Một trong những nét kiến trúc đại diện cho thành phố sương mù Đà Lạt chính là những tòa biệt thự cổ Đà Lạt. Với kiến trúc mang phong cách Âu Châu cùng với các yếu tố kiến trúc phù hợp với thời tiết, cảnh quan Đà Lạt, những căn biệt thự cổ ở đây đem lại cảm giác mãnh liệt về vẻ đẹp “một thời hoàng kim”, vẻ đẹp về một thời đại của Đà Lạt đang dần bị lãng quên.
Thành phố Đà Lạt hiện đang lưu giữ, tôn tạo hơn 2000 ngôi biệt thự cổ, và phố núi thơ mộng này được ví như “bảo tàng kiến trúc quốc gia”. Ngoài những kiến trúc nổi tiếng, là những công thự là Nhà thờ Con Gà, Cao đẳng sư phạm, Ga Đà Lạt, Dinh Bảo Đại… Đà Lạt còn có những biệt thự ẩn hiện trong nhiều con đường rợp bóng thông xanh, vừa ma mị vừa mang sức hút kỳ lạ đối với du khách.
Ngày nay, những biệt thự cổ ở Đà Lạt được gọi chung là “biệt thự Pháp”. Cách nói này không hoàn toàn đúng nếu nó mang ý nghĩa là biệt thự được xây theo phong cách Pháp. Thực tế, biệt thự cổ Đà Lạt có kiểu dáng hết sức đa dạng, không chỉ có biệt thự mang phong cách của nước Pháp mà còn nhiều công trình khác mang ảnh hưởng từ kiến trúc Trung Âu, Bắc Âu, phong cách vùng Scandinavia, vùng Alps, vùng Normandie, và cả phong cách chiết trung, giao thoa giữa Á-Âu. Vì vậy, khi nói biệt thự Pháp ở Đà Lạt, người ta muốn nói đến những công trình kiến trúc – bao gồm cả công thự và dinh thự – được xây vào thời kỳ Việt Nam thuộc Pháp, đa số là khoảng thập niên 1930-1940.
Dù là ảnh hưởng từ phong xách kiến trúc nào thì biệt thự cổ ở Đà Lạt thường có mái dốc, ống khói và cửa sổ mái. Do Đà Lạt mưa nhiều và lạnh nên mái dốc và tường đá dày là hai “chất liệu” người Pháp kết hợp từ đặc trưng Đà Lạt vào các công trình kiến trúc. Ngoài những đặc trưng chung đó thì hầu hết các biệt thự cổ đều có những cách điệu riêng để thể hiện cá tính của gia tộc chủ sở hữu.
Hầu hết những du khách đến Đà Lạt đều thấy ấn tượng với những căn biệt thự cổ tại đây. Dù hàng trăm năm đã qua, vẻ đẹp của những biệt thự đó vẫn trường tồn, nó như là hiện thân của sự huyền bí lẫn kỳ vĩ vì mang trên mình nhiều dấu tích được khắc lên bởi thời gian.
Sự hình thành của biệt thự cổ Đà Lạt gắn liền với lịch sử Đà Lạt thuở ban đầu, khi vùng đất này được những nhà quy hoạch người Pháp tạo dựng nên. Bài viết này sẽ vén bức màn thời gian để nhìn về thời quá khứ xa xôi đó, khi những biệt thự đầu tiên được mọc lên ở Đà Lạt.
Những năm đầu thế kỷ 20, Đà Lạt được khởi đầu chỉ với 19 căn nhà gỗ, trong đó nhiều cái chưa dựng xong.
Một trong số đó dành cho thị trưởng Đà Lạt đầu tiên là Paul Champoudry. Công việc của Paul Champoudry lúc đó chủ yếu chỉ là… tưởng tượng, tức là phác thảo ra một đô thị tương lai vốn chỉ bắt đầu từ con số 0.
