Chế Linh từng bị chính quyền VNCH cấm hát năm 1972 như thế nào

Những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 đã đánh dấu thời kỳ hoàng kim của tên tuổi Chế Linh. Mùa hè đỏ lửa năm 1972, giọng hát Chế Linh xuất hiện dày đặc trên các đài truyền thanh, truyền hình.


Click để nghe câu chuyện Chế Linh bị VNCH cấm hát

Vào thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến, tiếng hát sầu não của Chế Linh được vang lên khắp nơi, làm cho ông tổng trưởng bộ Dân Vận & Chiêu Hồi lúc đó không hài lòng, ông đã ra một quyết định gây tranh cãi, đó là… cấm Chế Linh hát, với lý do là làm ảnh hưởng tới tinh thần người lính chiến.

Dù thông tin này đã được chính Chế Linh nhiều lần đích thân thừa nhận, nhưng có không ít người nghi ngờ về điều này. Vì vậy, mời các bạn theo dõi bài báo sau đây, đăng trên báo Sóng Thần năm 1974, tiêu đề:  NS Liêng đặt vấn đề với Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã về vụ ca sĩ Chế Linh bị bộ Dân Vận và Chiêu Hồi cấm hát. Chế Linh gửi thư kêu cứu cho Quốc hội.

Bài báo cụ thể như sau:

Nghị sĩ Tôn Ái Liêng vừa công khai đặt vấn đề với ông Hoàng Đức Nhã, Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi về trường hợp ca sĩ Chế Linh bị bộ này kỳ thị không cho trình diễn trong các chương trình ca nhạc trên hệ thống Tuyền thanh và Truyền hình nhà nước từ hơn 2 năm nay.

Trong một bức thư gửi cho Tổng trưởng Nhã, nghị sĩ Tôn Ái Liêng đã nêu lộn 3 nghi vấn:

Thứ nhất: Ca sĩ Chế Linh bị cấm hát phải chăng vì giọng ca phản chiến? Hay cá nhân Hoàng Đức Nhã cho ca sĩ Chế Linh hưởng “đặc ân” đó?

Thứ hai: Nếu nói là giọng ca phản chiến thì như thế nào gọi là phản chiến hay không phản chiến?

Thứ ba: Ủy ban kiểm duyệt nội dung bài vở hay kiểm duyệt cá nhân diễn viên, giọng hát hoặc giọng ngâm.

Sau khi nêu nhận định là có nhiều bài ca đã được bộ Dân vận Chiêu hồi cho phép trình bày nhưng mỗi khi ca sĩ Chế Linh được mời hát cho truyền thanh hay truyền hình là lại bị gạt ra để thế vào 1 ca sĩ khác, nghị sĩ Liêng nhấn mạnh như vậy là giọng ca bị kiểm duyệt chứ không phải kiểm duyệt nội dung bài vở?

Nghị sĩ Liêng đã đặt thêm nghi vấn là phải chăng biện pháp ngăn chặn không cho ca sĩ Chế Linh hát là vì chủ trương “kỳ thị chủng tộc”? Sau đó ông quả quyết là mặc dầu ca sĩ Chế Linh là người Chàm nhưng vẫn là công dân Việt Nam và đang theo gót các bậc thầy, bậc đàn anh và bạn hữu làm nghệ thuật trong nền văn hóa Việt Nam.

Trước đó, trong một tâm thư gửi nhị vị Chủ tịch Thượng Hạ Viện và quí dân biểu, nghị sĩ đề ngày 12/10/1974, ca sĩ Chế Linh đã trình bày trường hợp anh bị bộ Dân vận và Chiêu hồi kỳ thị không cho trình diễn trong các chương trình văn nghệ của các đài truyền thanh và truyền hình nhà nước, đồng thời thỉnh cầu quý vị này can thiệp.

Cũng cần nói thêm rằng Chế Linh chỉ bị ông Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã cấm xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước, phòng trà, và đại nhạc hội ở Sài Gòn. Còn ở các tiền đồn, Chế Linh vẫn được các tư lệnh tại mặt trận mời ra hát cho lính nghe. Đây là một điều vô cùng kỳ khôi, trong khi một quan chức chính phủ cấm Chế Linh hát cho lính nghe, thì những người chỉ huy trực tiếp của lính lại mời Chế Linh lặn lội ra tận tiền đồn, nơi đang giao tranh khốc liệt, để hát cho lính nghe.

Trong thời kỳ cấm đoán gắt gao nhất, đặc biệt là cuối năm 1972, hãng băng Shotguns của Ngọc Chánh vẫn phát hành các băng Chế Linh bán rất chạy thời đó, mà ngày nay vẫn nhiều người còn tìm nghe.

