Bộ ảnh xưa 100 năm gánh hàng rong Hà Nội

Từ hơn 100 năm qua, gánh hàng rong luôn là một phần của đô thị Việt Nam, dù ở thời kỳ nào thì những gánh hàng rong luôn hiện diện trên đường phố từ sớm mai cho đến khuya muộn, tiếng rao hàng rong là ngôn từ muôn thuở đã gắn liền với ký ức của nhiều người. Qua biến thiên của thời gian, đô thị đã khác xưa và gánh hàng rong cũng vậy, tất cả chỉ còn lại trong ký ức.

Sau bộ ảnh hàng rong ở Sài Gòn xưa ở bên trên, mời các bạn xem lại 70 hình ảnh hàng rong ở phố phường Hà Nội trong nhiều thời kỳ, từ những năm đầu thế kỷ 20 cho tới thập niên 1980 sau đây:

Những người thích văn học thời tiền chiến của Tự lực văn đoàn, ai cũng biết tới truyện Cô Hàng Xén của Thạch Lam, và sau đây là những hình ảnh cô hàng xén, bán dạo các loại kim, chỉ, phụ liệu may mặc và những thứ linh tinh nhỏ gọn khác:

Chữ xén trong Hàng xén có lẽ phiên âm từ tiếng Pháp: mercerie, tức là đồ may mặc, kim chỉ (mercier=cô hàng xén).

Thăng Long – Hà Nội xưa còn có tên gọi là “Kẻ Chợ” vì ở đây dân cư đông đúc, chỗ nào cũng thấy kẻ mua, người bán. Chợ không chỉ có ở các phường nghề mà còn họp ở cửa thành, cửa sông, bến đò… Ngoài những chợ lớn, Thăng Long – Hà Nội còn vô số những chợ nhỏ, chợ lưu động, không tên mà ở đó những người bán hàng rong, những người tự sản xuất mang sản phẩm của mình ra bán, chẳng cần hàng quán và họp ở tất cả những nơi nào đông người qua lại giống như lời mô tả của các nhà buôn, nhà báo, bác sĩ, du khách nước ngoài đến Hà Nội từ trước thế kỷ 20 như sau:

“Thành phố biến thành một cái chợ mênh mông ngoài trời (…) Cứ 6 ngày lại có một phiên chợ Hà Nội, lái buôn và thợ thủ công đủ loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới (…) Những người nông dân bày bán hàng hóa của mình trong chiếc khăn vải, trong rổ, hoặc ngay trên mặt đất nếu hàng không sợ hư hỏng. Ngày xưa, mặt phố tràn ngập người”- Paul Bourde.

Theo mô tả của Baron, một du khách người Anh đến Thăng Long vào thế kỉ 17 thì “Thăng Long có nhiều chợ nhưng vẫn có người bán hàng rong, họ bán các mặt hàng do chính họ làm ra. Vì không phải dân Thăng Long nên họ không thể mở cửa hàng ở các phường nghề”.

Hàng rong bên bờ hồ, bán đồ nướng, có lò than đang quạt

Người bán hàng rong thời đó chủ yếu là người nông dân, thợ thủ công ở các làng mạc xung quanh đến Thăng Long để bán những sản phẩm do chính mình làm ra. Họ là người nghèo, không có tiền đóng các loại thuế phí chợ nên họ đành bán hàng ở bất kể đâu có người qua lại.

Gánh nước giải khát

Và cảnh bán hàng rong xưa đã được Labarthe mô tả một cách chân thực: “Đột nhiên ở đầu phố, theo bước chân chạy đều của hai lính mặc quần áo đỏ và trong tiếng trống, người ta thấy giãn ra một lối đi. Ngay lập tức mọi tiếng động ngừng hẳn. Những người bán hoa quả, thịt lợn… cùng với hàng hóa biến mất như có phép lạ…Viên quan đi qua, chợ trở lại bình thường…”.

Hàng kẹo kéo đã gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ. Ảnh năm 1953

Hà Nội đã đổi khác khi chính thức trở thành nhượng địa của Pháp vào năm 1888. Chính quyền quản lý xã hội theo luật của Pháp quốc. Trong giai đoạn này, thuế chợ là nguồn thu chính của ngân sách nên Hội đồng thành phố quyết định cho tăng số phiên ở các chợ, áp thuế môn bài và thuế chợ đối với người bán hàng trong phạm vi thành phố, kể cả người bán hàng rong. Nghị định ngày 01/01/1894 của Đốc lý Hà Nội quy định người bán hàng rong phải có được Đốc lý cấp phép và giấy phép có thời hạn tối đa là 3 tháng.

Gánh hàng rong trên hè phố Huế (chỗ miếu Hai Cô) năm 1926

Để đảm bảo đường phố được thông thoáng, sạch đẹp, chính quyền cũng ban hành những quy định về việc sử dụng vỉa hè để bán hàng. Theo đó, việc bán hàng trên vỉa hè sẽ được cấp phép theo từng năm và chỉ được diễn ra trên các phố trong khu buôn bán (khu phố cổ ngày nay). Người bán hàng rong cũng phải chịu các thuế phí theo quy định của thành phố. Chính vì thế nguồn thu từ những gánh hàng rong cũng chính là một trong hai nguồn thu lớn của ngân sách.

