Hai ngày đi quanh Sài Gòn Chợ Lớn đầu thế kỷ 20 – Theo chân một người ngoại quốc ghé thăm “Hòn ngọc Viễn Đông”

Những dòng mô tả cuộc sống người dân Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20 sau đây là của Gabrielle M. Vassal, một người Anh có chồng người Pháp và có thời gian làm việc ở viện Pasteur Nha Trang trong 3 năm (1907-1910). Có lẽ chưa từng có bài viết nào mô tả súc tích từng chi tiết về hình dáng người Sài Gòn và cuộc sống sinh hoạt đời thường của họ như trong bài này. Tác giả bài viết cũng tường thuật kỹ lưỡng quang cảnh đường phố từ Sài Gòn qua Chợ Lớn, từ ngày tới đêm, trong trọn 2 ngày bà có mặt ở nơi đây.

Câu chuyện dưới đây bắt đầu từ cuộc hành trình trên con tàu mang tê Salaxie, đưa vợ chồng bà Gabrielle M. Vassal vượt trùng dương, từ Địa Trung Hải qua Port Said (Ai Cập) để tới kênh đào Suez và vượt Biển Đỏ, băng qua Ấn Độ Dương bao la để tới vùng Đông Nam Á, lướt qua Singapour để tới cảng Sài Gòn:

…Trước cảnh Singapour cây cối xanh tươi, với các vườn hoa nổi tiếng, khu phố Tàu đông người, bến sông thuyền bè chen chúc, lòng chúng tôi nôn nao, muốn thật nhanh chóng cập bến Sài Gòn ngay. Vì như người ta nói, Sài Gòn là thành phố đẹp nhất ở Viễn Đông.

Singapour đầu thế kỷ 20

[…]

Cap Saint-Jacques nằm trên cửa sông Sài Gòn. Đáng chú ý vì nó có những ngọn đồi, những ngôi nhà nghỉ mát kiểu chalet, với một bãi biển dân Sài Gòn thường đến tắm. Nhưng một khi tàu vào xa giữa vùng đồng bằng rộng lớn, đơn điệu, chúng tôi không khỏi thấy thất vọng. Trong đầu chúng tôi lúc này vẫn còn vướng vất những hình ảnh đẹp đẽ của các lần cập bến Colombo, Singapour.

Xa tít tắp vẫn là đất bằng, không một điểm cao. Hai bên bờ sông bùn lầy, cây đước, dừa nước, cỏ, mọc um tùm. Dù đã nhìn thấy nóc tháp chuông nhà thờ, cảnh quan thảm hại này khiến chúng tôi vẫn nghĩ không mấy tốt đẹp về Sài Gòn. Vì dòng sông uốn lượn nên mấy tháp chuông khi thì hiện ra trước mũi tàu khi thì phía đuôi tàu. Một mùi hôi nồng nặc bốc lên từ đất bùn bị quấy động, các lùm cây bần thỉu dọc hai bên bờ, làm cho không khí thật khó thở.

Trời nóng cực độ. Để giải khuây, chúng tôi đứng nhìn các chiếc thuyền tam bản ngược xuôi trên sông. Một số lớn thuyền có giăng buồm trông rất lạ: chỉ cần một hơi gió nhẹ chúng vẫn chạy vun vút. Đó là những chiếc thuyền đáy bằng, có bánh lái. Người dân bản xứ ngồi ở đuôi thuyền, tay giữ tay lái. Những người An Nam cúi khom mình, đẩy mạnh mái chèo, nhẹ đưa con thuyền đi ngược dòng. Những tay chèo đàn ông có, đàn bà cũng có nhưng y phục và dáng vẻ thì chẳng khác gì nhau.

Mãi mấy tuần sau tôi mới phân biệt được ai là nam, ai là nữ. Mấy người phụ nữ ăn mặc như nam giới, nghĩa là áo quần đều là áo quần dài, tóc thì búi lại. Chỉ có khác ở điểm, búi tóc có cao hơn, chiếc áo có dài hơn ở phe nữ giới. Đặc điểm này không phải dễ dàng thấy ngay được đâu. Người An Nam dáng mảnh khảnh, nhỏ con. Nếu đàn ông ít người cao hơn 1m60 thì đàn bà càng bé hơn nữa.

