Hằng năm, tới ngày 11, 12 tháng 8 âm lịch, những người làm về nghệ thuật sân khấu lại rộn ràng chuyện “cúng Tổ”. Đó là một nghi lễ gần như là bắt buộc đối với những ai theo nghề, đặc biệt là bên cổ nhạc. Công chúng thưởng thức nghệ thuật, những người không phải là nghệ sĩ, dù từng nghe nhiều về “tổ nghề sân khấu”, nhưng có lẽ không mấy ai biết ông tổ đó là ai, và việc cúng bái đó diễn ra như thế nào? Mời bạn đọc bài phiếm luận của MC – nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn về vấn đề này:
Khi mới bước chân vào làng văn nghệ, điều đầu tiên làm tôi ngạc nhiên là giới nghệ sĩ rất quan tâm đến Tổ nghề, buổi văn nghệ nào cũng lập bàn thờ Tổ để nghệ sĩ trước khi ra sân khấu thắp nhang khấn vái. Họ vái Tổ rất thành khẩn, nhưng tôi hỏi Tổ là ai thì hầu như không ai biết!
Khi tôi lục tìm trong sách báo thì lại phát hiện thêm một điều lạ nữa là không có ngành nghề nào ở nước ta có nhiều Tổ nghề bằng giới hát xướng! Nhiều đến nỗi không còn biết ai là tổ nghề đích thực nữa!
Tôi sẽ liệt kê hết dưới đây, tất cả những vị được coi là tổ nghề sân khấu để những nghệ sĩ nào còn tin vào tổ nghề thì khi thắp nhang khấn vái, biết mình đang vái ai! Đừng để xẩy ra tình trạng lẫn lộn, giống như ra nghĩa địa thăm mộ người thân mà lại cứ vái lầm mộ người khác!
Ông Hoàng Bé, chủ gánh hát bội ở Tiền Giang mà diễn viên chỉ có ông cùng bà vợ và con cháu, đã kể với nhà báo Hồ Xuân Dung trong bài phỏng vấn của tạp chí Phóng Sự Xã Hội, xuất bản trong nước, tháng 12 năm 2006 như sau:
“Ăn trộm, ăn cướp, ăn mày, gái lầu xanh và gánh hát bội đều thờ chung một tổ nghề là Bạch Mi Lão Tổ. Về sau, cải lương cũng nhập chung với hát bội, thờ cùng một tổ nghề! Dân hát bội không bao giờ bố thí cho ăn mày. Dân trộm cướp không bao giờ ăn cướp gánh hát bội! Và gái lầu xanh cũng không được lấy tiền của kép hát bội!”
Trước khi bàn về Tổ nghề sân khấu, tôi muốn góp ý với nhận xét trên đây của ông Hoàng Bé. Theo tôi, cướp không lấy tiền của gánh hát bội có thể chỉ vì gánh hát bội quá nghèo, cướp chả thèm ngó tới. Xưa nay, có bầu show nào làm giàu nhờ gánh hát bội đâu! Toàn diễn free ở đình chùa cho dân làng đến coi. Lâu lâu có kéo nhau về rạp hát thì cũng ít khi nào vé sold-out, thành ra tiền bạc eo hẹp lắm, cướp bén mảng đến làm gì! Chứ đã là dân trộm cướp thì có đứa nào còn tôn trọng tổ nghiệp nữa!
Gái lầu xanh cũng thế. Các cô không lấy tiền kép hát bội có thể vì các cô mê kếp hát, chứ đâu phải vì cùng chung tổ nghề! Trên thực tế, chỉ có giới nghệ sĩ thường cúng tổ, chứ dân trộm cướp và làm gái có ai quan tâm đến tổ đâu mà cúng! Thường thì gái lầu xanh chỉ vái thần tài cho may mắn, cho gặp khách xộp mà thôi!
Nhưng vấn để đáng bàn ở đây là: Thật sự có phải “Hát bội, ăn mày, trộm cướp và gái lầu xanh thờ chung một tổ”, giống như ông Hoàng Bé đã phát biểu hay không?
Cho đến nay, tôi không thấy có tài liệu chính thức nào xác nhận điều này, mặc dầu thỉnh thoảng tôi cũng có nghe nói “nghệ sĩ và ăn mày thờ chung một Tổ”. Tôi đoán rằng thời xưa người ta muốn dìm nghề ca hát xuống đất đen theo quan niệm xướng ca vô loại, cho nên mới chế ra như vậy. Hoặc vì thực tế có những người ăn mày cần sự chú ý và xót thương của khách qua lại, nên ôm đàn ngồi hát, chẳng hạn những người mù hát xẩm chúng ta thường gặp trên đường phố, rồi từ đó người đời cho là ăn mày và nghệ sĩ là chung một tổ mà ra!
Tôi chắc nghệ sĩ hát bội và cải lương sẽ có nhiều người không đồng ý với ông Hoàng Bé bởi Bạch Mi Sư Tổ hay Bạch Mi Lão Tổ thường được nhắc đến trong giới võ lâm, binh pháp hay bói toán, chứ chưa nghe ai nói là tổ nghề ca hát.
Trước khi khai triển để tài này cho rộng thêm, tôi thấy cần phải nhấn mạnh một điểm: Khi nói về tổ nghề hát xướng là chỉ nói về hát chèo, hát tuồng, hát bội hoặc cải lương, chứ không dính dáng gì đến nghệ sĩ tân nhạc. Bởi vì tân nhạc du nhập vào các nước Á Đông do Tây Phương mang đến. Nghĩa là Tổ ở bên Tây chứ không phải bên Tàu! Và tân nhạc đến với chúng ta khi xã hội đã văn minh rồi, đã có cái nhìn hoàn toàn khác biệt đối với sân khấu rồi. Từ khi có tân nhạc là đã có “hiện tượng ngôi sao” được khán giả ái mộ và xã hội trọng đãi.
Cho nên, mấy chữ “kiếp cầm ca”, xin hiểu là duyên phận hẩm hiu của người hát tuồng thời trước, chứ không phải ca sĩ tân nhạc bây giờ. Nói cách khác, nghệ sĩ đời xưa mới đáng thương vì bị đời bạc đãi, chứ nghệ sĩ đời nay không có gì đáng tội nghiệp cả!
Cũng cần nói thêm một chi tiết để bạn đọc hiểu rõ sự chuyển tiếp từ Hát Bội xuống Cải Lương như thế nào, vì ngày nay người ta vẫn nói Cải Lương là hậu thân của Hát Bội và đôi khi gom chung nghệ sĩ của hai bộ môn này vào một hội một thuyền với nhau.
Thời kỳ cực thịnh của Hát Bội tại Miền Nam khởi đầu từ khi Tả quân Lê Văn Duyệt được triều đình bổ nhiệm làm Tổng Trấn Gia Định. Xin nhớ, Gia Định lúc ấy là gồm toàn thể Miền Nam, chứ không phải tỉnh Gia Định nhỏ bé sau này. Bản thân Lê Văn Duyệt và các quan thuộc hạ đều đua nhau lập ban hát, diễn viên được tuyển chọn và trả lương, thường xuyên biểu diễn cho dân xem miễn phí.
