Ngày nay, trên khắp các mặt báo, đài truyền hình, đài phát thanh, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những chuyên mục tư vấn, giải đáp khúc mắc về mọi vấn đề “rối lòng” xoay quanh cuộc sống gia đình, hôn nhân và cả sự nghiệp. Mục này cũng giống như Vườn hoang (Báo Mực Tím), Vườn hồng (Báo Thanh Niên), Thư tâm sự (Phụ nữ Việt Nam), Nhỏ to tâm sự (Báo Phụ nữ)… ngày nay. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, người đầu tiên mang những chuyên mục tư vấn này lên mặt báo ở Việt Nam chính là một tác giả có bút danh là “Bà Tùng Long”.
Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân (1915 – 2006) là người Đà Nẵng, quê gốc ở Hội An. Không chỉ nổi tiếng với các chuyên mục tư vấn, Bà Tùng Long còn là một nhà văn chuyên viết về các đề tài hôn nhân gia đình, đào sâu những thân phận phụ nữ và ca ngợi tình yêu. Dù viết đến hàng trăm đầu sách, trong đó có 16 cuốn được tái bản sau năm 1975, tiểu thuyết của bà Tùng Long chủ yếu là lối tiểu thuyết đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, thức thời, phù hợp với thị hiếu số đông công chúng bình dân. Cũng chính nhờ điều này, các tác phẩm của bà đặc biệt thành công về mặt thương mại, đem đến cho bà một nguồn thu rất lớn bên cạnh những nguồn thu từ việc làm báo và dạy học.
Năm 1953, Bà Tùng Long là người đầu tiên ở miền Nam và ở Việt Nam khởi xướng việc gầy dựng chuyên mục “Gỡ Rối Tơ Lòng” trên báo Sài Gòn Mới. Ý tưởng này bắt nguồn từ việc viết báo của tác giả này. Trong quá trình tìm kiếm tư liệu viết bài về các phong trào nữ quyền trên thế giới, Bà Tùng Long thường xuyên mua những tạp chí phụ nữ xuất bản ở Pháp như tuần báo Marie Claire, Elle và La Femme.
Trên tuần báo Marie Claire và Elle, bà rất thích thú với chuyên mục Coeur À Coeur (Từ trái tim tới trái tim) và Question Du Coeur (Câu hỏi của trái tim) chuyên tư vấn những chuyện tình cảm cho giới nữ, do một cây bút nữ phụ trách với những câu trả lời ngắn gọn nhưng rất thu hút. Là một người rất quan tâm tới phụ nữ, chuyên viết những đề tài về hôn nhân và gia đình, hơn ai hết Bà Tùng Long hiểu rõ những người phụ nữ Việt Nam cũng có rất nhiều những câu hỏi trăn trở, bế tắc mà không biết hỏi ai. Thời gian này, bà Tùng Long đang cộng tác với tờ Sài Gòn Mới của bà Bút Trà (chị dâu của chồng bà). Sau khi đề xuất và được sự ủng hộ của bà Bút Trà, bà Tùng Long bắt đầu gầy dựng chuyên mục Gỡ Rối Tơ Lòng.
Về bút danh “Bà Tùng Long”, bản thân tác giả từng giải thích như sau: “Các vị nho học của chúng ta có câu “Vân tùng long, phong tùng hổ” (mây theo rồng, gió theo cọp) nên thuở xưa, nếu có ai lấy bút danh Tùng Hổ thì ta biết người ấy tên Phong, còn tôi tên Vân thì lấy bút danh Tùng Long là vậy”.
