Trước khi tìm hiểu về kiến trúc Art Deco và các tòa nhà được xây dựng thời Pháp thuộc mang phong cách kiến trúc Art Deco ở Sài Gòn, mời các bạn xem lại hình ảnh 3 tòa nhà sau đây, được xây dựng ở Sài Gòn thời gian từ thập niên 1930 tới đầu thập niên 1950, với kiến trúc rất giống nhau:
Hình bên trên là tòa nhà Hải Quân Pháp (bâtiment de la Marine nationale) nằm trên đại lộ Norodom, được đưa vào sử dụng năm 1938. Từ sau năm 1955, nơi đây trở thành Phủ thủ tướng trên đại lộ Thống Nhứt, ngày nay là Văn phòng Chính phủ trên đường Lê Duẩn.
Còn đây là cư xá nhân viên Hãng xăng Shell, được xây dựng khoảng năm 1952. Hình này chụp mặt sau của tòa nhà, hình chụp từ phía đường Trương Minh Giảng (nay là Trần Quốc Thảo). Tòa nhà này hiện nay thuộc khu vực Nhà khách T78 Văn phòng Trung ương Đảng, địa chỉ cổng vào tại 145 Lý Chính Thắng.
Có thể thấy 2 tòa nhà bên trên giống nhau tới 80%, nên có nhiều người nhầm tưởng 2 cái là 1.
Còn hình trên là bệnh viện Mắt trên đường Điện Biên Phủ. Ban đầu, tòa nhà này tên là dưỡng đường Saint-Paul (Clinique Saint Paul), nằm trên đường Lеgrand dе la Lirayе (từ 1955-1975 là đường Phan Thanh Giản), được khánh thành ngày 19/12/1938.
Có thể thấy 3 tòa nhà được nhắc bên trên có kiến trúc giống nhau, cùng có 2 tháp cầu thang hình trụ đồ sộ rất dễ nhận thấy ở mặt tiền. Cả 3 tòa nhà này vẫn còn được sử dụng cho tới nay, và đều đại diện cho một phong cách kiến trúc xuất phát từ Pháp được gọi là Art Deco, là kiến trúc hiện đại thịnh hành ở Châu Âu những năm 1910-1920, và ở Việt Nam từ thập niên 1920-1930 (cùng thời điểm với sự thịnh hành kiến trúc Art Deco tại Hoa Kỳ).
Trước khi Art Deco xuất hiện, hầu hết các tòa nhà do Pháp xây dựng ở khắp Đông Dương đều mang phong cách tân cổ điển, đặc biệt là sự phổ biến của kiến trúc Beaux-Arts (một phong cách kiến trúc hàn lâm được giảng dạy tại École des Beaux-Arts ở Paris). Các tòa nhà ở Sài Gòn có kiến trúc Beaux-Arts tiêu biểu là Theatre Municipal (Nhà Hát Sài Gòn) và các công trình của Kiến trúc sư Foulhoux là Tòa Pháp Đình, Dinh Gia Long, Dinh Thượng Thơ…
Art Deco xuất phát từ Paris, trở thành một trào lưu kiến trúc mới, dựa trên cơ sở thẩm mỹ lập thể, sử dụng chủ yếu những khối hình kinh điển trong bố cục không gian. Phong cách này không còn tính đối xứng nghiêm ngặt và loại bỏ đi sự rườm rà nệ cổ trong các chi tiết của kiến trúc Tân Cổ điển rất thịnh hành trước đó. Ý tưởng thiết kế mới này hoàn toàn phù hợp với những công trình kinh tế mang tính công năng cao, nên nhanh chóng có được sự đón nhận nhiệt tình của các nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội và Sài Gòn lúc bấy giờ. Vì vậy nó nhanh chóng thịnh hành, lan rất nhanh tới vùng viễn Đông.
Tòa nhà đầu tiên ở Việt Nam có phong cách Art Deco có thể kể tới là Tòa nhà Catinat nằm ở chính diện ngã tư Catinat – de La Grandière (sau 1955 là Tự Do – Gia Long), nay là Đồng Khởi – Lý Tự Trọng, như trong hình sau đây:
Tòa nhà được khánh thành năm 1927, ban đầu thuộc sở hữu của công ty Đất nền Đô thị Đông Dương (SUFI). Kiến trúc tòa nhà có góc cong rộng với các mảng tường chạy dọc đơn giản, không cầu kỳ như phong cách Beaux-Arts.
Một tòa nhà chung cư khác được xây sau đó 2 năm (1929), cũng theo phong cách Art Deco tuyệt đẹp gần giống với tòa nhà trên, nằm ở số 216 Catinat (nay là 213 Đồng Khởi), ở ngay góc đường Catinat – d’Espagne (nay là Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn), nằm sát với Tòa Đô Chánh bên đường Lê Thánh Tôn. Một số hình ảnh tòa nhà này:
–
Hình ảnh dựng 3D của ĐQT về tòa nhà này:
Từ năm 2014, tòa nhà này bị đậρ bỏ để xây dựng thành một khối nhà gắn chung νàᴏ trụ sở UBND TP (tức Tòa Đô Chánh cũ) νới cùng một kiến trúc cũ để mở rộng chiều ngang của tòa nhà hơn 100 năm tuổi này.
Hai tòa chung cư kể trên được xem là những tòa nhà đầu tiên ở Sài Gòn mang phong cách kiến trúc Art Deco, cùng được xây dựng trong những năm cuối thập niên 1920. Cũng trong khoảng thời gian này, phong cách kiến trúc Art Deco bắt đầu được áp dụng ở Hà Nội, tiêu biểu là Nhà in IDEO trên rue Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), ngân hàng Pháp – Hoa ở góc phố Ngô Quyền – Tràng Tiền ngày nay… đặc biệt là tòa nhà Ngân Hàng Đông Dương trên đại lộ Courbet (nay là phố Lý Thái Tổ), được thiết kế năm 1923 theo phong cách tân cổ điển, nhưng tới khi được xây năm 1928 thì được sửa lại theo phong cách Art Deco.
Kiến trúc Art Deco bắt đầu phổ biến mạnh mẽ ở Việt Nam sau đó 10 năm, tức là cuối thập niên 1930. Trong cùng năm 1938, có 2 tòa nhà tiêu biểu theo phong cách này được khánh thành, đó là tòa nhà Hải Quân Pháp (bâtiment de la Marine nationale) nằm trên đại lộ Norodom, và Cliniquе Saint-Paul, nằm trên đường Lеgrand dе la Lirayе, như đã nhắc tới bên trên.
Cliniquе Saint-Paul có nghĩa là Bệnh viện Saint-Paul, dưỡng đường Saint-Paul, hoặc Bệnh xá Saint-Paul.
Tiền thân của bệnh viện này vốn là một dưỡng đường tên là Angiеr (Cliniquе Angiеr) hoạt động từ năm 1908 của bác sĩ Henry Angier de Lohéac thành lập cùng các nữ tu dòng thánh Phao Lô. Dưỡng đường này nằm ở khu vực gần cảng Ba Son, sát Thảo Cầm Viên), đầu đường Rousseau (Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay), đâu lưng lại với tu viện La Sainte Enfance (sau này đổi tên thành tu viện Saint Paul) do Nguyễn Trường Tộ xây dựng từ năm 1862.
Năm 1936, bác sĩ Angier qua đời, để tưởng nhớ ông, chính quyền thành phố cắt đoạn đầu đường Rousseau để đặt tên là đường Docteur Angier. Cũng trong năm này, các nữ tu dòng thánh Phao Lô quyết định thành lập dưỡng đường Saint Paul tại số 280 Lеgrand dе la Lirayе, tức Bệnh viện Mắt ngày nay.
Dưỡng đường Saint Paul được xây dựng bởi Société Indochinoise d’Études et de Constructions (SIDEC), là một trong những công ty xây dựng hàng đầu ở thuộc địa, theo thiết kế của kiến trúc sư Louis Chauchon với phong cách Art Deco nhấn mạnh phương ngang, các cánh tòa nhà kéo dài rồi kết thúc ở mặt đường bằng một góc bo cong lớn.
Tòa nhà có hình chữ U, đầu hai cánh uốn vòng là nơi đặt giường bệnh với hàng cửa chớp giảm ánh nắng để được luôn mát mẻ; kiến trúc tòa dưỡng đường lúc bấy giờ nổi tiếng là thanh lịch, hiện đại.
Dưỡng đường Saint-Paul thuộc tư nhân, hoạt động từ 1938 cho đến tận năm 1975 thì bị quốc hữu hóa, sau đó được chuyển thành Bệnh viện Mắt như hiện nay.
Cùng trong năm 1938, kiến trúc sư Paul Veysseyre đã thiết kế Tòa nhà Hải Quân Pháp (bâtiment de la Marine nationale) nằm trên đại lộ Norodom (nay vẫn còn ở số 7 Lê Duẩn, gần Thảo Cầm Viên) theo phong cách Art Deco. Paul Veysseyre có thành lập văn phòng kiến trúc ở Sài Gòn từ năm 1934, đã thiết kế và thi công nhiều công trình kiến trúc chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, và Tòa nhà Hải quân là một trong những công trình đầu tiên trong số đó.
Thiết kế của công ty Veysseyre đã giành giải nhất trong một cuộc thi thiết kế và sau đó ông nhận được hợp đồng hoàn thiện cùng giám sát xây dựng tòa nhà này.
Tòa nhà Hải quân Pháp là một công trình nhấn mạnh phương vị ngang với các lan can bảo vệ đồ sộ, nổi bật với các dãy hành lang ngoài nằm dọc tòa nhà. Tòa nhà mang phong cách hiện đại tinh giản với các góc cong nhẹ nhàng dọc theo ban công dài cùng với các ô tròn thông gió. Các tháp cầu thang bo cong gắn một mạng lưới ô thông gió hiện đại.
Tòa nhà có tông màu ấm, được trang trí bằng các đường rãnh giao nhau mô phỏng những mảng gạch ốp, là đặc điểm chính của các tòa nhà theo phong cách Art Deco của kiến trúc sư Veysseyre ở Sài Gòn.
Từ năm 1952, tòa nhà này được Công ty Dầu khí Shell tiếp quản để làm nhà ở cho nhân viên ở tạm trong lúc chờ xây một tòa nhà khác bên đường Eyriaud des Vergnes. Đến năm 1955, tòa nhà này trở thành văn phòng của Thủ tướng VNCH. Từ sau năm 1975, nơi này trở thành văn phòng chính phủ ở số 7 Lê Duẩn.
Như đã nói bên trên, từ năm 1952 có một tòa nhà chung cư khác được xây dựng dành cho nhân viên Công ty Shell, đáng nói là nó giống tới 80% tòa nhà bên đường Norodom (Lê Duẩn), nằm bên đường Eyriaud des Vergnes (nay vẫn còn ở số 78 Trần Quốc Thảo). Dưới đây là hình ảnh tòa nhà này.
Khi tòa nhà này được xây dựng thì kiến trúc sư Veysseyre đã trở về Pháp, nên có thể nó được thiết kế bởi công ty kế tục hãng thiết kế của Veysseyre trước đó.
Đây được coi là một trong những tòa nhà sau cùng mang phong cách Art Deco ở Sài Gòn, vì sau đó kiến trúc Sài Gòn chuyển sang một giai đoạn mới, do các kiến trúc sư người Việt Nam đảm trách.
Tòa nhà này hiện nay thuộc khu vực Nhà khách T78 Văn phòng Trung ương Đảng, địa chỉ cổng vào tại 145 Lý Chính Thắng.
Phong cách kiến trúc Art Deco ở Sài Gòn không chỉ hiện diện trong các tòa nhà được xây dựng thời kỳ thập niên 1930 đến 1950, mà còn ở trong các tòa nhà đã được xây vào thế kỷ 19 hoặc những năm đầu thế kỷ 20, sau đó được sửa lại.
