Bài báo này được học giả Phan Khôi đăng trên báo Trung Lập năm 1931, kêu gọi tất cả mọi người hãy gọi tên nước mình là Việt Nam.
Hiện nay, quốc hiệu của chúng ta là Việt Nam, tưởng như đó là điều đơn giản không cần bàn cãi chi nữa. Tuy nhiên thời điểm hơn 90 năm trước thì không như vậy. Lúc đó nước Pháp gọi chúng ta là người An Nam, nước An Nam, hoặc gọi chung là xứ Đông Pháp. Còn triều đình Huế thì tự gọi tên là Đế quốc Đại Nam, theo cái tên mà vua Minh Mạng đã đặt. Lúc đó, tên gọi Việt Nam rất mờ nhạt trong nhận thức của người Việt, chỉ thỉnh thoảng được nhắc tới, như trong tác phẩm “Việt Nam vong quốc sử” của Phan Bội Châu năm 1905, và trong tên gọi Việt Nam Quốc dân Đảng thành lập năm 1927.
Quốc hiệu Việt Nam được vua Gia Long chọn sau khi lên ngôi năm 1802, nhưng sau đó vua Minh Mạng đổi lại thành Đại Nam năm 1820. Phải sau đó hơn 100 năm, cái tên Việt Nam mới chính thức trở thành quốc hiệu chính thức một lần nữa là vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố Đế quốc Việt Nam độc lập với sự cộng tác với Đế quốc Nhật Bản.
Trong cùng năm 1945, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, kể từ sau đó tất cả những nhà nước ở Việt Nam đều sử dụng quốc hiệu này.
Còn trước đó, vào năm 1931, Phan Khôi chính là một trong những người hô hào kêu gọi sử dụng tên gọi nước Việt Nam.
Gần nay trên báo Trung lập có đem cái vấn đề quốc hiệu nước ta ra nói mấy lần. Ông giáo Nguyễn Ngọc Thọ bảo nên kêu là Việt Nam. Ông giáo Linh Chiểu bảo chớ nên tự xưng là An Nam. Hai ông nói đều phải cả, thế nhưng nhập luôn hai bài của hai ông lại cũng còn chưa ráo lý, còn có chỗ nên nói thêm.
Đến như ông Bùi Thế Mỹ chủ trương cái nghĩa lành áo hơn tốt danh, bảo kêu gì cũng được, kêu an mà miễn là không an thì thôi, không hại gì, cái thuyết của Bùi quân đó có riêng một ý nghĩa, nhưng về sự giải quyết vấn đề thì nói như vậy chưa phải là giải quyết.
Rốt lại họ Bùi cũng phải phàn nàn về một nước bằng bụm tay mà nhiều tên quá, muốn mau mau xúm nhau lại lựa một cái tên. Vậy cho biết sự xưng nước mình lấy một tên mà đừng xưng lộn xộn, là sự cần lắm, chính cái người không quý danh mà quý thiệt kia cũng đương cầu giải quyết.
Vậy ta hãy giải quyết đi.
Để riêng cái sự thiệt tiễn như Bùi quân đã nói ra, dầu sự ấy là cần lắm, nhưng là vấn đề khác. Đây đương nói vì danh thì hẵng cứ nhè danh mà nói.
Theo ý tôi thì cũng như hai ông giáo trên kia, người nước mình không nên tự xưng nước mình là An Nam mà phải xưng là Việt Nam. Nói như vậy, cần phải nói đến cái sở dĩ. Vậy tôi xin nói cái sở dĩ.
Ta không nên xưng nước ta là An Nam, là vì cái tên ấy không do ta đặt cho ta, mà do người ngoài đặt cho ta, lại có ý chinh phục ta nữa. Nếu mình dùng hai chữ An Nam mà tự xưng nước mình, ấy là mình cam tâm ở cái địa vị bị chinh phục. Bị chinh phục, là sự cực chẳng đã; chớ còn an tâm ở cái địa vị bị chinh phục, thế là tự mình làm mất cái bổn tánh tự do độc lập của Trời phú cho đi, không còn xứng đáng là loài người.
Theo lịch sử, hồi nước ta thuộc về nhà Đường bên Tàu, họ đặt một quan nha cai trị xứ ta, kêu bằng An Nam đô hộ, quan nha ấy cũng như Đông Pháp toàn quyền phủ bây giờ. Chữ An Nam đó nghĩa là làm cho phương Nam an đi. An Nam đô hộ nghĩa là: Cái chức quan Đô hộ ấy có cái trách nhiệm phải làm cho phương Nam an đi. Xét sử Tàu hồi bấy giờ, không những đặt An Nam đô hộ mà thôi. Họ đánh yên mấy nước nhỏ ở Tây Vực (gần đỗi Tiểu á tế á) đặt ra An Tây đô hộ; đánh yên nước Bách Tế và Triều Tiên, đặt ra An Đông đô hộ nữa, cùng đều có ý như An Nam vậy.
