Giọng ca vàng Hữu Phước từng là tiếng hát lừng danh của sân khấu cải lương miền Nam thập niên 1950, đồng thời cũng là cha của danh ca Hương Lan.
Click để nghe nghệ sĩ Hữu Phước ca tân cổ Tàu Đêm Năm Cũ với con gái là danh ca Hương Lan
Trong nghệ thuật ca vọng cổ, nếu như nghệ sĩ Út Trà Ôn có biệt tài sắp nhịp được cho là hay vào bậc nhất, thì nghệ sĩ Hữu Phước cũng không kém phần tinh tê. Tài sắp nhịp của ông khá độc đáo. Ông ca chẻ nhịp chớ không chẻ văn, ca theo phong cách chân phương, dựa vào làn hơi, chất giọng tự nhiên của mình nhiều hơn là kỹ thuật. Với chất giọng thổ pha kim, khi thể hiện bài ca vọng cổ, ông nhấn nhá rất tình cảm. Đặc biệt, ông xử lý xuất sắc ở những chữ có “dấu huyền”. Chính làn hơi thiên bẩm và lối ca điêu luyện, nghệ sĩ Hữu Phước đã tạo ra trường phái ca vọng cổ rất riêng biệt mà cho đến nay vẫn được mọi người yêu thích. Thế hệ công chúng trẻ sau này chỉ có thể tìm nghe giọng ca của ông trong các dĩa hát. Còn đối với công chúng và những nghệ sĩ thuộc thế hệ trước, danh ca Hữu Phước vẫn hiện diện trong sự ngưỡng mộ, kính nể của họ. Học giả Vương Hồng Sển đã từng nói rằng: “Mấy mươi năm trước chưa ai ca vọng cổ hay hơn Hữu Phước, e rằng mấy mươi năm sau cũng chẳng có ai”.
Click để nghe giọng ca Hữu Phước
Nghệ sĩ Hữu Phước sinh ngày 1932 tại quận Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, tên thật là Henry Trần Quang, vì có cha là Chánh lục sự Tòa tại Nam Kỳ trước năm 1954 nên ông mang quốc tịch Pháp từ nhỏ.
Cha của Hữu Phước dù làm công chức tư pháp nhưng cũng là một thầy đờn có tiếng. Dân trong vùng hay gọi tắt là ông Trưởng Tòa. Mẹ của ông là bà Tám Kiều, cũng là một nữ nghệ sĩ có tiếng trong gánh hát của Thầy Thuốc Minh tại Sóc Trăng.
Dù xuất thân trong gia đình công chức khá giả, nhưng lúc nghệ sĩ Hữu Phước ra đời thì gia cảnh cũng khó khăn. Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp, sau đó là chiến tranh Đông Dương liên miên khiến đời sống người dân đảo lộn, Hữu Phước cũng lưu lạc tứ xứ, chạy lên tới Sài Gòn.
Henry Trần Quang bắt đầu khởi nghiệp cầm ca từ năm 1954, được nhạc sĩ Trần Hữu Lương dạy ca. Nhạc sĩ Trần Hữu Lương (tức nhạc sĩ Muười Lương) là chồng của nữ danh ca Năm Cần Thơ. Ông đặt biệt danh cho người học trò cưng của ông tên là Hữu Phước thay cho Henry Trần Quang.
Ông bước vào nghiệp ca cổ nhạc đầu tiên là tại quán Họa Mi do cô Năm Cần Thơ quản lý, nằm trong khu Đại Thế Giới ở Chợ Lớn (do Bảy Viễn quản lý). Ban đầu chỉ là chân chạy bàn (người Hoa gọi là phổ ky), sau đó nhờ được ông Mười Lương phát hiện, nâng đỡ và cho đi hát. Giọng hát của Hữu Phước ngọt ngào, rõ ràng với âm sắc đậm chất bi ai, mượt mà và sâu lắng, khiến ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong giới đờn ca tài tử.
