Nhớ lại một thời nhạc trẻ hải ngoại thập niên 1990: Tiếng hát nam ca sĩ Don Hồ, Tô Chấn Phong, Anh Tú, Jimmii Nguyễn…

Trong làng nhạc hải ngoại thời điểm nửa cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, dòng nhạc trữ tình được kế thừa từ trong nước trước năm 1975 vẫn phát triển mạnh mẽ, ngoài giá trị nghệ thuật đã vượt thời gian, thì còn mang giá trị về mặt tinh thần to lớn với những người ly hương muốn tìm nghe lại những giai điệu mang nhiều kỷ niệm thời vàng son. Bên cạnh thể loại nhạc trữ tình đó thì còn có dòng nhạc trẻ bắt đầu được hình thành và phát triển mạnh mẽ ở hải ngoại, được giới trẻ ưa chuộng, cùng với đó là sự xuất hiện của một thế hệ ca sĩ mới, trẻ trung, phía nữ có Ngọc Lan, Kiều Nga, Nhật Hạ, Ý Nhi, Như Mai, Linda Trang Đài… Về phía nam ca sĩ có những tên tuổi tiêu biểu là Tô Chấn Phong, Don Hồ, Lâm Nhật Tiến, Jimmii Nguyễn, Kenny Thái, Nguyễn Hưng…

Để gợi nhớ lại không khí âm nhạc của khoảng 30 năm trước, mời các bạn nghe lại những “top hits” được yêu thích của các nam ca sĩ hải ngoại nổi tiếng thời thập niên 1990.

Don Hồ

Có thể nói Don Hồ là một trong những nam ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc hải ngoại từ thập niên 1980. Có một thời gian dài anh liên tục làm mưa làm gió trên khắp các sân khấu âm nhạc lớn nhỏ từ Mỹ cho đến Âu Châu và Úc Châu.

Trong làng nhạc hải ngoại nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung, giọng hát của Don Hồ rất đặc biệt, khác biệt với tất cả các cả các thế hệ ca sĩ trước đó và cả sau này.

Sau đây là video tuyển chọn những bài hát nổi tiếng nhất của Don Hồ dài hơn 1 tiếng đồng hồ:


Click để nghe Don Hồ Collection

Ca sĩ Don Hồ tên thật là Hồ Mạnh Dũng, sinh năm 1962 tại Sài Gòn trong gia đình gốc Bắc di cư năm 1954.

Năm 1980, Don Hồ rời Việt Nam, thời gian đầu trên đất Mỹ rất khó khăn, anh vừa học vừa làm, sau đó đi hát ở nhiều phòng trà trước khi nổi tiếng từ đầu thập niên nhờ xuất hiện trên sân khấu Paris By Night bắt đầu từ số 12. Trong những chương trình video đầu tiên trong sự nghiệp ca hát, Don Hồ chỉ chuyên trình bày những nhạc phẩm ngoại quốc. Tuy nhiên sau đó anh dần chuyển sang hát nhạc Việt, và thành công với những ca khúc đầu tiên như Người Tình Trăm Năm, Em Hiền Như Masoeur, Tình Khúc Buồn…

Sau đó không lâu, Don Hồ ghi được dấu ấn với dòng nhạc trẻ, đặc biệt là 2 ca khúc Trái Tim Mùa Đông, Trái Tim Ngục Tù.

Trái Tim Mùa Đông là sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Hồ, ban đầu được mang tên là Trái Tim Khô, được Don Hồ hát lần đầu trên Asia số 6 năm 1994, vào thời điểm anh là ca sĩ ăn khách bậc nhất ở hải ngoại.


Click để nghe Don Hồ hát Trái Tim Mùa Đông

Ta gặp nhau trong muộn màng
Ta gặp nhau trong lỡ làng
Cơn mưa đến sao vội vàng
Như đôi ta xa nhau…

Nếu như Trái Tim Mùa Đông được Hon Hồ hát trên Asia, thì cũng trong cùng năm 1994, có một ca khúc tương tự được anh hát trên sân khấu Paris By Night, đó là Trái Tim Ngục Tù của nhạc sĩ Đức Huy. Vì tên bài hát, lời hát và giai điệu của 2 bài này khá tương đồng, nên đôi khi người ta nhầm lẫn với nhau.