Khi Lê Văn Duyệt mất, rồi con nuôi là Lê Văn Khôi nổi loạn, Hát Bội bị nghiêm cấm một thời gian rồi phục hưng mạnh mẽ bởi Hát Bội là nguồn giải trí duy nhất lúc chưa có điện ảnh và tân nhạc. Quần chúng say mê Hát Bội đến nỗi đã có những câu ca dao ghi lại tâm trạng này, chẳng hạn như:
Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào má coi!
Người ta kể lại rằng, dân quê làm lụng đầu tắt mặt tối, nhưng hễ nghe tiếng trống đình làng báo tin gánh hát bội về diễn là tất cả đều quên hết mọi nhọc nhằn, lũ lượt kéo n hau đi xem. Nhà văn Hứa Hoành, trong cuốn biên khảo Nam Kỳ Lục Tỉnh, đã ghi thuật:
“Từ người trí thức, phú hào, địa chủ, đến anh nông dân quê mùa chất phác, ai ai cũng thích coi hát bội, nếu không nói là đam mê hay ghiền. Thậm chí có người bỏ bê công việc làm ăn để đi coi hát bội”.
Thực tế đúng như vậy nên người ta mới có câu: “Hát bội hành tội người ta”. Chỉ có điều nghịch lý là, già trẻ lớn bé đều thích hát bội, nhưng hễ trong nhà có đứa con đi theo đoàn hát, thì lập tức lồi có về đánh măng thậm tệ. Xã hội thật là kỳ lạ: Một bộ môn nghệ thuật ai cũng say mê nhưng lại coi thường, không dám tham gia!
Chỉ riêng nội thành Sài Gòn – không kể ngoại ô và các vùng phụ cận – lúc ấy đã có đến 18 rạp chuyên trình diễn Hát Bội. Vì kịch bản Hát Bội luôn luôn dựa theo những tuồng tích cũ, đa phần là của Trung Hoa, cho nên nhiều người cũng gọi Hát Bội là Hát Tuồng.
Bước sang đầu thế kỷ thứ 20, trong không khí sôi sục chống thực dân Pháp, một số nhà trí thức miền Nam bắt đầu lên tiếng phê phán Hát Bội vì nó quá cũ, quá nghèo, đầy tính ước lệ qua các nhân vật của tuồng Tàu: Hễ trung thần thì mặt đỏ râu dài, hễ nịnh thần thì mặt choắt, râu thưa! Họ đòi hỏi một cái gì mới mẻ, hiện đại, như thoại kịch của Pháp, thay vì cứ bắt khán giả phải nghe văn chương biền ngẫu toàn chữ Hán Việt. Họ khát khao một cái gì thuần túy Việt Nam hơn là chỉ diễn đi diễn lại các tuồng Tàu, ca ngợi những hình ảnh trung hiếu tiết nghĩa của lịch sử Trung Hoa.
Cái mới mẻ ấy gọi là “cải cách hay cải lương”. Nó bắt đầu bằng những nhóm đờn ca tài tử, dần dần biến thành cải lương, cố thoát khỏi ảnh hưởng của Hát Bội. Từ nhóm đờn ca tài tử đầu tiên ra mắt khán giả tại rạp hát Mỹ Tho năm 1910, đến năm 1917 thì có thể coi là năm khai sinh của bộ môn Cải Lương. Tại Sài Gòn, năm 1967 có buổi hội thảo “Kỷ Niệm 50 Năm Sân Khấu Cải Lương” do soạn giả Duy Lân đứng ra tổ chức.
Như vậy thì giữa Hát Bội và Cải Lương quả thực có một cái gạch nối và dù Cải Lương đã hết sức cố gắng để đẩy lùi Hát Bội lại sau lưng, nhưng đôi khi nét diễn xuất của hai bộ môn này vẫn phảng phất giống nhau, đặc biệt là ở tuồng Tàu với trang phục cổ.
Để lách thoát ra khỏi cái bóng lớn của Hát Bội, nhiều soạn giả cải lương đã bỏ hẳn tuồng Tàu để chỉ sáng tác những kịch bản tình cảm xã hội hiện đại, mục đích để khán giả thấy cải lương gần với kịch nói (thoại kịch) hơn là cứ đi theo vết chân sáo mòn của Hát Bội.
Bây giờ, xin quay lại với đề tài đang nói, đó là Tổ nghề.
Tổ nghề, hay nghiệp tổ, của bất cứ ngành nào cũng thường được gọi là “thánh sư” hoặc “tổ sư”.
Thờ cúng tổ nghề chủ yếu là để tỏ lòng biết ơn người đã có công sáng tạo ra một nghề nào đó rồi truyền dạy cho dân chúng làm kế sinh nhai, hoặc không do óc sáng tạo mà do học được ở nơi khác, mang về dạy cho dân làng thì cũng vẫn được coi là tổ nghề.
Chẳng hạn Tuệ Tinh thiền sư đời nhà Đinh là tổ nghề thuốc Nam. Hoặc trạng Bùng Phùng Khắc Khoan người Sơn Tây, đi sứ bên Trung Hoa, học được nghề dệt vải the (may áo dài) và nghề trồng ngô (bắp), trồng vừng (mè) đem về dạy cho dân ta.
Nhưng nói chung thì cho đến nay, tiểu sử các vị tổ nghề của chúng ta xem chừng còn thiếu sót lắm, mập mờ lắm! Trong cuốn Tiếp Cận Kho Tàng Folklore Việt Nam, giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết:
“… không hiếm gì những ngành nghề không thể tìm ra xuất xứ rõ ràng, người ta sẵn sàng tìm sự viện trợ ở kho tàng huyền thoại, hoặc huyền thoại hóa những vị tổ mà tiểu sử mơ hồ để tăng thêm phần thiêng liêng cho sự tôn vinh.”
Như vậy thì tự căn bản, khi nói về các vị tổ nghề, người ta đã mang sẵn trong đầu cái tâm thức hoang đường rồi. Vậy tổ nghề hát xướng là ai?
Tôi thấy đa số các tư liệu đều ghi rằng: Nghiệp tổ hát bội và cải lương là “Tam Vị Thánh Sư”. Có sách lại nói là Nhị Vị Thánh Sư, do truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa có hai ông hoàng trẻ tuổi, không rõ là thời nào và tên gì. Chỉ biết hai ông quá mê xem hát, thường trốn triều đình lẻn đi coi hát bội, núp vào một góc rạp để không ai phát hiện ra mình.
Vì thức khuya dậy sớm, ít ăn ít ngủ, nên một đêm hai ông hoàng mải mê coi hát, kiệt sức ôm nhau mà chết bên cánh gà sân khấu!
Chắc là hôm ấy vở tuồng vừa dài, vừa chán quá nên hai ông chịu không nổi, đành lăn ra chết! Chết rồi, lâu lâu hai ông vẫn hiện về với đoàn hát. Từ đó, người ta lập bàn thờ và tôn hai ông làm tổ nghề hát xướng! Lâu ngày, thiên hạ không gọi là ông Hoàng nữa, mà đổi thành ông Làng. Tại sao đổi từ Hoàng thành Làng, thì có người bảo vì phải tránh húy (có thể vì phạm húy chúa Nguyễn Hoàng), hoặc cố ý gọi ông Làng cho gần gũi hơn vì coi hai ông là người cùng trong Làng ca hát.