Ngay sau đó, ông liền được các hãng dĩa cổ nhạc và đài phát thanh Sài Gòn mời thu thanh. Trong năm 1955, Hữu Phước thu 3 bộ dĩa vọng cổ Mặt Trận Tình Ái, Tình Huynh Ðệ, và Tỉnh Mộng của hãng dĩa Huỳnh Sơn. Nghệ sĩ Hữu Phước đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1960.
Khó có thể thống kê hết, nhưng có thể kể đến một số vở diễn nổi tiếng của Hữu Phước như: Ảo Ảnh Châu Bích Lệ, Nửa Bản Tình Ca, Nắm Cơm Chan Máu, Con Gái Chị Hằng, Nửa Đời Hương Phấn, Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Hoa Mộc Lan, Ni Cô Diệu Thiện, Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, Người Đẹp Bạch Hoa Thôn, Tình Cô Gái Huế, Nắng Chiều Trên Sông Dịch, v.v… Cùng với đó, anh còn có những ca khúc đặc sắc như Nhớ Mẹ, Đội Gạo Đường Xa, Ánh Trăng Sau Mành Trúc (song ca cùng Thanh Hương), Tình Là Dây Oan (cùng Thanh Nga), Tàu Đêm Năm Cũ, Trang Tử Thử Vợ,…
Ngoài ra, nghệ sĩ Hữu Phước đã đóng góp cho hầu hết các hãng đĩa hát lớn như Asia, Hoàng Sơn, Tứ Hải, Continental… và hợp tác với nhiều ban tổ chức cũng như chương trình của đài truyền hình và đài phát thanh.
Những năm đầu sự nghiệp của mình, Hữu Phước có mối liên hệ với tướng Bảy Viễn với những câu chuyện đã trở thành giai thoại.
Tướng Bảy Viễn, người được ai nấy vừa kính vừa sợ trong giai đoạn đó. Người lớn kể lại, tướng quân Bảy Viễn oai vệ lắm. Ông có khuôn mặt chữ điền và đôi mày rậm Với ánh nhìn quyết đoán, khiến ít ai dám nhìn thẳng vào mắt ông khi trò chuyện. Nhưng tướng Bảy Viễn lại là khách thân quen của quán Hoạ My, trưa nào sau giờ cơm, ông cũng ghé đó để làm vài chai con cọp cùng với hai người cận vệ của mình.
Nhằm bữa phổ ky Hữu Phước lại phục vụ. Thấy trên nhà gọi bưng mấy món đồ nhắm ra bàn, chú nhỏ Hữu Phước khoác trên vai cái khăn lau, vừa bưng ra, vừa hát một câu trong bài Tôn Tẩn Giả Điên, theo tuồng được ghi âm lại của hãng dĩa Asia. Đây cũng là câu hát mùi có một không hai của danh tài đương
thời Út Trà Ôn. Đang ngon trớn, thấy khách là tướng Bảy Viễn, chú nhỏ hoảng kinh im ngang, đặt dĩa mồi lên bài rồi quay vô. Ai ngờ, tướng Bảy Viễn gọi lại “ê, sao nửa chừng ngưng mậy? hát thử tiếp nghe coi”. Không dám cãi, Hữu Phước đứng lại, hát một hơi rồi nhìn tướng Bảy Viễn coi bị rầy hay không. Ai ngờ, ông Viễn tấm tắc giọng hát của chú nhỏ Phổ Ky, còn nhận xét một câu để đời “Nghe đâu có thua gì Út Trà Ôn đâu?”.
Được nước, ông tướng hỏi tới coi thằng nhỏ này đâu ra, có nghề sân khấu chưa… nghệ sĩ Hữu Phước cũng nhân lúc đó mà kể nỗi niềm của mình. Thật ra, lên Sài Gòn chờ cơ hội, Hữu Phước đã thử xin đến vào gánh học nghề, phụ việc để lân la đến chuyện ca hát. Nhưng đâu phải ai cũng tin. Đến đi xin kéo màn cho gánh Thanh Minh của ông Năm Nghĩa, mà còn bị chê là nhìn ốm yếu quá, không thích hợp.