Click để nghe Don Hồ hát Trái Tim Ngục Tù

Anh đã gọi em, lời buồn chân mây
Anh đã chờ em, đến khi lá bay
Anh đã nhiều lần, bắt gặp mình trong gương
Chẳng hiểu vì sao, đời mình mãi lao đao…

Cả 2 bài Trái Tim Mùa ĐôngTrái Tim Ngục Tù qua giọng hát Don Hồ đều đã một thời làm mưa làm gió trong thị trường nhạc, không chỉ tại hải ngoại, mà từ giữa thập niên 1990, hầu như quán cafe nào ở trong nước từ thành thị đến vùng quê xa xôi cũng đều mở 2 bài hát này.

Tô Chấn Phong

Cho đến nay, khán giả yêu dòng nhạc hải ngoại hồi thập niên 1990 vẫn còn nhớ đến một anh chàng lãng tử, đẹp trai có giọng hát nhẹ nhàng bồng bềnh trong những ca khúc nhạc nhẹ, chủ yếu là những bài nhạc ngoại lời Việt, đó là Tô Chấn Phong.

Tô Chấn Phong có giọng hát trầm lắng, êm dịu, không quá kỹ thuật và cũng không có ý định phô diễn, anh thả cảm xúc bài hát trôi lãng đãng nhẹ nhàng đi sâu vào lòng người nghe nhạc. Người hát như không hát, như chỉ thủ thỉ những lời nhung nhớ, những buồn vui, hờn giận của đôi lứa yêu nhau; cả những đau khổ, mất mát cũng bỗng nhiên nhẹ nhàng, không quằn quại, rên xiết; người nghe cũng không cần phải cố gắng tập trung để thưởng thức những giá trị của giọng ca, mà như là là chia sẻ những âm giai đồng điệu đâu đó quanh mình.


Click để nghe nhạc Tô Chấn Phong – những ca khúc chọn lọc

Những ca khúc đã làm nên tên tuổi Tô Chân Phong một thời vào khoảng 20-30 năm trước là Tình Nồng, Hoa Nào Anh Quên, Dĩ Vãng Nhạt Nhòa, Một Thuở Yêu Người, Khúc Nhạc Buồn, Kỷ Niệm Nào Vội Tan…

Lâm Nhật Tiến

Ca sĩ Lâm Nhật Tiến là ca sĩ được yêu thích hàng đầu ở hải ngoại trong thập niên 1990, được khán giả khắp nơi yêu mến bởi chất giọng đặc biệt truyền cảm. Anh đã cộng tác thường xuyên với Trung tâm Asia trong khoảng thời gian từ 1994-2016, ngoài ra cũng có tham gia một số chương trình Paris By Night.


Click để nghe nhạc Lâm Nhật Tiến

Ca sĩ Lâm Nhật Tiến (cũng là tên thật) sinh ngày 3 tháng 9 năm 1971 tại Sài Gòn. Năm 1981, anh cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư, rồi học trung học và tốt nghiệp đại học Loma Linda University Medical Center (California) với ngành chụp quang tuyến X-Ray. Trước khi theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp, nhờ sở hữu ngoại hình lý tưởng, Lâm Nhật Tiến đã từng làm người mẫu cho một số công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo (Agency) tại Los Angeles và Orange County (Quận Cam).

Năm 1994, trong một lần đi xem show Asia số 4, Lâm Nhật Tiến được bạn là nhiếp ảnh gia dẫn vào hậu trường để giới thiệu với giám đốc Bạch Đông (con rể của nhạc sĩ Anh Bằng). Nhận thấy chàng người mẫu này có ngoại hình sáng sân khấu, Bạch Đông đã hỏi anh có thích hát không và sau đó mời thử giọng.

Là một giọng hát bản năng, không được đào tạo nên ban đầu giọng hát của Lâm Nhật Tiến không được tự nhiên, nghe giống như một người Mỹ hát nhạc Việt. Trung tâm Asia đã đề nghị anh học thêm về phát âm tiếng Việt, mời chuyên gia về phát âm người Mỹ đến dạy cho anh cách hát. Mặc dù chuyên gia này không hiểu nghĩa chữ Việt Nam nhưng khi nghe anh hát, họ có thể góp ý để giọng hát được hoàn hảo hơn.

