Nếu nhìn qua những công trình được Pháp xây những thập niên đầu thế kỷ 20 và còn lại cho tới nay ở Hà Nội, có thể thấy 3 xu hướng:
Thứ nhất, lấy nguyên mẫu từ Pháp, như Nhà Thờ Lớn, Nhà Hát Lớn, Ga Hàng Cỏ, hay 1 số biệt thự.
Thứ hai: kết hợp phong cách cổ điển Châu Âu, phong cách hiện đại Châu Âu với các đặc điểm khí hậu và văn hóa bản địa vào công trình, như trường Albert Sarraut, Tòa Án, Viện Pasteur cũ, Ngân Hàng Đông Dương… Xu hướng này được các kiến trúc sư chọn nhiều nhất.
Thứ ba: tìm tòi và khai thác kiến trúc truyền thống của địa phương, tạo thành một phong cách Đông Dương, như Bảo tàng Louis Finot, trường Đại học Đông Dương.
Sau đây là những công trình tiêu biểu của Hà Nội đã có từ thời Pháp thuộc, và hình ảnh xưa/nay của công trình.
1. Nhà Hát Lớn Hà Nội
Thời Pháp, công trình này được gọi là Le Théâtre municipal, nằm trên phố Paul Bert.
Năm 1899, Hội đồng thành phố Hà Nội đệ trình Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer xây dựng một nhà hát để phục vụ nhu cầu giải trí của người Pháp ở Hà Nội, Công trình khởi công ngày 7/6/1901 và hoàn thành sau 10 năm, do hai kiến trúc sư là Harlay và Broyer thiết kế, họa theo hình dáng nhà hát Opéra Garnier nổi tiếng ở Paris. Trong công đoạn xây cất thì có sự tham gia của kiến trúc sư François Lagisquet chỉnh trang sửa chữa thêm họa đồ. Với kinh phí lên đến 2 triệu franc.
Vì xây dựng trên một vũng lầy nên việc san lấp mặt bằng gặp khá nhiều khó khăn. 35 nghìn cây cọc tre được đóng xuống trước khi đổ lớp bê tông dày 0,9 mét làm nền tòa nhà. Phần móng được xây bằng đá tảng; khu vực sân khấu sử dụng gạch chịu lửa để đề phòng hỏa hoạn, phần mái nhà lợp bằng phiến thạch trang trí kẽm thếp vàng, đường vòng quanh mái trang trí gạch tráng men. Công trình sử dụng tới 12.000 m³ vật liệu, gần 600 tấn gang thép, với khoảng 300 công nhân tham gia thi công mỗi ngày.
Ban đầu trước Nhà hát có tượng đài, nhưng đã bị giật đổ năm 1945.
Thời điểm được khánh thành, đây là công trình biểu diễn lớn nhất Đông Nam Á và sau đó luôn là trung tâm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa và cả chính trị ở Việt Nam.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ có giá trị đơn thuần về kiến trúc. Rộng hơn, từ đầu thế kỷ 20, đó cũng là nơi chứng kiến những cuộc “tiếp xúc” đầu tiên giữa Việt Nam với văn hóa, nghệ thuật phương Tây, cụ thể là âm nhạc và sân khấu.
Ngày nay, công trình này tên là Nhà Hát Lớn Hà Nội, số 1 Tràng Tiền.
2. Ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội)
Để phát triển kinh tế thì cần mở mang giao thông. Tháng 6 năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer chấp nhận dự án xây dựng ga đường sắt tại Hà Nội, được gọi là Ga trung tâm (La Gare Centrale). Kiến trúc sư thiết kế là Boreil và Vildieu, công trình mang đậm kiến trúc Châu Âu, kinh phí do chính quyền kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn.
