Sau năm 1955, khi vừa thành lập nền đệ nhất cộng hòa, tổng thống Ngô Đình Diệm đã giải quyết vấn đề Hoa kiều ở miền Nam bằng việc ban hành một loạt các đạo dụ liên quan đến vấn đề quốc tịch, kinh tế, văn hóa – xã hội nhằm thực hiện chính sách Việt Nam hóa Hoa kiều, cưỡng bách Hoa kiều nhập quốc tịch Việt nhằm tuân thủ luật pháp Việt và thực hiện các nghĩa vụ về công dân đối với đất nước họ sinh sống.
Điều khó khăn nhất đối với chính quyền VNCH lúc đó là ở chỗ “sức mạnh Trung Hoa” vẫn cản trở bước đường Việt Nam hóa Hoa kiều. Sức mạnh ấy bắt nguồn từ các tổ chức xã hội của người Hoa ở miền Nam Việt Nam đã được hình thành và gắn kết qua nhiều đời trải dài mấy trăm năm, trước cả thời vua Gia Long lập quốc.
Trong thời gian đó, người Hoa Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Biên Hòa, sau đó là Sài Gòn – Chợ Lớn, đã chí thú làm ăn, trở nên giàu có, nắm trọn độc quyền khai thác khoáng sản, buôn bán gạo muối và kinh doanh vận tải. Sự kiện quân Tây Sơn tàn sát người Hoa ở Cù Lao Phố, Chợ Lớn đã đẩy người Hoa về phía Nguyễn Ánh. Nhờ nhận được sự ủng hộ và che chở của người Hoa vùng Gia Định vào thời bị Tây Sơn truy đuổi nên sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã dành cho họ những đặc ân lớn: nhẹ thuế khóa, miễn lao dịch và không phải đóng thuế thân. Vua lại cho phép họ thành lập bảy đại bang theo phương ngữ, được quyền tự trị, là Phúc Kiến, Phúc Châu, Triều Châu, Quảng Châu, Quế Châu, Lôi Châu và Hải Nàm.
Từ sau đời Minh Mạng, tuy cũng có lúc Hoa kiều bị siết chặt, nhưng tựu trung thì vẫn luôn là cộng đồng được ưu ái nhất ở Việt Nam. Đến khi người Pháp vào cai trị, những quy chế ưu đãi của Nguyễn triều dành cho Hoa kiều được duy trì hầu như không đổi, thế lực Hoa kiều ở An Nam, đặc biệt là ở Nam kỳ ngày một lớn mạnh.
Vì vậy sau khi Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, việc đưa cộng đồng này vào dưới sự quản lý của chính quyền là việc trọng yếu và cần làm ngay.
Chính sách của chính quyền Đệ nhất Cộng hòa đối với tổ chức xã hội của người Hoa ở miền Nam (1955 – 1963)
Nhận thấy Hoa kiều đã được hưởng lợi khổng lồ ở Việt Nam nhưng lại không phải thực thi nghĩa vụ gì đối với quốc gia. Quy chế ngoại kiều đã giúp họ không phải đóng thuế kinh doanh; thể chế bang hội tự trị khiến họ trở thành những tiểu quốc gia trong một quốc gia VNCH. Không chịu sự tài phán của tòa án Việt Nam, chẳng cần sự bảo vệ và giúp đỡ của cảnh sát, tự họ giải quyết với nhau theo phán quyết của các Bang trưởng. Sự khép kín của cộng đồng Hoa kiều là hành vi ích kỷ và bội bạc với đất nước đã cưu mang mình.
Chính quyền đệ nhất cộng hòa được thành lập ở miền Nam ngày 26-10-1955, thì chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 7-12-1955, Thủ tướng đã ban hành Dụ số 10 quy định về Bộ Luật quốc tịch Việt Nam. Điều 16 ghi rõ: “Trẻ nào sinh đẻ tại Việt Nam mà cha mẹ đều là người Trung Hoa, nếu một trong hai người này cũng sinh đẻ tại Việt Nam thì trẻ đó là người Việt Nam và không có quyền từ khước Việt tịch”.
