Trong số hàng trăm nhạc sĩ nổi tiếng của tân nhạc Việt Nam kể từ thập niên 1940, không ai có thể sánh bằng nhạc sĩ Phạm Duy nếu xét về số lượng bài hát nổi tiếng và sự đa dạng về đề tài sáng tác. Sau đây xin giới thiệu hoàn cảnh sáng tác của một vài ca khúc nổi tiếng của ông, những bài hát đã trở thành bất hủ và sống mãi cùng thời gian.
CÂY ĐÀN BỎ QUÊN
Ca khúc Cây Đàn Bỏ Quên được sáng tác vào khoảng giữa thập niên 1940, là một trong những ca khúc được sáng tác vào thời gian đầu của sự nghiệp đồ sộ của nhạc sĩ Phạm Duy. Lúc sinh thời ông từng chia sẻ về ca khúc này:
“Tôi làm bài hát Cây Đàn Bỏ Quên từ lúc mười tám đôi mươi tuổi. Lúc đó tôi tham lắm, đã được người yêu tặng một bông hoa, để bông hoa ấy trên cây đàn. Nhưng rồi tôi tự hỏi cô ấy yêu cây đàn hay yêu tôi? Bây giờ tôi già rồi nên chắc tôi không cần phải tự hỏi nữa. Cô đó cách đây cũng 70 năm rồi, chắc đã yêu cây đàn và yêu cả người già này nữa”.
Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn
Đêm khuya thao thức mơ màng
Chờ mai tìm đến cô nàng ngây thơ…
Click để nghe Elvis Phương hát Cây Đàn Bỏ Quên trước 1975
PHỐ BUỒN
Giữa thập niên 1950, khi cuộc sống của Sài Gòn hoa lệ vẫn chưa đi vào ổn định, ngay bên cạnh ánh sáng kinh kỳ phồn hoa là những khu nhà lá tồi tàn với đường lầy muôn lối quanh, là nơi sinh sống của những người lao động nghèo tha hương. Đã có ít nhất 3 nhạc sĩ cảm thông với cuộc sống khó khăn đó của một giai tầng xã hội và sáng tác ra những ca khúc mô tả hình ảnh xóm nghèo Sài Gòn của 65 năm trước, đó là nhạc sĩ Lam Phương với Kiếp Nghèo, nhạc sĩ Phạm Đình Chương với Xóm Đêm, và nhạc sĩ Phạm Duy với Bên Ni Bên Nớ, Phố Buồn.
Click để nghe Lưu Hồng hát Phố Buồn
Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết ông sáng tác Phố Buồn năm 1954, nhắc đến người lao động ở những khu nhà vách lá ở ven đô. Không gian của bài hát được mô tả là một xóm nghèo trên con đường nhỏ không tên, có bùn lầy bôi quết, 2 bên là những mái tranh im lìm và tối tăm không đèn. Tất cả những hình ảnh đó hiện ra ngả nghiêng theo bước chân về nhà của một cô gái được tác giả gọi là “em” sau một ngày làm việc vất vả, trong một đêm mưa rả rích:
Ðường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Ðường về nhà em tối đen.
Những gian nhà xập xệ đó là nơi cư ngụ của những công dân hèn mọn, tội nghiệp, chỉ cần nhìn qua song cửa là đã có thể thấy toàn bộ hoàn cảnh của họ:
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Những người lao động nghèo trong xóm mạt hạng này có lẽ là sẽ vĩnh viễn không được hưởng thụ cuộc sống thanh nhàn như là những công dân hạng ưu khác. Quanh năm suốt tháng, sau một ngày mưu sinh vất vả thì đêm về họ chỉ có thể về lại căn nhà 4 vách phênh tồi tàn để chờ hết ngày, thì làm sao biết thế nào là “hương đêm”, làm sao biết những thú vui giải trí ở chốn phồn hoa dù chỉ cách họ một dãy phố nhưng không bao giờ chạm tay tới được.
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm.
Hạt mưa, mưa rơi tí tách
Mưa tuôn dưới vách
Mưa xuyên qua mành
Hạt mưa, mưa qua mái rách
Mưa như muốn trách
Sao ta chạy quanh
Hạt mưa, mưa yêu áo rách
Yêu đôi sát nách
Mưa ngưng không đành
Hạt mưa, mưa gieo tí tách
Mưa lên tiếng hát
Ru cơn mộng lành.
