Nhiều người tưởng rằng Dinh Norodom là dinh Thống đốc Nam kỳ đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn, nhưng thực tế trước đó nó đã có một công trình khác nhỏ hơn nhiều, là nơi ở làm việc của một thống đốc quân sự – người đứng đầu Nam kỳ lúc đó. Vị trí Dinh đầu tiên này nằm ở ngay trường Trần Đại Nghĩa (xưa là trường Taberd) trên đường Nguyễn Du ngày nay, được người Việt gọi là Dinh thủy sư đề đốc, tiếng Pháp gọi là Hôtel des Amiraux-Gouverneurs.
Hơn hai năm sau khi Pháp đặt chân lên đất Sài Gòn (vào năm 1859), các Đô đốc hải quân giữ nhiệm vụ Thống đốc Nam kỳ đầu tiên là Rigault de Genouilly, Jauréguiberry, François Page, Louis Jules d’Ariès và Charner – đều làm việc trong các văn phòng ở cơ sở tạm thời trong Doanh trại Hải quân phía sông Sài Gòn, khu vực Ba Son ngày nay.
Tuy nhiên, khi Đô đốc Louis Adolphe Bonard lên nắm quyền Thống đốc từ tháng 11 năm 1861, việc xây dựng một dinh thự dành riêng cho Thống đốc Nam kỳ được coi là ưu tiên hàng đầu, và quân đoàn Công binh Hải quân được Thống đốc giao nhiệm vụ này (một số tài liệu cho rằng người việc xây dựng dinh Thống đốc được khởi xướng từ thời Đô Đốc Charner chứ không phải là Bonard). Tuy nhiên lúc đó quân Pháp chỉ vừa chân ướt chân ráo tới xứ viễn đông, kinh phí còn rất eo hẹp nên chỉ có thể xây một dinh thự tạm thời bằng gỗ, trước khi có đủ kinh phí để xây lên một dinh thự có quy mô lớn hơn.
Trước khi nói chi tiết hơn về Dinh Thủy sư Đề đốc này, xin nói sơ qua về cơ sở hạ tầng của Sài Gòn trong những ngày đầu thực dân Pháp tới xâm lược.
Trước thập niên 1860, khi Pháp chưa đặt chân lên đất Nam kỳ, Sài Gòn chỉ như là một ngôi làng, theo như tác giả Pháp Léopold Pallu de la Barrière đã miêu tả trong tác phẩm Histoire de l’expédition de Cochinchine en 1861 (Lịch sử cuộc viễn chinh tại Nam kỳ năm 1861) như sau:
”Du khách đến Sài Gòn thoáng thấy trên hữu ngạn của con sông một loại đường sá mà hai bên đứt đoạn từng quãng một bởi những khoảng không gian trống trải. Nhà cửa phần lớn bằng gỗ lợp lá dừa, một số khác ít hơn làm bằng đá… Hàng ngàn chiếc thuyền chen chúc nhau trên bờ sông, hình thành một ngôi làng nổi…” (Paris – 1888).
Sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (Biên Hòa – Gia Định – Định Tường), một trong những kế hoạch đầu tiên mà các đô đốc hải quân tính đến là xây dựng, chỉnh trang Sài Gòn thành một thành phố có quy củ. Người được giao trọng trách này là trung tá công binh Coffyn. Ngày 30/4/1862, Coffyn công bố Đề án mở rộng thành phố Sài Gòn, chia thành hai khu vực rõ rệt, lấy con đường số 14 (nay là Hai Bà Trưng) làm ranh giới.
Khu vực phía Đông đường 14 trải dài đến rạch Thị Nghè, rộng khoảng 200 ha, là khu hành chánh và quân sự, tập trung bộ máy đầu não; khu phía Tây từ đường 14 chạy về hướng Chợ Lớn ngày nay, rộng khoảng 2.300 ha, là khu thương mại và dân cư.
Tuy đề án Coffyn chưa từng được thực hiện tại Sài Gòn, song sự phân định hai khu vực hành chánh-quân sự với khu dân cư vẫn được chính quyền thực dân Pháp mặc nhiên thực hiện.
Vào nửa đầu thập niên 1860, như Léopold Pallu de la Barrière đã mô tả ở trên, nhà cửa cư dân Sài Gòn phần lớn làm bằng gỗ, lợp lá dừa và tập trung nhiều ở hai bên bờ sông Sài Gòn.
