Nhạc sĩ Thanh Bình, tác giả ca khúc Tình Lỡ, từng bị con rể vứt bỏ ngoài đường, sống lang thang vất vưởng và ngủ lề đường suốt 18 ngày, khi qua đời không đủ tiền mua quan tài.
Nghe podcast về nhạc sĩ Thanh Bình
Năm 2013, ca khúc Tình Lỡ là 1 trong những bài nhạc vàng được nghe nhiều nhất thời đó, khi nó được 1 số ca sĩ trẻ thu âm. Đi đâu, người ta cũng nghe vang lên khúc hát: “ơi người vì ta qua phong ba…”
Dù bài hát này đã được sáng tác trước đó gần 60 năm, nhưng vẫn đủ khả năng gây sức hút lớn đối với người nghe nhạc thời hiện đại.
Lúc đó, không ai biết, tác giả của bài hát này, nhạc sĩ Thanh Bình, đang sống lang thang lay lắt trên lề đường. Mỗi buổi tối, ông thuê 1 chiếc chiếu với giá 500 đồng, tìm đại chỗ trống ngả cái lưng. Tới sáng, ông thấy có nhiều người giống như mình ngủ kín xung quanh.
Lúc đó nhạc sĩ Thanh Bình đã 81 tuổi, gầy gò, ốm yếu, đang mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, sống lang thang chỉ với thùng quần áo, cùng cái quạt máy cũ. Ông sống như vậy gần tháng trời với bánh mì hay ăn tạm miếng cháo qua ngày.
Đến khi qua đời, tang lễ của nhạc sĩ Thanh Bình diễn ra trong hiu quạnh, thậm chí không đủ tiền mua quan tài, phải xin của chùa.
Nếu nhắc đến tên nhạc sĩ Thanh Bình, có thể ít người biết đến, nhưng có lẽ là không người yêu nhạc vàng nào mà không biết đến hoặc từng nghe những câu hát nổi tiếng này trong ca khúc Tình Lỡ của ông sáng tác:
Thôi rồi còn chi đâu em ơi!
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi…
Click để nghe Khánh Ly hát Tình Lỡ trước 1975
Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932 ở Bắc Ninh. Vì sớm mồ côi cha mẹ nên thời còn trẻ ông đã phải phiêu dạt qua nhiều nơi, từ Hải Phòng, Thanh Hoá, Nam Định đến Thái Bình, Hưng Yên… Dù có cậu ruột là nhạc sĩ nổi tiếng Phó Quốc Thăng, nhưng nhạc sĩ Thanh Bình theo học nhạc với giáo sư âm nhạc Phạm Sửu tại Thanh Hóa.
Từ năm 20 tuổi, ông bắt đầu kiếm sống bằng nghề viết báo, đưa tin về văn hoá văn nghệ với bút danh là Thanh Bình trên các tờ Tia Sáng, Liên Hiệp, Tin Sớm, Bình Minh, Văn Nghệ… Sau này sáng tác nhạc, ông cũng lấy bút danh là Thanh Bình, tuy nhiên cuộc đời ông trải qua nhiều sóng gió và không được “thanh bình” như tên gọi.
Năm 1954, nhạc sĩ Thanh Bình di cư vào Nam, sau đó sáng tác ca khúc đầu tay mang tên Những Nẻo Đường Việt Nam. Ngoài ca khúc này, ông còn nhiều ca khúc khác nữa, trong đó có bài Tiếc Một Người nổi tiếng qua tiếng hát Sĩ Phú, nhưng nổi tiếng nhất và được công chúng yêu thích vẫn là bài Tình Lỡ.
