Ca sĩ Thái Châu tên thật là Trương Chiêu Thông, sinh năm 1951, là một trong những nam ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc miền Nam trước 1975 sở hữu giọng hát ngọt ngào phù hợp với các bài ca trữ tình nhẹ nhàng.
Click để nghe Thái Châu hát trước năm 1975
Năm 1966, khi mới 15 tuổi, Thái Châu theo gánh hát cải lương của mẹ là nghệ sĩ Kim Nên (cùng thời với các nghệ sĩ Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga, Út Trà Ôn… ) đi lưu diễn khắp nơi.
Cha của Thái Châu là phó giám đốc của đoàn cải lương Kim Chung danh tiếng, cả nhà hầu như đều sống với sân khấu cải lương, vì vậy ai cũng đều nghĩ rằng Thái Châu sẽ tiếp bước cha mẹ để theo con đường cổ nhạc. Thế nhưng ông lại bị mê đắm bởi những tình khúc tân nhạc.
Thời đó danh ca Hùng Cường có thời gian đầu quân cho đoàn Kim Chung, là đồng nghiệp thân thiết với nghệ sĩ Kim Nên nên Thái Châu gọi Hùng Cường là cậu. Ông kể lại trên một tờ báo:
“Tôi mê giọng ca của cậu Hùng Cường. Lúc đó ông là một ngôi sao, vừa ca được tân nhạc, ông còn đóng phim, diễn kịch, hát cải lương. Tôi không dám thố lộ với ba mẹ ước mơ làm ca sĩ, nhưng nuôi trong lòng niềm tin là mình sẽ đi hát tân nhạc. Mùa hè năm 1966, tôi ra Vũng Tàu, ban ngày phụ giúp ba mẹ một vài công việc của đoàn hát, ban đêm tôi tìm đến quán cà phê nhạc nơi có nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa (thổi sáo) và Trần Xuân Ngã (violon) làm việc để nghe các ca sĩ biểu diễn.
Ở quán này có giờ dành cho khán giả lên hát như phong trào Hát với nhau ngày nay. Tôi đăng ký lên hát, đêm đó có ba mẹ tôi đi xem và tôi đã hát ca khúc Lần đầu cũng như lần cuối (Minh Kỳ) mà cậu Hùng Cường thường hát. Không ngờ đêm đó hai nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa và Trần Xuân Ngã đã chính thức đề nghị tôi tham gia biểu diễn tại quán cà phê của hai anh”
Đến năm 1969, Thái Châu vừa đi học vừa đi hát tại phòng trà khách sạn Đệ Nhất của ca sĩ Mai Lệ Huyền phụ trách. Một lần nghệ sĩ Trần Văn Trạch đến nghe hát, thấy được tiềm năng của giọng ca trẻ mới 18 tuổi nên giới thiệu Thái Châu về ban nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Khi mới gia nhập ban Shotguns, một nam ca sĩ trẻ mới toanh như Thái Châu khó có thể cạnh tranh lại được với những ngôi sao tên tuổi nên chỉ được hát lót hoặc lúc sau cùng của đêm nhạc. Nhờ chăm chỉ tập luyện, một thời gian sau Thái Châu cũng khẳng định được tên tuổi với giọng ca ngọt ngào không trùng lặp với các nam danh ca thế hệ trước, với những ca khúc dành riêng cho mình, như Bài Thánh Ca Buồn, Tình Như Mây Khói, Linh Hồn Tượng Đá…
Sau năm 1975, Thái Châu ở lại Việt Nam, tham gia trong đoàn Kim Cương cùng với các ca sĩ Thanh Phong, Phương Đại, Thanh Tuyền, Họa Mi, Phương Hồng Quế,… Thời gian này, ông chủ yếu hát nhạc cách mạng (nhạc đỏ) và những bài ca vọng cổ.
Năm 1991, Thái Châu được mẹ bảo lãnh sang Canada định cư, cuộc đời ca hát lại rẽ sang một trang mới, được hát trở lại những ca khúc sở trường trước năm 1975 của mình và được tham gia nhiều trong các chương trình thu âm thu hình tại hải ngoại. Thái Châu nói: “Ở đâu thì mình cũng là một ca sĩ, hát phục vụ cộng đồng bằng những ca khúc về tình yêu”.
Những năm gần đây, Thái Châu thường xuyên trở về nước tham gia các chương trình trò chơi âm nhạc với vai trò giám khảo. Ông cũng tham gia nhiều đêm nhạc lớn nhỏ trong và ngoài nước khác nhau.
Thái Châu được xem là nam ca sĩ đẹp trai và lịch lãm nhất của làng nhạc vàng. Trong một bài phỏng vấn, ông nói đùa rằng là ca sĩ đẹp trai cũng lắm gian truân vì có rất nhiều người ái mộ, đặt biệt là fan nữ, vì vậy ông luôn giữ đúng chừng mực để vợ có thể được an tâm.