Sau đó, Dụ số 48 (21-8-1956) sửa đổi Bộ luật quốc tịch Việt Nam ban hành Điều 16 mới thay thế cho Điều 16 của Dụ số 10 quy định như sau: “là người Việt Nam trẻ nào sinh tại Việt Nam, có cha mẹ vốn gốc người Trung Hoa”.
Như vậy, việc nhập Việt tịch của người Hoa đã được chính quyền VNCH cụ thể hóa bằng những đạo dụ, mang tính chất bắt buộc rất khắt khe.
Ban đầu việc nhập Việt tịch của người Hoa ở miền Nam Việt Nam diễn ra rất chậm, đa số họ đều chờ đợi sự can thiệp của Tưởng Giới Thạch từ chính phủ Trung Hoa Dân quốc (có cùng ý thức hệ với VNCH).
Theo Nguyễn Văn Vàng, Đặc ủy Nha Trung Hoa Sự Vụ, tính đến ngày 13/11/1956, sau khi Dụ số 48 ban hành được khoảng 3 tháng thì: “Rất ít Hoa kiều đến khai nhận Việt tịch, Dụ 48 chưa đem lại một kết quả khả quan”.
Vì “Tổng thống rất lưu tâm đến vấn đề quốc tịch và muốn thấy vấn đề quốc tịch được giải quyết càng sớm càng tốt” nên Dụ số 53 (6-9-1956) cấm ngoại kiều hay các Hội xã công ty ngoại quốc không được hoạt động 11 nghề trên toàn miền Nam Việt Nam đã ra đời để hỗ trợ cho chính sách quốc tịch được diễn ra nhanh chóng.
Các nghề cấm bao gồm: buôn bán cá và thịt; buôn bán chạp phô (tạp hóa); buôn bán than củi; buôn bán xăng, dầu lửa, dầu nhớt (trừ các hãng nhập cảng); cầm đồ bình dân; buôn bán vải sồ, tơ lụa (dưới 10.000 thước tính chung các thứ), chỉ sợi; buôn bán sắt, đồng thau vụn; nhà máy xay lúa; buôn bán ngũ cốc; chở hàng hóa hay hành khách bằng xe hơi, tàu, thuyền; trung gian ăn huê hồng.
Tuy Dụ lệnh chỉ đề cập chung “ngoại kiều”, nhưng nhìn vào, ai cũng nhận ra, đối tượng của nó là bọn Hoa kiều, vì 11 nghề đó là những hoạt động chính của họ.
Theo thống kê của Chính phủ VNCH, số thương gia là người Hoa hoạt động trong 11 nghề mà chính quyền cấm chiếm tỉ lệ 21%. Thương gia người Hoa được chọn một trong ba biện pháp: nhập Việt tịch để tiếp tục kinh doanh; sang môn bài cho vợ (có hôn thú chính thức) hoặc con (sinh tại Việt Nam); hùn vốn kinh doanh với người Việt theo tỉ lệ 51% vốn của người Việt, 49% vốn của người Hoa và để người Việt đứng tên kinh doanh. Nếu không chấp thuận một trong ba biện pháp trên thì buộc phải hồi hương về Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) trước ngày 31- 8-1957.
Những ngoại kiều đang hoạt động những nghề trên phải thôi các nghề đó trong vòng 6 tháng đối với các nghề từ số 1 đến số 7, và một năm đối với các nghề từ số 8 đến số 11. Những ai vi phạm Dụ này sẽ bị phạt tiền từ 50.000 cho đến 5 triệu đồng, và có thể bị trục xuất. Người Việt Nam nào thông đồng với ngoại kiều vi phạm thì bị phạt 6 tháng đến 3 năm tù ở, và bị phạt tiền giống mức ngoại kiều vi phạm.