Chế Linh bắt đầu đi hát từ đầu thời kỳ thập niên 1960, thời đệ nhất Cộng Hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm, người mà Chế Linh rất căm ghét vì theo Chế Linh là đã có chính sách kỳ thị người Chăm. Tuy nhiên một điều oái ăm là Chế Linh lại bị cấm hát dưới thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, là người đồng hương và cũng là có mối quan hệ rất tốt với nam danh ca này. Tuy nhiên mối quan hệ đó không giúp ích gì cho Chế Linh, vì ngay cả ông Tổng thống cũng không thể can thiệp về quyết định của cấp dưới đã ban ra.

Trên một chương trình cách đây vài năm, Chế Linh kể về việc bị cấm hát như sau:

“…Thời lính, mà tôi hát toàn những bài buồn, những bài nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ bạn bè… Cho nên khi giọng hát Chế Linh đang được phổ biến quá lớn, thì lại nhận được giấy cấm hát. Tôi cũng chấp nhận, cấm là phải vì hát buồn quá, không hợp với chiến sĩ thời bấy giờ. Nhưng không ngờ tôi lại được các ông tướng ngoài mặt trận, tiền đồn xa xôi mời đi hát, thù lao còn nhiều hơn đi hát ở Sài Gòn.

Có nhiều người thắc mắc, nói rằng thời đó ông Thiệu thương Chế Linh lắm, mà tại sao Chế Linh lại bị cấm hát? Không ai nghĩ là Chế Linh bị cấm hát hết. Nhưng ông Thiệu là tổng thống, người cấm là ông Hoàng Đức Nhã…”


Nghe Chế Linh kể chuyện bị cấm hát

Việc Chế Linh bị chính quyền VNCH cấm hát năm 1972 là sự thật, nhưng tới nay vẫn có nhiều người không thể tin nổi. Chế Linh thân thiết với tổng thống, lại nổi tiếng với nhiều ca khúc viết cho người lính VNCH, nhưng lại bị cấm hát cho lính hát vì cho rằng giọng hát làm “nản lòng chiến sĩ”.

Như vậy, trải qua 2 chế độ, Chế Linh đã bị cấm hát ở trong nước suốt 40 năm liên tục, từ năm 1972, tới năm 2011 mới được chính quyền cấp phép hát công khai trước công chúng. Ngoài ra, vào năm 2007 Chế Linh cũng đã từng về nước hát, nhưng lúc đó là ông về theo đoàn công tác của tổ chức UNICEF, và hát trong vài chương trình mang tính chất hội nghị, không công khai.

Việc Chế Linh được cấp phép hát ở trong nước vào năm 2011 được xem là một hiện tượng trong sinh hoạt văn nghệ, vì ông vốn là một “ca khó” trong số các ca sĩ hải ngoại về nước, vì sự nghiệp của ông gắn liền với dòng nhạc lính. Con đường trở lại với khán giả trong nước của Chế Linh không hoàn toàn thuận lợi, vì nhiều lần liveshow riêng của ông bị làm khó, thậm chí là rút giấy phép.

Một điều đáng nói, alf dù Chế Linh đã được cấp phép hát trong nước, đã tổ chức nhiều liveshow khắp cả nước, trong đó có rất nhiều show ở ngay tại Hà Nội, nhưng ông chưa từng được tổ chức liveshow riêng ở Sài Gòn. Mỗi khi muốn hát phục vụ khán giả Sài Gòn, ông phải tổ chức liveshow ở các tỉnh lân cận, như Biên Hòa hay Thủ Dầu Một.

Năm 2011, ngay sau khi được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép hát trong nước, Chế Linh đã lên kế hoạch tổ chức liveshow đầu tiên ở Sài Gòn, diễn ra ở Nhà hát Hòa Bình (quận 10), dự định diễn ra vào ngày 19/11/2011. Dù đã xin được giấy phép biểu diễn của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nhưng để có thể tổ chức liveshow ở Sài Gòn, Chế Linh phải xin thêm một “giấy phép con” từ chính quyền địa phương, Kết quả là liveshow này đã bị hủy ngay sát giờ diễn vì không được Sở Văn hóa ở Sài Gòn cấp phép. Bầu sô tổ chức liveshow của Chế Linh nói trên báo là vào buổi sáng (đúng ngày dự định tổ chức sô diễn), ông nhận được công văn của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch từ chối tiếp nhận hồ sơ xin phép tổ chức đêm ca nhạc Chế Linh tại TP HCM. Lý do Sở nêu ra là việc tổ chức chương trình “chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay”. Công văn ký ngày 18/11.

Sáng ngày 19/11, Chế Linh bị đột quỵ và nhập viện vì lo lắng, suy nghĩ nhiều.

