Đây là hình ảnh chợ Bến Thành, đáng ra ngôi chợ nổi tiếng này đã có kiểu dáng hiện đại như vậy, khi chính quyền thành phố Sài Gòn năm 1970 có ý định xây dựng lại khu chợ để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của thành phố. Bản vẽ đồ án này chiếm giải nhứt và dự định sẽ được xây như vậy, tuy nhiên điều đó đã không bao giờ xảy ra.
Trang nhứt của tờ báo Hòa Bình đầu năm 1972 đưa tin: Thủ đô Saigon dã phát triển quá mạnh, trong khi đó chợ búa ở Saigon, nhất là chợ Bến Thành, vẫn ở trong tình trạng của mấy mơi năm về trước, không có một bước tiến quan trọng nào. Do đó, các giới chức thẩm quyền đã nhất quyết cấp tốc canh tân hệ thống chợ búa tại thủ đô. Để khởi đầu dự định này, Tòa Đô Chánh đã tổ chức một cuộc thi thiết lập Đồ án Chợ Sài Gòn trong tương lai, với giải nhất bằng hiện kim tới 1.500.000đ. Trong vài năm tới đây ngôi chợ Bến cũ kỹ hiện nay sẽ biến thành một ngôi chợ nguy nga, tối tân, theo đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mảng, người đoạt giải nhất cuộc thi thiết lập đồ án chợ Saigon.
Trang báo Sóng Thần số ra ngày 2/4/1972 cũng đưa tin về dự án này như sau:
Đồ án chợ Saigon trong tương lai: Có thể coi là 1 phản ảnh Dân tộc tính?
Từ mấy năm nay tin đồ chợ Bến Thành (còn gọi là chợ Saigon) sẽ được xây cất lại hoàn toàn từ nền móng đã trở thành đề tài trong những cuộc trà dư tửu hậu. Đa số dân chúng thủ đô tán thành dự án này vì theo họ, thủ đô Saigon đã phát triển quá mạnh trong khi đó chợ búa ở Saigon, nhất là chợ Bến Thành, vẫn ở trong tình trạng của mấy mơi năm về trước, không có một bước tiến quan trọng nào. Tuy nhiên cũng có người e ngại việc xây cất lại chợ Saigon có thể đồng thời xảy ra với việc dời khu chợ này ra khỏi trung tâm thành phố như các quốc gia tân tiến, có khuynh hướng đưa các trung tâm thương mại ra các vùng ngoại ô. Rồi khoảng tháng 9 năm 1971 vừa qua, giới buôn bán trong chợ Saigon đã nhận được 1 nguồn tin hoàn toàn chính xác là Tòa Đô Chánh đã tổ chức một buổi lễ trao giải thưởng cho các kiến trúc sư về cuộc thi thiết lập đồ án chợ Saigon, và người đoạt giải nhất trong cuộc thi này là kiến trúc sư Huỳnh Kim Mảng với số tiền thưởng là 1.500.000đ, chưa kể số 10% được hưởng trên ngân khoản sẽ dùng để xây cất đồ án này.
Cuộc thi đồ án chợ Bến Thành được khởi sự từ ngày 27/10/1970 và chấm dứt ngày 24/1/1971 với 8 đồ án tham dự cuộc thi này. Đại khái trong thông cáo về cuộc thi những điểm căn bản về việc xây cất chợ Saigon đã được đề cập cách tổng quát như sau: Ngôi chợ mới phải có tầng hầm, 1 tầng trệt và 3 tầng lầu. Tầng hầm dùng làm bãi đậu xe, tầng trệt bán thực phẩm tươi như thịt cá hoa quả, lầu 1 và 2 bán tạp hóa khô, hàng vải bách hóa và các văn phòng ngân hàng tư. Lầu 3 dùng làm nơi giải trí trẻ em, làm ký nhi viện… sân thượng dành cho các nhà hàng ăn giải khát…
Ngôi chợ mới cũng phải có hệ thống điện nước vệ sinh, thang máy… Diện tích tổng quát ngôi chợ Saigon tương lai là 12.000m2, tức chiếm toàn thể vị trí ngôi chợ cũ, từ công trường Diên Hồng đến tận đường Lê Thánh Tôn.
Ngoài kiến trúc sư Huỳnh Kim Mảng chiếm giải nhất, còn có 2 kiến trúc sư hợp tác trên một đồ án là Nguyễn Huy và Trần Phong Lưu được giải ba trị giá 400.000 đồng và 3 kiến trúc sư Nguyễn Ký, Đào Trọng Cường và Nguyễn Hữu Sơn được giải khuyến khích mỗi giải trị giá 200.000 đồng.
