Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng. Ông có rất nhiều sáng tác bất hủ thuộc nhiều thể loại, tiêu biểu là các bài hát đậm chất dân ca và mang tình yêu quê hương tha thiết như Thương Quá Việt Nam, Bến Duyên Lành, Thuyền Hoa, Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương, Đường Về Hai Thôn, Chuyến Tàu Về Quê Ngoại… Ông cũng là tác giả của 2 trong số những bài hát hay nhất viết về mẹ là Bông Hồng Cài Áo và Bóng Mát. Ngoài ra những sáng về người lính của ông cũng đã được nhiều người yêu nhạc vàng thuộc nằm lòng là Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái, Đan Áo Mùa Xuân.
Click để nghe Trúc Mai hát Trăng Tàn Trên Hè Phố
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sinh năm 1930, là con út trong một gia đình nghèo có đến 13 người con ở An Nhơn – Bình Định. Khác với hai người anh ruột chọn lựa đi theo nghiệp cầm bút là nhà thơ Phạm Hổ và nhà văn Phạm Văn Ký, Phạm Thế Mỹ theo nghiệp âm nhạc.
Khi mới được 6 tuổi, ông rời quê nhà để ra Huế ở với người anh Phạm Văn Ký để đi học. Vì ông Ký thích nhạc và biết chơi vĩ cầm, nên nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng bắt đầu học nhạc với người anh, 8 tuổi đã chơi thạo mandoline, 12 tuổi chơi được guitar. Sau này về học trung học ở Qui Nhơn, ông còn được học lý thuyết âm nhạc với sư huynh trường dòng tên là Yersin ở trường Gagelin. Năm 14 tuổi, ông đã sáng tác được 1 số ca khúc đơn giản, sau nhờ được bạn bè khuyến khích, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cố gắng học hỏi thêm nhạc lý sáng tác với một người bạn thân là nhạc sĩ vĩ cầm, nghiên cứu nguyên lý sáng tác từ các nhạc phẩm tiên chiến của Đặng Thế Phong, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Phạm Duy, Lưu Hữu Phước… để trau giồi khả năng sáng tác.
Sau khi học xong và về ở Đà nẵng, nahjc sĩ Phạm Thế Mỹ học theo nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác những ca khúc thể loại dân ca mới để kiếm tiền thêm học nhạc. Tại đây ông được học hòa âm với giáo sư Nguyễn Phụng (sau 1955 là hiệu trưởng trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn) và bà Nguyễn Khắc Cung.
Tuy nhiên lúc đó các nhà xuất bản nhạc tờ nói rằng thể loại dân ca mới đã lỗi thời, khó bán. Trong bài viết đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1963, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ kể rằng nhà xuất bản cho biết Nhạc dân ca chính cống của Phạm Duy còn khó bán, huống hồ là nhạc của người mới vào nghề. Muốn xuất bản, muốn nhạc được phát trên đài phát thanh thì phải sáng tác loại mambo, bolero, chỉ sĩ thích hát loại này và quần chúng cùng chỉ mua loại này mà thôi.
Click để nghe Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Bến Duyên Lành thập niên 1960
Đó là lý do mà Phạm Thế Mỹ bắt đầu sáng tác những ca khúc mà sau này được gọi là “dân ca mambo” như Bến Duyên Lành, Lúa Về Đêm Trăng, Tình Mùa Hoa Nở, và đặc biệt là Nắng Lên Xóm Nghèo…
Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng từ trước đó, giai đoạn 1947 đến năm 1949, ông học và hoạt động văn nghệ trong trường Thiếu sinh quân ở Liên khu 5. Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân...
Sau Hiệp định Geneve 1954, nhạc sĩ ông được tổ chức phân công ở lại miền Nam hoạt động. Năm 1959, ông học trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ 1959 đến 1970 ông dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học tư thục Bồ đề, Tây Hồ, Sao Mai, Bán Công, Nguyễn Công Trứ, Tân Thanh… ở Đà Nẵng.
