Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Cùng với Phạm Duy và Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhiều người xem là 1 trong 3 người có ảnh hưởng lớn nhất của tân nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, cũng giống như nhạc sĩ Phạm Duy, vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến những vấn đề ngoài chuyên môn âm nhạc, tuy nhiên dù thích hay ghét thì ít người phủ nhận những đóng góp cho âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với hàng trăm bài hát được đông đảo công chúng biết đến.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại Daklak, tuy nhiên đó chỉ là một trong số những chỗ ở mà gia đình Trịnh Công Sơn đã chuyển tới theo những chuyến đi của cha ông. Cha mẹ Trịnh Công Sơn đều là người Huế. Quê gốc của ông là ở làng Minh Hương, xã Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế.


Mối tình Trịnh Công Sơn – Bích Diễm và 2 ca khúc Diễm Xưa – Hạ Trắng

Năm 1943, gia đình Trịnh Công Sơn chuyển về Huế. Tại Huế, ông được cho theo học tại trường Lycée Francais (nay là trường tiểu học Lê Lợi) và trường Provindence (nay là trường Đại Học Khoa Học Huế). Có thời gian,Trịnh Công Sơn được cho vào Sài Gòn theo học và tốt nghiệp tú tài tại trường Lycée Jean Jacques Rousseau (nay là trường Lê Quý Đôn). Ngoài những trường kể trên, Trịnh Công Sơn kể ông phải chuyển trường đến 16 lần trong suốt những năm tháng ấu thơ của mình, lý do chính là do các hoạt động chống Pháp của cha nên gia đình Trịnh Công Sơn phải di chuyển khắp nơi.

Năm 1955, hiệp định Geneve được ký kết, Pháp rút khỏi Việt Nam, đồng thời trong năm này gia đình Trịnh Công Sơn cũng gặp phải một biến cố đau thương. Đó cũng là năm mà cha của Trịnh Công Sơn qua đời, còn mẹ ông, bà Lê Thị Quỳnh 34 tuổi đang mang bầu cô con gái út Trịnh Vĩnh Trinh được 4 tháng. Sự ra đi của người cha đã giáng một đòn mạnh vào gia đình Trịnh Công Sơn, đặc biệt là cậu con trai cả  mới 16 tuổi với tâm hồn còn non nớt. Những mất mát đã trở thành nỗi ám ảnh trong đời sống và cả âm nhạc sau này của Trịnh Công Sơn. Ông từng tâm sự:

“Nỗi ám ảnh ấy chắc hẳn không bắt nguồn từ lớp dày tro bụi của vô thức làm nên từ những cái chê t của tổ tiên mà có lẽ từ những năm tù bị tra tấn của ba tôi trong những năm tháng chống Pháp. Rất nhiều bài hát đầu đời của tôi đã phảng phất cái không khí vắng lặng của sự mất mát. Càng về sau, lúc tiến dần về tuổi trưởng thành, giữa bức xúc của cuộc sống, giữa những năm tháng buồn vui, nỗi ám ảnh ấy đã trở thành lúc nào không hay ngọn nguồn của một nỗi âu lo thường trực về sự vắng bóng con người”.

Trịnh Công Sơn năm 17 tuổi

Biến cố thứ hai xảy đến với Trịnh Công Sơn là năm ông 18 tuổi. Đó là một buổi sáng đầu hè năm 1957 tại Huế, lúc ông đang học ở Sài Gòn thì ghé về thăm nhà. Niềm đam mê duy nhất của Trịnh Công Sơn khi đó là võ thuật, nhưng một tai nạn rất nặng trong lần tập võ với người em trai ruột đã làm cho ông bị nằm liệt giường đến 2 năm.

Năm đầu tiên, Trịnh Công Sơn không thể tự ăn uống được, chỉ nằm một chỗ và húp cháo lỏng. Đến năm thứ hai, dù vẫn nằm bệnh nhưng nhờ sức khoẻ đã khá hơn, ông đọc sách để cho thời gian trôi qua nhanh. Ông đọc rất nhiều loại sách từ triết học, phật học, đến văn học, dân ca. Chính biến cố này đã làm thay đổi cuộc đời ông sau đó, và có thể rằng những tư tưởng mà ông nghiền ngẫm được từ những cuốn sách trong thời gian nằm bệnh này đã ảnh hưởng sâu sắc đến âm nhạc của ông sau này: “Tôi đến với âm nhạc có lẽ cũng vì tình yêu cuộc sống. Một phần cũng do một khúc quanh nào đó của số phận”. 

Trịnh Công Sơn từng kể: “Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy”.

Đó cũng là thời gian nhiều biến cố dồn dập xảy đến với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ một gia đình khá giả, sau sự ra đi đột ngột của người cha và sự cố của người anh trai lớn trong nhà, đẩy gia đình đến tình trạng kiệt quệ. Hoạ sĩ Trịnh Cung, một người bạn thân thiết của Trịnh Công Sơn cho rằng:

“Nếu Sơn không bị những sự kiện đó, tôi nghĩ là Sơn sẽ đi học ở Paris và sẽ trở thành một tiến sĩ, một bác sĩ, một kỹ sư… chớ không phải là một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi cho biến cố đó đã đặt Trịnh Công Sơn vào tình trạng cô đơn, tuyệt vọng. Sơn tập chơi guitare, tự học guitare với một người bạn, rồi sau đó viết ca khúc “Ướt Mi”.

Ca khúc Ướt Mi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác khi ông còn đang trọ học ở Sài Gòn, trong bài hát có hình bóng cùa một cô ca sĩ mới 15 tuổi, đêm đêm đi hát phòng trà đã rơi những giọt lệ sầu bi khi hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, người sau đó trở thành nữ danh ca Thanh Thúy.

Ca sĩ Thanh Thúy

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng cho biết hai ca khúc đầu tay của ông là Sương Đêm Sao Chiều đã được ông viết vào năm 17 tuổi, nhưng không được công bố, và có lẽ ông cũng chưa được hài lòng về những tác phẩm còn non nớt đó. Chỉ đến khi ca khúc Ướt Mi được ra mắt vào năm 1959, với tiếng hát của chính nữ ca sĩ Thanh Thúy, gia đình và bạn bè Trịnh Công Sơn mới bất ngờ về tài năng âm nhạc của ông.

Sau khi khỏi bệnh và tốt nghiệp tú tài, do kinh tế gia đình đã khánh kiệt không thể theo học các trường đại học lớn ở Sài Gòn hay Huế, Trịnh Công Sơn đành theo học sư phạm ở Qui Nhơn, với mong ước có thể sớm ra trường đi làm. Thời điểm đó, giáo viên còn thiếu rất nhiều nên sinh viên chỉ cần học 2 năm là có thể ra trường và có việc làm ngay với mức lương ổn định.

Trường Sư Phạm và Kỹ Thuật Qui Nhơn khi đó mới được đầu tư xây dựng khá quy mô nhưng chưa có nhiều sinh viên theo học, Trịnh Công Sơn theo học khoá đầu tiên khai giảng ngày 22/4/1962. Để quảng bá cho trường, ban giám hiệu quyết định đầu tư thành lập Ban Văn Nghệ để thực hiện những chương trình văn nghệ lớn chưa từng có dành cho sinh viên ở Qui Nhơn. Trịnh Công Sơn được chọn làm trưởng ban, Thanh Hải làm phó ban phụ trách phần nhạc, Võ Văn Phòng làm phó ban phụ trách phần kịch. Nhờ quyết định này của trường, Trịnh Công Sơn như cá gặp nước, thoả thích vùng vẫy với niềm đam mê âm nhạc của mình. Trong thời gian học ở Qui Nhơn, Trịnh Công Sơn sáng tác nhiều nhạc phẩm như Dã Tràng Ca, Biển Nhớ, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Nắng Thủy Tinh,… Đặc biệt, nhạc phẩm Dã Tràng Ca đã được Trịnh Công Sơn dàn dựng làm tiết mục mở màn trong một chương trình văn nghệ với dàn hợp xướng gần 50 người do ông tự tuyển chọn và tập luyện.