Hồi thập niên 90, làng nhạc hải ngoại chủ yếu vẫn là sân khấu của những giọng ca gạo cội, thiếu nhân tố mới, thiếu những ca sĩ trẻ nên trung tâm Asia đã bỏ nhiều công sức để đào tạo ca sĩ Lâm Nhật Tiến. Bài hit đầu tiên làm nên tên tuổi của Lâm Nhật Tiến là Em Đã Quên Một Dòng Sông của nhạc sĩ Trúc Hồ, sau đó anh trở thành ca sĩ gắn liền với những ca khúc của nhạc sĩ này với hàng loạt hits như Một Lần Nữa Thôi, Em Đã Quên Một Dòng Sông, Yêu Em Âm Thầm, Lời Dối Gian Chân Thành, Làm Thơ Tình Em Đọc, Giữa Hai Mùa Mưa Nắng, Tình Yêu, Mưa Tình Cuối Đông, Đỉnh Gió Hú, Sẽ Hơn Bao Giờ Hết, Mãi Yêu Người Thôi…

Jimmii Nguyễn

Jimmii Nguyễn tên thật là Nguyễn Thanh Dũng Ngọc Long, sinh ngày 1 tháng 11 năm 1970 tại Sài Gòn, đã bắt đầu được đứng trên sân khấu từ khi còn rất nhỏ tuổi.

Năm lên 10 tuổi, Jimmii Nguyễn cùng cha đến định cư tại Hoa Kỳ, sau đó chọn tên tiếng Anh cho mình là Jimmii J.C Nguyễn. Năm lớp 6, anh tham gia ban nhạc H&N (Hocka & Nguyễn), sau đó là Melody.

Năm 1993, em gái út của Jimmii Nguyễn đột ngột qua đời do một tɑi nan. Đau đớn trước sự việc này, anh sáng tác nhạc phẩm đầu tay Mãi Mãi Bên Em, để tưởng nhớ đến người em gái đã mất, nằm trong album đầu tay cùng tên. Album này trở thành hiện tượng vào năm 1993 và đã đưa tên tuổi Jimmii Nguyễn trở nên nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại và tại Việt Nam. Anh tiếp tục phát hành nhiều album tiếp theo, bao gồm: Người Con Gái (năm 1994); Một Hình Dung (Nguyên Từ Mỹ, năm 1995); Tình Như Lá Bay Xa (Calvin Music, năm 1996); Hỏi Đá Có Buồn Không (đĩa đơn, năm 1996); và Seasons of Love (Intrsumental, năm 1996).


Click để nghe Jimmii Nguyễn Top Hits

Nguyễn Hưng

Ca sĩ Nguyễn Hưng xuất hiện lần đầu trong cuốn Paris By Night 26 trong cùng năm 1994 với bài hát Đêm Nguyện Cầu (sáng tác của nhóm Lê Minh Bằng). Cũng trong năm 1994, tên tuổi của anh thực sự được chú ý và trở nên nổi tiếng khi trình bày nhạc phẩm Lầm của nhạc sĩ Lam Phương trong cuốn Paris By Night 28. Sau đó anh rất được yêu thích với hàng loạt video hát và nhảy cùng với Nguyễn Cao Kỳ Duyên như “Người Xa Người” (Trần Thiện Thanh), “Tình Cho Không” (“L’amour c’est pour rien”)…, trở thành người hát cặp ăn ý với Kỳ Duyên trong thập niên 1990.

Ca sĩ Nguyễn Hưng tên thật là Nguyễn Từ Hưng, sinh năm 1957 tại Sài Gòn. Là con của vũ sư Ánh Tuyết, và trước khi là ca sĩ thì Nguyễn Hưng nổi danh là một vũ công chuyên nghiệp nên khả năng vũ đạo của anh được đánh giá là điêu luyện và uyển chuyển khi xuất hiện trên sân khấu Paris By Night. Sở hữu phong cách trình diễn cuốn hút, Nguyễn Hưng trở thành một hiện tượng của làng nhạc Hải ngoại thập niên 1990.

