Hơn 80 năm trước đây, trước nhiều ý kiến bày tỏ sự mệt mỏi khi ngày Tết đến, nói rằng ngày Tết chỉ đem lại sự mệt mỏi phiền phức cho người ta, thì một ký giả có bút danh là Mai Long đã đăng một bài tiểu luận trên Nam Kỳ Tuần Báo (giám đốc là Hồ Biểu Chánh) số Xuân năm 1943, nhan đề: Tết là gì (Tặng những bạn không ưa Tết).
Có thể thấy quan niệm rằng chỉ có trẻ con mới mong tới Tết, còn người lớn thì dửng dưng, đón Tết chỉ để hoàn thành nghĩa vụ… đã có trong tâm lý nhiều người Việt suốt hàng trăm năm qua. Vì vậy bài viết này phân tích nhiều khía cạnh về ý nghĩa tinh thần của ngày Tết, nêu đầy đủ lý do vì sao chúng ta phải đón Tết bằng tất cả niềm hân hoan, hy vọng. Xin trích ra trước một đoạn của bài báo:
Tết phải chăng là một dịp để ta chuốc não mua sầu? Không! Bạn ôi! Bạn không vui Tết ư? Bạn hãy cùng tôi đi về đồng quê nội cỏ đi. Tết mà chỉ ở thành thị với những nhà trưởng giả, những bậc phú hào thì không phải là Tết nữa. Có về thôn quê, bạn mới trông thấy tinh thần của ngày Tết, ý nghĩa của ngày đầu năm. Trước kia, bạn đã thờ ơ lạt lẽo với Tết bao nhiêu, thì bây giờ bạn sẽ cảm thấy trong thâm tâm bạn, cõi lòng náo nức rộn rịp đồng điệu với người xung quanh bạn bấy nhiêu.
Bạn thấy không? Bác nông phu quanh năm đầu tất mặt tối, lam lũ cần lao, vừa thở dài như trút một gánh nặng? Bác đã mừng Tết, tiễn năm cũ đã qua giao cho nó mang đi những khốn khổ cực nhọc bấy lâu, và đón rước năm mới như một vị thần sẽ đem tới cho bác đầy hạnh phúc vui sướng! Mộng tưởng? bạn cho là thế. Nhưng nó đã đem tới cho cái óc chất phát của bác quê mùa kia biết bao là sanh lực mới để chống chọi với đời, thì tưởng nó không phải là không ý nghĩa! Tết, bạn ơi! Tết chính là ngày hy vọng!
Tết, tức là những ổ bánh chưng, những đòn bánh tét, những gói nem, cuốn chả, những mâm cao cỗ đầy, đang chờ đợi bạn bè bà con cô bác ở tất cả các nhà! Vui sướng đi! bạn ơi! còn gì khoan khoái cho bằng ăn chơi thỏa thích trong vài ngày để quên hết nỗi cực nhọc suốt một năm!
Tết tức là cành hoa mai vàng ửng trong chiếc lọ độc bình, cụm thủy tiên hé nụ trên bộ ván gõ, nhành hoa lan trắng nuột trước thềm nhà, mùi hương phảng phất ngạt ngào! vui hưởng đi, bạn ôi! còn gì khoan khoái bằng thở mùi hơn êm dịu ấy, trong một xứ quanh năm không xuân hạ thu đông như xứ mình!
Tết, tức là những tràn pháo đì đùng, từ xóm trên lan đến xóm dưới, từ nhà trước truyền sang nhà sau. Bạn nghe không? Tiếng nổ lách tách ấy nó vui làm sao! phải chăng nó truyền sự vui từ làng nọ sang làng kia, báo cho nhau biết cảnh tưng bừng rộn rịp của cả một giống nòi Nam Việt!
