Từ nhiều năm qua, bia mang nhãn hiệu “333” (thường gọi là bia ba ba) rất quen thuộc ở Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung. Loại bia này không cao cấp như các loại bia ngoại, thường thấy nhiều trong các quán nhậu bình dân.
Tiền thân của bia 333 này là loại bia “33” Export của hãng BGI đã có từ rất lâu, có thể dễ dàng nhìn thấy xuất hiện trong các hình xưa ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ trước.
Bia 33 Export là một sản phẩm nổi tiếng của công ty BGI, thương hiệu bia được tạo lập ở Sài Gòn từ hàng trăm năm trước.
Vào năm 1875, một sĩ quan hàng hải Pháp giải ngũ tên là Victor Larue tới Sài Gòn lập nghiệp. Ở xứ nhiệt đới trong những buổi trưa nóng nực, ông nhận thấy người dân có nhu cầu uống nước đã rất lớn nên đã mở một xưởng làm đá nhỏ ở Sài Gòn, nằm ở vị trí đầu đường Nationale (nay là đường Hai Bà Trưng, đoạn sát công trường Mê Linh). Vị trí xưởng này cho tới 100 năm sau đó (1975) vẫn thuộc về Công ty BGI, sau đó bị quốc hữu hóa thì thành công ty Bia Sài Gòn (Sabeco).
(Tháng 12/2017, Tập đoàn ThaiBev của Thái Lan đã mua lại 53,6% cổ phần Sabeco thuộc sở hữu của Bộ Công Thương).
Là chủ của một trong những xưởng làm nước đá đầu tiên ở Nam kỳ, Victor Larue cùng với người em là Gabriel Larue dần làm ăn phát đạt, ông mở thêm xưởng bia do công ty mang tên Anh em nhà Larue (Larue Frères) điều hành.
Từ một xưởng nhỏ, công ty Larue trở thành hãng nước giải khát được coi là lớn nhất Đông Dương thời đó, mở thêm nhiều đại lý chi nhánh ở Phnompenh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Khi công ty vẫn đang phát triển mạnh thì Victor Larue qua đời năm 1924, người em Gabriel vẫn tiếp tục điều hành. Ngay sau đó, công ty Larue được góp thêm vốn từ công ty Denis Frères, chính thức đối tên thành Brasseries Glacières d’Indochine (BGI – công ty bia và nước đá Đông Dương) từ năm 1927.
Bia 33 và bia la-de Con Cọp, những sản phẩm nổi tiếng của BGI
Người Sài Gòn xưa, đặc biệt là dân nhậu, thì ai cũng biết 2 loại bia nổi tiếng được BGI sản xuất trước 1975, đó là bia 33 export và bia Con Cọp, còn gọi là la-de Con Cọp. Thời trước 1975, người trong Nam quen gọi chai bia là “chai la-de”, chứ chưa xài chữ “bia” thông dụng như ngày nay.
33 Export là bia xuất khẩu, cái tên 33 đơn giản là do nó đựng trong chai có dung tích 0,33 lít. Bia này nấu thơm hơn, có độ cồn cao hơn nên vị uống đậm đà hơn. Trên nhãn bia ghi chữ bia theo nhiều ngôn ngữ khác nhau: Bière (tiếng Pháp), Beer (tiếng Anh), Bier (tiếng Đức), Bir (tiếng Indonesia), Birra (tiếng Ý)… Thương hiệu mang tên 33 Export dù nổi tiếng khắp miền Nam thời kỳ 1955-1975, nhưng nó ra đời đầu tiên từ nhà máy BGI ở Hà Nội năm 1949.
Loại thứ hai phổ biến nhất là bia Con Cọp, đựng trong chai có dung tích 0,66 lít, dung tích thực được ghi là 0,61 lít. Bia Con Cọp là dòng bia chủ đạo và lâu đời của BGI, có mặt trên thị trường từ những năm đầu thế kỷ 20.
Đây là loại bia phổ biến được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, từ người lao động bình dân cho đến trí thức hay đại gia, từ nhà hàng đến quán cóc lề đường đều có hình ảnh của bia Con Cọp.
Trên chai bia Con Cọp, bên cạnh hình con cọp trên nhãn, hai bên có hai chữ Pháp là Biere Larue, còn người Sài Gòn lúc đó đều gọi là la-de Con Cọp.