Ban đầu khi mới vào nghề viết lách, bà chỉ lấy bút danh là Tùng Long, nhưng sau khi phụ trách chuyên mục “Gỡ Rối Tơ Lòng” trên báo Sài Gòn Mới thì thêm chữ Bà vào trước bút danh Tùng Long để tạo sự tin tưởng hơn cho độc giả. Điều này đã được bà giải thích khá rõ trong hồi ký:
“Lúc đầu tôi ký Tùng Long, nhưng vì thời bấy giờ ít phụ nữ sống bằng nghề viết văn làm báo, mà có một số cây bút đàn ông viết những bài có liên quan đến phụ nữ, đến đời sống của người phụ nữ lại ký tên là cô Thanh Tuyền, cô Như Mai hay cô Bích Châu,… nên lúc đầu khi thấy tôi ký tên Tùng Long, chị em còn dè dặt không biết bút hiệu Tùng Long là của đàn bà hay đàn ông nên chưa mạnh dạn gởi tâm sự đến cho tôi giải đáp. Có nhiều bức thư hỏi tôi: Tùng Long và đàn ông hay đàn bà vậy? Và vì lẽ ấy tôi phải ký “Bà Tùng Long” cho họ yên lòng.”
Cuối cùng, vượt xa sự kỳ vọng của Bà Tùng Long khi nhắm đến đối tượng là độc giả nữ trẻ, chuyên mục Gỡ Rối Tơ Lòng nhận được sự hưởng ứng không chỉ của độc giả nữ từ trẻ tới già mà các độc giả nam cũng không ngại ngần gửi thư về tâm sự nhờ gỡ rối.
Cách làm việc của bà cũng rất đặc biệt. Khác với những tờ báo nước ngoài đăng liền một lần 5-7 câu hỏi từ nhiều độc giả khác nhau rồi trả lời vô cùng ngắn gọn. Mỗi kỳ báo ra, bà chỉ đăng tư vấn cho một trường hợp, có khi đăng trọn câu hỏi của họ, có khi tóm tắt cho ngắn bớt, rồi phân tích kỹ càng từng tình huống, gợi mở nhiều góc cạnh để gỡ rối cho độc giả. Bà không yêu cầu độc giả phải gửi tên và địa chỉ thật, nhưng mỗi trường hợp bà chọn đăng báo đều tư vấn vô cùng tận tâm. Bà luôn đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh, tâm tư của người hỏi để tư vấn. Chính nhờ điều này mà mỗi bài tư vấn của bà không chỉ hữu ích cho cá nhân người hỏi mà còn có giá trị tham khảo, là kinh nghiệm sống cho rất nhiều độc giả khác của tờ báo. Đồng thời, chuyên mục này cũng là nơi bà truyền tải những quan niệm tiên tiến về vấn đề hôn nhân gia đình, về tình yêu và bổn phận, về hôn nhân cưỡng bức và tự do hôn nhân, về vai trò của ái tình và sự nghiệp, về quyền lợi của phụ nữ,…
Song song với những bài tư vấn thuyết phục trên báo, Bà Tùng Long còn tham gia hoạt động tích cực trong các đoàn thể xã hội, như Hội Phụ Nữ Việt Nam, Bình Dân học hội, Hội Bảo Vệ Luân Lý, Hội Dục Anh, Hội Phụ Huynh Học Sinh,…và xuất hiện khá nhiều trên báo chí. Vì vậy, chuyên mục Gỡ Rối Tơ Lòng của bà càng được độc giả yêu mến và tin tưởng hơn.
Thành công của chuyên mục Gỡ Rối Tơ Lòng trên tờ Sài Gòn Mới đã khiến các chủ báo khác đứng ngồi không yên, mong mỏi được mời Bà Tùng Long về cộng tác. Ban đầu, ngoài tờ Sài Gòn Mới, Bà Tùng Long còn cộng tác viết cho chuyên mục tư vấn của hai tờ báo khác là Phụ Nữ Diễn Đàn và Phụ Nữ Ngày Nay. Đây vốn là hai tờ báo do hai đứa con của bà chủ nhiệm Bút Trà thực hiện nên bà dễ dàng đồng ý chia sẻ nhân tài.