Champoudry từng là ủy viên hội đồng thành phố Paris những năm 1894-1895. Ông là người giám sát việc thi công đường tàu điện ngầm và những công trình chuẩn bị cho Hội chợ quốc tế Paris 1900. Đến nhậm chức ở Đông Dương, ông là người xây dựng đồ án quy hoạch đầu tiên của Đà Lạt lúc đó vẫn là một “sa mạc bao la” của rừng thông và cỏ hoang.
Trong phác thảo đồ án năm 1905, Champoudry đã nêu lên những vấn đề đầu tiên về kiến trúc đô thị ở Đà Lạt. Theo ông, “nếu người ta muốn xây dựng một thành phố có cá tính độc đáo qua các kiến trúc đa dạng, thì phải ủy thác cho nhiều kiến trúc sư khác nhau. Một kiến trúc sư duy nhất không tránh khỏi sẽ mang lại sự đơn điệu đáng tiếc về phong cách”.
Đò án của Paul Champoudry được Toàn quyền Đông Dương duyệt năm 1906, nhưng chỉ được thực thi một phần thì bị ngưng trệ vì thiếu kinh phí trầm trọng và sự thiếu nhất quán trong chính sách của chính quyền ở thuộc địa. Đà Lạt đứng trước nguy cơ bị chìm vào quên lãng.
Tuy nhiên sau đại chiến thế giới thứ nhất, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut đã bày tỏ mong muốn biến Đà Lạt trở thành điểm nghỉ mát trên cao số 1 của Đông Dương. Năm 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt.
Đồ án năm 1923 của Hébrard, trong đó việc quy định về mặt kiến trúc đã có sự đối lập với mong muốn trước đó của Paul Champoudry. Hébrard mong muốn có sự thống nhất tuyệt đối về phong cách xây dựng, tạo ra một hệ thống kiến trúc được cho là hiện thân của lý trí khoa học và dung nạp văn hóa, hàm ý một sự cân bằng hoàn hảo giữa quá khứ và tương lai, mỹ học và công nghiệp, nghệ thuật cao và tính chất bản địa. Điều đó có nghĩa là sẽ kiểm soát không chỉ những công thự vốn nằm trong phạm vi trách nhiệm của ông, mà cả những ngôi biệt thự tư nhân nữa.
Vì muốn có sự đồng nhất tuyệt đối và kiến trúc nên Hébrard cự tuyệt quan điểm không can thiệp và cho phép nhiều phong cách đa dạng của Champoudry.
Quy hoạch năm 1923 của Hébrard đề nghị rằng “để tránh sự xấu xí du nhập vào Đà Lạt, các ngôi biệt thự nên dựa trên những sơ đồ do chính quyền cung cấp, kèm theo các cam kết là phải thực hiện đúng theo đó. Có thể dễ dàng thiết kế nhiều kiểu nhà khác nhau, và các thầu khoán sẽ xây dựng những biệt thự đúng tiêu chuẩn này với chi phí đã ấn định trước. Hệ thống này đã thành công tại Welwyn City, gần London”. Hébrard lập luận rằng những chủ biệt thự có quyền trông đợi những hàng xóm tương lai xây những ngôi biệt thự tương tự như của họ.
Năm 1925, Hébrard còn đệ trình một loạt thiết kế cho Ủy ban vệ sinh công cộng của Đà Lạt, trong đó nhiều bản vẽ những ngôi nhà chấp nhận được về phương diện vệ sinh và thẩm mỹ đã được phân phát cho các công ty xây dựng và bất động sản.
Đồ án quy hoạch Đà Lạt của Hébrard được áp dụng gần 10 năm thì tình hình có nhiều biến đổi. Cuộc khủng hoảng năm 1933-1935 xảy ra, tình hình kinh tế tài chính khó khăn khiến người ta phải xem xét lại giá trị áp dụng của đồ án Hébrard. Vì lý do kinh tế, việc thực hiện đồ án đầy tham vọng của Hébrard rất tốn kém, nên cần có một đồ án chỉnh trang mới, chính xác, cụ thể hơn, kèm theo những quy định có hiệu lực pháp lý để hướng dẫn mọi công tác xây dựng, nhất là những sáng kiến tư nhân khi họ có yêu cầu xây dựng công trình, nhà cửa.