Thái Châu có một cuộc hôn nhân hạnh phúc suốt hơn 20 năm qua với một phụ nữ tên Vân kém hơn gần 10 tuổi. Vài năm qua, Thái Châu thường xuyên về Việt Nam hoạt động văn nghệ, và mỗi lần nam ca sĩ xuất hiện sau hậu trường, đồng nghiệp đều thấy hình ảnh ông được vợ tận tình chăm sóc đến từng nếp áo.
Gắn bó với nhau đã nhiều năm, Thái Châu khẳng định tình cảm của vợ chồng vẫn như ngày đầu. Đặc biệt, mỗi khi đi lưu diễn ông luôn có vợ bên cạnh với suy nghĩ rằng “Nếu khán giả nhìn thấy những cặp đôi nghệ sĩ hạnh phúc thì họ sẽ trân trọng hơn”.
Được viết vợ của Thái Châu không phải là nghệ sĩ nhưng am hiểu về môi trường giải trí và thường xuyên có mặt ở hậu trường các buổi biểu diễn để hỗ trợ chồng những việc cần thiết.
Nói về cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn 20 năm qua, Thái Châu chia sẻ trên báo Tiền Phong:
“Cuộc sống tôi bây giờ đơn giản lắm, chồng ở đâu thì vợ theo đó cho chắc ăn, vui vẻ. Nếu cứ vợ một nơi, chồng một nẻo thì buồn lắm. Tôi cố gắng sắp xếp nếu đi đâu lâu thì đưa vợ theo. Đưa vợ theo cùng có vướng bận hay không thì còn tùy vào suy nghĩ mỗi người. Nếu họ cho đó là phiền hà thì thấy không thoải mái và ngược lại, nếu nghĩ điều đó theo hướng tích cực thì nó sẽ tích cực. Hơn nữa, tôi nghĩ nếu khán giả nhìn thấy những cặp đôi nghệ sĩ hạnh phúc thì họ sẽ trân trọng hơn”.
Thái Châu còn cho biết chính sự quan tâm, chăm sóc tận tình của vợ mà bản thân ông thấy yêu đời hơn: “Bà xã yêu thương và chăm sóc tôi tận tình, dù đã chung sống nhiều năm nhưng tình cảm giữa chúng tôi không có gì thay đổi. Vợ là người hiểu tính tình của tôi nhất, cô ấy luôn để tôi được tự do làm điều mình thích mà không phải tuân theo quy định nào. Vợ cũng là người giúp tôi chỉnh trang, giữ da và giữ giọng mỗi khi đi diễn để sự xuất hiện của tôi trước công chúng phải thật chỉn chu”.
Thái Châu gặp vợ từ khi sang Mỹ định cư và ca hát. Trước đó, từ khi còn ở Việt Nam, ông đã trải qua một cuộc tình với cô đào tài sắc một thời của làng sân khấu Sài Gòn là Kiều Phượng Loan. Tuy không cùng lĩnh vực trong làng nghệ thuật, họ vẫn trải qua một một tình đẹp, nhưng lương duyên không được bền lâu và không tiến tới hôn nhân. Sau khi chia tay nhau, Thái Châu sang Canada năm 1991, rồi sau đó một thời gian ông mới gặp được hạnh phúc trăm năm của đời mình và gắn bó từ đó cho đến nay. Họ có với nhau một người con trai sinh sống ở nước ngoài, còn Thái Châu và vợ chọn trở về Việt Nam sinh sống và hoạt động âm nhạc.
Một số hình ảnh vợ chồng Thái Châu được đăng tải trên báo chí trong thời gian qua:
–
Sau đây, mời các bạn nghe lại 15 bản thu âm tiêu biểu nhất trước 1975 của Thái Châu sau đây:
Đưa Em Về – Dạ Cầm
Khởi đầu, xin giới thiệu một ca khúc rất hay nhưng có lẽ là không có nhiều người biết, đó là ca khúc Đưa Em Về của nhóm Lê Minh Bằng được viết với bút danh Dạ Cầm. Bài hát có nội dung mơ về một ngày đất nước thanh bình, để người được trở về sống với những điều bình dị nhất mà bấy lâu đã đánh mất vì khói binh ly loạn:
Vi vu sáo diều khi chiều về ngắm trăng thổi sáo,
đời đơn sơ không vui chẳng buồn,
niềm mơ ước bấy lâu của ta…
Bài hát được Thái Châu thu âm trong băng Chế Linh 4 trước 1975
Click để nghe Đưa Em Về
Lần Đầu Cũng Là Lần Cuối – Vũ Chương
Một ca khúc khác rất nổi tiếng cũng của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác với bút danh Vũ Chương. Bài hát được Thái Châu thu âm cho băng Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh:
Click để nghe Lần Đầu Cũng Là Lần Cuối
Kìa một chiếc xe hoa đang chờ em đó
Một bó hoa như đón như mời
Em về đi, em về đi mừng ngày vu quy
Linh Hồn Tượng Đá – Mai Bích Dung
Bài hát nổi tiếng khác của nhóm Lê Minh Bằng được sáng tác một cách ngẫu hứng khi 3 nhạc sĩ Lê Minh, Minh Kỳ và Anh Bằng đi nghỉ mát ở Vũng Tàu, tình cờ gặp được nhóm 3 cô sinh viên Sài Gòn tên Mai, Bích và Dung. Những kỷ niệm đáng nhớ trong buổi gặp gỡ đó được viết thành Linh Hồn Tượng Đá, Ký bút danh Mai Bích Dung.