Tết, tức là những bộ cánh loe loẹt của bác nông phu, cô cắt cỏ, cậu chăn trâu. ở thành thị, người ta ăn mặc xa hoa sang trọng quanh năm, ngày Tết đến chẳng mấy chút thay đổi. Nhưng ở đồng quê, bạn thấy không? Ngày Tết đến toàn là một cảnh đổi mới khác thường. Cái nụ cười tủm tỉm của cô thôn nữ trong chiếc áo mới tinh, cái dáng đi khoan khoái của mục tử kéo sột sạt kính cẩn của ông hương chức trong làng đầu chít khăn nhiễu thẳng nếp, những cáo ấy có làm cho bạn vui lây trong chốc lát, để quên giùm cho thiên hạ những lúc lam lũ đã qua không?
Tết, tức là những cuộc hội hiệp đầy đủ ở gia đình, lôi kéo về một chỗ tất cả những người quanh năm ly tán, theo cuộc đời lôi cuốn mỗi kẻ mỗi nơi. Bạn thấy không? Con mừng cha, vợ mừng chồng, anh mừng em, ông mừng cháu, ở gia đình mấy khi được sung sướng gặp nhau đông đủ như ngày Tết?
Quả đất xoay. Thì giờ đi, đi mãi. Ngày qua, tháng qua, lại năm qua. Mới hôm nào Tết đó, thì nay lại Tết nữa rồi!
Tết! Từ thành thị đến thôn quê, từ chỗ đông người rộn rịp đến chốn ngõ hẻm hang cùng, từ người giàu sang, đến kẻ nghèo hèn, già, trẻ, gái, trai, ai ai cũng vui Tết, mừng Tết. Cho đến cây cối cỏ hoa, cũng hình như vì Tết đâm chồi nẩy lộc hơn xưa, để đua nhau khoe thắm khoe hồng!
Tết! một danh từ nghe nó êm ái dịu dàng làm sao! Mỗi người trong bọn chúng ta, ai lại không còn nhớ những cái Tết ngày xưa, trong lúc lên bảy lên mười, giữa bà con cô bác. Ngày ấy, Tết phải chăng là ông già Noel của chúng ta, cứ mỗi năm một lần, đem đến cho ta áo quần mới tốt, bánh mứt ngọt ngào, và trăm thức ăn chơi không khi nào chán? Ngày ấy, ta vui mừng đón Tết, sung sướng hưởng những sự khoái lạc đầy đủ của tuổi trẻ vô tư, trí không bận suy nghĩ, lòng không vướn lo âu. Ngày ấy – bạn có nhớ không – ta chỉ biết cùng chúng bạn nô đùa, khoe khoang giày đẹp áo quần, miệng đầy bánh, túi đầy xu, mà không biết lo nghĩ gì khác. Sung sướng thay, tuổi trẻ sẽ gặp ngày xuân!
Nhưng ngày xưa đã xa với chúng ta lắm rồi! Tìm đâu thấy những cái vui không gợn sầu ngày trước? Tìm đâu thấy những cái Tết của tuổi trẻ ngày xưa? Đời người không phải toàn những lúc sung sướng vô tư vô ưu như thế mãi!
Ngày nay, ta đã lớn, ta đã ra đời, và, một phần tử của xã hội, ta đã lãnh một trách nhiệm lớn lao để làm người trong xã hội. Ta phải lo cho gia đình khỏi thiếu thốn, cho bà con đỡ cực khổ, cho bổn phận làm người được đầy đủ. Cuộc đời lôi cuốn, quanh năm cặm cụi cần lao, trăm thứ lo âu đã đầy ngập óc ta, còn trí nào thảnh thơi đâu nữa, mà đón rước tưng bừng ngày Tết như khi xưa!
Bạn có thầy nhiều khi bạn trông thấy Tết đến mà lòng bạn thản nhiên, buột miệng nói rằng: “Ồ! mau quá, lại Tết rồi!”, chớ không còn như xưa, trông Tết đến như ngóng mẹ đi chợ về, mỗi ngày mỗi hối: “Mẹ ơi! còn mấy ngày nữa thì Tết?”. Phải chăng đó là một triệu chứng rõ rằng đối với Tết bạn đã thờ ơ lạt lẽo, không còn cảm tưởng nồng nàn như xưa?