Bảy Viễn một phần yêu mến, một phần cũng muốn giới thiệu uy quyền của mình, nên đích thân chở Hữu Phước trên chiếc xe Jeep của mình, đến hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản (tức ông Phan Văn Bản, bầu gánh Thủ Đô) nằm ở bến Chương Dương để giới thiệu. Do nể tướng quân, nên chủ hãng nhận Hữu Phước vào, nhưng giao cho công việc là giữa chìa khóa đóng mở cửa cửa hãng mà thôi. Một thời gian sau do thiếu những giọng ca phụ nên Hữu Phước được gọi vào để hát thử, ai dè tiếng hát cất lên thì mọi người đều trợn mắt bất ngờ. Dân trong nghề nói thời đó, Hữu Phước có lối xuống xề rất độc đáo, ở câu 5 và câu 6 khiến ai nấy cũng nhớ hoài, do đó trở thành nổi tiếng luôn.
Năm 1957, bài Vọng Cổ mà Hữu Phước thu vào hãng dĩa Asia, phát thanh trên Đài Pháp Á năm 1957 coi như bán chạy nhất nước, già trẻ đều say mê, đặc biệt là bản Nắm Xương Tàn của Quy Sắc-Thái Thụy Phong.
Trời cũng đã đãi người tài. Chỉ qua hai lần thu đĩa là tên của nghệ sĩ Hữu Phước bắt đầu vang dội khắp Sài Gòn. Ngay khi đó, ông Ba Bản mới biết mình đang nắm một mỏ vàng từ tiếng hát của Hữu Phước. Dĩa hát nào, dân chúng cũng tìm coi có cái tên Hữu Phước hay không. Lúc đó cũng có tin là hãng dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên tìm cách gặp riêng Hữu Phước để độc quyền giọng ca này với một mức giá rất cao. Thời đã tới rồi. Hữu Phước thấy vậy bèn cũng nói thiệt với ông chủ hãng Hoành Sơn và xin rằng mình cũng muốn được đối đãi trọng thị. Đó là lý do, ngoài Út Trà Ôn, Hữu Phước là nghệ sĩ cải lương thứ hai ở Sài Gòn được mua cho chiếc xe hơi để đi hát. Ông Ba Bản nói là vừa đúng lúc có một ông chủ hãng người Pháp muốn bán chiếc Peugoet 203 mui trần màu trắng, nên ông mua luôn cho Hữu Phước.
Đời của nhạc sĩ Hữu Phước từ đó, chỉ có rực sáng hơn mà thôi, đỉnh cao là năm 1965, với giải Thanh Tâm cao quý của thời đệ nhị Cộng Hòa Việt Nam. Giá cát-sê thu dĩa của ông vọt lên cao nhất, thậm chí đoàn Thanh Minh ký contract với Hữu Phước suốt năm, thời gian đó có giá tương đương đến 200.000 Mỹ kim.
Thập niên 1970, vừa có danh tiếng, vừa có uy tín, nghệ sĩ Hữu Phước quyết định lấy tên con gái Hương Lan thành lập đoàn hát mang tên Hương Dạ Lan, nhưng sau đó đổi tên thành Thanh Minh Hương Lan, sau thỏa thuận với bà bầu đoàn Thanh Minh Thanh Nga để mua lại xác gánh cải lương. Theo tiết lộ của chính Hữu Phước thì ông được một người quen yêu nghệ thuật bỏ vốn để lập đoàn.