Tuy mảnh khảnh như thế, họ đưa mái chèo nặng kia thật nhuyễn và thiện nghệ. Vận động nhịp nhàng của họ làm mắt ta nhìn theo không rời. Càng lúc số lượng ghe thuyền càng tăng, điều đó chứng tỏ chúng tôi đang tới gần thành phố. Những người thực dân lâu năm quen với mọi khúc quẹo của con sông, rời bàn chơi bài, chuẩn bị hành trang, chờ xuống bến. Bất thần con tàu cặp vào cầu tàu đông nghịt người ăn mặc toàn màu trắng.

Cảnh tượng này quả là điều tôi chưa khi nào tưởng tượng ra nổi. Như đã từng xảy ra tại các bến cảng trước đây, nãy giờ tôi có ý chờ một bầy thuyền người bản xứ từ mọi hướng đổ ra vây quanh con tàu. Chỉ có thế thôi. Ngày tàu thơ đến là một biến cố đáng kể cho nên “cả Sài Gòn” đổ xô ra ngoài bến. Người thì đi đón bè bạn hay cha mẹ, người thì hy vọng sẽ gặp lại bạn cố tri hay giản dị hơn, vì óc tò mò. Người ta chợt nhớ cảnh tượng “bữa tiệc trà ngoài vườn” nơi một thành phố ven sông: trang phục và tùy tùng sang trọng như cảnh xảy ra tại Paris. Người ta vội vã như thế cũng dễ hiểu thôi: hai phần ba hành khách là những công chức làm việc tại Đông Dương, và họ xuống bến này. Lại còn một số kha khá khán giả có đến thì cũng chỉ ra bến tàu là một cái “mốt” thế thôi.

Trong khi chồng tôi bận rộn chuyển hành lý chúng tôi sang con tàu nội địa để vài ngày nữa chạy về Nha Trang, tôi đứng một mình trên boong tàu cao, thư thả theo dõi tàu vào bến. Chẳng những các hành khách tìm kiếm người thân quen mà cả mấy người thủy thủ, mấy cậu bồi tàu có vẻ như cũng muốn kiếm bè bạn. Họ gọi nhau, chào nhau, hoặc bắt tay hay ôm nhau hôn trông thật vui mắt. Mấy bà đầm, chưa kịp bước xuống xe, đã được mấy vị ngưỡng mộ liên tục ghé đến khiến tôi không thể nào thấy hết trang phục hết sức lịch sự của họ.

Mải say mê với cảnh người ngựa bé nhỏ này làm tôi chưa kịp quan sát người dân bản xứ. Thế rồi tôi nhận ra ngay những bóng người nhẹ nhàng len lỏi giữa đám người Âu đang đứng tụ tập hay chạy đi chạy lại từ đầu này đến đầu kia. Nếu ngẫu nhiên cái bóng này cùng một lúc leo xuống thang tàu đụng đầu với một người Âu, nó liền thu mình bẹp sang một bên, khiến không ai nhận ra nó nữa.

Chồng tôi trở lại với tôi trên boong tàu. Chồng tôi dẫn theo năm, sáu người An Nam và Tàu nên tôi tha hồ quan sát họ. Họ là toán thợ may muốn gạ vợ chồng tôi may một số áo quần trắng.

Điều ngạc nhiên là tuy thân thể có vẻ mảnh khảnh và nhỏ người như vậy mà nếu đọ sức chịu đựng với một người Âu khỏe nhất thì phải nói họ cũng chẳng kém đâu. Họ chèo suốt ngày và nếu có ngừng tay, thì cũng chỉ để ăn vài bát cơm. Họ có thể kéo xe, chở người Âu gấp đôi trọng lượng của họ, chạy hàng giờ liền. Mà chạy thật nhanh nữa kìa. Nhưng, xin trở lại với những người thợ may. Họ vây quanh và khoe tài nghệ với chúng tôi. Họ tranh nhau hứa sẽ giao một tá com lê “suya-mơ-duya” trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ cũng được. Đúng thế. Nhưng chồng tôi không muốn thấy bằng chứng mà rứt ra khỏi đám này quả thật là gian nan.

