Bất cứ người nào từng sống ở Sài Gòn ngày xưa đều ít nhiều nghe nói đến một người có cái tên ngắn gọn: chú Hỏa, là người Việt gốc Hoa, tên thật là Huỳnh Văn Hoa, thường được gọi Hui Bon Hoa (tiếng Việt đọc là Hứa Bổn Hòa). Là một đại phú gia nổi tiếng, xung quanh chú Hỏa còn có nhiều huyền thoại ly kỳ vẫn còn đồn đại đến ngày nay. Ngoài ra, ông còn biết đến là người có tấm lòng không chỉ thu vén cho riêng mình mà còn biết hướng tới cộng đồng, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự hình thành bộ mặt của trung tâm Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19.
Theo sự “xếp loại” của dân gian vào đầu thế kỷ 20, thì tại Sài Gòn có bốn người được coi như “đại phú”, đó là: nhất Sĩ, nhị Phương, tam Xường, tứ Hỏa. Dù Chú Hỏa được xếp hàng thứ tư trong nhóm “tứ đại phú gia” này, nhưng theo người đương thời cho biết thì ngôi thứ đó phải ngược lại, có nghĩa là chú Hỏa phải đứng hàng thứ nhất. Lý do là vì 3 người kia là người Việt, lại có quyền thế hơn, nên ngôi thứ của họ được nêu lên đầu.
Trong 3 người còn lại, thì Sĩ là Huyện Sĩ, người bỏ tiền ra xây dựng “Nhà thờ Huyện Sĩ” ở đường Tôn Thất Tùng. Ông Huyện Sĩ tên thật là Lê Phát Đạt, chính là ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu. Phương là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, từng hợp tác chặt chẽ với Pháp nên lừng lẫy với cái danh “Việt gian”. Còn Xường tức là Bá hộ Xường, ông trùm các dịch vụ về lúa gạo, công nghệ thời đó.
Vì sao chú Hỏa đã làm giàu được ở đất Sài Gòn, trong khi chỉ là một người Hoa di cư? Về điều này có nhiều lời đồn đại trong dân chúng. Có thông tin từ thời xưa nói rằng khi bỏ quê Phúc Kiến – Trung Quốc để sang Việt Nam lập nghiệp từ năm 1863 (khi đó ông mới 18 tuổi), Chú Hỏa khởi đầu bằng nghề buôn ve chai. Giai thoại nói rằng một lần ông mua được một gánh đồng nát có lẫn trong đó là một gói vàng lớn (có nơi nói đó là cổ vật có giá trị lớn lẫn trong đồng nát), từ đó có số vốn lớn để làm ăn, ngày càng giàu nhờ kinh doanh bất động sản vào thời kỳ lĩnh vực này còn rất sơ khai.
Có một thông tin khác, đáng tin cậy hơn, từ trong bài viết mang tên “Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa” của tác giả Chen Bickun viết năm 2014, với những tư liệu được cung cấp từ chính dòng dõi của Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris (Pháp) cho biết về sự thật con đường làm giàu của Chú Hỏa.
Theo bài viết này thì vào năm 20 tuổi, chàng thanh niên tên thật là Huáng Wén Huá (Huỳnh Văn Hoa) từ Phúc Kiến – Trung Quốc đến Sài Gòn mưu sinh, may mắn được nhận vào làm trong một tiệm cầm đồ của một người Pháp tên là Antoine Ogliastro.
Nhờ tính siêng năng, cần cù, được lòng chủ, nên chú Hỏa được ông chủ người Pháp tốt bụng giúp vốn để mở tiệm cầm đồ để khởi nghiệp kinh doanh.
Tiệm cầm đồ đầu tiên của Chú Hỏa là căn nhà nằm ở góc đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình ngày nay, còn văn phòng làm việc cho ông chủ người Pháp của ông ở trước cửa tiệm bên kia đường, trên một khu đất vẫn còn trống.