Hè năm 1964, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm Qui Nhơn, Trịnh Công Sơn cùng một số bạn học của ông được điều về B’lao (nay là thành phố Bảo Lộc) để dạy tiểu học. Cả nhóm bạn thuê chung một căn biệt thự cũ để ở, Trịnh Công Sơn ở căn phòng phía trước nhà, nơi có cửa sổ nhìn ra con đường trước nhà. Đây chính là không gian sáng tác đã được Trịnh Công Sơn đưa vào trong rất nhiều nhạc phẩm của ông ra đời trong thời gian này, trong đó có bài Lời Buồn Thánh, Tuổi Đá Buồn.

Năm 1964 đồng thời cũng là một dấu mốc khác của Trịnh Công Sơn, đó là cuộc gặp gỡ định mệnh với nữ ca sĩ Khánh Ly tại một phòng trà ở Đà Lạt. Nhận thấy Khánh Ly có một giọng hát rất đặc biệt, phù hợp với những ca khúc của mình khi đó, Trịnh Công Sơn ngỏ ý mời cô về Sài Gòn để cùng hợp tác hát nhạc của ông. Tuy nhiên, trái với mong muốn của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã từ chối, với lý do chính là khi đó cô đang có cuộc sống, gia đình và công việc khá thoải mái ở Đà Lạt, không muốn trở về bon chen ở Sài Gòn.

Chưa tìm thấy lối đi cho con đường âm nhạc, lại phần vì lý do kinh tế, Trịnh Công Sơn đành tiếp tục với công việc dạy học ở vùng cao nguyên, dù miễn cưỡng nhưng mang lại cho ông mức thu nhập tạm ổn.

Trong 4 năm ở Bảo Lộc từ 1964 – 1967, ngoài những lúc đi dạy, Trịnh Công Sơn dành khá nhiều tâm sức cho âm nhạc. Trịnh Công Sơn vừa sáng tác, vừa đi đi về về giữa Sài Gòn và Bảo Lộc, để tìm cách phát hành những sáng tác của mình. Đây cũng là những năm tháng không thể nào quên của mối tình hoa mộng Trịnh Công Sơn và Dao Ánh.


Chuyện tình Trịnh Công Sơn – Dao Ánh

Trong 3 năm thư từ qua lại, từ Bảo Lộc, Trịnh Công Sơn đã gửi về Huế cho Dao Ánh vài trăm bức thư tình với những lời thư tình tự, bay bổng tuyệt đẹp. Một số nhạc phẩm được Trịnh Công Sơn viết tặng cho Dao Ánh trong thời gian này như: Còn Tuổi Nào Cho Em, Mưa Hồng, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Chiều Một Mình Qua Phố…

Dao Ánh và Trịnh Công Sơn

Mùa hè năm 1967, có lệnh điều động giáo viên phải nhập ngũ, vốn quen biết và được ưu ái từ trước vì tài năng âm nhạc, Trịnh Công Sơn tìm cách trốn lính, trở về Sài Gòn. Ông được những người bạn, vốn là những sĩ quan cao cấp mến tài âm nhạc của ông bao che, trong đó có sĩ quan không quân Lưu Kim Cương. Cũng trong năm này, như một định mệnh đã được định sẵn, Khánh Ly ly dị chồng, ôm con trở lại Sài Gòn rồi tình cờ gặp lại Trịnh Công Sơn. Hai người kết hợp với nhau, bắt đầu hành trình của một cặp đôi huyền thoại. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng tâm sự:

“Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly”.


Trịnh Công Sơn và ca khúc mang màu sắc triết lý Phật giáo: Đóa Hoa Vô Thường

Từ một sân khấu tạm bợ dựng trên bãi cỏ sau trường đại học Văn Khoa Sài Gòn trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), tên tuổi Trịnh Công Sơn và Khánh Ly bắt đầu nổi lên như một hiện tượng. Thời gian này, Trịnh Công liên tục cho ra đời những tập ca khúc phản ᴄhιến được giới sinh viên, tri thức vô cùng yêu mến và ủng hộ. Sau Tập ca khúc Da Vàng phát hành năm 1967 và tái bản lần 2 năm 1969 với thêm 2 ca khúc mới, Trịnh Công Sơn tiếp tục sáng tác tập ca khúc Kinh Việt Nam năm 1968, Ta Phải Thấy Mặt Trời xuất bản năm 1969 và Phụ Khúc Da Vàng xuất bản năm 1972. Có thể thấy, sức sáng tác của Trịnh Công Sơn thời kỳ này cực kỳ sung sức, chỉ trong vòng mấy năm, ông đã cho ra đời hàng trăm nhạc phẩm khác nhau.

Trịnh Công Sơn lớn lên trong một đại gia đình với 9 anh chị em, được cha mẹ yêu thương, cận kề lo lắng. Những năm tháng tuổi trẻ, Trịnh Công Sơn luôn sống giữa vòng tay của bạn bè, giữa những hội hè âm nhạc, những tất bật khi du ca, với rất nhiều người yêu thương, mến mộ và nâng đỡ. Khi về già, căn nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch của gia đình Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn hầu như ngày nào cũng có bạn bè, khách khứa đến chơi, trò chuyện, uống rượu và đàn hát cùng nhạc sĩ. Tuy nhiên, trên con đường âm nhạc, trong tâm tưởng và cả trong đời sống tình cảm cá nhân, Trịnh Công Sơn lại luôn lựa chọn hành trình của một kẻ độc hành.

Con đường âm nhạc của Trịnh Công Sơn, trước ông và cả sau ông dường như đều chưa có dấu chân nào đi qua. Những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn được rất nhiều người mến mộ, những câu hát, câu nói của ông được người ta trích dẫn như một triết lý sống. Người ta hát nhạc của Trịnh khắp nơi, mê đắm những ngôn từ và giai điệu, bồi hồi xúc động với những giọng ca, chiêm nghiệm, đồng cảm, vỡ ra nhiều điều từ nhạc Trịnh nhưng nhiều người cũng phải thừa nhận rằng dù yêu thích nhưng không thể hiểu hết. Bởi âm nhạc của Trịnh như một thứ mê hương tình, với những mê cung của ngôn từ và ý niệm mà chỉ duy nhất Trịnh Công Sơn mới biết chính xác đường ra lối vào.

Trong cuộc đời mình, Trịnh Công Sơn yêu khá nhiều, những bóng hồng đã được ông đem vào thơ vào nhạc, nâng niu và trân trọng bằng một thứ tình yêu tinh tế, dịu dàng nhất mực, nhưng đến cuối cùng ông vẫn không chung đôi với bất kỳ ai, không lựa chọn bất kỳ ai đó để bầu bạn trăm năm như lẽ thường ở đời. Dường như bởi hơn cả một người phụ nữ, Trịnh Công Sơn mong muốn tìm một người tri kỷ, một người có thể thấu hiểu và sẻ chia cùng ông những tâm tư, cảm xúc, mà điều đó thì thật khó nên ông cứ ở mãi vậy cả đời.

Những người bạn đương thời của Trịnh Công Sơn kể lại rằng, có những lần dù đang ngồi giữa bạn bè, nhưng dòng tâm tưởng, suy tư của nhạc sĩ lại như đang bay bổng, xa xăm, lơ đãng đâu đó. Nhưng suy tưởng, tâm niệm của Trịnh Công Sơn có nhiều khi rất giản dị, gần gũi với đời sống nhưng đôi khi nằm ở tầng sâu thẳm nào đó ít người hiểu được.

Đối với những bài hát được gọi là ca khúc da vàng, những bài hát kêu gọi hòa bình của Trịnh Công Sơn có số phận thật trớ trêu. Nó như một vòng nguyệt quế vinh quang và đầy gai sắc nhọn. Trước 1975, chính thể ở cả hai miền đều không muốn nói tới những bài hát này. Chỉ có người dân, người yêu nhạc mới tìm đến và yêu thích, bất chấp những lệnh cấm cho đến tận ngày nay, nó vẫn sống mãi trong lòng người yêu nhạc.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được rất nhiều người thương, nhưng cũng bị nhiều người phản đối, có lẽ chỉ bởi một lẽ duy nhất, sự lựa chọn của ông không giống họ. Ngay từ năm 1967, khi những ca khúc phản ᴄhιến đầu tiên của Trịnh Công Sơn được phát hành, những luồng dư luận lên án Trịnh Công Sơn đã bắt đầu râm ran đây đó. Những lời xì xầm về “thái độ cộng sản”, về việc ông trốn lính đã bắt đầu xuất hiện. Khi những tập ca khúc Kinh Việt Nam, Phụ Khúc Da Vàng,.. được phổ biến rộng rãi, được giới sinh viên Sài Gòn sử dụng trong những cuộc xuống đường, chính quyền Sài Gòn bắt đầu có những động thái dè chừng và cấm một số ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Biến cố năm 1975, trong khi gia đình, bè bạn chọn cách đào thoát khỏi những nỗi buồn hậu chiế n ở quê nhà thì Trịnh Công Sơn chọn ở lại, như ông từng chia sẻ rằng hạt mầm âm nhạc trong ông chỉ có thể lớn lên, thành hình trên mảnh đất quê cha đất tổ này mà thôi.

Sau năm 1975, cái tên Trịnh Công Sơn lại tiếp tục được đem ra mổ xẻ, xem xét cả ở trong nước và hải ngoại, ở cả phe này lẫn phe kia. Người ta lật lại những ca khúc Trịnh Công Sơn đã viết cho những người bạn bên này – bên kia, cho những xác thân đã ngã xuống, những đau đáu trên phận người, cho con dân nước Việt, và lật lại những lời ông đã nói ở đâu đó, trong một hoàn cảnh nào đó để xâu xé, để kể tội, để dè bỉu. Trịnh Công Sơn vẫn lặng im chịu trận và chấp nhận tất cả những điều đó như một sự đánh đổi cho ước nguyện hoà bình đã thành sự thật.

Sau tất cả, dường như sự lựa chọn phe phái trên dải đất quê hương chưa bao giờ là điều mà Trịnh Công Sơn quan tâm cân nhắc. Ông tâm sự: “Khi tôi đứng bên một xác người, tôi không nghĩ đó là ta hay là địch, mà đó là một thân phận chịu đựng sự vô nghĩa của cuộc ᴄhιến”.

Nếu có lựa chọn thì ông hẳn sẽ chỉ luôn chọn một điều duy nhất, đó là Việt Nam, là Bắc Trung Nam, là dòng máu Lạc Hồng, và trên hết, Trịnh Công Sơn chọn viết nhạc về hòa bình, mong mỏi hòa bình về lại trên quê hương đau khổ.

Không chỉ gặt hái được những thành tựu lớn trong nước, nhạc Trịnh còn rất được công chúng quốc tế yêu thích, đặc biệt là Nhật Bản. Ngay từ những năm 1970, một loạt ca khúc của Trịnh Công Sơn được Khánh Ly thể hiện đã rất được khán giả Nhật Bản yêu thích và mến mộ, có thể kể đến như: Ca Dao Mẹ, Diễm Xưa, Ngủ Đi Con,… Chỉ tính riêng ca khúc Ngủ Đi Con, khoảng hai triệu đĩa nhựa đã được phát hành để phục vụ cho công chúng yêu nhạc Trịnh ở Nhật. Đặc biệt, nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn đã được dịch ra tiếng Nhật và được những nghệ sĩ hàng đầu của Nhật biểu diễn trong các chương trình âm nhạc lớn trên truyền hình.

Thập 1980-1990 có thể được coi là thập niên trỗi dậy trở lại của âm nhạc, điện ảnh, văn hoá, văn nghệ sau những năm tháng hỗn loạn hậu chiế n. Ở nước ngoài, mặc cho sự phản đối của một bộ phận người Việt hải ngoại, nhạc Trịnh vẫn vang lên ở nhiều nơi với tiếng hát của nữ ca sĩ Khánh Ly và nhiều ca sĩ hải ngoại khác. Còn tại Việt Nam, trong khi một loạt những nhạc sĩ ca sĩ nổi tiếng trước 1975 đã di cư ra nước ngoài, âm nhạc của họ theo đó cũng bị cấm đoán, thì nhạc Trịnh sau vài năm bị cấm đã được cho hát trở lại.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau vài năm bị đưa đi lao động ở vùng kinh tế mới, cũng đã được điều về làm việc tại hội âm nhạc Thành phố. Ông bắt đầu sáng tác trở lại vào đầu thập niên 1980. Thay cho sự vắng bóng của Khánh Ly, Trịnh Công Sơn kết hợp với nhiều giọng ca trong nước để phát hành nhạc. Nổi bật nhất trong thời gian này là cô em gái Trịnh Vĩnh Trinh và cô ca sĩ trẻ Hồng Nhung. Với Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung là một phiên bản trẻ trung, tươi mới rất phù hợp với thị hiếu thị trường khi đó. Thập niên 1990, hai cái tên Hồng Nhung – Trịnh Công Sơn được đặt cạnh nhau như một mối nhân duyên đẹp, nồng nàn và tươi trẻ. Khác với giai đoạn trước 1975, âm nhạc Trịnh Công Sơn chủ yếu xuất hiện ở các sân trường đại học, phòng trà, vũ trường nhỏ thì ở giai đoạn sau này, âm nhạc Trịnh Công Sơn xuất hiện khắp nơi từ đài phát thanh, đài truyền hình, đến các sân khấu, chương trình âm nhạc tầm cỡ.

Năm 1999, trong một lần đến chơi tại làng du lịch Bình Quới, vì yêu thích cảnh sông nước hữu tình nơi đây, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chọn một khu vực yên tĩnh, cây cối sum xuê, sát bờ sông để xây dựng Hội quán Hội Ngộ để làm nơi gặp gỡ, giao lưu của giới yêu nhạc, hội hoạ, thơ ca,… Công trình được khởi công vào tháng 9 năm 2000 và hoàn thành vào tháng 1 năm 2001.

Tuy nhiên, chưa kịp có hoạt động ghi dấu ấn nào tại Hội quán Hội Ngộ thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đột ngột qua đời sau một đợt ốm nặng vào ngày 1-4-2001. Tang lễ của Trịnh Công Sơn là đám tang lớn nhất, rầm rộ nhất thời đó ở Sài Gòn. Hàng nghàn người hâm mộ đã xếp hàng đến viếng và đưa tiễn ông về an nghỉ tại nghĩa trang chùa Quảng Bình (bên cạnh nghĩa trang Gò Dưa). Tên tuổi, tiểu sử và lễ tang của Trịnh Công Sơn phủ đầy các mặt báo lớn trong nước và cả quốc tế như: BBC, The New York Times, Los Angeles Times,…

Sau khi Trịnh Công Sơn mất, Hội quán Hội Ngộ trở thành Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn lưu giữ những kỷ vật, băng nhạc, tranh ảnh của Trịnh Công Sơn. Nơi đây được xem là ngôi nhà cuối cùng của Trịnh Công Sơn tại Sài Gòn. Rất nhiều chương trình, đêm nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn đã được tổ chức tại đây. Đặc biệt, trong suốt 10 năm từ năm 2002 đến năm 2011, cứ hàng năm vào ngày giỗ Trịnh Công Sơn, chương trình âm nhạc tưởng niệm quy mô lớn, được dàn dựng hoành tráng, hoàn toàn miễn vé vào cửa được tổ chức, thu hút hàng chục ngàn người hâm mộ từ khắp nơi đổ về.