Mãi cho tới năm 2017, cuối cùng Chế Linh cũng xin được giấy phép tổ chức liveshow ở Sài Gòn, mọi việc được gấp rút tiến hành. Báo chí năm đó đưa tin như sau:

“Sau 37 năm từ ngày ra nước ngoài định cư, đây là lần đầu tiên danh ca Chế Linh được cấp phép tổ chức live show ở TP.HCM để phục vụ khán giả.

Chế Linh về Việt Nam hoạt động nhiều năm nay và được cấp phép biểu diễn ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước nhưng danh ca lại chưa có cơ hội hát tại Sài Gòn. Bởi vậy, việc được cấp phép tổ chức live show tại TP.HCM khiến giọng ca Thành phố buồn không giấu được cảm xúc hạnh phúc.

Chia sẻ về niềm vui này, Chế Linh cho biết đây là điều ông mong mỏi từ rất lâu để tạ ơn mảnh đất đã cưu mang mình và tri ân khán giả đã ủng hộ ông hàng chục năm qua.

Trong live show mang tên Giọng ca vàng hải ngoại Chế Linh lần này, ông tiếp tục thể hiện dòng nhạc bolero sở trường và hát lại những ca khúc đã làm nên tên tuổi của mình như Thành phố buồn, Ai cho tôi tình yêu, Đừng nói xa nhau…”

Tuy nhiên, một lần nữa, liveshow của Chế Linh ở Sài Gòn lại bị hủy vì bị rút giấy phép ngay trước đêm diễn. Ai cũng hiểu lý do, nhưng báo chí thì đưa tin như sau:

Liveshow đầu tiên của ca sĩ Chế Linh tại TP.HCM dự kiến diễn ra vào tối nay 25.2 đã bị hủy bỏ vì đơn vị cung cấp địa điểm tổ chức đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trước đó hồi tháng 1, các fan của giọng ca Thành phố buồn rất háo hức trước thông tin ông được cấp giấy phép biểu diễn tại TP.HCM, địa điểm được chọn là Trung tâm Hội nghị Gem Center với sự tham gia của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên cùng các khách mời như ca sĩ Phương Dung, Sơn Tuyền, Phi Nhung, Ngọc Ánh…

Sáng nay đại diện ca sĩ Chế Linh cho biết sau khi được Sở Văn hóa Thể Thao TP.HCM cấp giấy phép tổ chức liveshow thì ê kíp đã tiến hành làm thủ tục ký hợp đồng dịch vụ với Trung tâm Hội nghị Gem Center. Tuy nhiên, sau đó đơn vị này bất ngờ gửi thông báo xin dừng cung cấp dịch vụ và đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì lý do: “Gem Center không thể đảm bảo chất lượng nếu tiếp tục nhận cung cấp dịch vụ cho sự kiện liveshow Chế Linh”.

Suốt những ngày qua, đơn vị tổ chức liveshow và đơn vị cung cấp địa điểm tổ chức đã có nhiều buổi làm việc với nhau nhằm “cứu vãn”, tránh tình trạng hủy liveshow vì thông tin về chương trình đã được công bố rộng rãi, đồng thời bản thân nam ca sĩ cũng tha thiết mong muốn được thực hiện một liveshow để tri ân những khán giả đã luôn yêu mến giọng ca của mình, mong chờ tới ngày được nghe Chế Linh cất cao giọng hát tại TP.HCM sau 37 năm.

Tuy nhiên, cuối cùng, phía Gem Center vẫn quyết định đưa ra thông báo rằng họ đang gặp khó khăn trong vấn đề sắp xếp nguồn nhân lực nên không thể cung cấp một cách tốt nhất dịch vụ cho chương trình. Vì vậy, phía Gem Center đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với sự kiện liveshow Chế Linh và sẽ bồi thường theo đúng hợp đồng.

Thông tin này được đưa ra sát ngày diễn ra chương trình khiến khán giả lẫn bản thân ca sĩ không khỏi buồn và hụt hẫng. Tuy nhiên, ông cũng nhắn nhủ với khán giả: “Khi nào Chế Linh còn sức thì Chế Linh sẽ vẫn hát để phục vụ khán giả. Việc hủy liveshow lần này là điều không ai mong muốn, bản thân Chế Linh cũng rất buồn. Tới đây, Chế Linh và ê kíp sẽ cùng nhau bàn bạc và lựa chọn một thời gian hợp lý hơn cho liveshow Chế Linh tại TP.HCM”.

Mặc dù vậy, cho tới này, ở tuổi ngoài 80, Chế Linh vẫn chưa từng tổ chức được liveshow nào ở Sài Gòn.

Sau khi bị hủy sô ở Sài Gòn năm 2017, chỉ vài tháng sau đó ông đã tổ chức được một liveshow rất thành công ở khách sạn The Mira – Thủ Dầu Một, địa điểm cách Sài Gòn chỉ 30km.

Đông Kha

 

Viết một bình luận