Đến lượt chúng tôi xuống tới bến tàu, đám đông người Âu đã tản mác đi đâu hết. Giờ này là giờ “thanh tra”, cuộc dạo phố buổi chiều rất được ưa chuộng. Sau khi gởi hành lý tại Viện Pasteur, nơi chúng tôi sẽ ngủ qua đêm tối nay, chúng tôi cũng làm theo như mọi người. Nhưng với điều kiện là phải kiếm được một chiếc xe.

Xe malabar ở Sài Gòn

Vào thời khắc này chỉ còn mấy chiếc “malabar” nhưng tôi e nó chứa không nổi hai người vì xe quá nhỏ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn ngồi ép sát vào nhau cho vừa với chiếc hộp, cửa số xe là những chiếc lỗ hình vuông, sơn phết như món đồ chơi của trẻ con. Anh xà-ích có vẻ như biết mình phải đi đâu, nhưng anh ta cứ đứng ì ra đấy.

Cái gì thế? Mấy chú ngựa không muốn đi. Thế là xảy ra một cuộc tranh tài rất hào hùng. Anh xà-ích một tay giật cương, một tay quất vùn vụt: họ chửi rủa hay khuyến khích mấy chú ngựa, tôi không rõ nhưng không hiệu quả. Chúng như bíu chặt xuống đất, không muốn cất vó. Cuối cùng… chúng thụt lùi lại. Dường như chuyện này cũng tự nhiên thôi. Nếu chúng tôi đi được vài bước có thể chúng tôi sẽ thấy những cảnh tương tự trên mấy ngả đường khác.

Chúng tôi cứ đi lùi và chúng tôi suýt đụng vào một đôi ngựa của xe song mã sang trọng. Trên xe có hai đứa bé, ngồi trên gối tựa với mấy cô vú nuôi bản xứ, không hay biết gì. Kể cả chú xà ích. Xe chúng tôi va vào mũi đám ngựa. Chú xà ích kia buột miệng chửi thề, anh chàng xe tôi chửi lại. Cuối cùng, có mấy quân nhân đi ngang, chạy tới can thiệp giúp chúng tôi.

Hai anh lính chụp lấy hàm thiếc mấy chú ngựa ương ngạnh, rồi xô chúng đi. Bất thình lình xe chúng tôi vụt chạy như ma đuổi. Anh xà-ích chẳng những không ghìm chúng lại, mà trái lại, anh ta còn thúc chúng thêm, thích thú thấy xe chạy được một quãng đường khá xa. Thiện nghệ và trầm tĩnh, anh ta tránh né, không gây tai nạn, dù xe chúng tôi chạy trên một quãng đường rất đông đảo xe cộ qua lại. Đùng một cái chúng tôi dừng lại, bộ yên cương đứt ra từng khúc. Vì nó là mấy mảnh nhỏ cột lại bằng dây cho nên sửa chữa lại chẳng khó khăn gì. May mắn là lần này chỉ sau mười phút cưỡng lại anh xà – ích, bọn ngựa chịu đi.

Phòng chúng tôi đã được thu xếp tại Viện Pasteur. Chúng tôi mở các hoa-li và kiểm tra mùng màn. Nhờ học hỏi nhanh nên tôi biết đây là vật dụng cần thiết nhất trong bất cứ nhà nào ở đất thuộc địa này. Sau đó, thấy không còn gì để phải lo nữa, chúng tôi trở ra phố lại. Nhưng lần này, vì không muốn chúng tôi ngồi xe malabar nguy hiểm nên ông Giám đốc Viện cho chúng tôi mượn chiếc xe riêng của ông. Nhờ vậy chúng tôi có thể yên trí nhàn lãm cuộc dạo chơi và khỏi phải để mắt trông chừng hai lỗ tai ngựa xem mình còn được sống bao lâu nữa.

