Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Ngày Về” của nhạc sĩ Hoàng Giác: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm…”

Những người sống ở Sài Gòn và miền Nam trước 1975, hầu như ai cũng biết đến ca khúc Ngày Về của nhạc sĩ Hoàng Giác với câu mở đầu như sau:

“Tung cánh chim tìm về tổ ấm
Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh”…

Bài hát này được ra đời từ khoảng năm 1946, đến thập niên 1960 thì được chính quyền miền Nam sử dụng làm nhạc hiệu của chương trình chiêu hồi mang tên “Tiếng Chim Gọi Đàn” phát trên đài phát thanh.

Vào thời điểm đó, nhạc sĩ Hoàng Giác vẫn sinh sống ở miền Bắc, và việc ở phía nam vĩ tuyến dùng ca khúc nổi tiếng nhất của ông để phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền đã làm cho nhạc sĩ gặp nhiều rắc rối trong một thời gian dài.

Nhạc sĩ Hoàng Giác sáng tác không nhiều, chỉ khoảng hơn 10 ca khúc, hầu hết là trước năm 1954, và nổi tiếng nhất là Ngày Về, Mơ Hoa, Lỡ Cung Đàn... Lúc sinh thời, nhạc sĩ khiêm tốn nói rằng ông sáng tác không nhiều, nếu so với các nhạc sĩ cùng thời thì ông tự nhận đóng góp của mình cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu. Tuy nhiên chỉ cần với Ngày VềMơ Hoa, tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Giác đã trở thành bất tử trong lòng những người yêu nhạc tiền chiến.

Nhạc sĩ Hoàng Giác sinh năm 1924 tại Hà Nội. Thuở nhỏ ông được theo học trường Bưởi, một ngôi trường nổi tiếng Hà Nội và được mang tên Chu Văn An từ năm 1945 cho đến nay. Bạn học cùng lớp và cùng tuổi của Hoàng Giác thuở đó có các nhạc sĩ nổi tiếng là Đoàn Chuẩn, Ngọc Bích.

Từ khi còn đi học, ông đã tìm tòi tự học nhạc bằng các tài liệu tiếng Pháp. Năm 1944 ông viết ca khúc đầu tay là Mơ Hoa, mang hình ảnh của một cô hàng xóm xinh đẹp tên là Lê Thục Đoan, sống cùng gia đình ở Hà Đông, nhưng có một thời gian lên Hà Nội để chăm bà nội gần nhà của Hoàng Giác.

Thầm thương trộm nhớ Thục Đoan, nhưng chàng trai Hoàng Giác 21 tuổi không dám tỏ tình. Chẳng bao lâu sau thì ông được tin là người trong mộng đã về lại Hà Đông và lấy chồng, ông ngậm ngùi viết Mơ Hoa để nói nỗi lòng “tan giấc mơ hoa” của mình:

Tan giấc mơ hoa
Bóng người khuất xa, đôi đường từ đây
Ai bước đi không hẹn ngày…


Click để nghe Thái Thanh hát Mơ Hoa

Nhạc sĩ Hoàng Giác kể lại:

“Năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp Trường Bưởi, ở gần nhà tôi có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô mới tuổi 16 thôi. Dáng người cô thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi và có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai, cô gái tuổi mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài để tặng cô ấy, tức nhiên trong lòng đã mang một giấc mơ. Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”.

Hai năm sau đó, ca khúc Ngày Về ra đời khi ông là một đội viên trong đoàn tuyên truyền của Việt Minh và được trở về thăm gia đình lúc này đã tản cư ở vùng Phúc Yên. Nếu như Mơ Hoa là viết cho “một cuộc tình nhỏ” trong trẻo của người thanh niên vừa mới bước vào đời, thì Ngày Về là nỗi lòng của kẻ đi xe nhớ về tổ ấm gia đình, là ca khúc mà nhạc sĩ Hoàng Giác nói rằng ông ưng ý nhất.


Click để nghe Sĩ Phú hát Ngày Về

Tung cánh chim tìm về tổ ấm
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao ngày xanh.

Tha thiết mong tìm về bạn cũ
nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió
vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây
mờ khuất xa xôi nghìn phương…

Mượn hình ảnh con chim lạc đàn, nhạc sĩ Hoàng Giác thể hiện nỗi nhớ thương gia đình nơi quê cũ của người đang lạc bước tha hương.

Nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Hoàng Giác

Không chỉ biết sáng tác, Hoàng Giác thời tuổi đôi mươi còn sở hữu một giọng hát trầm ấm, là ca sĩ nhiều lần trình diễn ở Nhà Hát Lớn từ năm 1948 (sau khi gia đình ông trở về Hà Nội) và nhận được sự mến mộ của khán giả tân nhạc, đặc biệt là đã chiếm trọn trái tim của một cô thiếu nữ vừa mới lớn tên là Kim Châu, hoa khôi đường Quán Thánh. Khi đó Kim Châu mới khoảng 16 tuổi, thường theo bố mẹ đi xem hát.

