Sau đây là những hình ảnh chụp Việt Nam 100 năm trước, nằm trong bộ ảnh gồm 359 tấm, phần lớn là chụp Sài Gòn và Hà Nội, và đặc biệt là có rất nhiều hình ảnh được chụp từ trên không (gọi là “không ảnh”). Có thể đây là bộ ảnh đầu tiên của các nước Đông Dương được chụp từ máy bay, thực hiện cách đây tròn 100 năm (thập niên 1920). Ở bìa trước cuốn album này ghi dòng chữ: “Album photos fait et offert par mon personnel français et annamite du Service photographique de Cochinchine. Mars 1930. Bienhoa”, nghĩa là “Album ảnh do nhân viên người Pháp và An Nam của Cục Nhiếp ảnh Nam Kỳ thực hiện và cung cấp. Tháng 3 năm 1930. Biên Hòa”.
Album ảnh do Phi đội 2 của Không Quân Đông Dương thực hiện, và phi đội này đóng quân ở Biên Hòa.
Do bộ ảnh này có quá nhiều ảnh nên chuyenxua.net xin chia thành nhiều kỳ, mỗi kỳ là 24 tấm ảnh, tương đương với 6 trang album hình này.
Sau đây là 6 trang đầu tiên:
Hình ảnh Công trường Maréᴄhal Jᴏffrе, ngày nay là Công trường Quốc Tế, người dân gọi là hồ Con Rùa. Lúc này hồ chưa được xây dựng, mà ở chính giữa công trường có tượng đài lính Pháp, người dân gọi là Tượng Ba Hình (νì ᴄó tượng 2 hình người lính bên dưới νà 1 tượng bên trên tháp ᴄaᴏ). Cụm tượng đài này tồn tại tới năm 1964 thì bị giật đổ để xây hồ Con Rùa.
Hình ảnh rạch Bến Nghé (kinh Tàu Hũ), người Pháp gọi là Arroyo Chinois. Gần giữa hình có thể thấy cầu Mống nối trung tâm Sài Gòn với bến cảng. Rìa phải, góc dưới là cầu Khánh Hội cũ. Trong hình còn có thêt thấy hình ảnh chợ Bến Thành, bên cạnh đó là Tòa nhà Hỏa Xa, góc trên bên trái có nhà thờ Huyện Sỹ…
Hình ảnh bên trong Ga xe lửa Sài Gòn, nằm đối diện Chợ Sài Gòn (Chợ Bến Thành). Có thể thấy thấp thoáng chợ và tòa nhà Hỏa xa trong hình này. Ga Sài Gòn này đã bị giải tỏa năm 1978 để dời về ga Hòa Hưng. Ngày nay vị trí này là công viên 23/9.
Hình ảnh bên trong Ga Sài Gòn, lúc này vẫn đang được gấp rút hoàn tất.
Một số hình ảnh Chợ Sài Gòn (dù mang tên Bến Thành khá lâu, nhưng từ thời Pháp thuộc cũng như thời VNCH, người dân vẫn quen gọi đây là chợ Bến Thành):
Chợ Bến Thành hiện nay đã được khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất, với sự góp vốn của công ty Hui Bon Hoa do những người con của ông Huỳnh Văn Hoa (Chú Hỏa) điều hành.
Sau khi được xây dựng, bùng binh trước chợ Bến Thành được đặt tên chính thức là quảng trường Eugène Cuniac (Place d’Eugène Cuniac), đặt theo tên thị trưởng người Pháp đầu tiên của thành phố Sài Gòn. Đến năm 1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa đổi tên nơi này thành quảng trường Diên Hồng, đến năm 1963 được mang thêm tên mới là quảng trường Quách Thị Trang, và đây vẫn là tên gọi chính thức hiện nay.
Hình ảnh đường Rue Schroder (Phan Chu Trinh ngày nay) trước cửa Tây chợ Bến Thành. Dãy nhà này từng thuộc công ty Hui Bon Hoa (công ty góp vốn xây dựng chợ Sài Gòn). Nơi đây từng là bến xe trước chợ, tập trung các loại xe khách, xe ngựa…
Ảnh chụp từ máy bay xuống phía đầu đại lộ Charner (Bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ ngày nay). Trong ảnh này có thể thấy Dinh Xã Tây và Nhà thờ Đức Bà, tòa nhà Hải Quan, thuyền đậu trên bến sông Sài gòn. Lúc này không quân Pháp sử dụng loại máy bay thám sát 2 tầng cánh Potez VIII để chụp ảnh, trong hình có thể thấy 1 phần của cánh may bay.
Hình ảnh gần hơn của đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ) từ trên máy bay. Trong hình là Dinh Xã Tây, Nhà thờ, bên trái có thể thấy mặt sau của Dinh Phó Soái (Dinh Thống đốc Nam kỳ, sau là Dinh Gia Long).