Những người cả đời được ở trong những căn nhà xây vững chãi tường cao, hay là các căn villa hào nhoáng, sẽ không bao giờ biết được thế nào “mưa tuôn dưới vách”, “mưa xuyên qua mành” hay là “mưa qua mái rách” của những căn nhà mái tranh vách nứa, mỗi mùa mưa đến phải huy động tất cả xô chậu trong nhà để hứng nước dột.
Hạt mưa đã “làm bạn” với người nghèo như vậy qua mọi thời, mưa biết yêu áo rách của người nghèo, yêu đôi sát nách của tầng lớp bình dân, và hạt mưa cũng được nhân cách hóa để biết trách nhân thế sao cứ hoài chạy quanh một vòng lẩn quẩn. Vì cảm thông cho những kiếp nghèo nên mưa cũng lên tiếng hát để ru cho xóm nghèo được những đêm yên giấc mộng lành.
Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết: “Với bài này, tôi nghịch ngợm với chữ nghĩa và vần điệu, như mưa rơi tí tách, mưa tuôn dưới vách, mưa qua mái rách, mưa như muốn trách, mưa yêu áo rách… và mơ màng hộ những đôi tình nhân nghèo, phải sống trong những ngôi nhà gỗ mái tôn trong hẻm tối phố buồn rồi nhìn ngôi nhà gạch mà họ mơ tưởng như chiếc bánh ngọt ngon”.
Ðường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang
Ánh sáng kinh kỳ tràn lan
Ðời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng Xuân sang
Yêu phố vui, nhà gạch ngon…
Sài Gòn phồn hoa có muôn vàn ánh đèn đô thị tràn lan, nhưng dù có là bao nhiêu đèn hoa thì cũng không thể nào soi sáng cho tới phố buồn nơi này:
Ðèn đêm không soi bóng vắng
Kinh đô thắc mắc
Im nghe phố buồn
Người đi trong đêm tối ám
Nghe mưa thức giấc
Khuyên nhau chờ mong.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhìn thấu được những đời nghèo lững lờ trôi đi như một chiếc bóng trong đêm tối ám, và thấy cả những cuộc tình nghèo không thể nào thấy được tương lai, chỉ biết khuyên nhau chờ mong mà thôi…
Click để nghe Thanh Thúy hát Phổ Buồn trước 1975
Bài hát Phố Buồn nổi tiếng qua giọng hát Thanh Thúy từ khi cô hãy còn là một thiếu nữ đôi tám. Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét như sau:
“…Nhờ giọng hát ma quái của Thanh Thúy, nhờ nhà xuất bản ở chợ trời âm nhạc tái bản tới 8 lần, bài ca xã hội này phổ biến ra dân chúng rất nhanh, rất rộng mà không cần phải nhờ tới đài phát
thanh…”
HẸN HÒ
Ca khúc “Hẹn Hò” của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác đầu thập niên 1950, khi tác giả mới vừa đến tuổi tam thập nhi lập sau thời gian của bước đường kiêu bạt ca nhân lãng tử giang hồ.
Trong Hồi ký, ông viết ngắn gọn về ca khúc này: “Bài Hẹn Hò được xây dựng trên giai điệu ngũ cung, kể lể một câu chuyện tình thảm thiết, giống như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ”.
Click để nghe Thái Thanh hát Hẹn Hò
Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào
Trời thì mưa rơi mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau
Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu…
NHỚ NGƯỜI RA ĐI – NGƯỜI VỀ – NGÀY TRỞ VỀ
Tháng 7 năm 1954, sau khi đã định cư ở Sài Gòn được khoảng 2 năm, nhạc sĩ Phạm Duy giã từ gia đình, vợ con để lên đường sang Pháp du học, mong muốn tiếp cận tinh hoa nhạc học của thế giới.
Nhạc sĩ xa quê hương trong thời điểm rất đặc biệt, vì cũng trong tháng 7 của năm đó, hiệp định Geneve được ký kết, với mục đích ban đầu là khôi phục hòa bình tại Đông Dương. Vì ý nghĩa tốt đẹp đó, ai cũng nghĩ rằng sau đó thì người lính được trở về nhà bên gia đình, sẽ được vĩnh viễn xa rời những vùng trận địa hãi hùng.