Sài Gòn là thủ phủ của Nam Kỳ, gồm thêm Chợ Lớn, một khu tập trung người Tàu lớn nhất Đông Dương, với hơn 130.000 người. Sài Gòn là Paris của Viễn Đông. Người Mỹ nói Manila là “hòn ngọc” vì nó có ưu điểm là hoạt động thương mại rộng lớn và hệ thống y tế hiện đại: nhưng bây giờ, nó không đẹp và hấp dẫn bằng Sài Gòn.

Thực vậy, Sài Gòn được hoạch định một cách rộng lớn và theo một họa đồ đầy tính nghệ thuật. Những công trình công cộng như nhà thờ, rạp hát, phủ Toàn quyền, đều là những tuyệt tác về mặt kiến trúc. Chúng tọa lạc tại những chỗ khá đắc địa và nhìn ra những viễn cảnh thật xinh đẹp. Những đại lộ rộng rãi, hai bên trồng cây cho bóng mát dễ chịu, làm cho Sài Gòn trở thành khó có thành phố nào khác địch lại nổi. Nhất là chúng ta không thấy một ngôi nhà nào của người An Nam, hay chùa chiền, cổng thành, hay những ngôi tháp cao vì trước khi người Pháp đến, nơi đây là trung tâm sinh hoạt của người bản xứ. Thật khác xa với Hà Nội với kiến trúc An Nam rõ rệt và nhất là với Huế, nổi tiếng nhờ những thành quách, lăng tẩm các vị vua chúa. Nơi đất Sài Gòn này, nhà ở của người Âu đôi khi là những dinh cơ thực sự. Đó là những chỗ người ta tiêu tiền như nước. Khắp mọi chốn chúng ta đều thấy hiển hiện sự xa hoa.

Giống như ở mẫu quốc, các tiệm cà phê người ngồi tràn ra cả ngoài đường. Những dãy bàn tròn quanh các khách sạn, tiệm ăn đầy người rất lẹ. Người Ăng-lê hễ đi nhậm chức ở thuộc địa thì họ hay làm một cái sân quần vợt, một sân chơi polo và một cái sân cù trước mọi thứ khác.

Còn người dân Ba-lê thì lại thích ngồi tán gẫu, cười đùa với bạn bè và xem người qua lại ngoài đường. Con đường Catinat ở Sài Gòn chính là một Đại lộ vậy.

“Cuộc dạo vòng quanh thành phố” dẫn chúng tôi đến những thông lộ chính, rồi chạy qua Vườn Bách thảo với những bộ sưu tập cây cỏ xem ra không phong phú bằng vườn bách thảo ở Singapour. Được một điểm là nó cũng đẹp và lại gần trung tâm thành phố. Giờ đây chúng tôi đang chạy trên một con đường hai bên toàn cây hoa phượng đang đua nở.

Không thể tưởng tượng có một màu sắc nào chói mắt đồng thời không thể có một tập hợp nào mà sắc đỏ lại tươi rực như thế. Dù cho xếp hàng đống hoa mồng gà đỏ thì cũng không thể đỏ bằng. Nhờ cuộc dạo chơi đêm nay, tôi được chỉ dẫn cách phân biệt cây dừa với cây cau, hay cây chuối khác với cây tre. Ngày xưa còn bé khi đọc sách, tôi thường mơ tưởng về những loại cây lạ lùng này. Giờ chúng đang đứng trước mặt tôi, tràn trề và căng phồng nhựa sống.