Góc dưới bên trái hình là tòa nhà bách hóa GMC, sau là Thương xá TAX. Cạnh đó là bùng binh Bồn kèn có hình bát giác – bùng binh đầu tiên của Sài Gòn.
Hình ảnh đại lộ dela Somme (nay là Đại Lộ Hàm Nghi) đâm thẳng tới Chợ Sài Gòn. Bên phải là đại lộ Charner.
Toàn cảnh trung tâm Sài Gòn, tương đương với Quận 1 ngày nay, với hình ảnh dễ nhận diện nhất là Nhà thờ. Bên trái hình là sân của Dinh Norodom.
Một góc ảnh khác, có thể thấy được toàn cảnh Nhà thờ, Bưu điện Sài Gòn, Dinh Norodom (Dinh Toàn Quyền – sau 1955 là Dinh Độc Lập). Bên trái hình có thể thấy được Tòa Pháp Đình (nay là Tòa Án). Cạnh dưới hình có thể thấy trường Taberd.
Cận cảnh Nhà thờ và Bưu điện Sài Gòn. Góc trên bên trái là tháp nước, cấp nước cho Sài Gòn, ngày nay vẫn còn ở gần hồ Con Rùa.
Cận cảnh Tòa Pháp Đình trên đường Mac mahon, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Bên trái hình là Khám Lớn Sài Gòn, vị trí sau này xây Thư viện Tổng hợp.
Khu vực Doanh trại Lữ đoàn 11 Bộ binh Thuộc địa, người Việt gọi là thành Ông Dèm. Thành này được xây dựng trên nền thành Gia Định cũ do vua Minh Mạng xây (đã bị Pháp đập bỏ sau khi chiếm được Sài gòn).
Sau 1955, nơi này được gọi là Thành Cộng Hòa, nơi đồn trú của Tiểu đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống, sau đó nhanh chóng được nâng lên thành Liên đoàn rồi Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống.
Có thể thấy rõ thành ông Dèm có 3 khối nhà dài. Sau năm 1963, Thành này bị phế bỏ. Để thuận tiện cho việc mở đường, nối thông đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng) với đường Đinh Tiên Hoàng, người ta đập bỏ khúc giữa của dãy nhà ở phía trong, còn những khu nhà hai bên được sửa sang lại làm thành trường học.
Hai khối nhà nhỏ hơn (nằm góc dưới bên trái hình) ngày nay vẫn còn, nằm 2 bên đường Đinh Tiên Hoàng, chạy dọc theo đường Lê Duẩn, khu nhà bên trái nay là cơ sở của khoa Dược của đại học Y Dược, một phần được cho thuê mở quán cafe, khu nhà bên phải là một phần của đại học KHXH&NV.
Khoảng giữa hình (phía sau thành) có thể thấy một khoảng trống, chính là sân vận động Hoa Lư ngày nay, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng.
Thuyền trên sông Sài Gòn, phái xa là chóp nhọn của Nhà thờ.
Nhà thờ Đức bà ở đường Catinat được xây dựng năm 1877, hoàn thành trong 3 năm (dự kiến ban đầu là 5 năm). Đây là công trình kiến trúc tôn giáo và văn hóa quan trọng của Sài Gòn suốt gần 150 năm qua.
Phía trước Nhà thờ là quảng trường mang tên là Place de la Cathédrale (Quảng trường Nhà Thờ Lớn). Chính giữa quảng trường là bức tượng đồng của giáo sĩ Bá Đa Lộc cùng Hoàng tử Cảnh. Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), thường được gọi là Cha Cả, là giáo sĩ Công giáo người Pháp được chúa Nguyễn Phúc Ánh trọng dụng. Còn Hoàng Tử Cảnh chính là con trai trưởng của chúa Nguyễn Ánh.
Bức tượng này thể hiện một sự kiện lịch sử, đó là Bá Đa Lộc dẫn Hoàng Tử Cảnh sang Pháp cầu viện vào năm 1784. Mất hơn 2 năm thì chiếc tàu chở Bá Đa Lộc – Hoàng Tử Cảnh mới vào cửa Lorient ở phía tây nước Pháp. Cha Cả đưa Hoàng Tử Cảnh vào yết kiến Pháp Hoàng Louis XVI, sau đó ký giao ước hỗ trợ chúa Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Tuy sau đó vua Pháp đổi ý không gửi quân sang giúp nữa, những thế lực của Nguyễn Ánh vẫn ngày một mạnh, đánh thắng Tây Sơn để thống nhất đất nước và lên ngôi, thành vua Gia Long.
Tượng này tồn tại từ năm 1903 đến tháng 10 năm 1945 thì bị phá đi, để lại bệ tượng bỏ trống. Đến năm 1959, tín đồ Công giáo Rôma dựng tượng Đức Bà Hòa Bình tại đây, từ đó khu đất này còn được gọi Công trường Hòa Bình.