Bằng Dụ lệnh này, tổng thống Diệm cho thấy sự kiên quyết của chính quyền để buộc Hoa kiều vào khuôn phép. Ai không muốn nhập tịch thì trở về Đài Loan sinh sống, mỗi người sẽ được chính quyền cấp cho 400 đồng để “hồi hương”, đúng theo luật định.
Ngoài ra, ngày 29-8-1956, Thủ tướng cũng đã ban hành Dụ số 52 qui định Hoa kiều sinh sống tại miền Nam phải mang quốc tịch Việt. Khi có quốc tịch, họ được tự do giao dịch, đi lại và buôn bán. Người Hoa cũng phải Việt hóa tên họ (như Trịnh, Quách, Mạch, Lâm, Giang, Diệp, Lưu, Vương, Hà, Hứa, Mã, Lý, Trần, Trương,…) chứ không được xưng các tên ngoại quốc hay tên gọi riêng (như Chú, A, Chế…) kể cả bí danh, trong những văn kiện chính thức. Đồng thời Dụ cũng quy định tên hiệu các cơ sở thương mại, văn hóa, phải viết bằng Việt ngữ.
Cuối cùng là Dụ số 58 (25-10-1956): “Riêng người Trung Hoa có thể được Tổng thống tùy mỗi trường hợp đặc cách miễn các điều kiện trên để nhập quốc tịch Việt Nam”.
Ngày 28-11-1956, Bộ trưởng quốc gia đặc trách kinh tế là Nguyễn Ngọc Thơ đã mời tất cả các đại diện nghề nghiệp Hoa kiều của Văn phòng Thương mại Chợ Lớn đến để nói rõ chính sách quốc tịch của chánh phủ. Ông Thơ cảnh cáo:
“Những người ngoại quốc nào còn muốn tiếp tục hoạt động kinh thương, vấn đề chính yếu là phải giải quyết cho xong vấn đề quốc tịch. Đừng nghĩ rằng chánh phủ sẽ không có biện pháp đối với những ai không muốn tiếp tục hành nghề và chịu thất nghiệp. Giải pháp đã có sẵn, nó nằm trong tầm tay của mỗi quí vị, và quí vị hãy tự quyết định lấy”.
Với hai Dụ lệnh 52 và 53, quy chế ngoại kiều ưu đãi bao đời nay dành cho người Hoa đã hoàn toàn bị bãi bỏ. Để phản khán lại những chính sách của chính quyền, người Hoa ở Sài Gòn đã tẩy chay nhiều loại mặt hàng, thành lập Hội Hoa kiều tẩy chay hàng hóa Mỹ tại Việt Nam (nhằm gây áp lực buộc Hoa Kỳ can thiệp để tổng thống Diệm thu hồi các Dụ lệnh trên).
Chính quyền một mặt xoa dịu dư luận bằng cách cấp cho Hoa kiều thất nghiệp mỗi người được 200.000 đồng, một mặt vẫn thực thi các Dụ lệnh đã ban hành.
Theo các Dụ lệnh đó, cảnh sát quốc gia được phép bắt giữ và tịch thu thẻ căn cước Đài Loan của Hoa kiều để cấp lại thẻ căn cước Việt Nam cho họ. Cửa hàng của Hoa kiều kinh doanh 11 ngành nghề nói trên phải gấp rút chuyển tên người sở hữu để đứng tên thay thế.
Vì những chính sách đó, kinh tế miền Nam trong tháng 7 và 8 năm 1957 bị ngừng trệ, hầu như tê liệt. Người Hoa ồ ạt rút hết tiền ký thác trong các ngân hàng, tổng số tiền rút ra từ tháng 11-1956 đến tháng 7-1957 là từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng, tương đương 1/6 lượng tiền mặt lưu hành trên toàn quốc. Đồng bạc Việt Nam tại thị trường chứng khoán Hongkong liên tiếp bị mất giá từ 35 đồng/1 USD (1956) tăng lên 90 đồng (1957) và 105 đồng trên thị trường chợ đen.