Từ La-de này đọc từ chữ La-ve, thường được hãng BGI ghi trong các mẩu quảng cáo: La-ve Larue, như trong hình bên trên. Vậy La-ve/La-de là gì? Ban đầu, chữ này vốn gọi là La-ve, nhưng vì người Nam nói V thành D nên La-ve thành La-de. Chữ La-ve xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 20, khi công ty BGI sản xuất ra loại nước uống có cồn nhãn hiệu Larue, người Pháp gọi là La bière, người Việt phiên âm thành la-bi-e, rồi dần dần thành La-ve, sau đó là La-de. Ngày xưa, người ta gọi là chai la-de 33, chai la-de Con Cọp, tới tận năm 1975 thì người dân Sài Gòn mới bắt đầu chuyển qua gọi là Bia. Theo lời kể của ông Phạm Văn Song, vốn là chánh sở Tiếp thị (Chef du Service Marketing) của BGI thời kỳ 1973-1975, việc chuyển từ tên gọi La-ve/La-de thành Bia diễn ra như sau:
Nói thì La De, nhưng viết LA VE. Cũng vì một anh Tây ở hãng đã viết và cho in trên cuốn lịch phát hằng năm, màu vàng với con cọp nằm ngang màu đen và viết LA VE LARUE, dân Tây hồi đó khi mới đến Sài Gòn khi vào những quán ăn gặp cái lịch ấy thường đặt câu hỏi cái hãng nào mà “Rửa Đường, rửa Phố” như vậy, vì học đọc Lave (động từ Laver, rửa, to clean, to wash) la rue (rue là đường phố – street). Để tránh cái ngộ nhận ấy, cá nhơn tôi trưởng Marketing bèn đề nghị thay đổi cách gọi trên tấm lịch ấy. Cũng vì trong cùng thời gian ấy, đang có một chương trình sản xuất một loại Bia Màu, Bia màu Nâu (Bière Brune), nên tôi thưòng dùng chữ Bia hơn chữ La De, gọi Bia Đen, Bia Nâu, Bia Màu nó dễ nghe hơn, cho nên Tết năm 1975, cái lịch cố hữu màu vàng, con cọp đen được in lại với chữ BIA LARUE. Năm ấy, mất luôn chữ La De hay LA VE, ôi thôi đó cũng là cái điềm.
Tuy nói là nói như vậy, nhưng thực ra chữ “bia” (phiên âm từ chữ biere của Pháp) đã được báo chí ngoài Bắc dùng từ trước 1954 (nhưng không rõ cụ thể từ lúc nào). Trên tờ báo Tia Sáng năm 1954 có bài phóng sự Bia, nước ngọt và nước đá như sau:
Trở lại với loại la-de 33, sau đây là một vỏ chai Larue:
Binh lính và sĩ quan ngày xưa rất thích các loại bia này, thậm chí có một bài hát nổi tiếng qua tiếng hát Hùng Cường là Lính Thích 33 (nhạc sĩ Anh Việt Thanh). Chính phủ lúc đó đã ký hợp đồng với BGI sản xuất bia với nhãn riêng để bán lại cho quân đội, cảnh sát và viên chức, giá rẻ hơn, gọi là bia Quân Tiếp Vụ.
Bia 33 tuy nhỏ, nhưng có độ cồn cao hơn, hương đậm và vị đắng hơn la de con cọp chai lớn.
Năm 1973, hãng BGI tung ra một nhãn hiệu mới cho loại bia Con Cọp, cũng chai 0,66 lít có hình con cọp nhưng hai bên có vẽ thêm hình ảnh dây leo và một trái tròn tròn khía vuông mà người ta thấy giống như trái thơm, nên người ta gọi là bia Con Cọp Trái Thơm.
Năm 1973, hãng BGI muốn thay nhãn mới cho bia Con Cọp, họa sĩ đã vẽ hình hoa houblons (thường được gọi là hoa bia), là loại hoa dùng để thêm cái vị nhẫn đắng vào bia.