Dọc đường, chúng tôi gặp rất nhiều người bản xứ. Họ đi làm về, và đi theo từng nhóm nhỏ. Người ta phân biệt được ai là thầy thông ngôn nhờ đầu tóc cắt ngắn, đầu đội khăn xếp chỉnh tề, quần dài trắng và đi giày hở cổ ngoài đôi bít tất màu đen. Còn những người nhà quê mặc áo xanh sẫm, vá chẳng vá đụp, ít khi còn chỗ nào là vải ban đầu, và một chiếc quần trắng. Họ đi bên lề đường, chân không, kẻ trước người sau. Một vài người một tay cầm đôi giày hạ thường chỉ được mang vào khi nào có việc gì quan trọng, còn tay kia cầm một cái dù mở to ra một cách thật trang trọng… Một anh chàng bán hàng đơn độc, vẻ mặt nghiêm trang, tay cầm cái dù mở rộng như để che nắng, sau khi mặt trời đã lặn đã mấy tiếng đồng hồ rồi, cảnh này không khỏi làm người ta tức cười. Kẻ nhà quê kia rất tự hào có cái dù vì ngày xưa chỉ có quan quyền mới đi ô mà thôi. Chúng ta chớ quên mấy người cu-li: họ dùng một mảnh khăn mặt hay một miếng giẻ nào đó làm khăn quấn quanh búi tóc trên đầu.

Cũng như các ông, phụ nữ không bao giờ đi sóng đôi. Chúng tôi đi ngược đường với những đoàn phụ nữ đi chợ về, từng tốp năm, sáu người, quang gánh trên vai. Tuy nặng thế nhưng dáng điệu họ vẫn khoan thai và nhịp nhàng. Họ đánh cánh tay rảnh rang ra phía sau, cách tay hơi gặp lại rồi đưa ra trước một cách nhịp nhàng để giữ cân bằng. Muốn đổi vai, họ bước chậm lại, rồi hơi nghiêng đầu một chút, họ lướt cây đòn gánh bằng tre ngang qua cổ. Ít khi họ đặt đôi quang gánh xuống đất.

Phụ nữ bản xứ thuộc tầng lớp cao hơn đi lại bằng xe kéo, người thì mang chiếc khăn choàng bằng lụa nhạt trên đầu, kẻ thì mái tóc chải cuốn thật cầu kỳ, trên búi tóc đen tuyền là một cây trâm cài đầu bằng vàng cắm ngang.

Dưới ánh nắng xiên khoai của mặt trời xế chiều, các gia đình An Nam tụ tập trước sân nhà, quây quần chung quanh những bát nhỏ đựng cơm và cá. Nếu người nội trợ chuẩn bị bữa ăn đạm bạc chưa xong, chúng ta thấy mấy người cha hay ông nội trông nom các con cháu nhỏ, đứa bé nhất được ru ngủ trên tay. Cảnh tranh tối tranh sáng này làm cho bức tranh gia đình có một sức hấp dẫn đặc biệt.

Rồi đêm đến, các ngọn nến trên bàn thờ được thắp lên, bên trong các căn nhà cho thấy các tượng Phật màu sắc nổi bật, các nén hương tỏa làn khói nhẹ vươn lên như lời kinh cầu các đấng thần linh của nhà đang ở. Đám khói hương ấy hòa nhập với các mùi nặng nề khác của đường phố, mùi các loài hoa, lá vô danh và xa lạ khác. Dù không muốn, chúng ta vẫn bị bao trùm trong một màn mê hoặc rất thú vị. Dần dần các gia đình rút lui vào bên trong, cửa ngõ đóng lại. Chỗ này, một đứa bé cuộn mình trong chiếc chiếu, để thò một nhúm tóc nhỏ ra phía này và đôi chân trần phía kia. Chỗ kia, một người đàn bà đang đưa võng, con ôm trong tay. Xa hơn, người cha, người duy nhất còn ngồi ở trước cửa, nhấc hai thanh tre chống miếng tranh dùng làm cửa, thả cánh liếp xuống. Im lặng bao trùm xuống từng nhà một, chỉ thỉnh thoảng có tiếng trẻ con khóc hay tiếng mẹ ru. Lúc này, trời tối đen. Tôi có cảm tưởng như lạc vào một thứ thế giới mộng ảo. Tôi chỉ thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi chúng tôi quay trở lại đường phố đèn thắp sáng trưng của Sài Gòn.