Dinh Xã Tây (nay là tòa nhà trụ sở UBND Thành Phố) được khởi công xây dựng từ năm 1899, nhưng trong quá trình xây dựng đã xảy ra một số sự cố và phải thay đổi thiết kế, nên phải đến năm 1909 mới hoàn thành. Đây là tòa thị chính, nơi làm việc của Hội đồng thị xã, điều hành cả vùng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, được người Việt gọi là Dinh Xã Tây. Sang thập niên 1950, thời Quốc Trưởng Bảo Đại, tên gọi chính thức trở thành Dinh Đốc Lý, đến thời VNCH, nơi này mang tên Tòa Đô Chánh từ năm 1955 đến 1975.
Dinh Xã Tây nằm ở vị trí đắc địa và nhộn nhịp nhất của Sài Gòn, ở phía cuối đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) nhìn ra sông Sài Gòn. Trước Dinh có một công viên rộng, sau 1955 được gọi là công viên Đống Đa, đặt tên theo gò Đống Đa ở Thăng Long, nơi Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh.
Thương xá TAX lúc vẫn còn mang tên GMC (Grands Magasins Charner), được xây năm 1921 và hoàn thành năm 1924. Lúc ảnh này được chụp thì tòa nhà này chỉ mới khai trương được vài năm. Kiến trúc tòa nhà lúc này mang phong cách tân cổ điển, sau đó được sửa lại theo phong cách Art deco, vốn quen thuộc vời người Sài Gòn khi mang tên Thương Xá TAX từ đầu thập niên 1960.
Auto-hall (cửa hàng bán xe hơi) của công ty của Bainier, chuyên bán xe Citroën và các loại xe hơi khác, nằm ở vị trí khách sạn REX ngày nay (sát bùng binh Bồn Kèn, ngã từ Charner – Bonard), là auto-hall lớn nhất vùng viễn đông thời bấy giờ.
Công ty này của nhà tư sản Pháp – Emile Bainier. Ông Bainier đến lập nghiệp ở Sài Gòn vào năm 1908, ông là người tiên phong đi vào thị trường mới lúc bấy giờ là buôn bán xe hơi ở Sài Gòn. Trước khi xây dựng auto-hall này, ông Bainier đã mở 2 auto-hall lớn khác, một ở số 21 Bonard (nay là Lê Lợi), và một cái khác ở số 100-102 Charner (nay là Nguyễn Huệ).
Ông Bainier mất năm 1941 tại Sài Gòn, vợ con của ông tiếp tục việc kinh doanh đến năm 1953 thì trở lại Pháp, khi đó vợ chồng hoàng thân Ưng Thi (cháu nội của Tùng Thiện Vương) và Nguyễn Thị Nguyệt Nga mua lại tòa nhà Bainier trong hình này để xây khách sạn REX.
Bệnh viện quân y của Pháp (Hôpital Militaire), cũng là bệnh viện đầu tiên của Sài Gòn, được thành lập vào năm 1862, ngay sau khi quân Pháp hoàn toàn kiểm soát được Sài Gòn.
Bệnh viện này được xây cùng lúc với thành Ông Dèm như đã nhắc bên trên, nên kiến trúc của nó khá giống nhau, được xây dựng theo kiểu sườn sắt tiền chế đem ráp lại trên nền bằng đá granit nâng cao.
Từ năm 1905 trở đi, Hôpital Militaire được bác sĩ Charles Grall điều hành. Năm 1924, bác sĩ Grall qua đời, vì vậy năm 1925, bệnh viện này đổi tên thành Bệnh viện Grall, nhưng vì vị trí của nó nằm gần Đồn Đất nên người dân gọi là Nhà thương Đồn Đất.
Sau khi quân Pháp hoàn toàn rút khỏi Đông Dương vào tháng 4 năm 1956, Bộ Ngoại giao Pháp đã ký với chính phủ VNCH một hiệp định để cho phép người Pháp tiếp tục được sở hữu và điều hành bệnh viện Grall (tương tự một số bệnh viện Pháp khác).
Năm 1978, bệnh viện đổi thành Bệnh viện Nhi đồng 2, chấm dứt thời kỳ bệnh viện đa khoa và trở thành bệnh viện chuyên khoa nhi cho đến nay.
Cơ sở của Cercle Sportif Saigonnais (Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn thành lập từ năm 1902) được xây dựng từ năm 1925, từng là nơi xuất phát đầu tiên của các môn thể thao đá banh, quần vợt và xe đạp… ở Việt Nam.
Sau năm 1975, cơ sở này thuộc công đoàn quản lý, đến năm 1985 đổi tên thành Nhà văn hóa Lao Động, đến năm 1998 đổi thành Cung văn hóa Lao Động (Chữ Cung được dịch từ tên nguyên thủy là Circle).
Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn