Hình ảnh xe lam trên đường phố Sài Gòn xưa – Ký ức không thể nào quên

Trên chuyến xe Lam đông người chiều nay.
Nghe nhiều bơ vơ nỗi niềm chua cay
Còn đâu một chuyến xe Lam
ngày nao mộng ước vô vàn
bao kỷ niệm riêng mình em mang…

Đó là những lời hát quen thuộc trong bài nhạc vàng Chuyến Xe Lam Chiều của nhạc sĩ Vinh Sử, là bài hát nổi tiếng hiếm hoi nhắc về những chiếc xe Lam – phương tiện giao thông quen thuộc của người bình dân miền Nam xưa.

Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đưa vào Việt Nam (đặc biệt là ở Nam Kỳ) những chiếc xe song mã sang trọng do ngựa kéo để phục vụ nhu cầu đi lại của giới quý tộc ở các đô thị lớn. Từ đó, người dân Nam Bộ đã tự mày mò chế tạo riêng cho mình một loại xe ngựa mô phỏng theo kiểu xe song mã của người Pháp, nhưng tính năng sử dụng lại ưu việt, phù hợp với địa hình gồ ghề thôn quê, giá cả lại bình dân nên rất được người dân Nam Bộ ưa chuộng, rất phổ biến ở trong các thập niên 1940-1950, thường được gọi là xe thổ mộ. Qua đến thập niên 1960, dù vẫn còn hoạt động nhưng loại xe này dần bị thay thế khi xe Lam xuất hiện.

Bến xe thổ mộ và xe Lam ở Gia Định

Tên gọi “xe Lam” bắt nguồn từ tên gọi dòng sản phẩm Lambretta nổi tiếng từ nước Ý. Trong một đoạn quảng cáo về xe Lam thời đó có nội dung: “Máy trước, vừa đề, vừa đạp. Đặc điểm hoàn toàn làm tại Ý Đại Lợi – Trọng tải hữu dụng 550 ký… Xe có bán tại Lambretta Việt Nam – VINACO và khắp các đại lý trên toàn quốc. Chú ý: không có xe Lam bốn bánh, chỉ có xe Lam ba bánh”.

Xe Lam trên đường Hồng Bàng, đối diện chợ An Đông

Xe Lam chia làm 2 phần, cabin đằng trước là không gian của tài xế, khoang sau chở được 8-10 người, bên trên xe có thể để ràng nhiều hàng hóa của những người đi buôn. Tay lái của xe Lam giống như ghi-đông xe máy, dù chở được cả chục người nhưng xe cũng vô số bằng tay giống như xe 2 bánh của Lambretta.

Dưới ghế của bác tài là thùng chứa máy xe. Nếu xe chết máy bác tài phải nhảy xuống đường để mở yên ghế lên, sau đó dùng sợi dây thừng kéo cho máy nổ (giống như vận hành máy phát điện gia đình), hoặc là tra dầu, chùi bu-gi cho máy xe.

Xe Lam tuyến Thị Nghè đi trung tâm Sài Gòn đang chạy trên đường Công Lý, đoạn thương xá Crystal Palace

Khách ngồi trên hai hàng ghế dài đặt dọc theo thùng xe, song song nhau. Nếu hai người đối diện đều “chân dài” thì bốn đầu gối thế nào cũng đụng nhau lốp cốp mỗi khi xe thắng gấp. Nếu không muốn khua thì hai cặp giò phải lồng so le vào nhau.

Cũng vì kiểu xếp ghế ngồi như thế mà nhiều chàng trai, cô gái năm xưa đã tình cờ quen biết và nhiều cuộc tình đã bắt đầu trên những chuyến xe Lam, giống như trong lời bài hát Chuyến Xe Lam Chiều của nhạc sĩ Vinh Sử:

Trên chuyến xe lam đông người chiều nao
Xui mình không quen mà ngồi bên nhau
Trời mang nhiều trớ trêu chi
Người chưa hề biết quen gì
Sao ngồi gần như tình nhân si

Em xuống xe lam đi vào hẻm sâu
Anh vội theo chân ngõ hồn xuyến xao


Click để nghe Giao Linh hát Chuyến Xe Lam Chiều trước 1975

Giá một chiếc xe Lam hồi thập niên 1960 khoảng 30 cây vàng, khá đắt nên không phải ai cũng có thể mua, nhưng nếu mua được thì nó sẽ mang về lợi nhuận rất nhiều, có thể nuôi được một nhà đông con.

Vì xe lam mắc tiền, khó tiếp cận với các lao động bình thường, nên thời đó chính quyền có chính sách nhân văn là hỗ trợ để người dân mua xe Lam (và cả xe taxi) để có công cụ lao động, bằng cách cho mượn tiền mua trả góp. Hình thức này nhằm tăng cường phương tiện giao thông công cộng vì hệ thống xe buýt thành phố do chính phủ quản lý hoạt động không hiệu quả. Chương trình này được gọi là “Hữu Sản Hóa”, và trên các xe Lam được hỗ trợ mua trả góp thường có ghi chữ “Hữu sản hóa Tự cường” ở bên hông.