Bản thu âm của Thái Châu trong băng Shotguns:
Click để nghe Linh Hồn Tượng Đá
Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng
Ngồi bên nhau gọi tên nhau để rồi xa nhau
Em đã đến và đã đến như áng mây
Như cánh chim bay qua bầu trời
Ôi hình hài một vài giờ vuibuồn
Tình Như Mây Khói – Lam Phương
Một ca khúc thật buồn của nhạc sĩ Lam Phương
Click để nghe Tình Như Mây Khói
Em khóc đi em, khóc nữa đi em
Khóc để rồi quên một cuộc tình buồn…
Tình Chếƭ Theo Mùa Đông – Lam Phương
Bài hát này được nhạc sĩ Lam Phương viết khoảng đầu thập niên 1970, được xem là 1 trong những ca khúc mà ông viết cho mối tình si mà ông dành cho nữ danh ca Bạch Yến, cùng với các ca khúc Chờ Người, Tiễn Người Đi, Tình Bơ Vơ…
Click để nghe
Chiều buồn ngồi một mình
Nhìn mây trôi mênh mang
Nhìn đôi chim lang thang, lang thang…
Giã Biệt Sài Gòn
Thái Châu chính là người đầu tiên hát bài Giã Biệt Sài Gòn, và đây cũng chính là phiên bản duy nhất thu âm trước 1975. Hiện nay vẫn chưa biết chính xác tác giả bài hát này là ai. Có thông tin không chính xác nói rằng bài hát này của nhạc sĩ Nam Lộc. Điều này không đúng, vì thời điểm đó Nam Lộc chỉ theo dòng nhạc trẻ, và chính ông cũng nói rằng trước 1975 ông không rành nhạc lý, chưa sáng tác nhạc, chỉ viết lời Việt cho nhạc nước ngoài. Sở dĩ có sự nhầm lẫn này là vì sau 1975, Nam Lộc có 1 ca khúc mang tên Sài Gòn Ơi Gia Biệt (Vĩnh Biệt Sài Gòn), có cái tên gần giống với bài Giã Biệt Sài Gòn.
Click để nghe Giã Từ Sàu Gòn (Giã Biệt Sài Gòn)
Cùng trang cùng lứa chúng tôi cùng đơn vị thương mến nhau chung một toán
Giã từ Sài Gòn yêu nửa đêm tâm sự lính kiếp tha hương độc hành…
Thành Phố Mưa Bay – Bằng Giang
Một trong số những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Bằng Giang
Click để nghe Thành Phố Mưa Bay
Có những chiều thành phố mưa bay
Công viên buồn tượng đá cũng buồn
Đêm Lang Thang – Vinh Sử
Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Vinh Sử, ông kể rằng bài hát được sáng tác trong hoàn cảnh bị người yêu cắt đứt liên lạc. Ông mang tâm trạng mong ngóng, bao đêm lang thang với mong muốn được nhìn người yêu một lần nhưng không thể nào gặp lại được, nên đã sáng tác thành 1 bài hát buồn.
Click để nghe Đêm Lang Thang
Vẫn lang thang như người không nhà
Đã xa em nghe buồn nghĩa trang
Người yêu ơi em chắc đang vui
Nào em hay anh rất đơn côi
Gom góp kỷ niệm giây phút tình chia phôi
Lời Đắng Cho Cuộc Tình – Nhật Ngân
Theo tiết lộ của ca sĩ Băng Châu trong chương trình Bước Chân Dĩ Vãng, lúc sinh thời nhạc sĩ Nhật Ngân đã nói với cô rằng ông sáng tác Lời Đắng Cho Cuộc Tình dành cho mối tình si của người bạn thân của ông, đó chính là danh ca nhạc vàng Duy Khánh, và người nữ trong bài hát này không ai khác, mà chính là Băng Châu:
Cuối cùng rồi mình vẫn thế
Có sao đâu, khóc chi em
Cho phai má hồng được gì
Giọt lệ này dành để mai đây
Về cùng người khóc giữa đêm vui
Hơi đâu, hơi đâu mà xót thương thân anh
Click để nghe Lời Đắng Cho Cuộc Tình
Người Tình La Lan – Hàn Châu
Lấy bối cảnh nơi miền sơn cước, ca khúc Người Tình La Lan (sau này ghi là Chuyện Tình La Lan) kể về một người sơn nữ có sắc đẹp truyệt trần tên là La Lan ở một nơi gọi là “sóc Ko-man” chốn rừng sâu núi thẳm… Những nhân vật, địa điểm trong bài hát này hoàn toàn do nhạc sĩ tưởng tượng ra.