Chính khu đất trống này, Chú Hỏa đã mua và xây ba căn sát nhau trên đường Phó Đức Chính, mỗi căn dành cho một người con trai. Căn giữa đặt bàn thờ tổ tiên, Chú Hỏa giao cho con trai lớn, còn hai căn nhà hai bên giao cho hai người con trai còn lại. Ba căn nhà này về sau đã được các người con của Chú Hỏa xây dựng lại trở thành ba tòa nhà nguy nga, được dân gian xưa nay vẫn gọi là nhà Chú Hỏa, nay cả ba tòa nhà này đều được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật.
Mở tiệm cầm đồ một thời gian, tích lũy được một số tiền, Chú Hỏa đổ tiền vào ngành bất động sản bằng cách mua trước những khu đất rộng khi nó vẫn còn là đầm lầy hoặc ruộng lúa có giá rẻ mạt.
Một trong những khu đất mà chú Hỏa đầu tư đó đã được người Pháp chọn để xây chợ Bến Thành thay thế cho chợ cũ bên đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) vào năm 1911. Khi này thì Chú Hỏa đã qua đời, nhưng gia tộc Hui Bon Hoa vẫn rất hùng mạnh, đã góp vốn để xây chợ Bến Thành, đồng thời khu đất còn lại xung quanh chợ thì gia tộc này cũng đã xây nhiều dãy nhà thương mại rất lớn để cho thuê. Dãy nhà mái ngói bên cạnh chợ Bến Thành đó vẫn còn lại cho đến ngày nay sau hơn 100 năm.
Vào thời kỳ Sài Gòn đang chuyển mình từ một thành phố sơ khai lên thành đại đô thị, nhu cầu về nhà ở tăng cao, chú Hỏa là một trong vài người đầu tiên đứng ra kinh doanh nhà, đất. Chỉ trong vòng mười năm, sản nghiệp của Hui Bon Hoa đã tăng lên rất nhanh, với gia sản lên tới 20.000 căn phố ở khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, thuộc sở hữu của Công ty Hui Bon Hoa và các con do ông thành lập, cùng với các con quản lý.
Với nhiều gia đình Việt Nam nói riêng và Á Châu nói chung, thường là cha mẹ giàu có sẽ có những người con ỷ lại vào gia sản của gia đình. Nhưng chú Hỏa thì có một cách giáo dục con cái, cũng như cách tổ chức quản lý tài sản rất khoa học và tiến bộ. Ông có nhiều con, tất cả đều được cho học hành đến nơi đến chốn, tất cả đều có ý thức giữ gìn và phát triển gia sản của gia đình.
Một người từng làm việc trong gia đình chú Hỏa, sau này có kể lại rằng, ngay từ lúc chú Hỏa còn khỏe mạnh, ông đã cho lập sẵn di chúc, trong đó phân chia tài sản một cách công bằng và tiến bộ như sau: Tài sản chung chia cho con-cháu thừa hưởng ngang nhau, tuy nhiên không một người nào được tự ý rút số được chia ra để tự tiêu pha, mà tất cả phải qua một hội đồng ủy thác, được chính chú Hỏa ủy nhiệm cho Notaire (chưởng khế) sở tại.
Lúc còn nhỏ, người con của ông hàng tháng được nhận một số tiền nhất định, trong mức vừa phải cho việc ăn uống, học hành và tiêu xài cho đến khi trưởng thành và có gia đình. Khi đó, nếu muốn kinh doanh gì thì phải thông qua hội đồng ủy thác, họ sẽ cố vấn và theo dõi việc làm ăn. Tất cả những điều này nhằm không để cho người con nào ỷ lại vào gia sản mà tiêu xài hoang phí, và cũng là để bảo đảm cho việc kinh doanh của dòng họ Hui Bon Hoa không thua sút ai.