Chúng tôi dùng cơm tối trên sân thượng khách sạn Continental. Mặc dù trời quá khuya, khách vẫn còn ngồi bên những chiếc bàn đầy rượu và thức uống ướp nước đá. Đường phố vừa yên lặng vừa linh hoạt cùng một lúc. Bánh xe kéo bằng cao su lăn nhè nhẹ, đôi chân trần của người phu xe đạp trên đất không gây ra một tiếng động nào. Không khí có vẻ nặng nề, khó thở. Thỉnh thoảng có tiếng gọi một người hầu bàn hay lời nói râm ran kẻ đi người lại. Khách sạn có nhiều loại người thực dân hay khách lạ như chúng tôi. Đa số là dân đang sống tại Sài Gòn, khá quen thuộc với khung cảnh. Tôi nghĩ trên sân thượng tối nay chẳng có ai là quan chức lớn của thành phố.

Sau đó, chúng tôi về nhà. Ban ngày, các con đường tràn ngập ánh sáng và màu sắc, giờ đây chúng trở thành cái vòm xanh xẫm, che khuất cả bầu trời đầy sao. Những cây dừa phe phẩy lá sau những ngọn đèn điện, trải bóng dài lung linh trên mặt đất. Những người phu kéo xe chạy qua những đoạn sáng và bóng tối, trông chẳng khác gì những bóng ma…

Hồi tưởng lại toàn thể những ấn tượng cả ngày nay, tôi không thể không cảm thấy sung sướng nhưng dù vậy tôi vẫn mừng cho tôi là mình được sống ở một làng quê bé nhỏ nằm bên bờ biển xanh.

Sáng hôm sau, trong khi chồng tôi có một ít công chuyện trong quân y viện, tôi cùng toàn thể hành khách tàu Salaxie được ông Noe, giám đốc Viện Pasteur Sài Gòn, hướng dẫn đi thăm những phòng thí nghiệm của viện. Tôi cũng xin tháp tùng theo. Ông chỉ cho chúng tôi xem nơi người ta nuôi cấy những con vi trùng bệnh dịch, những con chó dại và những cơ sở thiết đặt để chữa bệnh chó dại. Ông biểu diễn cho chúng tôi xem ông trích nọc độc từ một con rắn co-bra còn sống, trông thật ghê rợn. Chính tại Sài Gòn này đây, ông Calmette đã nghiên cứu nọc rắn độc và đã bào chế được sê-rum cứu không biết bao nhiêu là mạng sống tại vùng nhiệt đới.

Quân y viện (nay là BV Nhi Đồng 2)

Dự định ăn cơm trưa xong, chúng tôi sẽ ra phố mua một chút đồ cần dùng, nhưng ra đến nơi, tất cả đều đóng cửa, kể cả các cơ quan, các ngân hàng. Từ mười một giờ sáng đến hai giờ chiều, khắp nơi cuộc sống như ngưng lại. Chẳng thiệt thòi gì cho người bán nhưng thật phiền cho người từ xa đến. Sau giờ đó, các cửa hiệu mở cửa cho đến sáu hay bảy giờ tối. Nhân viên người Âu về trễ như vậy nên không có giờ để vận động ngoài trời. Giờ nghỉ trưa kéo dài ở Nam kỳ này không phải suốt năm, lúc nào cũng thế. Thế nhưng, vì không ăn sáng cho nên người Pháp ở thuộc địa ăn trưa rất kỹ càng, và phải nghỉ ngơi chớ không thể nào làm việc ngay được.

Chúng tôi dành buổi tối ngày thứ hai để đi thăm khu người Tàu ở Chợ Lớn. Càng tới gần, đường phố càng đông đảo người hơn. Chúng tôi bước xuống xe ngay chỗ khách đi đường đi lại hơi khác thường. Cũng như tại nhiều thành phố Tàu khác, sinh hoạt về đêm cũng nhộn nhịp như ban ngày.

