm 1885.

Sau biến cố năm 1885 (kinh đô thất thủ), tướng Prudhomme và Munier đã trưng dụng cung Bảo Định làm bộ tham mưu. Các công trình trong cung theo đó cũng dần bị tàn phá, di chuyển hoặc biến mất. Minh Trưng Các, có nghĩa là sáng láng, bị chuyển khỏi Cung Khải Định đem về dựng ở trường Quốc Tử Giám làm chỗ giảng dạy, sau đó chuyển đổi công năng thành Bảo tàng kinh tế, đến nay (1943), người ta lại đặt vào đó các tủ kính của Bảo tàng lịch sử. Điện Long An, có nghĩa là yên bình sung túc, cũng bị dời đi và trở thành Thư viện hoàng gia vào năm 1909 và Bảo tàng Khải Định từ năm 1923; tuy nhiên, do diện tích tòa điện này không đủ để chứa hết các tặng vật, người ta đã nới rộng thêm một gian bằng cách lấy các rui mè và cột từ một kho chứa thóc của triều đình ở Quảng Trị.

Điện Long An thành bảo tàng Khải Định năm 1923, nay là Bảo tàng cổ vật Kinh đình Huế

Khi di chuyển những công trình lớn như thế này chắc chắn không thể tránh khỏi việc bị hư hỏng và phải thay mới một số chi tiết. Tuy vậy, hình dáng và kích thước của các rui mè thì không thay đổi một chút nào. Việc lắp đặt được thực hiện một cách chính xác và kiên nhẫn như trò chơi tháo lắp, vốn rất phổ biến khoảng một thế kỷ trước đây. Các chi tiết khảm, cẩn tinh xảo mà phần nhiều bằng đồ men (từ thời Minh Mạng), những họa tiết trang trí cầu kỳ bằng ngói tráng men,.. đều được dựng lại nguyên trạng. Chỉ có các gờ, phèo, mối gắn mang hình thù các con thú, các biểu tượng, hoặc các họa tiết trang trí bằng vôi và vỏ sò giả đá hoa cương là phải làm lại cho phù hợp với vị trí và công năng mới của công trình.

****

Việc giữ gìn và bảo tồn quần thể các công trình trong Hoàng Thành và các đền đài lăng tẩm, các lâm viên rộng lớn bên ngoài theo yêu cầu của hoàng gia đòi hỏi một khoản ngân sách đáng kể. Đô đốc toàn quyền cũng hiểu rõ sự cần thiết của khoản tiền này (chúng tôi không xem đây là khoản tiền phát sinh đặc biệt, vì chúng tôi mong những khoản chi này sẽ được duy trì lâu dài) và khoản tiền mới được duyệt chi lần này gấp ba lần khoản chi lần đầu.

Về phía vua Bảo Đại, trong nhiều năm liền, nhà vua đã làm khá nhiều việc quan trọng nhằm bảo tồn di sản. Trong khuôn khổ bài báo này sẽ là lan man nếu kể hết ra những điều mà nhà vua đã làm, chỉ xin phép được nhắc đến việc giải toả những ngôi làng ký sinh trong thành. Những ngôi làng này, do sự buông lỏng và dễ dãi trong việc quản lý, đã dần dần hình thành và lấn chiếm hết khu Tây Bắc Thành nội. Để giải quyết vấn đề này còn rất nhiều việc cần làm, nhất là ở vùng ven khu nhượng địa, do sự hiện diện của quân đội đã kéo theo tới đây rất đông những kẻ sống ký sinh, không đàng hoàng, không tương xứng với sự cao quý của Hoàng Thành.

Cung An Định bên dòng An Cựu

Cung An Định là cung điện riêng của vua Bảo Đại. Nhờ việc sửa chữa và xây dựng ở cung điện này đã kéo theo việc tu bổ những khu vực xung quanh như những bờ và tường của các bến hai bên kênh hoàng gia, đoạn phía trên Trường Nông Nghiệp; hoặc các tấm bia đá vốn bị che phủ bởi nhiều công trình nhỏ lẻ, nay được lộ diện hé lộ lịch sử của dòng Kim Long. Từ nội dung trên những tấm bia, có thể biết được, nhánh sông Hương này, xưa kia từng đã được tôn tạo để thuyền tam bản có thể cập bến và đổ thóc vào các kho lương của triều đình. Việc nạo vét dòng sông giúp thuyền bè đi lại dễ dàng quanh năm và sen được trồng ở một vài đoạn sông. Nước sông ở đây thường cao mấp mé bờ khoảng từ tháng 10 tới tháng 12 và nhiều đoạn bị cạn khô vào mùa hè. Đất bồi ven sông được nạo vét lên sẽ dùng để san lấp ở những nơi cần thiết.

