Sài Gòn có một khu vực nổi tiếng hầu như ai sống ở thành phố này đều biết đến, và cũng là một khu khá đặc biệt, đó là cư xá Bắc Hải, ngày nay thường được quen gọi là Khu Bắc Hải. Nơi này nằm giữa 2 khu vực nổi tiếng là Chí Hòa và Phú Thọ, khi xưa là 2 ngôi làng đã gắn liền với “đại đồn Chí Hòa” nổi tiếng của tướng Nguyễn Tri Phương xây dựng để phòng thủ chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha hồi 160 năm trước.
Khu Bắc Hải đặc biệt là vì nơi này có những con đường thẳng tắp được kết nối với nhau theo kiểu bàn cờ vuông vắn, với các tên đường được đặt rất ý nghĩa: Đường ngang đặt tên núi, đường dọc đặt tên sông của tất cả các sông, núi của nước Việt ở khắp cả 3 miền. Kề bên khu Bắc Hải là khu Chí Hòa với trại giam Chí Hòa nức tiếng, ở sát bên còn có nghĩa trang Đô Thành (tên khác là nghĩa địa Chí Hòa) mà ngày nay là công viên Lê Thị Riêng với những câu chuyện huyền bí về các hồn ma của nghĩa địa năm xưa được người Sài Gòn truyền tụng. Bài viết này sẽ tìm hiểu về lịch sử của Khu Bắc Hải (cư xá Bắc Hải) xưa và nay.
Cổng chính của cư xá Bắc Hải nằm trên đường được đặt tên là Bắc Hải. Không rõ cái tên này mang ý nghĩa là gì, vào thời xưa, đây vốn là một con hẻm của làng Chí Hòa. Năm 1946, khi Pháp quay trở lại Đông Dương thì họ xây dựng cư xá sĩ quan cho quân đội liên hiệp ở ngay bên cạnh con đường này, nên đường được mở rộng và mang tên là đường Quân Sự. Cư xá là những dãy nhà được xây dựng trên các con đường nội bộ được làm vuông vức như là bàn cờ, với trục đường chính là đường sau này được đặt tên là Cửu Long.
Về ý nghĩa của chữ “cư xá”, nó tương đồng với chữ “khu dân cư” ngày nay. Ở Sài Gòn trước 1975 có rất nhiều cư xá như vậy, ngoài cư xá Bắc Hải là nơi ở của các sĩ quan, còn có cư xá Brinks (tức là khách sạn Brinks ở đường Hai Bà Trưng) là nơi ở của các sĩ quan người Mỹ, cư xá Chu Mạnh Trinh là nơi ở của giới nghệ sĩ, và một loạt cư xá khác: cư xá Lữ Gia, cư xá Dân Sinh, cư xá Tự Do, cư xá Bàn Cờ, cư xá Thanh Đa, cư xá Kiến Thiết…
Từ năm 1959, cư xá này được gọi là Cư xá sĩ quan Chí Hòa, là nơi ở dành cho các sĩ quan của VNCH. Trong lịch sử 20 năm tồn tại, chính thể VNCH có tổng cộng 161 tướng lãnh, thì có tới 30 gia đình tướng lãnh ở tại cư xá này. Đến năm 1969, con đường Quân Sự được đổi tên thành được Bắc Hải, và cư xá sĩ quan có cổng chính nằm trên đường này cũng được đổi tên thành cư xá Bắc Hải. Từ thời điểm này, cư xá được giao cho một ban điều hành tự quản, ban điều hành đã đặt tên cho các con đường nội bộ theo tên sông và núi như đã nhắc tới. Về sông, có các tên sông Đồng Nai, sông Cửu Long, Hương Giang, núi có Châu Thới, Bửu Long, Thất Sơn, Trường Sơn, Bạch Mã, Ba Vì, Hồng Lĩnh, Tam Đảo.
Ban đầu, cư xá sĩ quan chỉ có 16 dãy nhà, 8 dãy mỗi bên nhìn ra trục đường chính Cửu Long, mỗi bên có 4 dãy nhà màu vàng và 4 dãy nhà màu xanh, tất cả được bao quanh bởi những hàng cây trứng cá chạy dọc theo hai bên con đường trải đá dăm phân cách các dãy. Cư xá sĩ quan Chí Hòa là một khu vực biệt lập, tứ bề được bao bọc bảo vệ bằng hàng rào kẽm gai dày đặc.