Việc sửa chữa tòa nhà để thay đổi phong cách kiến trúc đặc biệt diễn ra mạnh mẽ từ đầu thập niên 1940 dưới thời Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux, ông đã ra lệnh thay đổi, phá bỏ toàn bộ những đường nét cổ điển tại các dinh thự, tòa nhà lớn ở khắp Việt Nam mà ông cho là lỗi thời, không đúng tiêu chí của chính phủ Vichy. Sau đây là các tòa nhà bị ảnh hưởng bởi quyết định đó:
Langbian Palace (nay là Dalat Palace) ở Đà Lạt:
Kiến trúc nguyên thủy:
Kiến trúc Art Deco sau khi sửa lại:
Thương xá TAX (GMC) tại ngã tư Bonard – Charner (nay là Lê Lợi – Nguyễn Huệ):
Kiến trúc nguyên thủy xây năm 1921:
Kiến trúc sửa lại theo phong cách Art Deco:
Tòa nhà Godard (Grands Magasins Reunis) ở rue Paul Bert (nay là Tràng Tiền Plaza trên phố Tràng Tiền):
Kiến trúc nguyên thủy:
Sau khi sửa lại:
Tòa nhà Lacaze, cũng nằm ở đường Paul Bert, ngay đối diện Tòa nhà Godard:
Rạp Eden Cinema trên đường Paul Bert ở Hà Nội, nay là rạp Công Nhân trên phố Tràng Tiền.
Kiến trúc nguyên thủy:
Sau khi sửa lại:
Ngoài ra còn có thể kể đến khách sạn Majestic được xây năm 1925 theo phong cách Art Nouveau, nhưng đến tận năm 1965 mới được sửa chữa cải tạo theo phong cách Art Deco theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ:
Hoặc là Theatre Municipal (Nhà Hát Sài Gòn) được sửa lại để thành Tòa nhà Quốc Hội năm 1955:
Khởi nguyên của kiến trúc hiện đại từ Art Deco
theo tác giả Mel Schenck, nguồn gốc của kiến trúc hiện đại Việt Nam là phong cách Art Deco. Ở Châu Âu, những năm 1910-1920, Art Deco phát triển cùng lúc với phong cách hiện đại thuần túy được khởi xướng bởi Walter Gropius, Ludwig Mies van der Rohe và Le Corbusier. Nhiều kiến trúc sư Châu Âu đã áp dụng phong cách Art Deco như một bước chuyển tiếp sang kiến trúc hiện đại, để đần thoát khỏi chủ nghĩa chiết trung của thế kỷ 19 và phá bỏ các quy tắc Tân cổ điển trong mảng biệt thự nói riêng, qua đó phản ánh cuộc dấud tranh gay gắt giữa cái cũ và cái mới.
Tính ngẫu nhiên và tự phát trong lối trang trí của trường phái Art Nouveau ở Châu Âu vào thời điểm chuyển giao thế kỷ đã mở đường cho Art Deco hình thành. Đặc trưng của phong cách Art Nouveau là những đường nét uốn lượn của cỏ cây, đòi hỏi phải có các nghệ nhân lành nghề thực hiện, mang tính trang trí hơn là kiến trúc. Các chi tiết trang trí bao phủ cấu trúc gợi lên sự chuyển động và nhịp điệu của các dạng thức hữu cơ khiến cho các tòa nhà trở nên bất đối xứng. Những tòa nhà mang phong cách Art Nouveau tiêu biểu ở Sài Gòn là Majestic (kiến trúc ban đầu) và tòa nhà Hui Bon Hoa bên đường Phó Đức Chính (nay là bảo tàng Mỹ Thuật).
Art Deco đã thoát ly khỏi phong cách Art Nouveau bằng cách tiết chế hoặc loại bỏ hẳn phần trang trí ứng dụng. Đặc trưng của kiến trúc Art Deco là các dạng hình học đơn giản làm cơ sở cho bố cục, thường được bo trọn ở các góc hoặc có chi tiết tròn ở trung tâm như cầu thang. Bề mặt tường ngoài thường trái vôi vữa trắng mịn cùng phần mái bằng. Các nhà thiết kế thêm các thành phần chức năng vào mặt tiền, thường là các ô văng nằm ngang hoặc mái cong “lông mày” trên cửa sổ.
Phương vị ngang được nhấn mạnh, thường là qua những đường ngang rõ nét. Đặc biệt, các căn biệt thự thường không đối xứng và có các khoảng lùi đặc trưng ở tầng trên cùng với khoảng hiên rộng. Các tòa nhà lớn thì thường có các tháp nhỏ ở dạng tầng bậc ziggurat.
Vào những năm 1930, như một cách phản ứng lại với kiến trúc hiện đại, phong cách Art Deco ở Mỹ và Ấn Độ xuất hiện thêm nhiều chi tiết hay phù điêu trang trí.
chuyenxua.net biên soạn