Ca sĩ Ánh Tuyết đã nhận xét về phong cách nhạc của nhạc sĩ Thanh Bình qua những tác phẩm này như sau:
“…Các tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Bình được ông viết bằng cả tình yêu ngọt ngào, dung dị của hồn quê, tình yêu thương sâu sắc quê hương đất nước mình, với những cảm xúc đầu đời hồn nhiên của chàng trai lãng mạn, đau đến tận cùng những mối tình đã lỡ…
Trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Thanh Bình cùng với ca khúc Tình Lỡ là một trong những trường hợp đặc biệt mà tên tuổi chỉ được nhắc đến bên cạnh một ca khúc duy nhất. Ngoài ra còn có các nhạc sĩ Tu My với Tan Tác, nhạc sĩ Lê Hoàng Long với Gợi Giấc Mơ Xưa, nhạc sĩ Hoàng Quý với Cô Láng Giềng, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên với Trăng Mờ Bên Suối nhạc sĩ Chung Quân với Làng Tôi, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu với Em Tôi, nhạc sĩ Nhị Hà với Mẹ Tôi…
Họ là những nhạc sĩ đã được ghi danh vĩnh viễn trong lòng công chúng yêu nhạc, nhưng lại chỉ được biết đến với một ca khúc duy nhất. Có thể họ còn sáng tác nhiều bài hát khác nữa, nhưng vì thành công quá lớn với 1 tác phẩm nổi tiếng nhất, đạt đến được đỉnh cao sáng chói nên đã làm lu mờ tất cả những sáng tác khác của chính họ.
Nhạc sĩ Thanh Bình viết Tình Lỡ dành cho mối tình của chính mình, là câu chuyện cuộc đời đầy ly kỳ và bi thương trong giai đoạn đặc biệt của đất nước vào thế kỷ trước, giai đoạn đất nước bị ngăn đôi vào năm 1954, đã có hàng triệu người ra đi, hàng triệu cuộc chia cách vĩnh viễn giữa người với người.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Bình đã từng nói về ca khúc Tình Lỡ cùng với tình yêu đầu đời của ông với một người con gái đất cảng Hải Phòng rất xinh đẹp tên Hằng như sau:
“Ca khúc Tình Lỡ tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 22 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào”
Đầu năm 1956, từ miền Nam, nhạc sĩ Thanh Bình nghe tin cô Hằng đã được bố mẹ gả vào một gia đình môn đăng hộ đối. Nghẹn ngào, ông viết ca khúc Tình Lỡ để tiếc nhớ tình xưa:
Thôi rồi còn chi đâu em ơi
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi
Yêu rồi tình yêu sao chua cay
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người bỏ ta trong mưa bay
Ngay từ đầu bài hát là hai chữ “thôi rồi” buông thõng, thể hiện tâm trạng bất lực, sầu não nặng nề của chàng nhạc sĩ khi hay tin người yêu đi lấy chồng mà chẳng thể làm gì, chẳng thể hỏi han được điều gì. Mối tình mật ngọt, quyến luyến ngày nào giờ đây chỉ còn lại những “dư âm”, chẳng còn hy vọng, mong cầu gì nữa. Sự cay đắng, chua chát, lạnh lẽo hằn lên từng câu chữ, nó không vần vũ bão tố mà dai dẳng, thấm sâu như những cơn mưa bay lạnh lẽo, sầu muộn, quây kín cõi lòng.
Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vàng mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi! Thu thiết tha
Ơi người vì ta qua phong ba
Có còn gì sâu trong tâm tư
Mắt lệ mờ hoen dư âm xưa
Năm 1954, trong lần chia tay kẻ Bắc người Nam, dù là xa xôi nghìn trùng thì chàng nhạc sĩ vẫn còn mang niềm hy vọng rất mong manh là một ngày nào đó được tao ngộ. Nhưng rồi khi nhận được tin nàng đã lên xe hoa, thì tất cả còn lại chỉ là một nỗi tuyệt vọng không thể cứu vãn. Câu hát “Nghe vàng mùa thu sau lưng ta/ Em ơi, em ơi! Thu thiết tha” tô đậm thêm nỗi nhớ về cuộc tình sâu nặng nơi xứ Bắc, nơi có những mùa thu vàng vọt càng thêm da diết, trầm sâu.
Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau
Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau
Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi
Những câu hát này thể hiện cái buồn thật sâu, nỗi tuyệt vọng đến tận cùng. Vầng trăng đã vỡ đôi và lại không còn theo nhau nữa, đó là hai lần khẳng định cho một tình yêu đã hoàn toàn không còn chút hy vọng nào.