Năm 1861, ngay sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha hạ đại đồn Chí Hòa của Nguyễn Tri Phương và chính thức làm chủ Gia Định, việc xây dựng Dinh Thống đốc Nam kỳ bắt đầu được tiến hành. Giai đoạn 1858-1879, người đứng đầu Nam kỳ là một Thống đốc quân sự, là người lãnh đạo về cả hai mặt hành chánh lẫn quân sự, đó là các đề đốc, phó đề đốc thuộc hải quân, tới năm 1879 thì Nam kỳ mới có Thống đốc dân sự đầu tiên là Charles Le Myre de Vilers.
Công binh hải quân Pháp được giao xây Dinh dành cho Thống đốc, nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên đã quyết định nhập từ Singapore về nhiều ngôi nhà bằng gỗ, đem về Sài Gòn đặt trên một khu đất rộng được giới hạn bởi các con đường Nguyễn Du – Đồng Khởi – Lý Tự Trọng – Hai Bà Trưng ngày nay. Khu đất đó được minh họa 3D như bên dưới:
Đây chính là Soái phủ Nam kỳ đầu tiên, người Việt gọi là Dinh Thủy sư Đề đốc, và là nơi làm việc chính thức đầu tiên của Thống đốc Nam kỳ nẻn cũng được gọi là Dinh Thống đốc. Vị trí của Soái phủ được đánh dấu màu đỏ trong bản đồ Sài Gòn 1863 dưới đây (Gouverneur):
Xin nói thêm về tên những con đường xung quanh Khu đất này thời điểm Soái phủ được xây dựng (1861), lúc đó đường ở Sài Gòn vẫn chưa được đặt tên chính thức, mà vẫn còn mang tên các con số.
Đường Đồng Khởi lúc này mang số 16, tới 1863 được đặt tên là Catinat. Đường Nguyễn Du thì số 21, tới năm 1863 đặt tên là Thabert (tới năm 1897 tách thành 2 đường tên là Taberd và Mossard). Đường Hai Bà Trưng số 14, tới năm 1863 mang tên Imperiale, năm 1870 đổi thành Nationale, khoảng năm 1914 đổi thành Paul Blanchy.
Riêng về đường Lý Tự Trọng (đường Gia Long cũ) ban đầu mang số 17. Tới năm 1863, vì dinh Thủy sư Đề đốc (tên Pháp là Hôtel des Amiraux-Gouverneurs) nằm trên con đường này, nên đường được đặt tên là Gouverneur. Năm 1870, đường Gouverneur đổi tên thành de La Grandière – là tên của Thống đốc Nam kỳ giai đoạn 1863-1868, cũng là đứng đầu dinh Thủy sư Đề đốc (đầu tiên) trong thời gian lâu nhất, trước khi nó bị dỡ bỏ năm 1873.
Vị trí Soái phủ nằm ngay tại trường Trần Đại Nghĩa ngày nay, và đặc biệt, đây cũng chính là vị trí trung tâm của thành Quy (là thành Gia Định cũ do vua Gia Long xây, không phải là thành Phụng do vua Minh Mạng xây). Vị trí Soái phủ và quy mô thành Quy, thành Phụng được thể hiện rõ trong hình bên dưới:
Việc chọn vị trí trung tâm thành Gia Định thời đầu triều Nguyễn làm nơi đặt Soái phủ là cách mà ông Thống đốc Nam kỳ muốn khẳng định quyền lực tối cao của mình ở vùng đất thuộc địa vừa mới chiếm được.
Phía trước dinh Thủy sư Đề đốc có một khoảng đất trống, có một tháp đồng hồ, gọi là Quảng trường Đồng Hồ (Place de l’Horloge), có ghi trong bản đồ bên trên. Khu đất này ngày nay chính là quảng trường phía trước Nhà thờ Đức Bà được xây năm 1877.
Quảng trường Đồng Hồ trước dinh Thủy sư Đề đốc này chính là nơi diễn ra những buổi duyệt binh lớn của quân viễn chinh Pháp trong các sự kiện quan trọng, dưới sự chủ trì của Chuẩn đô đốc (sau đó là Phó đô đốc) Pierre-Paul de La Grandière.
Xung quanh Soái phủ còn có các văn phòng, phòng họp, một phòng tổ chức sự kiện có 600 chỗ ngồi (The Salle de spectacles), đều làm bằng gỗ nhập từ Singapore. The Salle de spectacles chính là nơi tổ chức biểu các buổi biểu diễn của các đoàn hát từ Pháp sang để phục vụ lính viễn chinh, trước khi Nhà hát đầu tiên được xây dựng tạm năm 1872 (Théâtre de Saïgon, ở vị trí Caravelle ngày nay).
Ngoài ra xung quanh các căn nhà gốc này còn có một chuồng ngựa và một trang trại lợn.