Sau đây, mời các bạn xem và nghe lại những ca khúc nổi tiếng của Nguyễn Hưng được trung tâm Thúy Nga đăng trên YouTube chính thức:


Click vào hình để xem

Songlist:

  1. Hương (Nhật Ngân) PBN43 0:00
  2. Chỉ Riêng Mình Ta (Lời Việt: Lê Xuân Trường)PBN45 4:15
  3. Trả Hết Cho Người (Lê Hựu Hà) PBN56 9:02
  4. Chờ Một Tiếng Yêu (Lê Hựu Hà) PBN58 13:41
  5. Trái Tim Tình Si (Vũ Quốc Việt) PBN68 18:20

___


Click vào hình để xem

Songlist:

  1. Chỉ Riêng Mình Ta (Lời Việt: Lê Xuân Trường) 0:07
  2. Ai Sẽ Là Em? (Lời Việt: Vũ Xuân Hùng) 4:52
  3. Trọn Kiếp Đơn Côi (Nguyễn Ánh 9) 9:16
  4. LK Không 1 & 2 (Nguyễn Ánh 9) hát với Thùy Vân 13:32
  5. Tôi Muốn Nói Yêu Em (Mai Anh Việt) 17:54
  6. Tình Có Như Không (Trần Thiện Thanh) 21:45
  7. Khúc Tình Buồn (Nguyễn Ngọc Thạch) 25:14

___


Click vào hình để xem

Songlist:

  1. Khổ Vì Yêu Nàng (Tùng Châu, Lê Hựu Hà) 0:00
  2. Tiếng Dân Chài (Phạm Đình Chương) hát với Thế Sơn, Như Quỳnh, Hoàng Lan, Phi Nhung 3:52
  3. Tình Băng Giá (Lời Việt: Chu Minh Ký) hát với Như Quỳnh 10:30
  4. Bài Không Tên Số 15 (Vũ Thành An) 14:54
  5. Hai Chiếc Bóng Cô Đơn (Tùng Châu, Lê Hựu Hà) hát với Thiên Kim, Lưu Bích 19:25
  6. Tôi Đưa Em Sang Sông (Nhật Ngân, Y Vũ) 24:53
  7. Sa Mạc Tuổi Trẻ (Huỳnh Anh) 29:41
  8. Tôi Chưa Có Mùa Xuân (Châu Kỳ) 36:03
  9. Phượng Tìm Hoàng (Châu Kỳ, thơ: Đinh Hùng) 41:34
  10. Chờ Anh Nói Một Lời (Nhật Trung) hát với Lưu Bích 45:32
  11. Ghen (Huỳnh Nhật Tân) 56:09
  12. Trọn Kiếp Đơn Côi (Nguyễn Ánh 9) 1:01:47

Trịnh Nam Sơn

Ca sĩ – nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn bắt đầu nổi tiếng trong làng nhạc hải ngoại từ cuối thập niên 1980, đầu tiên là Dĩ Vãng, sau đó là Nuối Tiếc, Quên Đi Tình Yêu Cũ, Về Đây Em, và đặc biệt là Con Đường Màu Xanh.


Click để nghe những bài hát nổi tiếng của Trịnh Nam Sơn

Ca nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn sinh năm 1956 tại Sài Gòn. Khi sang Mỹ sau năm 1975, ông đã ngoài 20 tuổi nhưng chưa hề biết sáng tác, chỉ mới biết chút ít về nhạc nhờ tự học guitar và những giờ học nhạc ở trường trung học Nguyễn Trãi – Sài Gòn. Học xong trung học, chưa kịp thi Tú Tài thì Trịnh Nam Sơn đã phải rời quê hương cùng gia đình.

Khi sang định cư ở tiểu bang Florida – Hoa Kỳ, Trịnh Nam Sơn bắt đầu xin được vào làm việc liên quan đến nhạc, đó là đệm guitar cho một ban nhạc Mỹ. Đến cuối năm 1976, ông sang tiểu bang California và ở lại đây cho đến nay. Tại Orange County, Trịnh Nam Sơn từng là một thành viên trong ban nhạc Chí Tài, ông bắt đầu tập tành viết nhạc khi còn chưa biết rành về ký âm pháp nên phải nhờ người bạn ở chung là nhạc sĩ Trần Quảng Nam viết notes nhạc giúp.