Ga Hàng Cỏ được đưa vào khai thác cùng với cầu Doumer (nay là cầu Long Biên) vào năm 1902, là thời điểm thủ đô của Liên bang Đông Dương được chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội. Ga. Đây là nhà ga xuất phát của đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn thuở ban đầu, rồi đường sắt Hà Nội – Hải Phòng (1903), đường sắt Hà Nội – Lào Cai (1905, đi qua tới Vân Nam của Trung Quốc), và đến năm 1936 là đường sắt xuyên Việt (1936, nay là đường sắt Bắc Nam).
Năm 1972, nhà ga đã bị trúng một quả bom lớn của Mỹ, ngôi nhà đại sảnh nơi treo chiếc đồng hồ lớn của nhà ga bị đánh sập hoàn toàn. Sau năm 1975, ga Hàng Cỏ được đổi tên thành ga Hà Nội và xây dựng lại nhà đại sảnh theo kiến trúc mới như trong hình dưới:
3. Dinh Toàn Quyền (nay là Phủ Chủ Tịch)
Công trình Dinh Toàn quyền Đông Dương (tiếng Pháp: Palais du Gouvernement général de l’Indochine) do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế và được xây dựng từ năm 1901, hoàn thành năm 1906 với quy mô hoành tráng, uy nghiêm và bề thế.
Công trình được 2 kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu và Charles Lichtenfelder thiết kế có phong cách tân cổ điển, hiện nay vẫn đang được sử dụng với công năng ban đầu, đó là Phủ Chủ tịch nước, địa chỉ số 2 Hùng Vương.
4. Tòa Án Nhân Dân Tối Cao
Công trình được thiết kế với chức năng xét xử, tên thời Pháp là Le Palais de Justice (Tòa Án), khởi công năm 1900, hoàn thành sau 6 năm, do kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu thiết kế với phong cách tân cổ điển, và hiện tại vẫn đang được sử dụng với công năng ban đầu, mang tên Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, địa chỉ số 48 Lý Thường Kiệt.
5. Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam
Ban đầu, đây là Bảo tàng Louis Finot thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ, được khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1932, do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế. Đây là công trình thứ 2 mang phong cách Đông Dương do Hébrard khởi xướng. Ông đã cố gắng tìm tòi các chi tiết kiến trúc gỗ truyền thống như mái, con sơn đỡ diềm và các ô văng cửa sổ, để kết hợp giữa phong cách châu Âu và Á Đông. Bên ngoài được sơn màu vàng đặc trưng với một sảnh chính trưng bày hình bát giác làm điểm nhấn.
Bảo tàng Louis Finot là một trong những công trình văn hóa được xếp vào loại tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc Đông Dương bởi sự kết hợp tinh tế các giá trị của kiến trúc Pháp với kiến trúc bản địa.
Quá trình xây dựng Bảo tàng kéo dài 6 năm vì đây là khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhiều lúc công trình phải tạm dừng vì thiếu kinh phí. Công trình được khánh thành vào ngày 17/3/1932. Toàn quyền Đông Dương khi đó là Pierre Pasquier trực tiếp chủ trì lễ khánh thành. Cũng trong năm này, Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ được đổi tên thành Bảo tàng Louis Finot – tên vị Giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác cổ.
Hiện nay, công trình này đang được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam quản lý và sử dụng, nằm ở số 1 Phạm Ngũ Lão (góc Phạm Ngũ Lão – Tràng Tiền).
6. Trụ sở Bộ Ngoại Giao
Công trình này vốn là trụ sở Nha Tài Chính Đông Dương (Direction des Finances), cũng do Ernest Hébrard thiết kế, khởi công xây năm 1925 và hoàn thành sau 3 năm.
Công trình này mang phong cách Đông Dương, một số chi tiết mang tính bản địa kết hợp với phong cách Châu Âu như hệ mái hắt trên các khung cửa. Sau 1954, tòa nhà này trở thành trụ sở Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ngày nay nằm ở địa chỉ số 1 Tôn Thất Đàm.