Khi mùa khô tới, các cây cầu đều đòi hỏi phải được sửa lại móng. Chân cầu bị hư hại khá nhiều, các lớp móng bên dưới lòi ra, nhấp nhô dưới bùn lầy khiến các mố cầu càng mỏng manh hơn. Cầu Khánh Ninh, có nghĩa là an yên trong niềm vui, được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm 1825, đã được sữa chữa và kê lại móng.

Cầu Khánh Ninh bắc qua sông vua (Ngự Hà)

Cây cầu tiếp theo dự kiến được tu bổ vào mùa khô tới là cầu Vĩnh Lợi, có nghĩa là lợi mãi mãi, tiếc là phần mái do vua Thiệu Trị cho dựng thêm trên cây cầu mười hai nhịp này, do thiếu tư liệu chính xác đã không thể khôi phục lại.

Tây Thành Thủy Quan, nghĩa là cửa ải trên sông phía tây thành, với các cột trụ gắn song cửa di động, xưa kia thường được hạ xuống vào ban đêm, cũng sẽ được sửa chữa lại. Đây là một trong những công trình đẹp của thành Huế.

Tây Thành Thủy Quan

Tất cả những việc như mở rộng các sân bãi thể thao, tu bổ các cây cầu và dòng kênh, sửa chữa các trạm canh hoặc các di tích lịch sử, đến việc chiếc bình phong bị khuất dưới tán cây đa cổ linh thiêng trên lối vào cung Bảo Định đều được Võ Tiền Văn phòng của Ngài Bảo Đại giải quyết. Văn phòng này chủ yếu quan tâm tới các công trình “nặng”, kiên cố mà chúng tôi đã nói ở phần đầu bài báo. Nhưng cũng cần bảo trì khẩn cấp các công trình “nhẹ”, các cung điện, các gian phòng, các hành lang bằng vật liệu “nhẹ” như gạch, ngói, gỗ, giả đá hoa cương,… Những công việc bảo trì này được bộ Công thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ngài Ưng Úy (thượng thư Bộ Công); cộng tác về mặt kỹ thuật với ông Desbois, kiến trúc sư của Nha Xây Dựng và ông Bezacier, thành viên EFEO (Viện Viễn Đông Bác Cổ) về mặt khảo cổ lịch sử.

****

Cung điện An Nam thường được hợp thành bởi nhiều gian phòng lớn, song song với nhau. Mái đặt trên một “rừng” cột gỗ cao, xếp đều đặn phía dưới. Để những cây cột có thể chống đỡ được phần mái cồng kềnh và to nặng, cần có một bộ khung mái rất lớn gồm nhiều thanh ngang gắn với nhau, nhưng cũng dễ dàng tách rời nhờ các chi tiết như mút chìa, chân tảng, cột chống, con sơn liên tập hình ống uốn lượn,… Ở Bắc Kỳ, các công trình kiến trúc tương tự như thế này thường rất nặng nề, ở Trung Kỳ thì thanh thoát và nhẹ nhàng hơn, được gắn nhiều hoạt tiết trang trí đa dạng như các loài thú, biểu tượng hoặc hoa lá với nhiều kỹ thuật phong phú từ chạm khắc nổi, khảm xà cừ, tráng men, sơn mài và thếp vàng.

Bên trong điện Thái Hòa

Các cung điện An Nam thường có hai kẻ “tử thù”, từ dưới lên là mối và từ trên xuống là mưa gây thấm mốc. Không cần phải liệt kê những ngôi nhà đã từng bị hai kẻ phá hoại này tàn phá, bởi những chuyện như thế ở Đông Dương, người ta đã biết quá nhiều.

Giữa các ngôi nhà liền kề trong một cung điện, thỉnh thoảng sẽ có một chiếc sân dài hứng nước mưa xối xuống từ hai mái nhà nghiêng vào nhau, một cách thức xây dựng từ xa xưa mà Văn Miếu Hà Nội là một thí dụ điển hình. Trong các tòa cung điện ở Huế, khi hai mái nghiêng vào nhau như vậy, người ta thường sẽ đặt thêm một chiếc máng xối rất rộng ở giữa, ôm nối vào mép mái hai bên. Những chiếc máng được treo trên cao như thế thường có chiều rộng khoảng 1,3m, chiều dài có khi dài hơn 70m. Chúng được che giấu khéo léo phía trên chiếc trần nhà dạng vòm, bụng đặt trên những thanh đòn tròn, tạo ra một kiểu trang trí rất đẹp mắt, vừa hữu dụng vừa hài hòa thẩm mỹ.