Bản vẽ của dinh Thủy sư Đề đốc này đã được xuất bản trong cuốn sách Iconographie historique de l’Indochine française năm 1931 của Paul Boudet và André Masson sau đây:
Năm 1863, khi vị quan triều đình Huế là Phạm Phú Thứ đến Sài Gòn đàm phán với người Pháp (trong đoàn sứ bộ do Phan Thanh Giản làm chánh sứ), ông đã mô tả Dinh này trong ghi chép “Tây Hành Nhật Ký” về côn trình mà ông gọi là Soái Doanh 帥營 như sau:
“Thần đẳng đến Soái Doanh thấy có hết thảy bốn lớp nhà xếp dài nằm ngang, đều chín gian tám cửa, tòa thứ nhứt gian giữa là lối đi vào trong tầng, bốn gian đầu phía tây giá gỗ là Cai Soái Túc Sở (phòng thống đốc), bốn gian phía đông là Từ Trát Sở (phòng làm việc), từ tòa này đi qua nhà nối thẳng vào trong.
Tòa thứ hai là Tiếp Tân Nghị Sự Chi Sở (nơi tiếp khách), đầu tường phía tây treo cao hai bức tranh vẽ lồng khung kính cỡ lớn, bên phải là Quốc Trưởng Phú Lãng Sa hiệu Ưng Ba Sư (Empereur), bên trái là Quốc Phi hiệu Y Phi Tri (Impératrice), giữa treo bức nhỏ là hình Quốc Trưởng Tử. Phía đông hai gian thứ 6, thứ 7 là Tọa Sở (phòng ngồi), sau tường là Tác Nhạc Sở (phòng phát nhạc), tòa này sơn sức sáng lệ. Tòa thứ ba phía sau nó là Yến Tân Sở (phòng ăn tiếp khách), ở giữa đặt một bàn ăn dạng cái thuẫn, phía đông đặt một bàn trà, gần tường là cái bàn dài đặt đều chén, dĩa, dao, nĩa. Tòa thứ tư là Trù Bộc Phòng Táo (nhà bếp), phía tây sau cùng đặt một chuồng ngựa, phía đông đặt chỗ chăn nuôi gia súc, heo, gà,… tả hữu hậu đều xây tường gạch, mặt tiền đóng ván gỗ sơn màu xanh lam. Cửa trước tả hữu đặt Môn Binh Thủ Sở (bốt lính canh), thường có binh lính cầm súng điểu thương thay phiên đổi ca, mỗi lượt hai bên đánh súng đứng đối diện nhau”.
Cũng thuộc Soái phủ, bên trong phòng khánh tiết, đã tổ chức những buổi lễ quan trọng của Tổng giám mục Sài Gòn, sau khi Nhà thờ gỗ (Église Sainte Marie Immaculée – Nhà thờ chánh tòa Sài Gòn đầu tiên ở vị trí tòa nhà Sunwah ngày nay) bị hư hại do mối mọt.
Xung quanh Dinh thủy sư Đề đốc này sau đó mọc lên những công trình quan trọng bậc nhất Sài Gòn, và đặc biệt là vẫn còn cho tới nay sau khoảng gần 150 năm.
Đầu tiên phải kể tới Nha Giám đốc Nội vụ (Direction de I’ Intérieur), người dân đương thời gọi là “Dinh Thượng thơ”, ở vị trí đường nhìn ra đường Catinat, ở phía đối diện dinh Thủy sư Đề đốc. Dinh Thượng thơ đầu tiên được xây năm 1864, sau đó đã được thay thế bằng 1 tòa nhà kiên cố hơn từ năm 1875 và còn lại cho tới nay, như trong hình bên dưới:
Viên chức lãnh đạo cơ quan Nội Vụ này, xét về mặt cai trị, chỉ xếp sau Thống đốc Nam Kỳ, trực tiếp chỉ huy các tham biện Pháp và quan lại người Việt hàng Huyện, Phủ, Đốc phủ sứ. Đầu thập niên 1880, ngay trên lộ trình con đường chạy qua, sát với Quảng trường Đồng Hồ cũ đã mọc lên nhà thờ Chánh tòa, về sau được người Sài Gòn gọi là Nhà thờ Đức Bà hay Vương cung Thánh đường.
Năm 1886, Pháp khởi công xây trụ sở chính Sở Bưu chính và Viễn thông (nay là Bưu điện trung tâm Sài Gòn) trên khu đất đối diện với mặt tiền nhà thờ, nằm giữa con đường Catinat và đường Nationale (nay là Hai Bà Trưng).