Hình ảnh trăng vỡ đôi làm liên tưởng đến 2 câu trong Truyện Kiều mà chúng ta đều biết: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. Với Kiều và Thúc Sinh thì dù xa xôi vạn dặm thì vẫn còn có thể trông thấy nhau qua Trăng. Ánh trăng đó vừa theo nhau trên những dặm trường, lại cũng vừa soi sáng cô phòng. Nhưng ở Tình Lỡ thì đó là vầng trăng vỡ và cũng không còn theo nhau nữa, không cho cuộc tình này một chút hy vọng mong manh nào, dù chỉ là trong ảo tưởng.
Con đường mình đi sao chông gai
Bước vào đời nhau qua bao nay
Em ơi, em ơi! Sao đắng cay
Thôi đành vùi sâu tâm tư thôi
Hết rồi còn chi đâu em ơi
Hết rồi còn chi đâu em ơi …
Nhạc sĩ Thanh Bình sáng tác khá nhiều ca khúc, nhưng nổi tiếng và được yêu mến nhất vẫn là Tình Lỡ. Ông từng tâm sự, âm nhạc của ông luôn được phôi thai từ cảm xúc và hoàn cảnh thật, chứ không hề vay mượn. Khi viết ca khúc Tình Lỡ, Thanh Bình mới chỉ 24 tuổi nhưng những lời ca đã day dứt, sầu muộn, tê tái đến cào xé cõi lòng. Nhiều người cho rằng, chính những ca từ đau thương đậm chất thơ này đã vận vào cuộc đời tài hoa nhưng thăng trầm của ông sau này, khiến ông lâm vào tình cảnh bi thảm khôn cùng khi về già.
Click để nghe Khánh Ly hát Tình Lỡ sau năm 1975
Trong bản nhạc tờ ca khúc Tình Lỡ phát hành năm 1969, nhạc sĩ Thanh Bình đã cho in 8 câu thơ do chính ông viết:
Thôi thế từ nay cách biệt rồi
Đường đôi lứa rẽ đôi nơi
Từ đây vĩnh viễn xa nhau mãi
Vĩnh viễn xa nhau đến trọn đời
Em có khi nào nhớ đến anh
Chỉ xin một phút lặng sau mành
Anh từ đây sẽ không yêu nữa
Để giữ trong anh một bóng hình (T.B)
Hình bên trên là ảnh chân dung được in ở mặt sau của tờ nhạc bài hát Tình Lỡ, cho thấy rằng nhạc sĩ Thanh Bình thời trẻ rất điển trai. Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì Thanh Bình là “một chàng trai đẹp, hào hoa, phong nhã”. Ngoài ra, ông từng là người viết văn và làm thơ nên ca từ trong nhạc của ông cũng rất đẹp và nên thơ:
Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vàng mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi thu thiết tha…
Vào năm 1970, đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện bộ phim điên ảnh “Nàng” với vai chính thuộc về đôi tài tử lừng danh Thẩm Thuý Hằng và Trần Quang, và bài hát Tình Lỡ trở thành ca khúc chính trong bộ phim này.
Bài Tình Lỡ trong phim Nàng với minh tinh Thẩm Thúy Hằng, giọng ca Khánh Ly
Người thể hiện bài hát lúc đó và Khánh Ly, và cho đến nay, Khánh Ly vẫn là người thể hiện thành công nhất “Tình Lỡ”.
Thành công tuyệt phẩm này không đưa tên tuổi Thanh Bình trở thành 1 nhạc sĩ tiêu biểu của miền Nam trước 1975, bởi vì sau đó ông chọn một cuộc sống bình dị. Lúc sinh thời, nhạc sĩ từng nói rằng sở dĩ ông có ít bài hát như vậy là vì ông chỉ sáng tác khi có cảm xúc, viết cho những câu chuyện có thật trong đời. Có lẽ vì vậy mà bài hát Tình Lỡ dạt dào những cảm xúc thật của mối tình thời tuổi trẻ.
