Trước năm 1975, tỉnh Gia Định độc lập với đô thành Sài Gòn, mỗi nơi có hệ thống tên đường riêng. Bởi vì vậy mà ở Sài Gòn có đại lộ Lê Lợi, ở Gò Vấp thuộc tỉnh Gia Đinh xưa cũng có đường Lê Lợi. Tương tự là các tên đường Võ Tánh, Võ Di Nguy, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đều có ở cả Sài Gòn lẫn Gia Định. Trong số các tên đường đó, không thể không nhắc tới đường Lê Văn Duyệt.
Đường Lê Văn Duyệt ở Gia Định đi ngang qua Lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt, người dân quen gọi là Lăng Ông ở Bà Chiểu, và ở Sài Gòn cũng có một tên đường Lê Văn Duyệt khác, từ 1975 tới nay mang tên đường Cách Mạng Tháng 8. Đường Lê Văn Duyệt ở Gia Định cũng bị ghép chung vào đường Đinh Tiên Hoàng sau khi Gia Định sáp nhập với Sài Gòn năm 1976, nhưng tới năm 2020 thì được tách ra lại như cũ. Trong một bài viết trước, chuyenxua.net đã có bài viết riêng về đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn (xem ở đây), trong bài này xin dành riêng nói về đường Lê Văn Duyệt ở vị trí trung tâm của tỉnh Gia Định xưa.
Đường Lê Văn Duyệt từ đầu cầu Bông (thuộc phường Dakao của Quận Nhứt – Sài Gòn) đến ngã ba Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) dài khoảng 1.975m, lộ giới thuộc loại “khủng” thời xưa là 30m. Thời Pháp, khoảng năm 1874 được gọi là Avenue de l’Inspection (đường Thanh tra), nhưng dân cư khu vực này quen gọi là đường Hàng Thị. Trong đợt đổi tên đường ở Sài Gòn – Gia Định đầu thập niên 1950 dưới thời chính thể Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại, đường l’Inspection được đổi tên là Lê Văn Duyệt. Trong bản đồ năm 1952 có ghi rõ tên đường như sau:
Con đường Lê Văn Duyệt này chạy ngang qua một cụm đường được đặt tên các công thần nhà Nguyễn như Châu Văn Tiếp, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh.
Ngày xưa, người Sài Gòn đi qua tỉnh Gia Định thường phải qua đường Lê Văn Duyệt, từ hướng Sài Gòn xuống cầu Bông qua đường Lê Văn Duyệt một đoạn sẽ gặp một nơi được gọi là khu Khăn Đen Suối Đờn, là một khu chuyên bán khăn xếp đội đầu cho đàn ông nổi tiếng vùng Sài Gòn – Gia Định.
Đường Lê Văn Duyệt tỉnh Gia Định không chỉ có “khu thương mại” phân phối khăn đen, mà còn là con đường để hằng ngày những họa sĩ tương lai đến Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (đường Chi Lăng – nay là Phan Đăng Lưu) vẽ vời, nặn tượng. Rất nhiều bác sĩ tương lai hằng ngày cũng phải qua con đường này đến thực tập hay nội trú tại Bệnh viện Nguyễn Văn Học (nay là Bệnh viện Nhân Dân Gia Định).
Ngoài ra, trên con đường này còn có trường nữ sinh Lê Văn Duyệt (nay là trường Võ Thị Sáu), nên buổi chiều tan trường luôn có thấp thoáng tà áo dài trắng tung bay.
Ngay góc đường Lê Văn Duyệt – Chi Lăng có một công trình vẫn còn cho tới nay, như trong hình bên trên. Rất nhiều người nhầm tưởng đây là 1 trong những cổng thành Gia Định xưa. Điều này hoàn toàn vô lý, vì thành Gia Định (thành Phụng) do vua Minh Mạng xây sau loạn Lê Văn Khôi chỉ nằm gói gọn khu vực quận 1 và quận 3 của Sài Gòn, không ra tới khu vực Dakao, nên không thể vươn qua bên kia cầu Bông được. Vùng Dakao ngày xưa là khu vực đất hộ thành Gia Định, được người dân gọi là Đất Hộ. Người Pháp không đọc được đúng nguyên gốc tên này, nên phiên âm thành Dak-Au, dần dần thành Dakau, rồi thành Dakao như ngày nay. Nói như vậy để thấy rằng cái cổng và tường thành màu vàng như trong hình không thể liên quan gì tới thành Gia Định xưa. Chưa kể thời điểm ấy ký tự latin của chữ Quốc Ngữ chưa được sử dụng phổ biến để ghi trên cổng thành như vậy. Thực ra đây có thể chỉ là một lô cốt của trại lính Pháp ở tỉnh Gia Định hơn 100 năm trước.