Từ năm 2012, hội quán Hội Ngộ trở nên quá tải với lượng người hâm mộ đông đảo tìm tới nên các chương trình tưởng niệm Trịnh Công Sơn đã được chuyển về khu vực công viên cầu Ánh Sao – Phú Mỹ Hưng – Quận 7. Sau 5 năm tổ chức tại Phú Mỹ Hưng, với lượng vé miễn phí khổng lồ được phát hành, đỉnh điểm là năm 2016 với 30.000 vé, chương trình được ví như một cuộc đại “hành hương về đất Trịnh” này đột ngột bị dừng lại trong 2 năm 2017 và 2018 do thiếu kinh phí tổ chức.

Năm 2019, chương trình tưởng niệm tiếp tục được tổ chức trở lại với 20.000 khán giả ngồi bệt thưởng nhạc trên sân vận động Hoa Lư, Q.1. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng loạt chương trình tưởng niệm Trịnh Công Sơn đã bị huỷ bỏ và dời lại.

Năm 2011, thành phố Huế quyết định lấy tên Trịnh Công Sơn đặt cho một con đường mới mở dọc bờ sông Hương. Tiếp sau Huế, Hà Nội, Sài Gòn, Quy Nhơn và Đà Nẵng cũng lấy tên Trịnh Công Sơn để đặt cho các con đường ở các thành phố này. Ngoài ra, chính quyền thành phố Huế cũng đã họp bàn với gia đình Trịnh Công Sơn lên kế hoạch xây dựng một “Nhà Nguyện Tình Yêu” theo ý tưởng lúc còn sinh thời của nhạc sĩ bên bờ sông Hương và dự định di dời phần mộ của ông về Huế trong thời gian tới.

Ngày 28-2-2019, trang chủ Google tiếng Việt đã vinh danh người Việt Nam đầu tiên, Trịnh Công Sơn, nhân kỉ niệm 80 năm ngày sinh của ông. Trong mắt báo chí và bạn bè quốc tế, Trịnh Công Sơn được ví như “Bob Dylan của Việt Nam” hay vị nhạc sĩ được yêu mến nhất Việt Nam. Ông được coi là một biểu tượng cho tinh thần yêu chuộng hoà bình, yêu thương con người và đời sống không mệt mỏi.

Trong địa hạt âm nhạc, nếu đem so với Phạm Duy về thiên phú âm nhạc và gia sản để lại, Trịnh Công Sơn có vẻ khiêm nhường hơn. Gia tài âm nhạc của Phạm Duy có hơn một ngàn ca khúc, thì Trịnh Công Sơn chỉ có khoảng trên dưới 600 ca khúc, trong đó số ca khúc đã được phổ biến rộng rãi mới chỉ khoảng 250 ca khúc. Xét về mặt thể loại, Phạm Duy sáng tác và thành công ở rất nhiều thể loại âm nhạc. Về mặt nghệ thuật, âm nhạc Phạm Duy hài hoà, diễm lệ cả ở lời ca và giai điệu. Còn với Trịnh Công Sơn, những cung đàn nốt nhạc dường như không phải là đích đến, mà chỉ là phương tiện để ông truyền tải những tư tưởng, những ý niệm, để thoả thích chìm đắm trong những “ảo mộng” của đời sống như ông từng chia sẻ. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn giản dị, khiêm nhường để làm nền cho những lời ca đầy mỹ cảm và đậm tính triết lý. Nhiều người thậm chí đã không ngần ngại đặt cho nhạc sĩ một cái tên rất đặc biệt là “người ca thơ”. Bởi rất nhiều ca khúc của ông, nếu bỏ âm nhạc ra, hoàn toàn có thể làm thành một bài thơ trọn vẹn. Tiêu biểu nhất có thể kể đến ca khúc Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ, từng được đề xuất là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ 20.

Với hơn 40 năm miệt mài sáng tạo, Trịnh Công Sơn đã tạo nên một con đường âm nhạc hoàn toàn riêng biệt, độc đáo, không hề trộn lẫn với bất kỳ nhạc sĩ nào. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn được xếp thành một dòng nhạc chuyên biệt mang tên Nhạc Trịnh (hay Trịnh Ca). Nhạc Trịnh xoay quanh 3 chủ đề lớn là tình yêu, thân phận con người và thời cuộc. Tuy nhiên, có thể nói rằng, sản nghiệp lớn nhất mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại đã vượt cả ra ngoài địa hạt âm nhạc, đó là tư tưởng, là sự kết nối, yêu thương, hoà hợp giữa lòng người với lòng người. Thứ dìu dắt con người hướng tới những giá trị chân thiện mỹ, những giá trị chân thực nhất của một kiếp người.

Trịnh Công Sơn và những bóng hồng trong âm nhạc

Những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chủ yếu là viết cho tình yêu, quê hương, và thân phận, trong đó chủ đề về tình yêu trong nhạc Trịnh nhận được nhiều sự quan tâm nhất, được khán giả yêu thích nhiều nhất.

Ngoài sáng tác nhạc cho người tình Dao Ánh, như trong một bài viết trước mà nhactrinh.vn đã nhắc tới, bài viết này xin nhắc đến những ca khúc khác, nhắc tới những bóng hồng khác nữa trong nhạc Trịnh, nổi tiếng nhất trong số đó là Diễm trong ca khúc Diễm Xưa, Thanh Thúy trong Ướt Mi, Bích Khê trong Biển Nhớ, Phương Thảo trong Nhìn Những Mùa Thu Đi, Ngọc Ngà trong Lời Buồn Thánh…

Nhiều người cho rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qúa đa tình khi có quá nhiều bóng hồng như vậy. Nếu nói như vậy thì có phần oan ức, vì những nhân vật chính trong bài hát đó chỉ có một số ít là người tình (gắn bó hoặc chỉ là thoáng qua trong đời), đa số là những người quen biết thân hoặc sơ, có người ông chỉ mến mộ như là ca sĩ Thanh Thúy, hoặc thậm chí chỉ là người lạ hoàn toàn chưa từng quen biết, như trường hợp cô Ngà trong bài hát Lời Buồn Thánh.

Cũng giống như hầu hết các nhạc sĩ khác nhạc sĩ họ Trịnh có sự mẫn cảm, một tâm hồn nghệ sĩ dễ rung động trước cái đẹp, trước những câu chuyện mà với những người khác thì rất bình thường, nhưng với ông thì đủ để sáng tác thành ca khúc để đời.

Trong số những người tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người được biết đến nhiều nhất, được thừa nhận chính thức, được nhạc sĩ viết tặng nhiều ca khúc nhất, là Ngô Vũ Dao Ánh.

Dao Ánh

Chuyện tình của họ nảy nở qua những lá thư, bắt đầu từ năm 1964. Khi đó, Dao Ánh là nữ sinh 15 tuổi ở Huế, ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn từ nhỏ, còn ông lúc ấy 24 tuổi. Trong các cánh thư, Dao Ánh giãi bày tình cảm và an ủi những chuyện không vui của nhạc sĩ sau khi ông chia tay Ngô Vũ Bích Diễm – chị ruột của Dao Ánh, và cũng là người nhạc sĩ từng yêu và viết tặng ca khúc nổi tiếng “Diễm Xưa”. Tuy nhiên, mối tình của cố nhạc sĩ với Bích Diễm chỉ là sự thoáng qua, không sâu nặng như với người em gái Dao Ánh, kéo dài chính thức từ 1964 đến năm 1967 thì nói lời chia tay, nhưng vẫn còn âm ỉ cho đến tận khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời.