Vì họa sĩ ở Việt Nam chưa nhìn thấy hoa houblons tươi bao giờ, chỉ thấy hoa khô trong hãng nên từ đó tưởng tượng vẽ ra, nhìn giống hệt trái thơm. Hình vẽ nhãn mới này được chấp nhận và lọt qua khâu kiểm duyệt, vì các giám đốc người Tây giao việc đó cho cấp dưới là 1 phòng Tiếp thị toàn người Việt, đều chưa từng được thấy houblons tươi bao giờ.
Sau đó, nhãn mới được gởi đi làm décalques (đề can), đưa qua Công ty Thủy tinh Việt Nam ở Khánh Hội để dán vào 100.000 chai mới, rồi mang về nhà máy nấu bia ở Chợ Lớn để đóng chai. Tại nhà máy bia, các kỹ sư tại đây mới phát hiện là hình vẽ sai, nên báo về hãng để không in tiếp nữa, còn 100.000 chai đã lỡ in sai thì không bỏ đi, mà vẫn được đóng chai và bỏ chen vào các két bia, mỗi két một chai để phân tán ra các chai có nhãn mới vẽ sai này.
Tuy nhiên, chính sự sai sót nhầm lẫn đó đã làm cho bia Con Cọp trở nên đặc biệt, với sự góp sức của các chủ tiệm buôn người Hoa ở Chợ Lớn chuyên phân phối bia tới các đại lý. Họ phao tin rằng bia Con Cọp có nhãn hình trái thơm là loại bia rất đặc biệt, mỗi két chỉ có 1 chai, nếu đại lý nào mua với số lượng lớn két bia thì sẽ được ưu tiên có nhiều chai có nhãn hình trái thơm hơn.
Tin đồn lan rộng, người ta lùng mua loại bia có hình trái thơm, 100.000 chai kia ban đầu vốn là sự sai sót, cuối cùng lại trở thành hàng hiếm và là sự kiện gây chú ý với người tiêu dùng khiến doanh số tăng vọt.
Sự kiện năm 1975, các ông chủ người Pháp trở về nước, đồng thời nhà máy bia cũng đóng cửa vì không còn nhiên liệu.
01/06/1977, nhà máy của BGI ở Chợ Lớn bị quốc hữu hóa và được công ty Rượu Bia Miền Nam tiếp quản, hình thành nên Nhà máy Bia Sài Gòn (Sabeco). Để sản xuất lại bia, Sabeco không thể sử dụng lại nhãn hiệu 33 Export đã được đăng ký toàn cầu, nên đổi lại thành nhãn hiệu là 333, với hình thức và màu chủ đạo tương đồng với nhãn hiệu 33 Export cũ.
Để nhắc lại về thời điểm năm 1977, khi B.G.I bị buộc phải chuyển giao tài sản lại cho Sabeco, và họ đã chuyển giao những gì? Mời bạn đọc biên bản bàn giao ở cuối bài viết.
Sau khi đóng cửa tại Việt Nam, BGI về lại Pháp và “hồi sinh” dòng bia 33 Export. Thương hiệu này vẫn được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt ở Châu Âu vì có hương vị khá đặc biệt.
Đến năm 1991, BGI mới quay lại Việt Nam nhưng không trở lại thời huy hoàng được nữa, phải bán lại cho hãng Foster của Úc.
Hãng bia BGI thời Pháp thuộc
Câu chuyện kể về 2 loại bia bên trên là vào thời VNCH. Như đã kể ở đầu bài viết, lịch sử phát triển của BGI vốn bắt đầu từ những năm cuối thập niên 1870, khi từ một xưởng nước đá nhỏ thành hãng bia lớn nhất Đông Dương. Sau đây là một số tư liệu về hãng BGI (tiền thân là công ty Larue) khoảng 100 năm trước.
Sự thành công của công ty Larue được thể hiện bằng việc nhà máy bia ở Chợ Lớn và nhà máy nước đá ở đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng) được đích thân Toàn quyền Đông Dương Maurice Long tới thăm, báo L’Écho Annamite số ra ngày 23/7/1921 tường thuật như sau:
Ông Long tới thăm Công ty Larue
Ông Toàn quyền, đi cùng với ông Quesnel – Thống đốc Nam kỳ và đại úy Bénard, sáng thứ năm vừa qua đã tới thăm cơ sở của Công ty Larue. Trước tiên là thăm nhà máy bia Chợ Lớn, ở đó Toàn quyền được ông Gaillot – Tổng giám đốc công ty tiếp đón để tham quan nhà máy. Kế đó Toàn quyền thăm nhà máy làm nước đá ở đường Paul Blanchy. Toàn quyền đã trở về dinh vào lúc 10 giờ. Ông rất vui và hài lòng qua cuộc ghé thăm này khi thấy được những kết quả đáng chú ý mà những người sáng lập và các giám đốc công ty đã đạt được qua những nỗ lực kiên trì của họ.