Người bán hàng rong đội mũ cát trên phố Tràng Tiền năm 1953

Với nghị định ngày 10/6/1933, chính quyền thành phố đã cho phép các hàng rong đã đóng thuế và có giấy phép được qua lại các phố nhưng chỉ được đỗ lại đủ thời gian để bán hàng cho khách, không được đỗ ở một nơi nào nhất định, hoặc tụ tập làm huyên náo, cản trở việc đi lại. Chi tiết về nghị định quản lý hàng rong năm 1933, bạn có thể đọc ở phần dưới cùng của bài viết này.

Bán kem dạo năm 1953

Cảnh bán hàng rong và tiếng rao hàng cũng đã được mô tả một chân thực và sống động trong bài “Các gánh hảng rong” đăng trên báo “Trung Bắc Tân Văn” năm 1935: “Tỉnh thành Hà Nội bây giờ mỗi một ngày lại càng thấy thêm nhiều những hàng đi bán rong các phố. Cứ lệ sáng ngày ra từ bốn giờ rưỡi năm giờ đã nghe thấy tiếng xôi, tiếng cháo, bánh rán, bánh tây rao gào rầm đường, đến trưa từ mười giờ giở đi thì nào “nhục phở” rồi đến “cháo gà, cháo vịt” suốt cho đến mười một giờ đêm, có khi đến một, hai giờ sáng”.

Món nộm bò khô trước Nhà thờ lớn năm 1953

Theo thời gian, hàng hóa bán rong đa dạng hơn. Đi cùng với quá trình đô thị hóa, những gánh hàng rong cũng có nhiều thay đổi. Những tiếng rao bán ngày càng thưa vắng. Trước đây, người bán hàng rong thường đựng hàng hóa trong những đôi quang gánh. Nhưng dần về sau, họ dùng xe đạp, xe máy… làm phương tiện hỗ trợ để có thể đi khắp mọi ngõ hẻm, mọi cung đường, cùng tiếng rao quen thuộc. Kỹ thuật rao cũng đã được hiện đại hóa và thích ứng bằng những chiếc loa điện được ghi âm sẵn.

Hàng kính

Thêm vào đó, mặt trái của việc bán hàng rong như: lấn chiếm vỉa hè, mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phần nào làm giảm sức hút của loại hình buôn bán này.

Gánh hàng rong bán cháo lòng tiết canh trên hè phố Hà Nội 1955

Đã nhiều thế kỷ trôi qua nhưng những gánh hàng rong vẫn lặng lẽ bên lề, âm thầm tồn tại như gìn giữ một nét đẹp văn hóa riêng của người Hà Nội. Gánh hàng rong đã trở thành một hình ảnh bình dị, mộc mạc, thân thương, in sâu trong tâm thức của những người đã từng sống, từng đi qua và từng gắn bó với mảnh đất Hà Thành.

Hàng phở gánh

Như đã nhắc tới ở trên, ngay sau khi Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa của Pháp, chính quyền đã đặt ra những quy định, luật lệ để quản lý những người bán hàng rong, giúp cho những người buôn thúng bán bưng an tâm làm ăn chân chính, làm cho đường phố được thông thoáng an toàn. Hạn chế lấn chiếm lề đường hè phố, tránh những phi phạm về trật tự đô thị. Những quy tắc, luật lệ đó được báo đăng cụ thể như sau:

Ngày 10 tháng 6 năm 1933, quan Đốc Lý thành phố Hà Nội đã ký nghị định đổi lại thể lệ bán hàng rong. Chúng tôi lược dịch những thể lệ mới ấy ở dưới đây để tiện cho những người buôn thúng, bán mẹt biết mà tránh sự phi pháp.

Từ nay, người nào không có giấy phép của thành phố phát cho thì không được gánh hàng đi bán trên đường cái. Giấy phép ấy phát cho những hàng rong có môn bài hay không môn bài, cho những hàng có chỗ bày nhất định, trong hạn ít nhất một tháng, trừ khi nào có nghị định của quan Đốc Lý cho phép phát vé, như những ngày hội chẳng hạn. Giấy phép ấy phải trả tiền trước.

Hàng rong nào bị bắt dọn hàng hay gánh hàng đi bán trong phố mà không có giấy phép thì bị phạt gấp năm số tiền đã đóng để lĩnh giấy phép. Hàng sẽ bị tịch biên.

Ngoài những thể lệ ở trên, những hàng rong gánh hay cắp theo lối của người bản xứ thì được phép đi lại trong những phố xá dành riêng cho họ, nhưng chỉ được đỗ ở trên hè để đủ thời giờ bán hàng mà thôi.