Trong những năm 1965-1966, Phạm Thế Mỹ từng bị bắt giam vì tham gia tích cực phong trào chống chính quyền. Đó cũng là thời gian ông sáng tác ca khúc bất tử Bông Hồng Cài Áo. Ra tù, ông sáng tác các bài hát như Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương, Người Về Thành Phố, Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam, Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ Non, Thương Quá Việt Nam… được phổ biến trong phong trào học sinh – sinh viên Sài Gòn. Từ năm 1970 đến 1975, ông là trưởng phòng Văn-Mỹ-Nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh.
Trong thời gian công tác tại Viện Đại học Vạn Hạnh, ông quen với một nữ sinh viên của trường là Nguyễn Thị Diệu Lý, người đã hát bài “Bông Hồng Cài Áo” trong lần đầu tiên được chọn vào Đội văn nghệ Vạn Hạnh. Họ đều là người cùng quê Diệu Lý ở thành phố Quy Nhơn. Họ nảy sinh tình cảm và kết hôn vào năm 1975.
Sau năm 1975, Phạm Thế Mỹ công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin Quận 4. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát nhạc đỏ như: “Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng”, “Thắm đượm duyên quê,” “Lêna Belicova”… Sau khi nghỉ hưu, ông sống âm thầm, thiếu thốn tại căn nhà chung cư ở Quận 4. Cuộc sống khó khăn của Phạm Thế Mỹ thời gian đó được trang báo giaoduc.edu.vn kể lại như sau:
Sau một thời gian dạy học, Nhà nước cấp cho bà Diệu Lý (vợ Phạm Thế Mỹ) một căn nhà ở Tân Thuận, nhưng chỉ ở đó một thời gian vì không tiện trong việc đi lại ca hát, làm việc cho cả hai. Vì thế, lãnh đạo Nhà Văn hóa Q.4 tạo điều kiện cho vợ chồng ông về ở trong một căn phòng tạm của Nhà Văn hóa. Trong khi bao người mong được có chỗ an cư thì ngược lại nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bàn với vợ trả căn nhà ấy. Bà Diệu Lý nhớ lại: “Thời gian đó đồng lương nghề giáo không đủ sống, tối đi ca hát nhưng bữa ăn chỉ có cơm với tương, chao và rau. Anh Mỹ bảo mình cũng chưa đến nỗi thiếu chỗ ở, thôi thì trả lại để Nhà nước cấp cho người khác khó khăn hơn mình”.
Thời gian sống ở căn phòng tạm của Nhà Văn hóa Q.4 là khi ông cho ra đời nhiều sáng tác nhất. Cường độ làm việc của ông gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần nhạc sĩ khác. Những hôm cúp điện, ông thắp đèn dầu cắm cúi viết nhạc đến sáng. Suốt một thời gian dài như thế, sức khỏe ông ngày càng sa sút. Từ đó, những cơn đột quỵ đến với ông thường xuyên. Bệnh tình chưa lành hẳn, bác sĩ khuyên ông nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng ông lại lao vào làm việc. Vì thế, ông lại bị tai biến nặng. Có thời kỳ ông không thể tự đi lại được.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mất vào lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 1 năm 2009, sau thời gian dài bị bệnh, hưởng thọ 79 tuổi.
Dù là ở thời kỳ nào, Phạm Thế Mỹ cũng có sáng tác nổi tiếng để ngợi ca quê hương và con người Việt Nam, những bài hát thể hiện niềm chờ mong một ngày rạng đông hé dạng và xua đi đêm dài của lửa binh. Thập niên 1950, ông có Nắng Lên Xóm Nghèo, Bến Duyên Lành, thập niên 1960 là Đường Về Hai Thôn, thập niên 1970 là Thương Quá Việt Nam, Chuyến Tàu Về Quê Ngoại, Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam, Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ Non…
Cùng với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Hoài An thì Phạm Thế Mỹ là 3 trong số ít các nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc tình tự dân tộc, ngợi ca quê hương, đất nước và con người với số lượng bài hát nhiều nhất và được yêu thích nhiều nhất.