Có lẽ nhờ vậy nên mãi về sau này, suốt trong những năm Pháp thuộc, các con cháu của Hui Bon Hoa vẫn còn quản lý một số tài sản khổng lồ, cho dù chú Hỏa đã qua đời năm 1901.
Niên giám Đông Dương năm 1922 cho biết thành phần quản trị công ty Hui Bon Hoa & Ogliastro gồm có 3 giám đốc: Tang Hung, Tang Chanh, Tang Phien (3 người con trai của chú Hỏa). trong đó Tang Hung (thực ra là Tang Huan – Huỳnh Trọng Huấn) là lớn nhất. Ông Tang Huan về quê ở Phúc Kiến (Trung Quốc) lập công ty bất động sản ở đó và giao lại công việc điều hành công ty ở Nam kỳ lại cho Tang Chanh (Huỳnh Trọng Tán). Gia tộc Hui Bon Hoa giàu đến nỗi trong danh sách mua trái phiếu của chính phủ Pháp thời WW1, riêng trong năm 1918, ông Tang Chanh Hui Bon Hoa đã mua 1 triệu francs, một số tiền khổng lồ thời đó, chỉ đứng sau công ty Pháp xay lúa gạo Rauzy et Ville.
Ngày 28/1/1934, sau nhiều năm dẫn dắt công ty Hui Bon Hoa phát triển và đạt được nhiều thành công ở Nam kỳ, ông Tang Chanh Hui Bon Hoa (Huỳnh Tăng Chánh) đã tạ thế. Sau đó thì Tang Phien (Huỳnh Trọng Bình) lên thay.
Một tờ báo chữ quốc ngữ xuất bản ngày 3/2/1934 có viết như sau về nghiệp của Tang Chanh như sau:
“56 năm ở Nam kỳ
Ông Tang Chanh con của Hui Bon Hoa đã từ trần
Còn ai chẳng biết tên của Hui Bon Hoa, một đại phú gia ở xứ nầy. Nhà cao, cửa rộng, phố phường dọc ngang chiếm gần hết đất châu thành, bao nhiêu đó đã chứng rõ cho ai nấy đều biết rằng giòng giỏi Hui Bon Hoa được nổi danh là nhờ đó. Rủi thay, Hui Bon Hoa ra công trồng cây chưa hưởng đặng trái ngon thì liền phải từ trần, để lại mấy mặt con. M. Tang Chanh đây là con trưởng mới từ trần bữa chúa nhựt rồi.
M. Tang CHanh sanh tại Nam kỳ hồi 1877. Người ta thấy vậy cho ông là dân Nam kỳ chớ không phải là người Tàu vì trọn đời ông, ông chỉ về Tàu có 3 lần mà thôi.
Kế nghiệp cha hồi mới lên 16 tuổi, M. Tang Chanh nhờ có trí thông minh, lanh lợi, đem của tiền của ở Áo Môn bên Tàu qua Nam kỳ mà lập tiệm cầm đồ.
Càng ngày càng giàu, M. Tang Chanh mới xuất tiền ra mà làm việc nghĩa. Nhà thương Phước Kiến ở Chợ Lớn, trường Trung học Pháp Hoa ở Chợ Quán đều có tay của ông giúp vào.
Ông có tất cả 20 người con. Ông cho mấy cậu ấy sang Pháp du học, người làm cũng làm rạng danh cho gia đình.
Hiện nay ông đã có hai người con đậu bằng cấp kỹ sư rồi.
56 năm trời lặn lội, M. Tang Chanh sanh cũng ở Nam kỳ. Cái gương làm ăn, từ thiện của M. Tang Chanh tưởng những người Khách trú ở đây, ít người bì kịp lắm.”
Người con trai Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Ban Hoa) tiếp quản điều hành công việc gia đình cho đến khi qua đời năm 1951. Sau đó, thế hệ con cháu của dòng họ Hui Bon Hoa đã kế tục quản lý và phát triển sự nghiệp kinh doanh của ông bà, cha mẹ để lại.