Về sau có thêm ông bà Đinh Văn Khai, chủ nhiệm báo Tiếng Chuông đến tận nhà mời bà thực hiện chuyên mục tư vấn và truyện dài trên báo của ông, ký hợp đồng trả nhuận bút vô cùng hậu hĩnh. Tuy nhiên, hợp đồng này cuối cùng đã không thể thực hiện được bao lâu do bà Bút Trà cảm thấy không thoải mái đã gây sức ép trong cuộc họp các chủ nhà báo khiến ông Đinh Văn Khai tự ái bèn chấm dứt hợp đồng với Bà Tùng Long. Tuy nhiên, dù thành công trong việc gây sức ép buộc Bà Tùng Long hợp tác bất thành với tờ Tiếng Chuông, Bà Bút Trà đã phải trả lương cho các ký giả của tờ Sài Gòn Mới mức nhuận bút tương đương với các tờ báo theo mức mà các chủ báo đã thống nhất ấn định, thay vì trả rẻ hơn như trước. Đồng thời, cũng từ đó, các ký giả có thể cộng tác viết cho nhiều tờ báo khác nhau mà chủ báo không có quyền can thiệp.
Sau sự kiện trên, chủ nhiệm tờ Đồng Nai là Huỳnh Thanh Vị đã đến thẳng toà soạn báo Sài Gòn Mới đề nghị Bà Tùng Long cộng tác với báo của mình và bà Bút Trà đồng thời cũng phải miễn cưỡng đồng ý. Tuy nhiên việc cộng tác chỉ kéo dài được vài ba tuần thì tờ báo bị đóng cửa vì lý do chính trị. Trong thời gian tờ Đồng Nai còn đang tạm đóng cửa chưa rõ tương lai, thì chủ nhiệm báo Tiếng Vang là Quốc Phong qua sự giới thiệu của ký giả Trịnh Viết Thành, hàng xóm của Bà Tùng Long đã đến nhà tìm bà để mời cộng tác với tờ báo của ông. Lúc này, tờ Tiếng Vang đang trên đà sa sút nên chủ báo cố gắng vực dậy bằng cách tìm những ký giả có tên tuổi, được độc giả miền Nam yêu thích. Cái tên Bà Tùng Long chính là một bảo chứng tốt cho sự vực dậy của tờ báo vì cả hai chuyên mục mà bà sẽ phụ trách là truyện dài kỳ và tư vấn hôn nhân gia đình đều rất được công chúng Nam kỳ khi đó yêu thích. Để tránh đụng chạm với tờ Sài Gòn Mới, chuyên mục tư vấn trên tờ Tiếng Vang được đổi tên thành Tâm Tình Cởi Mở.
Năm 1972, sau 20 năm cộng tác với tờ Sài Gòn Mới và rất nhiều năm cộng tác với tờ Tiếng Vang, công việc tư vấn trên báo của Bà Tùng Long mới chính thức kết thúc vì cả hai tờ báo tư nhân này đều bị đóng cửa do không thể đóng đủ số tiền 20 triệu để được tiếp tục hoạt động theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn khi đó.
Suốt 20 năm làm chuyên mục tư vấn, Bà Tùng Long đã viết vô số những lời tư vấn cho những trường hợp nan giải, không chỉ trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, đối nhân xử thế, bà còn tư vấn cả về luật, về thuốc men, sức khoẻ, về chuyện học hành trường lớp. Để có thể tư vấn dàn trải trên nhiều lĩnh vực như vậy theo nhu cầu của độc giả, bà miệt mài tìm hiểu, học hỏi từ sách vở, bạn bè,… Khi gặp những vấn đề chuyên môn khó nhằn bà tích cực liên lạc với những chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực để xin ý kiến. Trong quá trình tư vấn, đôi khi Bà Tùng Long cũng gặp phải những trường hợp oái oăm, ngang trái nhưng bằng sự nhạy cảm, tinh tế của người phụ nữ từng trải, bà giúp người hỏi có thể tỉnh táo hơn, nhìn thấu đáo sự việc để đưa ra những quyết định đúng đắn, giúp nhiều gia đình hàn gắn.
