Nếu chỉ đọc tựa đề bài viết, có lẽ sẽ có người thắc mắc rằng phụ nữ có vai trò gì trong việc phát triển chữ quốc ngữ giữa lúc giao thời đó (năm 1929), khi mà chữ nho đang lùi dần về quá khứ, và các trí thức người Việt đang tích cực cổ vũ cho chữ quốc ngữ được sử dụng rộng rãi.
Tác giả bài viết này là Phan Khôi, một trong những người có đóng góp lớn trong việc bổ khuyết và phát triển chữ quốc ngữ thời điểm 100 năm trước. Bài báo này được đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn, nên tác giả đã đề cao vai trò của người phụ nữ bằng giọng văn có phần trào phúng. Phụ nữ có vai trò gì trong việc phát triển chữ quốc ngữ? Theo Phan Khôi, chị em phụ nữ hãy chọn chồng là người viết được chữ quốc ngữ, nếu không thì đuổi đi hết, thà ở góa cho xong…
Đại khái chữ quốc ngữ nước ta, phát nguyên tuy là từ miền Bắc, mà bắt đầu thạnh hành lại từ miền Nam. Cho nên bây giờ chúng ta có thể nói được rằng xứ Nam kỳ đối với lịch sử chữ quốc ngữ lại có quan hệ mật thiết hơn Trung, Bắc kỳ.
Theo lời truyền thuở nay thì chữ quốc ngữ do một ông cố đạo đặt ra. Song cứ theo vần quốc ngữ thì thật đủ hết mọi giọng trong tiếng An Nam ; mà đủ được như thế, tất phải vừa theo giọng Bắc kỳ, vừa theo giọng phía bắc Trung kỳ. Bởi vậy tôi nói rằng chữ quốc ngữ phát nguyên từ miền Bắc. Tôi có ý nói ông cố đạo ấy hiệp cả giọng Bắc kỳ và phía bắc Trung kỳ mà đặt ra vần quốc ngữ.
Sao tôi lại không kể đến phía nam Trung kỳ và Nam kỳ? Vì cái chỗ đúng của hai nơi ấy thì không đúng bằng phía bắc Trung kỳ, mà còn chỗ sai lại sai quá, càng vào phương Nam chừng nào càng sai chừng nấy, nên không kể làm chi (1).
Nói như vậy chắc làm cho độc giả khó hiểu. Song muốn nói ra cho thật rõ thì phải nói dài ; mà trong bài nầy tôi không cốt trọng về chỗ ấy lắm, nên nói sơ qua, đợi sau sẽ nói riêng trong một bài khác.
Tuy vậy, cũng phải nói thêm mấy lời cho rõ hơn một chút. Về phía nam Trung kỳ, nói ngay tỉnh Quảng Nam là tỉnh tôi, về vần ngược(2), chỉ có miền thượng du nửa tỉnh phía nam nói đúng mà thôi, còn bao nhiêu thì sai hết, nghĩa là không phân biệt c với t, có g với không g. Từ Bình Định trở vô, vần uân thì nói ra ưng. Vào đến Nam kỳ, lại thêm lộn in với inh, úc với ut, h với q, v…v…, không kể hết được. Tôi nói vào phương nam chừng nào càng sai chừng nấy, là nghĩa như vậy.
Chúng ta không nên lấy cớ mình là người phía nam Trung kỳ và Nam kỳ, muốn binh vực cho cái lưỡi xứ mình mà gân cổ cãi lại. Chúng ta phải nhận cho kỹ mà chịu đi rằng chúng ta phát âm (prononcer) tiếng An Nam thiệt không đủ giọng bằng miền Bắc.
Vì cái cớ phát âm không đủ giọng ấy, nên tôi dám quyết rằng hồi ông cố đạo đó theo tiếng An Nam mà đặt ra quốc ngữ thì không cần dùng đến giọng phía nam Trung kỳ và Nam kỳ; tiếng của hai miền nầy thật không có dự một chút công nào vào sự sáng tạo vần quốc ngữ. Vì dùng nội giọng Bắc kỳ và giọng phía bắc Trung kỳ là đủ rồi.