Những ca khúc nổi tiếng mà nhạc sĩ viết cho Dao Ánh, dựa theo những bức thư tình được gia đình nhạc sĩ công bố, đó có thể là: Còn Tuổi Nào Cho Em, Dấu Chân Địa Đàng, Mưa Hồng, Hạ Trắng, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Xin Trả Nợ Người…

Dao Ánh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thập niên 1990

Trước khi gặp gỡ Dao Ánh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng dành tình cảm cho người chị ruột của Dao Ánh là Ngô Vũ Bích Diễm, thể hiện qua bài hát nổi tiếng Diễm Xưa. Sau này ông viết một bài tùy bút nói về Diễm như sau:

“Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.

Trước những bóng hồng Diễm hay Dao Ánh, bóng hồng đầu tiên trong âm nhạc Trịnh Công Sơn có thể là ca sĩ Thanh Thúy, một trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất của nhạc vàng, là nguồn cảm hứng để ông sáng tác 2 ca khúc Ướt Mi và Thương Một Người.

Lúc sinh thời, ông có một bài tùy bút nói về nữ ca sĩ này như sau:

“Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, đêm nào tôi cũng đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi vào lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì chưa hẳn, vì tôi mang mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập.

Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền mua một ly đá chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát khao đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc “Ướt Mi” đầu tiên trong đời”.

Ngoài ra, những bóng hồng nổi tiếng khác trong nhạc Trịnh được biết đến khác như là Nguyệt trong ca khúc Nguyệt Ca, Bích Khê trong Biển Nhớ, Phương Thảo trong Nhìn Những Mùa Thu Đi, Ngọc Ngà trong Lời Buồn Thánh, Hoàng Lan trong Hoa Vàng Mấy Độ và Như Một Lời Chia Tay, Hồng Nhung trong Bống Bồng Ơi, và Khánh Ly trong Yêu Dấu Tan Theo – Rơi Lệ Ru Người.

Khánh Ly trong sự nghiệp nhạc Trịnh Công Sơn

Nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người ta thường nhắc đến ca sĩ Khánh Ly, bộ đôi ca sĩ – nhạc sĩ gắn bó với nhau như là không thể tách rời, tương tự như trường hợp của Phạm Duy – Thái Thanh. Có những ca khúc mà Trịnh Công Sơn viết riêng cho tone giọng Khánh Ly, hoặc chính ông giải thích tỉ mỉ ý nghĩa từng lời hát cho Khánh Ly để cô có thể truyền tải một cách trọn vẹn nhất bài hát đến với người nghe. Họ gắn bó với nhau thân thiết với nhau hơn cả tình nhân, như lời Khánh Ly đã từng nói, vì nếu là tình nhân thì có thể đã tan vỡ từ lâu rồi. Cũng không thể đếm hết bao nhiêu lần Trịnh Công Sơn đã tập cho Khánh Ly hát những ca khúc của ông, nên dễ hiểu vì sao hầu hết mọi người đều công nhận Khánh Ly là người hát thành công nhạc Trịnh nhất

Trong số hơn 200 bài hát được biết đến của Trịnh Công Sơn, xin chọn ra 20 ca khúc nổi tiếng nhất của ông đã được ca sĩ Khánh Ly trình bày.


Click để nghe video 20 ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất qua tiếng hát Khánh Ly

20 ca khúc này không hẳn là hay nhất, vì khái niệm hay – dở còn tùy vào cảm quan của từng người, nhưng có thể xem đây là những ca khúc phổ thông nhất, đặc trưng nhất của nhạc Trịnh, và nhắc đến những tên bài hát này, thì dù có thích nghe nhạc Trịnh hay không thì những người yêu nhạc đều biết đó là tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

20 ca khúc này được chia thành 2 chủ đề lớn trong tác phẩm âm nhạc Trịnh Công Sơn, đó nhạc về Tình Yêu, và nhạc về Thân Phận.

Phần 1: Những bài Tình Ca

Ướt Mi

Từ năm 17 tuổi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết một số ca khúc, nhưng bài hát Ướt Mi được ông viết năm 19 tuổi được xem là ca khúc đầu tay, bởi vì đó là bài hát đầu tiên được công chúng đón nhận, được yêu thích và trở thành bất tử với thời gian hơn 60 năm qua.


Click để nghe Khánh Ly hát Ướt Mi

Ướt Mi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác khi ông còn đang trọ học ở Sài Gòn, trong bài hát có hình bóng cùa một cô ca sĩ mới 16 tuổi, đêm đêm đi hát phòng trà đã rơi những giọt lệ sầu bi khi hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, người sau đó trở thành nữ danh ca Thanh Thúy.

Ngoài hiên mưa rơi rơi,
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi…

Diễm Xưa

Có thể xem Diễm Xưa là bài nhạc tình yêu nổi tiếng trong sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đến nổi từ đó về sau hình thành câu nói cửa miệng là “xưa rồi Diễm”.

Bài hát được nhạc sĩ viết tặng cho người đẹp mang tên Ngô Vũ Bích Diễm. Ông đã kể về bài hát như sau: “Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.


Click để nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu

Biển Nhớ

Bài hát được nhạc sĩ sáng tác khi ông đang theo học trường sư phạm ở Qui Nhơn vào khoảng năm 1962. Một người bạn thân của Trịnh Công Sơn là họa sĩ Đinh Cường kể lại:

“Chúng tôi đã ngồi uống cà phê với nhau dưới mái quán thấp ven biển lợp bằng lá kè. Biển Nhớ là cảm hứng từ muôn vàn đợt sóng lấp lánh trong những đêm khuya, Sơn đã kéo cao cổ áo, chợt rùng mình rồi có một ngày sẽ xa những dấu chân trên cát, có còn ‘trời cao níu bước Sơn Khê’”.


Click để nghe Khánh Ly hát Biển Nhớ

Sơn – Khê trong lời hát này được nhạc sĩ ghép từ tên mình với tên người đẹp Tôn Nữ Bích Khê, nhân vật chính trong bài hát:

Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về…

Mưa Hồng

Nếu như 2 người đẹp Bích Diễm và Bích Khê chỉ có 1 lần duy nhất đi vào nhạc Trịnh, thì người đẹp Dao Ánh (em ruột Bích Diễm) được người nhạc sĩ tài hoa viết nhạc tặng nhiều nhất. Bài hát Mưa Hồng là một trong những ca khúc có xuất hiện bóng dáng của nàng Dao Ánh với hình ảnh thật đẹp:

Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào…


Click để nghe Khánh Ly hát Mưa Hồng

“…Anh hát lại bản Mưa Hồng mà anh đã viết cho những ngày tháng Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn. Có lẽ Ánh chưa nghe bản ấy vì từ dạo đó về sau anh chỉ gặp Ánh một hai lần gì đó rất ngắn và bặt tăm luôn. Có lẽ anh sẽ đổi lại đầu đề Tuổi Đá Buồn. Ánh nghĩ sao? Ánh có giận gì anh mà lâu thế anh không được tin. Hãy viết thư cho anh dù rất ngắn cũng được. Anh mong lắm” – Trịnh Công Sơn

Đó là những lời thư da diết nhớ thương mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết gửi cho người tình bé nhỏ 15 tuổi Dao Ánh sau những tháng ngày xa cách. Bức thư được viết vào ngày 6/12/1964, là năm bản nhạc Mưa Hồng ra đời.

Tuổi Đá Buồn

Bài hát này cũng được viết trong thời gian nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mối quan hệ thân thiết với Dao Ánh. Tuy nhiên đó là tình yêu xa, bởi lúc đó nhạc sĩ đang dạy học ở B’lao, còn nàng thì vẫn đang đi học ở Huế.