Vào năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau (1898 – 1987) trình bày một nghiên cứu mới về “Chỉnh trang thành phố Đà Lạt” có quan niệm thực tế hơn Hébrard: Trước mắt Đà Lạt chưa là thủ đô hành chính hay là thủ đô nghỉ hè của Đông Dương, chương trình phát triển đựợc giới hạn lại, chỉ chỉnh trang một nơi nghỉ dưỡng với mức phát triển tương đối vừa phải.
Trong thời kỳ này, vô số những ngôi biệt thự được mọc lên ở Đà Lạt, khi đó thì đồ án của Hébrard đã xếp lại, còn đồ án của người quy hoạch tiếp theo là Pineau đã ưu tiên phong cách Pháp cho những biệt thự tư nhân, còn các công thự thì ưa chuộng phong cách hiện đại. Pineau đã ghi lại như sau:
“Kiến trúc nào sẽ được lựa chọn cho Đà Lạt? Không có gì nghi ngờ, câu trả lời sẽ là phong cách Châu Âu, và dĩ nhiên là Pháp, đến mức độ người ta thậm chí có thể nhận ra một trường phái kiến trúc hoàn toàn Pháp. Có một thực tế về địa lý nhân văn là khi một người đi xa, người ta mang theo bên mình hình ảnh về nơi đã từng sống…”
Phong cách đa dạng, không kiểm soát của kiến trúc ở Đà Lạt không đưa đến sự hỗn loạn quá lớn như sự lo lắng của Hébrard, mà ngược lại, kiểu dáng đa dạng của những biệt thự Đà Lạt đã trở nên độc đáo và nổi tiếng cho đến tận ngày nay.
Một câu hỏi thú vị mà nhiều người quan tâm, đó là các biệt thự Đà Lạt được xây dựng ra sao? Trong hồ sơ giấy tờ của Paul Veysseyre, một trong những kiến trúc sư chính làm việc ở Đà Lạt vào cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940 (là nhà thiết kế của nhiều công trình tôn giáo và hơn 50 biệt thự ở Đà Lạt, trong đó có 2 dinh Bảo Đại), người ta tìm thấy những quyển sách nhỏ, hình cắt từ báo chí, những mẩu quảng cáo từ những tạp chí kiến trúc thời đó. Chắc chắn là ông kiến trúc sư này đã đưa chúng cho khách hàng xem để lựa ra một mẫu nhà ưng ý nhất trong số những thiết kế mới nhất, bao gồm những phong cách vùng miền, và những biệt thự mùa hè ở Côte d’Azur.
Từ tài liệu này cho thấy, các thiết kế biệt thự của Đà Lạt dựa trên các phong cách kiến trúc đa dạng, chứ không đơn thuần là bắt chước những thiết kế ở Pháp.
Ngày nay, người ta vẫn còn thấy lại những biệt thự cổ mang phong cách Trung Âu hoặc Bắc Âu. Phong cách biệt thự Berghaus tìm thấy sự tương đồng nào đó trong hình dáng cong tròn tao nhã của Lycee Yersin (nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) và ngọn tháp chuông thanh thoát của nó.
Trong một tài liệu viết năm 1943, Claude Perrens đã ví kiến trúc của Lycee Yersin với tháp chuông của tòa thị chính Stockholm (Thụy Điển). Sự giống nhau quả là đáng kinh ngạc. Sự song hành của phong cách Scandinavia và Bắc Âu được lặp lại nhiều lần.
Suzanne Coussillan – người đã ở Đà Lạt năm 1946, kể lại rằng nơi này gợi nhớ Thụy Sĩ, hay thậm chí là Na Uy. Sở dĩ như vậy là vì nhà quy hoạch Pineau có quan hệ mật thiết với mạng lưới những kiến trúc sư đến từ Đức, Hà Lan và Thuy Sĩ. Ông đã nhờ các đồng nghiệp này gởi những ấn phẩm của họ đến Đông Dương.