Tờ L’Éveil Économique de l’Indochine số ra ngày 26/5/1918 có viết bài phóng sự về nhà máy bia của hãng Larue ở Hà Nội, cho biết thông tin về các máy móc và vận hành của nhà máy bia Larue. Bia và nước đá là sản phẩm chủ đạo, còn nước ngọt soda, limonade có thể sản xuất được 5000 chai một ngày, nhưng sản phẩm này bị cạnh tranh quyết liệt từ sản phẩm của người Hoa có giá thành rẻ hơn (nhưng quy trình sản xuất không bảo đảm an toàn vệ sinh như hãng Larue). Giá nước đá thời điểm đó là 0.06 đồng Đông Dương mỗi kg.
Bài báo có đoạn: “Kỹ nghệ ở Hà Nội – làm đá và các loại nước có ga của hãng Larue Frères.
Hãng của anh em nhà Larue ra đời ở Sài Gòn cách đây 30 năm với xưởng nhỏ làm nước đá, dần dần hãng này trở thành một trong các cơ sở công nghiệp quan trọng nhất ở thuộc địa, ngày nay đã có các chi nhánh ở Phompenh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, làm nước đá, nước ngọt và bia từ các nhà máy lớn và hiện đại không kém nhà máy ở Sài Gòn.
Chi nhánh Larue có ở Hà Nội từ năm 1893, nằm ở góc đường quai du Commerce và de la banque, có diện tích 71 hecta gồm nhà máy, nhà và vườn của giám đốc nhà máy.
Nhà máy lấy nước từ rô-bi-nê (robinets) do thành phố cung cấp đã được khử trùng, sau đó qua hệ thống lọc. Việc khử trùng được thực hiện trong hệ thống máy Salvador nấu nước trong lò nóng 110 độ cho ra hơi, sau đó làm lạnh đột ngột để thành nước. Đó là nguyên lý khử trùng Pasteur…”
Kỹ nghệ nấu bia và làm nước đá là thành tựu đáng tự hào ở Đông Dương thời đó, nếu so với nhiều nước ở Á Châu, kể cả Trung Quốc và Nhật Bản. Bia từ Sài Gòn, Hà Nội được xuất khẩu sang Sinapore, Hongkong, Trung Quốc (Vân Nam) cho đến Pondichérry ở Ấn Độ. Trong bài viết về kỹ nghệ bia ở Bắc kỳ (L’Industrie de la Bière au Tonkin) trên tờ L’Éveil Économique de l’Indochine số ra ngày 4/6/1922 có mô tả chi tiết về thị trường bia ở Đông Dương mà 2 hãng bia lớn cạnh tranh trên thị trường này là hãng bia Hommel (Brasserie Hommel) ở Bắc kỳ và hãng bia Larue (Brasserie Larue) ở Nam kỳ. Hai hãng bia này đã đánh bại bia nhập khẩu từ Pháp như bia của hãng Brasserie de Coq de’Or.
Khi công công ty Larue đang thành công và lớn mạnh ở Đông Dương thì ông chủ Victor Larue qua đời năm 1924. Tờ báo Le Gaulois: Littéraire et Politique số ra ngày 6/8/1924 cho biết Victor Larue mất tại lâu đài Saint-Amé của ông ở Saint Tropez, tỉnh Provence ở miền Nam nước Pháp. Người em Gabriel tiếp tục ở lại công ty.
Giữa thập niên 1920, công ty Denis Frères góp vốn vào công ty Larue, đổi tên công ty này thành Brasseries Glacières d’Indochine (BGI) từ năm 1927, tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống nhà máy và hiện đại hóa.
Tờ La Revue Générale de Froid số tháng 8 và 9 năm 1927 ghi như sau:
“…Họ sẽ lắp đặt ở Sài Gòn hai thiết bị (máy ép, compresseur) làm lạnh Sulzer công suất 325.000 frigories, mỗi máy được điều khiển bởi hai động cơ diesel Sulzer công suất 215hp. Các máy này phải đảm bảo sản xuất hàng ngày 50 tấn nước đá.
