Trong bài trước, chúng tôi đã gửi tới bạn đọc những chữ mà người Nam xưa thường hay nói, đó có thể là những phương ngữ đã từng rất quen thuộc, nhưng nay hiếm thấy được xài.
Trong phần này, đã số là những chữ láy, được nhà văn Hồ Biểu Chánh nhắc tới trong tiểu thuyết của ông, mô tả trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của người xưa.
chim bỉm
Im lặng với vẻ mặt ủ dột, buồn sầu. Thí dụ: Ngồi chim bỉm, mặt mày chim bỉm.
sơ sịa
Làm qua loa, không kỹ.
sớ rớ (xớ rớ)
Chàng-ràng, qua lại lôi-thôi một chỗ nào mà chẳng làm gì. Thí dụ: Đứng xớ-rớ, xớ-rớ trước cửa hàng người ta.
lụp chụp
Vội vàng, hấp tấp, dẫn đến sơ hở, thiếu thận trọng, chu đáo
lóng nhóng
Như Lóng-ngóng.
xuôi xị
Buồn bã, có vẻ thất vọng. Thí dụ: Mặt mày xuôi-xị.
A ý
Toa-rập, hội ý nhau trong một việc ám-muội. Thí dụ: Họ a-ý để hại anh.
Đỏ đẻ
Lăng-líu, cách nói chuyện của trẻ-con. Thí dụ: Nói đỏ-đẻ cho vui cửa vui nhà.
kinh dinh
kinh: sửa trị; dinh: lo toan làm ăn
Kinh dinh: cũng giống nghĩa là Kinh doanh.
leo heo
Leo-teo, thưa-thớt, có rất ít. Thí dụ: Có mấy cái nhà leo-heo.
Nghĩa khác là ánh sáng yếu ớt như sắp tắt. Thí dụ: Ngọn đèn dầu leo heo.
ui ui
Mát trời, không nắng hoặc nắng dịu. Thí dụ: Nắng ui-ui, trời ui-ui.
sẩn bẩn
đi sẩn bẩn, nghĩa là đi loanh quanh gần 1 chỗ
chúm chím
Cười chúm chím, nghĩa là cười không hở môi, ngày nay gọi là cười mỉm chi. Đây là chữ thường gặp nhất trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, gặp ở trong toàn bộ tác phẩm của ông.
ngỏn ngoẻn
Ngược với chúm chím là ngỏn ngoẻn, ý nói cách cười toét miệng. Ngày nay, nhiều ngưởi nhầm tưởng cười ngỏn ngoẻn là cười nhẹ, cười e lệ.
dan díu
Thân-mật nhau, ưa-thích nhau, không rời ra được. Thí dụ: Hai đứa nhỏ dan-díu với nhau quá
Chữ này cũng thường gặp trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, khi nói về một đôi trai gái yêu nhau, gắn bó với nhau, nhưng chưa lấy nhau.
Tuy nhiên ngày nay chữ dan díu lại thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, nói về sự lén lút, vụng trộm.
chộn rộn
Lộn xộn, nhốn nháo, rối rít, rộn ràng. Thí dụ: Sân ga chộn rộn, chộn rộn trong lòng.
cha chả
Tiếng thốt lên tỏ ý ngạc nhiên, tán thưởng hoặc tức tối cao độ. Thí dụ: Cha chả, tài đến thế là cùng, Cha chả, láo lếu quá chừng
Ngày nay, chữ cha chả ít được sử dụng trong văn nói, nhưng chữ này thường xuyên được nhà văn Hồ Biểu Chánh dùng trong thoại của nhân vật tiểu thuyết.
khoảng khoát
Rộng-rãi, sáng-sủa. Thí dụ: Cái nhà khoảng-khoát, mở cửa ra cho khoảng-khoát.
hực hỡ
Rực-rỡ, sáng rỡ, đẹp mắt
Hai từ khoảng khoát hực hỡ thường đi với nhau, nhưng nay ít được dùng.
xẻn lẻn
Có vẻ e dè, bẽn lẽn, thẹn thùng: nói năng xẻn lẻn, dáng điệu xẻn lẻn, nụ cười xẻn lẻn.
tum húm
Nhỏ, hẹp, chật-chội. Thí dụ: Cái nhà tum-húm.
lui cui
Lúi húi, cặm cụi làm việc gì.
chúng chứng
Dở chúng, sinh tật, khó bảo
òn ĩ
Nài xin bằng giọng nói nhẹ nhàng, nũng nịu đáng yêu.
lẹo tẹo
Có nghĩa là Tằng tịu,
húng hính
chữ này chỉ thấy Hồ Biểu Chánh xài, chưa hiểu rõ được ý nghĩa. Trong Bức Thơ Hối Hận, chữ này được ghi như sau:
Tuổi ông đã lớn nên ông húng hính, dưỡng nhàn, vui với bình trà trưa sớm.
Bái xái
Bị thất bại thảm hại, không thể gượng lên được. Thí dụ: thua bái xái.
chưng hửng
Ngẩn ra, có cảm giác hẫng hụt vì bị mất hứng thú, mất hi vọng một cách đột ngột do việc diễn biến ngược với điều đã tin chắc.
Một số chữ thường được nhà văn Hồ Biểu Chánh dùng trong tiểu thuyết, nhưng nay ít thấy:
bất nhơn dữ hôn: Một câu cảm thán thường được người xưa sử dụng, nay cũng còn thấy ở vùng quê, đặc biệt là ở miền Tây. Nghĩa là
buồn nghiến: rất buồn
chớ chi: biết vậy thì
cười ngất: Chữ cười ngất được nhà văn Hồ Biểu Chánh dùng thường xuyên trong tất cả các truyện của ông, sau bị người ta hiểu nhầm. Ngất ở đây không phải là ngất ngưỡng, ngất nghẻo, mà ý là cười hoài không ngừng được, nhưng có thể là cười nhẹ, chứ không phải ngửa cổ lên trời mà cười.
để vợ: Ly dị vợ
giữ ngươi: ý là giỡn mặt
lung lắm: lung là rất nhiều. Ví vụ: Buồn lung lắm
Nhà việc: Trụ sở cơ quan công quyền
Đóng trăng: Tội phạm bị còng tay, xưa gọi là “đóng trăng”, do cái cùm ngày xưa hình trăng bán nguyệt, không phải hình số 8 như hiện nay.
Nhà khói: Nhà bếp
vang rân: Om-sòm, có nhiều tiếng to. Thí dụ: Trẻ con la vang-rân khi chơi giỡn.
khốn nạn: Xưa có ý là khốn khổ, nhưng ngày nay mang nghĩa tiêu cực. Tiểu thuyết Les Misérables xưa được Nguyễn Văn Vĩnh dịch là Những Người Khốn Nạn, sau đổi thành Những Người Khốn Khổ.
chuyenxua.net biên soạn