Ở những phố, có hè rộng ít ra là ba thước, những hàng rong gánh hay cắp có thể đỗ theo những giờ và trong những chỗ có chỉ dẫn. Họ phải ngồi thành một hàng, sát vào nhà, để chừa ra một lối đi rộng ít nhất hai thước, để khỏi ngăn trở sự đi lại.

Người nào làm trái thể lệ trên này sẽ bị phạt theo lệ thường và bị tịch biên các đồ hàng. Những đồ hàng ấy sẽ trải lại, khi nào người chủ nó đã nộp tiền phạt hay tiền thuế.

Những hàng rong được phép bán, phải quét những rác rưởi do mình hay khách hàng bày ra đường cái. Họ không được kêu, gọi, lắc chuông hay dùng một cách ồn ào khác để tìm khách. Từ 22 giờ đến 5 giờ, cấp họ đi bán trong phố.

Những hàng bán cây hay hoa đã có chỗ bán nhất định thì không được cấp giấy phép bán rong.

Bánh đa nướng

Trong thành phố Hà Nội, đặt ra hai khu cấm các hàng rong qua lại hay đỗ để bán:

Khu thứ nhất: – Cả phố Trường Thi (Borgnis Desbordes), Phố Hàng Trống (Jules Ferry), từ Sở Cẩm đến phố Poltier, phố Boltier, đường Beau Champ (trừ các chòi bán hàng), vườn hoa xe điện, trên bờ kè dọc hồ Hoàn Kiếm; tất cả đường Francis Gurnier, phố Balny (đến phố Hàng Vôi), phố Hàng Vôi (từ phố Balny đến nhà Hát tây), phố Bonboure, Leclanger, Marê chai Joffe, Gambela (từ phố Bờ sông đến phố Pavie), phố Pavie, phố Ria lao (đến phố Gambella), phố Gambetta (từ phố Ria lao đến phố Hàng Lọng), phố Colomb (từ phố Gambetta đến phố Trường Thi) và tất cả những phố ở trong những giới hạn ấy.

Khu thứ nhì: – Phố Hàng đẫy, đường Brière de I’Isle, phố Carnot, phố Victor Hugo, tất cả đường Pugi-nier và những phố ở trong những giới hạn ấy.

Tuy vậy, trong hai khu ấy có thể đặc biệt cho những hàng đồ thêu, đồ ren, đồ đồng cùng những hàng nước chanh được phép bán tạm. Song từ trưa đến 2 giờ chiều và từ 18 giờ đến 6 giờ sáng thì cấm chỉ.

Những giấy phép ấy không có giá trị trong các khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố Francis Garnier, vườn hoa Paul Bert, phố Amiral Courbet, phố Rollandes, phố Jauréguiberry, phố Nhà Chung, phố Lamblot, phố Hàng Bông (từ phố Lamblot đến phố Hàng Trống), phố Hàng Trống, phố Poltier, trên bờ hồ Hoàn Kiếm và ở hiên các khách sạn, các học đường.

Những chỗ họp giữa trời cho những hàng rong có giấy phép hay có vé ngày thì lập ra ở các nơi sau này:

a) Phố Nguyễn Trọng Hợp;

b) Phố Đinh Tiên Hoàng và đường 238

c) Đường 221 ở mé tây

d) Đường Ngọc bà và đường Sơn Tây

e) Bãi bờ sông ở ngang lò sát sinh

f) Bãi bờ sông ở ngang phố Hàng Khoai;

g) Phố Lò Đúc (ở cuối)

h) Khu để trống trong Chợ Hôm

i) Đường 222, đầu phố Huế

j) Phố Goussard (phần năm giữa phố Lê Lợi và hồ Bảy Mẫu)

k) Bãi chợ Hàng Da cũ.

Những hàng rong bằng xe, khi xin giấy phép phải trình cái kiểu xe mình định dùng. Những hàng ấy cũng không được kêu, gọi, lắc chuông để tìm khách và không được qua lại hai khu kể trên. Họ không được đi theo những phố có đường xe điện. Họ lại phải theo tất cả những thể lệ về xe cộ hoặc về vận tải, hoặc về việc bán những thứ nguy hiểm hay thực phẩm.

Một số hình ảnh gánh hàng rong theo thời gian:

Người bán hàng rong ở Cửa Ô Tây Long (trước mặt Nhà hát Lớn ngày nay), ảnh chụp năm 1884 của bác sĩ Hocquard
Hà Nội 1896
Giờ nghỉ của những người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội thập niên 1890
Hàng phở gánh

Người bán hàng rong nghỉ chân trước đền Quán Thánh

Một vài ảnh hàng rong Hà Nội trên bưu thiếp:

Gánh phỏ rong

Hàng rong qua những bức ký họa của sinh viên trường Mỹ Thuật:

Những quầy hàng, hàng rong ở ven hồ những năm đầu thập niên 1950:

Thợ nhuộm với gánh hàng rong trên hè phố năm 1925


chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận