Ngày nay, giữa con đường An Dương Vương nhộn nhịp và xô bồ, hơi khuất sau những hàng cây xanh là ngôi trường đã được xây hơn 100 năm trước, đến nay vẫn còn giữ lại phần nào được kiến trúc cũ, đó là trường Đại Học Sài Gòn.
Đây là ngôi trường mang kiến trúc cổ kính kết hợp giữa kiến trúc Trung Quốc và Pháp, được xem là trường Đại học đẹp và cổ kính nhất Sài Gòn hiện nay.
Trước 1975, đây là trường trung học Bác Ái Học Viện, là ngôi trường lâu đời và lớn nhất của người Hoa ở Chợ Lớn. Ngoài tiếng Trung, học sinh trường Bác Ái còn được học tiếng Pháp, nên sau khi tốt nghiệp có thể nói song ngữ lưu loát. Thời đó, những học sinh tốt nghiệp trường này vì nói được cả 3 thứ tiếng Việt – Hoa – Pháp nên rất có vị thế trong xã hội.
Năm 1908, bang trưởng bang Phúc Kiến, đồng thời là hội viên của Hội Đồng thành phố Chợ Lớn là Tạ Mã Điền (Tja Ma Yeng) đã tài trợ tài chánh để xây dựng và lập ra trường trung học Pháp-Hoa, tên chính thức là Lycée Franco-Chinois.
Toàn quyền Pháp lúc bấy giờ là Jean Paul Beau rất ủng hộ việc thúc đẩy nhanh chóng xây dựng trường Pháp-Hoa để ngăn chặn làn sóng con em người Hoa giàu có ở Chợ Lớn phải đi du học ở Nhật Bản, Hongkong hoặc Đại lục.
Thời đó, những học sinh tốt nghiệp từ trường Lycée Franco-Chinois được đánh giá cao, và có vị thế vững chắc trong xã hội cũng như trong lãnh vực thương mại khắp Nam kỳ lục tỉnh, vì họ thông thạo hai hoặc ba thứ tiếng (Việt-Pháp-Hoa). Họ được người Saigon-Chợ Lớn và Lục tỉnh gọi là “Mái Chín”. Một số truyện của Hồ Biểu Chánh và Bình Nguyên Lộc cũng có nói về các ông Mái Chín này.
Suốt thời kỳ Pháp thuộc, Trường trung học Pháp Hoa chỉ dành cho người Hoa học. Đến năm 1955 chính quyền VNCH đổi tên Lycée Franco-Chinois thành Trường trung học tư thục Bác Ái Học viện (Collège Fraternité), dạy từ lớp đệ thất đến đệ nhất, bắt đầu nhận cả học sinh Việt.
Bác Ái Học Viện thời điểm này có 20 lớp, mỗi lớp gồm 40 học sinh. Đồng phục áo trắng, quần xanh, vớ và giày Bata trắng, nữ mặc áo trắng với váy xanh dương đậm.
Theo nhạc sĩ Ngọc Sơn, trong biến cố Tết Mậu Thân 1968, Bác Ái Học Viện trở thành một trại tị nạn cho người dân Chợ Lớn bị mất nhà cửa, và bài hát nổi tiếng “100 Phần Trăm” cũng được ông sáng tác trong thời gian ông quen một cô nữ sinh gốc Hoa tị nạn tại đây.
Trường trung học Bác Ái Học Viện hoạt động đến năm 1975 thì bị giải thể, đến năm 1976 trở thành trụ sở của trường Cao đẳng Sư phạm TpHCM, trên cơ sở trường Sư phạm cấp 2 miền Nam Việt Nam được thành lập từ năm 1972.
Từ năm 2003, trường Cao đẳng sư phạm bắt đầu được nâng cấp thành bậc đại học, đến năm 2007 thì cơ sở trường Bác Ái Học Viện cũ chính thức trở thành trụ sở trường Đại Học Sài Gòn cho đến nay.
Một số hình ảnh khác của trường Bác Ái Học viện:
Những hình ảnh hiện nay của trường Đại Học Sài Gòn:
–
–
Nói thêm về người đầu tiên có sáng kiến thành lập trường trung học Pháp – Hoa, tiền thân của Bác Ái Học Viện, đó là ông Tạ Mã Điền, có tục danh là Má Chín Dánh, sinh năm 1862 ở Batavia, đảo Java của Nam Dương (Indonesia), mất năm 1940 ở Chợ Lớn. Ông là người Hoa gốc Phúc Kiến từ đảo Java, lúc này là thuộc địa của Hòa Lan, đến Chợ Lớn năm 1885 buôn bán và xuất khẩu gạo. Cũng giống như một đại phú gia người Hoa ở Chợ Lớn khác là Quách Đàm (người xây chợ Bình Tây), ông Tạ Mã Điền có các tàu vận tải chở hàng chạy bằng hơi nước và rất nhiều nhà cửa ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Ông được bầu làm bang trưởng bang Phúc Kiến, hội viên của Hội Đồng thành phố Chợ Lớn.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, Tạ Mã Điền hữu hai nhà máy xay lúa Bang-aik-Guan (Vạn Ích Nguyên) và Ban-Hong-Guan ở hai bên bờ kinh Tàu Hủ.
Trong giai đoạn đầu ông lập công ty buôn bán gạo “Ban Guan” (Vạn Nguyên), gia nhập quốc tịch Pháp năm 1905 và sau đó mua lại một nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước của một công ty Pháp sắp sửa phải đóng cửa. Ông đặt lại tên nhà máy là Ban Aik Guan Steam Rice Mill Co. Ltd.
Sau đó Tạ Mã Điền thấy nhà máy Ban Aik Guan Steam Rice Mill vẫn còn nhỏ. Để phát triển thêm, ông mua đất ở dọc bến Bình Đông và xây một nhà máy lớn hơn trang bị với máy xay lúa mới và đặt tên nhà máy mới này là “Ban Hong Guan”. Ông còn có cơ sở mua bán lúa và nhà máy xay lúa nhỏ ở 231 quai de Mytho (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt).
Thời gian sau đó, ông còn xuất khẩu gạo qua công ty của mình là “Hock Guan Hong”.
Bốn người con trai của Tạ Mã Điền đều theo Tây học, đó là Tạ Thanh Thuyền, Ta Thanh Tông, Tạ Thanh Hảo và Tạ Thanh Tri, cũng đều tham gia vào lãnh vực thương mại, phụ giúp cha mình điều hành công việc.
Đông Kha – chuyenxua.net
Có 1 nhà mồ ở đường trân hung Đạo , gần rạp Đại nam , hỏng biết của ai xin giải thích ? Cám ơn
Ad sẽ viết 1 bài về nhà mồ này sau ạ
Nhờ ad viết bài về trường Chợ Đũi – Tôn Thọ Tường – Phan Văn Trị – Cô Giang
Cảm ơn Chuyện xưa đã giúp cho con cháu đời sau biết thêm về gốc gác và lịch sử hình thành của những di tích còn sót lại một thời!
Ngôi trường nhiều kỷ niệm. Xin cảm ơn