Đến năm 1975, toàn bộ dòng họ Hui Bon Hoa sang sống ở nước ngoài, tiếp tục con đường kinh doanh. Dấu tích còn lại dễ thấy nhất ở Sài Gòn bây giờ là tòa dinh thự đồ sộ và hoành tráng của chú Hỏa nằm ở khu tứ giác Phó Đức Chính-Lê Thị Hồng Gấm-Calmette-Nguyễn Thái Bình, ngày nay trở thành bảo tàng Mỹ Thuật của thành phố như đã nhắc đến ở bên trên. Cũng chính từ căn nhà này đã phát sinh ra giai thoại về “Con ma nhà họ Hứa” nổi tiếng đã được dựng thành phim.
Căn nhà này được 3 người con của chú Hỏa xây theo ý nguyện của cha lúc sinh thời, muốn có một căn nhà cho toàn bộ con cháu chung sống nhưng chưa thực hiện. Căn biệt thự lộng lẫy có rất nhiều phòng vẫn còn giữ lại được kiến trúc cũ cho đến ngày nay.
Tòa dinh thự đó chỉ là 1 trong số lượng khổng lồ dinh thự, tòa nhà và nhà đất mà gia tộc Hui Bon Hoa sở hữu. Những người con thừa hưởng và phát triển gia sản của Hui Bon Hoa, mà đứng đầu là Tang Chanh, đã xây dựng hàng loạt công trình dân dụng như bệnh viện, chùa chiền, trường học… để tặng lại cho chính quyền để phục vụ cho người dân. Trong số này có thể kể đến Y Viện Phước Kiến của người Hoa ở Chợ Lớn (nay là bệnh viện Nguyễn Trãi) và Chẩn Y viện Sài Gòn (thường được gọi là Nhà thương thí, sau gọi là Bệnh viện Đô Thành). Hiện nay, nhà thương thí chính là bệnh viện Đa khoa Sài Gòn tại số 125, đường Lê Lợi, P Bến Thành, Q1.
Ngoài ra, vào năm 1937, gia tộc Hui Bon Hoa cũng hiến miếng đất riêng với diện tích 19.123m2 trên đường Arras cũ (nay là đường Cống Quỳnh) để xây bảo sanh viện mang tên Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương), ngày nay là bệnh viện Từ Dũ. Có thời gian nơi này được người dân gọi là Nhà sanh chú Hỏa.
Một công trình nổi tiếng khác thuộc sở hữu của gia tộc Hui Bon Hoa là khách sạn Majestic lộng lẫy tráng lệ ở ngay đầu con đường sang trọng bậc nhất Sài Gòn là Catinat, ngày nay là đường Đồng Khởi, đứng ngay bên bờ sông Sài Gòn.
Gia tộc Hui Bon Hoa còn bỏ tiền xây chùa Phụng Sơn (1949), chùa Kỳ Viên (1949-1952), Thành Chí học hiệu, nay là (Trường THCS Minh Đức), góp tiền cùng Tạ Mã Điền để xây trường trung học Pháp Hoa ở Chợ Lớn (sau này là trường trung học Bác Ái, nay là trường Đại Học Sài Gòn). Đồng thời dòng họ Hui Bon Hoa cũng tổ chức nuôi cơm những người vô gia cư và xây dựng các công trình công cộng góp phần xây dựng các công trình giúp ích cho cộng đồng.
Ngoài những tòa nhà, dinh thự, công trình đã nhắc tới, gia tộc Hui Bon Hoa còn sở hữu khoảng 20.000-30.000 khu nhà đất khác tại Sài Gòn, một con số khổng lộ và vô tiền khoáng hậu.