Sau đây, mời các bạn nghe lại những ca khúc này được thu âm trước và sau 1975:
Nhắc đến đôi song ca Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết, người ta thường nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với 2 ca khúc quê hương gắn liền với đôi song ca này là Trăng Rụng Xuống Cầu và Gạo Trắng Trăng Thanh. Ngoài ra, đôi vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng này còn trình bày hầu hết các ca khúc làng quê của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, mà nổi tiếng nhất 2 ca khúc Bến Duyên Lành và Đường Về Hai Thôn. Mời các bạn nghe lại:
Bến Duyên Lành
Đây chính là một ca khúc tiêu biểu cho thể loại “dân ca Mambo” như đã nhắc tới bên trên.
Ai đi qua trên bến nước làng tôi
Dừng chân nghe cô lái hát khoan hò
Hò hò ơi
Bên bến tự do trăng nước suôi dòng trôi
chim trắng bay ngàn lối
Click để nghe Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Bến Duyên Lành trước 1975
Dù tới nay, ca khúc này được xem là bấy hủ, luôn được khán giả yêu mến suốt 70 năm qua, nhưng chính nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lại không hài lòng về kỹ thuật sáng tác ca khúc này. Ông nói:
Tôi đã dùng nhịp điệu mambo để diễn ta nhịp mái chèo bơi và nói lên nếp sống của đôi vợ chồng chèo đò nơi quê nghèo. Thực ra tôi cũng không ngu đến mức đó, nhưng nhà xuất bản muốn thế tôi phải nghe theo, vì tôi quá cần tiền để trả tiền cơm tháng. Tôi chưa hề biết sông Đồng Nai ra sao, thế mà tôi dám viết: “mai về ngược sông Đồng Nai”… Tôi còn nhớ rõ tôi đã ngồi bên sông Sài Gòn và đã nhìn chiếc chiến hạm của Mỹ để viết đoạn này.
Nắng Lên Xóm Nghèo
Đây được xem là sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, và ngay từ những sáng tác đầu tiên khi bắt đầu sáng tác nhạc, ông thường sáng tác về làng quê, về những tin yêu cuộc sống dù vẫn còn nhiều vất vả mưa nắng:
Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên
Hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến
Đôi bướm vàng nhẩn nhơ khi quyến luyến
Và cô gái làng ngẩn ngơ mơ tình duyên
Click để nghe Như Quỳnh hát Nắng Lên Xóm Nghèo
Đường Về Hai Thôn
Bài hát về một miền quê thanh bình, nơi có 2 thôn cách nhau bằng một dòng sông, có ấm áp tình nồng thắm gắn chặt tình đôi lứa. Cho đến nay đây vẫn là 1 trong những bài hát quê hương được yêu thích nhất.
Click để nghe Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Đường Về Hai Thôn trước 1975
Mời các bạn nghe một phiên bản khác của Duy Khánh và Hương Lan hát trước 1975:
Click để nghe Duy Khánh – Hương Lan hát Đường Về Hai Thôn trước 1975
Phiên bản Duy Khánh – Hương Lan sau năm 1975:
Click để nghe Duy Khánh – Hương Lan hát Đường Về Hai Thôn sau 1975
Chuyến Tàu Về Quê Ngoại
Trong tâm thức của nhiều người, nhiều thế hệ, quê ngoại thường gợi những niềm nhớ nhung xa xăm, là bởi vì đường về quê ngoại thường xa dịu vợi, mịt mờ khuất nẻo, nên gợi thật nhiều cảm xúc:
Ngày xưa trên những con tàu
Về quê thăm ngoại ngày xưa
Mẹ may cho ta áo mới
Còn thêm bánh pháo đỏ tươi
Tàu ơi nhớ chăng ngày vui
Click để nghe Xuân An hát Chuyến Tàu Về Quê Ngoại trước 1975
Bóng Mát
Bài hát viết về tình yêu, quê hương và lòng mẹ, nói về nỗi tiếc nuối về những ngày ấu thơ tươi đẹp nơi quê nhà yêu dấu đã qua. Bài hát nhắc về những hình tượng quê hương đặc trưng nhất, bình dị nhất, như là cây đa trường cũ, bóng tre xanh, ngõ trúc… vốn rất thân thuộc với nhiều người từng được lớn lên ở chốn đồng quê:
Còn đâu nữa! còn đâu nữa!