Năm 1988, ông ra mắt ca khúc đầu tay là Dĩ Vãng, trước đó thì tác phẩm này vốn chỉ là một bài tập thực hành nhạc không lời vào năm 1985-1986, khi đang theo học tại trường nhạc Dick Grove School Of Music tại nam California. Không ngờ sau khi ra mắt, bài hát này rất được yêu thích và đưa tên tuổi Trịnh Nam Sơn rực sáng trong thị trường nhạc hải ngoại.


Click để xem MV Dĩ Vãng – bài hát đầu tiên của Trịnh Nam Sơn

Những năm đầu thập niên 1990, những người yêu nhạc Việt ở cả trong nước lẫn ở hải ngoại đã xem Trịnh Nam Sơn như là một hiện tượng với dòng nhạc mới lạ, giai điệu bài hát mang hơi thở thời đại, lời nhạc da diết và dễ nhận được sự đồng cảm.

Điều đặc biệt, và cũng khác biệt, đó là Trịnh Nam Sơn sáng tác và tự hát những ca khúc của chính mình với giọng hát trầm ấm, truyền cảm.


Click để nghe Trịnh Nam Sơn hát Con Đường Màu Xanh

Ca khúc nổi tiếng và được yêu thích nhất của Trịnh Nam Sơn có lẽ là Con Đường Màu Xanh, được ông sáng tác năm 1991, đây cũng là khoảng thời gian tôi vừa chia tay vợ.

Ông nói về cảm xúc trong ca khúc này như sau: “Dĩ nhiên không có đổ vỡ nào không đau buồn, nhưng dù sao tôi cũng mong rằng mỗi người hãy hướng đến một con đường màu xanh, màu của lạc quan, hy vọng để đi đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Từ một mối tình đơn phương thời trai trẻ rồi đến đổ vỡ trong hôn nhân cho đến chia tay những mối tình không trọn vẹn; tất cả những điều đó tôi không xem là những “trắc trở” mà là những “trải nghiệm”. Những trải nghiệm ấy đã cho tôi cảm hứng sáng tác nhưng chúng không “tạo hiệu ứng buồn” trong những bài hát của tôi.

Thường tôi chỉ viết cho “tình yêu” của mình chứ không cho “người yêu” của mình. Tôi viết vì cảm xúc trong lòng mình chứ không vì người khác. Vì vậy cho dù sau này nếu không còn yêu nhau nữa thì những cảm xúc trong bài hát vẫn mãi trọn vẹn”.

Kenny Thái

Kenny Thái từng là một trong những nam ca sĩ trẻ tiêu biểu thời kỳ đầu thập niên 1990, khi anh thường hát song ca với nữ ca sĩ xinh đẹp Ý Nhi, người sau đó trở thành vợ của anh.

Vợ chồng Kenny Thái – Ý Nhi

Kenny Thái tên thật là Kenny Chu, mang hai dòng máu Việt – Hoa, rời Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư từ năm 1975.

Vốn có năng khiếu và yêu thích âm nhạc từ nhỏ, Kenny may mắn có người cha hết lòng ủng hộ và giúp đỡ để anh theo con đường nghệ thuật. Năm 1987, Kenny đến vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh hát thử và ngay lập tức nhạc sĩ này nhận ra được triển vọng của giọng hát của chàng thanh niên 20 tuổi và mời cộng tác.

Kenny Thái gây ấn tượng với khán giả nhờ vóc dáng cao ráo, nét mặt trẻ trung và giọng hát ấm áp, thường trình bày các ca khúc nhạc ngoại lời Việt, đặc biệt là nhạc Hoa.