Các nhà máy ở Phnompenh sẽ nhận hai máy làm lạnh Sulzer công suất 92.000 frigories mỗi máy, chạy bởi hai động cơ diesel Sulzer 100hp. Nhà máy này sẽ đảm bảo sản xuất hàng ngày 12 tấn nước đá. Thành phố Mỹ Tho sắp có một nhà máy nước đá giống hệt nhà máy ở Phnompenh. Đây là vùng sản xuất lúa gạo quan trọng của đồng bằng sông Mekong, bị thiệt thòi trong vấn đề cung cấp nước đá cho đến nay, sẽ được chăm sóc các tiện ích trong đời sống.
Tất cả các cơ sở này đã được giao phó cho công ty cơ khí Sulzer, đảm bảo máy vận hành hoàn tất trong các nhà máy của công ty ở Saint Denis (Seine). Mặt khác, công ty Brissonneau và Lotz sở hữu giấy phép độc quyền xây dựng các thiết bị làm lạnh của công ty Société Genevoise d’Instruments de Physique hiện đang chạy trong xưởng của họ ở Nantes, hai hệ thống hoàn chỉnh làm nước đá 13 tấn trong vòng 24 tiếng, hai máy này được đặt bởi chính công ty bia và nước đá Đông Dương (BGI), được dùng để thay thế cơ sở máy móc cũ của công ty ở Hải Phòng và Hà Nội. Nói tóm lại, với những cơ sở vật chất mới, BGI sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu của người Âu và bản địa càng ngày càng tăng, đặc biệt là ở 3 thành phố lớn nhất ở Đông Dương.”
Công ty BGI bán bia và nước ngọt ở khắp Đông Dương. Ở Hà Nội, bia BGI nhãn hiệu con cọp bière Larue cạnh tranh với bia Hommel của công ty bia Hommel do ông Alfred Hommel thành lập ở Hà Nội từ năm 1892. Trong thập niên 1920, bia BGI và Hommel là 2 thương hiệu bia cạnh tranh trên thị trường bia ở Hà Nội, cho tới năm 1927 thì công ty Hommel đã thương lượng với BGI để hợp nhất, năm 1928 thì BGI đã mua gần hết cổ phần công ty bia Hommel. Năm 1933, BGI hoàn tất việc thâu tóm Hommel khi mua lại hoàn toàn công ty bia này.
Năm 1929, BGI xây thêm nhà máy ở Cần Thơ, năm 1938, BGI mua lại công ty bia Brasserie de Bohême ở Hà Nội.
Tờ L’Écho Annamite số ra ngày 3/3/1943 cho biết:
“Công ty bia và nước đá Đông Dương (BGI) bảo đảm sản xuất tất cả bia, một phần lớn nước đá và nước uống có hơi. Công ty có hai cơ xưởng sản xuất bia và ba xưởng sản xuất nước đá. Trong thời điểm bình thường, công ty còn xuất cảng một số lượng nhỏ bai đi Madagascar.
Hiện nay, những sản phẩm của công ty dĩ nhiên cung cấp toàn bộ cho nhu cầu địa phương. Sự quan trọng của công ty được thể hiện bởi số người làm việc cho công ty: hơn 30 người Âu và hơn 2300 người Đông Dương.
Mặc cho tình hình không được thuận lợi, việc sản xuất nước đá vẫn tăng trưởng. Ở Hà Nội, một xưởng làm mạch nha vừa được xây để dùng gạo nếp, và công ty không còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập cảng từ nước ngoài.”
Sau thế chiến thứ hai, từ năm 1946 tới 1954, công ty BGI đã lớn mạnh, mở rộng thị trường và lợi nhuận tăng cao.
Sau năm 1954, sau khi Liên bang Đông Dương không còn, thì chữ I của BGI đổi từ Indochine (Đông Dương) thành Internationales (Quốc tế).
Công ty Bia và nước đá Quốc tế này mở rộng sang thị trường quốc tế, có nhà máy ở khắp các châu lục xa xôi, từ từ Tân Đảo (Nouvelle Calédonie) ở Nam Thái Bình Dương đến Guayane bên Nam Mỹ, từ Nam Dương (Indonesia) cho tới Phi châu.