Có người thấy Tết chỉ là một dịp ăn chơi vô độ, tiêu pha bạc tiền. Bài cào, tứ sắc, cuộc đỏ đen từ sáng đến trưa, trưa đến tối, trẻ già trai gái đua nhau thua được, rồi nợ nần vay trả quanh năm. ồ! Tết chỉ có thế ư? Nếu chỉ có thế, thì nó đáng tội lắm và ta thờ ơ, khinh ghét nó đáng lắm rồi!
Có người thâm trầm hơn. Thấy xuân sang, họ nghĩ đến thì giờ mau chóng như thoi đưa, như nước chảy, một năm qua là ba vạn sáu ngàn ngày phải trừ đi ba trăm sáu chục. Rồi họ lo, lo cho cái tuổi già nó sầm sập tới sau lưng mình, đem theo cho mỗi người những má nhăn răng rụng, lưng còm gối mỏi. Họ buồn, buồn cho cõi đời ngắn ngủi, xuân của trời đất cỏ hoa thì mỗi năm mỗi có, mà xuân của người đời thì chỉ có một lần! Nhưng làm gì, những ý nghĩ âu sầu buồn bã ấy, bạn nhỉ? Sống mà chỉ lo đến những lúc già nua tuổi tác, phỏng có ích gì?
Có người cao xa hơn. Thấy cái Tết êm đềm của người nầy, họ nghĩ đến tình cảnh Tết của người khác, ít phúc hơn. Trông những chiếc xe hơi hào nhoáng, chạy tung trên đường gió bụi, họ nghĩ thương anh phu xe, tay cầm gọng, miệng thở dài, mắt lơ láo chờ đợi khách hòng kiếm ít cắc bạc mua quà Tết cho vợ, cho con. Thấy những chậu bông quả mứt, những chai rượu thùng trà, họ nhớ tới những chiến sĩ đang bị cầm tù bên nước nghịch, tấm thân đày đọa, ngày đầu năm không được lời thăm câu chúc, mà còn bị lắm tiếng chua cay của những anh canh ngục! Nhưng ích gì, những ý nghĩ thương tâm, ão não ấy, nếu ta không thể làm cho những người kia đỡ cực khổ quạnh hiu?
Tết phải chăng là một dịp để ta chuốc não mua sầu? Không! Bạn ôi! Bạn không vui Tết ư? Bạn hãy cùng tôi đi về đồng quê nội cỏ đi. Tết mà chỉ ở thành thị với những nhà trưởng giả, những bậc phú hào thì không phải là Tết nữa. Có về thôn quê, bạn mới trông thấy tinh thần của ngày Tết, ý nghĩa của ngày đầu năm. Trước kia, bạn đã thờ ơ lạt lẽo với Tết bao nhiêu, thì bây giờ bạn sẽ cảm thấy trong thâm tâm bạn, cõi lòng náo nức rộn rịp đồng điệu với người xung quanh bạn bấy nhiêu.
Bạn thấy không? Bác nông phu quanh năm đầu tất mặt tối, lam lũ cần lao, vừa thở dài như trút một gánh nặng? Bác đã mừng Tết, tiễn năm cũ đã qua giao cho nó mang đi những khốn khổ cực nhọc bấy lâu, và đón rước năm mới như một vị thần sẽ đem tới cho bác đầy hạnh phúc vui sướng! Mộng tưởng? bạn cho là thế. Nhưng nó đã đem tới cho cái óc chất phát của bác quê mùa kia biết bao là sanh lực mới để chống chọi với đời, thì tưởng nó không phải là không ý nghĩa! Tết, bạn ơi! Tết chính là ngày hy vọng!
Tết, tức là những ổ bánh chưng, những đòn bánh tét, những gói nem, cuốn chả, những mâm cao cỗ đầy, đang chờ đợi bạn bè bà con cô bác ở tất cả các nhà! Vui sướng đi! bạn ơi! còn gì khoan khoái cho bằng ăn chơi thỏa thích trong vài ngày để quên hết nỗi cực nhọc suốt một năm!
Tết tức là cành hoa mai vàng ửng trong chiếc lọ độc bình, cụm thủy tiên hé nụ trên bộ ván gõ, nhành hoa lan trắng nuột trước thềm nhà, mùi hương phảng phất ngạt ngào! vui hưởng đi, bạn ôi! còn gì khoan khoái bằng thở mùi hơn êm dịu ấy, trong một xứ quanh năm không xuân hạ thu đông như xứ mình!