Từ trời Tây, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác ca khúc Ngày Trở Về để ghi dấu “ngày trọng đại” đó:
Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe,
vườn rau trước hè cười đón người về…
Click để nghe Thái Thanh hát Ngày Trở Về trước 1975
Sau đó không lâu, ông còn sáng tác một bài hát khác nữa có cùng chủ đề, đó là bài Người Về.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong hồi ký như sau:
“Tôi học được nhiều điều trong những ngày làm quen với không khí kinh đô văn hoá là Paris này. Tuy nhiên, tò mò đi vào thế giới văn học và nghệ thuật của Pháp quốc, tôi vẫn chưa quên được Việt Nam. Vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh quê hương, tôi soạn bài Người Về trong một đêm đi một mình giữa Paris vắng lạnh. Bài này nói tới người mẹ, người vợ và đàn con trong bài Nhớ Người Ra Đi của thời kháng chiến, nay rất vui mừng khi thấy người đi đã trở về”.
Me có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim tràn trề
Nụ cười nhăn nheo bỗng rưng lệ nhoè…
Click để nghe Thái Thanh hát Người Về trước 1975
Theo lời nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, ca khúc Người Về là phần nối tiếp theo của ca khúc Nhớ Người Ra Đi được ông sáng tác năm 1947. Sau ca khúc viết cho người lính ra đi diệt thù, 7 năm sau đó ông đã cho người lính đó được trở về với mẹ già, trong vòng tay người vợ hiền và đàn con thơ. Cả 2 bài hát đều có 3 lời riêng biệt, viết cho người mẹ, người vợ, và người con.
Hình bóng mẹ già trong bài Nhớ Người Ra Đi là:
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già…
Cầu cho đứa con trai
Ở đâu đó con ơi, được vui…
Người vợ:
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền…
Rồi em nhớ em mong
Chờ chiến sĩ xa xăm lập công…
Và đàn con:
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ…
Rằng: Cha chúng con đâu?
Về mua bánh cho con, mẹ ơi…
Click để nghe Thái Thanh hát Nhớ Người Ra Đi trước 1975
Thời điểm bài hát ra mắt vào cuối thập niên 1940, Nhớ Người Ra Đi đã gây được xúc động mạnh đối với những người vợ, người mẹ có người thân ra trận. Những bà mẹ quê tiễn con ra đi, chắc chắn là ai cũng mong con sẽ được lành lặn trở về, hoặc ít nhất là: “Cầu cho đứa con trai. ở đâu đó con ơi, được vui…”
Từng là một người trong cuộc, nhạc sĩ Phạm Duy rất hiểu điều đó, nên ông đã cho người về đoàn tụ bên gia đình bằng bài hát Người Về khi nghe tin hiệp định Geneve được ký kết:
Me có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim tràn trề
Nụ cười nhăn nheo bỗng rưng lệ nhoè
Con thấy me yêu đã già
Hẳn là miền quê những năm vừa qua
Chiếc bóng in trên vách nhà
Một ngày một đêm tóc sương phai mờ
TÌNH HOÀI HƯƠNG
Năm 1952, ngay khi vừa mới đưa gia đình rời Hà Nội để vào sinh sống ở Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác Tình Hoài Hương để thể hiện niềm nhớ cố hương đã xa ngút ngàn. Trong tập hồi ký được viết vào thập niên 1990, nhạc sĩ chia sẻ về nhạc phẩm này:
“Tôi soạn bài Tình Hoài Hương (1952) nằm trong loạt huyền thoại quê hương mà tôi tạo ra, nhờ có cơ hội đi khắp ba miền đất nước trong thời bình và trong thời ᴄhιến… bài hát này không còn là một bài đối cảnh sinh tình như trước đây nữa. Nó là một bài hát hoài cảm, là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lìa. Ngờ đâu nó sẽ là bài hát hoài hương của một triệu người di cư vào Nam hai năm sau đó”.
Click để nghe Thái Thanh hát Tình Hoài Hương trước 1975
Cái hay của Tình Hoài Hương là chất tự sự, hoài nhớ da diết trong từng lời hát. Về cuối đời, khi nhìn lại nhạc phẩm này của mình, chính nhạc sĩ Phạm Duy cũng đặt câu hỏi về “niềm nhớ lớn lao” mà ông có được trong bài hát được ông viết khi ngoài 30 tuổi, đã có gia đình nhưng còn rất phong lưu và chưa hề chồn chân mỏi gối trên con đường phiêu du: “Tại sao vào cuối năm 1952 này tôi có nổi một niềm nhớ quá lớn lao như vậy? Nhớ tất cả những chi tiết nhỏ nhất của dĩ vãng chưa đủ, còn phóng tâm tư đi tới những mối tình muôn đường của hàng ngàn phương trời mình chưa hề đặt chân tới. Cũng có thể vì sức sáng tác bị dồn nén sau gần hai năm bây giờ mới được toàn vẹn tung ra chăng?” (trích hồi ký Phạm Duy)
Và chính nhờ “niềm nhớ lớn lao” đó, “nhớ tất cả những chi tiết nhỏ nhất của dĩ vãng” mà đã có một bức tranh quê hương ngọt ngào, sống động, bình dị mà thân thương phủ tràn trong lời hát Tình Hoài Hương:
Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê
Quê hương tôi có con sông đào ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!