Được biết, đồ án chợ Saigon của KTS Huỳnh Kim Mảng có thể được thực hiện trong năm 1972, số kinh phí chưa được tiết lộ. Có người nhìn bức phối cảnh của đồ án đã không khỏi không nhận xét như sau:
“Theo KTS Mảng thì chợ Saigon khi được thực hiện, sẽ phản ảnh rõ rệt dân tộc tính, nhưng trong hình về chợ Saigon của ông nhìn từ ngoài thì chẳng thấy gì là dân tộc tính hết, nếu không muốn nói là khô khan, buồn thảm và gợi cho người xem hình ảnh về những đô thị chết bên các nước Ây Mỹ”.
Dẫu sao đây là 1 công trình kiến trúc để đời, và trong tương lai sẽ là 1 hình ảnh tượng trưng cho thủ đô VNCH. Thiết tưởng những người hữu trách nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định cho thực hiện, cần thiết là đừng để bị chóa mắt bởi cái gọi là “đồ sộ, vĩ đại”…
Kết quả, như tất cả chúng ta đều biết, đồ án xây chợ Sài Gòn mới đã không được thực hiện, lý do có thể là vấn đề kinh phí, hơn nữa chính quyền cũng không muốn xóa bỏ chợ Bến Thành được xây từ năm 1912 vốn đã trở nên quen thuộc với người Sài Gòn. Điều đó được tác giả Phạm Công Luận nói rõ trong bài viết mang tên Bản đồ án dở dang trong cuốn Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố 2, như sau:
Năm 1971, có một sự kiện tuy không được quan tâm nhiều từ người dân bình thường nhưng thu hút giới kiến trúc, báo chí, và những người buôn bán ở ngôi chợ lớn nhất, quan trọng nhất miền Nam này. Do cảm thấy Sài Gòn lúc đó đang trên đà phát triển nhưng ngôi chợ lớn nhất ở trung tâm thành phố vẫn trong tình trạng của mấy chục năm về trước, chính quyền thời đó muốn có sự thay đổi lớn. Để bắt đầu, họ mở một cuộc thi lớn mang tên “Đồ án chợ Sài Gòn trong tương lai” với giải Nhất bằng hiện kim là 1,5 triệu đồng.
Đây là một cuộc thi được giới chuyên môn đánh giá là khó, người dự thi đương nhiên thuộc giới kiến trúc, phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian để thiết kế đồ án chi tiết, mô hình để gửi về dự thi. Tác phẩm phải hội đủ điều kiện về kỹ thuật chuyên môn, thẩm mỹ, tiện ích xứng đáng với ngôi chợ lớn nhất và quan trọng nhất miền Nam này. Người dự thi có 3 tháng (từ 27.10.1970 đến 24.1.1971) để nghiên cứu thực hiện các bình đồ, họa đồ và cả mô hình nổi về ngôi chợ. Trong thông báo về cuộc thi, chỉ quy định khái quát về những điểm căn bản: phải có tầng hầm, tầng trệt và 3 tầng lầu, mỗi tầng có chức năng riêng phù hợp. Chợ mới phải có hệ thống thang máy, xử lý vệ sinh… Tất cả trên diện tích 12.000 m2, chiếm toàn bộ vị trí ngôi chợ cũ từ Công trường Diên Hồng đến đường Lê Thánh Tôn.
Do tính chất phức tạp và quy mô của bài dự thi, chỉ có 8 đồ án gửi đến ban tổ chức khi cuối hạn. Ban tổ chức cảm thấy bất ngờ và bối rối khi cả 8 bài dự thi đều rất công phu, hiện đại và có thể nói là “vĩ đại” như lời kiến trúc sư (KTS) Bùi Ngọc Hồ nói với báo chí. Điều này đặt trên vai ban giám khảo trách nhiệm lớn. Trong ban giám khảo, có các KTS uy tín như KTS Vũ Tòng – đoàn trưởng KTS đoàn, KTS Phạm Văn Thăng là Khoa trưởng thuộc Đại học Kiến trúc Sài Gòn, cùng giới chức Tòa Đô chánh Sài Gòn lúc đó. Sau một ngày xem xét chấm giải, cuối cùng đồ án của KTS Huỳnh Kim Mảng đoạt giải nhất. Do có khoảng cách với đồ án này, các đồ án còn lại không có giải nhì. Giải ba trao cho đồ án của hai tác giả là Nguyễn Huy và Trần Phong Lưu, trị giá 400.000 đồng. Ba giải khuyến khích đồng hạng trị giá 200.000 đồng cho các KTS Nguyễn Kỳ, Đào Trọng Cương và Nguyễn Hữu Sơn.
KTS Huỳnh Kim Mảng vốn đã thực hiện nhiều công trình quan trọng trước đó như cùng tham gia lập đồ án xây dựng Trường Lasan Tabert (nay là Trường Trần Đại Nghĩa), rạp hát Victory Lê Ngọc, Trung tâm văn hóa Pháp. Ông sinh năm 1920 tại Long Xuyên, từng theo học Đại học Kiến trúc Hà Nội từ 1941, tiếp tục học Đại học Kiến trúc Đà Lạt từ năm 1945 và đến 1949 sang Pháp học tại Trường cao đẳng Kiến trúc Paris. Ở đây, ngoài bộ môn kiến trúc, ông còn học thêm thiết kế đô thị tại Đại học Kiến thiết thiết kế đô thị. Ông tốt nghiệp năm 1955 và về Sài Gòn làm việc.