Tiếp sức đồng hương, Hoa kiều Đông Nam Á cũng làm áp lực bằng cách tẩy chay hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam mà không do người Hoa bán ra. Cụ thể Hongkong từ chối mua 40.000 tấn gạo từ Việt Nam mặc dầu đã ký hợp đồng từ trước, số gạo này khi được chở qua Singapore thì cũng bị người Hoa ở đó từ chối không chịu mua. Báo chí Hoa ngữ ở Đông Nam Á đồng loạt lên tiếng đả kích chế độ VNCH vì cho rằng đã bài người Hoa. Chính quyền đại lục ở Trung Quốc cũng nhân dịp này cũng chỉ trích chính phủ VNCH.
Tuy nhiên, cuối cùng thì những biện pháp mạnh tay của chính quyền cũng mang lại hiệu quả, đó là hầu hết Hoa kiều đang sinh sống ở Nam Việt Nam đều nhập Việt tịch, chỉ hơn 40.000 người “hồi hương” về Đài Loan.
Tính đến ngày 31/10/1960, theo thống kê của Nha Trung Hoa Sự vụ trong tổng số 235.000 người Hoa trên 18 tuổi cư trú tại miền Nam Việt Nam thì có 231.160 người Hoa đã nhập Việt tịch. Số Hoa kiều xin cư trú tại Việt Nam với tư cách ngoại kiều chỉ còn 2.550 người. Riêng về các đại diện của người Hoa ở miền Nam (được gọi là Lý Sự trưởng), có 158 trong tổng số 227 Chánh, Phó Lý Sự trưởng đã nhập Việt tịch. Đây là thời điểm thích hợp để chính quyền Sài Gòn đưa ra vấn đề “tồn tại hay không tồn tại tổ chức xã hội của người Hoa ở miền Nam Việt Nam?”
Trước khi các chính sách này được chính quyền VNCH ban hành, người Hoa sinh sống và làm ăn dưới hình thức các Bang hội, là tổ chức xã hội biệt lập với chính quyền.
Ban đầu, các Bang tồn tại độc lập theo từng phương ngữ, dần dần phát triển thành một hệ thống đặt dưới sự cai quản trực tiếp của Trung Hoa Lý Sự Tổng hội. Các Lý Sự Hội quán trực thuộc Trung Hoa Lý Sự Tổng hội bao gồm: Lý Sự Hội quán Hải Nam, Lý Sự Hội quán Hẹ, Lý Sự Hội quán Phước Kiến, Lý Sự Hội quán Quảng Đông, Lý Sự Hội quán Triều Châu. Ngoài Y viện Trung Chánh trực thuộc Trung Hoa Lý Sự Tổng hội, mỗi Lý Sự Hội quán có cơ sở hoạt động ở Sài Gòn và Chợ Lớn và đều có những tài sản riêng, thu lợi hàng tháng là các dãy nhà phố cho thuê, trường học, chùa, bệnh viện, nghĩa trang. Việc quản trị các tài sản trên đều thuộc thẩm quyền của từng Lý Sự hội quán sở hữu, chính quyền sở tại không có quyền can thiệp đến hoạt động cũng như tài sản.
Ngày 10/6/1960, chính quyền VNCH đã chính thức chấm dứt chế độ Lý Sự Hội quán Trung Hoa với Sắc lệnh số 133 – NV (10-6-1960) về việc giải tán các Lý Sự Hội quán Trung Hoa và các Bang Á.
Điều thứ nhất của Sắc lệnh 133 – NV ghi rõ: “Nay bãi bỏ trên toàn lãnh thổ Việt Nam các Lý Sự Hội quán Trung Hoa, các Bang Á kiều khác và chấm dứt cùng một lúc chức vụ Chánh, Phó Lý Sự trưởng và các Chánh, Phó Bang trưởng Á kiều”.