Tôi xin kể ra nơi đây
Chuyện một người thiếu nữ đẹp
Đẹp như đóa hoa lan rừng
Hương sắc ơi mặn nồng.
Nàng mang tên là La Lan
La Lan người xứ KO-MAN
Chưa yêu đương chưa đau thương
Nên nàng chưa biết buồn.
Bài hát này được nhạc sĩ Hàn Châu sáng tác vào đầu thập niên 1970, sau đó bán bản quyền cho nhạc sĩ Vinh Sử, và người hát bài này đầu tiên chính là Thái Châu.
Click để nghe Người Tình La Lan
Nỗi Buồn Châu Pha – Nhật Nguyệt Hồ
Cũng mang cùng nội dung là viết về sơn nữ và vùng sơn cước, trước đó nhạc sĩ Lê Dinh đã sáng tác một ca khúc nổi tiếng mang tên Nỗi Buồn Châu Pha (bút danh Nhật Nguyệt Hồ), nói về chuyện tình buồn của nàng sơn nữ mang tên là Châu Pha. Bài hát này cũng do Thái Châu hát lần đầu và thu âm trong băng Shotguns
Click để nghe Nỗi Buồn Châu Pha
Nàng tên Châu Pha, người sơn nữ, bông hoa núi rừng.
Đẹp xinh đơn sơ, tình trong trắng cho đời ước mơ…
Tiễn Đưa – Song Ngọc (thơ Nguyên Sa)
Nhắc đến thi sĩ Nguyên Sa, người ta thường nhớ đến nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Tuy nhiên, ít người biết rằng nhạc sĩ Song Ngọc mới là người đầu tiên phổ nhạc cho thơ của Nguyên Sa, đó là bài hát Tiễn Đưa, được viết năm 1961 khi Song Ngọc mới có 18-19 tuổi.
Tiễn Đưa được phổ từ bài thơ mang tên Tiễn Biệt, được Nguyên Sa sáng tác tại Paris với cảm xúc biệt ly trong những năm sắp sửa (và đã) rời xa nước Pháp khi hoàn thành chương trình học để về lại Việt Nam.
Sau đó vài năm, nhạc sĩ Song Ngọc được một người bạn gái chép tặng bài thơ này. Ông tưởng rằng bài thơ là của cô bạn gái sáng tác, vì rất thích bài thơ này nên ông đã thức trắng nguyên một đêm để phổ thành nhạc, lấy tựa đề là Tiễn Đưa. Sau khi hoàn thành xong, ông cầm bài hát đi khoe với bạn bè, thì mới được bạn cho biết đây là 1 bài thơ rất nổi tiếng của thi sĩ Nguyên Sa lúc đó.
Người về chiều mai hay đêm nay
Người sắp đi hay đã đi rồi
Muôn vị hành tinh rung rung
Lung linh thềm ga vắng
Hay rượu tàn rung trên môi
Click để nghe Tiễn Đưa
Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu – Phạm Duy (thơ Phạm Thiên Thư)
Bài tình ca nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy với dòng thơ của Phạm Thiên Thư
Click để nghe Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu
Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn
Áo nhuộm hoàng hôn
Áo nhuộm hoàng hôn
Bóng ai cắp rổ cắp rổ lên cồn
Lên cồn hái dâu…
Ông Lái Đò (Hiếu Nghĩa)
Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của thể loại nhạc tiền ᴄhiến
Click để nghe Ông Lái Đò
Tôi đã gặp một chiều trên bến nước
Ông lái đò ngồi đợi khách sang sông
Gió đưa nhẹ đôi hàng lau lả lướt
Ông lái buồn đưa mắt mỏi mòn trông
Cô Bé Ngày Xưa (Hoài Linh)
Sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Hoài Linh
Click để nghe Cô Bé Ngày Xưa
Hôm nay về thăm nhà
Nhịp chân lối đi quen xưa
Đây vẫn cây cầu đá
Kia mấy bụi tre già
Sang ngang một con đò
Bồng bềnh con nước đưa
Sương trắng phủ xa mờ
Vài cách én bơ vơ
Đông Kha
chuyenxua.net