Sau khi qua đời, Đức Thượng Công – Tả quân Lê Văn Duyệt được người Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định xem như một vị thần chứ không còn là một vị tướng quân thông thường, vì vậy việc thờ cúng và tế lễ ngài tại lăng mang nghi thức thờ thần và tế thần. Hàng năm, tại Lăng Ông ở Bà Chiểu đều tổ chức lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt vào cuối tháng bảy âm lịch rất long trọng. Ngoài ra, vào những ngày đầu năm, khoảng mồng sáu tháng giêng, hàng chục vạn người tới Lăng Ông để đi lễ cầu phúc, trong đó số người đi lễ là người gốc Hoa chiếm khoảng phân nửa, bởi họ đến dâng hương để tạ ơn một vị được xem là phúc thần của người Hoa Chợ Lớn.
Nhưng vì sao những người Việt gốc Hoa ở lại lặn lội từ ở tận Chợ Lớn để qua Bà Chiểu ở Gia Định để chiêm bái một danh tướng người Việt? Vấn đề đó được nhà văn Sơn Nam giải thích trong bài báo năm 1965 sau đây:
Những ngày đầu tháng giêng, đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn tham dự ngày hội quan trọng: Đó là ngày hội ở lăng Ông Bà Chiểu – lăng ngài Tả quân Lê văn Duyệt – từ đầu xuân đến ngày rằm. Đây là cuộc hành hương để cầu tài, hái lộc. Già trẻ trai gái đều tấp nập, không phân biệt tôn giáo. Nhang khói nghi ngút, lúc chiều cũng như lúc trưa. Đúng là ngưa xe như nước, áo quần như nêm.
Người ta hái lộc quá nhiều, lộc nẩy không kịp để cung ứng nhu cầu. Mặc dầu có lời yêu cầu tha thiết của ban quản trị, lắm khi vườn kiểng bị hái sạch (đến mức hư hại); nhiều người chờ đợi xin xăm, chen chúc nhưng chẳng tài nào tiến vào chánh điện được, người yếu tim có thể bị ngột vì khói hương.
Xin tóm tắt công dức ngài Tả quân: sinh trưởng ở Định Tường, giòng chúa Nguyễn Ánh phục quốc, lãnh trách vụ Tổng trấn Gia định thành, lập đồn điền ở Cái Bè, Cai Lậy (Định Tường), đào những con kinh chiến lược nối liền Hậu giang đến biển Vịnh Xiêm La. Ngài cai trị toàn cõi Nam Kỳ nhưng dường như uy lực tinh thần của ngài không vượt qua bên kia bờ sông Tiền Giang.
Mặc nhiên, sau khi mất, ngài đóng vai trò thần Thành Hoàng và cũng là vị Thổ công tối cao của tỉnh Gia Định. Nếu tò mò, chúng ta thấy rõ: số người đến chiêm ngưỡng ngài Tả quân gồm da số dân Sài Gòn – Chợ Lớn, nhất là các người Việt gốc Hoa ở Chợ lớn, các bà “xẩm già”.
Tại sao người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn lại sùng bải một công thần Việt Nam? Đó là lòng sùng bái chân thành, kính cẩn, đượm vẻ huyền bí, cha truyền con nối, trở thành tập tục. Ở Gia Định, còn có lăng Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy nhưng tại sao ít người đến bái yết?
Người Việt Nam ở Gia Định và người Việt gốc Hoa ở Chợ lớn kiêng nể oai linh ngài Lê Văn Duyệt. Ngài là vị công thần, khai sơn phá thạch có quyền tiên trảm hậu tấu đã nghiêm trị các quan lại hời hợt với nhiệm vụ, cương quyết thanh trừng bọn du đãng, bọn trẻ con bất hiếu. Sau khi ngài mất, Lê Văn Khôi nổi loạn, vì lề lối cai trị hà khắc của quan Bố chánh Bạch Xuân Nguyên. Lê Văn Khôi chiếm tất cả sáu tỉnh Nam kỳ, chiếm nhanh chóng – điều ấy chứng tỏ Khôi thâu phục được nhân tâm và đa số quan quân đều nhờ công đức Lê Văn Duyệt.