Mãn thời kỳ đô hộ, nghĩa là đến lúc người mình lấy nước lại mà độc lập rồi, tuy mình xưng tên nước mình là gì trối kệ, nhưng vì mình còn thần phục và triều cống họ, cho nên họ có quyền đặt tên cho nước mình. Bấy giờ dầu bãi đô hộ rồi mà cái tên An Nam họ vẫn giữ, họ lấy mà đặt tên nước mình là An Nam quốc, và phong cho vua mình là An Nam quốc vương. Nước ta mà có cái tên An Nam là từ đó. Và từ đó người Tàu quen kêu người mình là người An Nam.
Người phương Tây giao thông với các nước á Đông là bắt đầu giao thông với nước Tàu trước. Vì vậy nên người Tây bắt chước người Tàu kêu nước mình là An Nam, mà không kêu theo tên nước mình như chính người mình đã đặt, hoặc Đại Việt, hoặc Đại Nam, hoặc Việt Nam.
Nói riêng về người Pháp thì từ lúc đầu họ kêu cả nước mình là nước An Nam; đến khi chinh phục được, họ chia nước mình ra làm ba, lấy chữ An Nam kêu khúc giữa, có ý nói rằng cái nước An Nam thuộc về nhà vua là chỉ còn chút đó.
Tự người Pháp muốn trời muốn đất gì lại không được, song người mình kêu theo như thế là vô lý. Bởi vậy từ nay ta nên bỏ tiệt hai chữ An Nam đi, đừng dùng mà xưng tên nước ta nữa. Cái khúc giữa của nước ta, ta cũng kêu bằng Trung kỳ, dầu trong khi viết bằng Pháp văn cũng cứ xưng như thế.
Còn tại sao mà bảo kêu bằng Việt Nam?
Cái tên Việt Nam do vua Gia Long đặt ra sau khi ngài đã nhứt thống toàn quốc từ Nam chí Bắc. Theo sử nói thì ban đầu ngài đặt là “Nam Việt” song vua Tàu sửa lại là “Việt Nam”. Từ đấy về sau thì vua Tàu, khi ban chiếu sắc, không kêu nước ta bằng An Nam nữa mà kêu Việt Nam; song dân Tàu nói thường thì vẫn kêu ta là An Nam cho đến bây giờ.
Sau cái tên Việt Nam còn có cái tên Đại Nam, ấy là từ đời vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng, sau khi bảo hộ Cao Man rồi, ngài thấy nước ta bản đồ càng rộng ra, ngài bèn đặt là Đại Nam để đối địch với Tàu là Đại Thanh cho oai chơi. Nhưng cái tên Đại Nam đó chỉ xài trong nước mình chớ còn khi dâng biểu qua Tàu thì lại vẫn xưng là Việt Nam quốc như trước.
Hiện ngày nay đây, giấy mực việc quan ở Trung kỳ vẫn xưng là Đại Nam. Vua Bảo Đại đối với nước Pháp vẫn tự xưng là Đại Nam hoàng đế. Vậy thì, theo nhà vua, cái tên Việt Nam hình như đã mất rồi, vì ngày nay không còn triều cống bên Tàu, không có dịp đem ra mà dùng nữa.
Dân ta, người nước ta, cũng nên theo như nhà vua mà kêu là Đại Nam chăng? Kêu cũng được, nhưng nghe nó ngượng miệng một chút, và cũng hổ ngươi nữa. Không ai nói như vầy mà xuôi tai được: Chúng tôi là dân nước Đại Nam, bị nước Pháp bảo hộ!
Vậy thì ta nên kêu nước ta là Việt Nam, là phải hơn hết.
Tại sao mà phải?
Những cái tên “Nam Việt” hay “Đại Cồ Việt” ngày xưa chưa hề gồm có phía nam Trung kỳ và Nam kỳ, không đại biểu cho toàn quốc ngày nay được. Duy có cái tên “Việt Nam” do vua Gia Long đặt ra, cái tên ấy mới có bao gồm phía nam Trung kỳ và cả Nam kỳ vào, cho nên dùng nó mà chỉ cả nước ta như bản đồ chữ S ngày nay là hiệp lắm.
Tôi lặp lại lần nữa :
Từ rày về sau, chúng ta không nên kêu nước mình bằng An Nam.
Từ rày về sau, chúng ta nên kêu nước mình bằng Việt Nam.
Phan Khôi
Trung lập – 7.2.1931