Mời các bạn nghe giọng hát Kenny Thái:


Click để nghe giọng hát Kenny Thái

Anh Tú

Trong số những nam ca sĩ nhắc đến trong bài viết này, chỉ có duy nhất Anh Tú là người đã không còn trên dương thế, và cũng là người duy nhất đã đi hát từ trước 1975, tuy nhiên anh chỉ thực sự thành công từ thập niên 1980 tại hải ngoại với giọng hát rất đặc biệt có một không hai. Nhạc sĩ Quốc Bảo đã nhận xét về tiếng hát ấy như sau:

Anh Tú có một cách phát âm tiếng Việt khá đặc biệt, hờ hững, run rẩy, và đẩy hơi từ răng để chữ trượt theo, nghe nhẹ nhõm, phóng túng, không gắng sức dụng công. Mà quả thật, anh hát như thể đang trò chuyện thân tình, như lời tâm sự bằng hữu, để những đoạn nghẹn ngào cũng chỉ vừa đủ như một nỗi đau đã lành được kể lại. Anh Tú hát tiếng Pháp chuẩn xác, điều chỉ có được với những người thực sự sử dụng được ngoại ngữ này. Cách phát âm tiếng Pháp với nhiều âm mũi cũng ảnh hưởng đến cách hát của anh trong nhạc Việt. Những âm khép được đẩy hết lên mũi, nghe chơi vơi, tuyệt vọng một cách đặc biệt. Đấy là cách hát tạo thành phong cách cho anh, không thể nhầm lẫn với bất kỳ ai…


Click để nghe nhạc Anh Tú

Ca sĩ Anh Tú tên thật là Lã Anh Tú, sinh năm 1950 tại Đà Lạt, là ca sĩ hát nhạc trẻ ở miền Nam trước năm 1975 và hải ngoại sau năm 1975. Anh được sinh ra trong gia đình giàu truyền thồng âm nhạc bậc nhất Việt Nam, với cha là nghệ sĩ Lữ Liên, anh trai là ca sĩ Tuấn Ngọc, chị là ca sĩ Bích Chiêu, các em đều là ca sĩ nổi tiếng: Khánh Hà, Lưu Bích…

Theo cố nhà báo Trường Kỳ, ca sĩ bạc mệnh Anh Tú đã được biết đến nhiều từ khi ở Việt Nam, vào lúc phong trào nhạc trẻ ở ở Sài Gòn đang trong giai đoạn cực thịnh với ban nhạc The Uptight. Do đó vai trò ca sĩ độc lập của ông gần như không nổi bật lắm vì tên tuổi Anh Tú chỉ gắn liền với ban nhạc trẻ nổi tiếng này, cũng như trước đó với ban The Blue Jets hoặc nhóm Thúy-Hà-Tú (Thúy Anh, Khánh Hà, Anh Tú). Ban Thúy Hà Tú hợp ca rất hòa quyện với các bài nhạc trẻ và được khán giả yêu mến, vì lúc đó rất ít có ban hợp ca nhạc trẻ giống như vậy.

Tuy Anh Tú không được biết đến nhiều bằng người anh ruột Tuấn Ngọc hay cô em Khánh Hà, nhưng anh chính là linh hồn của ban nhạc The Uptight trước và sau năm 1975, và là người đã sắp xếp mọi hoạt động cho ban nhạc trong suốt trên 20 năm.

Anh Tú gắn bó với ban nhạc này suốt từ ngày đó cho đến khi The Uptight ngưng hoạt động năm 1993. Cũng từ đó, Anh Tú đã quyết định tách ra để theo đuổi sự nghiệp riêng (hát solo).

Từ sau đó, Anh Tú nổi tiếng với những nhạc phẩm ngoại quốc êm dịu, đặc biệt là nhạc Pháp, nhưng anh cũng trình bày rất truyền cảm những nhạc phẩm tình cảm Việt Nam. Giọng hát của anh rất thích hợp với những tình ca nhẹ nhàng như Tuổi Xa Người, Linh Hồn Tượng Đá, Bài Không Tên Số 6, Tưởng Rằng Đã Quên… Sau khi sang hải ngoại, anh còn rất nổi tiếng với ca khúc nhạc hoa lời Việt của Khúc Lan như Chiếc Lá Mùa Đông, Đôi Bờ, Một Thuở Yêu Người, Những Lời Dối Gian…


Click để nghe Anh Tú hát Chỉ Còn Mình Anh

Kết thúc bài viết về các nam ca sĩ tiêu biểu của âm nhạc hải ngoại thập niên 1990, ở bài viết sau sẽ cùng nhìn lại các tên tuổi nữ ca sĩ 30 năm trước.

Bài: Đông Kha
Bản quyền của chuyenxua.net

Viết một bình luận