Mê coi hát quá đến độ lăn ra chết trong rạp thì cũng đáng được thờ! Nhưng gọi hai vị này là tổ nghề thì thật sự chả dính dáng gì cả, bởi hai ông có ca hát bao giờ đâu, có truyền nghề hát xướng cho ai đâu mà được tôn vinh là Tổ!
Thời buổi bây giờ, hai ông hoàng đó có thể coi là “hai đại gia” nặng lòng với văn nghệ và người ta sẽ gọi là “hai nhà bảo trợ” tức “sponsors” thì nghe hợp lý hơn!
Ngoài Nhị Vị Thánh Sư trong câu chuyện hoang đường vừa kể, dân hát bội và cải lương còn thờ thêm nhiều vị thần phụ khác. Cho nên, trước bàn thờ tổ, nghệ sĩ thường khấn vái rất dài dòng.
Chẳng hạn Chí Tài trước khi ra sân khấu, theo đúng nguyên tắc xưa, thì phải khấn như sau:
“Cầu xin chư vị Thánh tổ, Tiên sư, Tổ sư, Thập nhị công nghệ, Lão lang đại thần, Tiên hiển, Hậu hiển, Tả ban, Hữu ban, cảm ứng chứng minh lòng thành của đệ tử là Chí Tài, sắp đóng vai Thái sư Đổng Trác trong tuổng Lã Bố Hý Điêu Thuyền!”
Ngày cúng tổ cũng không thống nhất, nhưng nhiều nhóm vẫn chọn ngày 11 tháng 8 âm lịch, dựa theo truyền thuyết là ngày đó, gần Tết Trung Thu, vua Đường Minh Hoàng bên Tàu du nguyệt điện trở về mang theo khúc hát Nghê Thường dạy cung nữ ca múa để ông và Dương Quý Phi thưởng thức.
Nói chung thì do văn hóa vọng ngoại, cha ông ta thuở trước chỉ biết dưới gầm trời này, Trung Hoa là vĩ đại nhất. Cho nên bất cứ cái gì hay, cái gì mới, đều cho là phát xuất từ Trung Hoa. Vì vậy, theo sách vở ghi lại thì đa số các ngành nghề của ta đều học từ Trung Hoa mà ra.
Thực tế chắc chắn không phải là như vậy, nhưng vì người xưa lấy Trung Hoa làm tiêu chuẩn của sự khả tín, cũng giống như sau này chúng ta quí bằng cấp ở Pháp, ở Mỹ hơn là bằng cấp của đại học Việt Nam!
Tác giả Vũ Ngọc Khánh viết:
“Trong bao nhiêu tổ nghề, có ít nhất đến chín phần mười đều là do những ông đi sứ bên Trung Hoa, học được nghề mới, mang về. Có lẽ nói thế thôi, chứ các cụ nhà nho xưa sang nước ngoài, chăm chăm lo việc cầu phong tiến cống, giao tiếp bằng thơ văn thù tạc, đâu có dễ dàng học nghề! Đó là chưa kể những khó khăn do ngôn ngữ bất đồng và chuyện giấu nghề, giữ bí mật thì không đầu không có!”.
Bạn đọc chắc cũng đồng ý ngay với nhận xét trên đây. Sở dĩ tôi trích dẫn đoạn văn này là để khi bạn đọc thấy tổ nghề hát xướng gồm có cả người Việt mình lẫn người Trung Hoa thì bạn đọc sẽ không lấy làm ngạc nhiên.
Lý do gì mà dân hát xướng thờ quá nhiều vị thần như vừa kể thì không thấy ai giải thích tường tận. Cái này chắc cũng giống như trong dân gian, có người chủ trương cứ vái bốn phương tám hướng, trúng ai thì người ấy phù hộ!
Theo một tài liệu của Pháp thì giới hát xướng còn thờ cả Khổng Tử nữa, mặc dầu đáng lẽ họ phải coi Khổng Tử là kẻ thù truyền kiếp mới đúng, bởi lúc sinh thời Khổng Tử đã đối xử quá tàn ác với ca nhi thuở trước.
Theo tác giả Đinh Bằng Phi thì diễn viên ở miền Bắc thường thờ 3 vị là: Cửu Thiên Huyền Nữ, Đức Thánh Quan và Đông Phương Sóc. Ba vị này, không có ai là người Việt Nam cả!
Cửu Thiên Huyền Nữ là nhân vật thần thoại, đã soạn ra binh pháp dạy vua Hoàng Đế đánh thắng giặc Xi Viu, tức trưởng Miêu tộc ở tỉnh Hà Bắc ngày nay. Ông lên làm vua, khai sáng văn minh cho nước Tàu thời cổ đại.
Cửu Thiên là 9 cõi trời, biểu tượng cho nước Trung Hoa thời xưa có 9 châu do Hoàng Đế nhà Hạ phân định, gồm: Duyện, Thanh, Ký, Từ, Dự, Huy, Lương, Dương và Kinh châu. Cửu Thiên Huyền Nữ đã không có thật mà ngay cả nhân vật Hoàng Đế, đứng đầu Ngũ Đế, dựng nên nước Trung Hoa, cũng chỉ là một hình bóng mơ hồ trong cổ sử Trung Hoa.
Đức Thánh Quan thì dĩ nhiên là nhân vật có thật, tức là Quan Công đời Tam Quốc. Quan Công được nhiều giới thờ kính, kể cả giới thương mại thường xây chùa thờ gọi là Chùa Ông. Lý do chính vì Quan Công là biểu tượng cho tín nghĩa. Một khi đã hứa thì không sai lời. Tào Tháo tặng cho Quan Công áo cẩm bào mới, ông mặc vào trong và khoác cái áo cũ Lưu Bị tặng ở bên ngoài để lúc nào cũng nhớ đến ông anh đã kết nghĩa vườn đào. Tào Tháo tặng đủ mọi thứ, hứa hẹn ban chức cao quyền trọng để dụ Quan Công ở lại, nhưng ông vẫn bỏ đi tìm Lưu Bị vì ông đã hứa như vậy.
Người đời sau thờ Quan Công chủ yếu để nhắc nhở mình phải trọng tín nghĩa: Vay thì phải trả. Hứa thì phải làm. Các hiệp hội thương mại của người Hoa không ngần ngại giúp vốn cho nhau hoạt động cũng nhờ họ giữ chữ tín theo gương của Quan Công. Cho nên, ai không giữ chữ Tín thì đừng nên thờ Quan Công, bởi thờ tổ thì phải noi gương tổ.
Đông Phương Sóc cũng là nhân vật có thật đời Hán Vũ Đế. Ông làm quan đến chức Thị trung, mê văn chương và ca hát. Ông viết tuồng, lập đoàn hát, dạy ca nhi giúp vui cho triều đình. Theo một số tư liệu, chẳng hạn cuốn Từ Cái Nhìn Văn Hóa của Đỗ Lai Thúy thì Đông Phương Sóc còn là tác giả cuốn truyện ma Thần Dị Kinh, một trong những truyện kinh dị đầu tiên của Trung Hoa.
