“Đệ nhất thi sĩ miền Nam” Vũ Hoàng Chương – Lạc loài trong cõi nhân sinh

Trong tập Thi Nhân Việt Nam xuất bản cách đây 80 năm, Hoài Thanh và Hoài Chân đã giới thiệu về thi sĩ Vũ Hoàng Chương như sau:

“…Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào-xưa của Đông Á: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn “hơn” cổ nhân những thứ say mới nhập-cảng: say thuốc, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ…. cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây có cái vị chua chát, hằn học, và bi đát riêng…”

Thời điểm đó, Vũ Hoàng Chương là chàng thanh niên 27 tuổi vẫn còn sống trên đất Bắc, chưa được vinh danh là “thi bá” hoặc là “đệ nhất thi sĩ miền Nam”. Năm 1954, khi cùng gia đình di cư vào Sài Gòn và tham gia sáng tác văn nghệ, lúc nào ông cũng được xem là một bậc trưởng thượng trong giới văn nghệ sĩ.

Vũ Hoàng Chương và Mai Thảo

Vũ Hoàng Chương sinh năm 1915 tại Nam Định, trong một gia đình nho giáo. Cha của ông là quan tri huyện, mẹ ông cũng hay chữ, yêu văn học và âm nhạc, nên ông được học và tiếp cận với Hán văn từ nhỏ. Sau đó, Vũ Hoàng Chương học tiếp tiếng Pháp và vào học trung học, đỗ tú tài Pháp tại Hà Nội năm 1938.

Chính sự pha trộn những nền văn hóa Đông Tây được Vũ Hoàng Chương được tiếp nhận từ nhỏ đó đã hình thành nên một phong cách thơ sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.

Vũ Hoàng Chương xuất hiện vào thời kỳ cuối của phong trào thơ mới bằng tập Thơ Say (năm 1940). Nhưng phải đến thi tập Mây (năm 1943) tên tuổi ông mới được khẳng định trên thi đàn. Và tập thơ này đã làm rung động giới thưởng ngoạn, bởi giọng điệu thơ khác hẳn với những thi sĩ cùng thời.

Trong bài viết “Vũ Hoàng Chương – Lạc Loài Trong Cõi Nhân Sinh”, tác giả Đỗ Trường nhận xét: Đọc và tìm hiểu về thơ Vũ Đình Chương, có thể nhận ra cái tôi, cái riêng biệt trong thiên tình sử của ông, nó khác với những tuyên ngôn tình yêu, dành cho hội trường, đọc nơi đông người như trong thơ tình Xuân Diệu.

thủ bút của Vũ Hoàng Chương

Sinh ra, lớn lên trong gia đình nhà quan, nhưng cuộc sống và tình yêu của Vũ Hoàng Chương luôn tuyệt vọng, chán chường. Để tự thoát ra khỏi cuộc sống bơ vơ nơi địa ngục, ông đã treo hồn mình lơ lửng giữa vòm trời thi ca:

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nói khinh
Bể vô tận xá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh.

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ.

Có lẽ Vũ Hoàng Chương không chỉ lạc loài giữa cõi nhân sinh hiện hữu này, mà chính linh hồn ông cũng lạc khỏi thân xác mình. Do vậy, đọc Vũ Hoàng Chương, ta có cảm giác thơ ông được chiết ra từ những cơn chao đảo, thất tình điên loạn trong men cay rượu đắng.

