Bác sĩ Trần Văn Lai từng giữ chức Thị trưởng Hà Nội trong chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, là người đổi (và đặt) lại tên đường cho nhiều con phố Hà Nội (từ tên người Pháp thành các nhân vật lịch sử người Việt), sau khi Nhật Bản đảo chính Pháp và dựng lên chính phủ thân Nhật, giao việc quản lý hành chính các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Chính phủ Trần Trọng Kim. Bác sĩ Trần Văn Lai được mời làm Đốc lý Hà Nội, chức vụ tương đương với Đô trưởng ở Sài Gòn.
Ông Trần Văn Lai được đánh giá là người “kín đáo, điềm đạm” và “nhân hậu”. Ngôi nhà của ông ở ngõ Tức Mạc gần Ga Hàng Cỏ trong nhiều năm liền là nơi người dân nghèo Hà Nội đến khám bệnh và xin thuốc miễn phí.
Trong bài viết “Tên phố, tên đường” viết năm 1980, nhà văn Tô Hoài nhận định:
“…ở Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai, thị trưởng thành phố của chính quyền Nhật dựng nhưng đã làm được hai việc đáng kể, được người thành phố ủng hộ là huy động nhân dân tham gia phá bỏ các tượng đài “kể công” của thực dân Pháp […] Hầu hết tên phố và tên vườn hoa đều được đặt lại […] Từ 1954, khoảng 10 năm đầu, Sở Văn hóa và Thông tin đã thành lập Ban tên phố giúp Sở đặt lại một số tên phố. Bỏ nhiều tên phố mang tên vua quan thời Nguyễn, đặt mới một số tên phố tượng trưng truyền thống, sự kiện lịch sử và cách mạng […] Ngoài ra, hầu hết những phố khác vẫn trên cơ sở tên phố từ năm 1945 của bác sĩ Trần Văn Lai…”
Nội các chính phủ Trần Trọng Kim ra đời theo đạo dụ số 5 ngày 17/4/1945 của vua Bảo Đại và là lễ bái mệnh vào sáng ngày 8/5/1945 tại điện Cần Chánh ở kinh thành Huế, nhưng tới ngày 19/7/1945 ông Trần Văn Lai mới được bổ nhiệm thành thị trưởng Hà Nội, trong cùng sắc lệnh bổ nhiệm 2 thị trưởng thành phố khác là Vũ Trọng Khánh ở Hải Phòng, Nguyễn Khoa Phong ở Đà Nẵng. Sở dĩ như vậy là bởi vì phải tới ngày 20/7/1945, ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng mới chính thức thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Đế Quốc Việt Nam (nhà nước tồn tại trong 5 tháng dưới sự kiểm soát của Đế Quốc Nhật Bản).
Sau khi nhậm chức thị trưởng, ông Trần Văn Lai có lời cám ơn đến người dân thông qua tờ Nước Nam số ra ngày 28/7/1945 như sau: “Nhân việc tôi có lời thành thực cám ơn bà con các giới đã tỏ ý muốn tổ chức một cuộc đón tiếp xứng đáng, nhưng hiện thời trong nước còn nhiều việc khó khăn nên tôi có yêu cầu bà con hãy hoãn việc ấy, và quây quần làm việc đừng chia đảng phái để chẳng bao lâu Hà Nội yêu quý của chúng ta sẽ to, đẹp, mạnh giầu như kinh đô các đại cường quốc. Chúng ta nên tiệt trừ những sự đầu cơ, trộm cắp, hành khất, hối lộ, xu nịnh và hủy bỏ những di tích sâu xa mà trong quá nửa thế kỷ nay chúng ta phải yếm thế, chúng ta phải sát cánh làm việc cho xứng đáng là dân Việt Nam không hổ với tổ tiên trong những thời oanh liệt mà cũng chẳng để di hận cho con cháu về sau”.
