Chuyện bà cố tôi (Câu chuyện đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1929)

Nhà báo Phan Khôi (1887-1959) là một trong những tác gia tiểu biểu của lịch sử báo chí, tư tưởng văn hóa Việt Nam thế kỷ 20. Trong số những vấn đề xã hội mà Phan Khôi đã đề xuất và lên tiếng trong dư luận báo chí ở Việt Nam từ những năm 1920, vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới là một chủ đề quen thuộc. Ông là một nhà nho nhưng có những tư tưởng tiến bộ và vượt thời đại trong vấn đề này.

Sau đây là một câu chuyện được ông đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn năm 1929.

Câu chuyện kể về chuyện gia đình của ông, cụ thể là bà cố của ông (mẹ của ông nội), là một người đàn bà giỏi giang, nhưng vì cải giá (góa chồng và đi thêm bước nữa) nên không được con cháu đối xử công bằng khi thờ tự. Câu chuyện này được tác giả Phan Khôi kể lại nhằm lên án quan niệm cổ hủ của người Việt xưa đối với những người đàn bà cải giá, là vấn đề mà ngay đến thời hiện đại vẫn còn.

Xin giữ nguyên văn phong báo chí thời kỳ gần 100 năm trước và có chú thích với những từ ngữ ngày nay ít được sử dụng.

Chuyện Bà Cố Tôi – Một lá đơn kiện cái chế độ gia đình An Nam

Xưa nay không có ai viết báo mà lại giở đến việc của nhà mình ra. Nếu vậy thì đối với mình là “dởm”, mà đối với độc giả có lẽ là vô phép. Lần này người ta mới thấy tôi là một.

Tôi biết vậy mà tôi còn viết, là vì tôi biết chắc tôi sẽ được tha thứ mọi bề. Việc là việc riêng nhà tôi, song nó sanh ra là bởi cái chế độ chung của xã hội An Nam. Nó đã xảy ra ở nhà tôi, thì cũng có thể hay là có lẽ đã xảy ra ở nhiều nhà khác rồi. Vậy, tôi kiện cái chế độ ấy, chắc không có ai đang tâm mà bảo rằng tôi làm một việc tư kỷ. Và lại, thường tình, khi ai đem việc nhà mình ra mà nói là nói ròng chuyện tốt, có ý để khoe khoang với người ngoài. Còn việc nhà tôi đây, là chuyện mà người ta cho là không tốt, trong làng trong họ, những kẻ hay suy, hòng giấu đi cho nhà tôi không biết, mà tôi lại đem phô ra, – điều đó đủ cho độc giả càng tin cái khổ tâm của tôi, thật không phải vì chỉ việc riêng của mình vậy.

Họ Phan chúng tôi, ông thỉ tổ (thủy tổ) nguyên ở Nghệ An vào lập làng tại Quảng Nam, kêu là Bảo An. Một làng mà chia thành hai, Đông và Tây. Họ chúng tôi ở làng Đông; làng Tây thì ở hai họ Nguyễn và Ngô, mà hai vị thỉ tổ của hai họ ấy vốn là bạn đồng công lập nghiệp với ông thỉ tổ đằng chúng tôi. Ông thỉ tổ chúng tôi có năm người con trai, chia làm năm phái, chúng tôi thuộc về phái thứ nhì. Trước đây chừng vài trăm năm, ngang thời chúa Nguyễn, bốn phái kia phần nhiều giàu sang, lại có nhà đã gả con gái cho nhà chúa, nên quyền thế lừng lẫy lắm. Phái nhì chúng tôi đã nghèo đã dốt, lại thêm đời nào cũng độc đinh (mỗi đời chỉ có một trai nối dõi) người ít, thế kém, nê phải tách ra mà về ở làng Tây với hai họ Nguyễn, Ngô từ đó cho đến bây giờ.

Họ tôi, kể từ ông thỉ tổ cho đến đời tôi đây là 13 đời. Vậy ông cố tôi là đời thứ mười. Mà kể đến đời thứ tám thì đằng phái tôi cũng vẫn là độc đinh; còn cái nghèo và dốt thì đời thứ mười cũng chưa khỏi; duy ông cố tôi có đi học, đi thi mấy khoa mà không đậu.

Tôi đem gia phả phổ mục lục mà khai ra như vậy để cho độc giả biết rằng nhà tôi, hay là cả phái nhì tôi, bây giờ có hơi kha khá một chút, người có, của có, quan quyền cũng có, lăm le mở mặt với đời, nhưng kể từ trước kia cho đến đời ông cố tôi vốn là nhà bình dân nghèo hèn dốt nát, ấy rồi độc giả mới dễ mà đoán cho cái công vun trồng gây dựng là về ai; mà người có công đó, lâu nay ở trong cái cảnh ngộ thế nào, cái địa vị ra sao, sau đây độc giả thấy ra tưởng ai nấy cũng phải xỉ vào cái chế độ nặng nề kia mà khống cáo nó như tôi vậy.