Đó là lúc các cửa hiệu bày các kệ hàng rối rắm ra ngoài hè phố rồi rung chuông, gõ mõ, mời gọi khách bằng đủ thứ lời hô. Những dòng người Hoa cuồn cuộn đi về mọi hướng. Chúng ta thấy những bà nội trợ, thân hình chắc nịch, vui tươi, cõng sau lưng một chú nhóc mập mạp, tay mang một cái rổ thật to nào bánh ga-tô nào xúc xích nằm sát kề nhau. Những anh cu-li từ nhà máy xay lúa ra, lưng trần, bột phủ đầy người. Kế đó là một gia đình gồm cha mẹ và năm, sáu đứa con. Cha mẹ bồng hai đứa bé nhất, mấy đứa kia bấu theo chéo áo buông thông của cha mẹ, xô đẩy nhau, suýt nữa bị đám đông lấn cho bổ nhào. Những ông quan giàu có, vẻ mặt khinh khỉnh, lạnh như tiền, cũng đi ngang nhưng chỉ nhìn lơ đãng các quầy hàng. Chiếc áo dài thêu, quần lụa mỏng, đầu đội mũ ni bằng sa tanh màu tím đỏ, chân đi ủng mềm, bín tóc chải gỡ kỹ càng làm cho họ thành những nhân vật riêng rễ, khác xa với đám dân thường. Dáng điệu khoan thai càng làm cho họ nối rõ lên giữa cảnh náo nhiệt chung quanh.

Tại các quầy hàng, thiên hạ mua bán không kỳ kèo lâu vì mọi việc phải giải quyết nhanh, không thể phí thời giờ vì những chuyện không đâu vào đâu. Phố xá ồn ào. Những tiếng rao hàng đều đều như lời than vãn của gã bán hàng rong chơi vơi bên trên tiếng thì thào, vo ve như tiếng đàn ong, không phân biệt được tiếng nào ra tiếng nào. Người Tàu có thói quen mặc cả khi mua bán: đó là bản chất của họ. Nhưng ở đây, họ miễn cho đồng hương chuyện ấy để bám sát lấy người ngoại quốc. Họ cùng theo đuổi một mục tiêu chung: để dành tiền cho nhiều rồi quay về cố hương sống cuộc đời thoải mái.

Các gian hàng đều thắp đèn có chóa sáng và đèn dầu hỏa, gió không thổi tắt được nhờ có các cơ phận rất khéo nhưng cực kỳ đơn giản. Trước cửa mọi gian phố cũng như cửa tiệm, người ta treo loại đèn lồng lớn, hình tròn, phất bằng bong bóng cá, tỏa ra một thứ ánh sáng dìu dịu. Có thể nói đây là cách thưởng ngoạn ánh sáng thật là hấp dẫn. Mấy ông cảnh sát bắt buộc người Tàu mỗi khi ra đường, về ban đêm, phải cầm đèn lồng, việc ấy càng làm cho phố xá Chợ Lớn lộng lẫy thêm lên.

Những thứ xếp trên các rỗ mây đa số là các thứ ăn được. Nếu không thấy người ta uống một cách ngon lành thì chúng tôi không thế nào tưởng tượng những thứ nước pha màu xanh, đỏ, vàng đựng trong ly là thứ nước uống. Người ta bán nào là đầu thỏ, chân gà, chè trái cây ngũ sắc, rau cỏ bao nhiêu bàn tay đã sờ năn. Lại còn có dồi chó, lòng vịt, đầu thừa đuôi thẹo không biết là thứ gì, tốt hơn hết là đừng thử chúng. Những thứ đồ ăn này thuộc chủng loại nào? Không bao giờ chúng ta biết rõ được.