Về tên gọi Hứa Bổn Hòa của chú Hỏa, cái tên này được người Việt phiên âm từ tên Hui Bon Hoa của ông. Thực ra cái tên này không phải là tên gốc, mà là tên đã phiên âm ra từ tiếng Hoa. Ông tên thật là Huáng Wén Huá (Huỳnh Văn Hoa). Vào năm 1887, để dễ tạo mối quan hệ hợp tác làm ăn, ông đã xin nhập quốc tịch Pháp và chọn cái tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa, trong đó chữ Hui Bon Hoa được người Pháp phiên âm từ tiếng Trung. Vì vậy cho đến nay Hui Bon Hoa đã trở thành họ của cả gia tộc, và con cháu sau này của ông đều mang họ là Hui Bon Hoa, chỉ khác nhau ở cái tên ở đầu. Trong số những người con của Chú Hỏa có 3 người trai được xem là “siêu hạng”, đã nối tiếp cha làm rạng ranh gia tộc, phát triển sản nghiệp, đó là Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Tang Chanh Hui Bon Hoa) và Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Bon Hoa), 3 người nắm vai trò chủ chốt của công ty Hui Bon Hoa, thứa kế từ cha là Huỳnh Văn Hoa.
Vào năm 1901, trong lúc Chú Hỏa cùng vợ về thăm Trung Quốc, ông đột ngột qua đời khi mới 56 tuổi và được chôn cất ngay tại quê nhà Phúc Kiến. Những người con của ông đã đồng lòng cùng quản lý và phát triển sản nghiệp khổng lồ của dòng họ Hui Bon Hoa cho đến năm 1975.
Trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa phát hành năm 1960 ở Sài Gòn, học giả Vương Hồng Sển cho biết: “Đến nay (1960) các con cháu (Hui Bon Hoa) luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn, không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng một số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc (nay gọi là giải ngân)”.
Sau khi Chú Hỏa mất, chính quyền Pháp đã đặt tên Hui Bon Hoa cho một con đường đi ngang qua một khu đất rộng lớn ở khu vực ngày này là Quận 10. Sau 1955, con đường này đổi tên thành Lý Thái Tổ.
Tại xã Nessa thuộc đảo Corse ở Địa Trung Hải cũng có một con đường mang tên Hui Bon Hoa, để ghi nhớ công lao gia tộc Hui Bon Hoa đã đóng góp 25 ngàn franc cho làng giúp cải tạo vỉa hè vào năm 1930.
Những giai thoại khác về con đường làm giàu của “chú Hỏa”
Trước khi được những hậu duệ trong gia tộc xác nhận con đường làm giàu của chú Hỏa là nhờ làm tiệm cầm đồ, có vốn rồi sau đó buôn bán bất động sản (như đã ghi ở bên trên), thì suốt trong 100 năm, có rất nhiều giai thoại, lời đồn đại về sự giàu có của chú Hỏa:
Ngoài giai thoại về việc buôn ve chai nhặt được đồ cổ đã nhắc đến, thì cũng có người nói rằng Chú Hỏa được đổi đời kể từ khi chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng. Chú Hỏa vốn có nghề phân kim đã mua lại số hàng này và đã tách thành công được vàng từ những máy truyền tin tưởng chừng vô giá trị, từ đó trở nên giàu có.
Giai thoại khác nói rằng Chú Hỏa vốn dòng dõi nhà Minh, do ly loạn nên tạm chôn giấu của cải để lánh thân, về sau trở lại quê nhà đào số của cải gia bảo ấy lên, đem qua Việt Nam làm vốn hùn hạp với người Pháp rồi dần dà phát đạt. Tuy nhiên Chú Hỏa di dân từ nửa cuối thế kỷ 19, không phải người Minh Hương từ thế kỷ 17. Hơn nữa, nếu Chú Hỏa có tài sản thì không có lý do gì phải phiêu dạt sang tận Việt Nam làm ăn.
Một giai thoại nữa cho rằng Chú Hỏa rất rành phong thủy nên đã an táng mộ cha đúng long mạch, nhờ vậy mà làm ăn trở nên phát đạt nhanh chóng. Câu chuyện này thì càng hoang đường và không có gì để kiểm chứng.