Năm 1973, nhạc sĩ Thanh Bình lập gia đình với một người phụ nữ bình thường, ông chập nhận rời bỏ làng nghệ thuật, cuộc sống khá đơn sơ, ông mưu sinh bằng công việc dạy ngoại ngữ, sáng dạy lớp tiếng Anh, chiều lớp tiếng Pháp. Hai người chỉ có 1 cô con gái tên là Mộng Ngọc. Sau năm 1975, cuộc sống lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ông cùng vợ ở một quán cơm ở Quận 1 để mưu sinh.
Hạnh phúc bình dị không tồn tại được lâu, người vợ bỏ đi khi người con gái mới được 3 tuổi. Đó là thời điểm sau năm 1975, không chỉ riêng gia đình nhạc sĩ Thanh Bình mà cuộc sống của tất cả mọi gia đình khác khi đó đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn, và có lẽ người vợ không chịu nổi khốn khó nên đã ra đi biệt xứ không có tin tức nào nữa. Từ đó nhạc sĩ Thanh Bình lâm vào cảnh gà trống nuôi con trong muôn vàn khó khăn để một mình nuôi con khôn lớn.
Nhưng đó vẫn chưa phải là sự bất hạnh lớn nhất, và dường như là những sóng gió cuộc đời không bao giờ ngừng gieo lên cuộc đời nhạc sĩ Thanh Bình. Người con gái tên là Ngọc của ông lớn lê lấy chồng nhưng cuộc sống hôn nhân không bền, cô Ngọc ở với người thứ 2 không hôn thú, sau đó hùn hạp làm ăn nhưng đổ vỡ và vướng phải nợ nần, lâm vào cảnh tù tội.
Từ sau đó, nhạc sĩ Thanh Bình phải trải qua những năm cuối đời trong hoàn cảnh khốn cùng. Ông sống cùng con gái và con rể nhiều năm trong căn nhà thuê ở quận Gò Vấp. Năm 2013, sau khi con gái ở tù khoảng 1 năm thì người con rể mang ông ra bỏ ở bến xe Miền Đông, rồi bỏ mặc người cha già 81 tuổi gầy gò, mắc nhiều chứng bệnh, bơ vơ giữa chốn đông người cùng với thùng quần áo cũ cùng với chỉ 200 ngàn đồng trong túi.
Ông sống lay lắt giữa lề đường như vậy trong 18 ngày với bánh mì cầm hơi hoặc ăn tạm miếng cháo trắng, ngả lưng ở manh chiếu được thuê với giá 500 đồng/ngày, tìm đại chỗ trống bên đường để ngủ qua đêm.
Khi biết tin, những người cháu gọi nhạc sĩ Thanh Bình là cậu ruột đã đón ông về để chăm lo nuôi dưỡng. Những người cháu này cũng không phải là người khá giả, phải sống trong căn nhà 21m2 bên bờ Nhiêu Lộc có tám anh chị em mồ côi cha mẹ, nương tựa bên nhau.
Người cháu tên Châu kể lại: “Cũng may qua thông báo của công an khu vực, chúng tôi biết được công an bến xe miền Đông đang giữ một ông già ngày nào cũng ôm cái quạt máy cũ đi qua đi lại nơi đây. Họ định đưa ông về trại dưỡng lão nhưng may quá có CMND, họ biết địa chỉ chúng tôi. Chúng tôi xin đưa cậu về nuôi dưỡng nhưng cậu không chịu đi. Có lẽ cậu sợ bị mang đi bỏ nơi khác xa hơn, rồi không có cơ hội được gặp con gái. Cậu cứ một mực muốn tìm đường xuống trại giam để được ở gần con gái vì quá nhớ”.
Tháng 1 năm 2014, khi nghe hoàn cảnh của nhạc sĩ Thanh Bình, ca sĩ Ánh Tuyết đã tổ chức đêm nhạc tại phòng trà WE mang tên Tình Lỡ để ủng hộ tài chính phần nào cho ông.
Trong đêm nhạc này, nhạc sĩ Thanh Bình rưng rưng khi chia sẻ: “Tôi rất hân hạnh và cảm động khi biết mọi người còn nhớ đến tôi và thực hiện đêm nhạc cho tôi. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe những bản nhạc của mình được hát trên sân khấu. Cảm ơn ca sĩ Ánh Tuyết đã mang đến cho tôi niềm vinh dự này, mang lại cho tôi niềm hứng khởi để tôi cảm thấy yêu đời”.