TÌNH CA
Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất trong gia tài đồ sộ hàng ngàn ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, đó là bài Tình Ca, được sáng tác năm 1953. Ca khúc này chứa đựng mơ ước lớn lao là gắn kết tình cảm của con dân nước Việt về cùng một mối, như lời chia sẻ của chính tác giả ở trong hồi ký:
“Sau khi tung ra Tình Hoài Hương, tôi có ngay bài Tình Ca xưng tụng tiếng nói, cảnh vật và con người Việt Nam. Mùa Xuân năm đó, trong gian phòng bốn thước vuông ở căn nhà gỗ ngõ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con (Phạm Duy Minh mới ra đời) vừa hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời…
Bài Tình Ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi.
Thật là may mắn cho tôi là nói lên được phần nào bản sắc quốc gia (identité nationale) qua bản Tình Ca này.
Click để nghe Thái Thanh hát Tình Ca trước 1975
Trong quá khứ, các bậc tiền bối chưa kịp làm công việc đó vì đã có lúc chúng ta có một cuộc nội chiến khá dài. Đó là 200 năm phân tranh giữa hai miền Đàng Ngoài – Đàng Trong. Trong khoảng từ những năm 1600 cho tới 1800, người trong nước khó có được sự đồng nhất quốc gia. Đàng Ngoài, sĩ phu Bắc Hà không có thời gian và phương tiện để tìm hiểu bờ cõi giang sơn mỗi ngày một thêm bành trướng với cuộc Nam Tiến. Đàng Trong, sĩ phu bận bịu với những lo toan kiến thiết ở địa phương. Miền nào kẻ sĩ phải phục vụ vua quan của miền đó.
Tuy là một nước nhưng có hai bộ máy chính trị và văn hoá. Do đó, chưa hề có tác phẩm nào nói lên được một ý thức quốc gia toàn diện. Tới khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà và đất nước mở rộng hơn nữa về phía Nam, trong khoảng 50 năm ngắn ngủi, các nhà nho của triều Nguyễn chưa kịp đưa ra một hình ảnh quốc gia trọn vẹn nhất thể, nhất tề, nhất trí thì người Pháp tới xâm lăng Việt Nam. Trong 80 năm nô lệ sau đó, bản sắc quốc gia trong văn học nghệ thuật Việt Nam chưa kịp hình thành thì bị xé nát bởi chính sách chia để trị của Pháp, cố tình đề cao sự khác biệt giữa ba miền và giữa những người dân trong một nước, khiến ta mất đi ý niệm quốc gia đồng nhất. Khi có những phong trào phục quốc như Cần Vương, Văn Thân… ý thức quốc gia vẫn còn mang ý niệm bảo hoàng, phong kiến.
Định mệnh khiến cho tôi, một cá nhân tầm thường, qua một bản Tình Ca ngắn ngủi, đưa ra khái niệm con người Việt Nam với địa dư, lịch sử và tiếng nói chung của một dân tộc đã từng chia sẻ với nhau trên vài ngàn năm lẻ. Tôi làm được việc này vì tôi có may mắn được đi ngang đi dọc nhiều lần trên bản đồ hình chữ S, gặp gỡ đủ mọi hạng người trong xã hội, nhất là được sống với những nổi trôi của lịch sử từ thời thơ ấu qua thời vào đời tới thời cách mạng kháng chiến.
Bài Tình Ca được mọi người yêu thích ngay. Nó nói tới quê hương đất nước nhưng cũng nói luôn tới tiếng nói và con người nữa. Là bài hát tình ca quê hương nhưng nó còn là bài hát tình tự dân tộc”.
DẠ LAI HƯƠNG
Trong gia tài âm nhạc có số lượng rất đồ sộ của nhạc sĩ Phạm Duy, có một bài hát mang tên là Dạ Lai Hương, dù không quá nổi tiếng so với nhiều ca khúc khác, nhưng luôn được đánh giá cao về nhạc thuật, về tính thẩm mỹ của ca từ.