Đây nhẫn lên tôi muốn giải thêm cái cớ tại làm sao mà chữ quốc ngữ phát nguyên từ miền Bắc.
Chữ quốc ngữ phát nguyên thì từ miền Bắc, nhưng kể ra người An Nam ta bắt đầu thông dụng nó, học tập nó, làm sách làm vở bằng nó, thì lại từ miền Nam, tức là Nam kỳ.
Chữ quốc ngữ hồi đầu chỉ có tín đồ đạo Thiên Chúa dùng mà thôi. Họ lấy nó mà dịch kinh, dịch sách, rồi đem dạy trong các nhà trường của họ. Sự đó suốt từ Bắc chí Nam như nhau, không khác. Nghĩa là trong dân An Nam thì người có đạo Thiên Chúa dùng chữ quốc ngữ trước hết thảy. Mà họ lại dùng theo y một lối ; Bắc phải theo sự đúng của Nam, Nam phải theo sự đúng của Bắc, từ đó cho đến bây giờ.
Để riêng sự bên Đạo dùng chữ quốc ngữ ra, đừng nói đến nữa. Hãy nói về cả dân An Nam ta bắt đầu dùng chữ quốc ngữ là từ Nam kỳ.
Từ lúc người Pháp lại đây, nhứt là sau khi Nam kỳ làm thuộc địa Pháp, chữ Hán không còn cai trị trong cõi học vấn của người Nam kỳ nữa, thì chữ quốc ngữ tiếp theo nổi lên mà cai trị. Bấy giờ trong các nhà trường Chánh phủ lập ra, chữ Pháp làm chánh đốc giáo mà chữ quốc ngữ làm phó đốc giáo.
Lần lần nó chiếm một cái địa vị trong cõi chánh trị: Chánh phủ có việc gì bá cáo cho dân muốn cho ai nấy đều hiểu thì dùng chữ quốc ngữ. Lại lần lần nó chiếm một cái địa vị nữa trong cõi văn học của bình dân: bấy giờ những thơ, những tuồng, những truyện bằng chữ quốc ngữ mới in nhiều ra. Rồi sau nữa đến có tờ báo bằng chữ quốc ngữ, thì chữ quốc ngữ thành ra phổ thông ở xứ Nam kỳ.
Trong khi ấy thì ngoài Trung, Bắc kỳ, người An Nam ta đương còn nằm sấp xuống, cấn bụng trên ván, duỗi cẳng dài đuột đuột mà viết chữ Hán, từ bậc ông Cống ông Nghè cho đến chú Trùm trong xóm cũng vậy.
Kể cái công tập tành chữ quốc ngữ cho quen và rải rắc nó cho một ngày một rộng ra, ấy là phải kể cho xứ Nam kỳ.
Tôi muốn nói xứ Nam kỳ là thầy dạy quốc ngữ cho cả và dân An Nam, cũng không phải là quá đáng. Độc giả hãy nhớ, xứ Nam kỳ là thầy dạy quốc ngữ cho dân An Nam!
Mà là thầy thiệt. Hồi đó có hai ông đại sư về quốc ngữ, là ông Trương Vĩnh Ký và ông Paulus Của, tức là Huỳnh Tịnh Trai. Vì mỗi ông có làm ra một bộ tự vị tiếng An Nam.
Các ổng cũng là học trường bên Đạo mà ra, cho nên các ổng viết chữ quốc ngữ y như người bên Đạo, nghĩa là viết đúng. Hồi bấy giờ chắc người Nam kỳ phát âm cũng vẫn là không đủ, cũng vẫn là lẫn t với c, lẫn có g với không g, lẫn dấu ngã với dấu hỏi, song le các ổng viết ra thì phân biệt đâu ra đó, vì vậy các ổng mới dám làm tự điển. Mà tự điển của các ổng sau rồi trở nên mẫu mực cho người An Nam, ai cũng phải dùng, dùng đến cả phía bắc Trung kỳ và Bắc kỳ là miền chữ quốc ngữ đã do đó sanh ra.