Có thể thấy ngay trong bài cám ơn này, ông thị trưởng đã nhắc tới việc hạ trừ những “di tích” của người Pháp để lại trên đất Hà Nội suốt nửa thể kỷ hiện diện.
Hoàng đế Bảo Đại thoái vị ngày 25/8/1945, nội các Trần Trọng Kim chấm dứt, như vậy ông Trần Văn Lai chỉ có 1 tháng ở vị trí thị trưởng Hà Nội, nhưng đã làm được những việc mang dấu ấn lịch sử, đó là đặt lại tên đường Hà Nội, từ tên Pháp sang tên Việt, và triệt hạ các tượng đài mang dấu ấn thời kỳ thuộc địa trên khắp Hà Nội.
Việc này mang ý nghĩa lịch sử, vì hệ thống tên đường do ông Trần Văn Lai đặt cho Hà Nội là lần đầu tiên do một chính thể người Việt đặt, nó có ảnh hưởng nhất định tới việc đặt, đổi tên đường phố do những chính thể tiếp theo thực hiện, như trường hợp xóa tên Pháp đặt lại tên đường năm 1954 ở Sài Gòn và Hà Nội.
Việc đặt, đổi tên đường được thị trưởng Trần Văn Lai tiến hành gần như ngay lập tức sau khi ông nhậm chức. Trong bối cảnh chính trị, xã hội rối ren thời điểm đó, việc đổi tên đường phố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nội các nên mới được tiến hành tức thời, thể hiện sự tự chủ dân tộc.
Báo Hưng Việt số ra ngày 1/8/1945 cho biết cụ thể như sau:
“bữa thứ sáu 27 tháng 7, ông Đốc lý Hà Nội có mời 12 vị thân hào đại diện cho các dân chúng trong thành phố hội hiệp tại thị sảnh để bàn bạc về việc triệt hạ tất cả những tượng và những đài kỉ niệm do chánh phủ Pháp xây dựng và thay đổi những con đường. Cuộc hội hiệp này đã quyết định rằng trong 1 tuần sẽ triệt hạ tất cả những tượng kỉ niệm trong thành phố và để vào một viện bảo tàng riêng đặt tên là “Quốc sỉ bảo tàng viện” (quốc sỉ là điều sỉ nhục quốc gia).
Như vậy có cả một hội đồng nhiều người trợ giúp ông thị trưởng thực thi những công việc của Tòa đốc lý, một trong những công việc quan trọng lúc đó, chính là việc đổi tên đường. Hội đồng phải họp rất nhiều lần để bàn việc tiến hành. Tờ Tin Mới ngày 6/8/1945 đưa tin “Hội đồng xét về việc đổi tên các phố trong thành phố Hà Mội đã họp lần thứ tư vào chiều ngày thứ sau 3-8-45, tại tòa Thị chính. Hội đồng đã ấn định việc đổi mới tên các phố sau đây…”
Báo Hưng Việt số 5 ra ngày 6/8/1945 đưa tin: “ngày thứ tư 1 tháng 8, ông tân đốc lý ở Hà Nội đã khởi sự triệt hạ các tượng do người Pháp dựng nên ở Hà Nội. Cùng một lúc, bốn pho tượng trong số có tượng Paul Bert và đài kỉ niệm các thanh tra và lính thủ hộ Đông Dương đều bị triệt hạ nội buổi sáng hôm đó. Ông đốc lý Trần Văn Lai và vài ông hội viên thành phố có dự kiến công cuộc triệt hạ các pho tượng ấy trước mặt một số đông hoan nghinh nhiệt liệt hành động có ý nghĩa ấy”.
Ngoài bức tượng cựu Toàn quyền Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) bị giật đổ như trong bản tin trên nhắc tới, các bức tượng khác chung số phận là Tượng bà đầm xòe (Nữ thần tự do) ở vườn hoa Cửa Nam; tượng Sĩ Công Nông Thương ở vườn hoa Canh Nông (nay là vườn hoa Lê-Nin).