Cuối đường Catinat, người ta nhìn thấy một tháp nước cao được xây dựng năm 1878 nhằm cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng. Tuy nhiên, đến năm 1921, với sự phát triển của dân cư, tháp nước này không còn đáp ứng được yêu cầu nên bị đập bỏ.
Ngày 1/1/1900, Nhà hát Tây (Théâtre municipal, nay là Nhà hát thành phố) được khánh thành trên giao lộ đường Bonard (nay là Lê Lợi) và Catinat, trở thành nơi biểu diễn thường xuyên của những đoàn hát từ phương Tây đến.
Trở lại với Soái phủ Nam kỳ (các tên gọi khác là dinh Thủy sư Đề đốc, Hôtel des Amiraux-Gouverneurs, Dinh Thống đốc…), khác với lời mô tả sự hoành tráng có phần thái quá của quan phó sứ Phạm Phú Thứ, dù đây là trụ sở của nhà lãnh đạo tối cao của Pháp ở viễn đông thời đó, nhưng nó vẫn chỉ là một căn nhà bằng gỗ có kiến trúc rất cơ bản và khiêm tốn, nhỏ hơn nhiều so với các tòa nhà lớn bằng gạch đã bắt đầu được xây dựng ở Sài Gòn, mà tiêu biểu nhất là tòa nhà Wang Tai (Maison Wang-Tai) rất tráng lệ nằm bên bờ sông Sài Gòn, như trong hình bên dưới.
Có lẽ chính quyền thuộc địa đã vô cùng bối rối khi một nhà buôn lại có trụ sở lộng lẫy như vậy, trong khi vị thống soái Pháp lại vẫn ở trong căn nhà gỗ, không khác một túp lều là mấy, nếu như nhìn trong hình bên dưới:
Đó là lý do mà năm 1865, khi bắt đầu có ý định xây dựng Dinh Thống đốc chính thức (tức là dinh Norodom), chính quyền thuộc địa đã đổ rất nhiều tiền bạc để xây dựng một dinh thự tráng lệ, để xứng đáng với vị thế của người đứng đầu Nam kỳ. Dinh Norodom được coi là tòa nhà có chi phí xây dựng đất đỏ nhất toàn Đông Á trong thế kỷ 19.
Dinh Norodom này tồn tại từ 1873 tới năm 1962, từng là Dinh Thống đốc Nam Kỳ (1873-1887), sau đó là Dinh Toàn Quyền (1887-1945), rồi trở thành dinh Cao Ủy Pháp (1946-1954), trước khi trở thành Dinh Độc Lập (1955-1962).
Năm 1873, khi dinh Norodom được xây xong, Thống đốc Nam kỳ dời Soái phủ sang dinh mới, các nhà bằng gỗ cũ ở Dinh thủy sư Đề đốc được trao lại cho Société des Missions Étrangères de Paris (MEP – Hội truyền giáo Paris) và Đức cha Henri de Kerlan đã tận dụng để xây thành trường Taberd danh tiếng.
Ban đầu trường này nhận nuôi trẻ mồ côi lai Âu và lai Pháp bị bỏ rơi, sau đó thu nạp học sinh bất luận lương – giáo. Khóa đầu tiên, trường Taberd có 58 học trò do các tu sĩ, truyền giáo sư gồm hai người Việt và hai người Pháp dạy dỗ.
Cuối những năm thập niên 80 của thế kỷ 19, ngôi trường được các sư huynh dòng La San tiếp quản và áp dụnɡ ᴄáᴄ lý thuyết ᴄủa thánh Giᴏan La San (Jеan-Baptistе dе la Sallе) đặt ra, là ᴄhú trọnɡ đến νiệᴄ ɡiáᴏ dụᴄ phát triển ᴄáᴄ phần: Trí dụᴄ, đứᴄ dụᴄ νà thể dụᴄ. Năm 1890, do dãy trường cũ bằng gỗ (chính là vật liệu nhập từ Singapore trước đó 30 năm) đã bị hư hại, lãnh đạo trường đã xây dựng lại trường thành tòa nhà kiến trúc Pháp 3 tầng, ngày nay vẫn còn, chính là trường chuyên Trần Đại Nghĩa nằm trên đường Nguyễn Du.
Ngày nay, không nhiều người biết vị trí ngôi trường Trần Đại Nghĩa từng là nơi đặt dinh Thống đốc Nam kỳ, và cũng là vị trí trung tâm thành Gia Định năm xưa, nơi diễn ra vụ nổi dậy kinh thiên động địa của Lê Văn Khôi kéo dài hơn 2 năm, tới nay vẫn còn âm vang liên quan tới vùng Mả Ngụy.
Bài: Đông Kha – chuyenxua.net
Adimiration!