Thi bá Vũ Hoàng Chương đậu tú tài Pháp trường Albert Sarraut, rồi theo học Đại học Luật Khoa ở Hà Nội. Sau đó ông được tuyển làm phó kiểm soát viên Sở Hỏa Xa Đông Dương. Chức vụ khá lớn những vì đam mê thơ phú hơn chức nghiệp nên có lẽ vì vậy mà công việc bê trễ, ông bị khiển trách. Vũ Hoàng Chương xin nghỉ làm, kèm theo 2 câu thơ tự trào:

Kiếp sau nếu có là ta
Làm chi thì được, làm ga thì đừng

Không làm ga nữa, Vũ Hoàng Chương bèn xuất bản tập thơ. Thực ra ban đầu, Vũ Hoàng Chương làm thơ để giải tỏa lòng mình, chỉ đưa cho bạn bè đọc chứ cũng không gửi đăng báo, nên dù làm thơ từ năm 13 tuổi, qua hơn 10 năm mà công chúng yêu thơ buổi ấy vẫn chưa biết tới tên tuổi của ông. Có lẽ Vũ Hoàng Chương cũng là nhà thơ tiền chiến hiếm hoi không có thơ in báo, mà là in thành tập thơ trước rồi mới đăng.

Sau này ông tâm sự với bạn thân là Bàng Bá Lân: “Thơ tôi làm khá nhiều nhưng chưa có ý định in. Tại Lưu Trọng Lư nợ tôi ít tiền, không trả được, đành gán cho tôi số giấy mà ông ấy trữ để in thơ. Thế là bỗng dưng tôi có giấy lại sẵn thơ. Vì vậy “Thơ say” ra đời”.

Sau thơ Say là thơ Mây, tập thơ gắn với giai thoại một chuyện tình của Vũ Hoàng Chương với nàng Tố Vân. Tập thơ Mây (nghĩa là Vân) được Đời Nay xuất bản năm 1943, bìa tập thơ lại do một họa sĩ tên Vân vẽ, đó chính là Tô Ngọc Vân.

Tố Vân là con gái một gia đình khá giả và đã cùng thi sĩ họ Vũ trao nhau những lời yêu đương mặn nồng. Những rồi bỏ mặc những lời thề ước, nàng bỏ chàng đi lấy chồng vào ngày 12 tháng 6. Vì vậy trong tập thơ Mây có bài thơ mang tên Mười Hai Tháng Sáu, là một trong những bài thơ ông viết trong trạng thái mê man của men say, cái thứ men chất chồng tuyệt vọng:

“Tháng sáu, mười hai, từ đây nhé
Chung đôi, từ đây nhé lìa đôi!
Em xa lạ quá, đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi.

Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu, ghi mười hai,
Tình ta, ta tiếc! cuồng, ta khóc.
Tố của Hoàng nay Tố của ai?…”

Dù hai người yêu nhau, nhưng Tố Vân đã được gia đình hứa hôn từ năm 12 tuổi. Theo tục lệ, nếu thoái hôn thì gia đình nhà gái phải trả lễ cho nhà trai. Gia đình Vũ Hoàng Chương lúc đó khá giả, sẵn sàng làm được việc này, nhưng “nàng thơ” nhút nhát của ông đã không dám hé răng với cha mẹ. Bởi vậy, họ đành chia tay nhau. Nhờ mối tình không thành với Tố Vân, Vũ Hoàng Chương có tập thơ Mây đi vào lịch sử thi ca Việt Nam, bên cạnh đó còn có kịch thơ Vân muội nổi tiếng được diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội ngay sau khi được sáng tác.

Có thể nói, Mây là tập thơ hay và tiêu biểu về sự bế tắc tình yêu, cuộc sống của Vũ Hoàng Chương. Trong đó, có một số bài, một số câu thơ mới táo bạo đã đạt đến độ toàn bích. Có lẽ, ở thời điểm đó, ngoài Vũ Hoàng Chương không ai dám viết và viết hay được như vậy. Có một điều đặc biệt, đa phần những bài thơ hay của ông đều thuộc thể thất ngôn. Ta hãy đọc lại đoạn trích trong bài Đời Vắng Em Rồi, để thấy rõ sự chia ly và tình yêu đắng chát như vậy, nhưng lời thơ rất đẹp, nhẹ nhàng và trau chuốt:

“…Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai”

Tuyết xuống phương nào lạnh lắm không
Mà đây lòng trắng một mùa đông
Tương tư nối đuốc thâu canh đợi
Thoảng gió trà mi động mấy bông.”