Song song với với việc phá bỏ tượng đài của chính quyền thuộc địa, ông Trần Văn Lai cũng tiến hành quyên góp để xây dựng những tượng đài mới để “kỷ niệm những bực anh hùng cùng những nhà ái quốc Việt Nam”. Tuy nhiên sau đó có lẽ thời gian không có đủ để chính quyền Trần Văn Lai thực hiện được công việc này.
Việc triệt hạ tượng đài Pháp và đổi tên đường dần lan ra các thành phố và khu vực khác trong cả nước. Hội đồng thành phố Hải Phòng đã họp phiên thứ nhất ngày 2/8/1945 để bàn về việc hạ tượng đài và đổi tên đường. Tri huyện Văn Giang mở cuộc quyên góp để dựng bia tưởng niệm lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng là Phó Đức Chính, vốn là người ở Văn Giàn. Ở Sài Gòn, kỹ sư Kha Vạng Cân – Thị trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn của Chính phủ Trần Trọng Kim, sau khi nhậm chức ngày 21/8/1945 đã tiến hành triệt hạ các tượng đài thời thuộc địa, như tượng Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cảnh trước Nhà thờ, tượng Garnier trước Nhà Hát, tượng Rigault de Genouilly ở đầu đường Catinat (nay là công trường Mê Linh), tượng Gambetta ở Vườn Bờ Rô (Tao Đàn)…
Theo báo Hưng Việt thời đó cho biết “công cuộc triệt hạ rất mau lẹ, dân chúng đến xem cũng đông và tỏ ý hài lòng”.
Cùng với việc triệt hạ tượng đài, việc đặt, đổi tên đường và nơi công cộng ở Hà Nội được chính quyền Trần Văn Lai thực hiện chậm hơn chỉ vài ngày. Có 20 vườn hoa và nơi công cộng được đổi tên, chỉ có vườn hoa mang tên Pasteur và Alexandre de Rhodes được giữ lại, còn lại Công viên Paul Bert đổi thành Công viên Thăng Long, Công viên R Robin đổi thành Công viên Độc Lập, Công viên Carnot đổi thành Công viên Chi Lăng, Công viên Hébrard đổi thành Kính Thiên, Cầu Doumer đổi thành cầu Long Biên… Ngoài ra có khoảng 60 tên phố, đường đổi từ tên Pháp sang tên Việt.
Việc các công viên được đặt tên thành Chi Lăng, Lam Sơn, Hoa Lư gợi nhớ đến các phong trào chống ngoại xâm thời xưa, khích lệ tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm. Chính quyền Trần Văn Lai còn tôn vinh những phong trào chống Pháp bằng việc chọn các tên Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Ba Đình, Bãi Sậy. Còn việc đặt tên các vườn hoa Văn Lang, Tao Đàn, Nam Giao, Kính Thiên thể hiện sự tôn vinh các giá trị văn hóa, văn minh dân tộc có từ lâu đời.
Trong 60 tên đường được đổi tên, có tới 44 tên nhân vật lịch sử, trong đó có 1 người Pháp (Yersin), 1 người Nhật (Minh Trị), 1 người Trung Quốc (Tôn Trung Sơn), còn lại là người Việt.
Quy luật đặt tên đường của chính quyền Trần Văn Lai:
1. Những con đường vòng ngoài của Hà Nội, ranh giới của Hà Nội với ngoại thành, được đặt bằng tên quốc hiệu hoặc tên thành cũ của Hà Nội, thí dụ tên đường Đại La.