Không phải tất cả những ngôi biệt thự ở Đà Lạt đều thuộc sở hữu tư nhân. Nhiều chi nhánh của các cơ quan chính quyền thuộc địa ở Sài Gòn lẫn Hà Nội đã mua và xây dựng các dinh thự nghỉ mát cho nhân viên của mình.
Sang đầu thập niên 1940, nước Pháp và Đông Dương dưới sự kiểm soát của chính thể Vichy (chính phủ phe Trục), là thời mà Đà Lạt có sự quay lại với lối quy hoạch tập trung cứng nhắc kiểu Hébrard, vì chính thế mới cho rằng không tìm thấy cá tính riêng của Đà Lạt, mà chỉ là sự sao chép, bắt chước phong cách của nhiều nơi ghép lại.
Năm 1942, vùng ngoại ô phía Bắc Đà Lạt xuất hiện một phân khu được quy hoạch xây dựng một khu cư xá, đặt tên là Cư xá hoa viên Đô đốc Decoux (theo tên của Toàn quyền Đông Dương chính phủ Vichy lúc đó), là những biệt thự liền kề quy mô nhỏ dành cho những người Âu châu trước đó đã bị gạt ra khỏi Đà Lạt vì không có khả năng trả tiền khách sạn hoặc mua một biệt thự riêng.
Khu nhà theo kiểu khu đô thị hiện nay, những ngôi nhà nằm liền kể nhau gợi nhớ về những ngôi nhà mái dốc vùng Alps, nằm ở khu vực gần trường Đại học Yersin ngày nay (trước 1975 là trường trung học Trần Hưng Đạo). Đó là những ngôi nhà được gọi là “đơn giản mà tao nhã, được quy hoạch hoàn hảo, và được trang bị đơn sơ” dành cho những người da trắng nghèo ở Đông Dương.
Cũng trong thời kỳ chính thể Vichy, những kiến trúc sư người Việt bắt đầu thiết kế và xây dựng thêm nhiều biệt thự ở Đà Lạt, nổi tiếng nhất trong số đó là Phạm Nguyên Mậu. Công luận lúc đó khen ông là người đã xây dựng những công trình vững chắc, với phần hoàn thiện trang nhã, trái ngược với một vài biệt thự được xây dựng một cách chắp vá trước đó vì thiếu kinh phí.
Nhắc tới những biệt thự cổ ở Đà Lạt, không thể không nhắc đến ngôi biệt thự có thể xem là nổi tiếng nhất và lâu năm nhất còn lại, được biết đến với cái tên dinh tỉnh trưởng Đà Lạt, là tư dinh của những người đứng đầu Đà Lạt. Thời thập niên 1950, nơi này thuộc về ông thị trưởng Đà Lạt, kiêm tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức, nên từ đó thường được gọi là Dinh Tỉnh Trưởng.
Dinh nằm trên một ngọn đồi cách chợ Đà Lạt chỉ vài trăm mét theo đường chim bay, cuối đường Lý Tự Trọng hiện nay. Từ trên dinh có thể nhìn bao quát được gần trọn vẹn thành phố mộng mơ.
Được xây dựng theo phong cách Pháp với một tòa dinh thự đồ sộ 2 tầng lầu và một tầng trệt. Dinh Tỉnh Trưởng là một trong những kiến trúc được người Pháp xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt (từ trước năm 1910), đến nay đã tồn tại hơn 100 năm đang nằm khiêm tốn, lạc lõng trước những toà nhà hiện đại với lối kiến trúc pha tạp.
Tầng trên cửa sổ mở ra 4 hướng: phía nam nhìn ra khu chợ và khu người Việt, phía bắc nhìn lên hướng núi Lang Biang, phía đông nhìn xuống hồ, phía tây nhìn sang phía đồi ấp Mỹ Lộc. Một thời, nơi đây từng là Bảo tàng Lâm Đồng. Khi bảo tàng dời về đường Hùng Vương (P.10, Đà Lạt), thì dinh bị bỏ hoang phế.