Sau khi xuất bản 2 tập thơ và viết kịch thơ, tên tuổi Vũ Hoàng Chương ngày càng nổi bật với hình ảnh một thi sĩ tài hoa có điệu thơ vừa sang trọng lại vừa có nét cổ phong. Năm 1944, ông thành hôn với bà Đinh Thục Oanh, chị ruột của thi sĩ Đinh Hùng.

Năm 1946, Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng đi tản cư theo kháng chiến. Cả hai cùng tham dự Đại hội văn nghệ tại Liên khu 3. Năm 1947, Vũ Hoàng Chương in chung với Đoàn Văn Cừ tập thơ Lửa. Tuy nhiên không lâu sau thì cả Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương cùng dinh tê về thành, Đinh Hùng thì về Hà Nội làm báo, còn Vũ Hoàng Chương về Nam Định dạy học, sau đó trở lại công việc viết kịch thơ, với 2 vở Tâm Sự Kẻ Sang Tần và Thằng Cuội, được công diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, tiếp tục sáng tác và cho ra đời tập thơ Hoa Đăng (đoạt “Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc” năm 1959). Tại Sài Gòn, ông đi dạy ở trường Đại học Văn Khoa, gia nhập Hội Văn bút Việt Nam, có thời gian được bầu làm chủ tịch hội.

Tên tuổi Vũ Hoàng Chương được công chúng yêu thơ ở miền Nam biết đến nhiều kể từ khi ông cộng tác với các đài phát thanh ở Sài Gòn, khởi đầu là đài Pháp Á. Người bạn của ông là Tô Kiều Ngân kể lại rằng trong lần phát thanh đầu tiên, Vũ Hoàng Chương gây ngạc nhiên cho ông giám đốc Hoàng Cao Tăng khi vừa ngồi trước máy ghi âm và cất tiếng nói thao thao bất tuyệt, đọc bài, giới thiệu, ngâm thơ, bình thơ sang sảng, dưới tay không có một tờ giấy nào.

Năm 1972, ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai.

Dù được xưng tụng là thi bá, đệ nhất thi sĩ, nhưng nơi ở của gia đình Vũ Hoàng Chương một thời gian dài là căn nhà vách ván lụp xụp ở khu Bàn Cờ, trước khi được nữ sĩ Mộng Tuyết mời về ở một căn gác thuộc biệt thự Úc Viên của gia đình bà ở đường Nguyễn Minh Chiếu – Phú Nhuận (nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển). Ông đặt tên cho nó là Gác Mây.

Sau tháng 4 năm 75, gia đình ông trở nên suy kiệt đến tận cùng, túng thiếu và cùng quẫn, phải dọn về một căn nhà nhỏ ở bến Phạm Thế Hiển khu Quận 4, lúc đó vẫn còn là vùng đìu hiu lau lách, vốn là nơi ở của bà quả phụ vợ thi sĩ Đinh Hùng, em vợ của Vũ Hoàng Chương.

Tháng 4 năm 1976, ông bị bắt tù, đến cuối tháng 8 cùng năm thì được tha về vì sức khỏe yếu, nhưng chỉ 1 tuần sau thì ông mất trong hoàn cảnh nghèo nàn bi đát, lặng lẽ và hiu hắt. Bạn bè thân hữu lúc đó ai cũng bận rộn trong những lo âu trước mắt, hoặc vì những hoàn cảnh khác nhau, nên không có mấy người biết tin.