Nếu Đông Phương Sóc sống vào thời nay thì chúng ta có thể gọi ông là một “danh hài” vì đầu óc ông rất bén nhạy, hay dùng chuyện cười để mua vui cho Vua và cũng để răn đời. Dĩ nhiên, trời đã sinh ai có óc hài hước thì phải ban cho người ấy có bộ óc thông minh, nhanh trí. Bởi vì trí óc chậm chạp thì làm sao nghĩ ra được chuyện cười hoặc thưởng thức nổi chuyện cười!
Hán Vũ Đế rất thích Đông Phương Sóc, thường ban thưởng cho nhiều của cải. Ông dùng tiền vua ban, cứ vài tháng lại cưới một cô vợ mới và đuổi cô vợ cũ đi!
Hán Vũ Đế là một ông vua uy nghiêm vào bậc nhất của nhà Hán mà ai cũng sợ. Dưới thời ông, Trung Hoa mở rộng bờ cối, xâm lăng hết các nước chung quanh, kể cả Triều Tiên. Chính ông đã gửi Phục ba tướng quân Lộ Bác Đức và Dương Bộc sang đánh nhà Triệu nước ta, thiết lập 1000 năm Bắc thuộc lần thứ nhất kể từ năm 111 trước Tây lịch.
Một hôm, Hán Vũ Đế bàn chuyện xem tướng với quần thần. Vua nói:
– Sách tướng dạy rằng: Phần dưới mũi gọi là nhân trung, hễ nhân trung cứ dài một thốn thì sống thọ được 100 tuổi.
Đông Phương Sóc vừa nghe xong liền phì cười. Vua tái mặt vì giận. Các quan xúm vào xin vua khép tội phạm thượng, phải xử chém. Đông Phương Sóc mới nói:
– Thần đâu dám cười bệ hạ. Thần cười là cười ông Bành Tổ mặt dài quá! Ông Bành Tổ sống tới 700 tuổi. Như vậy thì nhân trung ông Bành Tổ phải dài tới 7 thốn. Thần không hình dung nổi mặt ông ấy dài cỡ nào!
Vua nghe xong cũng phải bật cười mà tha cho Đông Phương Sóc, lại còn ban thưởng cho ông nữa.
Về sau, nhiều người coi Đông Phương Sóc là một trong những vị tổ của nghề ca hát và hài hước, được giới nghệ sĩ cúng bái hàng năm.
Nhưng chưa hết! Nói về tổ nghề thì hai tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề trong cuốn Việt Nam Ca Trù Biên Khảo lại cho biết:
Tổ nghề ca hát (ả đào hay ca trù) ở đất Bắc là Bạch Hoa Công Chúa mà tôi có kể một lần trên Paris By Night. Bây giờ xin nhắc lại đôi dòng vì lâu lâu ca sĩ ngày nay vẫn còn hát những bài tân nhạc có mang chút âm hưởng của ca trù, như Ái Vân, Thanh Lam, Ngọc Hạ, Trần Thu Hà, Quỳnh Vi… Họ cũng cần biết tổ nghề của họ là ai. Câu chuyện như sau:
Đời nhà Lê, có chàng thanh niên con nhà giàu ở Hà Tinh, tên Đinh Lễ (tự Nguyên Sinh) không thích ăn học để ra làm quan, mà thường ôm cây đàn nguyệt lang thang trong rừng và lâu lâu ngồi tấu nhạc bên dòng suối.
Một hôm, có hai vị tiên ông hiện ra (Thời xưa, vào rừng thì dễ gặp tiên lắm!). Hai ông hiện ra trao cho Đinh Lễ một miếng gỗ và một tờ giấy có vẽ hình cây đàn. Đinh Lễ đem về tìm thợ giỏi đóng một cây đàn đúng như hai vị tiên ông đã design trên giấy.
Quả nhiên, cây đàn đó có công dụng rất kỳ lạ: Gảy đàn lên thì chim đang bay cũng sà xuống, cá đang bơi cũng dừng lại! Và đặc biệt nhất là tiếng đàn có thể trị được bá bệnh! (Thời nay mà có cây đàn đó thì bác sĩ dẹp phòng mạch, bệnh viện đóng cửa hết!)
Dù không ai book show nhưng Đinh Lễ từ đó cứ ôm đàn đi trình diễn free khắp nơi. Một hôm, Đình Lễ lang thang qua huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Quan Huyện (vùng thượng du gọi là quan Châu) chỉ có mỗi cô con gái đẹp như tiên nga giáng trần nhưng bị câm, không nói được! (Dĩ nhiên nhân vật trong truyện thì phải đẹp, vì xấu thì ai nhắc đến làm gì!)
Cô tên Bạch Hoa, năm ấy đã 19 tuổi. Quan Huyện buồn phiền, cả ngày chỉ uống rượu giải sầu! May cho quan là một hôm Đinh Lễ ghé ngang, tạt vào nhà quan, gảy một khúc nhạc. Không biết chàng độc tấu bản gì mà cô gái câm bỗng buột miệng kêu lên:
– Ôi! Tiếng đàn đâu nghe hay quá!
Đương nhiên, sau đó Quan Huyện gả con gái cho Đinh Lễ. Thời đó, chưa có karaoke, nhưng lấy nhau rồi, chồng đàn vợ hát suốt ngày. Bạch Hoa bị câm đã lâu, bây giờ chẳng những nói được mà hát lại rất hay. Cô lập đoàn ca múa, dạy cho ca nhi, rất đông con gái trong huyện xin gia nhập.
Một hôm, Đinh Lễ vào rừng theo tiếng gọi thiêng liêng của nhị vị tiên ông thuở trước, rồi chàng ở lại luôn để tu thành tiên. Bạch Hoa biết ý nhị vị tiên ông nên phân phát hết tài sản cho người nghèo rồi đóng cửa dạy hát. Ít lâu sau, không có bệnh gì mà tự dưng qua đời!
Dân làng nhớ ơn, lập đền thờ gọi là Đền Bà Bạch Hoa Công Chúa và phong bà làm tổ nghề ca hát xứ Bắc. Hằng năm, giỗ tổ là ngày 11 tháng 12 âm lịch.
Chuyện trên đây dĩ nhiên là truyền thuyết bởi hát ả đào hay ca trù đã có từ đời Lý Thái Tổ (1010 – 1028), chứ không phải chờ mãi đến nhà hậu Lê như trong chuyện Đinh Lễ – Bạch Hoa.
Sử còn ghi đời Lý có cô ca sĩ là Đào Thị nổi tiếng hát hay, thường được vua ban thưởng. Trước đó, từ đời nhà Đinh, cũng đã có bà Phạm Thị Trân (có sách ghi là Phạm Thị Trâm) được tôn vinh chức “Ưu Bà” (Ưu là diễn trò) coi như một trong những người tiên phong trong ngành ca múa, cụ thể là hát chèo.
Tự điển Văn Hóa Dân Gian của Vũ Ngọc Khánh thì ghi:
“Bà Phạm Thị Trâm được một vị quan ở Hải Dương tiến vào cung vua Đinh Tiên Hoàng để dạy múa hát và tấu hài cho cung phi và binh sĩ. Bà được tôn là tổ sư ngành hát chèo ở nước ta.”
Như thế thì tổ nghề ca hát ở nước ta vẫn chưa được xác định rõ là ai, vì mỗi sách cung cấp một tư liệu khác nhau.