Các dãy nhà cho sĩ quan nằm trong cư xá này được đặt tên là các chữ cái. Thí dụ đường Châu Thới đi qua 2 dãy nhà A,I, đường đi qua 4 dãy B,C,J,K tên là Bửu Long, đường Thất Sơn đi qua 5 dãy nhà D,E,L,M,AA, đường Trường Sơn đi qua 8 dãy MM,F,G,N,O,BB,CC,HH… Cư xá có 2 cổng ra vô, cổng trước nằm trên đường Bắc Hải, ngay ngã 3 Bắc Hải – Cửu Long, từ cổng chạy theo con đường chính của cư xá là Cửu Long đi xuyên suốt qua các dãy nhà, băng qua 7 con đường mang tên núi, tại mỗi ngã 4 là một cái bùng binh, có 5 cái bùng binh như vậy trên đường Cửu Long chỉ dài vỏn vẹn vài trăm mét.
Cổng sau của cư xá hướng ra đường Tô Hiến Thành, quẹo trái là đi về hướng chợ Hòa Hưng, quẹo phải ra ngã ba Tô Hiến Thành – Nguyễn Tri Phương (nay là đường Thành Thái) để ra Khu chợ cá đường Trần Quốc Toản (nay là đường Ba Tháng Hai). Cổng sau chỉ được mở trong vòng 1 giờ đồng hồ vào buổi sáng (6h-7h) và buổi chiều (5h-6h), sau đó được khóa lại, cửa là hai cánh cổng sắt lớn và cao. Từ khoảng năm 1966, một số dãy nhà được xây thêm trong cư xá, lúc đó thì cổng sau mới mở thường xuyên và có một trạm gác. Đáng tiếc là vì cư xá Bắc Hải là nơi có tư gia của các sĩ quan, là khu biệt lập có lính gác nghiêm ngặt, nên thời đó không có nhiếp ảnh gia nào vào được để chụp ảnh lưu lại, vì vậy mà cư xá chỉ được mô tả lại qua lời kể của những người từng được sống tại đây.
Một con đường khá lớn khác băng ngang cư xá là đường Trường Sơn nằm vuông góc với đường chính Cửu Long, kéo dài qua bên hông nghĩa trang Đô Thành (nay là công viên Lê Thị Riêng), cắt ngang qua một con đường hẻm trước khu gia binh (hẻm này ngày nay là đường Hồ Bá Kiện), rồi thông với đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT8).
Đường ngay cổng chính cư xá là Bắc Hải cũng đi dọc theo nghĩa trang Đô Thành, song song với Kinh Bảo Ngạn (đã bị lấp), cũng thông ra đường Lê Văn Duyệt. Bên trong nghĩa trang có một kênh nước thông với con kinh Bảo Ngạn. Khi giải tỏa khu nghĩa địa, lấp kênh Bảo Ngạn, đoạn kinh bên trong nghĩa địa được giữ lại, ngày nay là hồ câu cá bên trong công viên Lê Thị Riêng.
Xin nhắc thêm về nghĩa trang Đô Thành, trước 1975 còn có tên khác là nghĩa địa Chí Hòa, qua thời gian nhiều năm thì nơi đây mọc lên rất nhiều nấm mồ không có người thân, trong đó có cả của bà Lê Thị Riêng.
Năm 1968, vì sự thiệt hại nặng nề về nhân mạng của cả 2 bên vào Tết Mậu Thân, chính quyền đã đào những hố chôn tập thể cho hàng ngàn thi thể, từ sự việc này mà sinh ra những lời đồn đại về những “hồn ma” đến tận ngày nay. Vì cư xá Bắc Hải nằm sát bên nghĩa trang Đô Thành nên đã có nhiều sự đồn đại về “ma ám” bên trong khu nhà ở của gia đình sĩ quan, và cả bên ngoài đường Lê Văn Duyệt – cổng chính của nghĩa trang.
Năm 1983, nghĩa trang Đô Thành được giải tỏa để trở thành công viên mang tên Lê Thị Riêng, tuy nhiên nghĩa trang của các xứ đạo tại đây vẫn còn lại cho đến năm 1998 mới bắt đầu được di dời, trong đó có nghĩa trang của họ đạo Chợ Quán. Trong đợt di dời này, người ta đã tìm thấy phần mộ của Trần Phú (Tổng bí thư đầu tiên của ĐCS) tại nghĩa trang họ đạo Chợ Quán trong nghĩa trang Đô Thành cũ.