Trong vô số những bài tư vấn của Bà Tùng Long có thể kể đến trường hợp một nữ giáo viên gửi thư đến toà soạn nhờ bà tư vấn về chuyện yêu đương của mình. Trong thư nữ giáo viên chia sẻ rằng cô đã một gia đình hạnh phúc vui vẻ với chồng và hai đứa con. Tuy nhiên, một thầy giáo nam vừa chuyển về trường cô dạy không bao lâu, bằng vẻ ngoài điển trai, lịch thiệp, thông minh và hoạt bát đã khiến cô trúng ngay tiếng sét ái tình. Hai người từ chỗ âm thầm để ý, dè dặt qua lại đã không thể cưỡng lại tình cảm mà bất chấp tất cả. Cô muốn ly dị chồng để đến với thầy giáo nam nên gửi thư xin ý kiến tư vấn.
Và đây là câu trả lời của Bà Tùng Long:
“Tôi đã đọc kỹ thư em, đọc đi đọc lại để tìm hiểu tâm trạng của em và cũng để đo thử sự si mê của em đến mức độ nào rồi. Tôi có còn thuốc chữa trị cho em không? Tôi có còn đủ lời lẽ để khuyên lơn em không?
Trước khi trả lời, tôi muốn nói cho em biết, nếu em là em ruột của tôi, thì tôi sẽ bảo em nằm xuống cho tôi đánh 10 roi trước đã.
Em bảo cuộc hôn nhân của em do tình yêu mà có, lại đã có hai con và đang sống trong hạnh phúc. Vậy mà bây giờ vì gặp một giáo viên lịch sự, đẹp trai, thông minh, em đem lòng yêu thương và muốn ly dị với chồng để kết hôn với anh ta. Như vậy có hợp lý hợp tình không?
Không kể chồng em ra, hai con em, chúng nó có tội tình gì mà bỗng dưng phải sống xa cha mẹ?
Và người đàn ông nào có thể chấp nhận cho em đem hai con về nuôi không? Rồi cảnh cha ghẻ và con vợ, em có biết sẽ không bao giờ suôn sẻ không?
Cho rằng chồn em bằng lòng cho em ly dị và anh ấy giữ hai con thì rồi một ngày nào đó chồng em có vợ và em có biết cảnh mẹ ghẻ con chồng có bao giờ êm đẹp như tình mẹ ruột hay không? Đó là tôi nói với trường hợp chồng em nhận lời và cũng đang bốc đồng bị một tiếng sét ái tình như em!
Còn nếu chồng em còn yêu em thì sao? Thì là một sự sụp đổ tại hại em không thể lường được đâu và em sẽ người gây ra bao nhiêu đau khổ và thất vọng cho nhiều người.
Em đã biết gì về người bạn trai mới chưa? Và chồng em đã hay biết gì về ý định của em không?
Tôi thấy rõ ràng đây là một chuyện yêu thương lạc nẻo. Rồi đây em sẽ ăn năn suốt đời cho chuyện bốc đồng này của em. Em hãy vì con, vì bổn phận thiêng liêng của người mẹ mà quên đi sự bốc đồng trong giây phút…”
Có thể thấy đây là một câu trả lời thẳng thắn, thấu tình đạt lý và rành mạch, không chỉ đưa ý kiến mà còn gợi mở cho độc giả hàng loạt những khía cạnh khác nhau của vấn đề, để họ tự cật vấn bản thân và đưa ra quyết định.
Bẵng đi khoảng hai tháng sau, Bà Tùng Long bất ngờ nhận được bức thư của một nam độc giả tự xưng là chồng của nữ giáo viên, cảm ơn Bà Tùng Long đã giúp gia đình ông tránh được cảnh đổ vỡ, đồng thời xin phép được đến thăm nhà Bà Tùng Long. Thông thường, do công việc bận rộn, Bà Tùng Long hầu như không tiếp các độc giả, ở nhà riêng lại càng không. Nhưng lần đó, bà phá lệ, đồng ý để họ đến nhà. Khi gặp đôi vợ chồng nữ giáo viên, bà khá yên lòng khi thấy họ rất xứng đôi. Người vợ cũng đã xin chuyển đến một ngôi trường tránh xa nam đồng nghiệp kia. Bà Tùng Long cũng đồng thời bày tỏ sự cảm phục đối với sự rộng lượng và hiểu chuyện của người chồng.