Tiếng hát ca dao ru tôi vào đời
Còn đâu nữa! còn đâu nữa!
Tiếng hót chim non cây đa trường cũ
Với bóng tre xanh đong đưa nhịp võng,
Click để nghe Mỹ Thể hát Bóng Mát trước 1975
Chùm ca khúc thể hiện hát vọng hòa bình, chờ mong một ngày tươi sáng trên quê hương của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ:
Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam
Một bài hát thể hiện niềm tin phơi phới rằng một ngày rạng đông sẽ về lại quê hương, xua đi bóng đêm dài của lửa binh:
Chờ rạng đông đêm dài Việt Nam
Chờ bình minh trong hồn rực sáng
Chim trắng bay về nở muôn đoá hoa rừng
Lúa chín mừng anh em
Mừng đất nước qua rồi đêm đen
Click để nghe Khánh Ly hát Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam trước 1975
Dựng Lại Quê Hương
Sau khi rạng đông ló dạng, cũng là lúc toàn dân chung sức dựng lại quê hương:
Dựng lại quê hương ta
Từng nụ hoa, từng đọt lá
Từng ụ rơm, từng đàn gà
Dựng lại quê hương ta
Để cỏ khô thành ngọn lúa
Để trẻ thơ được cười đùa…
Click để nghe Miên Đức Thắng hát Dựng Lại Quê Hương trước 1975
Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ Non
Bài hát mượn hình ảnh ngựa hồng để nói về quê hương qua hai thời kỳ. Những năm xưa đồng hoang cỏ cháy, lá úa cây khô, ngựa hồng đi trong tiếng khóc và nước mắt, là biểu trưng cho người Việt qua bao năm tháng lầm than. Nhưng dù bao tang thương, ngựa không khuỵu ngã và vẫn tiếp tục đi vì biết rằng ở phía trước sẽ có ngọn suối thơm ngon và những đồng cỏ xanh tươi.
Qua một giai đoạn khác, khi đã hiên ngang bước qua hết những gian nan, đã gặp được miền thảo nguyên xanh ngát, bầy ngựa hồng lại đưa nhau về quê hương, dựng lại đường hoa đã bỏ quên năm nào, dựng lại những tươi xanh trên đồng xưa, trên quê hương dấu yêu.
Click để nghe Miên Đức Thắng và Đăng Lan hát trước 1975
Thương Quá Việt Nam
Bài hát được sáng tác vào thời ký Hòa đàm Ba Lê chuẩn bị được ký kết, trong tâm thức đón chờ ngày thanh bình về lại trên quê hương, nhiều nhạc sĩ nhạc vàng đã sáng tác những ca khúc đầy niềm tin yêu và hy vọng, trong đó có Phạm Thế Mỹ với Thương Quá Việt Nam. Bài hát là những lời yêu quê hương, yêu con người tha thiết:
Click để nghe Thái Châu – Sơn Ca hát Thương Quá Việt Nam trước 1975
Yêu thương người yêu thương ta
Yêu luôn những thú hoang rừng già
Yêu bạn bè như yêu ta
Ôi thương quá trái tim Việt Nam
Thuyền Hoa
Đây cũng là một sáng tác nhân dịp năm 1973 của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, với ước vọng chờ mong một tương lai mới cho quê hương, để đôi lứa được tròn duyên và anh sẽ được đưa nàng về trên con thuyền hoa bên dòng sông quê…
Click để nghe Sơn Ca hát Thuyền Hoa trước 1975
chuyenxua.net