Máng xối trên mái cung điện

Khi trước, mặt máng xối được lót đồng thau cán mỏng, tức loại đồng pha thiếc. Tuy nhiên, do bị hư hỏng hoặc bị đánh cắp, các lá đồng cũ mất dần và được thay bằng lá kẽm với độ bền kém hơn, cứ tám hay mười năm lại phải thay mới một lần. Ở nhiều cung điện, có những chiếc máng xối quá cũ kĩ gây thấm nước hoặc nước mưa xối thẳng vào phía trong khiến cho các tòa nhà hầu như bị phá hủy, không thể phục dựng. Dưới những trận mưa xối xả như trút nước ở Huế khi mùa mưa tới, không chỉ khung nhà hay các họa tiết trang trí tinh xảo quý giá bị hủy hoại mà cả những vật dụng, đồ đạc trong các kho lưu trữ của triều đình cũng bị ẩm mốc phá hỏng, không cách nào sửa chữa được. Lượng mưa trung bình trong ngày thường là hơn 400mm. Nếu lượng mưa trung bình hàng năm của Huế là 3m thì ở Hà Nội, nơi cũng thường có những trận mưa to và kéo dài lại chỉ là 1,8m và ở Paris là 0,5m. Dựa vào những số liêụ này có thể mường tượng được những dòng nước cuồn cuộn chảy trong các máng xối dữ dội thế nào.

Máng xối hình đầu rồng

Vấn đề tiếp theo khiến những lá kẽm lót trong máng xối không còn là phương án tốt nhất là chúng thường bị xuống cấp nhanh chóng và các mối nối dễ bị hở. Đồng lá vẫn là phương án tốt nhất nhưng nếu thay cho tất cả các máng xối thì chi phí bị đội lên quá cao. Các cơ quan phụ trách kỹ thuật bèn nghiên cứu khả năng dùng máng bê tông và phủ bitum (nhựa đường) định kỳ. Những chiếc máng xối như vậy sẽ đảm bảo tốt nhất cho việc thoát nước mưa.

Tuy nhiên, trọng lượng quá nặng của loại vật liệu làm máng xối này lại gây ra nhiều vấn đề khác. Các cột gỗ dù rất cứng chắc vẫn có nguy cơ bị xé nứt. Ngoài ra, một số cột gỗ tuy rất quý hiếm nhưng chân cột lại bị mối xông. Trước yêu cầu cấp bách phải “làm một điều gì đó”, các chuyên gia kỹ thuật, sau khi cân nhắc kỹ càng, đã quyết định sử dụng phương pháp thường được làm ở Bắc Kỳ khi trùng tu các công trình gỗ, là khoét rỗng các cột gỗ đã yếu rồi đổ bê tông vào trong. Dù rất tiếc những cây cột gỗ lim nguyên khối đẹp chắc và đường bệ này, nhưng trước nguy cơ sụp đổ cả một tòa cung điện rộng lớn bởi sự phá hủy hầu như không thể tránh khỏi của mưa và mối, người ta buộc phải quyết định những biện pháp bảo tồn, bất chấp những ý kiến phản bác nhằm chống lại quan điểm “phá để bảo tồn”. Thực sự là chỉ có làm như vậy thì mới không phải phá bỏ thứ gì, việc sửa chữa vẫn diễn ra mà không ai nhận ra, ngoài các chuyên gia. Giống như việc bác sĩ gõ vào lồng ngực bệnh nhân, các chuyên gia cũng chỉ nhận ra sự thay đổi khi gõ vào những chiếc cột lim.

Việc sửa chữa đã hoàn thành xong giai đoạn một. Sau nhiều tháng thợ miệt mài làm việc, bảo tàng Khải Định đã mở cửa trở lại với chiếc máng xối dài 29m. Đây được coi là một trong những tòa nhà đẹp nhất và tiêu biểu nhất của nghệ thuật An Nam. Và tòa nhà này hoàn toàn tương xứng với những bảo vật quý hiếm mà nó đang lưu giữ và bảo tồn, có thể kể đến như: những bộ sưu tập giá trị, những đồ dùng, đồ đồng, đồ gỗ cung đình, bát đĩa, đồ lễ, tranh, trướng và các loại quần áo quý hiếm,…

Bảo tàng Khải Định

Việc tu bổ Điện Cần Chánh cũng đã hoàn tất. Ở đây, người ta đã phải làm hai chiếc máng xối, mỗi chiếc rộng 2,5m và dài gần 50m. Những trận mưa như thác trút xuống thời gian gần đây cho thấy việc sửa chữa đã hoàn tất thành công. Trên bề mặt bê tông trơn bóng, với độ nghiêng 0,5/1m, những dòng nước trút xuống từ trên trời đã được dẫn đi một cách nhẹ nhàng.

