Mời các bạn xem lại những hình ảnh màu đẹp về những tà áo dài rực rỡ, yêu kiều của phụ nữ Sài Gòn những năm đầu thập niên 1970:
Áo dài của phụ nữ Việt Nam ngày nay được xem là có nguồn gốc từ chiếc áo dài ngũ thân, được chúa Nguyễn Phúc Khoát sáng chế ra từ thế kỷ 18.
Sang đầu thế kỷ 20, người đầu tiên cách tân chiếc áo ngũ thân đó để thành áo dài có kiểu dáng gần giống ngày nay là họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường (lemur trong tiếng Pháp nghĩa là bức tường, tên gọi thân mật do bạn bè đặt cho Cát Tường).
Năm 17 tuổi, Cát Tường nhập học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và trở thành một trong những họa sĩ danh tiếng nhất tại Hà Nội thời đó.
Trong một bài viết trên báo Phong Hóa, tuần báo của Tự Lực Văn Đoàn, Cát Tường viết rằng quần áo không chỉ để che thân mà còn “như tấm gương phản chiếu trình độ tri thức một nước”. Ông cho rằng y phục của phụ nữ Việt thời ấy — áo tứ thân và áo ngũ thân — có phần lùng thùng và bất tiện, họ cần quần áo gọn gàng, giản dị, thanh lịch hơn, và hơn hết là “phải có tích cách riêng của nước nhà”.
Dựa trên áo ngũ thân, Cát Tường bắt đầu cách tân y phục của phụ nữ Việt. Ông nới rộng tay áo ra, bỏ đi phần cổ áo “vô nghề nghiệp”, và thiết kế lại chiếc quần và tà áo để vừa vặn với cơ thể người phụ nữ hơn. Và rồi đến số Phong Hóa 90, Lemur Cát Tường giới thiệu bộ trang phục mà ông nghĩ có thể đại diện cho đất nước.
Khi Nguyễn Cát Tường lần đầu giới thiệu ý tưởng về áo dài cách tân của ông năm 1934, và ý tưởng này gặp rất nhiều chỉ trích. Người ta nói kiểu áo này không thuần nét dân tộc, chỉ là thứ lai căng. Cát Tường đón nhận những chỉ trích đó một cách bình thản, thừa nhận sự lai Pháp của áo dài và nói rằng nên khai thác sự tiện dụng của y phục phụ nữ phương Tây để thay thế cho sự tù túng và bất tiện trong áo dài tứ thân.
Áo dài theo thiết kế của Cát Tường thật sự không dễ để nó được đông đảo quần chúng chấp nhận ngay lập tức, mà ban đầu là các cô gái Việt theo Tây học đón nhận, một trong những người đầu tiên là cô Nguyễn Thị Hậu, sau này là luật sư, thị trưởng Đà Lạt.
Đáng tiếc là họa sĩ Cát Tường không sống được đủ lâu để thấy thiết kể áo dài của ông được phụ nữ ưa chuộng và trở thành “trang phục dân tộc” như hiện nay, bởi vì năm 1946, ông bị Việt Minh bắt khi chỉ mới 35 tuổi. Có lẽ vì người ta đã xem ông là một thứ “tiểu tư sản”, thiết kế áo dài của ông đã góp phần khiến phụ nữ trẻ “đánh mất thuần phong mỹ tục”. Sau này, có người nói rằng đã nhìn thấy ông bị đưa lên trại lao động ở Việt Bắc và bị hành hình tại đó.
chuyenxua.net biên soạn
Bất cứ 1 sự đổi mới nào thì ban đầu cũng găp sự phản đối không nhỏ. Qua thời gian thử nghiệm, nếu sự Đổi mới đó gặp phản ứng Bất lợi giảm dần và phản ứng Thuận lợi Tăng dần thì kể như sự Đổi Mới đó đã Thành Công. Áo dài Le Mur Cát Tường là 1 điển hình !