Tết, tức là những tràn pháo đì đùng, từ xóm trên lan đến xóm dưới, từ nhà trước truyền sang nhà sau. Bạn nghe không? Tiếng nổ lách tách ấy nó vui làm sao! phải chăng nó truyền sự vui từ làng nọ sang làng kia, báo cho nhau biết cảnh tưng bừng rộn rịp của cả một giống nòi Nam Việt!
Tết, tức là những bộ cánh loe loẹt của bác nông phu, cô cắt cỏ, cậu chăn trâu. ở thành thị, người ta ăn mặc xa hoa sang trọng quanh năm, ngày Tết đến chẳng mấy chút thay đổi. Nhưng ở đồng quê, bạn thấy không? Ngày Tết đến toàn là một cảnh đổi mới khác thường. Cái nụ cười tủm tỉm của cô thôn nữ trong chiếc áo mới tinh, cái dáng đi khoan khoái của mục tử kéo sột sạt kính cẩn của ông hương chức trong làng đầu chít khăn nhiễu thẳng nếp, những cáo ấy có làm cho bạn vui lây trong chốc lát, để quên giùm cho thiên hạ những lúc lam lũ đã qua không?
Tết, tức là những cuộc hội hiệp đầy đủ ở gia đình, lôi kéo về một chỗ tất cả những người quanh năm ly tán, theo cuộc đời lôi cuốn mỗi kẻ mỗi nơi. Bạn thấy không? Con mừng cha, vợ mừng chồng, anh mừng em, ông mừng cháu, ở gia đình mấy khi được sung sướng gặp nhau đông đủ như ngày Tết?
Tết, tức là những mùi nhang trầm ngào ngạt, những ngọn nến sáng choang, những làn khói nghi ngút, nghiêm trang lẩn vẩn trên bàn thờ tổ tiên đầy hoa quả bánh trái. Bạn cúi đầu trầm mặc đi! Một lễ chung để vòn tưởng tổ tiên của giống nòi!
Tết, tức là những ngày kiêng cử, không làm tội ác, quên tiếng tục tằn, bỏ cái hờn giận ghét của tất cả mọi người. Bạn thấy không? người nọ gặp người kia, hân hoan tươi cười đón mừng chào hỏi. “Giận nhau như chết, ngày Tết cũng vui”. Đó chính là tinh thần ngày Tết. Còn gì êm ái bằng thấy thiên hạ không ganh ghét nhau, không hờn giận nhau, dầu chỉ trong một vài ngày.
Vậy thì bạn ôi! việc gì ta phải suy nghĩ xa xôi, không vui mừng ngày Tết với những kẻ xung quanh mình?
Trên con đường đời, ta lủi thủi đi, theo thời gian lôi cuốn ta đi, đi mãi. Đời gió bụi, gai góc, ta gặp nhiều nỗi khó khăn nhiều lúc chán nản. Nhưng trên con đường thời gian mờ mịt vô cùng vô tận kia, mà còn có những ngày như ngày Tết, thì cái đời ta phải chăng là vô vị?
Ngày Tết, chính là ngày an ủi cho những kẻ, như bạn, như tôi, như trăm ngàn người khác quanh năm phải lo ăn lo mặc không rồi, những ngày làm cho ta biết sống làm vui, biết sống mà hy vọng, hy vọng ở tương lai ta sẽ còn nhiều ngày vui vẻ như ngày Tết, hy vọng ở xã hội loài người sẽ có ngày đi đến cõi đại đồng, không ganh ghét nhau, không hờn giận nhau, như ngày nay, mà vui vẻ dắt nhau để tạo nên cảnh thiên đàng ở dương thế.
Vậy thì, các bạn ôi! gặp Tết ta hãy cùng nhau sung sướng vui chơi trong ít ngày, rồi ta lại mạnh mẽ trở lại con đường đời mà bước tới, bước tới mãi.
Mai Long – Nam Kỳ Tuần Báo 1943