Đông Kha – chuyenxua.net
2- Chuyện làm giàu của Chú Hỏa
Về chuyện làm giàu của Chú Hỏa, trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại[4]. Thực ra Huỳnh Văn Hoa có được số vốn ban đầu là nhờ ở lòng tốt của ông. Số là ở Sài Gòn, ông có qua lại làm ăn với một người Pháp, anh bạn này xui rủi bị sạt nghiệp, Huỳnh Văn Hoa đã tận tình giúp đỡ lộ phí cho bạn về nước. Cảm cái ơn đó, anh chàng người Pháp tiết lộ cho Hoa thông tin về khu vực nhà cầm quyền Pháp sắp quy hoạch để xây dựng thiết lộ. Huỳnh Văn Hoa bèn mua lại bãi đất sình lầy rộng lớn ở khu đó với giá rẻ, nhờ vậy ông được nhà nước thực dân đền bù số tiền lớn, Hoa có vốn mở tiệm cầm đồ đầu tiên của mình[5].
Ra tiệm chỉ là thoát kiếp làm công, còn để tạo dựng thịnh vượng cho cả một gia tộc lại phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trí phán đoán nhanh nhạy, lòng quả cảm dám quyết đoán nắm bắt thời cơ, và còn phải có ít nhiều may mắn. Trong quá trình kinh doanh của Huỳnh Văn Hoa, sự phối hợp gắn bó của ông với một người Pháp mới là quan trọng bậc nhứt.
Người đó là Antoine Ogliastro (1844-1908). Antoine xuất thân từ một đại gia tộc ở đảo Corse, lúc bấy giờ đã là một thương gia nổi tiếng, đầu tư trong nhiều lãnh vực. Năm 1875, ông thành lập công ty Anton – Aogeliya Manchester ở thủ đô Paris; 1876 là hội viên Hiệp hội Chambre de Commerce de Saigon và xây dựng một đồn điền hồ tiêu ở Hà Tiên; 1881 trở thành ứng cử viên đầu tiên trong cuộc bầu cử quốc hội Cochinchine (tức lãnh thổ Cộng hòa Tự trị Nam kỳ thời Pháp); 1885 đảm nhiệm Phó Lãnh sự Tây Ban Nha; 1886 là Lãnh sự Ý; 1887 là đại diện Lãnh sự quán Ý tại Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tàu hỏa La Société générale des tramways à vapeur (SGTV), chủ Công ty xuất nhập khẩu Anton Aogeliya (Société commerciale d’import-export A. OGLIASTRO).
Huỳnh Văn Hoa luôn ghi nhớ công ơn Antoine đã dìu dắt cũng như tận lực sát cánh cùng mình trên bước đường chinh phục sự nghiệp lớn. Sau này, khi cả hai đã mất, vào thời kỳ kinh tế thế giới khủng hoảng 1929-1931, những người thừa kế gia tộc Hui-Bon-Hoa đã hết lòng ủng hộ Công ty la Société Louis Ogliastro & Cie. của Louis Ogliastro – con trai Antoine Ogliastro – vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Mối thâm giao giữa hai gia tộc Tây-Tàu này đến nay đã hơn trăm năm vẫn bền chặt như thuở ban đầu.
Trở lại với Huỳnh Văn Hoa. Năm 1887, để thuận tiện và được ưu đãi trong kinh doanh, theo gợi ý của bạn già Antoine, Huỳnh Văn Hoa nhập Pháp tịch, lấy theo tên thánh là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Cụm từ Hui-Bon-Hoa được con cháu sau này dùng làm họ, và “Chú Hỏa” cũng thành tên chung được truyền thừa, dùng để gọi người đứng đầu của gia tộc này ở Việt Nam qua các thời kỳ.