Cùng với công ty Denis Frères, BGI là 1 trong 2 công ty được thành lập sớm nhất ở Sài Gòn và vẫn còn hoạt động cho tới ngày nay. Mặc dù trụ sở chính của 2 công ty này không còn ở Việt Nam nhưng có nguồn gốc thành lập ở Sài Gòn.
Hãng B.G.I bàn giao những gì cho Bia Sài Gòn?
Để trả lời câu hỏi này, một bài viết trên báo Công Thương, thuộc bộ Công Thương, là cơ quan quản lý trực tiếp công ty Bia Sài Gòn thời đó, nên sở hữu đầy đủ các biên bản bàn giao và công bố như sau:
Đúng 7h30’ ngày 23/6/1977, tại số 6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Lý – đại diện Hãng B.G.I đã ký biên bản bàn giao toàn bộ Hãng B.G.I cho Công ty Bia Rượu Miền Nam, tiền thân của Tổng Công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO) chính thức tiếp quản từ ngày 01/6/1977.
Trong biên bản bàn giao dày gần 20 trang, hãng B.G.I đã bàn giao chi tiết toàn bộ tài sản cũng như con người của cho Công ty Rượu Bia miền Nam.
Đầu năm 1976, Công ty Rượu Bia Miền Nam được thành lập có chức năng kiểm soát và tiếp quản các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành rượu bia nước giải khát ở phía Nam (văn phòng đặt tại số 650 Phạm Văn Chí – P.8, Q.6).
Ngày 11/5/1977, Văn phòng Thủ tướng ra văn bản số 1789/VP2 do Bộ trưởng Vũ Tuân ký, gửi Bộ Lương thực Thực phẩm, giao nhiệm vụ tiếp quản Hãng B.G.I.
Ngày 17/5/1977, Bộ Lương thực Thực phẩm ra Quyết định số 854/LTTP do Bộ trưởng Ngô Minh Loan ký, giao nhiệm vụ cho Công ty Bia Rượu Miền Nam trực tiếp tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài sản, tài liệu, nhân sự tổ chức bộ máy hiện có của Hãng B.G.I.
Hãng B.G.I có hệ thống các Nhà máy bia, nước ngọt, nước đá, một số xưởng sản xuất chế biến malt, bột dinh dưỡng trẻ em, men, bánh mì, sữa đậu nành Vinasoy; Các trung tâm phân phối, các chi nhánh, đại lý từ Đà Nẵng đến Cà Mau và một Sở vận tải.
Nhà máy sản xuất gồm: Nhà máy Bia Chợ Lớn, Nhà máy Nước giải khát Chương Dương.
Các Xưởng chế biến gồm: Xưởng chế biến malt; Xưởng chế biến bột dinh dưỡng trẻ em (Maltocop); Xưởng chế biến men, bánh mì; Xưởng chế biến sữa đậu nành Vinasoy;
Sở vận tải Khánh Hội gồm: Các thiết bị máy móc; Xe cộ vận chuyển…
Các nhà máy sản xuất nước đá gồm: Các Nhà máy tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Cần Thơ…
Các Trung tâm phân phối, đại lý, chi nhánh gồm: Vùng Trung ương có Sài Gòn – Chợ Lớn; Vùng miền Tây có Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Vĩnh Long, Trà Vinh; Vùng Trung Trung bộ có Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Pleiku, Tuy Hòa; Vùng Tây Nguyên có Nha Trang, Ban Mê thuột, Phan thiết, Phan Rang, Bảo Lộc, Ba Ngòi
Công ty Rượu Bia miền Nam nhận tiếp quản các đơn vị của B.G.I gồm:
Cơ quan Tổng Nha và Nhà phân phối vùng trung ương; Nhà máy Bia Chợ Lớn; Nhà máy nước ngọt Chương Dương; Nhà máy Nước đá Sài Gòn – Chợ Quán; Sở Vận tải Khánh Hội; Chi nhánh miền Tây.
Cơ quan Tổng Nha gồm: Nha Giám đốc; Nha Kế toán, tài chính; Nha Kỹ thuật; Nha Hành chính; Nha phân phối vùng trung ương; Bất động sản phạm vi vùng trung ương.