Xe lam “Hữu Sản Hóa” bên phải hình

Nhờ đó, xe Lam không chỉ phổ biến ở Sài Gòn, còn xuất hiện ở các vùng lân cận, từ Gia Định đến Bình Dương, Biên Hòa, Mỹ Tho… và nhiều đô thị lớn khác ở miền Nam. Đặc biệt là tại Sài Gòn, lộ trình xe Lam giăng kín các tuyến đường giống như xe buýt ngày nay, nhưng vì kích thước xe Lam nhỏ nên hoạt động linh hoạt hơn, không có trạm dừng cố định cho khách lên xuống, ai muốn đi thì ra sát lề đường vẫy tay đón, và xe cũng dừng lại bất cứ chỗ nào cho khách xuống.

Thống kê cho biết đến cuối năm 1968, toàn miền Nam có hơn 17.000 chiếc xe Lam, trong đó riêng Sài Gòn có 3.200 chiếc. Đến năm 1971, số lượng xe Lam tăng lên 30.000 chiếc (gấp 7 lần xe taxi), là phương tiện vận chuyển quan trọng nhất Sài Gòn cũng như các tỉnh miền Nam vì hệ thống xe buýt đã ngưng hoạt động và chưa phục hồi.

Xe Lam trên đường Hai Bà Trưng, đoạn Hồng Thập Tự (nay là NTMK)

Nếu khoảng thập niên 1950 người Sài Gòn vẫn còn thấy xe thổ mộ để đi chợ Bến Thành, hoặc đi từ trung tâm đô thành ra vùng ven, thì đến đầu 1960 đã xích lô đạp, xích lô máy bắt đầu dần thay thế.

Xe Lam trên đường Hàm Nghi, khu vực Chợ Cũ

Từ giữa thập niên 1960 về sau, xe Lam cùng taxi chiếm lĩnh đường phố, kế đó là sự xuất hiện của xe buýt…

Xe Lam trên đường Pasteur, đoạn qua đại lộ Thống Nhứt (nay là Lê Duẩn)

Sau năm 1975, xe taxi vắng bóng trên đường phố Sài Gòn, chỉ còn xe lam hoạt động chở khách cho đến đầu thập niên 1990 thì thành phố khôi phục lại xe bus quốc doanh, xe lam chuyển sang hoạt động theo kiểu hợp tác xã vận tải, sau đó xuống cấp thành xe gom rác. Năm 1995, một số lượng lớn xe lam ở Sài Gòn chuyển về các tỉnh tiếp tục làm phương tiện công cộng chở khách, nhiều nhất ở là Biên Hòa.

Bến xe lam Biên Hòa, 1967

Trước 1975 thì Biên Hòa đã có bến xe lam tập trung đông đúc, nhưng đến thời kỳ này thì Biên Hòa mới được xem là “thủ phủ” của xe lam, đi đâu cũng thấy loại phương tiện này. Nhưng rồi chỉ vài năm sau đó thì xe bus dần thay thế hoàn toàn xe lam. Ngoài ra thì đường phố Sài Gòn nói riêng và các đô thị khác nói chung đều chật ních xe máy cá nhân. đẩy xe lam về các vùng quê nghèo làm xe chở hàng, trước khi bị cấm hẳn từ giữa thập niên 2000.

Ngày nay, dù bóng dáng xe Lam không còn xuất hiện trên đường phố Sài Gòn, nhưng loại xe 3 bánh với tiếng nổ “bành bành” cùng mùi khói xăng đã từng trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Sài Gòn. Trong ký ức của nhiều người, xe Lam vẫn là một chút gì đó còn lại của Sài Gòn thuở xa xưa.

Xe Lam trước chợ Bến Thành

Một số hình ảnh khác về xe Lam xưa:

Bến xe Lam trên đường Lê Văn Duyệt ở Pleiku

Xe Lam trước cổng Vườn Tao Đàn, ngay ngã tư Hồng Thập Tự – Trương Công Định, qua bên kia ngã tư là đường Đoàn Thị Điểm. Ngày nay, vị trí này là ngã 4 Trương Định – Nguyễn Thị Minh Khai

Xe Lam ở ngã tư Hàng Xanh

Bùng binh & bến xe lam Diệp Kính ở Pleiku

Xe Lam ở Nhơn Trạch – Biên Hòa

Bến xe Lam trên QL1 – Quảng Ngãi

Xe Lam ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học

Bến xe lam đầu đường Hoàng Diệu ở cổng sau trường Nữ Tiểu Học Thủ Đức

chuyenxua.net

Viết một bình luận