Bà cố tôi, người làng Hóa Quê, gần cửa Hàn, sanh năm Tân Hợi (1791) 11 năm trước vua Gia Long lên ngôi; năm Kỷ tỵ, Gia Long thứ tám, về với ông cố tôi. Vợ chồng ở với nhau trong 15 năm mà sanh hạ được năm trai hai gái, đến năm Quý vị ông cố tôi vừa 37 tuổi thì qua đời.

Bấy giờ bà cố tôi 33 tuổi. Người con trai đầu 13 tuổi; còn con trai út, tức là ông nội tôi, mới có hai tuổi. Một nhà mẹ góa con côi, chín mười miệng ăn mà không có sào đất tấc nương chi hết, cũng chẳng có đồng vốn nào trong tay, vì cái nghèo là cái nghèo di truyền. Đừng tưởng rằng hồi đó rẻ ăn dễ sống mà lầm. Bà cố tôi bấy giờ tay không mà nuôi nổi chừng nấy con, sự đó chẳng phải dễ dàng chi.

Cái nghề nuôi con nhỏ còn là dễ; chớ đã trộng lên (lớn lên), thì ăn mặc thêm tốn, lại còn phải cho đi học nữa, còn phải lo cưới gả nữa, bà cố tôi ở vậy được 6 năm rồi, thấy đến cái ngày mình phải bó tay, dầu sớm khuya tần tảo cho mấy đi nữa mặc lòng. Năm Kỷ sửu, Minh Mạng thứ mười thì bà cố tôi 39 tuổi, phải cải giá, đi lấy chồng.

Bà cố tôi làm vợ kế một người ở làng Hội Vực, gần Hóa Quê, kêu là ông Đội Bốn. Ông nầy nhà khá. Bà cố có giao ước rằng lấy nhau thì phải lấy nhưng phải để mình đi đi về về nhà chồng trước mà trông nom con cái. Bởi vậy mấy người già khú trong làng tôi bây giờ, còn nhắc chuyện rằng hồi ấy đã trông thấy bà cố tôi cưỡi ngựa mà đi, từ Hội Vực về Bảo An hay Bảo An về Hội Vực, mà lần nào cũng có mang đồ vật trên cổ ngựa. Ông nội tôi và các ông tổ bá tôi cũng nhờ dịp ấy mà đi học được.

Về với ông Đội được sáu năm, sanh cho ông ấy một trai một gái, thì ông ấy mất, bà cố tôi góa chồng lần thứ hai. Ở Hội Vực mãn tang ông Đội rồi, bà cố tôi bèn đem hai con chồng sau trở về Bảo An ở chung với con chồng trước, một mình làm chủ hai cái gia đình trong một nhà.

Nguyên hồi bà cố tôi góa chồng lần trước, thì cất thân ra đi buôn gánh tại phố Hội An, cứ mua hàng nhà quê đem ra tỉnh bán, rồi mua hàng tỉnh về bán nhà quê. Đến lần này, trong tay đã có lưng vốn ít nhiều, bà cố tôi mới xoay ra buôn bán lớn với Khách trú cũng ở Hội An đó.

Số là, ở miền tôi, từ trước người ta đã có trồng mía và nấu ra đường, cát trắng. Song đường trong dân gian cứ đem bán cho quan, kêu là bán “hòa mãi”, cũng có kẻ lãnh tiền trước của quan rồi đến mùa đường thì đem nộp, kêu là bán “đường công bổn”. Vì bấy giờ nhà nước ta có tàu đi ra ngoài, và có đặt quan Bình chuẩn coi việc buôn, mua đường ấy rồi chở đi bán các miền Hương Cảng và Hạ Châu. Cái nghề buôn bán với quan là hại lắm, nhiều khi bị họ bóp thắt. Biết vậy nhưng chủ đường cũng phải chịu, không bán cho nhà nước thì cũng không bán cho ai được nữa.