Việc người Việt gốc Hoa – nhứt là nữ giới – từ Chợ lớn qua Bà Chiểu để cúng vái, xin xăm có thể giải thích được. Lúc sinh thời, hằng năm đúng ngày mùng sáu tháng giêng, ngài Tả Quân đích thân cử hành lễ ra binh, kéo binh sĩ đi vòng quanh thành Gia-Định đề thị oai và để tống ôn tống quái. Về chi tiết cuộc lễ ra binh, xin quí độc giả xem thêm trong “Sài Gòn Năm Xưa” (do Vương hồng Sển soạn): ngài Tả Quân tắm gội trai ký, trong thành dân cư vọng bàn hương án, những người có tang khó nhứt là đàn bà bụng mang dạ chửa đều phải lánh xa…
Sài Gòn ngày xưa tức là vùng Chợ Lớn – Khu vực đường Nguyễn Trãi – Triệu Quang Phục ngày nay. Khu vực thương mãi ấy khá trù phú người Huê Kiều sống tập trung để buôn bán. Sau buổi lễ ra binh tống quái, các tiệm phố mới yên tâm khai trương đầu Xuân.
Khi ngài Tả Quân còn sống, đích thân ngài điều khiển lễ tống quái.
Lúc ngài mất, người Việt gốc Hoa từ Chợ Lớn vẫn nhớ “tiền lệ” tống quái ấy. Họ đến chiêm ngưỡng công đức ngài tại lăng, tại đền thờ đề cầu mong được tấn tài, tấn lợi, nhờ oai danh của ngài tống quái giúp họ.
Người Việt gốc Hoa sống tập trung tại Chợ Lớn, thời xưa. Họ lập thành làng, với qui chế ít nhiều tự trị: Làng Minh Hương. Dân làng Minh Hương chọn sự cai trị trực tiếp của ngài Tả Quân Lê văn Duyệt. Họ có nhà công sở riêng với những ông Hương Lão, Hương Trưởng, Hương Trùm. Dân làng theo một Hương ước khá chặt chẽ.
Theo tài liệu do Hội Minh Hương Gia Thạnh ăn hành, hằng năm, cứ đến ngày 16 tháng giêng Âm lịch, vào giờ mùi (2 giờ trưa), cử lễ Nghinh Thần đề cầu an. Công sở làng Minh Hương, trải qua bao biến cố lịch sử nhứt là biến chuyển văn hóa – đã mất vai trò hành chánh, trở thành ngôi đình: Đình Minh Hương Gia Thạnh. Đình nầy nổi danh là đẹp đẽ, tu bổ khéo nhứt, tổ chức có qui củ nhứt tại Chợ Lớn (số 380 đại lộ Đồng khánh, ngay Ty Cảnh Sát quận 5).
Trở lại với vụ Lê Văn Khôi bên trên. Hai năm sau giặc Khôi bị dẹp tan. Vua Minh Mạng vốn có nhiều thành kiến đối với Lê Văn Duyệt “ra lệnh cho quan đốc phủ Gia Định đến nấm mộ của Duyệt san phẳng làm đất bằng, đặt một tấm bia đá trên có khắc tám chữ to: “Quyền yêm Lê-văn-Duyệt phục pháp xứ” (theo Bản Triều Bạn Nghịch Truyện của Giá Sơn Kiều Oánh Mậu, soạn năm 1901 – bản dịch đo Viện Khảo Cổ ấn hành). Cũng theo tài liệu nói trên, sau khi bị san phẳng, tại mộ Lê-văn-Duyệt “có những lúc trời âm u, đêm yên tĩnh, có tiếng ma quỷ khóc than, hoặc tiếng ồn ào người ngựa; dân cư nơi đó không dám lại gần, người đi đường đều dời lối khác đề tránh đi”.
Vào năm Tự Đức thứ 2 (1849), ở Kinh-Đô Huế “đẩy bịnh dịch khí”, các quan bèn tâu lên vua – thừa dịp ấy – rửa tội xưa cho Lê-Văn-Duyệt: “Đến lúc vua sai quan địa phương đem giấu bỏ tấm bia và cho con cháu tự ý sửa chữa ngôi mộ thì tiếng ma quỷ trong ban đêm mới dứt”.