Nhà máy Bia Chợ Lớn gồm: Sở nhân viên và Tổng vụ; Xưởng bột nhi đồng; Xưởng sữa VINASOY; Ngành làm rượu bia; Phòng thử nghiệm; Ngành bảo trì cơ khí; Ngành vận chuyển; Trung tâm năng lượng; Ngành chiết rượu. Sản phẩm chính của Nhà máy là: sản xuất Bia Larue và Bia “33”; sản xuất bột nhi đồng Maltocop, sản xuất men tươi làm bánh mì, sữa VINASOY, thâu hồi hơi khí than (CO2).
Nhà máy Nước ngọt Chương Dương gồm: Ngành ấn loát; Ngành pha chế xi rô; Phòng Công đoàn cơ sở; Ngành dần nút; Ngành tổng vụ; Phòng kiểm nghiệm; Ban Thiết kế; Ngành chiết; Ngành cơ khí bảo trì; Ngành vận chuyển; Ngành Chuyển vận; Kho tiếp liệu Essence và màu; Kho tổng hợp;
Nhà máy nước đá Sài Gòn – Chợ Quán gồm: Nhà máy Nước đá Sài Gòn Đồn Đất; Nhà máy Nước đá Chợ Quán;
Sở Vận Tải Khánh Hội gồm: Hồ sơ tài liệu kỹ thuật; Thiết bị máy móc; Xe cộ vận chuyển…
Chi nhánh miền Tây gồm: Nhà máy nước đá Cần Thơ, Nhà máy Nước ngọt Cần Thơ, Các Trung tâm phân phối: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Vĩnh Long, Trà Vinh. Nhiệm vụ của Chi nhánh miền Tây: Sản xuất nước ngọt BGI và SEGI; sản xuất nước đá; Điều hành các Trung tâm phân phối tại miền Tây Nam bộ.
Về con người: Tổng số cán bộ công nhân viên của Hãng đến ngày 30/4/1975 là 2.102 người, trong đó cán bộ phụ trách công tác quản lý gồm 34 người nước ngoài và 69 người Việt Nam.
Tổng số tiền tồn đến ngày 31/5/1977 gồm: Quỹ trung ương: 15.985,40 đồng tiền mặt, 23.622,54 đồng tiền séc; Quỹ Nhà máy, Quỹ kho hàng và Trung tâm phân phối: 52.900,23 đồng; Tiền tồn tại Ngân hàng: 469.067,04 đồng;
Công ty Rượu Bia Giải khát miền Nam không tiếp nhận các đơn vị gồm:
Các Nhà máy của Hãng B.G.I tại Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn và các Trung tâm phân phối trực thuộc các Vùng:
Vùng Trung Trung bộ: Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Pleiku, Tuy Hòa
Vùng Tây Nguyên: Nha Trang, Ban Mê thuột, Phan thiết, Phan Rang, Bảo Lộc, Ba Ngòi
Trong quá trình tiếp quản, Công ty Rượu Bia Miền Nam gặp rất nhiều khó khăn, như: khối lượng công việc nặng nề, diện bàn giao quá rộng (các cơ sở của Hãng ở rải rác các tỉnh, thành phố), tư tưởng của CBCNV B.G.I chưa thực sự yên tâm, tin tưởng vào chế độ mới, lực lượng tiếp quản rất mỏng, thời gian hoàn thành rất gấp, nhưng công tác tiếp quản đã hoàn thành suất sắc, đảm bảo đạt yêu cầu: nhanh, gọn, đầy đủ, an toàn toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật có giá trị lớn. Đặc biệt là quá trình tiếp quản đã ổn định tư tưởng và tổ chức, nên hầu hết CBCNV của Hãng B.G.I đều an tâm, tích cực tham gia tiếp quản cùng cán bộ của Nhà nước.
Sau khi tiếp quản, Công ty Rượu Bia Miền Nam đã tiến hành xây dựng kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài chính cho từng cơ sở. Đặt lại tên cho một số cơ sở trực thuộc B.G.I cũ theo địa danh. Lúc này, Nhà máy Bia Chợ Lớn chính thức đổi tên thành Nhà máy Bia Sài Gòn có địa chỉ tại 187 Nguyễn Chí Thanh, Quận 5 hiện nay.
chuyenxua.net biên soạn