Nói về bản thiết kế của mình, KTS Huỳnh Kim Mảng cho biết phải dùng tới 20 họa viên trong 3 tuần lễ để vẽ họa đồ, bình đồ, thực hiện mô hình nổi… Cảm thấy chợ Sài Gòn vừa cũ kỹ và chật hẹp, ông đã tận dụng toàn thể diện tích hiện hữu của chợ gồm ngôi chợ chính phía trước và khu chợ bán trái cây phía sau. Theo đồ án, chợ sẽ xây thành nhiều tầng. Tầng hầm làm bãi đậu xe 150 chiếc. Tầng trệt cao hơn mặt đất 1 m, chung quanh bán thịt các loại, hoa quả, và vào trung tâm là khu bán cá giữa nơi thoáng đãng, có ánh sáng rọi từ trên xuống. Tầng 1 bán chạp phô, bách hóa các loại. Tầng 2 bán quần áo, vải vóc, làm văn phòng ngân hàng tư nhân. Tầng 3 là nơi vui chơi của trẻ em. Tầng thượng có nhà hàng, quán giải khát, rạp chiếu bóng, rạp cải lương. Phía trước chợ còn có một ngôi tháp cao 50 m, phần trên tháp sẽ là một nhà hàng. Chợ có hệ thống thang máy, thang nâng hàng, hệ thống xử lý rác. Hàng hóa đưa vô chợ hoặc lên lầu đều có lối riêng, không dùng chung lối đi với khách. Điểm nổi bật là càng lên cao, diện tích các tầng càng nới rộng ra, được xem là lối kiến trúc táo bạo, thẩm mỹ và đáp ứng nhu cầu buôn bán của chợ lúc đó.
Sở Thiết kế thuộc Tòa Đô chánh Sài Gòn lúc đó dự tính kinh phí xây chợ mới sẽ tốn khoảng 1,5 tỉ đồng, và có thể khởi xây năm 1972. Tuy nhiên, dự án này đã không bao giờ được thực hiện. Lý do được báo chí sau này thuật lại là lúc đó dân chúng không đồng tình, muốn giữ lại ngôi chợ cũ vốn gần gũi, quen thuộc từ hơn nửa thế kỷ trước. Và hơn nữa ngân sách thành phố lúc đó không đủ để thực hiện.
Việc xây mới chợ Bến Thành thực ra đã được đưa ra bàn thảo trước đó khá lâu. Vào năm 1964, trong đề án thiết lập Trung Tâm Thương mại Sài Gòn, kiến trúc sư Lê Văn Lắm có nhận định: “Lối kiến trúc chợ Bến Thành từ năm 1913 đến nay (1964) không còn hợp thời, công việc buôn bán quá tấp nập… Trong tương lai nên chỉnh đốn kiến trúc chợ Sài Gòn và việc thương mại đặc biệt dành mua bán các thực phẩm: thịt cá rau cải, trái cây, đồ hộp…”
Dự án của kiến trúc sư Lê Văn Lắm không thực hiện được, tuy nhiên, Tòa Đô Chánh Sài Gòn vẫn nung nấu ý định cải tạo và mở rộng chợ Bến Thành theo nhận định của Hội đồng thành phố được ghi lại trong tạp chí Thế Giới Tự Do: “Sài Gòn phát triển quá mạnh, trong khi đó chợ búa ở Sài Gòn, nhất là chợ Bến Thành, vẫn ở trong tình trạng của mấy mươi năm về trước, không có một bước tiến quan trọng nào”. Năm 1971 dân số Sài Gòn có khoảng hai triệu người và thành phố chỉ có ba trung tâm thương mại lớn là: Tax, Sài Gòn Departo và Crystal Palace (Thương xá Tam Đa). Tuy nhiên những trung tâm thương mại này là những nơi bán hàng xa xỉ chứ không có kiểu chợ truyền thống như chợ Bến Thành và chợ Sài Gòn cũ, chợ Bình Tây (Chợ Lớn mới) nên chính quyền quyết tâm biến đổi chợ Bến Thành trở nên hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển và mang tính thẩm mỹ.
chuyenxua.net biên soạn
Thật tuyệt vời, theo tôi nếu công trình “Chợ Sài Gòn” đã được xây dựng năm 1972 thì có thể nói đây là di sản vĩ đại của Sài Gòn. Nhưng nó đã không xảy ra vì lý do là người dân không đồng tình ủng hộ vì yêu mến chợ cũ được xây dựng năm 1912 và ngân sách không đủ 1,5 tỷ đồng để xây dựng nó. Thế mới thấy giá trị dân chủ là ở chỗ nào.