Bà cố tôi khi ấy gần 50 tuổi rồi, làm quen với một người khách Quảng Đông, kêu là chú tàu Tùng, bắt đầu bày ra cuộc buôn đường.Ông nội tôi nhắc chuyện rằng hồi đó, dân nhà quê ta thấy Khách trú còn sợ lắm, nên dầu biết họ mua đường mà không ai dám đem bán. Bấy giờ tàu Khách, – tất nhiên là tàu buôn, – mỗi năm chỉ lại Hội An có một kỳ, vào hồi tháng Sáu tháng Bảy. Ông nội tôi đã đi học xa, mỗi khi về thăm nhà gặp hội bán đường, thì thấy thiên hạ ở tứ xứ chở đường tới bán cho bà cố tôi, hằng ngày tấp nập, đường ấy sẽ do tay bà cố tôi đem bán lại cho Khách. Cứ mỗi bao 100 cân là bà cố tôi ăn lời một quan tiền, mà mỗi ngày chở bán có chừng là 40 bao, ăn lời 40 quan. Bán cho đến bao giờ nhà quê hết đường mới thôi. Bà cố làm giàu mau lắm là nhờ đó; mà cả vùng quê lại đều cám ơn và khen ngợi, vì đã mở ra một con đường buôn bán, từ đó về sau khỏi bị ăn hiếp bởi cái cách hòa mãi và công bổn. Và cả làng tôi từ đó bắt chước chuyên nghề buôn đường cho đến ngày nay.

Đó rồi bà cố tôi chuyên luôn một nghề buôn đường mà làm nên giàu có. Trước sau mua được hơn 30 mẫu ruộng (ở Trung Kỳ đời xưa như vậy là ra mặt cự phú rồi), cất một sở nhà ngói hai cái, còn tiền mặt bấy giờ ăn tiền kẽm, cứ chứa từng gian buồng, rồi xúc mà cân, chớ không hơi sức nào đếm được.

Năm gần 70 tuổi, bà cố tôi chia gia tài, cả vừa con chồng trước chồng sau, mỗi người – đã cưới gả rồi hết – được hơn ba mẫu ruộng. Lại đặt hương hỏa cho ông cố tôi một mẫu, cho mẹ bà cố tôi một mẫu, và cho mình một mẫu hai sào, thêm vài mẫu làm của dưỡng lão tống chung (ma chay). Con trai thì mỗi người đều có vườn, nhà riêng. Có hai ông tổ bá tôi, một, kêu là ông hương đạo, sau trở nên giàu to, đến nỗi vùng đó đã có tiếng đồn rằng “Tiền Hương Đạo, gạo Quản Nghi”; một, kêu là ông Bá Đức, giàu bực trung phú.

Riêng phần ông nội tôi, chỉ vừa đủ ăn, nhưng từ hồi nhỏ đã học giỏi có tiếng, đậu cử nhân khoa Đinh vị, vào năm Thiệu Trị thứ bảy. Rồi đi làm quan ở Kinh và trải đi huyện, phủ, sau đến án sát Khánh Hòa, thì nhơn việc bị cách chức.

Thế là nhà tôi, mà kể cả đằng phái tôi nữa, cũng là từ bà cố tôi các ông mới bắt đầu có tiền, có tri thức, có danh giá và địa vị trong xã hội. Người ngoài có kẻ nói nhờ ngôi mả ông cố tôi phát phước song cả nhà chúng tôi mà nhứt là tôi tin rằng ấy là nhờ công đức của bà cố tôi.

Chẳng những một nhà tôi, mà trong phái tôi còn có ba bốn nhà nữa cũng bắt đầu phát đạt hồi đó. Có mấy ông ngang đời với ông nội tôi, nghĩa là kêu bà cố tôi bằng bác dâu, hoặc bằng thím, gặp hồi bà cố tôi buôn đường, thì các ông đến làm rẽ (làm ruộng và chia lợi tức với chủ ruộng) với bà cố tôi, kêu là làm “công xi”. Các ông ấy ban đầu cũng nghèo khó, nhưng sau rồi giàu cả, đến đời con các ổng cũng có người thi đậu và làm quan như nhà tôi vậy.

Bà cố tôi tuy là một bà góa mà hào hiệp có tiếng. Năm Tự Đức thứ 5, trong xứ đói kém, bà cố tôi quyên ra một ngàn quan tiền cho nhà nước để chẩn cấp cho kẻ nghèo, vì cớ ấy được vua ban cho cái biển bốn chữ “lạc quyên nghĩa môn”, mà bây giờ còn treo tại nhà thờ. Lúc về già, ông nội tôi đã đi làm quan, nên bà cố tôi cũng trở nên “bà cụ”. Nghe nói lại rằng bấy giờ người làng tôi phải đi lính trong Kinh, mà đến y cả một đội là 50 người, hễ khi họ “về ban” mà gặp ngày Tết, họ kéo nhau đến mừng tuổi, thế là bà cố tôi đãi cho họ no say, lại sai cân tiền mà cho họ xài tết cả thúng nọ thúng kia.
Năm Quý Hợi, Tự Đức thứ 16, ngày 14 tháng 10, bà cố tôi thất lộc, thọ được 73 tuổi. Bấy giờ ông nội tôi đương làm tri phủ Vĩnh Tường ngoài Bắc.