Ngoài ra, sau này ca sĩ Lệ Quyên – người nổi tiếng với ca khúc Tình Lỡ, cũng nói rằng cô tổ chức một đêm nhạc gây quỹ ở phòng trà Không Tên (khác với đêm nhạc của Ánh Tuyết), và tận tay mang một số tiền tới trao cho nhạc sĩ Thanh Bình.
Trả lời trên báo, cô cháu gái tên Phượng của nhạc sĩ Thanh Bình nói rằng có nhiều lần thấy ông ngồi khóc một mình, gặng hỏi mãi ông mới nói: “Cậu nhớ con Ngọc quá! Không biết bao giờ mới được gặp lại nó đây? Chỉ sợ cậu ra đi mà chưa gặp lại con”. Rồi những lá thư mà cô Ngọc gửi về, ông cất giữ cẩn thận và mang ra đọc đi đọc lại. Mỗi lần đọc là đỏ hoe mắt.
Chỉ vài tháng sau khi có được đêm nhạc riêng duy nhất trong cuộc đời, nhạc sĩ Thanh Bình đã qua đời vào ngày 23/5/2014.
Ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ, dù cô đã mở 2 sổ tiết kiệm do ông đứng tên, nhờ số tiền hơn 200 triệu quyên góp được sau các đêm nhạc gây quỹ, nhưng vì ông mất đột ngột, nên chỉ duy nhất có con gái mới được quyền thừa kế.
Vì không thể rút tiền ra được, nên những người cháu không đủ điều kiện để tổ chức cho ông một lễ tang đàng hoàng, phải xin một chiếc quan tài hình lục giác ở chùa, để nhạc sĩ an nghỉ về với thế giới bên kia. Trước đó, thông qua Ánh Tuyết, có một khán giả ủng hộ nhạc sĩ 10 triệu đồng, chưa kịp đưa thì ông đã ra đi, nên lấy để trang trải tiền mai táng.
Trong suốt những ngày diễn ra lễ tang, ca sĩ Ánh Tuyết cũng tích cực vận động bạn bè và người thân, cùng chung tay ủng hộ lễ tang của nhạc sĩ Thanh Bình, nhưng số tiền cũng không đủ để tổ chức hoàn tất lễ tang. Sau lời kêu gọi, 2 ca sĩ đã từng hát ca khúc Tình Lỡ, là Khánh Ly và Lệ Quyên, đã chuyển tiền ủng hộ. Lê Quyên gửi 3 triệu, còn Khánh Ly gửi về 300 đô la để giúp trang trải cho lễ tang.
Lúc đó, ca khúc Tình Lỡ đang vô cùng ăn khách, nhưng nhạc sĩ Thanh Bình đã không được nhận số tiền tác quyền xứng đáng.
Nếu những giai điệu và ca từ của bài Tình lỡ nổi tiếng bao nhiêu, thì đám tang của nhạc sĩ sáng tác lại lặng lẽ và hiu quạnh bấy nhiêu.
Báo chí thời đó mô tả là, vỏn vẹn chỉ mấy người thân túc trực, cùng với ca sĩ Ánh Tuyết có mặt thường xuyên. hiếm hoi lắm mới có vài nghệ sĩ đến viếng đám tang của nhạc sĩ Thanh Bình.
Có dịp chứng kiến đám tang nghèo, buồn, và hiu quạnh của nhạc sĩ Thanh Bình, người ta mới càng xót xa cho cuộc đời của ông, không hề “thanh bình” như tên gọi.
Trước đó không lâu, khi nghe tin nhạc sĩu Thanh Bình bị bệnh, nữ danh ca Khánh Ly trong dịp về nước biểu diễn, đã thu xếp thời gian tới thăm. Gặp lại Khánh Ly, nhạc sỹ vui mừng nói:
“Khánh Ly đây mà, ca sĩ lừng danh bao nhiêu năm đến thăm tôi đây”.