2. Tên các nhân vật lịch sử sẽ được đặt cho con phố nằm ở vị trí, địa điểm có mối liên hệ nào đó với nhân vật lịch sử.
3. Tên các nhân vật lịch sử có những mối liên hệ nhất định được đặt cho các phố gần nhau để tạo thành các biểu tượng mang ý nghĩa nào đó. Ví dụ cụm đường mang tên vua, cụm đường mang tên các tướng, nhà quân sự tài ba, cụm đường mang tên các nhà ngoại giao, nhà văn hóa…
Một số tuyến đường, cụm phố Hà Nội tiêu biểu được chính quyền Trần Văn Lai đổi, đặt tên đường:
Cụm phố mang tên vua tạo nên biểu tượng của nền quân chủ. Đó là các phố lớn gần quảng trường Tròn (nay là quảng trường Ba Đình) được đặt theo tên các vua (đại lộ Pierre Pasquier đổi thành Hùng Vương, đại lộ Briere de l’Ilse đổi thành Quang Trung, đại lộ Felix Faure đổi thành Trưng Nữ Vương; đại lộ Joffre đổi thành Trung Quang Đế). Trong cụm phố vua này, trừ Hùng Vường là tên vua trong truyền thuyết, là tổ tiên chung của người Việt, thì 3 vị vua còn lại đều là những người lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống giặc phía Bắc.
Các phố xung quanh hồ Gươm được đặt tên vua Lý Thái Tổ, là người chọn định đô ở Thăng Long, và Lê Thái Tổ – vị vua gắn liền với truyền thuyết hồ Gươm.
Tuy có sự khác nhau về triều đại nhưng có thể thấy 2 cụm phố vua này gắn với 2 không gian trung tâm của đô thị Hà Nội, gắn với những câu chuyện lịch sử gắn liền với kinh thành Thăng Long.
Một ông vua khác cũng được vinh danh là vua Duy Tân (đổi tên từ phố Huế), một người chủ trương chống Pháp. Điều đó khẳng định ý tưởng của chính quyền thành phố là lập ra biểu tượng phản đối sự đô hộ và hướng tới độc lập.
Cụm phố mang tên các tướng, nhà quân sự cũng được đặt, tạo nên biểu tượng anh hùng, bất khuất. Ba con phố lớn ở phía Nam hồ Gươm chạy theo hướng Đông – Tây mang tên 3 vị anh hùng của 3 triều đại lừng lẫy trong lịch sử. Đại lộ Gambetta được đổi thành Trần Hưng Đạo, đại lộ Carreau được đổi thành Lý Thường Kiệt, và đại lộ Rollandes đổi thành Nguyễn Trãi. Đặc biệt, các nhân vật lịch sử tham gia chống Pháp được đặt thành các nhóm nhỏ. Tên của 2 vị tổng đốc tuẫn tiết với thành Hà Nội được đặt cho 2 phố chạy song song nhau qua không gian tòa thành cũ là phố Hoàng Diệu và phố Nguyễn Tri Phương. Tên Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn được đặt cho 2 phố dẫn ra các làng ngoại thành ở phía Bắc thành phố. Tên của nhiều chí sĩ tham gia tích cực phong trào chống Pháp cũng được đặt tên ở các tuyến phố khác, như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu…
Cụm phố mang tên các nhà văn hóa, ngoại giao tạo nên biểu tượng văn hóa cũng được đặt tên, nhưng có lẽ do thời gian gấp rút nên việc này còn chưa rõ nét. Tên của Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Trường Tộ được đặt cho 2 tuyến phố Mission (Hội Truyền Giáo) và Lamblot (Nhà Chung). Điểm chung cuản 2 nhân vật lịch sử này là đều học giả giỏi ngoại ngữ mang tư tưởng canh tân, đều liên quan tới giáo hội. Vua Lê Thánh Tông là người giỏi văn thơ, đã lập hội Tao Đàn bao gồm 28 vị có tài làm thơ đặt chữ. Do vậy tên vua Lê Thánh Tông được đặt cho một con phố đi qua trường Đại học Đông Dương, và tên nhóm thơ Tao Đàn cũng được đặt cho công viên đối diện trường, những yếu tố trên tạo thành một biểu tượng văn học trong không gian đô thị Hà Nội.
chuyenxua.net