Ngày nay, cư xá Bắc Hải không còn là khu biệt lập, mà trở thành một khu ăn chơi nổi tiếng của Sài Gòn với hàng quán bình dân và tiệm cafe nằm san sát nhau, lúc nào cũng nhộn nhịp rộn rã. Ngay bên cạnh là công viên Lê Thị Riêng xanh mát được mọc lên trên nền đất u ám năm xưa, và mặc dù vẫn còn những lời đồn đại về sự huyền bí của nơi này, nhưng công viên vẫn là nơi tấp nập người đến vui chơi và hóng mát.
Bài: Đông Kha – chuyenxua.net
Tác giả có thể đăng thêm bài về đường CMT8 (Lê Văn Duyệt cũ) được không ? Nhà mình ở đường CMT8 gần CLB Lan Anh nên thắc mắc về lịch sử của nó.
Ok bạn 🙂
Rất hay.cảm ơn tác giả
.hy vọng sẽ còn được đọc nhiều bài như vầy.Thanks
Trước 75 các dây nhà cư xá Chí Hòa đâu có tên đường , nhà tui ở dãy B 7 ,nè Chuyện xưa , xin cảm ơn Cx đã kể lại chút kỉ niệm buồn của ngày xưa
I lived in row cc way back in 1978. This brings back old memories of my youth there! Thank you
Cảm Ơn !
Hay quá,cảm ơn người sưu tầm
Những bài viết càng đọc càng thấy hay. Di sản văn hóa là đây.
Bài hay, Vui lòng kể về cư xá Bàn cờ, vì nhà tôi ở đấy. Cảm ơn
Cảm ơn bạn! Gia đình tôi ở Cư Xá Sĩ Quan Chí Hoà từ 1957 đến 30/4/75.
Cái hay của cư xá SQCH là ở 2 cổng ra vào có 2 trường học. Bên trong trên trục đường Hương Giang có 1 nhà thờ và 1 ngôi chùa.
Gia đình tôi ở Cư Xá Sĩ Quan Chí Hoà từ 1972 đến 2012! 40 năm! Biết bao nhiêu là kỷ niệm! Nhớ lắm! Thương lắm luôn!
Toi co nguoi ban cu ten Nguyen tri Duc ( hoc dai hoc bach khoa nganh dien tu khoa 1977-1981) . Vi toi di My lau roi nen mat lien lac voi ban ay. Nha ban ay cung o trong cu xa Bac Hai . Khong biet ban ay co con o do hay khong ? Bay gio cung da hon 60 Tuoi roi.
Cám ơn bạn ! Tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm ở cư xá Bắc Hải này !
mình là bộ đội năm 78, ở trong quân tiếp vụ cũ,kế bên là cư xá bắc hải, thời đó ,có mãnh đất còn trống,cấp cho gia đình cn,bộ đội sĩ quan…mình cũng hay đi qua đấy,vòng qua đi ra đường phạm văn hai,chợ ông tạ…. những con đường tráng nhựa đẹp … giờ thỉnh thoảng đi ngang,lạ lắm ,ko nhìn ra mấy chuc năm rồi, nhớ…
…
toi ten Nguyen tan Dung tu DUNG YAOURT song tu nho toi o Day D1 ngay san van dong , toi van nho mai nhung ky niem kho quen va bay gio minh da 69 roi va toi rat may duoc dinh cu tai Toronto Canada tat ca chi em toi deu ra di an toan va co cuoc song that tot dep ben xu nguoi , neu ai muon lien he DUNG YAOURT len facebook DUNGBATOLASANMOSSARD nhe chao va cam on nguoi viet bai nay
uh mình ở dãy PP mình học trường Nguyễn Du trong lớp có Dũng baby……
Mong rất có nhiều bài viết như vậy để hiểu rõ Sài Gòn xưa. Xin cảm ơn tác giả.
Cho em hỏi ấp Hàng Dầu, cư xá bắc hải thuộc khu nào vậy ạ (đường gì) ? Em cảm ơn
Cho em hỏi ấp Hàng Dầu, cư xá bắc hải thuộc khu nào vậy ạ (đường gì) ? Em cảm ơn
Bài viết tuyệt, khoái vụ nhắc tên đường Lê Văn Duyệt (CMT8 nay)
Nhưng cho hỏi thiệt, tác giả Đông Kha là sử gia hay sưu tầm nguồn nào chư thật sự kiến thức quá uyên thâm và mình vô cùng ngưỡng mộ ạ.