Ngày 14/8/1975, khi sáp nhập tỉnh Gia Định với đô thành Sài Gòn, Ủy ban Quân quản thành phố cũng nhập luôn đường Lê Văn Duyệt của Gia Định chung với đường Đinh Tiên Hoàng của Sài Gòn chung thành con đường mang tên Đinh Tiên Hoàng.
Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong những người có công xây dựng phát triển phương Nam, đặc biệt là biến vùng Sài Gòn – Gia Định trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của đất nước. Khi ông mất đi, được xây dựng lăng và được người dân cung kính thờ phụng suốt gần 200 năm qua.
Tả quân từ trần năm 1832, thọ 69 tuổi. Thеo một số thông tin nghiên cứu cho rằng vua Minh Mạng từ lâu có thù riêng với tả quân Lê Văn Duyệt, nhưng lúc sinh thời, công lao và uy quyền của tả quân quá lớn nên vua vẫn để cho ông làm vua một cõi Nam Kỳ. Đến khi tả quân không còn, vua Minh Mạng bãi chức tổng trấn Gia Định thành, đồng thời truy xét trị tội những thuộc hạ của Lê Văn Duyệt. Vì bị bức, con nuôi tả quân là Lê Văn Khôi khởi binh chống lại triều đình, thường được gọi là loạn Lê Văn Khôi (1833-1835)
Sau khi vất vả dẹp được vụ nổi dậy này, vua Minh Mạng truy xét tội của tả quân Lê Văn Duyệt, mộ của ông ở Gia Định bị san phẳng, núm mộ bị xiềng sắt.
Đến 13 năm sau (1848), vua Tự Đức truy xét và rửa tội cho tả quân Lê Văn Duyệt, cho xây lại lăng và lập một ngôi miếu thờ gồm 3 gian nhà nhỏ, thấp, vách ván, mái ngói và giao cho con cháu Tả quân lo việc thờ cúng.
Năm 1868, Tả quân Lê Văn Duyệt được truy phục chức Vọng các công thần, chưởng tả quân Bình Tây Tướng quân Quận Công và được thờ vào Miếu Trung Hưng Công Thần.
Từ năm 1914 đến 1974, toàn khu vực lăng mộ được xây dựng hoàn chỉnh, dân thường gọi là Lăng Ông. Trong đó, đợt xây dựng và trùng tu lăng lớn nhất diễn ra năm 1937, tạo nên dung mạo công trình như ngày nay.
Lăng Ông được người dân đến cúng tế hàng năm rất cung kính. Khi Ông Lê Văn Duyệt mất, dân gian xеm ông như một vị thần chứ không còn là một vị tướng quân thông thường, vì vậy việc thờ cúng và tế lễ ông tại lăng mang nghi thức thờ thần và tế thần.
Hàng năm, tại lăng đều có tổ chức lễ giỗ Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt rất long trọng, số người dự hội có đến hàng chục vạn, không chỉ người địa phương mà cả khách tỉnh xa cũng về dự hội.
Trong số khách đi lễ số lượng người Hoa chiếm khoảng phân nửa, bởi họ đến dâng hương để tạ ơn một vị “phúc thần”, vì lúc sinh thời khi làm Tổng trấn Gia Ðịnh, ông đã có những chính sách, chủ trương nâng đỡ, tạo điều kiện cho cộng đồng người Hoa phát triển ngành nghề, an cư lạc nghiệp trên quê hương thứ hai của họ.
Khi nói đến Sài Gòn, Gia Định, người ta thường nghĩ ngay tới những kiến trúc thời Pháp, như Bưu điện thành phố, Nhà thờ đức Bà, Nhà hát thành phố, các bảo tàng… Nhưng thật ra, đó đều là kiến trúc Pháp hiện đại. Những di tích lịch sử của vùng Gia Định từ trước khi Pháp xâm lược như thành Phụng (thành Gia Định), các chùa chiền đình miếu, một phần đã bị phá hủy, phần khác cũng bị xem nhẹ, ít người biết.