Các chi tiết trên chứng tỏ: Khi Lê-văn-Dnyệt bị hạ nhục, nhiều người phẫn nộ, chống đối ngấm ngầm bản án quá tàn nhẫn do vua Minh-Mạng ban xuống. Họ phao tin Lê-văn-Duyệt đã là vị khai quốc công thần, xứng danh là anh hùng. Anh bùng tử, khí hùng nào tử! Sau khi lìa dương thế, ngài Tả Quân tiếp tục điều khiển một đạo binh ma. Khi anh hùng mang bản án oan ức thì xảy ra hiện tượng quỷ khóc thần sầu. Vùng Bà Chiểu, Bình Hòa lúc bấy giờ hoang vu sầm uất nên giới bình dân đễ tin nơi hiện tượng huyền bí, chứng tỏ ngài Tả Quân luôn luôn hiển hách, chánh khí mãi trường tồn với núi sông.
Lúc sống, ngài Tả Quản lo giữ nước, giữ dân, đến chết rồi, ngài vẫn không rời nhiệm vụ ấy.
Lại nói thêm về người Minh Hương, họ đến miền Nam trong hoàn cảnh nào? Các quyển lịch sử Việt Nam đã ghi chép khá nhiều. Xin tóm lược và đưa ra vài nét chánh.
Trên đường Nam tiến, người Việt ở Bình Định, Quảng Nam đã bắt đầu chán chê những thửa ruộng nhỏ hẹp nằm giữa dãy Trường Sơn khô cằn và biển Đông đầy giông bão thường niên. Chính trên vùng dồng ruộng nhỏ hẹp này, người Chiêm Thành bị tiêu hao khả nhiều sinh lực.
Người Việt sẵn sàng đi xa hơn, vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh; họ làm ruộng tận Biên Hòa, Bà Rịa, đánh lưới tận hải đảo Phú Quốc phía cực Tây, sống rải rác ở ven rừng góc biển, thiếu tổ chức. Đất quá rộng, người quá thưa,
Vào năm 1679, các di thần nhà Minh chở hơn 300 thuộc hạ đến xin ra mắt Hiền Vương. Hiền Vương cho phép họ vào đồng bằng sông Đồng Nai và sông Cửu Long để lập nghiệp:
1) Trần thắng Tài chú trọng mở mang thương mãi ở vùng cù lao (Biên Hòa). Sau khi chợ này bị quân Tây Sơn đốt phá, đám thương gia rủ nhau xuống vùng Chợ Lớn ngày nay để lập cơ sở khác, nơi có địa thế thuận lợi hơn.
2) Dương Ngạn Địch đến vùng Mỹ Tho lập trang trại, cho thuyền vào cửa Tiền. Chắc chẵn rằng họ đến lập nghiệp tại các giồng đất cao ráo mà trung tâm là giồng Tân Hiệp (quận lỵ Bến Tranh, Định Tường) chớ không phải vùng chợ Cũ Mỹ Tho. Vùng dất này trở thành Trấn Định: quyển “Lịch An Nam thông dụng trong Nam ký” do Thống đốc phủ ấn hành vào năm 1907 còn ghi rõ: Chợ Trấn Định nằm trong làng Tân Hiệp, tổng Hưng Nhượng, tỉnh Mỹ Tho.
3) Di thần Mạc Cửu đến Hà Tiên trong trường hợp khác hơn. Ông này đến với vài kẻ mưu sĩ và không có trình diện với chúa Nguyễn khi mới đến. Về sau, khi bị áp lực quản sự của Xiêm La, Mạc Cửu mới xin thụ phong. Mạc Cửu nhắm vào việc tổ chức sòng bạc, dùng Hà Tiên làm hải cảng đề giữ độc quyền mua bán giữa Cao Miên và ngoại quốc.
Trừ trường hợp Dương Ngan Địch ở Mỹ Tho, các ông Trần Thắng Tài và Mạc Cửu đều nghiêng về việc tổ chức thành thị, sống tập trung, nắm vững giềng mối thương mãi.
Đám lưu dân Việt Nam đến trước dường như không thắc mắc về việc chúa Nguyễn đón rước các di thần nhà Minh. Đám lưu dân chịu thiệt thòi về kinh tế, bán sản phẩm qua tay trung gian, nhưng họ vẫn vui, bằng cớ hiển nhiên là họ không nổi loạn chống đối. Họ sống vui vẻ vì sản phẩm bán có giá, so với lúc trước. Ngoài ra còn lý do khác: Trong sự chung đụng nầy, bao nhiêu tập tục, mê tín, dị đoan hoặc tín ngưỡng lại cọ sát, dung hòa nhau. Nhiều danh từử hoặc thổ âm Triều Châu được Việt hóa. Lễ Thanh Minh lễ cúng Giới Tử Thôi, Khuất Nguyên,… Đượm vẻ long trọng. Ảnh hưởng của Thiên Địa Hội lan tràn vì bọn di thần nhà Minh vẫn ôm ấp giải mộng bài Mãn.