Danh tiếng Chú Hỏa từ đó không chỉ lừng lẫy Sài Gòn mà còn vang dội khắp Nam kỳ và lan rộng toàn cõi Đông Dương. Năm 1901, ông giao sự nghiệp ở Nam Việt lại cho các con, về Tàu thăm quê và bệnh mất ở đó, được an táng ở Tuyền Châu (Phúc Kiến), hưởng dương 56 tuổi.
Huỳnh Văn Hoa tuy mất, nhưng sự nghiệp cũng như phương danh Chú Hỏa đã có được những mảnh hổ xứng đáng kế thừa phát huy.
3- Hậu duệ của Chú Hỏa
Ông bà Huỳnh Văn Hoa có cả thảy 15 người con, trong đó có 4 trai. Người con trưởng tên Huỳnh Trọng Mô 黃仲謨, lúc nhỏ được bác ruột là ông Huỳnh Văn Bỉnh nhận làm con. Người này lúc trẻ từng sang Việt Nam giúp Chú Hỏa trong việc kinh doanh nhưng đã sớm mệnh một khi đang độ trung niên, con cháu của ông vì không nhập Pháp tịch nên ngày càng xa dần nguồn cội.
Người con thứ hai là Huỳnh Trọng Huấn 黃仲訓, tên Tây là Tang-Hung HuiBonHoa, sinh năm 1876 ở Hạ Môn (Phúc Kiến). Ông là cao đồ của danh nho đất Tuyền Châu Lý Thanh Cơ[6]. Sau khi ứng thí đỗ tú tài, ông cưới vợ rồi qua Sài Gòn trợ giúp kinh doanh với cha. Năm 1910, ông tiến hành đầu tư ở cố hương, lập Công ty địa ốc Huỳnh Vinh Viễn đường 黃榮遠堂, xây biệt thự ở Cổ Lãng tự (nay thuộc quận Tư Minh thành phố Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến) cho người nước ngoài thuê[7]. Thế chiến II bùng nổ, Nhật chiếm An Nam (cuối 1940), người Nhật nhiều lần mời Huấn tham gia chính trường nhưng ông đều từ chối. Tháng 3-1942, nhà cầm quyền Nhật nghi ngờ Huấn qua lại với chính phủ Tưởng Giới Thạch nên bắt giam ông. Hơn ba năm sau, Nhật Bản đầu hàng Đồng minh (8-1945), ông mới được trả tự do. Huỳnh Trọng Huấn qua đời tại Sài Gòn năm 1951, hưởng thọ 76 tuổi. Ông có vai vế cao nhất gia tộc Hui-Bon-Hoa, và cũng là người thừa kế danh hiệu “Chú Hỏa”.
Người thứ ba tên Huỳnh Trọng Tán 黃仲讚 – Tang-Chanh HuiBonHoa. Sinh năm 1877 tại Tuyền Châu, Phúc Kiến. Sau khi cưới vợ, ông qua Annam hiệp trợ kinh doanh với gia đình. Người này tính tình trầm ổn, có công lớn khuếch trương chuỗi hiệu cầm đồ và kinh doanh bất động sản của Hui-Bon-Hoa nên được mọi người trong gia tộc kính nể. Tán ít khi ra mặt giao tiếp lại mất sớm (1934) nên ít được người ngoài biết đến. Phải vài tháng sau khi Huỳnh Trọng Tán mất, Tạp chí Kinh tế-Tài chính Nam kỳ phát hành số đặc biệt để tưởng niệm và tuyên dương những cống hiến của ông trong nâng cao phúc lợi xã hội cho Nam kỳ, người ta mới biết đến những đóng góp của ông[8]. Thập niên 60, con cháu của Tán dần dần thiên di ra nước ngoài.
Người con trai thứ tư là Huỳnh Trọng Bình 黃仲評 – Thang-Phien Hui-Ban-Hoa, sinh năm 1892. Sinh sau đẻ muộn nên thời trẻ Bình được cho du học, chỉ đến khi ông đã thuần thục (1922) mới tham gia kinh doanh, hỗ trợ Huỳnh Trọng Huấn trong đối ngoại. Sau khi hai người anh mất, Bình thành người quản lý tối cao và kế tục danh hiệu “Chú Hỏa”[9].