Đoàn hát của cha con nghệ sĩ Hữu Phước – Hương Lan dự định ra mắt khán giả tháng tư năm 1972, nhưng sau đó có lẽ gặp nhiều khó khăn nên không thấy nhắc tới nữa. Sau đây là 2 bài báo, bái phỏng vấn nghệ sĩ Hữu Phước nhắc tới sự kiện này:
Trong năm 1971 vừa qua giới cải lương bàn tán nhiều về đoàn hát Hương Dạ Lan do cha con nghệ sĩ Hữu Phước – Hương Lan dự định thành lập. Nhưng rồi điều kiện không thuận tiện sao đó, dự tính của Hữu Phước tạm ngưng lại cho đến ngày nay.
Mấy hôm nay, thấy Hữu Phước bận rộn tới lui hỏi thăm, mới biết anh đang nỗ lực vận động cho dự tính còn bỏ dở sớm thành hình.
Nhân dịp gặp Hữu Phước, chúng tôi bèn hỏi thăm anh cho rõ hơn:
- Thưa anh, người ta nói anh đang xúc tiến việc thành lập đoàn hát có đúng không?
Hữu Phước gật đầu xác nhận:
– Vâng! Tôi nhứt định phải có một đoàn hát để phục vụ nghệ thuật để cho tôi và Hương Lan, nhất là cho Hương Lan có dịp đem hết tài năng phục vụ nghệ thuật cải lương và đền đáp ơn tri ngộ của khán giả ái mộ từ trước tới nay.
- Đoàn hát của anh vẫn lấy bảng hiệu là “Hương Dạ Lan” như đã dự tính trong năm qua?
– Vâng. Bảng hiệu của đoàn hát sẽ là “Hương Dạ Lan”.
- Xin anh cho biết thành phần nghệ sĩ của đoàn Hương Dạ Lan dự tính sẽ có những ai?
– Những nghệ sĩ quy tụ dưới bảng hiệu Hương Dạ Lan phần lớn gồm những nghệ sĩ thương mến Hữu Phước, Hương Lan mà tình nguyện cộng tác với chúng tôi. Tôi có thể kể trước các anh chị em Út Bạch Lan, Thúy Lan, Lan Ngọc, Nhật Thanh, Phương Trúc Bình… Và còn một số các bạn khác sẽ về với chúng tôi nữa.
- Hữu Phước, Hương Lan là trụ cột?
Hữu Phước cười:
– Dạ, điều đó thì chắc chắn rồi.
Chúng tôi hỏi thêm:
- Thưa anh, anh ở trong nghề lâu năm, chắc anh cũng biết yếu tố quan trọng của một đoàn hát là soạn phẩm. Vậy thành phần soạn giả của đoàn Hương Dạ Lan gồm có những ai?
– Tôi sẽ nhờ các anh soạn giả Hoàng Việt, Ngự Hương, Ngọc Điệp, Hoàng Khảm, Hoa Lư… Tôi tin là tên của các anh đó có thể bảo đảm cho phần nghệ thuật của sân khấu Hương Dạ Lan.
Ngập ngừng một chút, chúng tôi hỏi tiếp:
- Thưa anh, sau đây chúng tôi muốn hỏi anh một câu có hơi tò mò một chút. Anh dự định bỏ bao nhiêu vốn liếng cho việc thành lập đoàn hát của anh?
Hữu Phước cũng có hơi đắn đo một chút rồi nói:
– Hình thức Nghệ thuật của đoàn Hương Dạ Lan là hình thức đại ban. Nhưng chúng tôi sẽ gói ghém để giảm thiểu tối đa chi phí. Số vốn chúng tôi dự định có thể nhiều, cũng có thể ít, nhưng dù ít dù nhiều, chúng tôi cũng nhất định lập cho được đoàn hát.
- Như anh nói đó thì nếu chúng tôi đoán không lầm, chắc anh được sự giúp đỡ về tài chánh của một vị Mạnh thường quân nào đó có phải không anh?