Nhân đây, cũng xin ghi thêm một chi tiết: Theo giáo sư Nguyễn Thuyết Phong trong cuốn Thế Giới Âm Thanh Việt Nam thì vì người ca nữ họ Đào hát rất hay nên về sau bất cứ cô nào đi hát, người ta cũng gọi là đào hát hay đào nương. Hát ả đào cũng do đấy mà ra. Còn đàn ông thì gọi là kép hát. Chữ “kép” do cách phát âm chữ “giáp” biến ra. Giáp là quản giáp, tức một nam diễn viên có tài, được giữ chức quản lý đoàn hát. Về sau, dân gian quen gọi đào kép cải lương là vì vậy. Chẳng hạn kép Hùng Cường, kép Thành Được, đào Bạch Tuyết, đào Phượng Liên.
Nếu xét theo thứ tự thời gian thì đúng ra tổ nghề ca hát phải là Ưu Bà Phạm Thị Trâm hoặc nàng Đào thị mới hợp lý. Vả lại, trước đời Lý đã có vua Lê Đại Hành từng tự biên tự diễn hát múa trong cung đình!
Lê Đại Hành tức Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn lấy Thái Hậu Dương Vân Nga, góa phụ của Vua Đình Tiên Hoàng và lập nên nhà Tiền Lê. Sử còn ghi chính Lê Hoàn đã hát bài mời rượu bằng tiếng Việt khi tiếp sứ thần Trung Hoa là Tống Cảo. Không thể nào mấy trăm năm sau, qua đời Trần sang đời Hậu Lê, nghề hát xướng mới có nghiệp tổ là Bạch Hoa Công Chúa!
Các bạn nào học Việt sử thời còn trẻ, giờ đã quên các mốc thời gian, xin ôn lại cho dễ nhớ: Sau ngàn năm bị đô hộ, thì Ngô Quyền là người đầu tiên giải phóng đất nước. Rồi các bạn nhẩm thuộc lòng câu này theo thứ tự các triều đại nước ta, sau Ngô Quyền là Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Chỉ có bấy nhiêu dòng họ làm vua, nên cũng dễ nhớ.
Theo thứ tự đó, ta sẽ thấy ngay Ưu Bà Phạm Thị Trâm là người nghệ sĩ đầu tiên vì xuất hiện từ thời Đinh Tiên Hoàng.
Ngần ấy nhân vật như vừa liệt kê, gồm cả người thật lẫn huyền thoại, ai đích thực là tổ nghề của nghệ sĩ? Không có câu trả lời dứt khoát rõ ràng! Nghĩa là cứ cúng, nhưng chẳng biết cúng ai! Cứ cầu, nhưng chẳng biết cầu ai vì tổ nghề đông quá! Thôi thì cứ lập bàn thờ cầu hết cho chắc ăn!
Trong cuốn Tự Điển Lễ Tục Việt Nam, các tác giả Bùi Xuân Mỹ, Bùi Thiết và Phạm Minh Thảo viết rằng: “Không có vị nào được coi là Cao Tổ đầu tiên của ngành hát xướng. Cho nên trên bàn thờ thường có nhiều bệ, trên cùng đặt bài vị các vị tổ sư, dù không biết là ai. Rồi xuống dưới mới là Nhị vị ông Làng”.
Việc cúng tổ nghề của các ngành khác, xem chừng càng ngày càng bị lơ là. Chỉ riêng có ngành hát xướng là hàng năm vẫn cúng lễ khá linh đình. Hằng năm cúng đã đành, mà hằng ngày trước khi ra sân khấu, nghệ sĩ cũng vẫn thắp nhang vái tổ một cách rất thành khẩn.
Cúng tổ là một thái độ bày tỏ tinh thần tôn sư trọng đạo và uống nước nhớ nguồn, cho nên rất đáng duy trì. Nhưng có điều tôi lấy làm lạ là trong tín ngưỡng dân gian tại sao người ta lại thờ cúng cả những nhân vật huyền thoại, nghĩa là không hề có thật ở trên đời?
Tôi lấy thí dụ: Trần Hưng Đạo là người có thật. Sinh thời, ngài làm nhiều điều đức độ, trung quân ái quốc. Khi chết, biến thành thần nên chúng ta gọi là Đức Thánh Trần. Hoặc Tả Quân Lê Văn Duyệt có công lớn với đất nước và đặc biệt với người Miền Nam. Cả hai vị được dân gian cho là “Sinh vi tướng, tử vi thần”. Các ngài sống khôn thác thiêng, có thể phù trợ người dương thế nếu tin tưởng và cầu xin các ngài.
Cũng giống như người Trung Hoa tin vào Quan Công vì cho rằng ngài hiển thánh nhờ tấm gương trung nghĩa đã thấu tới hoàng thiên hậu thổ. Những nhân vật có thật ấy, nếu ai tin thì khấn vái là đúng rồi.
Nhưng còn những nhân vật hoàn toàn không hề có trên đời này mà chả hiểu tại sao có người vẫn vái lạy? Muốn gọi hồn về thì trước hết phải có hồn mới gọi được chứ! Muốn cầu xin một vị thánh phù trợ thì trước hết phải có vị thánh đó đã, mới cầu được chứ! Những nhân vật hoang đường hoàn toàn do tưởng tượng mà ra thì tại sao chúng ta lại cũng vẫn đốt nhang khấn vái!
Tôi nhớ một lần có nhóm kịch diễn trích đoạn Truyện Kiều. Sau đó, tình cờ có chuyện trục trặc xẩy ra ở hậu trường sân khấu, chẳng hạn máy thu hình bị hư, người leo cầu thang trợt chân bị té. Người ta liền xầm xì với nhau là hồn Thúy Kiều linh thiêng hiện về, rồi mọi người xúm lại thành khẩn đốt nhang khấn vái!
Tôi đứng nhìn và tự hỏi: Làm gì có Thúy Kiều mà khấn! Thúy Kiều là nhân vật tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Hoa, Nguyễn Du phỏng theo, viết thành Đoạn Trường Tân Thanh. Đã không có Thúy Kiều thì lấy đâu ra hồn Thúy Kiều! Nếu bảo rằng hồn Nguyễn Du hiện về thì còn có lý, vì có ông Nguyễn Du thật. Còn Thúy Kiều chỉ là nhân vật do ông Nguyễn Du nặn ra, thì làm gì có hồn mà hiển linh!
Giới nghệ sĩ hát bội và cải lương thường hay tin những chuyện mơ hồ, đôi khi rất dị đoan. Soạn giả Nguyễn Phương có viết trong cuốn bút ký Buồn Vui Đời Nghệ Sỹ cái ý này. Nhà văn Hồ Trường An thì kể lại trong cuốn Sàn Gỗ Màn Nhung câu chuyện sau đây:
Cô Sáu Huỳnh Kỳ, một ngôi sao sáng trong gánh Huỳnh Kỳ – Trần Đắc, có giọng ca bất hủ, cao vút và trong trẻo. Về sau, cô ghiền á phiện, giọng yếu hẩn đi, gần như phải bỏ nghề. Dĩ nhiên, cô buồn lắm.
Một hôm, vào dịp Tết, cô mua trái dưa hấu về, cầm con dao phay rồi khấn:
“Xin hoàng thiên hậu thổ cho con biết tương lai: Nếu trái dưa hấu này ruột đỏ thắm thì vận con còn tốt. Nếu trái dưa hấu này lợt nhách, thì con đã hết thời!”
Khấn xong, cô bổ trái dưa ra, không ngờ ruột trắng bệch chỉ pha chút màu vàng nhạt! Cô liền treo cổ tự tử!
Dưa hấu tất nhiên có trái đỏ trái không! Một khi đã lựa trúng trái không đỏ thì đành chấp nhận, chứ Trời Phật nào biến nó thành đỏ được!
Trước năm 75, tôi có đọc được câu chuyện sau đây đăng trong báo Xuân. Sau này, ở hải ngoại chính tai tôi lại nghe một nghệ sĩ cải lương thuật lại một lần nữa:
Khoảng đầu thập niên 50, đoàn Việt Kịch Năm Châu diễn vở Tây Thi Gái Nước Việt của chính soạn giả Năm Châu. Tại Sài Gòn, Chợ Lớn, chỗ nào cũng rất ăn khách, đêm nào vé cũng sold-out (ngày trước thường dùng tiếng Pháp là vé bán complet). Đoàn mới quyết định lên diễn ở Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Tôi xin mở ngoặc ở đây để lưu ý các bạn trẻ, khi nghe tựa đề “Tây Thi Gái Nước Việt”, đừng vội hiểu lầm là nước Việt Nam chúng ta. Nước Việt của Tây Thi nằm ở phía nam nước Ngô, bên bờ sông Dương Tử, thuộc tỉnh Chiết Giang và một phần tỉnh Phúc Kiến bên Trung Hoa. Tây Thi, đệ nhất mỹ nhân của Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc, giúp Việt Vương Câu Tiễn đánh bại vua Ngô Phù Sai để phục hận. Nhưng sau đó, chính nước Việt lại bị nước Sở hùng mạnh tiêu diệt vào khoảng năm 450 trước công nguyên.
Thời ấy, nước ta là Văn Lang, triều đại Hùng Vương. Giữa nước Việt của Câu Tiễn tại Triết Giang và nước Việt của chúng ta có mối liên hệ gì không? Đó là một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu nhưng chưa đưa ra được kết luận nào rõ ràng. Tuy vậy, khá đông người thường cho rằng Việt tộc khởi thủy xuất phát từ lưu vực sông Dương Tử, tức là vùng đất của nước Việt Câu Tiễn Tây Thi. Việt tộc có nền văn minh học thuật cao, trước cả Hán tộc. Nhưng rồi khi gặp sức ép của Hán tộc từ Trung Nguyên, ở lưu vực sông Hoàng Hà, thì Việt tộc mới dần dần di chuyển sâu xuống phía Nam.
Chẳng hạn tác giả Nam Thiên trong cuốn Kinh Việt đã viết: “Nhánh Việt thì xuôi theo sông Dương Tử tiến ra biển rồi dọc theo bờ biển tiến xuống phía nam. Cách đây 5,6 ngàn năm, người nhánh Việt đã có mặt khắp vùng mà ngày nay là Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam, Bắc Việt và Bắc Trung Việt… Theo thời gian và điều kiện sinh sống địa phương, Tộc Việt lại chia làm nhiều nhánh nhỏ. Mỗi nhánh mang một tên riêng, nhưng đều gọi chung là Bách Việt”.
Từ điển Nhân Danh – Địa Danh Trung Quốc của bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh cũng viết: “Bách Việt là tên gọi chung các bộ tộc sống ở phía nam Trung hoa. Do đó, ngày nay các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, còn được kêu là đất Bách Việt”.
Trở lại vở tuồng Tây Thi Gái Nước Việt khi lưu diễn ở Thủ Dầu Một thì bị ế ẩm, đêm đầu khai trương rầm rộ mà vé bán chưa được 1/3 rạp! Kịch sĩ Năm Châu phân vân không biết nên nán lại hay bỏ đi nơi khác thì một nhạc sĩ trong đoàn buồn rầu phát biểu:
– Cái này là do ông Tổ đi chơi với mấy con đầm rồi!
Ý nói bán vé ế là vì Tổ nghiệp ham vui, theo gái, không nhớ đến đoàn hát! Mọi người ngơ ngác chưa hiểu gì thì anh nhạc sĩ chỉ lên nóc rạp hát, nơi có hai bức tượng tạc hình 2 cô gái Pháp mặc áo đầm trễ xuống bụng, để ngực trần, một cô ôm đàn Luth và một cô ôm đàn Harpe. Người Pháp khi xây rạp hát này, đã đặt khắc hai bức tượng đó như những biểu tượng của âm nhạc Tây phương mà chúng ta thường thấy bên Âu châu. Theo ông nhạc sĩ thì ông Tổ cải lương vì mê hai cô đầm này mà quên đoàn kịch của ông Năm Châu nên vé không bán được!
Đêm hôm đó cả đoàn nằm ngủ trong rạp, Tổ hiện về với ông Năm Châu và hai nghệ sĩ khác, nói cho biết: Hai con ma nữ trên nóc rạp cản không cho khán giả vô coi nên rạp mới vắng như vậy!
Sáng thức dậy, ông Năm Châu vội lập bàn thờ để tạ ơn Tổ đã thương ông mà hiện về báo mộng. Sau đó, ông cho người leo lên nóc rạp, lấy dầu hắc bôi đầy mặt hai cô đầm, coi như ếm bùa để hai cô đầm kia không dám ra tay phá phách nữa!
Quả nhiên, từ đó xuất hát nào vé cũng sold-out!
Nghe xong câu chuyện này, tôi có hai thắc mắc:
• Thứ nhất: Hai bức tượng trên nóc rạp đúc bằng xi-măng, sản xuất hàng loạt để đặt tại bất cứ rạp hát nào của Pháp. Chúng là những vật vô tri vô giác, hồn ở đâu mà hiện về chọc phá đoàn kịch Năm Châu, lại còn dụ dỗ ông Tổ nghề đi chơi và cản không cho khán giả vô rạp! Rõ ràng là một sự tưởng tượng quá đáng! Tôi viết bao nhiêu truyện ma mà tôi cũng chưa nghĩ ra được chi tiết này!
Anh nhạc sĩ kia còn run run kể lại rằng, trong đêm khi anh nằm ngủ, cô đầm trên nóc rạp đã hiện về, đè lên người anh, ôm chặt lấy anh, đòi làm vợ anh khiến anh gần nghẹt thở!
Tôi nghĩ: Biết đâu có bà nào hoặc cô nào trong đoàn, nửa đêm chui vào mùng và ôm anh ta cho đỡ cô đơn, chứ tượng xi-măng làm sao mò xuống với anh được!
• Thứ hai: Giới cải lương từ lâu vẫn thắc mắc không biết Tổ nghề đích thực là ai, cho nên họ phải thờ quá nhiều vị. Thờ lung tung như vậy thì chắc ông Tổ thật buồn lòng lắm! Nay Tổ đã hiện về với ông Năm Châu và hai nghệ sĩ nữa trong đoàn, sao không công bố rõ ràng cho mọi người biết Tổ là ai, tên gì, để từ nay đừng thờ những người khác nữa!