Anh em nhà họ phân công nhau, Huỳnh Trọng Huấn tính tình hào sảng hiếu khách phụ trách đối ngoại giao tiếp với khách hàng, Huỳnh Trọng Tán trầm lặng sâu xa lo việc đối nội quản lý tài vụ. Khi phải về Tàu đầu tư, Huỳnh Trọng Huấn cho xây một cầu mát ở thắng cảnh Nhật Quang nhai của Cổ Lãng tự để tỏ lòng nhớ người em Huỳnh Trọng Tán. Tình cảm anh em của họ sâu sắc trên thuận dưới hòa, nên trong công việc kinh doanh phối hợp cực kỳ ăn ý.
Chú Hỏa 2
Ba anh em nhà họ Huỳnh, từ trái qua: Trọng Tán, Trọng Huấn, Trọng Bình.
Năm 1931, khi gia tộc làm lễ “hợp bách tuế” (mừng tuổi của hai trưởng bối Trọng Huấn, Trọng Tán cộng lại tròn trăm), Huỳnh Trọng Huấn nhân dịp này đặt ra bài Huỳnh Vinh Viễn đường mục hành tự 黃氏榮遠堂穆行序:
慶元積善 Khánh nguyên tích thiện
和以致祥 Hòa dĩ trí tường
丕基南振 Phi cơ Nam chấn
修業東揚 Tu nghiệp Đông dương
子承孫繼 Tử thừa tôn kế
源遠流長 Nguyên viễn lưu trường
嘉禾文藻 Gia hòa văn tảo
翹首家鄉 Kiều thủ gia hương
(Mừng dòng họ càng thêm người càng chứa điều thiện/ Lấy hòa thuận làm điều cực tốt lành/ Nền tảng lừng lẫy phương Nam/ Công nghiệp rạng rỡ phương Đông/ Con truyền cháu nối/ Gốc vững dòng bền/ Điềm lành đẹp đẽ/ Ngẩng đầu với quê xưa).
Chú Hỏa 3
Tấm bảng khắc bài “Phả tự thi” bị Cộng tặc vùi dập sau hơn 30 năm đã Châu về Hợp Phố.
Đây là loại thơ mà các dòng họ lớn của người Tàu áp dụng để đặt sẵn chữ lót cho con cháu, giúp họ hàng dễ nhận ra và biết vai vế thứ bậc của nhau, còn gọi là “Phả tự thi” 譜字詩. Đời chữ Khánh, tức thế hệ thứ ba của dòng họ HuiBonHoa đã có hơn 50 người, đến thời điểm 1975 đã xuất hiện tên đệm bằng chữ Tích (thế hệ thứ năm). Dòng dõi Chú Hỏa từ đây đâm cành nảy nhánh sum suê thịnh vượng.
Bài thơ này của Huỳnh Trọng Huấn được khắc lại theo thủ bút của ông, treo ở từ đường của Huỳnh Vinh Viễn đường. Sau 1975, giặc cộng tịch thu cướp mất nhiều đồ cổ ngoạn của gia tộc Hui-Bon-Hoa, tấm bảng khắc Phả tự thi này cũng biến mất từ đó. Hơn 30 năm sau (2007), một người thuộc hàng chữ Nguyên (thế hệ thứ tư) của gia tộc Hui-Bon-Hoa sang Việt Nam cúng phần mộ ông bà, tình cờ gặp lại bảng khắc Phả tự của nhà mình được bày bán bên lề đường đã lập tức mua lại. Tấm biển được mang về Pháp sum họp với con cháu.(https://levinhhuy.wordpress.com/2017/11/09/chu-hoa-va-cong-nghiep-gia-toc-hui-bon-hoa/#more-5357)