Những ngày tháng cuối đời, tình trạng sức khỏe của Vũ Hoàng Chương rất mong manh trong sự thiếu thốn đủ bề về vật chất, nhưng bù lại thần trí ông vẫn minh vẫn, và sức sáng tác vẫn dồi dào, trong đó có bài ông viết về sự ra đi của mình:

Đêm hỏa táng trần tâm cõi đời nghiêng đổ
Thịt xương ơi, nằm nhé đất oan khiên
Trần cấu lâng lâng ngoài cửa mộ
Ta thoát hình nương khói bay lên

Đâu đó tà dương hề treo ngọn bấc
Đâu đó cuồng phong hề reo đáy chai
Mùa chi ngày chi tuổi bao rồi nhỉ
Quanh chiếu rộn tang thương hề tinh anh ngoài đời

Trong nhiều bài thơ của Vũ Hoàng Hương, chúng ta thấy thấp thoáng bóng dáng của thơ Đường, ông thường sử dụng những điển tích, điển cố xưa. Để kết thúc bài viết này, xin trích lại 1 bài nhận xét của tác giả Đỗ Trường sau đây:

Vũ Hoàng Chương là người giỏi Hán Văn và chịu nhiều ảnh hưởng Đường thi. Mỗi lần đọc ông, ta lại thấy hồn cốt của Bạch Cư Dị, Lý Bạch… chợt hiện về. Những Đà Giang, Nghe Hát… đã nối dài thêm mạch chảy Tỳ Bà Hành, một thi phẩm gắn liền với tên tuổi Bạch Cư Dị. Và khi viết, ông sử dụng nhiều từ Hán Việt cũng như hình tượng điển tích, làm cho lời thơ sang trọng ẩn chứa thiền triết hoài cổ. Những nét phương đông cổ kính ấy cho ta cảm giác gần gũi lạ thường.

Tuy sâu sắc như vậy, nhưng thơ ông lại kén người đọc, nhất là tầng lớp bình dân và những người ít am hiểu văn học cũng như (tích tuồng) lịch sử. Đoạn trích trong bài Chân Hứng dưới đây, cho ta thấy rõ điều đó:

“Từ thuở chàng say ôm vũ trụ
Thu trong bầu rượu một đêm trăng.
Nhảy xuống muôn trùng sông quạnh quẽ
Đem theo chân hứng gửi cô Hằng.

Ngựa ơi hãy nghỉ chân cuồng khấu
Cho thoả lòng ta nỗi khát khao
Ta chẳng mò trăng như Lý Bạch
Nhưng tìm thi hứng mất đêm nao…

Tình hoa thuở trước xô về đọng
Ơi phiến gương vàng một tối nay.
Ta lặng buông thân trời lảo đảo,
Mơ hồ sông nước choáng men say…”

Cũng là người yêu thích thơ Đường, nên tôi hay tìm đọc những bài cổ thi qua bản dịch của các nhà thơ, dịch giả tên tuổi. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, tôi đã được đọc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường qua bản dịch của Tản Đà, sau đó là những bản dịch Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng và một số người khác. Tuy nhiên bản dịch của Tản Đà hay và nhiều người biết hơn cả.

Nhưng gần đây tôi mới tìm được bản dịch của Vũ Hoàng Chương. Đọc xong, tôi lặng người, bởi lời thơ thoát, thoáng đạt giữ nguyên thể thơ Đường, nhưng vẫn kéo tâm trạng sầu nhớ nao nao đi đến tận cùng trong lòng người lữ khách. Qủa thật, bản dịch của Vũ Hoàng Chương tôi thích hơn so với bản dịch theo thể lục bát của Tản Đà. Với tôi, đây là tác phẩm (dịch) tuyệt bút của ông. Chúng ta đọc lại dịch phẩm cuả Tản Đà và của Vũ Hoàng Chương, để nhìn nhận so sánh:

“Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (Tản Đà)

“Xưa hạc vàng bay vút bóng người,
Đây Lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mất,
Trắng một màu mây vạn vạn đời.

Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Gần xa chiều xuống đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!” (Vũ Hoàng Chương)

chuyenxua.net
Nguồn tham khảo: Vũ Hoàng Chương – Lạc loài trong cõi nhân sinh (Đỗ Trường), Mấy tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương (Mai Thảo), Vũ Hoàng Chương – Để ta tròn một kiếp say (Tô Kiều Ngân)

Viết một bình luận