Bà cố tôi mất rồi thì thế nào? Theo lệ làng tôi, dầu là mẹ ông quan đi nữa mà cải giá rồi thì không được chôn đất công của làng, nên bà cố tôi phải chôn tại đất tư. Theo lẽ thì đàn bà cải giá không được hiệp táng với chồng trước, nên bà cố tôi phải chôn riêng một mình. Ngôi mộ bà cố tôi bằng đá nguyên phiến, theo giá bây giờ có đáng đôi ba ngàn bạc; song sự sang trọng xứng đáng ấy không làm cho chúng tôi là con cháu bớt tủi chút nào về hai cái điều kiện trên đó.

Nhưng sự đó còn bặm miệng mà chịu được. Vì theo lễ theo luật, mà điều dưới này đã làm nên một cái vết thương cho nhà chúng tôi. Từ đó cho đến bây giờ, ông cố tôi thờ riêng ở nhà ông tổ bá tôi, còn bà cố tôi thờ riêng ở nhà ông nội tôi. Mới năm trước đây, trong phái bàn đem hết thảy các vì tổ ngang đời thứ 11 trở lên vào nhà thờ phái, thì nhà nào cũng có ông có bà cả, chỉ có ông cố tôi là có ông không bà! Ấy là cái vết thương tôi đã nói mà tôi không biết bao giờ cho lành được.

Tôi hỏi: Giá như không có bà cố tôi thì gây dựng nên cái cơ nghiệp cho vừa phú vừa quý, mà bây giờ con cháu trở đi đoán phạt ông bà?

Tôi hỏi: Giá như bà cố tôi không cải giá thì làm thế nào mà nuôi con cho người nào cũng thành lập, lại nhỏ giọt đến kẻ khác nữa, mà bây giờ họ xúm nhau truất bỏ một người có công?

Không, không ai dám đâu. Cái đó là vì phải theo lễ thánh hiền, theo luật nhà nước, theo chế độ xã hội.

Lễ gì như vậy? Luật gì như vậy? Chế độ gì như vậy? Tôi phải kiện nó.

Không lẽ tôi vừa kiện vừa xử. Nhưng tôi xin chỉ ra cho quan tòa thấy rằng cái lễ đó, cái luật đó, cái chế độ đó, chẳng phải là đồ công bình. Đó chẳng qua là đồ của mấy người đàn ông ích kỷ đời xưa mà rồi ngày nay ta cũng noi theo.

Đại phàm cái chế độ gì trong xã hội mà nó còn có được là nhờ nó dính dấp với cái khác. Như cái luật bạc đãi người đàn bà cải giá đây, là nó nhờ cái thuyết tam cang mà thành lập. Tuy nói tam cang, chớ cái cốt yếu là cái cang quân thần. Nhờ cái cang ấy, ông vua mới lập luật ra mà binh vực hai cái cang kia, để cho người làm cha làm chồng cũng có quyền mà đè đầu con và vợ thế cho mình. Vì vậy, luật cũng chiều theo cái lòng ích kỷ của lũ đàn ông mà cấm đàn bà cải giá; liệu cấm không thể được thì họ ra mặt ngược đãi.

Chẳng có thánh hiền nào cấm đàn bà cải giá hết. Đức Khổng Tử cũng để vợ (ly hôn). Ngài để vợ rồi cưới vợ, tức là ngài thuận cho người vợ bị để đó cũng được lấy chồng khác. Hễ đàn bà bị để mà còn lấy chồng được, ấy là đàn bà góa cũng lấy chồng được. Bởi chồng chết mới lấy người khác, chớ có ai đã tuyệt cái nghĩa với chồng trước hay sao, mà luật không cho thờ chung?

Từ ông Trình Hy nhà Tống muốn cấm đoán bà góa lấy chồng, bày ra nói rằng “chết đói là việc nhỏ, thất tiết là việc lớn”. Rồi về sau người ta nương theo đó mà lập luận, khiến cho cái chế độ gia đình thêm nặng nề khó chịu, không biết bao nhiêu là người vợ hiền, mẹ lành, đàn bà có phước, mà phải chịu điều tủi nhục và đau xót!

Nay xin tòa án hãy đóng gông cái câu của ông Trình Tử lại trước hết, rồi sẽ phăng mà hỏi đến các kẻ bị cáo khác.

Phan Khôi – Phụ Nữ Tân Văn 17/10/1929 

chuyenxua.net biên soạn

1 bình luận về “Chuyện bà cố tôi (Câu chuyện đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1929)”

Viết một bình luận