Bài viết sau đây của tác giả Phan Khôi viết đăng báo từ 90 năm trước, tiểu luận về phong gọi xưng hô cha mẹ trong các gia đình Việt ở các miền.
Tục ta có một điều lạ lắm, nhưng vì đã quen lâu rồi, người mình coi là thường, ít ai chú ý: Ấy là, cái người đẻ ra mình, trong tiếng nói kêu bằng cha mẹ, viết ra cũng viết bằng cha mẹ, song khi đối với người ấy mà xưng hô, lại ít có gọi bằng cha mẹ, gọi những gì gì ở đâu.
Xét ra trong sự gọi chệch đi ấy, có điều là thói quen, thôi thì không đáng trách; có điều như là hữu ý, thì đáng trách lắm.
Con nhà có học, thi đỗ, làm quan hết thảy đều gọi cha bằng thầy. Gọi như vậy có ý hiểu rằng những người làm cha của những nhà ấy chẳng những có công sanh công nuôi mà thôi, lại có công dạy nữa. Chữ “thầy” ấy cũng giống như chữ “nghiêm quân” trong Hán văn.
Từ Nghệ, Tĩnh giở ra Bắc, dù đến nhà dân dã ít học, con cũng có gọi cha bằng thầy. Điều đó chứng ra rằng các miền này là đất cũ của Việt Nam, sự học phát đạt sớm, văn hóa thấm khắp từ lâu, cho nên cách xưng hô ấy đã lan ra thành tục.
Ngoài ra có những nơi gọi cha bằng bố (Bắc Kỳ), bằng tía (Nam Kỳ), bằng ba (tiếng này có lẽ bắt chước tiếng papa của Tây); gọi mẹ bằng bu, bằng đẻ, bằng u (Bắc Kỳ), bằng mệ, bằng mạ, bằng má (Trung, Nam Kỳ). Ấy đều là những tiếng gọi quen theo từng miền; gọi như thế cũng chẳng khác gì gọi cha gọi mẹ.
Còn một lối nữa là nhân vì con khó nuôi mà làm cho nó xa với cha mẹ đi, bắt nó gọi cha mẹ bằng anh chị, bằng chú thím, bằng cậu mợ, hầu cho thần thánh hay ma quỷ khỏi mó tay đến nó. Ấy là điều người ta tin nhảm mà lâu cũng thành ra tục. Ở Bắc Kỳ, đến lớp đời (génération) này, con cái nhà sang hầu hết đều gọi cha mẹ bằng cậu mợ mà không gọi bằng thầy mẹ nữa. Vợ chồng gọi nhau bằng cậu mợ, rồi con cái cũng gọi cha mẹ bằng cậu mợ, thế mà người ta không sợ lẫn lộn nhau!
Đã là cha mẹ thì gọi bằng cha mẹ là phải hơn hết. Như thế, cái tình thân ái nó nẩy ngay ra trong tiếng xưng hô. Gọi bằng thầy thì nghe nó nghiêm; mà có khi nghiêm quá cũng làm cho mất thân. Đến như gọi bằng anh chị, chú thím, cậu mợ, thì thật vô lý quá.
Đã hay rằng dù gọi anh chị, chú thím, cậu mợ, cũng vẫn hiểu là cha mẹ. Song sao lại đem cái tiếng gọi bà con mà gọi người đẻ ra mình? Chú thím, cậu mợ còn khá; đến anh chị thì làm cho cha mẹ hóa ra người bằng vai với mình mất. Gọi như thế, có nhiều khi bất tiện lắm, nhất là khi con đã lớn lên rồi, kẻ nghe có thể tưởng rằng cha mẹ nó là anh em chị em với nó thật. Ngặt một nỗi, đến khi ấy mà muốn sửa đi, lại quen lâu khó sửa nữa.
Cái lối xưng hô vô lý đó, duy có khi nào người mình trừ bỏ sự tin nhảm đi thì mới trừ bỏ được nó mà thôi.