Trước năm 1975, hình ảnh tả quân Lê Văn Duyệt và lăng mộ của ông được in trên đồng tiền của VNCH. Lăng Ông – tức lăng Thượng Công Lê Văn Duyệt đã gắn liền với con đường mang tên Lê Văn Duyệt. Hình ảnh này được ví như biểu tượng của Sài Gòn – Gia Định, như hình ảnh Văn Miếu của Hà Nội hay Ngọ Môn của Huế vậy. Ngoài ra, hình ảnh Tả quân Lê Văn Duyệt và Lăng Ông còn xuất hiện trên tiền giấy thời VNCH:
Sau năm 1975, đường Lê Văn Duyệt bị đổi tên, di tích bị xuống cấp rất nhiều, thậm chí bị lấn chiếm, là nơi nhiều phần tử nghiện ngập lai vãng. Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu lịch sử, quan điểm của chính quyền mới sau 1975 là cho rằng nhà Nguyễn “cõng rắn cắn gà nhà”, nên không chỉ đường Lê Văn Duyệt mà nhiều con đường mang tên các vua quan triều Nguyễn, trong đó có cả các danh tướng một đời oanh liệt như Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Huỳnh Đức, Võ Di Nguy… ở cả Sài Gòn lẫn Gia Định đều bị đổi tên.
Cho tới năm 1989, xét lại về công lao của Tả quân Lê Văn Duyệt đối với vùng đất phía Nam xưa, Bộ Văn Hoa để công nhận lăng Ông – Lê Văn Duyệt là Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1989.
Cũng từ ngày đó việc bảo tồn Lăng Ông được quan tâm hơn, nhưng tên đường Lê Văn Duyệt vẫn không được phụ hồi, và công cuộc đó vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Báo Tiền Phong cho biết Ông Trần Văn Sung (Phó ban quản lý, Trưởng ban quý tế Lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt) có đơn kiến nghị xin thành phố đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt vì lý do ít nhất 12 tỉnh thành có đường mang tên ông, như Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Bình Phước, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương… Riêng Sài Gòn, nơi ông Lê Văn Duyệt từng đóng dinh tổng trấn Gia Đình thành – nơi thờ phụng ông lại không còn có tên đường.
Thời còn đương chức, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhiều lần chỉ đạo tổ chức hội thảo về Lê Văn Duyệt, nhưng rút cuộc vẫn không đặt lại được tên đường, với lý do là “chưa tìm được sự đồng thuận”.
Cho đến tận mấy năm gần đây, chính quyền thành phó đã tổ chức lấy ý kiến các phường khu vực gần lăng thì đều nhận được ý kiến “nên khôi phục tên đường Lê Văn Duyệt trước lăng tả quân Lê Văn Duyệt”. Các nhà nghiên cứu khoa học cũng ủng bộ việc thành phố nên có tên đường đức tả quân.
Cuối cùng, trong kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố vào năm 2020 đã thông qua việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt, với số ý kiến đồng tình là trên 60%.
Đúng ngày giỗ lần thứ188 Tả quân Lê Văn Duyệt (1832 – 2020), diễn ra trong các ngày 16, 17 và 18/9 (nhằm ngày 29/7, 1 và 2/8 âm lịch), vào ngày 16/9/2020, chính quyền thành phố đã tổ chức lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu (có chiều dài 947m) thành đường Lê Văn Duyệt như tên cũ của đoạn đường này trước năm 1975.
Cũng trên báo Tiền Phong, bài viết đã nhận xét rằng Tả quân Lê Văn Duyệt là người có công xây dựng phát triển miền Nam, bởi vậy rất nhiều tỉnh phía Nam có lăng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nói: “Lê Văn Duyệt có tài kinh bang tế thế, đã xây dựng kênh Vĩnh Tế làm thay đổi Nam Bộ. Ông cũng rất mê tuồng và hát bội, phát triển nghệ thuật truyền thống”.
Theo Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu: “Tên đường phố phản ánh lịch sử – văn hóa của quốc gia nói chung và của thành phố ấy nói riêng, bao gồm các yếu tố đặc trưng của địa lý tự nhiên, tên nhân vật, sự kiện lịch sử, văn hóa… Tên đường phố ở đô thị còn cho biết những đặc trưng riêng của nơi đó vì phản ánh lịch sử, sự nhận thức và ứng xử với quá khứ”.
chuyenxua.net biên soạn