Rất nhiều độc giả, sau khi nghe lời tư vấn của Bà Tùng Long đã giải quyết êm xuôi chuyện gia đình đã tìm đến gặp Bà Tùng Long để tặng quà hoặc gửi lời cảm ơn nhưng đa phần bà đều từ chối. Có lần bà vô tình tư vấn cho một bà cụ lớn tuổi có con trai chết trẻ để lại một cô con dâu và ba đứa cháu nhỏ. Dù bà cụ đối đãi yêu thương dâu cháu và tất cả đang sống quây quần trong một căn nhà rất lớn nhưng cô con dâu vẫn nhất quyết xin đưa các cháu về nhà mẹ ruột để ở. Không muốn mất dâu mất cháu khi con trai độc nhất đã qua đời, bà viết thư đến chuyên mục của Bà Tùng Long để nhờ tư vấn. Nhờ lời tư vấn sáng suốt của Bà Tùng Long, bà cụ đã giải quyết êm xuôi chuyện gia đình, tác thành hôn sự cho con dâu mà một nam giáo viên goá vợ. Sau khi giải quyết xong việc nhà, bà cụ từ Nha Trang lặn lội vào Sài Gòn tìm gặp Bà Tùng Long để cảm ơn. Dù có nguyên tắc là không tiếp độc giả nhưng do nể nang lời nói của chủ nhiệm toà báo là bà Bút Trà năn nỉ giùm bà cụ, Bà Tùng Long đã đồng ý gặp bà cụ tại nhà mình. Nào ngờ người ngồi trước mặt Bà Tùng Long trong phòng khách hôm đó lại chính là cô giáo cũ, từng dạy Bà Tùng Long hai năm lớp nhì ở trường nữ tiểu học Đà Nẵng.
Sau năm 1975, nhiều tờ báo mời Bà Tùng Long cộng tác trong chuyên mục tư vấn hôn nhân gia đình của họ mới mức nhuận bút hậu hĩnh nhưng bà đều từ chối có lẽ bởi khi đó bà đã ngoài 60 tuổi, con cái đã trưởng thành, bà không cần phải cố công cày bừa nuôi sống gia đình. Một phần khác nữa bà nhận ra, những quan niệm, suy tư của lớp trẻ đã khác, không còn giống với thế hệ trước. Bà tự nguyện lùi lại để dành phần phát ngôn cho những người trẻ hợp thời hơn như lời bà tâm sự:
“…. có nhiều tờ báo sau 1975 còn đề nghị tôi giữ mục này với mức nhuận bút khá cao. Nhưng tôi từ chối không dám nhận. Vẫn biết thời đại nào cũng có chuyện yêu đương, ngang trái, chuyện tình cảm éo le, nhưng độc giả hôm nay không phải độc giả của ngày xưa. Và sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời, sự suy tư của con người tất nhiên phải khác, cách cư xử cũng chịu ảnh hưởng của lối sống mới. Trả lời không phải dễ dàng. Thời nào có người nấy, rồi đây sẽ có người giữ mục này và họ sẽ thích hợp hơn.”
Có nhiều nhà văn đã thừa nhận rất thích đọc chuyên mục này vì là nguồn chất liệu dồi dào để xây dựng tính cách nhân vật, những câu chuyện éo le có thật ở ngoài đời. Riêng Bà Tùng Long từng cho biết không ít tình huống, lời tâm sự, tâm tình của bạn đọc chính là tình tiết để bà tham khảo khi hư cấu trong tác phẩm feuilleton đăng dài kỳ trên báo. Nhờ vào câu chuyện bạn đọc kể, thường là chỉ vỏn vẹn vài trang giấy, nhưng là chuyện rất thường tình ở ngoài đời, Bà Tùng Long đã đưa vào trong truyện của mình thành những câu chuyện sống động và mang tính xã hội cao, đánh trúng tâm lý độc giả. Nhờ đó, truyện của bà rất ăn khách, phản ánh được xã hội đương đại.