Click để nghe Thái Thanh hát bài Dạ Lai Hương
Trong một bài viết, ca sĩ Quỳnh Giao nói rằng đây là bài hát mà các đồng nghiệp khó tính của nhạc sĩ Phạm Duy như Vũ Thành, Hoàng Trọng đều ngợi ca và trân trọng viết hoà âm thật đẹp:
Ðêm thơm như một dòng sữa
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà
Hiu hiu hương từ ngàn xa
Bỗng quay về dạt dào trên hè ngoài trời khuya…
Bài hát Dạ Lai Hương nói về loài hoa dạ lai hương, còn được gọi là dạ lý hương, có mùi hương rất đặc trưng vào ban đêm có thể làm thơm nức cả một vùng không gian: “đêm thơm như một dòng sữa”. Nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng khi viết câu này, ông đã nhớ lại những ngày cùng mẹ sống ở Hưng Yên trước đó hơn 10 năm, ở trước nhà có hàng cây hoa sữa rất lớn, thơm nồng cả dãy phố, và hoa sữa cũng có mùi hương gần giống như dạ lý.
Bài Dạ Lai Hương được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1953 tại Huế. Khi này ông đã dẫn vợ con vào định cư ở Sài Gòn được một năm, nhưng rồi lại ra Huế làm việc một thời gian tương đối lâu theo lời mời của người bạn là Nguyễn Đức Quỳnh. Ông kể lại trong hồi ký:
“Tôi có đủ thời giờ để biết Huế hơn xưa, biết yêu những con đường thật nhỏ và yên tĩnh (yêu nhất con đường mang tên Âm Hồn) dẫn dẫn tôi đi vào những căn nhà êm đềm và gặp cuộc sống rất thầm lặng của những người tôi đã vô phép gọi là của xứ dân gầy.
(…)
…Dù là kẻ rất ham mê những thú vui nhục dục, tôi cũng biết đi tìm con người và cảnh vật của Huế để thấy được khía cạnh thanh tao của những ngày ở nơi cố đô này. Lững thững đi chơi một mình nơi chùa Thiên Mụ hay tại những lăng tẩm vô cùng thầm lặng. Làm quen với những người nếu không là Công Tằng Tôn Nữ thì cũng thuộc thành phần cao trong xã hội, có lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ duyên dáng dễ thương, tôi có nhiều cảm hứng để soạn bài Dạ Lai Hương”.
Trong lời đề tựa cho bài hát, nhạc sĩ Phạm Duy ghi: “Tặng Thu Vân, Dạ Thảo”.
Thu Vân và Dạ Thảo cũng chính là “lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà” trong đoạn đầu bài hát. Đó là tên của 2 nữ sinh Đồng Khánh, là cháu gọi Đức Từ Cung (mẹ của cựu hoàng Bảo Đại) là cô ruột.
Khi làm việc tại Huế, nhạc sĩ Phạm Duy được một người quen là nghệ sĩ Vũ Đức Duy dẫn đến nhà của 2 chị em Thu Vân – Dạ Thảo để chơi, họ rất vui mừng và hân hạnh được đón tiếp tác giả của bài hát mang tên Tình Ca chỉ vừa ra mắt trước đó một năm đã được phát thường trực trên đài phát thanh, nổi tiếng khắp cả nước.
Sau bữa tối, mọi người cùng nhau ngồi trước sân nhà, trong một không gian huyền ảo nhiệm mầu giữa lòng cố đô đầy linh khí, giọng hát ấm áp và tài hoa của chàng nhạc sĩ ngoài 30 tuổi – từng là ca sĩ tân nhạc nổi danh là Phạm Duy – đã hoàn toàn chinh phục được trái tim của những cô gái Huế con của chủ nhà.
Hai nàng thiếu nữ công khai bày tỏ lòng ngưỡng mộ, không thể giấu được tiếng lòng thổn thức với chàng, nhưng lúc đó thì Phạm Duy đã có Thái Hằng, vừa mới sinh con đầu lòng Duy Quang được hơn một năm, nên chỉ có thể đáp lại sự ngưỡng mộ đó của những cô nàng xứ Huế bằng âm nhạc mà thôi. Bài hát Dạ Lai Hương tràn ngập niềm yêu đời, yêu người, “tình lên phơi phới”, nhưng nhạc sĩ Phạm Duy xác nhận rằng cái “tình” đó chỉ đơn thuần là tình người, tình nhân loại trong cõi thái hòa, của những người cùng nhau đắm chìm trong không gian tràn đầy nhạc điệu mê đắm, cùng biết rung cảm trước sự huyền ảo tuyệt diệu của bầu không gian xứ Huế có làn gió nhẹ mang mùi thơm dạ lý hương nồng nàn như mùi sữa.