Sắc lệnh này nhằm phá vỡ sự tồn tại độc lập cũng như xóa bỏ vai trò trung gian giữa các tổ chức xã hội này với chính quyền sở tại và người Hoa. Từ lúc đó, cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền VNCH.
Với bất kì chính sách nào của chính quyền áp dụng trên cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam đều gặp phải phản ứng gay gắt từ phía Trung Hoa Dân quốc. Tuy nhiên, khác với những lần phản ứng trước về vấn đề quốc tịch và kinh tế, lần này phía Đài Loan chỉ quan tâm đến việc liệu chính quyền Sài Gòn sẽ giải quyết như thế nào đối với số tài sản khổng lồ của các Trung Hoa Lý sự tổng hội mà người Hoa đã gây dựng từ bao đời nay ở Việt Nam. Số tài sản ước lượng khoảng 500 triệu đồng Việt Nam lúc bấy giờ bao gồm các căn phố cho thuê, trường học, chùa, bệnh viện, nghĩa trang, chủ yếu là bất động sản. Tiêu biểu như tài sản của Lý sự Hội quán Triều Châu ở Chợ Lớn lến đến 100 triệu đồng Việt Nam (tương đương 300.000 USD lúc đó).
Chính quyền Sài Gòn đã dự liệu vấn đề khó khăn và phức tạp đó, nên đã quy định rõ ở điều thứ hai của Sắc lệnh 133 – NV như sau: “Tài sản của các Lý Sự Hội quán và các Bang Á kiều sẽ do các Ủy ban quản trị đảm nhận dưới quyền chủ tọa của cơ quan hành chánh địa phương, cho đến khi các tài sản này được thanh toán xong”.
Về thành phần của Ủy ban quản trị, điều thứ ba của Sắc lệnh 133 – NV quy định: “Thành phần của Ủy ban quản trị Đô thành Sài Gòn gồm có: Chủ tịch là Đô trưởng; Hội viên: một đại diện Bộ Nội vụ, một đại diện Bộ Tư pháp, một đại diện Bộ Ngoại giao, một đại diện Bộ Giáo dục, một đại diện Bộ Tài chánh, một đại diện Bộ Y tế, Tổng Giám đốc xã hội, các Lý Sự trưởng hoặc Bang trưởng liên hệ, hai nhân sĩ Việt Nam gốc Trung Hoa nếu xét về Lý Sự hội quán Trung Hoa, một nhân sĩ Hoa kiều hoặc Á kiều khác tùy trường hợp xét về Lý sự Hội quán Trung Hoa hay các Bang Á kiều; Cố vấn: Đặc ủy Nha Trung Hoa Sự Vụ”.
Ban Quản trị các tỉnh hoặc thị xã do ông Tỉnh trưởng hoặc Thị trưởng làm chủ tịch, thành phần các Hội viên cũng tương tự như ở Đô thành Sài Gòn. Tiếp sau đó, Bộ Nội vụ được lệnh cho giải tán các Hội Hoa kiều đồng hương hay đồng nghiệp vì lí do họ đã nhập Việt tịch.
Việc chính quyền Sài Gòn giải tán các Lý Sự Hội quán Trung Hoa và các Hội Hoa kiều đồng hương khiến cho chính giới và báo chí Đài Loan phản ứng rất mạnh. Đại sứ Viên Tử Kiện lập tức được triệu tập về Đài Loan để điều trần về vấn đề trên với Hành chánh viện và Lập pháp viện của Trung Hoa Dân quốc .