Ngoài mục Gỡ Rối Tơ Lòng, sau đó báo chí ở Sài Gòn còn mở thêm chuyên mục “Tìm Bạn Bốn Phương”, “Kết Bạn Tâm Thư”… Mời bạn đọc lại các mẩu tìm bạn trên báo chí thời ấy, khoảng thập niên 1970, đó là những lời lẽ rất chân phương, thiệt tình của giới trẻ ngày ấy:
– 3075 – Nam sinh viên khoa học, 20 tuổi, chân thật, dễ nhìn. Yêu đại dương như yêu bản thân mình, trót vào đời mang nhiều mặc cảm nên sợ quen ai quá giàu. Mong được các vị hảo tâm, chị hay bạn gái mách giúp một chỗ dạy kèm tư gia Toán hay cho mượn 10.000 đồng. Hứa sẽ hoàn trả trong vòng 6 tháng. Thư về…
– 4268 – Một chàng trai bỏ nhà giang hồ theo nhịp đời buồn tẻ, bốn mùa phiêu bạt nơi quán gió cầu sương. Mang một tâm sự buồn và cô đơn cho đời lãng tử. Ưa trầm lặng suy tư, thích cải lương, mê tiếng hát Minh Phụng, Mỹ Châu. 21 tuổi đời chưa một lần yêu. Tha thiết làm quen với khách má hồng từ đất Thần kinh đến đồng chua nước mặn để tâm sự buồn vui trong những lúc dừng chân nơi quán trọ. Bạn thuyền quyên nào thích, xin cho cánh nhạn lướt gió về địa chỉ…
– 4262 – Năm thứ 19, muôn chiều lá đổ, khép nép trong màu áo học trò lớp 11 duyên dáng, thích những bản tình ca không hạnh phúc của Trịnh Công Sơn, muốn làm quen với các anh lớn tuổi để lắng nghe những an ủi, vỗ về, vo tròn trong một gãy đổ đặng sưởi ấm tâm hồn đơn vãng, xin thư về em gái theo địa chỉ…
– 4264 – Vân Phi là tên của một vì tinh tú bé nhỏ, dễ thương, 18 tuổi hiện là nữ sinh 11 Trưng Vương. Sống nhiều cho kỷ niệm, nhìn đời bằng đôi mắt an phận vì biết mình không là giai nhân. Thương màu tím của biển chiều cùng màu trắng hoa biển nhưng ngoan hiền và không ưa con trai nói dối. Muốn tìm người anh đứng đắn, tuổi từ 22 trở lên (có ảnh kèm theo càng tốt), thư về…
– 4292 – Ngọc là tên của một thằng con trai đã qua 29 mùa thu, thường mặc cảm và đang mang một tâm sự buồn, muốn đi đến hôn nhân trong thời gian ngắn nhất với các bạn gái tuổi từ 20 đến 26, có học, gia đình trung lưu, đẹp quý phái trong ngành hàng không hay công tư chức, thương mại, góa phụ một con càng tốt, thiết tha đón nhận những cánh thư của những tâm hồn đồng cảnh ngộ, hứa hồi âm dù thư đến muộn, ai mến xin thư về…
– 4293 – (Đăng lần thứ 2) Góa phụ cô đơn 27 xuân thì, 1 con đẹp khỏe mạnh, duyên dáng, hiền, thành thật, biết nấu ăn, may thêu và biết cách chìu chồng. Tìm chồng để nuôi con thơ, không phân biệt tuổi tác. Điều kiện: Biết thương trẻ, độc thân, beau trai, phải cao trên 1 m 70, độ lượng và có nhà ở những nơi thơ mộng như Bảo Lộc, Đà Lạt càng tốt, thư về…
chuyenxua.net biên soạn