Mà tôi tưởng, không những hai ông đại sư ấy, lúc bấy giờ người Nam kỳ hễ đã viết quốc ngữ thì ai cũng phải viết đúng. Vì hồi đó người ta học quốc ngữ một cách nghiêm. Bây giờ thử tìm một vài cuốn sách xuất bản thời ấy ra mà coi, cuốn nào in cũng hẳn hoi, cho đến dấu ngã dấu hỏi cũng phân minh.
Kể gốc tích chữ quốc ngữ ở Nam kỳ thuở xưa ra như vậy, rồi liếc con mắt qua một bận trên mọi cuốn sách, mọi tờ báo thời nay, mà khôn ngăn châu lụy sụt sùi! Ủa hay! Việc gì mà khóc? Nền nếp ông cha như vậy mà con cháu là chúng ta bây giờ xô đổ hết trơn hết trọi, thì không khóc sao được, các ông ôi?
Chữ quốc ngữ Nam kỳ ngày nay, thôi, không còn chỗ nói nữa! Ai muốn viết thế nào đó thì viết, tuồng như họ muốn nổi cách mạng nghịch cùng Huỳnh Tịnh Trai và Trương Vĩnh Ký! Bỏ hết thảy, đừng nói; chỉ nói một chữ dịch (traduire) mà viết ra chữ vịt trong một quyển luật đã in và bán chạy như ngựa rồi kia, cũng đủ cho các ông đương khóc mà phải bật cười!
Bây giờ chúng ta thử truy nguyên ra tại làm sao mà đến thế. Mích lòng hai ông lão tiên sanh, tôi xin chịu; chớ tôi cũng phải mời hai ngài ra đây, là ông Nguyễn Chánh Sắt và ông Đặng Thúc Liêng!
Chữ quốc ngữ ở Nam kỳ mà viết sai bậy bạ hết là bắt đầu từ các ông làm báo bậc tiền bối. Phần nhiều các ông làm báo thuở xưa là nhà nho sót lại, chắc các ổng không học quốc ngữ đúng đắn, chỉ học vần sơ rồi ráp lại mà viết, thành ra viết sai mà không hay. Người mình lại có cái tánh hay “sợ chữ in”, hễ thấy tờ báo cuốn sách, thì cho là mực thước rồi cứ theo đó mà bắt chước, bắt chước thét(3) lại càng sai nhiều hơn các ổng nữa.
Kể ra những nhà báo tiền bối cũng nhiều, sao tôi lại nói mình ông Nguyễn và ông Đặng? Xin lỗi hai tiên sanh, ấy là sự thừa tiện. Vì tôi thấy hai chữ tên của hai ông viết quấy, nên tôi cử ra để đại biểu cho những ông kia.
Tên của ông Nguyễn bằng chữ Hán là “正色”, của ông Đặng là “叔蓮”, chính tôi đã được trông thấy trong danh thiệp của hai ông rồi. Vậy thì chữ “色” ấy có phải là “Sắt” đâu, mà phải viết là “Sắc” mới đúng ; chữ “蓮” ấy có phải “Liêng” đâu, mà phải viết là “Liên” mới đúng. Còn chữ “Sắt” (fer) là tiếng nôm, chữ “Liêng” là thiêng liêng, cũng tiếng nôm, có lẽ nào hai ông là nhà nho học có tiếng xứ nầy mà lại đặt tên nôm ? Ừ mà cho là đặt tên nôm, thì lại không có lẽ để liền với chữ “正” và chữ “叔”. Tôi nói thá ví lung tung như vậy, không có ý chi, chỉ để tỏ ra rằng hai ông đã viết quốc ngữ sai tên mình, chớ không phải là không sai mà vì có lẽ khác.