Để diễn tả những tình cảm trong sáng, thánh thiện, thuần khiết và lánh xa bụi trần nhân thế đó, thanh âm của bài hát cũng được dàn trải rất nhẹ nhàng, qua mỗi câu càng được lên cao như là tình cảm đang dâng tràn tuôn theo mùi hương trong màn đêm, êm mướt như nhung:
Đường đêm sao yên vui,
Người đi quen lối,
Tình trai nở bốn phương trời
Đàn em trong cơ ngơi,
Nhờ đêm đưa tới những ai làm ngát hoa đời.
Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi
Nhẹ bàn tay hương yêu ơi…
TUỔI BIẾT BUỒN
Tháng 10 năm 1973, ca sĩ Thanh Lan có chuyến lưu diễn đáng nhớ đến Nhật Bản cùng với nhạc sĩ Ngọc Chánh và nhạc sĩ Phạm Duy. Trong khán phòng rộng lớn của Budokan Hall tại thủ đô Tokyu, một sân khấu tròn rất lớn được đặt ở chính giữa với khoảng 100 nhạc công liên tục trình diễn. Đó là sân khấu của Đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha. Ca sĩ Thanh Lan đứng chính giữa sân khấu thể hiện ca khúc “Tuổi Biết Buồn” của hai vị nhạc sĩ, giữa vòng vây của khoảng 10 ngàn khán giả Nhật Bản và quốc tế để theo dõi buổi trình diễn của các nghệ sĩ đến từ nhiều nước Âu, Á khác nhau. Tiếng hát Thanh Lan cùng với ca khúc này đã vào đến vòng chung kết của đại hội.
Theo lời kể của nhạc sĩ Ngọc Chánh, đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha là cuộc thi âm nhạc thế giới thường niên do hãng Yamaha tổ chức. Năm 1973, ban tổ chức mời đoàn Việt Nam và nhạc sĩ Phạm Duy tham dự. Nhận được lời mời, nhạc sĩ Phạm Duy tìm gặp Ngọc Chánh, ngỏ ý muốn viết chung một ca khúc để gửi dự thi. Trước đó, hai ông từng viết chung hai ca khúc là Bao Giờ Biết Tương Tư (1970) và Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang (1971), đều rất thành công.
Ca khúc Tuổi Biết Buồn ra đời với phần nhạc do Ngọc Chánh viết và phần lời do nhạc sĩ Phạm Duy đặt. Sau khi hoàn thành ca khúc, Ngọc Chánh chọn ca sĩ Thanh Lan để trình diễn vì “cô có dáng dấp của một sinh viên, lại đang là một sinh viên Văn Khoa của ban sinh ngữ”, rất phù hợp với nội dung bài hát.
Đối với cả hai nhạc sĩ gạo cội Phạm Duy và Ngọc Chánh, “Tuổi Biết Buồn” không phải là nhạc phẩm đỉnh cao, quan trọng nhất trong sự nghiệp của cả hai ông. Nhưng đối với ca sĩ Thanh Lan, việc thể hiện thành công ca khúc lại là một dấu mốc quan trọng, mở ra những mối cơ duyên với nước Nhật và cho sự nghiệp của cô sau này. Sau đêm diễn, Thanh Lan được hãng đĩa Victor mời ở lại Tokyu thêm 1 tuần để hợp tác thâu âm hai ca khúc tiếng Nhật là Aino hino Kesanaide và Yume Miru (lời Nhật ca khúc Tuổi Mộng Mơ của nhạc sĩ Phạm Duy).
Gần 50 năm đã trôi qua, kể từ khi ra đời, nhắc đến “Tuổi Biết Buồn”, người ta vẫn luôn nhớ tới giọng hát trong trẻo và cũng chan chứa nỗi niềm của Thanh Lan…
Click để nghe Thanh Lan hát Tuổi Biết Buồn trước 1975
Bên trên là hoàn cảnh sáng tác một số ít trong số hàng trăm bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông còn nhiều bài hát bất hủ khác với nhiều chủ đề khác nhau, hoàn cảnh sáng tác những ca khúc này sẽ được nhắc đến trong một bài viết khác.
chuyenxua.net