Một thứ mùi hôi không biết là mùi gì ngăn trở chúng tôi không dám đến gần các quầy bày hàng. Thế nhưng, bánh ga-tô, xu xoa, bánh pa-tê nhỏ nhỏ có vẻ hấp dẫn đôi chút. Nhiều thứ để chọn lắm và nếu như tôi không e sợ, có lẽ tôi cũng mua một vài cái. Khách qua đường mua mấy cái bánh ga-tô còn nóng hồi, bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến. Không đủ bánh để bán. Sau cùng, tôi khám phá một thứ tôi có thể ăn mà khỏi e ngại điều gì cả. Đó là thứ bánh nướng người ta đang trở qua trở lại trước mặt tôi, rất sạch sẽ, chẳng có bàn tay nào mó vào. Nhưng trước khi đưa răng cắn một miếng, nhìn nồi bột, tôi thấy một vài thứ gia vị khiến tôi đổi ý ngay.

Chúng tôi bắt đầu cảm thấy mệt. Người đi lại quá đông nên chúng tôi phải cố gắng lắm mới khỏi bị xô ngã. Vì các tiệm hàng xén và tiệm nước càng lúc càng nhiều cho nên quãng trống trên đường phố rất giới hạn. Nhưng nếu so với những con đường ngoằn ngoèo của Quảng Châu, những con đường chật chội ở Chợ Lớn có dáng vẻ của những đại lộ. Có tận mắt trông thấy một thành phố hoàn toàn Tàu ta mới hiểu người Pháp đã làm được chuyện thuộc loại kỳ quan ở Chợ Lớn về mặt trật tự và vệ sinh. Cần nói thêm là ở Quảng Châu, không đi dạo bằng xe kéo được vì đường xá quá chật hẹp. Ngồi kiệu thì cũng tạm được. Nhiều sự việc không hay cũng thường xảy ra, như việc hai chiếc kiệu húc vào nhau, dù mấy bác phu luôn mồm kêu vang. Đi bộ thì chỉ ở Chợ Lớn là đi được, còn ở nơi khác, vô phương. Để nghỉ chân chốc lát, chúng tôi bước vào một rạp hát Tàu. Chúng tôi không hiểu tình tiết của vở tuồng dù có thông ngôn bên cạnh đi nữa: vở tuồng bắt đầu đã hai ngày nay rồi mà đêm nay, chưa chắc nó đã đến hồi kết cục.

Dù đêm đã về khuya, chúng tôi vẫn theo dòng người lôi cuốn đến tiệm bán vải và bàn ghế. Tôi không ham những chiếc ghế phô-tơi ô dề, làm bằng gỗ màu đen, lát đá cầm thạch trắng hoặc nâu, dù có bao nhiều gối tựa thật dầy cũng chỉ làm cho ta dễ chịu chút chút thôi. Còn lụa là, thật hết chỗ chê. Tại sao người Tàu không có gì là vồn vã khi bày chúng ra như thế!

Chúng tôi trở về Sài Gòn bằng xe hơi. Một làn gió mát phơn phớt trêu mặt. Chúng tôi lên tàu nửa giờ trước khi tàu nhổ neo. Lúc đó đã một giờ sáng. Lẽ ra chúng tôi phải về phòng nghỉ nhưng trời oi bức, ồn ào thì làm sao ngủ được. Tốt hơn hết, ta đứng trên boong cho đến lúc tàu chạy hẳn hay.

Sau một ngày mệt mỏi và lăng xăng trong Chợ Lớn, tôi sẵn sàng tận hưởng một đêm huyền diệu dưới bầu trời đầy sao và trên dòng sông rộng. Xa xa, chúng ta thấy dãy đèn điện tròn chạy dọc theo bến tàu. Và nơi tít tắp, những bóng dáng mờ mờ của các tàu chiến. Những chiếc xuồng ba lá, ban ngày thì dọc ngang ngang dọc, giờ đây chúng cắm sào, theo từng hàng dọc, năm yên bất động. Đèn vẫn còn sáng trên một vài thuyền, có những bóng người từ thuyền này di chuyển sang thuyền kia. Gió đã ngưng. Im lặng hoàn toàn. Từ một con tàu vào bến muộn màng, vang lên một điệu hát thật u buồn…

Gabrielle M. Vassal – 1911
Nguyễn Nam Huân dịch

Viết một bình luận