Tôi nói thá ví lung tung như vậy, không có ý chi, chỉ để tỏ ra rằng hai ông đã viết quốc ngữ sai tên mình, chớ không phải là không sai mà vì có lẽ khác.
Tôi cử ra hai cái tên của hai ông, rồi tôi quyết luận rằng hễ chữ tên mình mà đã viết sai thì tức là bất kỳ chữ nào cũng có thể viết sai được hết, và xin hai ông đừng bắt lỗi tôi, tôi đem hai ông làm đại biểu cho sự lầm lộn ấy thật không oan.
Cách viết quốc ngữ “loạn xị” ấy di hại cho đến ngày nay. Ngày nay ai cũng cho sự viết bậy viết bạ là thường, không cần phải viết cho đúng, không cần theo tự vị của Huỳnh Tịnh Trai và Trương Vĩnh Ký, là lỗi ở hết thảy các ông làm báo tiền bối vậy.
Tôi lấy làm thương tâm quá! Tôi không hiểu một người đã xưng mình là người An Nam, thậm chí xưng mình là nhà văn học An Nam, sắp hàng mình vào nhà ngôn luận, nhà trứ thuật, dám thò tay viết cuốn sách để đời, mà mặt chữ còn quấy, thì mới nói làm sao? Tôi không biết một người Pháp hay là một người Tàu mà viết chữ bổn quốc họ còn quấy mặt chữ như mình vậy, thì họ có thể lên mặt mà tự đắc được chăng? Ai cho việc này là việc nhỏ mặc ai, chớ tôi, bụng dạ hẹp hòi, tôi cho nó là việc lớn.
Nầy, hỡi người An Nam ta, hãy bắt đầu từ hôm nay học viết chữ quốc ngữ cho đúng đi! Có vậy mới xứng đáng là người An Nam.
Tôi không có quyền sửa đổi trong một tờ báo cho trở nên đúng. Song tôi mong rằng có một tờ báo nào ở Sài Gòn đây sẽ làm tiên phong mà sửa đổi cho đúng đi. Tôi thiệt mong ở Phụ nữ tân văn.
Không những mong ở Phụ nữ tân văn, mà tôi cũng mong ở chính mình phụ nữ nữa. Nghĩa là tôi mong ở các cô. Các cô có một cái thế lực lớn trong việc cải lương (4) nầy mà các cô quên đi không dùng.
Những người đàn ông gần già gần chết mà họ viết quốc ngữ sai, thôi bỏ họ đi. Còn đám thiếu niên sơ học sau nầy, các cô có quyền uốn nắn được. Các cô hãy học viết đúng đi trước đã. Rồi các cô hẹn nhau, rày về sau, hễ các cậu, cậu nào viết quốc ngữ đúng thì các cô hãy cho bưng trầu rượu đến nhà; còn không, thì đuổi họ đi cho rảnh. Thà ở góa cả đời, chớ đừng lấy anh chồng không biết viết!
Đó rồi, rày sấp tới, người đàn ông An Nam nào muốn có vợ thì phải cặm đầu học quốc ngữ. Không bao lâu mà họ biết viết hết. Ấy là nhờ ơn các cô vậy.
PHAN KHÔI
Phụ nữ tân văn, Sài gòn, s.28 (7.11.1929)
(1) Ý niệm về những sự” đúng”, “sai” của giọng nói (cách phát âm) tiếng Việt ở từng vùng là không tránh khỏi khi chưa xuất hiện quan niệm về phương ngữ, cũng như các quan niệm lý thuyết ngôn ngữ chung khác (NBS).
(1) vần ngược ý ở đây là muốn nói đến các phụ âm cuối ở âm tiết tiếng Việt.
(3) thét: mãi hoài, luôn (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, Sđd.)
(4) cải lương: nghĩa là cải cách.