Theo họ, chính quyền VNCH không nên giải tán các Lý Sự hội vì đó chỉ là những hội của những người đồng hương họp nhau để thờ cúng thần thánh và tương trợ lẫn nhau mặc dù phần lớn Hoa kiều đã gia nhập Việt tịch. Họ cho rằng, chính quyền Sài Gòn đã che đậy việc tịch thu tài sản của các Bang dưới hình thức một Ban quản trị tài sản và việc làm này đã vi phạm đến quốc tế công pháp và tư pháp, đồng thời trái với cả Hiến pháp của VNCH.
Trịnh Nhạn Phân, Cựu Chủ tịch Kiều ủy hội và đương kim Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Trung Hoa Dân quốc – cho rằng:
“Tài sản của các Bang là tài sản bao đời Hoa kiều đã dành dụm và yêu cầu chính quyền VNCH phải tôn trọng quyền tư hữu đó”. Cùng với luận điểm trên, các nghị sĩ của Trung Hoa quốc gia bình luận: “Chính quyền VNCH tịch thu tài sản của Hoa kiều chẳng khác nào Cuba tịch thu tài sản của Hoa Kỳ”.
Theo họ, hành động này của VNCH là một hành động không hợp tình, không hợp lí, không hợp pháp và đề nghị Chính phủ Trung Hoa Dân quốc phải có những hành động cứng rắn đối với VNCH.
Trước thái độ của chính giới Đài Loan thì chính phủ Trung Hoa Dân quốc lại tỏ ra do dự vì muốn giữ mối giao hảo với VNCH. Vì thế, lập trường của Trung Hoa Dân quốc là nhượng bộ đối với việc giải tán các Lý Sự hội, nhưng sẽ kiên quyết tranh đấu để bảo tồn tài sản cho Hoa kiều với quan điểm: chính phủ VNCH chỉ có thể kiểm soát chứ không được tiếp thu và tự quản các tài sản ấy.
Để xoa dịu dư luận cũng như chính giới, ngày 6-12-1960, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân quốc đã điều trần với các Nghị sĩ Viện Lập pháp rằng: “Cuộc thương thuyết với Việt Nam về vấn đề hàng Bang vẫn được tiếp tục tiến hành”.
Với việc giải tán các Lý Sự hội quán Trung Hoa và giao tài sản của các tổ chức này cho những Ủy ban quản trị mà chủ tịch của những ủy ban này đều là “người của chính quyền Sài Gòn” thì vấn đề quản lí các tổ chức xã hội của người Hoa ở miền Nam Việt Nam thuộc về chính quyền Sài Gòn. Không như trước đây, các tổ chức xã hội này chỉ chịu sự quản lí của Đại Sứ quán Trung Hoa tại miền Nam Việt Nam.
Theo Sắc lệnh 133 – NV, thời gian tồn tại của các Ủy ban quản trị này sẽ chấm dứt khi tài sản của các Lý Sự hội quán được thanh toán xong. Điều này khiến người ta ngờ vực những giá trị mà Sắc lệnh 133 – NV đem lại vì trong một thời gian ngắn, trên lí thuyết cũng như trong thực tế có những tài sản của các Lý Sự hội không thể thanh toán được như: bệnh viện, trường học, nghĩa trang.
Với vấn đề Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam, chính quyền VNCH không chỉ muốn giành độc lập về kinh tế từ tay Hoa kiều mà còn muốn kiểm soát họ chặt chẽ, buộc họ thoát ly Trung Hoa và ràng buộc họ với “chính thể VNCH”.
Việc giải tán các Lý Sự Hội quán và các Bang Á kiều ở miền Nam Việt Nam thực chất nhằm thực hiện một chính sách Việt Nam hóa Hoa kiều trên tất cả các phương diện. Trước đó, chính quyền
Việt Nam Cộng hòa đã có những chính sách về quốc tịch và kinh tế đối với Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam.
Hệ lụy tất yếu của chính sách “đồng hóa cưỡng bức” đó của chính quyền là sự mất lòng tin, mất sự ủng hộ của cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam đối với chính quyền VNCH thời đó.
Nguồn: Lê Vinh Huy, Trịnh Thị Mai Linh