7. Trường Đại học Dược Hà Nội
Ban đầu, đây là trụ sở của Viện Đại học Đông Dương (Universite Indochinoise), được Ernest Hébrard thiết kế mang phong cách Đông Dương, xây dựng từ 1924-1926. Bản thiết kế của tòa nhà này đã được thực hiện trước khi Ernest Hébrard tới Hà Nội, ban đầu vốn mang phong cách Tân cổ điển. Sau khi Hébrard tới và nhận vai trò Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương, ông đã tiếp quản việc thiết kế và xây dựng tòa nhà này, và cố găng thay đổi phong cách kiến trúc, kết hợp thêm nhiều yếu tố Á Đông để nó trở thành công trình kiến trúc đầu tiên mang phong cách Đông Dương, khác biệt với phong cách kiến trúc Tân cổ điển trước đó và phong cách Art deco sau đó.
Năm 1945, Viện Đại học Đông Dương đổi thành Trường Đại học Quốc gia Việt Nam, sau 1954 đổi thành Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1993, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trở thành Đại học Quốc gia Hà Nội, và tòa nhà này trở thành một cơ sở của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau này, có thời gian dài tòa nhà này là trụ sở của Khoa Hóa – Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, địa chỉ số 19 Lê Thánh Tông. Ngày nay là trụ sở trường Đại học Dược Hà Nội.
Một số ảnh khác cùa trường thời Pháp thuộc:
8. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
Nguyên thủy, đây là Toà nhà Viện Pasteur (Institute Pasteur) ở Hà Nội do kiến trúc sư Roger Gaston thiết kế năm 1926 và khởi công xây dựng năm 1927. Trước đó đã có hai viện nghiên cứu vi trùng học do bác sĩ Albert Calmette thành lập ở Đông Dương và đều thuộc Institut Pasteur Paris, đó là: Viện Pasteur Sài Gòn (thành lập năm 1891), Viện Pasteur Nha Trang (1895). Cuối cùng là Viện Pasteur Đà Lạt do bác sĩ Alexandre Yersin thành lập năm 1936.
Tòa nhà này trong hệ thống Viện Pasteur toàn cầu trong 20 năm (1925-1945) thì bị đổi tên thành Viện Vi trùng học năm 1945. Năm 1946, sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương thì nó trở lại thành Viện Pasteur trong 10 năm nữa (1946-1956) thì lại đổi thành Viện Vi trùng học năm 1957. Từ 1961-1998, nó được đổi tên thành Viện Vệ sinh Dịch tễ học Hà Nội, và từ 1998 tới nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, số 1 Yersin.
9. Trụ sở Ban Đối ngoại trung ương Đảng
Tòa nhà này vốn là trụ sở trường Trung học Hà Nội, có tiền thân là trường Paul Bert bên đại lộ Rollandes (Nay là Trường Trung học Phổ thông Trần Phú – Hoàn Kiếm).
Năm 1913, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut đã ra quyết định nâng bậc trường Paul Bert từ Collège lên bậc Lycée để thành lập một trường trung học toàn phần như các trường ở chính quốc với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học tại Hà Nội. Trường có nhiệm vụ thu nhận học sinh người Pháp và cả học sinh là con em các quan chức cao cấp người Việt Nam, người Miên, người Lào.
Năm 1914, công trình xây dựng trường sở mới được khởi công trên một khuôn viên rộng, vuông vắn, nằm trước Dinh Toàn quyền. Công trình do Kiến trúc sư Adolphe Bussy thiết kế, phong cách Tân cổ điển, gồm khu trường chính với khu học đường, khu nội trú, khu y tế; và khu giáo dục thể chất gồm 1 sân bóng đá, 1 sân bóng rổ, 1 sân bóng chuyền, 1 khu điền kinh.