Lại một lối nữa, đã thành hẳn ra thói quen của phần nhiều người học chữ Tây vào khoảng ba chục năm nay. Trong khi nói chuyện với ai, gặp câu đáng dùng những chữ “cha tôi, mẹ tôi” thì họ không dùng, mà lại thay bằng những mon père, ma mère, tiếng Pháp. Hình như cửa miệng họ nếu nói ra những tiếng “cha tôi, mẹ tôi” thì nó ngượng, họ không nói được! Hình như, họ dù nhìn cha mẹ họ là người chịu thương chịu khó kiếm được đồng tiền cho họ ăn đi học, nhưng mở miệng ra mà gọi “cha tôi, mẹ tôi” thì nó nhục cho họ lắm hay sao chẳng biết! Chẳng vậy thì sao trong những câu chuyện dài, họ nói bằng tiếng ta được cả, mà duy có bốn chữ “cha tôi, mẹ tôi” họ lại dùng tiếng tây?
‒ Sao về vội thế, ngồi chơi đã mà.
‒ Ấy để hôm khác. Hôm nay “mon père” đi vắng, phải về mới được.
‒ Gớm, anh mà cũng may được bộ áo quần đẹp thế?
‒ Tôi mặc thì mặc chứ thiết gì đẹp với chẳng đẹp; đây là nhờ “ma mère” chọn hàng may cho.
Ấy, cái lối nói như thế đó. Đáng gọi nó là “cái lối khỉ”! Tôi hết lòng mong cho người ta đừng dùng lối ấy nữa, vì nghe chẳng những ngượng tai mà còn đau lòng!
Lại một lối nữa, gọi cha mẹ bằng “cụ tôi”, là lối của những nhà “phú quý nảy”.
Ngày xưa, các nhà thế gia xứ ta, cũng như các nhà quý phái bên Tây, họ có những cái nền nếp riêng của họ mà có lẽ ngày nay ít ai biết đến. Bấy giờ những nhà lễ nghĩa, sang trọng dù cha làm quan lớn, cả tước lẫn xỉ đều tôn, thiên hạ đều gọi bằng cụ, là con cái trong nhà, đối với ai mà xưng, cũng cứ gọi bằng “thầy, tôi”. Như thế là một cái dấu nhã nhặn lắm, tỏ ra rằng nhà mình không vì giàu sang mà lên mặt, vẫn giữ được cái bản sắc bình dân; lại cái thiên tính chí thân là cái thiên tính cha con, cũng không vì sự giàu sang mà nhạt đi chút nào dù đến trong khi kêu gọi. Ai đã được hầu chuyện quan Án Nguyễn Duy Nhiếp, con cụ Kim Giang ngày xưa và quan tổng đốc Hoàng Mạnh Trí con cụ Quận Hoàng hiện giờ thì phải làm chứng mấy lời trên này là thật.
Từ có những ông không phải thế gia mà nổi lên phú quý, như mấy ông thầu khoán chẳng hạn, bao nhiêu những cái nền nếp thế gia họ đều không thạo, thành thử có những sự lố bịch buồn cười; mà những sự lố bịch ấy khi nó dần dần thành ra phong tục trong xã hội, lại không còn buồn cười nữa mà đáng thương!
Họ gọi cha mẹ họ bằng “cụ tôi” trong khi đối với người ngoài. Gọi như thế, không được. Bởi vì “cụ” là tiếng tôn xưng của xã hội ta, cái phần việc của nó là để cho chúng tôi dùng mà xưng nhà ông, chứ nhà ông dùng mà tự xưng cho nhau, lại đối với chúng tôi, thì sai cả ý và nghĩa. Cụ thì là cụ, chứ sao lại “cụ tôi”? Cha của ông thì ông nên gọi bằng cha, không thì bằng thầy; sao ông lại chiếm cái chữ đáng để riêng cho chúng tôi dùng mà đem dùng bướng? Tuy vậy, mấy ông thầu khoán có hề biết đến cái nghĩa ấy bao giờ!
Chính tại các ông ấy lố bịch mà rồi nhiều người cũng bắt chước thành lố bịch, tưởng gọi như thế là sang. Kỳ thực không phải là sang, là lố bịch!
Ước gì trong nước ta con cái cứ gọi cha mẹ bằng cha mẹ hết thảy, bất kỳ hạng người nào, thì về phương diện phong hóa có lẽ cũng là một điềm khá.
Phan Khôi – 1933