Click để nghe Khánh Ly hát Tuổi Đá Buồn

Mùa mưa ở vùng núi rừng cao nguyên bao giờ cũng buồn, những giọt mưa rả rích ngoài hiên vắng dễ gợi cho người nỗi niềm thương nhớ, đặc biệt là với một người đa cảm như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Trời còn làm mưa mưa rơi mưa rơi
Từng phiến mây hồng em mang trên vai
Tuổi buồn như lá gió mãi cuốn đi
Quay tận cuối trời…

Còn Tuổi Nào Cho Em

“Ánh có buồn lắm không. Hãy ngước mắt lên cho anh nhìn. Mây sẽ kết trên vùng mắt đó. Anh đã nói như thế trong lời ca Còn Tuổi Nào Cho Em cho Ánh, có bằng lòng thế không?” (thư Blao, 31.12.1964) – Đó là những lời thư rất dịu dàng, nâng niu mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết gửi cho Dao Ánh, là mối tình có lẽ sâu nặng và dai dẳng nhất của chàng nhạc sĩ đa tình họ Trịnh.


Click để nghe Khánh Ly hát Còn Tuổi Nào Cho Em

Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may

Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng

Có thể cảm nhận được qua những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh, khi yêu nàng, trong lòng chàng nhạc sĩ họ Trịnh luôn tồn tại một thứ mâu thuẫn không thể hoá giải. Một mặt nhạc sĩ yêu vẻ non tơ, thuần khiết, xuân tình của nàng thiếu nữ mới lớn, mặt khác lại luôn cảm thấy chống chếnh vì khoảng cách tâm hồn quá lớn giữa chàng và nàng. Chàng nhạc sĩ 25 tuổi thì quá già dặn, nhiều suy tư, còn nàng thiếu nữ 15 tuổi thì lại quá ngây thơ, non nớt. Sự chông chênh đó trong mối tình của họ, tạo nên nguồn cảm xúc vô tận cho những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giai đoạn này. Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng cũng không ngoại lệ:

Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm
Trên mùa lá xanh ngón tay em gầy
Nên mãi ru thêm ngàn năm


Click để nghe Khánh Ly hát Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng

Nắng Thủy Tinh

Theo chia sẻ của họa sĩ Trịnh Cung – một người bạn thân thiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì bài hát này cũng được viết cho Dao Ánh:

Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên.


Click để nghe Khánh Ly hát Nắng Thủy Tinh

Tình Xa

Năm 1967, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chủ động nói lời chia tay Dao Ánh, vì nghĩ không thể mang lại hạnh phúc như người yêu mong muốn.

Hai năm đó, vào ngày 3/4/1969, Trịnh Công Sơn gửi một lá thư cho Dao Ánh để hỏi thăm như là một người bạn cũ. Cuối thư, ông chép gửi cho Dao Ánh ca khúc mà sau đó đã rất nổi tiếng, tên là Tình Xa: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…”


Click để nghe Khánh Ly hát Tình Xa

Hạ Trắng

Hạ Trắng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết năm 1961, khi ông đang theo học tại trường Sư phạm Quy Nhơn. Đây là một trong những sáng tác đầu tay của chàng nhạc sĩ họ Trịnh khi ông vẫn còn vô danh. Phải tới 5 năm sau đó, tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới được biết đến rộng rãi trong giới yêu nhạc và ca khúc Hạ Trắng cũng theo dòng chảy định mệnh đó, bắt đầu được biết tới và yêu thích rộng rãi.


Click để nghe Khánh Ly hát Hạ Trắng

Bài hát này được ông sáng tác với nguồn cảm hứng từ giấc mơ hoa trắng mùa hạ rất kỳ lạ trong một lần ông nằm bệnh và mơ thấy, kết hợp cùng câu chuyện keo sơn của một đôi vợ chồng già mà ông nghe kể:

Áo xưa dù nhàu
cũng xin bạc đầu
gọi mãi tên nhau…

Nhìn Những Mùa Thu Đi

“Gió heo may đã về
Chiều tím loang vỉa hè
Và gió hôn tóc thề
Rồi mùa thu bay đi”


Click để nghe Khánh Ly hát Nhìn Những Mùa Thu Đi

Bài hát được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng năm 1963, dựa theo những cảm xúc thật với một cô gái Huế tên là Phương Th., cũng chính là em của ca sĩ Hà Thanh.

Nguyệt Ca

Ngoài người tình Dao Ánh đã “theo” Trịnh Công Sơn suốt nhiều năm tháng dài, những nàng thơ đi qua đời Trịnh dù chỉ trong một đoạn đời rất ngắn, cũng để lại một dấu ấn khó phai trong âm nhạc. Ngoài Bích Diễm trong bài Diễm Xưa, Bích Khê trong bài Biển Nhớ, Ngọc Ngà trong bài Lời Buồn Thánh, Phương Thảo trong bài Nhìn Những Mùa Thu Đi, thì nhạc sĩ cũng từng say đắm nàng Minh Nguyệt để viết thành nhạc phẩm Nguyệt Ca.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác và cho ra mắt ca khúc Nguyệt Ca vào năm 1972, trong tập nhạc “Tự Tình Khúc” do NXB Nhân Bản ấn hành. Đến năm 1973, ca khúc được nữ ca sĩ Khánh Ly thu thanh vào đĩa nhựa Hát Cho Quê Hương Việt Nam 4. Từ đó đến nay, Nguyệt Ca ngày càng được phổ biến và yêu thích rộng khắp, trở thành một trong những bản nhạc huyền thoại của cố nhạc sĩ họ Trịnh.

Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời


Click để nghe Khánh Ly hát Nguyệt Ca

Như Cánh Vạc Bay

Về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này, ca sĩ Khánh Ly kể lại rằng vào năm 1967, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa bài hát này cho cô và nói rằng ông đã sáng tác trong một lần ghé thăm Đà Lạt. Khi đang dạo chơi trong rừng, nhạc sĩ ngồi nghỉ chân cạnh một con suối nhỏ và vô tình thấy một cô gái chân trần đang bước qua suối, nắng vàng rực rỡ trên mái tóc và trên toàn thân cô, gió thổi tung bay tà áo và đùa trên làn tóc. Chàng nhạc sĩ đã giữ mãi hình ảnh cô gái trong lòng, để rồi sáng tác thành ca khúc Như Cánh Vạc Bay.


Click để nghe Khánh Ly hát Như Cánh Vạc Bay

Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

Phần 2: Những bài hát về Thân Phận

Cát Bụi

Ca khúc này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng năm 1965, với niềm cảm hứng sau khi xem bộ phim mang tên “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” và đọc cuốn tiểu thuyết “Zorba le Grec” của nhà văn người Hy Lạp Nikos Kazantzakis.

Nội dung bài hát là những suy tư, trăn trở về cuộc đời, về phận người.


Click để nghe Khánh Ly hát Cát Bụi

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy?
Ôi, cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi…

Ru Ta Ngậm Ngùi

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác khá nhiều ca khúc “Ru”, như là Ru Tình, Ru Đời Đi Nhé, Ru Em, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng… và được yêu thích nhất có lẽ là Ru Ta Ngậm Ngùi.


Click để nghe Khánh Ly hát Ru Ta Ngậm Ngùi

Ngay từ tựa đề bài hát, chỉ bằng hai chữ “ngậm ngùi” người nghe đã phần nào hình dung ra tâm trạng của người nhạc sĩ khi sáng tác. Đó là sự xót xa, buồn thương lặng lẽ, ẩn mật cho thân phận mình, cho thân phận con người trong vòng quay của thời gian, của đời sống.

Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình.
Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên.

Phôi Pha

Theo nhà văn Bửu Ý, một người bạn tâm giao cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca khúc Phôi Pha được nhạc sĩ sáng tác vào khoảng năm 1973 khi ông đã ngoài 30 tuổi. Dường như sự già dặn, từng trải trong tuổi đời, sự vững chãi trong tư duy âm nhạc đã khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mở ra một “cuộc chơi lớn” trong ngôn từ và tư duy ở Phôi Pha.


