Nhà văn Băng Sơn từng cho rằng: “Cứ dăm năm lại có một lớp con gái trẻ Hà Nội lớn lên, đẹp hơn trước. Phụ nữ Hà Nội đi đâu cũng không lẫn vì nhiều vẻ. Đó là một điều thật đẹp, thật vui. Ngay giữa lòng thành phố, có thể nhận ngay ra người phụ nữ có cốt cách Hà Nội, bất kể tóc đã hoa râm, bạc trắng hay còn tóc thề để xõa ngang vai, bất luận họ đang vội vã, đang ngồi trên xe máy, đang trong rạp hát, đang ăn quà hay đang thả bộ ung dung trên vỉa hè”.
Người trẻ thì dáng vẻ uyển chuyển, nhẹ nhàng, lời nói cẩn thận, tiết chế. Còn những người đã lớn tuổi, họ vẫn giữ được nét đẹp sang trọng, đài các đó với bước đi khoan thai, giọng nói từ tốn, ôn hòa.
Con gái Hà Nội có nét riêng lắm, nhất là những người con gái thời xưa, họ được dạy dỗ cẩn thận từ tấm bé trong gia đình nền nếp, dạy lễ phép, duyên dáng trong cách giao tiếp ứng xử và trong cách đi đứng, cử chỉ.
Lớn lên chút nữa, khi bắt đầu đến tuổi thiếu nữ, họ được truyền dạy từ bà, từ mẹ về “nữ công gia chánh”. Trong chuyện phẩm giá đạo đức của một người phụ nữ, người vợ và người mẹ, ngày xưa gọi là “công dung ngôn hạnh” – họ cũng được chỉ bảo cẩn thận.
Trước thập niên 20 của thế kỷ 20, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình và xã hội, tuy nhiên từ năm 1930 về sau phong trào cựu học lùi dần, nhường chỗ cho tân học, Tây học, phụ nữ Việt Nam, mà đi đầu là Hà Nội (thủ đô của Đông Dương) đã cùng nhau vượt qua định kiến. Các cô gái trẻ thời ấy đã thành lập ban kịch “Nữ tài tử” và trình diễn vở Trang tử cổ bổn để lấy tiền ủng hộ đồng bào bị bão lụt, bất chấp những ý kiến cho rằng con nhà gia giáo không nên “vác bộ mặt hoa da phấn lên sân khấu múa may quay cuồng”.
Số phụ nữ Hà Nội đi học tăng lên nhanh chóng. Sự xuất hiện các cô gái sống theo lối mới dần dần tạo nên phong trào “tân thời” ở Hà Nội trong những năm ba mươi. Có thể họ bị ảnh hưởng của văn minh phương Tây nhưng rõ ràng học vấn đã giúp họ thay đổi nhận thức. Họ bỏ quần áo màu thâm, mặc quần trắng, áo trắng, rẽ tóc ngôi lệch, cạo răng đen, để răng trắng, dùng son môi. Các cô đi bơi ở Quảng Bá vào mùa hè, mặc quần soóc đi bộ vào chùa Trầm, vào sàn khiêu vũ.
Phong trào “tân thời” đã làm phố phường Hà Nội cũng có nhiều thay đổi với những cô gái duyên dáng trong chiếc áo dài Le Mur, Lê Phổ nhiều màu sắc, hay là sự kết hợp hài hòa giữa y phục truyền thống với phong cách thời trang mới.
Phong trào “tân thời” không chỉ khẳng định giá trị bản thân mà còn là sự thách thức quan niệm đạo đức Nho giáo lỗi thời đang đè nặng lên thân phận người phụ nữ. Đó là phong trào của sự dũng cảm, vì sự tiến bộ của xã hội.
Những cô gái Hà Nội dám bước ra khỏi ngôi nhà của mình để thay đổi bản thân, tham gia các hoạt động xã hội với khát vọng được cống hiến. Đó có thể gọi là cuộc cách mạng trong nhận thức của phụ nữ Hà Nội.
Sau năm 1954, nhiều phụ nữ rời Hà Nội để di cư sang miền khác, lìa xa cố quận nhưng họ vẫn giữ được cốt cách, lối sống như xưa. Nhiều phụ nữ Hà Nội dù ở nơi khác nhưng đã khẳng định được tên trong nền nghệ thuật Việt Nam như Thái Thanh, Kiều Chinh, Khánh Ly, Thanh Lan, Kim Chung…
Đã có giai đoạn phụ nữ Hà Nội chỉ gắn liền với bộ áo màu xám đen nhàu nhĩ, đội khăn mỏ quạ khắc khổ buôn thúng bán bưng giữa chợ… làm cho nhiều người tưởng đó là hình ảnh đại diện cho phụ nữ Hà Nội xưa. Tuy nhiên trước năm 1954, phụ nữ Hà Nội, đặc biệt là những cô gái tân thời, luôn xuất hiện với những trang phục thanh lịch và sang trọng.
Mời các bạn xem lại một số hình ảnh phụ nữ Hà Nội trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20:
Một số hình ảnh phụ nữ Hà Nội năm 1915:
chuyenxua.net biên soạn
Phong cách phụ nữ xưa rất trang nhã. Chiếc áo dài xưa kín đáo, lịch sự, sang trọng. Không cần phải may cắt kiểu cải cách loã lồ khoe ngực, phô mông với chất liệu mỏng le mỏng lét khêu gợi… mà vẫn toát lên vẻ nữ tính. Nói chung nét đẹp “thâm cung bí sử “ vậy mới đáng ngưỡng mộ trân quý. 👍👍👍👍. Yêu phụ nữ xưa! 🥰🥰🥰