Ca khúc Trả Lại Thời Gian là một trong những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Sơn, ra đời vào khoảng năm 1968 và được ca sĩ Trúc Ly thu âm lần đầu tiên vào trong dĩa nhựa 45 vòng của Dĩa Hát Việt Nam.
Nghe podcast về hoàn cảnh sáng tác Trả Lại Thời Gian
Thập niên 1980, 1990, Trả Lại Thời Gian đã được một số ca sĩ nổi tiếng hát lại, như Hương Lan, Giao Linh, tuy nhiên bài hát này vẫn không thực sự nổi tiếng so với nhiều bài nhạc vàng khác, cho đến năm 2011, khi ca sĩ Như Quỳnh hát lại Trả Lại Thời Gian trong Paris By Night 103, từ đó bài hát như là được sống lại và trở thành một hiện đình đám cả trong nước lẫn hải ngoại, được rất nhiều ca sĩ trẻ khác hát lại.
Click để nghe Trúc Ly hát Trả Lại Thời Gian trước năm 1975
Click vào hình để nghe ca sĩ Như Quỳnh hát Trả Lại Thời Gian năm 2011
Cũng vào thời điểm năm 2011, nhạc sĩ Thanh Sơn đã nhiệt tình giúp đỡ trung tâm Thúy Nga liên hệ với các nhạc sĩ ở trong nước để thực hiện thương trình Paris By Night 103. Ban đầu chính ông cũng đã lên hình để kể lại chuyện tình trong bài hát Hai Chuyến Tàu Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương. Tuy nhiên trong quá trình làm việc đó, vào một buổi sáng sớm đầu tháng 4 năm 2011, nhạc sĩ Thanh Sơn bị tai biến. Vì vậy đến khi giới thiệu chính nhạc phẩm của mình trong chương trình đó là Trả Lại Thời Gian thì ông không còn khỏe mạnh như trước nữa. Chỉ 1 năm sau đó thì ông qua đời…
Sau đây là nguyên văn lời của nhạc sĩ kể về chuyện tình của chính ông trong ca khúc Trả Lại Thời Gian:
“Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình trong bài hát Xin Trả Lại Thời Gian, xin trả hết về cho người. Dù sao tôi cũng xin cảm ơn Đà Lạt, cảm ơn người con gái đã cho tôi 1 mối tình dang dở. Mặc dù sau này mối tình không thành, nhưng để lại trong lòng tôi rất nhiều kỷ niệm, và cho đến bây giờ tôi vẫn còn thương cô. Cảm ơn em đã cho tôi uống những giọt men tình đắng. Cám ơn em đã cho tôi, tặng cho tôi những vết thương của tình yêu.”
“Mối tình Đà Lạt” mà nhạc sĩ Thanh Sơn nhắc tới là 1 ca sĩ rất nổi tiếng của nhạc vàng. Đó là một mối tình dang dở để lại cho ông rất nhiều luyến tiếc, có ít nhất 4 bài hát ông đã viết cho mối tình này, ngoài Trả Lại Thời Gian còn có Giòng Suối Xanh, Nhật Ký Đời Tôi và Hoa Tím Người Xưa.
Khi kể về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Hoa Tím Người Xưa, nhạc sĩ Thanh Sơn từng tiết lộ thêm về chuyện tình này như sau:
“Bài hát Hoa Tím Người Xưa là một chuyện tình có thật, là một kỷ niệm của đời tôi. Lúc đó vào thập niên 1960, tình yêu của tôi rất tràn trề, tuổi đời của tôi lúc đó khoảng ngoài 20. Tôi có quen với 1 người con gái, và chúng tôi có hẹn hò lên Đà Lạt, vào 1 vườn hoa tím rất đẹp ở Thung Lũng Tình Yêu. Chúng tôi tâm sự rồi sau đó là chia tay. Hai năm sau, tôi trở lại cũng vườn hoa đó, mà người xưa thì không còn nữa. Tôi thẫn thờ, buồn, và thốt lên một câu:
Người xưa hỡi thấu cho nỗi lòng hoa tím còn người đâu…”
Có thể thấy trong cả 2 ca khúc Trả Lại Thời Gian và Hoa Tím Người Xưa, tác giả đều nhắc về một màu áo tím khắc khoải:
Bao năm thầm kín trót thương tà áo tím (Trả Lại Thời Gian)
Nhặt hoa tím rụng cài lên áo, có ai đâu ngờ hoa tím cả người thương (Hoa Tím Người Xưa)
Đối với ca khúc Trả Lại Thời Gian, nhạc sĩ Thanh Sơn cũng đã viết thêm lời 2 cho bài hát và đặt tên là Hai Người Lính Tâm Sự, tuy nhiên không thấy có ca sĩ nào đã từng hát phần lời này.
Thời gian gần đây, trên chương trình Bước Chân Dĩ Vãng, ca sĩ Trúc Ly, người đầu tiên hát Trả Lại Thời Gian, cũng đã một lần nữa xác nhận về chuyện tình với người đẹp Đà Lạt của nhạc sĩ Thanh Sơn. Đó là một nữ ca sĩ rất nổi tiếng, có tên gọi gợi nhớ đến một “dòng suối xanh mát”, hẳn là những ai yêu nhạc vàng đều nghĩ đến ca sĩ Thanh Tuyền. Tuy nhiên lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Sơn chưa từng nhắc đến đích danh, vì mối tình của họ không thành và mỗi người đều có cuộc sống riêng.
Trước khi sáng tác 2 ca khúc này, nhạc sĩ Thanh Sơn cũng đã sáng tác Giòng Suối Xanh, với lời đề tặng: “Tặng một người ca sĩ yêu dấu chưa nguôi…”.
Tiếp đến là Trả Lại Thời Gian, Hoa Tím Người Xưa, và một ca khúc rất nổi tiếng khác là Nhật Ký Đời Tôi. Nếu để ý kỹ, chúng ta có thể thấy có những nét tương đồng trong một số câu chữ của ca khúc này với những ca khúc trước đó, cùng là nỗi lòng muốn ngược thời gian trở về quá khứ để sống lại với kỷ niệm của ngày xanh.
Nói thêm về ca khúc Hoa Tím Người Xưa, nếu như ca khúc Trả Lại Thời Gian gắn liền với giọng hát Trúc Ly trước 1975, và giọng hát Như Quỳnh sau 1975, thì nhắc đến Hoa Tím Người Xưa, người ta thường nhớ đến ca sĩ Giao Linh, cả trước và sau năm 1975.
Click để nghe Giao Linh hát Hoa Tím Người Xưa trước 1975
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Sơn cũng đính một số chỗ trong bài hát Hoa Tím Người Xưa và mà rất nhiều ca sĩ thế hệ sau 1975 đã hát sai, làm mất ý nghĩa của bài hát. Đó là các câu hát:
Rồi chiều nay lá KHÔ rơi đầy…
bị nhiều ca sĩ hát sai thành:
Rồi chiều nay lá THU rơi đầy…
Nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết ông dùng chữ “lá khô” là muốn diễn tả cho một tình yêu đã héo tàn, chứ bài hát không có bối cảnh mùa thu.
Gom nhớ thương SƯỞI tình cô liêu…
Nhiều ca sĩ hát thành
Gom nhớ thương SUỐI tình cô liêu…
Nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết “suối tình cô liêu” là vô nghĩa và sai hoàn toàn.
Hương xưa ơi, tìm đâu thấy kỷ niệm, BỞI một màu hoa tím?
Nhiều ca sĩ hát thành: VỚI một màu hoa tím?
chuyenxua.net biên soạn