Nhân nói đến cúng tổ, tôi nhớ lần đầu đi trình diễn, thấy bầu show bày bàn thờ tổ rồi nghệ sĩ thay nhau tới thắp nhang khấn vái trước khi ra sân khấu, tôi ngạc nhiên lắm. Lúc ấy, tôi chưa biết là dân văn nghệ hầu như ai cũng tin tổ nghiệp, kể cả những người theo đạo Thiên Chúa. Họ cho là Tổ rất linh thiêng, thành tâm cầu xin thì sẽ được tổ đãi, nghĩa là trình diễn trơn tru, khán giả tán thưởng. Ai không thành tâm trong nghề, trước khi hát không cúng vái thì có thể sẽ bị tổ trác, tổ hành hay tổ phạt:
• Tổ trác là tổ làm cho đầu óc u mê, lú lẫn, quên lời, hát bậy, ăn nói vô duyên hoặc diễn lộn vai trên sân khấu.
• Tổ hành là tổ làm cho mình bị quáng gà, chói mắt, bước hụt chân lọt ra ngoài sân khấu, té xuống đất gẫy chân.
• Tổ phạt là tổ làm cho điên dại vì có ý định bỏ nghề!
Chả hiểu vì lý do gì mà người ta cứ gán cho tổ nghề cái tính nghiêm khắc như vậy? Chỉ biết vì tin như thế cho nên những người đã lỡ theo nghiệp ca hát thì phải cống hiến cả một đời cho nghệ thuật, không được bỏ ngang. Những người đã quá già, hết còn ăn khách, bầu show và khán giả đã quên hẳn rồi, bây giờ về hưu hoặc sinh sống bằng nghề khác, vẫn cứ phải hát ít nhất mỗi năm một lần trong ngày cúng tổ, dù hát không ai trả tiền! Chì vì không hát thì sợ tổ quật chết!
Chả biết có ông tổ nào hiện về truyền lệnh như thế hay không, nhưng giới hát bội và cải lương phần đông đều tin như vậy! Rồi thế hệ này truyền xuống thế hệ khác, không ai dám lật ngược lại vấn đề.
Viết đến đây, tôi nhớ lại hồi cuối năm 2008, Thúy Nga tổ chức live show tai rạp Majesty, thành phố Dallas. Rạp này thiên hạ vẫn đồn là có ma vì hồi trước có người khán giả ngồi ở balcony coi hát rồi gục xuống chết! Tôi chỉ nghe nghệ sĩ nói thế thôi, chứ không đọc được bài báo nào tường thuật về cái chết đó, cho nên chẳng biết có thật hay không. Mà dù có đọc đi chăng nữa, cũng chẳng thể nào kiểm chứng được rạp này có ma hay không?
Trung tâm Vân Sơn từng thu hình tại đây và nghệ sĩ cũng đồn nhau là có người gặp ma trong restroom: Không có ai trong toilet mà nước cứ giật liên tục!
Cá nhân tôi là người viết truyện ma, nhưng ít khi nào tôi tin có ma! Tuy nhiên, hôm ấy có một chuyện nhỏ xẩy ra tại rạp này:
Nữ ca sĩ Mai Thiên Vân hát bài Gõ Cửa của Mạnh Quỳnh. Sau khi tôi và Kỳ Duyên giới thiệu, Mai Thiên Vân cầm micro từ trong tiến ra, vừa đi vừa hát. Đứng trên sân khấu, đèn pha sáng rực rọi vào thẳng mắt nên thường không nhìn thấy gì trước mặt. Huống chi cái rạp này lại có một khuyết điểm lớn là, đáng lẽ mép sân khấu phải được dán một lớp băng keo trắng để nghệ sĩ biết đó là giới hạn, không bước thêm được nữa, bởi vì nếu bước thêm thì sẽ lọt xuống sàn! Đằng này, họ quên không dán băng keo, cũng không đánh dấu. Mai Thiên Vân cứ lừ lừ tiến tới, ngọt ngào hát “Nếu có lần anh gõ cửa ghé thăm…” rồi cô thản nhiên hụt chân rớt xuống phía khán giả!
Sân khấu khá cao, đúng tiêu chuẩn chuyên nghiệp mà cô lại mang guốc cao gót! Nhưng lạ một điều là cô không hề hấn gì cả, không gãy chân, không té quy, cứ thế mà tiếp tục hát như thường, vừa hát vừa tìm lối cầu thang bên hông, quay trở lại sân khấu!
Mai Thiên Vân là người theo đạo Thiên Chúa thuần thành, niềm tin vững chắc. Trước khi ra sân khấu cô thường làm dấu đọc kinh giống như các nghệ sĩ khác thắp nhang vái tổ. Việc cô bước hụt chân có thể giải thích dễ dàng bởi cô không nhìn thấy giới hạn của sân khấu. Nhưng việc rớt từ sân khấu xuống mà không gãy chân là điều lạ. Cô tin dường như có người vô hình nào đó đã đỡ cho cô khỏi té úp mặt xuống.
Nếu bảo rằng “Tổ hành” là Tổ làm cho quáng gà rồi bước lọt xuống sân khấu thì hoàn toàn không đúng trong trường hợp này. Đây là “đèn pha hành”, làm chói mắt chứ không dính gì đến Tổ cả!
Tôi vẫn thường nghĩ: Muốn xã hội đánh giá cao ngành nghề của mình thì chính mình phải bỏ bớt những niềm tin vu vơ, mê tín dị đoan, nhất là ở vào thời đại mà ngay cả nông thôn cũng làm quen với những lý luận khoa học. Chuyện sống chết là quyền của Tạo Hóa và cũng chỉ có Tạo Hóa mới có quyền đó. Linh hồn người chết bên cõi âm, đôi khi chúng ta vẫn gọi là ma, nếu có khả năng thì cũng chỉ giới hạn ở mức độ phù trợ người dương gian, hoặc hiện về chọc ghẹo để chúng ta sợ mà thôi, chứ làm gì có khả năng giết người! Cho nên cái câu “tổ quật chết” chỉ là lối nói chúng ta tự đặt ra để hăm dọa nhau chứ không bao giờ có chuyện đó. Thứ nhất, nếu có tổ, thì tổ không ác như vậy! Thứ hai, tổ dù muốn quật cũng không quật nổi!
Người trong giới hát bội hoặc cải lương đôi khi đổ cho Tổ nghiệp, nghĩ cũng oan cho Tổ! Trong bài phóng sự Nghiệp Hát Tuồng, nhà báo Hồ Xuân Dung kể lại:
“Ông Hai, người giữ bàn thờ tổ nghiệp của dòng họ nói: Hát bội không nuôi được bản thân thì đâu thể gọi là nghề được! Không nuôi được bản thân mà vẫn phải hát, bởi đó là cái nghiệp. Lỡ thờ tổ nghiệp rồi, không chịu hát, tổ hành đến bệnh hoạn, đến đau ốm triền miên, đến thất điên bát đảo chứ đừng tưởng chơi, cô à!”