Click để nghe Khánh Ly hát Phôi Pha

Có người từng đánh giá Phôi Pha là bài ca – thơ hay nhất trong chuỗi những nhạc phẩm về tình yêu và thân phận của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có lẽ vì chất thơ, chất nhạc bay bổng, hoà quyện một cách thần sầu, còn chất đời và chất hư thì đẩy đưa nhau, thăng hoa nhau, trộn lẫn vào nhau trong một thế cân bằng, hài hoà như được nhạc sĩ đặt trên hai đầu của một chiếc bập bênh.

Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ
Ôi phù du từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ đời người như gió qua…


Một Cõi Đi Về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Một Cõi Đi Về

Đây là một nhạc phẩm mang đậm tính triết lý nhân sinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những lời ca huyền hoặc, như vẽ ra một hành trình bất tận của kiếp người:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…


Click để nghe Khánh Ly hát Một Cõi Đi Về

Dấu Chân Địa Đàng

Năm 1964, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên B’lao (nay là Bảo Lộc) để dạy học, ở trọ trong một căn villa cũ thời Pháp. Khi màn đêm buông xuống, nằm trên căn gác ngó ra chốn núi rừng heo hút, tâm trạng nhạc sĩ gợi lên những suy tư về thời cuộc, về phận đời – phận người, và ông đã ghi lại không gian đó, tâm trạng đó vào trong bài hát mang tên Tiếng Hát Dạ Lan, nghĩa là lời hát đến từ một loài hoa toả hương vào ban đêm. Sau đó bài hát được đổi tên thành Dấu Chân Địa Đàng.


Click để nghe Khánh Ly hát Dấu Chân Địa Đàng

Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm

Để Gió Cuốn Đi

Trong số các bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có lẽ ai cũng biết đến Để Gió Cuốn Đi – một ca khúc thường được hát nhiều trong các dịp tổng kết chiến dịch từ thiện của các tổ chức, với lời hát như sau:

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi…

Chỉ qua 3 câu hát ngắn này, chúng ta đã có được một bài học to lớn ở đời, sống với nhau với tấm lòng, sống tử tế với nhau ở đời. Đó là những câu hát thật bình dị, chân chất, không cao siêu hoa mỹ ngôn từ, nhưng dễ đi vào lòng người, và ở lại rất lâu…


Click để nghe Khánh Ly hát Để Gió Cuốn Đi

Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ

Trong các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca khúc Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ được xem như là một đoá tường vi tinh khôi, thanh khiết với lời ca đẹp đến ngỡ ngàng.

Thực ra, cái tên này nếu để thêm một dấu phẩy thì sẽ dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn: Đêm, Thấy Ta Là Thác Đổ. Nghĩa là vào một đêm (hoặc đã nhiều đêm rồi), thấy ta như là dòng thác đổ.

Đúng như tên gọi, toàn bộ ca khúc là những dòng thác cảm xúc đổ xuống, ầm ào, chấn động cả khoảng không rộng lớn, với những ca từ huyền hoặc, mê đắm. Những hình ảnh ẩn dụ vừa nhẹ nhàng vừa bí ẩn, tựa như những làn nước trong vắt như pha lê đổ xuống từ đỉnh núi, tung bọt trắng xoá, phủ lên không gian xung quanh nó một làn bụi mưa tươi mát, thuần khiết, tưới mát tâm hồn người nghe, mà dư âm để lại trong trẻo, quyến luyến như dòng nước quanh co, xanh biếc, hiền hoà dưới chân thác.

Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa tường vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa


Click để nghe Khánh Ly hát Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ

BONUS:

Đóa Hoa Vô Thường

Trong tân nhạc Việt Nam từ lúc khởi thủy đến nay, nếu không tính các bài trường ca, thì có thể nói bài Đóa Hoa Vô Thường có thời lượng dài nhất, và nếu nghe lại bản thu âm của Khánh Ly sau đây, có thể thấy thời gian đến gần 10 phút, hiếm có bài hát nào dài hơn như vậy.


Click để nghe Khánh Ly hát Đóa Hoa Vô Thường

Nội dung của Đoá Hoa Vô Thường cũng tách khỏi hoàn toàn ba chủ đề chính trong nhạc Trịnh là Tình Yêu, Quê Hương và Thân Phận. Thoạt nghe qua những lời hát, nhiều người sẽ nhầm lẫn đây là một nhạc phẩm mang chủ đề về Tình Yêu bởi những ca từ bay bổng, lãng mạn, thấp thoáng hình ảnh của những đôi trai gái. Tuy nhiên, vượt thoát ra ngoài khuôn khổ của tình yêu, đó như hành trình đi tìm về cội nguồn tâm thức.

Đó không phải là hành trình dặm trường gió bụi, mà là hành trình tìm kiếm, luận giải và ngộ ra từ trong chính tâm thức của nhạc sĩ.

Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới

Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông những dấu hài

Trịnh Công Sơn hát Nhạc Trịnh

Bên cạnh giọng hát Khánh Ly cũng có ý kiến cho rằng chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới là người hát nhạc Trịnh hay nhất, vì chỉ có tác giả mới là người hiểu thấu đáo, toàn vẹn ý nghĩa của từng giai điệu, ca từ mà ông đã viết ra.

Về mặt giai điệu, nhạc Trịnh vốn mộc mạc, giản đơn, nên không cần một giọng ca có kỹ thuật quá điêu luyện mới có thể hát hay. Nhạc Trịnh vốn cũng không cần quá nhiều nhạc cụ, không cần dàn nhạc hoành tráng, mà chỉ cần một cây đàn guitar thùng cùng với một giọng hát nồng ấm giống như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có thể làm lay động được lòng người.

Mời các bạn nghe lại những bài nhạc Trịnh do chính nhạc sĩ hát được giới thiệu trong bài này.

Những bản thu âm đầu tiên giọng hát của Trịnh Công Sơn còn lưu giữ cho đến ngày nay, có lẽ là tại Quán Văn từ năm 1967-1968. Khi đó Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã thâu live rất nhiều ca khúc, mời bạn nghe bên dưới.


Click vào hình để nghe Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát live ở Quán Văn

Thập niên 1960, trên bãi đất cỏ sau trường đại học Văn Khoa, giới nghệ sĩ hồi đó dựng lên một quán lá, đặt tên là “Quán Văn”, làm nơi họp mặt đàn hát với phần đông khán giả là thanh niên, học sinh sinh viên. Tại nơi này có một cặp đôi nghệ sĩ bắt đầu được công chúng biết đến với đa số là những bài hát được gọi là ca khúc Da Vàng, đó là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.

Trước năm 1975, có 3 hình thức sân khấu trình diễn ca nhạc phổ biến nhất. Những người có tiền, tầng lớp quý tộc thường chọn nghe nhạc ở phòng trà, nơi có ban nhạc nổi tiếng và hầu hết các ca sĩ nổi tiếng nhất trình diễn trong một không gian ấm cúng, sang trọng. Sinh hoạt văn nghệ ở các phòng trà là hình thức quen thuộc nhất với hàng chục phòng trà – vũ trường ở khắp Sài Gòn, nổi tiếng nhất là Queen Bee, Bồng Lai, Quốc Tế, Tự Do, Đêm Mầu Hồng, Hòa Bình…

Hình thức thứ 2 là các quán nhỏ (thường được gọi là “hội quán”) để giới trẻ, sinh viên hoặc những người đã đi làm mà không có tài chính “rủng rỉnh” thì vào các quán nhạc này có giá bình dân hơn, tiêu biểu là các quán Gió, Thằng Bờm, Cây Tre…

Hình thức thứ 3 là các quán tạm bợ được dựng lên trên bãi cỏ để hát ngoài trời miễn phí phục vụ cho những người mê nhạc nhưng không có tiền. Vì là miễn phí nên các đêm nhạc như vậy thu hút được rất đông đảo khán giả, mà tiêu biểu nhất là Quán Văn đã nhắc đến ở trên.