Điện Cần Chánh và sân chầu

Tòa điện phía sau Điện Cần Chánh là nơi diễn ra những nghi lễ hoàng gia long trọng, không một du khách nào được phép đi vào, nằm ở trung tâm của Tử Cấm Thành. Ngôi điện này có chiều rộng 46m, chiều dài 71m, gồm ba ngôi nhà lớn và hai cánh. Đây là một công trình quan trọng, có giá trị lịch sử rất lớn vì hai vị vua đầu tiên là Gia Long và Minh Mạng đều từng ở đây. Sàn nhà được lót bằng những phiến gỗ lớn cưa ra từ những cây lim dài từ 30m tới 40m; các họa tiết trang trí nhã nhặn phủ màu vàng kim và màu vàng hoàng gia; những tác phẩm điêu khắc đồ sộ; và đặc biệt là sự yên tĩnh tuyệt đối của mặt sàn rộng thênh, nơi vươn lên của 100 cây cột uy nghi và cao lớn… Tất cả buộc ta phải kính cẩn lặng im, sự lặng im đầy cảm xúc trước không gian linh thiêng, không gian của quá khứ ngưng đọng quẩn quanh nơi đây.

Long sàng (giường của vua) trong điện Cần Chánh

Công việc trùng tu chắc chắn sẽ không dừng lại ở đây. Giai đoạn sửa chữa tiếp theo đã được chuẩn bị sẵn sàng, chỉ còn chờ một số vật liệu hiếm, không còn phổ biến lúc này. Một số công trình được xếp vào danh mục ưu tiên trùng tu trước nhất có thể kể đến như: Điện Cần Chánh nổi tiếng với nội thất trang trí bằng gỗ được sơn đỏ thếp vàng vô cùng tráng lệ, nhưng cũng mang ít nhiều ảnh hưởng của Tây Phương và rất nhiều tặng vật quý của các sứ thần; Điện Thái Hòa và Điện Phụng Tiên nổi tiếng với những bài vị thờ các đức vua quá cố; và các lăng tẩm bên ngoài Hoàng Thành, trong đó địa điểm được tu bổ đầu tiên tất nhiên sẽ là lăng Gia Long với điện thờ nhà vua, mẹ và vợ đầu của ông.

Lăng Gia Long

******

Để những công trình lịch sử tráng lệ này được trùng tu và bảo tồn, trước hết công lao thuộc về những người An Nam, sau kế là một số người Pháp (cũng khá đông) hiểu về Huế và gắn bó với Huế như một quê hương thứ hai của họ, nhưng đặc biệt nhất phải kể đến đô đốc Decoux (toàn quyền Đông Dương) vì ông đã đồng lòng thực hiện việc bảo tồn các chứng vật quý giá từ quá khứ lịch sử của miền đất này.

Bằng tình yêu, sự tôn trọng đối với các công trình cổ và cả những chất liệu, những thứ góp phần gìn giữ vẻ đẹp cấu trúc nguyên thủy của công trình nếu được bảo trì cẩn thận, các tổ chức được giao nhiệm vụ bảo tồn vẫn đang tiếp tục những công việc đầu tiên. Ban bảo tồn các công trình lịch sử An Nam – Champa dù hàng năm đều thực hiện bảo tồn nhiều công trình quan trọng ở Trung Kỳ, đặc biệt là ở Champa và của EFEO, đã bỏ quên Huế hàng chục năm nay, mới đây bỗng náo động hẳn lên nhờ sự có mặt của một thành viên của tổ chức này tại kinh thành Huế. Sự cộng tác của thành viên này với Nha Công Chính và Sở Xây Dựng trong nỗ lực giữ gìn các di sản sẽ là sự bảo đảm tốt nhất cho công việc bảo tồn, đặc biệt trong việc trùng tu các họa tiết trang trí với những chất liệu quý hiếm và phong cách đặc trưng, cũng như trong việc trùng tu các công trình của Hoàng Thành trên hai bờ sông Hương.

J.Y.Claeys, tuần san Indochina số 169, ra ngày 25-11-1943
Đông Kha dịch

1 bình luận về “Về việc bảo tồn các công trình lịch sử ở Kinh thành Huế (bài viết năm 1943)”

Viết một bình luận