Công trình được hoàn tất đầu năm 1919. Sau khi hoàn thành trường sở, trường Lycée Paul Bert được đổi tên thành Trường Trung học Hà Nội (Lycée de Hanoi). Một phân sở của Lycée de Hanoi chuyên đào tạo các lớp trên được chuyển về đây. Riêng phân sở chuyên đào tạo các lớp dưới vẫn ở lại trường sở cũ. Thời bấy giờ, để phân biệt, người ta thường gọi phân sở tại Boulevard Rollandes (nay là Hai Bà Trưng) là Petit Lycée (trường Trung học Nhỏ); còn phân sở tại Avenue de la République (nay là Hoàng Văn Thụ) là Grand Lycée (trường Trung học Lớn).
Năm 1923, trường đổi tên thành Trường Trung học Alber Sarraut (Lycée Albert Sarraut) theo tên cựu Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, người ra quyết định lập trường. Phân sở Petit Lycée lấy lại tên cũ là Lycée Paul Bert.
Sau khi chính phủ VNDCCH tiếp quản Hà Nội năm 1954, chính phủ Pháp cũng ký với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một Thỏa ước văn hóa vào ngày 7 tháng 4 năm 1955, được thông qua bằng Nghị định thư ngày 23 tháng 7 năm 1955. Trên cơ sở đó, trường trung học Albert Sarraut được tiếp tục hoạt động trong 10 năm, kèm một số điều khoản như trường sẽ dời địa điểm và trở thành một trường tư thục của Tổ chức Lương Hội Pháp (Mission laique francaise), một tổ chức nhằm truyền bá tiếng Pháp và văn hoá Pháp bằng việc mở các trường học ở nước ngoài. Các học sinh theo học được miễn học phí.
Chương trình giảng dạy phải bằng tiếng Việt, trừ môn Toán. Chương trình học thực hiện trong 10 năm học, chia thành 3 cấp: cấp 1 từ lớp 1 đến lớp 4 (tiểu học), cấp 2 từ lớp 5 đến lớp 7 (trung học cơ sở) và cấp 3 từ lớp 8 đến lớp 10 (trung học phổ thông). Tiếng Pháp được xem môn ngoại ngữ chính, giáo viên người Pháp dạy và được học ngay từ cấp 1.
Trường mở cửa trở lại từ năm học 1955–1956 với 590 học sinh. Năm học cuối cùng 1964–1965, sau năm học này, trường trung học Albert Sarraut Hà Nội ngừng hoạt động hẳn. Trường được đổi tên thành Trường Phổ thông Công nghiệp ngay sau khi chính quyền VNDCCH nắm quyền điều hành trường. Sau đó, trường trải qua những lần đổi tên, tách nhập, năm 1995 nhập với trường PTTH Trần Phú thành trường Trần Phú – Hoàn Kiếm, cơ sở bên đường Hai Bà Trưng, còn tòa nhà này trở thành trụ sở Ban Đối ngoại trung ương Đảng, địa chỉ số 1B Hoàng Văn Thụ.
10. Nhà khách chính phủ
Tòa nhà này ban đầu vốn là Dinh Thống sứ Bắc kỳ (Hôtel de la Résidence supérieure) được xây dựng năm 1918 theo thiết kế của kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu theo phong cách Tân cổ điển Châu Âu, bố cục hình khối đơn giản, các trang trí cột được cách tân nhưng vẫn đạt hiệu quả thẩm mỹ. Công trình tạo được sự bề thế, sang trọng, đặc biệt với mái khu sảnh bằng kim loại ít được sử dụng trong thời gian trước đó. Năm 1945, tòa nhà này được gọi là Bắc Bộ Phủ, còn hiện nay đang được sử dụng làm Nhà khách của chính phủ, địa chỉ số 12 Ngô Quyền.
Hình ảnh hiện nay:
Ngoài ra, ở Hà Nội ngày nay vẫn còn rất nhiều công trình kiến trúc trăm năm khác, như Nhà thờ, Ngân hàng, cầu Long Biên, các biệt thự cổ… Sẽ được nhắc tới trong phần sau của bài viết.
chuyenxua.net biên soạn