Cá nhân tôi vẫn tin một cách chắc chắn trong đầu rằng: Tất cả những vị thần linh mà con người thờ kính, đều phải có lòng bao dung, công bằng và nhân ái, chứ không thể nhỏ nhen, hơi một tí là nổi giận, trách phạt người dương thế! Các vị ở cõi trên nếu không ban phúc cho người xin mình thì thôi, chứ chả nhẽ lúc nào cũng rình rập để giáng họa! Thần linh mà hẹp hòi như thế thì đâu đáng để chúng ta thờ!
Nhiều lần tôi đã nghe nói: Dân hát bội và cải lương có câu: “Lỡ ăn cơm tổ một ngày, coi như mắc nợ tổ suốt đời!” Giống như cái ý mà ông Hai vừa phát biểu ở trên.
Theo tôi, thật ra đó chỉ là một cách nói thôi! Diễn viên hát bội dù là hạng siêu sao thì mức thu nhập cũng đâu có vinh hoa phú quí đến mức đáng coi là mắc nợ tổ! Tài tử Mỹ như Tom Cruise, Jim Carrey, Adam Sandler, Julia Roberts, đóng một cuốn phim lãnh vài chục triệu đô thì mới đáng gọi là “ăn cơm tổ”, chứ nghệ sĩ hát bội thù lao chỉ đủ để sắm thêm mũ áo, chứ có giàu sang gì đâu mà mắc nợ tổ, không được bỏ nghề! Dân Hát Bội ai cũng biết câu:
Muốn thêm của, hãy sắm cày
Muốn đi ăn mày, lập gánh hát bội
Trong cuốn Sân Khấu Và Tôi, tác giả Nguyễn Thị Minh Thái thuật lại lời cụ Lã Châu, một nghệ sĩ tuồng Huế 82 tuổi, cũng nói cùng cái ý đó:
“Tôi có tất cả 16 người con. Tôi tuyên ngôn: Đã là con tôi thì phải hát tuồng. Đứa nào cũng phải theo nghiệp bố…”
Tôi đoán: Cũng giống như nhiều gia đình nghệ sĩ khác, cụ Lã Châu thích hát tuồng nên muốn đàn con cùng chia sẻ sở thích với cụ, và quan trọng hơn nữa, đoàn hát tập trung toàn người trong nhà thì việc tập tuồng cũng rất dễ dàng và thuận tiện. Đó là lý do chính mà có rất nhiều gia đình gồm toàn nghệ sĩ, ba bốn thế hệ nối tiếp nhau.
Còn việc nghệ sĩ không bỏ sân khấu thì theo tôi chỉ vì họ nhớ sân khấu mà thôi, chứ chả có Tổ nào bắt họ bám nghề cả! Một khi đã lên rồi thì khó mà quên được cái không khí trình diễn, nhất là những người có một thời hào quang. Cho nên, không lạ gì khi thấy một nghệ sĩ vắng bóng một thời gian khá dài, tưởng bỏ nghề hẳn rồi, bỗng một hôm lại tái xuất giang hồ dù là hát free!
Để đỡ ngượng thì họ thường bảo: không dám bỏ nghề vì sợ tổ phạt! Hoặc rút lui rồi mà khán giả cứ yêu cầu phải trở lại!
Tác giả Đinh Bằng Phi viết:
“Cho tới nay, cuộc sống của những người làm nghệ thuật (hát bội) vẫn chưa có thay đổi nhiều: vừa cực vừa nghèo. Tuy vậy, hầu như mọi người ai cũng thấy rõ cái ma lực đã buộc họ vào nghiệp sân khấu, đó là lòng yêu nghề”.
Nhận xét này tôi cho là rất thực tế và chính xác. Chính lòng yêu nghề giữ chân họ lại chứ chẳng phải “lỡ ăn cơm Tổ một ngày thì phải theo Tổ suốt đời” như họ thường nói.
Cô Bảy Phùng Há, người tiên phong của sân khấu cải lương Miền Nam, nói rõ trong cuốn Phỏng Vấn Những Người Nổi Tiếng lúc bà đã 84 tuổi:
– Hạnh phúc lớn nhất của một nghệ sĩ cải lương là được gắn bó với sân khấu đến hơi thở cuối cùng!
Lời phát biểu ấy xem ra chân thành hơn. Bà cho rằng, ca hát là một duyên nghiệp, đã bước chân vào là say mê, khó bỏ được. Nghĩa là, người nghệ sĩ tự mình muốn hát đến lúc tàn hơi, chứ bà không hề nhắc đến tổ nghiệp đòi hỏi mình phải hát cho đến khi nằm xuống!
Những ngày đầu tôi đi diễn, đứng nhìn nghệ sĩ thắp nhang vái tổ trước khi ra sân khấu, có người hỏi tôi:
– Anh Ngạn không cúng tổ à?
Tôi đáp:
– Ca sĩ có thể có tổ nghề, chứ MC làm gì có tổ mà cúng!
Họ nghe tôi nói cũng thấy hợp lý vì ngày xưa làm gì có nghề MC!
Tôi thấy trên bàn thờ cúng tổ, ngoài bánh trái còn có cả ly cà phê và bao thuốc lá. Tôi bảo cô Kỳ Duyên:
– Thời đó tổ đâu có biết uống cà phê và hút thuốc. Đúng ra là thời đó chưa có cà phê và thuốc lá. Nếu có thì chỉ là thuốc rê, thuốc vấn, thuốc lào hay thuốc phiện mà thôi!
Một người trong ban nhạc bảo tôi:
– Chủ yếu là mình cúng những gì mà mình hưởng được. Cúng tổ xong là mình xơi chứ mất đi đâu!
Theo ý tôi, ai tin tổ thì cứ việc tin. Nhưng một khi đã tin tổ, đã cầu tổ phù trợ cho mình thì chính bản thân mình khi hành nghề phải có phong cách đàng hoàng.
Tôi lấy một thí dụ nhỏ: Chẳng hạn khi đã nhận show của một bầu show nào đó. Bỗng cùng ngày ấy có bầu show khác trả giá cao hơn, hoặc book nhiều show hơn, mình liền tìm cớ, bỏ bầu show trước để hát cho người sau chỉ vì tham thêm một chút tiền. Cái đó là thiếu thành thật, thiếu chữ tín, không tôn trọng tổ nghiệp, thì cầu tổ để làm gì! Không nhẽ tổ thông đồng với mình làm bậy!
Tóm lại, đối với tôi, lời cầu tổ chỉ có giá trị khi chính bản thân người nghệ sĩ phải hết lòng với nghiệp vụ và có tác phong đứng đắn, không coi thường khán giả và ám hại đồng nghiệp. Bởi không có ông tổ nào ở cõi linh thiêng mà lại ngớ ngẩn đến độ phù trợ kẻ bất chính!
Cho nên theo tôi, cầu Tổ cúng Tổ không quan trọng. Bản thân người nghệ sĩ biết tôn trọng và có trách nhiệm với nghiệp vụ của mình, mới là điều quan trọng!
Một điều chúng ta biết chắc là những cuốn phim kiếm bạc tỉ của Hollywood như Titanic, Dark Knight, Caribbean Pirates, Spiderman… đều là do cốt truyện hay, kỹ thuật cao, đạo diễn và diễn viên giỏi, chứ trước khi thu hình, không hề có ai cúng tổ cả!
Nguyễn Ngọc Ngạn
Trích: Kỷ niệm sân khấu