Bà Kim Châu

Đến năm 1951, khi nhạc sĩ Hoàng Giác đã 27-28 tuổi, một cái tuổi đã bị xem là “ế vợ” thì mới được bố mẹ cậy nhờ mai mối đi hỏi vợ. Định mệnh như là đã sắp xếp khi người được hỏi đó chính là cô gái 19 tuổi – Kim Châu, người đã dành tình cảm thương mến cho nhạc sĩ Hoàng Giác đã từ lâu mà ông vẫn không hề biết.

Sau này, bà Kim Châu có kể lại rằng lúc đó đã có nhiều người đã căn ngăn bố mẹ bà không nên gả con gái cho một anh chàng “nghèo rớt mồng tơi”, nhưng bà đã tỏ ra quyết liệt rằng nếu không phải là Hoàng Giác thì bà sẽ không lấy bất kỳ ai khác dù có là giàu có địa vị đến đâu.

Nhạc sĩ Hoàng Giác và bà Kim Châu

Chưa đến 1 năm sau ngày cưới, vào tháng 2 năm 1952, ông bà có người con đầu tiên là Hoàng Nhuận Cầm, một nhà thơ nổi tiếng và từng đóng vai Bác sĩ Hoa Súng trên chương trình Gặp Nhau Cuối Tuần hồi thập niên 2000.

Trở lại với ca khúc Ngày Về – bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Giác, nhưng cũng là một tai hoạ khủng khiếp theo kiểu “tai bay vạ gió”. Sau khi lấy vợ, nhạc sĩ Hoàng Giác kiếm sống bằng nghề dạy nhạc, sau này là giảng viên guitare tại Trường Sư phạm nhạc họa và các trường âm nhạc dân lập. Cuộc sống đang yên ấm thì từ năm 1963, chương trình phát thanh “chiêu hồi” ở miền Nam đã dùng ca khúc Ngày Về làm nhạc hiệu, dĩ nhiên là không có sự đồng ý của tác giả Hoàng Giác – một người đang sống ở miền Bắc. Chính vì vậy mà nhạc sĩ bị “nghi ngờ” và trải qua một thời gian rất khó khăn.

Theo một bài viết của tác giả Orchid Lâm Quỳnh (con gái của thi sĩ Du Tử Lê) đăng trên nguoidothi.net.vn, bà Kim Châu nói rằng đó là thảm họa trên trời giáng xuống cả gia đình, đã biến bà từ vai trò một người vợ yếu đuối thành người lo toan chuyện cơm áo, chạy vạy nuôi cả gia đình.

Người bạn đời của nhạc sĩ Hoàng Giác kể lại, trong suốt thời gian đằng đẵng ấy, đã có không biết bao đêm bà thức trắng, cúi xuống chiếc máy may cũ kỹ, cầm lên những que đan sờn tróc để may vá, đan thuê. Thời gian đó, để trang trải cho cuộc sống đã trở nên cùng cực, bà không từ bất cứ công việc gì, kể cả những việc nhỏ nhặt và cực khổ.

Vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Giác

Kết luận về thời gian bi thương nhất của cuộc đời mình, với nụ cười hãnh diện, bà Kim Châu nói với cô Lâm Quỳnh: “Thời gian đó, cũng là thời gian bà rất hạnh phúc. Bà cảm thấy hạnh phúc không chỉ vì chia sẻ được hoạn nạn, khó khăn với chồng con, mà còn vì bà từng bắt gặp ông che mặt khóc, khi thấy bà quá cơ cực. Với bà, chừng đó, đã là một đền bù đáng kể rồi…”.

Vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Giác năm 2017, trước khi nhạc sĩ qua đời không lâu. Ảnh: Nguyễn Trương Quý

Nhưng rồi thời khó khăn cũng qua, chính sách văn nghệ dần dần được cởi mở hơn, gia đình nhạc sĩ Hoàng Giác được trở lại cuộc sống bình thường. Trong phần lớn thời gian, gia đình nhạc sĩ Hoàng Giác ở căn nhà số 124 Hàng Bạc và có thời gian dạy đàn guitar ở căn nhà nhỏ nằm khuất sâu sau những cửa tiệm buôn bán này. Những năm cuối đời, gia đình ông chuyển về sống tại địa chỉ 115 A8 Đầm Trấu. Mối tình đầu của cô thiếu nữ Kim Châu ngày xưa đã trở thành tình cuối và họ gắn bó với nhau cho đến trọn cả một cuộc đời.

Đông Kha

Viết một bình luận