– Vâng! anh đoán không sai. Tôi được sự giúp đỡ về tài chánh của một vị ân nhân mà xin phép anh tôi xin tạm giấu tên của vị Mạnh thường đó, vì theo ý muốn của vị đó khi nào đoàn hát thành hình thì mọi người sẽ biết cũng không muộn. Tôi chỉ có thể nói với anh là vị ân nhân ra vốn cho chúng tôi là một người yêu nghệ thuật, xuất vốn cho chúng tôi làm nghệ thuật chứ không phải vì lợi.
- Nghe anh nói, tôi cũng đâm ra quý mến vị ân nhân giấu tên của anh. Thưa anh, anh có dự tính thuê một xác gánh cũ nào hay hoàn toàn tạo cái mới cho đoàn hát của anh?
– Tôi định sang lại xác gánh của đoàn Thanh Minh. Việc thương lượng cũng gần xong. Tôi muốn dùng xác gánh của Thanh Minh vì anh cũng biết đó là một kỷ niệm tôi đã ở tại sân khấu Thanh Minh Thanh Nga bao nhiêu năm trời, tôi cũng muốn được giúp đỡ bà bầu Thanh Minh Thanh Nga một phần nào ân nghĩa mà anh!
Chúng tôi gật đầu:
- Chúng tôi xin ghi nhận. Anh là một nghệ sĩ có lòng. Xin anh cho hỏi câu cuối cùng: Anh định đến bao giờ sẽ cho ra mắt đoàn Hương Dạ Lan của anh với khán giả?
– Tôi định vào thượng tuần tháng Tư dương lịch sẽ khai trương bảng hiệu có thể ở tại thủ đô Saigon hoặc một tỉnh lỵ lân cận.
Thấy cũng tạm đầy đủ, chúng tôi bắt tay từ giã Hữu Phước sau khi chúc cho đoàn hát Hương Dạ Lan sớm thành hình để góp phần vun xới cho vườn hoa nghệ thuật thêm đẹp, thêm tươi.
—
Sau đó 2 tuần, có một bài báo khác như sau:
Trên trang sinh hoạt sân khấu nầy, trong một kỳ báo vừa qua chúng tôi có phỏng vấn nghệ sĩ Hữu Phước, được biết anh quyết định thành lập đoàn hát lấy tên là “Hương Dạ Lan” [Đọc bài báo bên dưới cùng bài viết này]. Nhưng nay, sau khi thương lượng với bà bầu Thơ, mướn lại xác gánh của đoàn Thanh Minh, trong vòng 2 năm với giao kèo hai triệu đồng. Hữu Phước tính toán sao đó, bèn thay đổi bằng hiệu của đoàn hát của anh lại là “Thanh Minh Hương Lan”.
Được biết đoàn Thanh Minh Hương Lan của cha con Hữu Phước Hương Lan quy tụ thành phần đào kép sau đây:
Bên đào có: Hương Lan, Diệp Tuyết Anh, Phương Mai, Thúy Lan, Út Bạch Lan, Kim Hoa, Diệu Nga.
Bên kép có: Hữu Phước, Phương Trúc Bình, Nhật Thanh, Viễn Trình, Viễn Phương, Như Ánh, Thanh Hiền, hề Hội.
Thành phần nghệ sĩ trên kể ra cũng khá hùng hậu.
Về tuồng tích, hiện đoàn Thanh Minh Hương Lan đang tập hai vở: “Duyên Sở nợ Tần” của Ngự Hương, và “Tình sử Hà Gia Trang” của Quy Sắc. Đoàn đang nằm tại ở Chợ Cầu để ăn tập, khi thành thuộc đoàn sẽ khai trương bảng hiệu, chưa rõ đích xác ngày nào, nhưng có lẽ vào khoảng hạ tuần tháng Tư nầy.
Sau 1975, nghệ sĩ Hữu Phước sang Pháp theo diện hồi hương (vì mang quốc tịch Pháp) và qua đời năm 1997.
Tổng hợp