Khánh Ly nắm chặt tay nhạc sĩ rồi nói:
“Anh ơi, em vẫn thế thôi, vẫn là em của anh như ngày đầu tiên được hát bài Tình lỡ, mình già rồi thăm nhau, mong anh khỏe nhé”…
Nhưng sau đó không lâu, nhạc sĩ đã vĩnh viễn ra đi.
Điều xót xa là ông đã không thể nhìn được người con gái duy nhất Mộng Ngọc của mình lần cuối. Một thời gian ngắn sau đó, cô Ngọc mới được trở về sau khi mãn hạn tù và nhận được cuốn số tiết kiệm 255 triệu đồng của những người hảo tâm ủng hộ cha mình vào những năm cuối đời. Dù số tiền không lớn lắm nhưng là cả một gia tài đối với một người đàn bà từng lầm lỡ muốn làm lại cuộc đời, cũng là món quà thừa kế ý nghĩa của người cha tài hoa đã trải qua một đời đau buồn.
Nay nhạc sĩ Thanh Bình qua đời đã lâu, nhưng những giai điệu của bài hát Tình Lỡ vẫn vang mãi trong lòng người nghe nhạc những giai điệu chậm buồn, một nỗi buồn như cuộc đời của chính tác giả, người đã mồ côi cha mẹ từ thuở thiếu thời, và kết thúc cuộc đời mình trong nghèo khổ:
Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi…
Bài: Đông Kha – chuyenxua.net
Bài viết hay quá
Cuộc đời thật chớ trêu, bài hát “Tình lỡ” là 1 trong nhưng bài hát chính làm cho tên tuổi của ca sĩ Lệ Quyên trở nên nổi tiếng, khẳng định tên tuổi, kiếm được nhiều tiền, thế mà người sáng tác ra bài hát đó cuối đời lại phải nằm chiếu rách ở vỉa hè??? Thật không thể tin nổi
Đã ủng hộ tận 3 triệu cơ mà. 😂😂😂
Tác giả viết hay quá
Lúc còn trẻ, lần đầu tiên khi được nghe ca khúc “Tình lỡ” của nhạc sĩ Thanh Bình qua giọng ca Khánh Ly, tôi cảm thấy rất thích, rất hay bởi giai điệu và ca từ rất đẹp lại được thể hiện qua giọng ca nổi tiếng được nhiều khán thính giả ái mộ. Lúc đó, tôi cứ nghĩ người viết bài hát này là một nhạc sĩ trẻ, thư sinh, tài hoa, mới nổi lên với tác phẩm đầu tay vì cái tên Thanh Bình tôi nghe rất mới, rất lạ. Thế là tôi yêu ca khúc này ngay và luôn. Và qua báo chí, vào khoảng năm 2013, tôi ngạc nhiên khi biết Thanh Bình là một cụ ông sống lang thang ko nơi nương tựa. Tôi cảm thấy xót thương cho hoàn cảnh của nhạc sĩ. Năm 2014, khi ca sĩ Ánh Tuyết tổ chức đêm nhạc gây quỹ giúp đỡ ông tôi và gia đình, người thân, bạn bè đã đến tham dự để ủng hộ… Bất chợt hôm nay, ngồi lướt facebook, tôi được đọc bài viết kể về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhờ tác giả bài viết mà tôi được biết ông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo nữa. Cảm ơn tác giả đã cho tôi hiểu rõ về ông. Tôi thật sự xót thương cho một con người tài hoa như ông mà phải sống mồ côi, cơ cực từ nhỏ, lớn lên lại lận đận tình duyên và khi về già ông lại sống nghèo khổ đến thế. Đọc bài viết mà tôi ko cầm được nước mắt.
Cảm xúc của bạn cũng chính là cảm xúc của tôi .
At least trong một khoảng khắc nào đó của cuộc đời , ban đã làm được một điều ý nghĩa đối với tác giả .. Xin cảm ơn bạn ❤️🙏🙂
Ôi mình rất thích bài hát này, và mình rất hay hát mặc dù ko thất tình khi nào, vì nghe câu từ rất hay và sâu sắc.
Nay mới biết về tác giả bài hát này có cuộc đời cơ cực như này, cảm thương vô cùng ạ