Hiện tại, một loại mì tôm mới ra mắt tên là mì tôm thanh long nhãn hiệu Caty đang bất ngờ nổi tiếng chỉ vì một MV quảng cáo không theo bất kỳ tiêu chuẩn nào của thương mại thời hiện đại.
Tuy nhiên đó là một câu chuyện khác, chuyenxua.net nhìn nhận vấn đề này theo một khía cạnh lịch sử của cái tên Caty, tức Cà Ty. Trong MV quảng cáo kể trên có cắt nghĩa chữ CATY thành “Chờ Anh Thương Yêu” hoặc “Cho Anh Tình Yêu”. Thực tế, Cà Ty là tên con sông chảy ngang qua thành phố Phan Thiết, trung tâm của tỉnh Bình Thuận, là tỉnh trồng nhiều thanh long nhất cả nước.
Theo một giai thoại, những cư dân Việt đầu tiên đến vùng đất này sinh sống nhận thấy thượng nguồn sông Cà Ty là nước ngọt, còn đoạn hạ nguồn là nước lợ, đôi khi là nước mặn, họ thấy rất kỳ lạ, đến mức thốt lên “kỳ ta, kỳ ta”. Kỳ ta nói lái lại thành “Cà Ty” – tên dòng sông như bây giờ.
Dĩ nhiên đó chỉ là diễn giải cho vui, bởi tên sông Cà Ty vốn có gốc gác từ tiếng Chăm là Kati, người Việt đọc thành Cà Ty. Tương tự, địa danh Cà Ná cũng ở Bình Thuận, vốn có gốc Chăm là Kana, nghĩa là vùng có đá lởm chởm.
Con sông này xuất phát từ thượng nguồn núi Ông ở Tánh Linh có độ cao 1.300m, chảy theo hướng Bắc – Nam, sau đó chuyển hướng theo Tây Bắc – Đông Nam đổ ra biển ở cửa Thương Chánh – Phan Thiết.
Ở thượng nguồn, sông có tên gọi là Mương Mán (hoặc sông Mường Mán) dài 65 km, đến đoạn qua Phan Thiết thì hợp lưu với dòng sông Quao (sông Cái Phan Thiết – bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh) nhập vào, và đoạn nhập vào đó chính là sông Cà Ty.
Theo tiếng Chăm, chữ Kati nghĩa là cân bằng, phẳng lặng. Sống Kati theo đó mang nghĩa là một dòng sông hiền hòa, bởi nó không còn cuồn cuộn như ở thượng nguồn, vì đã chảy qua vùng bình địa nên lưu lượng nước sông không còn chảy xiết, và đoạn này lúc nào cũng có hai dòng nước từ nguồn đổ xuống (ngọt) pha trộn với nước thủy triều (mặn) dâng lên để hòa trộn thành làn nước lợ.
Sau đây là những hình ảnh xưa của sông Cà Ty:
chuyenxua.net biên soạn