“… Thời gian trôi qua mau
Chỉ còn lại những kỷ niệm
Kỷ niệm thân yêu ơi, sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô
Bạn bè mến thương ơi, sẽ còn nhớ những lúc giận hờn
Để rồi mai chia xa, lòng chợt dâng niềm thiết tha
Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa…”
Thời gian cứ trôi đi không bao giờ ngừng, con người mỗi ngày một trưởng thành hơn, đón nhận thêm nhiều điều mới, nhưng kỷ niệm là thứ không bao giờ thay đổi, khi gặp lại những người bạn cũ, hàn huyên về những câu chuyện ngày xưa, nhớ về những đam mê khát vọng của một thời tuổi trẻ, nhớ cả những lúc giận hờn của tuổi còn ngây ngô, đó là lúc thời gian như đang quay trở lại.
Nghe Tam Ca 3A hát Mong Ước Kỷ Niệm Xưa
Ca khúc Mong Ước Kỷ Niệm Xưa ra đời 25 năm trước, không quá lâu để gọi là ca khúc vượt thời gian, nhưng cũng đã chứng minh được rằng bài hát vẫn được yêu thích qua các thế hệ, dù đó là những cô cậu học sinh đang ở thời điểm chuẩn bị rời xa mái trường, hoặc là những người đã ở tuổi trung niên muốn tìm quay lại kỷ niệm xưa cũ.
Trong sáng tác nghệ thuật, có một khái niệm tạm gọi là niềm cảm hứng bất chợt, mà cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng gọi là trạng thái “lên đồng” trong sáng tác. Đó là khi tâm hồn của người nhạc sĩ giao thoa với những tinh túy nhất của âm điệu trong một giây phút thăng hoa nào đó, dù chỉ là thoáng qua, nhưng cũng đủ để một tuyệt tác được ra đời. Đó là trạng thái mà về sau ngay chính tác giả cũng không hiểu vì sao lúc đó họ sáng tác được như vậy. Trạng thái thăng hoa trong sáng tác đó không thường xuyên xuất hiện, nên trong âm nhạc Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp nhạc sĩ chỉ nổi danh với những tác phẩm đầu tay, còn những sáng tác thời gian sau lại không được nhiều người biết tới.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Xuân Phương từng nói rằng, người nghe nhạc thẩm thấu được một ca khúc, đầu tiên là qua ca từ, nhưng phần quan trọng hơn nữa trong bài hát chính là giai điệu. Anh nói rằng không hiểu vì sao lúc đó lại nghĩ ra được giai điệu bài hát Mong Ước Kỷ Niệm Xưa, dường như nó đã có sẵn trong đầu và sáng tác một mạch, vừa nghĩ giai điệu và đặt lời cùng một lúc.
Mong Ước Kỷ Niệm Xưa là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Xuân Phương, vốn là ca khúc nhạc của bộ phim truyền hình Xin Hãy Tin Em của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, phát sóng lầu đầu năm 1997. Một điều trùng hợp khi đây cũng là phim đầu tay của đạo diễn này.
Nhạc sĩ Xuân Phương nói rằng anh sáng tác ca khúc này như là một lời hứa thuở xưa đối với người bạn Đỗ Thanh Hải, khi cả 2 vẫn còn đang ngồi trên giảng đường đại học. Họ gặp nhau trong một lớp học thêm tiếng Anh, rồi thân thiết. Khi đó Đỗ Thanh Hải nói rằng: “Sau này tôi làm phim đầu tay, nhất định ông phải viết nhạc phim cho tôi đấy…”
Lời nói đó như là một lời hứa hẹn để vài năm sau đã trở thành sự thật, khi nhạc sĩ Xuân Phương 23 tuổi.
Là ca khúc viết cho phim, phải dựa theo nội dung phim, nên phần đặt lời cho bài hát này có những sự khó khăn nhất định. Tuy nhiên nhạc sĩ Xuân Phương nói rằng những cảm xúc mà anh đặt vào trong lời bài hát này đều là cảm xúc thật đã từng trải qua. Cảm giác “đặt bàn tay lên môi giữ chặt tiếng nấc nghẹn ngào…” cũng là hình ảnh thật mà nhạc sĩ đã được thấy trong một lần các cựu học sinh về thăm lại trường cũ, gặp lại thầy cô và xúc động đặt bàn tay lên môi giữ tiếng nấc nghẹn ngào. Hình ảnh đó cũng đã quen thuộc với bất kỳ ai đã từng là học sinh, đã nghẹn ngào chia tay bạn bè và thầy cô trong ngày bế giảng cuối cùng.
Nhiều năm trôi qua, Mong Ước Kỷ Niệm Xưa vẫn luôn được hát lên trong những ngày tốt nghiệp, hoặc ngày họp mặt cựu học sinh. Bài hát tạm gọi là xưa, nhưng chưa bao giờ cũ, bởi vì dù là ở thời nào thì những cảm xúc của ngày chia tay tuổi học trò cũng giống nhau. Ai cũng muốn tắm mình một lần nữa dưới cơn mưa tuổi trẻ, để lại được vụng dại ngây ngô với những cảm xúc thời mới lớn, dù chỉ là trong một khoảnh khắc.
Nếu có ước muốn trong cuộc đời này
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
Câu hát phần điệp khúc này mang lại cảm xúc bồi hồi cho người nghe. Ước mơ thời gian trở lại thực ra không phải là mơ ước viển vông, và họp mặt bạn bè cũ ở trường xưa cũng là một cách quay ngược thời gian để tìm về những cảm xúc ban sơ đó. Thời gian qua, dù việc họp lớp có tạo ra nhiều sự cố tiêu cực, tuy nhiên nếu người ta biết rũ bỏ hết tất cả lớp bụi trần che phủ bề ngoài, xóa nhòa khoảng cách thời gian, khi không còn là ông nọ, bà kia, nhà cao cửa rộng, để trở lại thành những cô cậu học trò nhỏ, thì việc tìm lại được cảm xúc xưa trong ngày họp mặt mới thực sự được nguyên vẹn.
Tưởng nhớ nhạc sĩ Xuân Phương, vừa qua đời ngày 29/11/2023.
Đông Kha – chuyenxua.net