Một thời, nơi đây từng là Bảo tàng Lâm Đồng nhưng sau đó lại bị bỏ hoang phế khi bảo tàng dời về đường Hùng Vương (P.10, Đà Lạt). Đến năm 2011, tỉnh Lâm Đồng có chủ trương giao cho một nhà đầu tư tôn tạo công trình để khai thác kinh doanh, nhưng họ lại không thực hiện.
Năm 2019, ba phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được trưng bày và vấp phải nhiều sự phản đối từ dư luận.
Đến tháng 10 năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chọn phương án nâng dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt lên 28 m so với vị trí ban đầu, đồng thời xây dựng tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị 1.500 chỗ. Tuy nhiên phương án này tiếp tục bị nhiều người phản đối vì không bảo tồn được nguyên vẹn di sản độc đáo này, và cũng là mảng xanh duy nhất còn lại ở khu vực trung tâm Đà Lạt.
Mỗi căn biệt thự dường như đều có một “số mệnh” riêng từ khi sinh ra, có những căn bị nhà nước trưng dụng làm văn phòng, một số khác trở thành resort, vài căn bị bỏ hoang, rất ít căn thuộc sở hữu tư nhân và rất nhiều biệt thự vẫn còn “long đong” chưa được “định đoạt”.
–
Những trục đường chính có nhiều biệt thự cổ Đà Lạt gồm: Trần Hưng Đạo (khu Cadasa resort), đường Hoàng Diệu, đường Trần Bình Trọng (bao gồm cả khu biệt điện Trần Lệ Xuân) và một số đường hẻm dốc khác.
Những khu có biệt thự cổ đẹp nhất Đà Lạt còn đến hiện nay là Anna Mandara Dalat resort, Cadasa resort, khu biệt điện Trần Lệ Xuân và trung tâm lưu trữ quốc gia IV.
–
Một số hình ảnh khác của khu biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo (Cadasa resort)
Một số hình ảnh của Biệt điện Trần Lệ Xuân:
Khu biệt điện Trần Lệ Xuân có 3 biệt thự tuyệt đẹp là Hồng Ngọc, Lam Ngọc (có nơi gọi là Lâm Ngọc), Bạch Ngọc và khu vườn Nhật Bản lúc nào cũng xanh mướt cỏ cây.
Nằm ở số 2 đường Yết Kiêu, xung quanh là khu hành chính của công an thành phố, biệt điện Trần Lệ Xuân hơi “ẩn mình” so với nhiều điểm du lịch khác. Nơi này vắng vẻ so với những điểm du lịch mới nổi, trong khi khu biệt điện này mang vẻ đẹp rất trang nhã.
–
–
–
–
Với khuôn viên rộng 13.000 m2, khu biệt điện bao gồm biệt thự Bạch Ngọc với hồ bơi nước nóng hiện đại, biệt thự Lâm Ngọc nằm bên vườn hoa Nhật Bản và Hồng Ngọc với view toàn cảnh thành phố Đà Lạt xinh đẹp, trong đó biệt thự Lam Ngọc còn được trang bị hầm trú ẩn và đường hầm thoát hiểm riêng. Khu biệt điện được trùng tu và mở cửa lại vào năm 2008 và đồng thời trở thành trung tâm lưu trữ quốc gia IV.
–
Nơi đẹp nhất trong khu biệt điện này có lẽ là vườn hoa Nhật Bản với sự chăm chút tỉ mỉ và đặc biệt là hồ nước thiết kế thành bản đồ hình chữ S của Việt Nam. Biệt thự Lam Ngọc nằm bên khu vườn này với cổng hoa rực rỡ sắc màu đẹp không kém gì những biệt thự của Âu châu.
–
–
Hình ảnh khu biệt thự cổ Lê Lai (Ana Mandara Dalat Resort):
Một số hình ảnh của Lang-Bian Palace từ thập niên 1920. Sau năm 1954 đổi lại thành Dalat Palace:
–
chuyenxua.net biên soạn