Từ một bãi đất trống ở sân sau trường Văn Khoa, Quán Văn trở thành bệ phóng để cho “hỏa tiễn” Khánh Ly đưa dòng nhạc Trịnh bay vút trên nền trời âm nhạc Miền Nam cuối thập niên 1960 trở về sau. Trong những đêm nhạc ở Quán Văn, không có ban nhạc hay hệ thống âm thanh đa dạng như phòng trà, mà chỉ có duy nhất một cây guitar thùng được chính Trịnh Công Sơn đứng ở đằng sau đệm cho Khánh Ly hát, và đôi lúc Trịnh Công Sơn cũng tự hát những nhạc phẩm của mình.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ở Quán Văn năm 1967

Sau những ca khúc Da Vàng được trình làng ở Quán Văn, cũng trong thời gian đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ấp ủ kế hoạch phát hành một tập nhạc được gọi là “Kinh Việt Nam” năm 1970, cũng bao gồm trong đó các ca khúc mà sau này được gọi chung là “ca khúc Da Vàng”. Trong lời đề tựa cho tập nhạc, Trịnh Công Sơn đã giới thiệu súc tích:

“Kinh Việt Nam là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu này. Những bài ca được viết từ những hân hoan lắng nghe được trong lòng người. Đó là nỗi hân hoan của đám đông chờ mong ngày hồi sinh”

Khoảng năm 1971, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phát hành băng nhạc Kinh Việt Nam, với sự góp giọng của Trịnh Công Sơn, Hoàng Xuân Sơn và 3 cô con gái của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là Vân Hòa Vân Quỳnh và Vân Khanh. Mời bạn nghe nguyên băng nhạc này bên dưới.


Click vào hình để nghe băng Kinh Việt Nam năm 1971

Đỉnh cao của dòng nhạc Trịnh Công Sơn trước năm 1975 là 6 băng Hát Cho Quê Hương Việt Nam do Khánh Ly cùng Hội Quán Cây Tre phát hành đầu thập niên 1970. Hội Quán Cây Tre là địa điểm sinh hoạt âm nhạc (là hình thức trình diễn văn nghệ thứ 2 được nhắc đến ở bên trên) được Khánh Ly mở vào năm 1968 ở Dakao, tại số 2bis đường Đinh Tiên Hoàng, Sài Gòn, là nơi tụ họp của các văn nghệ sĩ và các sinh viên học sinh yêu văn nghệ yêu tiếng hát Khánh Ly, và đây cũng là nơi tổng phát hành những cuốn băng nổi tiếng Trịnh Công Sơn – Khánh Ly – Hát Cho Quê hương Việt Nam.

Trong 6 băng nhạc này có xen kẽ nhiều bài hát, nhiều thể loại của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có cả nhạc tình ca, nhưng nhiều nhất vẫn là các ca khúc Da Vàng.

Riêng trong băng Hát Cho Quê Hương Việt Nam số 6, Trịnh Công Sơn có tham gia hát đến 18 trong tổng số 26 bài trong băng nhạc. Đó là các ca khúc: Xin Cho Tôi, Ngày Dài Trên Quê Hương, Người Con Gái Việt Nam, Tôi Sẽ Đi Thăm, Ngủ Đi Con, Tình Ca Người Mất Trí, Đêm Bây Giờ Đêm Mai, Ngụ Ngôn Mùa Đông, Đi Tìm Quê Hương, Gia Tài Của Mẹ, Xin Mặt Trời Ngủ Yên, Vết Lăn Trầm, Phúc Âm Buồn, Du Mục, Tuổi Đá Buồn, Xa Dấu Mặt Trời, Người Già Em Bé.

Mời các bạn nghe trọn băng nhạc Hát Cho Quê Hương Việt Nam 6 ở bên dưới.


Click vào hình để nghe nhạc

Ngoài ra, hiện nay còn lưu giữ bản thu âm Trịnh Công Sơn hát cùng ca sĩ Thanh Hải vào năm 1980. Chương trình này mang tên Tôi Sẽ Nhớ gồm 14 bài hát. Sau này, khi Thanh Hải sang định cư tại Đức, ông trích ra 10 bài để làm thành CD Tôi Sẽ Nhớ… (Thanh Hải & Trịnh Công Sơn)

Ca sĩ Thanh Hải đã kể như sau:

Năm 1976, tôi gặp lại anh Phạm Trọng Cầu – một nhạc sĩ mà tôi đã quen trước đây tại phòng âm nhạc của Viện đại học Vạn Hạnh. Lúc đó, tôi đang sinh hoạt trong đoàn văn nghệ Vạn Hạnh dưới sự đảm trách của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Một hôm, có lẽ duyên hội ngộ đưa đẩy, anh Phạm Trọng Cầu đã đưa tôi đến gặp anh Trịnh Công Sơn tại Hội Văn nghệ. Tôi nhớ lần đầu tiên ấy, anh Cầu bảo anh Sơn: “Mày ngồi đây nghe Thanh Hải hát thử bài này”.

Và tôi đã hát: “Đi về đâu hỡi em khi trong lòng không chút nắng, giấc mơ đời xa vắng, bước chân không chờ ai đón…”.

Đây chính là bài “Đời Gọi Em Biết Bao Lần”, là nhạc phim “Tội Lỗi Cuối Cùng” mà Trịnh Công Sơn vừa sáng tác. Từ đó chúng tôi quen nhau. Hình như trong buổi gặp gỡ đầu tiên ấy đã có một sự cảm thông không nói thành lời. Rồi hai anh em ngày nào cũng gặp nhau, trở nên thân thiết trong 6 năm trời trước khi tôi rời xa quê hương….

Trong 14 bài hát ở list nhạc bên dưới, Trịnh Công Sơn hát 4 bài: Như Hòn Bi Xanh, Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui, Tôi Sẽ Nhớ và Ở Trọ.

Mời các bạn nghe bên dưới:


Click vào hình để nghe băng nhạc Trịnh Công Sơn – Thanh Hải

Sau 1975, Trịnh Công Sơn cũng nhiều lần xuất hiện trong băng dĩa nhạc cả trong nước lẫn hải ngoại. Đặc biệt nhất là lần xuất hiện trong CD Khánh Ly – 50 Năm Đời Vẫn Hát  khoảng năm 1995, ông đã song ca với Khánh Ly ca khúc Em Đi Bỏ Mặc Con Đường. Trước khi hát, 2 người đã trò chuyện ngắn về triết lý “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” của ông. Mời các bạn nghe lại sau đây:


Click vào hình để nghe nhạc

Trước đó, vào năm 1994, trung tâm Diễm Xưa đã phát hành một tape nhạc 10 ca khúc Trịnh Công Sơn hát nhạc Trịnh mang tên Như Tiếng Thở Dài, sau đó vài năm thì hãng Phương Nam Phim ở trong nước cũng đã phát hành lại thành CD năm 1997, mời các bạn nghe 10 bài đó sau đây:


Click để nghe CD Trịnh Công Sơn hát nhạc Trịnh

Ngoài ra, mời các bạn nghe một số ca khúc khác được Trịnh Công Sơn thu âm trong thập niên 1990 sau đây:


Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Một Cõi Đi Về


Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Như Một Lời Chia Tay


Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng


Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Em Đi Bỏ Mặc Con Đường


Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Xin Trả Nợ Người


Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Ru Đời Đi Nhé


Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Con Mắt Còn Lại


Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Chìm Dưới Cơn Mưa


Click để nghe Trịnh Công Sơn hát Tiến Thoái Lưỡng Nan

Bài: Đông Kha – Niệm Quân (chuyenxua.net)

Viết một bình luận