Cuộc Nam Bắc phân tranh chấm dứt. Năm 1698, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu phái một vị quan văn võ toàn tài vào Nam: ông Nguyễn Cảnh. Ông này lãnh trách nhiệm đặt cơ sở hành chánh ở miền cực Nam biên thùy, xem hai huyện Phước Long và Tân Bình (Biên Hòa và Gia Định ngày nay) là hai đơn vị hành chánh đầu tiên thành lập ở đất Nam Kỳ.
Năm sau (1699) ở đất Cao Mên xảy ra cuộc làm phản. Nguyễn Hữu Cảnh lại kéo quân sang Cao Mên, đến tận Nam Vang. Ông thắng trận nhưng khi trở về, cánh quân ấy tan rã dần dần, rút lui theo đường Châu Đốc xuống Long Xuyên (Hậu giang) rồi qua Tiền giang đến Vĩnh Kim (Định Tường). Tại Vĩnh Kim ông Nguyễn Hữu Cảnh mang bệnh thổ huyết mà chết.
Cánh quân ấy vượt ngang hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang bao nhiêu thương binh, bịnh binh và quân sĩ được dịp giải ngũ -hoặc đào ngũ. Quân sĩ mệt mỏi vì phong thổ bất đồng nhơn cuộc viễn chinh; cái chết hơi đột ngột của Nguyễn Hữu Cảnh lúc thắng trận lui quân khiến cho chúng ta liên tưởng đến một cuộc chiến thắng theo kiểu Nã phá Luân chiến thắng Nga Hoàng rồi rút lui giữa mùa dòng tháng giá.
Suốt con đường lui quân của Nguyễn Hữu Cảnh chúng ta thấy khá nhiều đình thờ, dành riêng cho ông. Đó là những cựu quân nhân thờ vị tướng lãnh của họ, đó là những người lính giái ngũ, trở thành dân bạch đinh, tôn thờ vị thần Thành Hoàng Bổn Cảnh: đình thờ ở Châu Đốc, ở làng Ông Chưởng (tại các làng An Thạnh Trung, Long Kiến, Long Điền, Kiến An nối liền sống Tiền Giang qua Hậu Giang), đình thờ ở Biên Hòa. Ngòi ra còn đình thờ ở Nam Vang, do Việt kiều đảm nhiệm phần hương khói. Và đáng chú ý nhứt là ông Nguyễn Hữu Cảnh còn được thờ tại đình Minh hương Gia Thạnh, bên tả Chánh điện, thờ chung một bàn thờ với di thần Trần Thắng Tài, người lần đầu tiên sáng lập đình Minh Hương tại Biên Hòa. Vị công thần Việt Nam từ miền Trung vào Nam được thờ tại đình Minh Hương dành cho các vị thần nhà Minh. Ngoài ra người Việt gốc Hoa từ Chợ Lớn còn đến Bà Chiểu chiêm bái ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt.
Cuộc gặp gỡ ấy thật đầy ý nghĩa và dễ hiểu. Người Việt gốc Hoa xem ngài Tả Quân như vị Thổ Thần cao cả dầy đủ uy linh.
Người Minh hương muốn chứng minh lòng thành thật và thiện chí của họ trước sự kiện lịch sử, văn hóa. Tài liệu của đình Minh Hương Gia Thạnh xác nhận: “Trong số hơn 210 hội viên Minh Hương Gia Thạnh, mặc dù có gốc Trung Hoa mà đã nhỏ giọt xuống năm sáu đời sống theo nếp sống bên ngoại Việt Nam thì thành ra hoàn toàn dân Việt về nếp sống và phong tục.
Lăng ngài Tả quân, đình Minh hương Gia Thạnh đã tượng trưng phần nào cho văn hiến miền Nam, góp thêm phần độc đáo cho văn hiến Việt Nam.
chuyenxua.net biên soạn